SỐ 94 - THÁNG 4 NĂM 2022

Cà phê Hải đăng

Ngọc Cân - trấy Tiểu Đợi

Một tuần nữa mới chính thức mùa xuân; tuyết cuối mùa rơi xuống gặp nhiệt độ chập chờn âm dương, thành mưa băng lất phất; coi như mưa xuân đi, ông anh.

Mùa đông rồi lạnh dữ, có bữa xuống -18C gió buốt -28, tuyết nhiều, có lúc hai ngày dập mấy đợt liền, dồn dày hơn 60cm; cào sân trước tấp qua một bên như dãy Trường sơn, cao gấp đôi nóc xe hàng xóm. Anh nhớ hồi mới qua mấy chục năm trước không? Có tuyết lần đầu tưởng sẽ thơ mộng như trong tranh, nó lại là trận bão tuyết, bão băng; đẹp thì có đẹp nhưng khiếp quá, ở đó mà ngắm; cái gì mà kinh khủng vậy trời! Sợ còn hơn hồi Sài gòn đi kinh tế mới Bến sắn, chiều tối sấm sét chụp đùng đùng, nhá rực cả vùng rừng chồi bao la rồi tối thui, từng hồi liên tục; sét chĩa trăm ngàn mũi xóc xuống, giăng cả bầu trời như thiên la địa võng, sấm nổ rung mái tranh vách đất! Mong mưa tới, nó quen thuộc hơn, gần hơn, thu nhỏ không gian chung quanh lại, bớt sợ hơn. Giá có đường quay lưng, anh đã gài số de, đúng là xứ Cà-na.

Anh nghe thấy không, đã có tiếng mấy con ngỗng trời cạc cạc rời rạc đâu đó; xuôi nam xuống Mỹ trốn lạnh mấy tháng chúng nhớ nhà, dù ở quê rừng cây còn trơ trụi, mầm lá chưa bung ra, sâu bọ còn núp kỹ, trời đất xám xịt, gió buốt.

Chủ Nhật người nhà theo bạn bè đi chơi xa sáng qua, nói chiều tối nay mới về. Sáng sớm anh lần thần ra sân có mái che kế vách sau, không châm ngay điếu thuốc, lại đặt iPad, cà phê một chỗ, loay hoay tháo cái ghế dựa xếp, không chùi không phủi anh đặt người xuống. Chỉnh ghế để nằm thẳng cẳng thoải mái, xong anh mới kéo đứng lưng, co chỗ gác chân xuống, đứng lên bưng cái ghế thường ngồi kê một bên, gom iPad, ly cà phê bự như cái vại, gói thuốc lá và bật lửa về đó. Anh ngồi thẳng lưng trong lòng ghế.

Nghiêng người dày hai lớp áo ấm -trong len ngoài parka, đầu trang bị cái mũ da lận lông như để lội tuyết; anh bưng ly, kê miệng chơi một ngụm, cà phê mới pha, giờ đã muốn nguội. Châm thuốc, anh rít sâu một hơi, ém, nhả chậm làn khói nhạt; nhấc iPad kê lên đùi. Anh bật YouTube bài ‘Thuyền viễn xứ’, cài cho nó chạy liên tục. Anh mê nó từ hồi nào vậy? chưa khi nào nghe anh nói. Ậy, cũng mới mấy ngày, lần đầu tình cờ nghe được hôm trước, nó làm anh xúc động không ngờ.

“...Sóng Đà Giang… thuyền qua xứ người…”

Có thể anh đã từng nghe, những lúc tai nghẽn vì những cằn nhằn, càm ràm, thưởng phạt khen chê, biêu bọng; thì giai điệu êm đềm ấy làm sao lọt được tai để vô tim.

