SỐ 94 - THÁNG 4 NĂM 2022

Lũng sương mù

Ngô Nguyên Dũng

Xe trườn tới đỉnh đèo Hải Vân thì mưa bắt đầu rơi. Lâm râm, không ướt đất. Xe dừng lại nghỉ chân tại một quán ven đường, phía trước có nhiều sạp bán quà lưu niệm. Những người bán hàng đang tất bật căng bạt ni-lông, che mưa tạt. Mỗi sạp một ngọn đèn trần không chụp. Ánh điện yếu, soi vàng vọt lên những món đồ vật sắp lớp trên sạp gỗ, màu sắc diêm dúa, vàng mã. Mưa và mây mù thấp thỏm tối sáng. Chàng cùng mọi người bước ra xe, tìm chỗ tiểu tiện. Nhà vệ sinh không còn một chỗ trống, bên ngoài nhiều người đứng xếp hàng chờ. Chàng mon men ra phía sau, tìm chỗ lùm bụi um tùm, khuất bóng người, Vừa tiểu tiện vừa nhìn xuống vực sâu. Dưới kia, thấp thoáng đoạn đường đèo ngoằn ngoèo xe leo dốc ban nãy. Đó đây, len lách qua những tàn cây rậm, hơi thở đất tươm khói thoi thóp từng sợi mỏng, tản mác trong không gian lạnh se se cơn mưa bụi. Cảm xúc chàng bất giác gợn lên rờn rợn, như có ai đó đang dõi mắt rình rập… Chàng quay mặt dáo dác.

Sau gốc cổ thụ, cách chỗ chàng đứng độ mười thước, thấp thoáng dáng người. Chàng rướn người nhìn kỹ. Một ông lão đang ngồi trên tảng đá bên miệng vực, bất động như tượng, cúi nhìn vùng thăm thẳm bên dưới, chẳng để ý gì đến sự việc chung quanh.

Tiểu xong, do dự giây lát, rồi như có động lực vô hình nào thúc giục, chàng bước lại…

Chàng khựng chân, nhìn ông cụ đăm đăm. Vóc người ông ốm rạc, khô đét. Hai chân không, mỏng như miếng cá khô, ló ra ống quần, mười ngón quắp lấy đất. Bộ quân phục thời trước xanh rêu bạc thếch, lủng rách đôi chỗ, đó đây những đốm sẫm màu, trông tựa như lấm dầu. Hay vấy máu? Khúc cổ ốm, lủng lẳng tấm thẻ bài ánh màu kim loại. Đầu tóc thưa sợi bạc tựa như sọ người nghe động, từ từ ngẩng lên. Đôi tròng mắt đục ngầu ngó chàng không chớp.

"Chà.. o... chào...  ông", chàng lắp bắp.
"Chào cậu." Giọng ông cụ nghe như có âm dội, trẻ trung không ngờ.
"Lần đầu tiên… tôi… cháu… ghé ngang đây…", chàng lắp bắp bắt chuyện.

Chiếc sọ người gật nhẹ:

"Nhìn biết ngay anh là người ở xa về."
"Dạ, cháu là… Việt kiều…", chàng ngập ngừng. "Mọi người ở đây gọi vậy."

Ông cụ bật tiếng cười khẽ:

"Còn tôi, họ gọi là ngụy, lính ngụy, chỉ vì tôi là lính của chế độ trước."
"Cháu biết…", chàng lại ngập ngừng, rồi im lặng. Chỉ vài giây, mà sao dài như trăm năm. Dăm ba hình ảnh tuổi hoa niên thời chiến hiện về ngoi ngóp, phai màu thuốc rửa, trắng lốm đốm những hụt hẫng trí nhớ.

"Tháng tư năm ấy", ông cụ cất tiếng chậm rãi, "tôi và vài chiến hữu từ Huế theo con đường đèo này tất tả tìm về Đà Nẵng. Chúng tôi tới đây vào một chiều mưa lất phất như hôm nay. Mệt và đói, chúng tôi ghé lại một quán ven đường, xin phép vào nghỉ chân. Chủ quán đồng ý, không những cho trọ tạm qua đêm, mà còn mời chúng tôi dùng bữa cơm chiều. Cơm trắng đạm bạc, đủ cho mỗi người một chén lưng, với mớ rau rừng luộc chấm nước mắm thô dầm ớt và tô canh luộc rau nêm muối vắt chanh, mà sao ngon quá! Ăn xong, còn miếng cơm cháy dưới đáy nồi đất, họ chia cho chúng tôi, mỗi người một miếng, chan lên vài giọt nước mắm. Chỉ có vậy, mà sao trời ơi!... Ngon… Tôi tưởng mình chỉ dừng chân chốn này một đêm thôi, sáng mai sẽ lên đường đi tiếp, ngờ đâu…" Ông cụ ngập ngừng, rồi ngưng ngang, đưa mắt trông xuống lũng sương mù lãng đãng bên dưới.   

