SỐ 92 - THÁNG 10 NĂM 2021

THIỆN

Tôi được bà chủ nhận nuôi từ khi mới hơn 2 tháng tuổi sau khi mẹ tôi bị bọn trộm chó câu mất. Tôi vẫn nhớ như in buổi chiều tối nhá nhem hôm ấy, mẹ tôi đang nằm ngoài hiên nhà cho mấy anh em tôi bú sữa, thấy chiếc xe máy chở 2 người đàn ông lượn qua lượn lại trước ngõ, mẹ tôi quan sát rồi chạy ra cổng, 4 anh em chúng tôi ngơ ngác nhìn theo, có tôi là chạy ra theo mẹ, vừa ra đến ngõ, một cảnh tượng hãi hùng diễn ra trước mắt, gã đàn ông mặt sẹo đang thít chặt cổ mẹ tôi bằng đoạn dây sắt rồi bế lên xe, mẹ nhìn tôi đau đớn không kêu được lời nào, chiếc xe phóng vụt đi sau khi gã mặt sẹo ném lại cho tôi cái nhìn chết chóc...

Cún con

Mấy anh em tôi được mang đi cho, tôi được bà chủ, người nhận nuôi tôi bây giờ chọn vì tôi có cái đốm trắng ngay đầu.        

- "Đốm đầu thì nuôi, đốm đuôi thì thịt", bà chủ nói và vuốt ve tôi ngay lần đầu nhìn thấy. Người ta bảo chó có những đốm trên đầu được cho là giống chó khôn và dễ nuôi dạy, thường sẽ rất trung thành và luôn có xu hướng bảo vệ chủ của mình trong mọi trường hợp. Mấy anh em của tôi chỉ mỗi mình tôi có. Đấy là dân gian các cụ bảo thế, chứ tôi làm sao đã biết tự Pi-a mình.

Bà chủ trông có vẻ khắc khổ, già hơn cái tuổi 50, bà giống như người phụ nữ từng vất vả, trải qua nhiều biến cố. Bà xưng hô với tôi là mợ và đặt tên tôi là Thiện, cái tên như tên của con người vậy, nghe cũng là lạ, tôi thấy người ta hay gọi chúng tôi là Mực, Phốc, Đen... chứ chả con chó được đặt tên như tôi cả. Kệ thôi, dù sao tôi cũng rất vui, ít ra mình cũng đã có một cái tên.

Ngày đầu về nhà, mợ đã mua sẵn cho tôi chiếc chuồng nhỏ bằng gỗ xinh xinh, trông như một ngôi nhà nhỏ, đặt ngay cửa ra vào. - "Từ giờ Thiện ở đây với mợ, đừng chạy lung tung là bị người ta bắt đi đấy", mợ nói với tôi như vậy, tôi quẫy đuôi ngoe nguẩy, cọ cọ mũi non của mình vào chân mợ như một sự biết ơn của loài chó. Nhà chỉ có tôi và bà chủ, nên ngoài tiếng sủa của tôi thì câu thường nghe nhất là "Thiện ơi".

Nhà mợ là hơn chục căn phòng nối tiếp nhau, mỗi căn rộng chừng hơn 30m2, có phòng vệ sinh khép kín, mợ ở căn phòng đầu tiên, các phòng sau cho thuê, tiền thuê trọ hàng tháng, mỗi phòng 2 triệu, tháng hơn hai chục triệu, số tiền ấy cũng dư sức sống một cuộc sống đầy đủ ở cái làng ven đô này. Những người thuê trọ chủ yếu là sinh viên và công nhân từ quê ra thành phố, không đủ tiền thuê trong nội đô mà chịu khó ra tận đây vì tiền thuê rẻ hơn một nửa, nên họ thường ra khỏi nhà từ sớm đến tối mới về, duy chỉ có một phòng có hai chị sinh viên nữ là học ở trường cao đẳng gần đây, sáng đi trưa về phòng trọ. Dãy nhà trọ là tài sản mà người chồng quá cố đã mất hơn chục năm để lại, mợ cũng chẳng có nghề nghiệp gì vì tôi thấy mợ chỉ ở nhà, thi thoảng mỗi tháng vào ngày mùng một âm tôi mới thấy đi đâu đó đến tối là về. Mỗi lần đi như thế mợ đều gửi tôi đến phòng hai chị sinh viên kia trông và cho ăn giúp. Trong một lần gửi, tôi có nghe hai chị ấy nói chuyện với nhau: 