Tâm ý của thi sĩ, tài hoa của nhạc sĩ rủ rỉ

“...Nhìn về đường cố lý… cố lý xa xôi
Đời … nhịp sầu lỡ bước, bước… hoang mang rồi…”

Cái thuở mới ra khỏi lũy tre làng đã coi là phiêu lưu thì cách vài trăm cây số trong cùng một nước thôi đã như cách một đại dương, đủ để lời ca nương nốt nhạc ngân cao, ngân cao thống thiết

“...Mẹ già ngồi im bóng… mái tuyết sương
Mong con… bạc… lòng…”

Sống mũi anh nghe nghẽn? Ủa! Vậy sao! Bán trời không mời thiên lôi thì còn sợ gì mà không khóc oà ra! Khóc thả giàn đi chớ. Dằn mãi làm gì nữa? Trượng phu cho tới hơi thở cuối cùng há! Xưa rồi Tám.

Anh bật thêm một app khác để gõ. A! anh vô thế để ‘sáng tác’ đấy phải không? Tốt!. Nhìn người ta chạy giặc bên Ukraine mãi, đọc bình luận xã luận mãi, rối ren thêm đoạn cuối của hoang mang.

Mà ông anh viết được gì? cho ai đọc? Xả gió cho mình?

Hỏi ngã ngập ngừng, yêu đương quá đát, kiến thức sơ sài… Bắc, Trung, Nam, Anh, U … xập xí ngầu… không phe nào nhận vô hàng ngũ; sống chẳng có đam mê, lý tưởng gì (thầy dạy Việt văn đệ tứ đã răn rồi “sống không lý tưởng là sống như quái vật biết đi” mà không nghe! Ông ấy đã không giảng thêm, để học trò tự lập chí.)

Cũng đỡ phần nào cho đồng loại, có lý tưởng thì hoàn cảnh, tâm cảnh của anh lúc ấy đã khiến anh nhảy núi! Không ai ‘care’ anh khắc khổ với chính mình, nhưng tự đội lên cái nón ‘sứ mạng’ thì với tha nhân đó chính là ‘khắc nghiệt’. Đừng méo miệng như thế, chỉ cần gật gù.

Châm thuốc. Nốc.

Anh xem, thế giới người ta đã cai thuốc, cai thuốc được giúp phương tiện, có thưởng. Khách tiêu thụ mạnh sản phẩm của những nhà máy thuốc lá ở thế giới thứ nhất là dân thế giới thứ ba. Anh đã rời thế giới đó qua đây lại mang theo thói quen lỗi thời.

Có lần nào anh rút điếu thuốc, chưa mồi đã nhớ đang ở trong thương xá, trường học, tính bỏ lại vô túi, thì đã có người lịch sự xuất hiện, mời ‘sir’ ra ngoài; có khi nào vã thuốc cả tiếng, vô tiệm tạp hoá mua một gói, mới ra khỏi cửa vài bước đứng lại, bóc ngay một điếu, chưa kịp cất bật lửa vô túi quần, chưa thả hết khói ấm, nicotine chưa kịp dập cơn ghiền, có cô gái đến cười nửa miệng “xin lỗi ông, bạn tôi đang đứng kia, nó đang có bầu”. Nhìn lại, đúng vậy, thấy được cả cái chocolate ‘OH Henry!’ miệng cô ấy đang ngồm ngoàm. Người vã ngọt đứng lại, người vã thuốc phải bước đi thật xa.

Nốc.

Ly cà phê của ông trông chướng, gì mà bự chảng ảng, không lịch; so với cái chung đất đã thô kệch, nói chi tới tách sành mà cái quai xinh cho phép cầm mà ngón trỏ, ngón cái vẫn chạm nhau. Anh lại còn nốc, anh học cái thói này từ hồi nào! Giấy rách phải giữ lấy lề anh à. Nhấp một hớp thôi. Phải rồi nhấp, hớp. Có đói khát gì mà phải húp một miệng như vậy. Mình lớn tuổi anh, lưỡi gà đơ rồi, không lèo lái khéo léo như xưa, lỡ sặc - quê anh người ta kêu là ‘lạc tróng’- ngáp không kịp thở đó!

