SỐ 94 - THÁNG 4 NĂM 2022

Mẹ

Thi Vũ


Mẹ, tản mạn, Thi Vũ, NXB Quê Mẹ, Paris, 1984

Con đã bỏ gần hết đời con cho đời, con đã viết hàng nghìn triệu chữ để ca tụng lá, núi, biển, những kinh kỳ, những mặt người thay đổi như mưa nắng, nhưng vẫn chưa viết gì về Mẹ.

Và thế là 26 năm rồi, con không được về thăm Mẹ. 26 năm sống trong đời như mùa Xuân theo đuổi những mùa xuân, như chiếc hoa theo đuổi lẵng hương bay. Sự chạy đuổi đã làm con xa Mẹ. Chạy đuổi để tìm bắt, hay tìm gặp, tự nó là những bước lưu vong.

Tết cuối cùng được sống bên Mẹ cách nay đã 32 năm ! Ngày đó con ở tù ra, nhờ ân huệ tối thượng được phép ở lại nhà chín bữa, sau đó bị đuổi xa vùng cố thổ. Đi xa, xa như bóng mây, như thân chim trên nhà lửa.

Sau này bôn ba đây đó, một Tết nào bên trời Tây tuyết lạnh, con nhận được thư Mẹ. Bức thư độc nhất suốt 32 năm ròng, chữ viết nguệch ngoạc, nét bút chì trên giấy học trò xé lở, ghi có bấy nhiêu :

« Con chớ đi nhiều, uống nước độc, bị ngã nước, đau ốm không ai chăm lo, khổ lắm !
Mẹ ».

19 chữ là 19 thế kỷ cách biệt. 19 chữ là sự chậm tiến của 1900 năm. Nhưng 19 chữ cũng là 19 tầng trời vi diệu của an bình và thương mến mà loài người chẳng bao giờ đạt tới. Đọc thư Mẹ ngày đó, con ngồi nhìn trân trân vòi nước máy nơi phòng trọ ; ngậm ngùi nhớ tới những giòng suối róc rách trong rừng Trường Sơn. Những giòng nước trong, ngọt và mát, nhưng vài khi lá độc vữa vào với loài vi khuẩn phá thể làm ngã gục bao thân người cường tráng. Con nhớ tới giếng nước, nhớ tới bờ ao, chẳng biết giờ này có ai đậy che ở thời buổi giết người bằng hóa chất hay thây sình. Con nhớ tới nỗi lo người mẹ thời tiền sử khi những đứa con đi săn bắn phương xa, mà nước là nguồn gốc dưỡng nuôi, nhưng cũng là lý do chết chóc. Nước là cuộc sinh tử của đời người. Phải chăng vì vậy mà dân tộc ta đã lấy Nước làm nơi trú ẩn ? Nước Việt Nam, nghĩa là hàng tỷ triệu tấn hạt nước của đại dương cộng với hàng tỉ triệu tấn hạt nước trong lá rừng Trường Sơn, trong hoa trên đồng, trong sương trên núi, trong khói trên sông, trong gạo trên lúa, và trong chín mươi tám phần trăm cơ thể con người. Nước, mối hòa đồng diễm tuyệt, dù còn bị cách ngăn bởi hình hài hay thể tích, dù còn bị những ý thức hệ hay chủ nghĩa vong tính hút khô.

Nỗi lòng Mẹ thương con, con nhớ Mẹ, là giòng Nước vô hình tuôn chảy khắp thinh không. Lẽ đó, chỉ Mẹ mới biết, và con mới cảm. Một ngày nào đây, 32 năm cách biệt tăng thành 64, tăng thành 96, thành 3200 năm, hay 32 triệu năm ánh sáng thì lòng Mẹ và tình con trong Nước vẫn mãi mãi là một đoá Sen của « dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng ».

Mẹ.