- "Hôm nay cô ấy lại lên chùa thăm con trai, tao thấy bảo đến khi sang cát thì đón vong về đấy".
- " Uhm, nếu không thì bé Thiện cũng được gần 2 tuổi rồi, khổ thân cô ấy, cố kiếm cho mình đứa con bầu bạn mà cũng không được".

Hóa ra, mợ đặt tên tôi giống tên đứa con đã mất của mợ, mợ sống một mình, mợ sợ cô đơn, ai sống với mợ cũng rời bỏ mợ. Có lẽ mợ không muốn ai phải khổ nữa nên mợ nhận tôi về nuôi. Chó mà, có chết cũng chẳng ai tiếc.

Dịch bệnh tràn về, xã hội hết chỉ thị 15 rồi đến 16, ai ở đâu ở yên đấy nên mấy tháng nay mợ không lên chùa được, mợ buồn lắm, dạo gần đây hay ngồi khóc một mình. Mọi người trong khu trọ cũng không có việc làm, đóng cửa im ỉm trong phòng, ngay cả hai chị sinh viên kia cũng không được về nhà vì làng có ca F0. Không việc làm, không thu nhập, ai cũng khó khăn, mợ hay dắt tôi cùng đi vận động, kêu gọi các nhà cho thuê trọ trong làng giảm tiền thuê trọ, rồi lập nhóm thiện nguyện giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Riêng hơn chục phòng trọ của mợ được mợ không lấy tiền thuê trọ, ngay cả tiền điện nước mợ cũng trả. Mọi người mang ơn mợ nên dùng điện nước cũng tiết kiệm hết mức có thể, đồ tiếp tế của họ gửi đến mang cho mợ nhưng mợ không bao giờ lấy, lần nào mợ cũng từ chối nói: - "Giãn cách chả biết đến bao giờ, mọi người cứ dùng không phải chia cho tôi đâu, tôi với thằng Thiện có đủ rồi". 

Thấm thoát đã gần hai năm ở với mợ tôi lớn nhanh như thổi, mợ ăn gì tôi ăn nấy, có lần đến tuần ăn chay, mợ vẫn cố ra chợ mua cho tôi ít cá, thịt. Tôi giờ như một chú chó trưởng thành, đẹp mã, cái đốm trắng ở đầu giờ to như cái chén.

Cái ngày mợ là F0, mọi người trong xóm trọ được yêu cầu cách ly tại chỗ, riêng mợ tôi thì được đưa đến điểm cách ly cách đó hơn chục kilomet, tôi đã mất một người mẹ rồi, không thể mất thêm người mẹ này nữa, tôi đã chạy theo xe cứu thương chở mợ đến tận điểm cách ly. Lúc xuống xe, tôi gần như kiệt sức, mợ bước xuống và khóc òa khi nhìn thấy tôi: "- Thiện ơi, sao con theo mợ đến đây, về đi con", mọi người cảm động khi thấy một chú chó chạy theo chủ cả quãng đường dài, tôi cố đi đến bên cạnh mợ, nhưng mọi người cản lại. Rồi mợ cũng nhờ được người đưa tôi lại khu trọ và nhờ hai chị sinh viên trực tiếp nuôi. 

Tôi ở với họ mỗi ngày được cho ra ngoài ba lần đi vệ sinh, lần nào được thả tôi cũng chạy lăng xăng các nơi một lúc mới về. Loài chó như chúng tôi thì chẳng ai cấm hay phạt cả, ai đuổi thì chạy, cũng chả sợ bọn câu chó, lũ người ấy giờ có cho tiền cũng không dám ra đường, bởi công an, dân phòng khắp nơi kiểm tra, phạt những trường hợp ra ngoài không chính đáng.