Còn thuốc. Đã ghiền thì chịu. Nhất là đã bao năm ‘tử thủ’ như anh. Áp lực tứ phía. Bác sĩ cấm chưa. Anh đã biết hậu quả chưa. Anh có tính bỏ không. Hay anh lại tin cái đám phản động trong nhà dưỡng lão “hút cả đời giờ bỏ ngang, có người bị sốc chết liền tại chỗ đó”. Dù gì đi nữa cũng nên khôn ra một chút. Đừng rít sâu, nuốt, còn một chút khói mới phà, như kiểu vừa rồi anh thả ra chỉ một làn khói nhạt. Hút kiểu cổ điển đó anh mất mấy phút khạc nhổ trong phòng tắm mỗi sáng không đi tới đâu, vẫn có gì giăng ngang trong họng như “mây tím dệt thành sầu”, lại hút mấy điếu nó mới co lại, cho anh cái cảm tưởng chỉ có khói thuốc mới trị được cái ngứa, cái ngang ngang trong cuống cổ. Thí nghiệm đi, hút-phà, hút-phà; đừng rít đừng ém. Cũng đã thèm mà thông đàm, không chừng còn bổ phổi. Thực tế là anh sẽ không còn phải khí thế, làm ồn, để giải phóng ống thở mỗi sáng, phá giấc ngủ nướng của mọi người. Có đà anh muốn nâng cấp, tốt thôi: Anh có thể tập để tiếng ho ‘húng hắng’ trong ngày mỗi khi tới cữ dịu hẳn đi, biến nó thành tiếng ‘tằng hắng’. Húng hắng -anh bị động, tằng hắng là anh chủ động; một thành quả lớn chơ anh, phải không. Có học, anh nhìn ra ngay cái ‘độ lệch’ nhân văn đó. Không ư! Sắp bước vô phòng anh tằng hắng, ở trong người ta như được rung chuông để ngưng một tư thế, có khi cụp lạc, sửa bộ lại cho tươm tất, dễ coi.

Trong đám đông có người cắc cớ “mấy ông giải thích vì sao người miền ngoài, người miền trong chưởi thề luôn miệng mà người miền giữa hầu như không?”. Cả bọn tịt ngòi. Với anh và cái đám bạn anh, chuyên trị thiên hạ sự (nói có sách mách có chứng Youtubers), thì như thế hiếm. Không bàn ngang được thì táng dọc, chớ lịch sự nhường nhau xưa nay ít. Anh về gác tay lên trán mấy đêm để nhớ lại xem, là người miền giữa, ông anh đã đ. này đ. kia mấy lần. Chết cha! Cù lần thiệt. Tiến xa lắm anh cũng chỉ thốt nguyên âm một chữ “đù…” rồi thôi. Thiên hạ người ta Đ. này Đ. kia tùm lum, nghe riết quen tai, không còn gì là dung tục mà sao anh ú ớ ù ờ. Không trách gì người ta lúc nào cũng thơ thới hân hoan, còn anh táo bón quanh năm. Nói chơi vậy thôi, chớ đ. được hằng ngày mà không rêm tai không dễ đâu! Mấy tiếng đó vốn đã có dấu nặng, giọng anh cũng nặng, anh mà rán cho kịp người ta, nó trở nên nặng gấp đôi, như cố ý gợi cho ra -tô đậm, highlight, đó mà- cái tượng hình của động tác ấy, phô dàn trời, không tha thứ được trong mọi hoàn cảnh trừ một.

Lại phải vận dụng tới “độ lệch”. Anh nghe tụi Tây “what the fuck” luôn miệng không? Cả xã hội xả hơi như thế, nghe riết mình quen, thấy cũng chẳng có gì tục tĩu. Khi con nít nghe, bắt chước thì họ chỉ cho nói 2 chữ đầu, kéo dài chữ thứ hai, cấm nói chữ “fuck” -it’s Bad, “What the…!”,  “What The…!”. Đó là thiết lập độ lệch. Anh muốn tham gia trò chơi? Khi anh thay tã cho thằng cháu, cái miệng nó cứ huyên thuyên tiếng Anh tiếng U mà anh nghe không kịp, tay chân nó quẩy lung tung anh kềm không được, anh nghĩ tới “cục CỨT!”. Thay vì nổi quạu la “Cục Cứt!”, hãy nói “you are my cục cứt!” để diễn tả đúng tình huống, hay anh thử nói lệch đi “you are my Kục KứC!” “ you are my kục kức!” là tức khắc mùi bay mất, màu vàng coi óng ả; không còn gì là “tình huống”. Thằng bé nghe, không hiểu nhưng biết là nhẹ nhàng. 2 tuổi rưỡi làm sao nó tách được cái bực bội và cái âu yếm trong một cục song ngữ. Là ông của nó anh có lúc làm được có lúc không mà, đừng gắng mất công.

