SỐ 94 - THÁNG 4 NĂM 2022

Những Người Hàng Xóm

Ba tôi dọn nhà về khu ngoại ô khoảng đầu thập niên những năm sáu mươi khi Tổng thống Ngô đình Diệm bị đảo chánh lần thứ hai và bị giết chết, thời gian này tôi đang học lớp nhì. Khi một đứa bé sống lớn lên giữa trung tâm Saigon, đột nhiên thay đổi môi trường về một khu ngoại ô xa lắc thiếu thốn tiện nghi tôi cảm thấy khổ sở lắm, nhất là trở thành đứa nhà quê dưới con mắt những đứa đã sống ở đây từ lâu. Đứng trên đỉnh cây cầu bắc ngang giòng sông ngăn chia hai thế giới, một bên rực rỡ ánh đèn với nhà cao cửa rộng còn bên kia sông là khu ngoại ô ban đêm tối tăm, lèo tèo những căn nhà thấp chạy dọc theo đường nhựa, vài căn lợp tôle vách gạch, còn lại hầu như là nhà mái vách lá, phía sau lưng là ao hồ, vườn cây rậm rạp xa nữa là đồng ruộng mênh mông.

Kể lại thì thật là xấu hổ khi lần đầu tiên thấy một đàn dê mấy chục con được lùa đi trên đường nhựa, do một đứa nhỏ da hơi đen khác với tôi là người thành phố trắng như trứng gà bóc bởi cả ngày chỉ chơi đùa trong bóng mát của những hàng me phố thị. Đàn dê đi qua bỏ lại những viên tròn nhỏ nhỏ giống viên thuốc Bắc hồi nhỏ xíu tôi hay thấy mỗi khi theo ba về thăm người bác làm thầy thuốc Đông y, nhặt mấy viên với ý định sẽ mang về nhà chơi trò bán thuốc tễ, nhưng thấy không khô ráo nên tôi vứt đi. Về sau tôi mới nghe được câu châm biếm trong dân gian từ đâu không rõ : “... đồ nhà quê thấy c.. dê tưởng hoàn thuốc tễ !” chuyện khiến tôi nhớ mãi đến khi lớn lên sau này là bài học đầu tiên của bản thân dạy tôi, đừng bao giờ hấp tấp khi mới gặp người hay việc đang xảy ra trước mắt đã vội đánh giá hay nhận định về nó khi chưa hiểu hết tường tận.

Lần lần mấy đứa con nít hàng xóm trạc tuổi đã khiến tôi lác mắc thán phục khi xuống nước chúng bơi lặn như rái cá, biết tự làm đồ chơi bằng cách móc những cục đất sét dẻo nhẹo nắn thành cái nồi, cái chén, con trâu con chó... đủ thứ thập vật nếu có thể tưởng tượng ra. Chúng không hề gớm ghiếc khi bắt những con trùn nhớt nhợt đang ngo ngoe làm mồi câu cá, thứ mà tôi sợ nhất trên đời.

Mùa hè đầu tiên được đi chơi thả giàn vì không phải đi học. Ba má người đi làm, đi buôn, người giúp việc xua chị em tôi theo nhau đi chơi lang thang ngoài đường với mấy đứa hàng xóm để bà rảnh tay. Nhìn thấy những con nòng nọc chưa rụng đuôi bơi lặn là tôi ào xuống vũng nước vớt bằng hai tay, đám cỏ dưới chân xâm xấp nước khiến tôi say mê lội nước đuổi theo, nào ngờ hụt chân té nhào xuống ao mấy đứa kia tưởng tôi biết bơi nên không để ý, nhờ bà chị tôi la làng khi thấy tôi há họng trồi lên, hụp xuống. Cũng may có một người lớn đi ngang nhảy xuống kéo tôi lên. Về nhà chiều hôm đó ông hàng xóm đã cứu tôi đến mét với ba má, hai chị em bị một trận đòn roi mây với lời cấm “tuyệt đối không được bén mảng đến gần ao hồ”.