Chàng còn đang chờ nghe ông cụ kể tiếp câu chuyện dở dang thì nghe tiếng gọi tên chàng ngoài bãi đậu:

"Dũng ơi, em đâu? Ra xe đi tiếp!"

Chàng hấp tấp chào ông cụ, rồi quay lưng, không ngoảnh lại.

Bước ra bãi đậu xe, chàng nhác thấy bên kia đường, cạnh miếu thờ nến thắp le lói, nhang khói lãng đãng, hoa trái tươi rói, một bà cụ ngồi xổm bên mẹt mây chỏn lỏn chục củ khoai luộc. Chàng băng vội qua đưởng, hấp tấp hỏi mua hết mớ khoai bày trên mẹt. Bà cụ ra giá. Chàng trao vội cho bà tờ giấy hai trăm ngàn. Bà cụ trơ mắt ngó chàng, hai con mắt cá ươn đục ngầu, giọng run run, âm giọng nằng nặng:

"Răng tui có đủ tiền thối cho ông?"
"Cụ cứ giữ lấy, không cần thối."

Cụ cầm tờ giấy bạc trên tay, tia mắt ngờ vực, hoang mang. Chàng nhoẻn cười thay cho lời chúc lành. Bà cụ mọp lưng cám ơn, cắp mẹt mây vô nách, quày quả bước đi như sợ chàng đổi ý.   

Vào ngồi trong xe, khi xe trườn chậm ra mặt đường, tâm tư chàng bất giác rợn lên nỗi gì kỳ quặc, nửa như bất an nửa như thương xót. Xe chạy qua rồi, chàng còn dõi mắt nhìn vào ô kính gắn bên cửa xe. Bà cụ già bán khoai đã đi khuất. Ngôi miếu con và luồng ánh sáng úa vàng xa dần, xa dần, rồi mất hút sau khúc quanh bủa sương đục.    

Bà thư ký văn phòng giáo sư gọi dây nói vào phòng thí nghiệm, bảo tôi vào gặp giáo sư có chút chuyện. Tôi giơ tay nhìn đồng hồ. Đã hơn bốn giờ chiều. Trong phòng thí nghiệm chỉ còn lại mỗi mình tôi. Tôi dọn dẹp chai ống, cho vào bồn, xúc rửa vội vã, lau khô, rồi cởi áo khoác, tới gõ cửa văn phòng giáo sư khoa trưởng.

Tôi chào ông giáo sư, còn đang lúng túng chưa biết bắt đầu câu chuyện ra sao thì ông đã vui vẻ mời tôi ngồi.

Sau khi thăm hỏi qua loa việc làm việc nhà, ông kéo hộc bàn, lấy ra một phong bì, đặt lên trũng đèn chụp hắt sáng. Tôi còn phân vân thì ông đã cất tiếng:

"Lá thư này được gửi từ Phi Luật Tân, của một người đồng hương với anh, cũng làm luận án tiến sĩ hóa trong phân khoa này hơn mười năm trước. Sau đó anh ấy cho biết sẽ hồi hương góp phần xây dựng đất nước. Bất ngờ hôm qua tôi nhận được thư anh ấy báo tin đã cùng vợ và đứa con ba tuổi vượt biên và hiện đang tạm cư trong một trại tị nạn ở Phi Luật Tân. Anh ấy biên thư nhờ tôi làm giấy bảo lãnh gia đình anh ấy qua đây. Tôi chưa từng gặp trường hợp này bao giờ, nên muốn hỏi ý kiến anh."  

Dứt lời, ông nhướng mắt nhìn tôi, chờ. Tôi cất giọng lưỡng lự:

"Thưa giáo sư, thú thật tôi cũng không rành rẽ về thủ tục bảo lãnh người tị nạn, nhưng tôi nghe nói, chỉ có người trong gia đình mới có thể bảo lãnh thân nhân của họ thôi ông à!"
"Tôi cũng nghĩ vậy. Được rồi, tôi sẽ biên thư trả lời và tìm cách giúp đỡ anh ấy trong khả năng của tôi…"

Câu chuyện về nhân vật "hồi hương góp phần xây dựng đất nước", để rồi vượt biên tìm tự do, kết thúc chỉ sau dăm mười phút. Ông giáo sư đổi đề tài, hỏi thăm hoàn cảnh gia đình tôi sau  chính biến ba mươi tháng tư một chín bảy lăm. Tôi kể cho ông nghe về những muộn phiền rối rắm trong tôi kể từ hôm ấy, về những tang thương rách nát khắp miền đất phía nam trên quê hương tôi, những thảm cảnh xảy ra cho người vượt biên.     