Tợp thêm mấy ngụm đi kẻo nguội ngắt. Coi bộ anh thờ ơ dữ! anh đang đuổi theo một ý nghĩ nào đó? Hay đã tới lúc không nghĩ gì cả! Anh có biết cái lon đựng cà phê bột tan anh đang uống hiệu gì không? Không! Mùi gì nào, vanilla, hazelnut hay almond? - Đừng xạo! Chẳng có mùi gì sất! Anh chống chế “pha mùi gì cũng được, chỉ cần cà phê là mùi chính”. Sorry anh, lỡ chơi ép anh, chơi lút cán luôn - ông nội ơi! Ông cũng đếch còn biết mùi cà phê ngang dọc ra làm sao! Ậy, im nghe này: hồi còn đi cày ông mua cà phê ly xốp, ngày mấy cử, ngày này qua tháng khác. Chúng đậy cái nắp plastic chỉ chừa một lỗ rò cỡ hột gạo. Bảo đảm không tràn không đổ, chúm miệng vô lỗ rò mà hút. Uống như thế thì chỉ nếm được cái vị, chớ cái mùi thì mũi không hít được, may ra vớt vát được vài phần từ khí quản dội lên. Cách mặt xa lòng, anh quên mẹ nó cái mùi cà phê. Bây giờ ông lại uống loại bột tan lon gần kí lô, pha được hai trăm rưởi ly, hở nắp cả tháng; tự nó đã không thơm, mũi anh tàn phế, mùi gì nữa mà mùi. Anh à, đóng cái miệng khinh bạc lại đi. Nói cho ngay không phải mũi tịt là thủ phạm. Cho dù nó không tịt thì anh ơi, cà phê bình dân bên này mùi thơm nhẹ lắm. Thời ngăn sông cấm chợ anh quen với mùi vị cà phê đậm đà vì pha trộn hằm bà lằng xán cấu, cau khô, hột chà là…nước mắm…qua đây nhiều người từng chê “cà phê gì mà lợt, lạt nhách”.

“Thuyền viễn xứ” vỗ về liên tục

“...Chiều nay trên bến muôn phương…

Có thuyền viễn xứ… nhổ neo lên đường…”

Là bà ấy nói chúng mình đấy anh à…đương nhiên bà không nói “bay”... mà nói “nhổ neo”, hừ neo… neo thì anh còn nhổ nổi không anh? Hay phải chờ con nước đổi để nó tự long ra! Như đêm nào ở Bến Súc, khi bị long cả chục dây neo quấn lại với nhau, 3 giờ sáng mà phải nhảy xuống nước hè nhau gỡ, teo bu-gi há.

Anh nốc hết ly. Nữa!!! Uống kiểu gì kỳ!!! Như cực chẳng đã húp tô cháo thánh, cháo lú.

Duỗi thẳng người anh nằm. Ô, anh còn mang cả giày bốt, đi xa? Anh níu lưỡi trai sụp xuống. Anh muốn che hai con mắt vô hồn. Hay muốn tạo bóng tối để tìm ánh đèn pha của nửa vòng quay hải đăng?

Ngày đầu tiên ra đời anh ngồi ngửa mặt như thế ngoài sân một quán vắng ở một thị xã tân lập nhỏ xíu rất xa nhà cái mũ lác kéo che hết mặt anh đâu đã biết hải đăng là gì, chỉ biết nhìn qua màn nước mơ hồ thấy cà phê thuốc lá dẫn đường

“…lên đường…nhổ neo… lên đường…”

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2022