Con còn trẻ mãi. Nhưng sao mẹ lại già ? Chức tước, quyền vị, lợi danh, thể xác, râu tóc có làm cho con lớn thêm chút nào đâu ! Dường như thời gian bị huỷ phá trong tình thương. Thời gian đã huỷ diệt. Vì con mãi là con của mẹ, không biến dịch, chẳng đổi thay ở vị trí vĩnh cửu nơi trí nhớ lặng câm. Làm sao hình dung ra con và Mẹ, nơi cuộc nhớ tưởng này. Con và Mẹ đã đứng lại trước cuộc đời trôi chảy, trước lịch sử huênh hoang nhưng vô vị và loạn cuồng, trước những cuộc tình rách vá.

Nhưng sao con lại nghĩ mẹ già trong khi Mẹ vẫn thương con như đứa trẻ sơ sinh ? Phải chăng con yếu đuối, sợ hãi. Sợ ngày nào con trơ trọi một mình giữa cuộc đứng lại kia ? Ý nghĩ này là đầu mối lưu đày, tự mình đem mình vào cuộc lữ. Sợ hãi, yếu đuối làm cho con người xa nhau và mất nhau vĩnh viễn, đẩy họ vào từng ngăn hộc cô đơn buồn thảm. Cho nên con đã mãi mãi là một tiếng cứu cầu về Mẹ, mãi mãi là sợi tơ trong cọng Sen, mãi mãi là nước nơi hình tích muốn bốc bay. Nước đi nước lại về Nguồn. Con đi, để lại gì cho Mẹ, ngoài những chùm buồng thương nhớ ?
Con nhớ mãi hình bóng Mẹ chênh vênh trên triền núi biên giới Việt Hoa. Đường nhỏ. Vực sâu. Một mình Mẹ trên ngựa, với vài người Thổ dẫn đường. Mẹ đi gặp Cha. Dù buổi đó con còn nằm trong bụng mẹ. Con đâu cần mắt để nhìn Mẹ, đâu cần tai để nghe Mẹ, hay hình dung Mẹ theo tháng năm khốn đốn. Con và Mẹ là sắc xanh trời tụ xuống. Mẹ đi ngựa đỡ đồi cao. Con nằm bụng mẹ núi nhào bồng theo...

Những em bé hồn nhiên sống bên mẹ, không ngờ có ngày phải xa Mẹ. Biết bao người già, oằn lưng trước sức đấm mặt trời, vẫn trầm ngâm xa vời nhớ Mẹ như câu hỏi mời giao lưu của Nước. Càng sống, càng già, càng nhớ Mẹ. Phải chăng vì đời ướp khô và mặt trời thì hút cạn, khi Mẹ là nguồn Nước trùng phùng chan chứa ? Không có Mẹ, là không có Nước, hành tinh sẽ khô cằn và sự sống phơi thành thể tích bon chen vô loại.

Ai dạy được ai niềm Nhớ với cuộc Tình, vì có ai đun nhựa vào cây cho xuân tới. Đã là Cây thì lá phới, đã là Rừng thì hoa phơi, đã là Chim thì gió đỡ, đã là Người thì yêu thương. Mẹ như Đất, lầm lì sinh dưỡng. Hoa lá, hình cây có khác, nhưng chất đất vẫn là nguồn cội sinh thành. Chết không là hết, vì chết là nằm xuống Đất, ngã vào lòng Mẹ, để mở đầu những chuyến sơ sinh. Như Sống, không là cúi lụy trước hình hài biến đổi. Sự sống như nhánh sông đêm chảy hoài nhưng hạt nước. Bởi đó, trong mọi góc lòng người, qua nhiều giờ của đời, hình ảnh Mẹ, hình bóng Nước cứ trang về xao xuyến, chờn vờn tựa con trăng giữa tháng.