Và nơi đây, từ đấy, bạn bè đồng môn tôi chia rẽ tan tác. Những người bạn một thời chia cơm sẻ áo, bỗng dưng nhìn nhau lạ mặt. Họ lên đồng ngợi ca chủ nghĩa bằng những từ ngữ lạ tai. Họ rậm rật đồng ca "Nối vòng tay lớn", cất giọng ru ngủ "Quê hương là chùm khế ngọt…" Trong khi ngày và đêm tha hương tôi gầy guộc những âu lo. Tôi tìm quên và giải tỏa những hoang mang bằng ngôn ngữ văn chương. Tôi làm bạn, làm tình cùng những nhân vật hư cấu, và suy ngẫm lại thời thơấu và hoa niên ở Sài Gòn. Và nhớ tới một người bạn, tôi đã yêu thầm thuở đi học. Vào một đêm mưa, nỗi nhớ cào cấu, tôi đầu trần chạy xe ra phố chính, lượn quanh những con đường co ro đèn vàng. Tâm tư tôi bứt rứt những thèm khát vu vơ. Tôi tưởng lại hương mồ hôi thịt da ngọt nồng, khi vòng tay tôi khép quanh bụng bạn, lúc bạn chở tôi dạo vòng phố đêm. Ngồi bên nhau ăn một ly chè sâm bửu lượng. Cùng nhau tâm tình những mơ ước thầm kín. Nhưng vẫn còn những ngại ngần ngăn tôi ngỏ lời thân ái…

Đêm ấy, khi mưa bắt đầu nặng hạt, tôi dừng xe trú mưa dưới mái hiên một quán rượu đường Tự Do. Âm thanh lẳng lơ một hộp đêm ca nhạc gần đó bật lên xôn xao, khi có người xô cửa bước ra, mang theo chút ánh sáng đỏ lóe, dâm đãng. Tôi chợt thèm một hơi thuốc lá, tới hỏi mua vài điếu lẻ của người đàn bà ngồi quạnh quẽ bên sạp ven đường, thắp đèn dầu tù mù. Hơi thuốc Capstan dậy thì choáng váng, rã rượi. Tâm hồn tôi đâm chồi những hoài nghi về bản sắc mình.  
Bât giác tôi ứa nước mắt ngẩn ngơ, giẫm tắt điếu thuốc dang dở vài hơi dưới đế giày. Trở về nhà khuya ấy, lần đầu tiên tôi chiêm bao thấy chuyện xác thịt với một người không rõ mặt, cũng không rõ phái tính.

Sau khi xe đổ dốc đèo Hải Vân, không còn những khúc quanh hiểm trở, người tài xế bắt đầu khơi chuyện:

"Lúc nãy anh có thấy cái miễu thờ ven đường?"

Chàng xoay nhìn anh tài xế. Vẻ mặt anh đăm đăm nhìn về phía trước, thản nhiên như thể dửng dưng. Đoạn đường thi vị. Bên này là ruộng lúa rập rờn mạ non, kéo dài tới chân núi thấp. Bên kia là truông nước mênh mông. Vài tia mặt trời xé mây che, vàng hực thấp thỏm lên mặt nước im gió. Thủy triều đang xuống. Bờ cát lầy trần trụi, hoang vắng.

Quang cảnh tựa như những ám ảnh quá khứ hiện về trong giấc chiêm bao một giấc ngủ khó.

"Có", chàng gật đầu. "Tôi có cảm giác là lạ, chắc linh thiêng lắm, vì thấy nhang đèn hoa trái còn tươi rói."
"Đúng vậy, rất linh thiêng. Tài xế xe đò, xe khách có thông lệ, tới đỉnh đèo Hải Vân đều dừng lại nơi ấy, vừa cho khách nghỉ chân mà cũng để thắp nhang tạ ơn người khuất mày khuất mặt phù hộ họ mọi chuyện suôn sẻ", giọng người tài xế đều đều, vô cảm.
"Miễu thờ ai vậy anh?"

Người tài xế im lặng giây lát, như để lau sạch những bụi bám trí nhớ, rồi đáp khẽ:

"Chuyện hơi dài dòng, không biết thực hư ra sao. Nghe kể lại, vài tuần trước tháng tư năm đó, một toán lính chế độ cũ ghé ngang một quán nghèo nơi ấy, được ông bà cụ chủ quán cho trọ tạm qua đêm. Giữa khuya, không biết do ai báo tin, một toán du kích ập tới, tàn sát cả khách lẫn chủ. Từ độ đó, những oan hồn không siêu thoát cứ vất vưởng hiện về, bất kể đêm ngày. Người ta mới xây ngôi miếu như anh thấy đó. Để cầu an cho người sống, cũng như người đã chết."

(04.2022)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2022