Qua mấy lần xét nghiệm mọi người trong xóm trọ đều cho kết quả âm tính, sau đó những ai đã được tiêm chủng đầy đủ bắt đầu được đi làm. Tôi thi thoảng được họ mang cho những suất ăn còn thừa, dù không ngon bằng mợ làm nhưng thế cũng tốt lắm rồi. Mọi người ai cũng nói dịch dã nguy hiểm nhưng không đáng sợ, dù không ai muốn mình là F0 nhưng họ đã bắt đầu cuộc đời sống chung với dịch. Tiếng còi xe, người đi đường qua ngõ ngày một nhiều hơn, nắng mới, gió mới, tiếng nói cười và tiếng khóc của lũ trẻ con...tất cả dường như đang quyện vào nhau thành một mớ thanh âm hỗn tạp, loài người đang bắt đầu một cuộc sống của họ khá e dè nhưng đầy sự dũng cảm và lạc quan.

Hôm nay là ngày mợ về, tôi nghe mọi người trong xóm trọ nói với nhau như thế, họ bàn bạc góp tiền mua tặng món quà cho người phụ nữ tốt bụng. Nhưng vui nhất vẫn là tôi, chạy lăng xăng, chồm lên, chồm xuống hết ra ngõ rồi vào nhà. Cứ hễ vào nhà nghe tiếng xe tôi lại chạy ra ngõ không biết bao nhiêu lần, có người bảo: - "Nay Thiện biết mợ về nên mừng quá đây mà". Lại có tiếng xe, tôi lắng tai, tiếng xe này đi chầm chậm, tôi đoán chắc là mợ, nghĩ rồi lao ra đường chạy về phía có tiếng xe...Tôi giật mình khựng lại, trước mặt tôi là gã mặt sẹo, kẻ đã gieo giắc sự chia lìa nghiệt ngã cho gia đình tôi, kẻ đã bắt cóc mẹ tôi. Chính hắn. Không thể là ai khác. Chiếc xe tiến thẳng về phía tôi, gã mặt sẹo cầm đoạn ống thép có gắn thòng lọng ngồi sau xe nhìn tôi với ánh mắt khát máu. Tôi gầm gừ, bao nhiêu thù hận sục sôi trong đôi mắt, lao thẳng vào gã mặt sẹo. Bị bất ngờ, chiếc xe đổ nhào, tôi cắn vào cẳng chân gã phía sau, cứ thế giằng giật qua lớp quần mỏng, bao nhiêu năm sống với con người, giờ tôi mới thấy mình giống chó. Máu từ chân gã mặt sẹo chảy xuống dòng dòng, vãi tung tóe, chúng không ngờ chuyến săn chó lần này lại bị chó săn trước, gã phía trước cầm thanh sắt đập liên tiếp vào người tôi, tôi vẫn không buông gã kia, sau đó gã quàng dây thép vào cổ tôi rồi thít chặt, thít chặt... mắt tôi mờ đi, xung quanh chỉ toàn một màu trắng xóa. 

- "Trộm chó, trộm chó bà con ơi, bắt bọn trộm chó".

...
Tôi lờ mờ cảm nhận được bàn tay chạm vào thân thể mình, bóp nhẹ từng bắp chân, bàn tay vuốt ve tôi, bàn tay cho tôi cảm nhận được hơi ấm tình người, dường như ai đó đang cố nâng tôi lên rồi kéo vào lòng, tôi thấy ai đó đang khóc, những giọt nước mắt mặn chát rơi lã chã lên đốm lông trắng rồi lăn xuống miệng mình, lưỡi tôi liếm láp vị mặn, cái đuôi bắt đầu ngoe nguẩy. Trong sâu thẳm, tôi lại thấy mình không giống chó nữa mà là một thứ gì đó gần gũi, thân thương như máu mủ với cái người đang ôm lấy tôi. Nhắm mắt để đón nhận cái cảm giác tuyệt vời đã lâu lắm rồi không có ấy và tôi nghe một giọng nói quen thuộc nhè nhẹ bên tai mình:

- " Thiện ơi, mợ về đây rồi".

Bùi Tuấn Minh (Nhật Nguyệt)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2021