Mẹ ơi, những đóa hoa thương nhớ nở mãi trên hồn mùa. Từ Xuân chớm, hè bay, thu rụng, qua đông chờ, tới những miên viễn không thay. Tiếc rằng loài người can dự quá nhiều, xâm phạm quá quắt vào nỗi nhớ nguyên phôi. Như con nhớ Mẹ, vẫn không sao được tự do về bên Mẹ. Mười chín thế kỷ xưa, con có thể bỏ cả đời mình đi bộ vòng quanh trái đất về thăm Mẹ. Ngày nay, chỉ cần 18 giờ đường phi cơ, 3 tuần lễ tàu thuỷ, hay non tháng cho xe hơi phun bụi là về tới quê hương. Nhưng không. Sự tàn bạo đã làm chậm tiến mọi phát minh khoa học, vốn giúp loài người nhàn hạ, kéo xích họ gần thêm trong gang tấc, dù không gian rộng tới nghìn triệu mặt trời.

Sự tàn bạo kia, những chính thể hay chế độ kia... ngăn không cho con gặp Mẹ, không cho Mẹ thăm con, khiến cuộc sinh thành héo muộn, niềm sáng tạo suy tàn, mối liên giao Nước nghẽn tắc. Nước rồi đây thành bãi binh sa. Người rồi đây là mẩu xương khô. Đời rồi đây không chim hót. Biển rồi đây què thọt những nhánh sông. Rừng rồi đây không mây trắng.

Mẹ ơi, có cách gì mẹ cứu con, để con ôm mãi Nước trong lòng. Vì nhớ thương không là sự sống. Nhớ thương điểm đầu những bình minh cằn cỗi héo hon nơi sa mạc hành tinh.

Thế giới giàu sang bao nhiêu không đánh đổi được tiếng ru hời của Mẹ, tiếng vo gạo mẹ múc từ vại nước hứng mưa sau chái, tiếng gió trưa bên hiên hè còn thoảng chút hương cau. Thành phố sáng láng, nguy nga bao nhiêu cũng không bằng khuôn mặt Mẹ bên dĩa dầu leo lét, những đêm con học bài. Những cọng rau muống xoắn dấm như hoa leo, bát canh mít thơm nồng mùi sân lốt, con cá nục giữa lòng bánh tráng cuốn, chén chè đậu ngự rung ren... Ôi, kho tàng ký vãng thật giàu, mà sao người gác cổng vẫn nghèo xơ ? Đêm phòng ngủ lênh đênh điện. Ngày ly hương xôn xao tiền. Nhưng cơn gió mát của tuổi thơ chưa thoáng lại một lần. Con đi giữa thế giới như dự chợ phiên. Ngồi giữa đống thúng mủng chứa đầy kỷ niệm, bán cho ai, và ai cần mua ? Mọi cuộc gặp gỡ là một lần hồi tưởng đơn côi. Con người sống bên nhau như bóng ma, ngôn ngữ đom đóm chẳng xé nổi màn đêm, và cảm thông chỉ là những lần ngộ nhận. Bởi vì nước chưa môi giới những hình hài, như giữa Mẹ và con.

Ước chi chữ nghĩa là con đường biết đi, nhớ thương là con đò dưới bến, để con về bên Mẹ kỳ Tết này. Thiên hạ đợi đò qua sông. Nhưng 32 năm rồi, con là con đò nằm đợi một giòng Sông chảy. Con sông quê hương ta đã cạn, không nước vì thiếu tình. Con sông quê hương ta hiến thân làm bãi cát khô, chất chồng xương, gươm, súng và dao găm. Những thớt gươm loạn tưởng, những nòng súng mất hồn, với những đống xương cho « nhất tướng danh thành ».

Chỉ còn Mẹ, ở nơi nào rất xa, xa ngoài tầm với ý lực. Sự xâm phạm đã quá bạo tàn. Thiếu môi giới nước, con người chết khô. Mẹ ngậm ngùi và con thắt ruột.

Giữa mùa Tết mông lung, con chỉ còn biết hát một mình con cho Mẹ. Và viết mấy dòng thương nhớ Mẹ để nối lại tình Sông.

Mẹ hãy ghé hơi mẹ lên làn gió, cho con thở chút Hương Xưa.

Thi Vũ
Paris, 19.1.1981

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2022