Bị cấm nhưng đứa con nít nào cũng ưa thích nước, nhiều lần chị em tôi thích thú nhìn theo bọn trẻ hàng xóm bơi lặn đuổi bắt dưới nước, chúng tôi chỉ dám ôm cây cột cầu ao đập hai chân bì bõm cho đỡ cơn thèm thuồng.

Từ dốc cầu xuôi xuống rẽ về tay phải sẽ nhìn thấy bên trái con đường có một khoảng đất trống dẫn vào một ngôi chùa mang tên Linh Phước Tự. Đứng đầu ngõ nhìn vào chùa tọa lạc trên mảnh đất rộng chung quanh um tùm cây cối, hai bên chùa có vài căn nhà lá nằm xuôi. Sau khi cúng cho nhà chùa một số tiền, sư ông trụ trì cho ba tôi miếng đất nhỏ nằm quay mặt vào hông chùa để ba tôi cất ngôi nhà vách tường mái ngói kế bên hai căn nhà của người khác. Đó là nhà của ông Hai Lợi chạy tắc xi mướn cũng là Liên gia trưởng của xóm chùa, cạnh bên là ông Năm Bóng Đèn làm cảnh sát tùng sự tại Nha cải huấn, tiếp đó là nhà tôi.

Hông chùa bên kia có mảnh đất là nhà ông Năm Than. Ban đầu mới dọn về tôi rất sợ không bao giờ dám bén mảng đến khu vực này. Phía trước nhà bị che khuất bởi một dọc hai dãy nhà sàn cất thấp lè tè cao chừng nửa thước, mỗi dãy dài gần hơn ba chục mét nóc lợp mái lá nhô lên cao tầm một người đứng, tất cả được che kín khiến không thể thấy bên trong có gì. Óc tưởng tượng khiến tôi nghi ngờ rằng đây là nhà mồ, vì nó trông giống những ngôi mộ cổ của đồng bào Thượng du tôi đã thấy trong tạp chí Thế giới Tự Do mà ba tôi thỉnh thoảng mang về. Án ngữ bên ngoài là đống đất đen to như quả đồi trên đỉnh lơ thơ mọc vài loại cây cỏ không tên. Một con đường tráng ciment đã cắt đôi hai dãy nhà sàn là đường đi vào nhà ông Năm Than.

Được hơn một tuần dọn về, buổi trưa nắng theo má đi chợ về trông thấy người ta dỡ hết những mái lá đậy phía trên dãy nhà sàn tôi mới biết đó là nơi dùng để phơi những hòn than tròn to bằng nắm tay người lớn nằm xếp hàng, thì ra những mái lá dùng đậy lại khi trời mưa và dỡ ra khi trời nắng để hong khô chúng. Từ đó thỉnh thoảng tôi cũng đến xem ông Năm làm những viên than này, đầu tiên ông xúc đống đất to là vụn than sàng lọc cho sạch, ông pha vào những cục than to nhỏ đen bóng hơn ngón tay rồi trộn với nước như trộn hồ. Hai người làm thuê sẽ chở bằng xe cút kít những thau to chứa thứ này và ngồi trên sàn vắt chúng lại để phơi khô. Đống xỉ than từ nhà đèn Chợ Quán thải ra được ông mua về đổ bên ngoài sân sát cổng chùa được những người đàn bà, con nít trong xóm xúm lại dùng cái que cào, cời ra lượm những cục than đen bóng như hạt huyền sót lại đong bán cho ông Năm Than hình như được mấy đồng một lon sữa bò, là nguồn tiền thu nhập thêm của họ. Về sau tôi mới biết những người làm tiệm giặt ủi thuê đều mua loại than này để đốt bàn ủi, là quần áo vì nó nóng và lâu tàn.

Chưa đầy năm xóm Chùa có thêm nhà dần dần xây lên, tiện nghi tối thiểu là điện, nước được kéo về từng gia đình. Sát miễu Năm Bà Ngũ Hành đầu đường rẽ vào là nhà chú Mười Công làm thợ điện cho Nha Cảnh sát đô thành, kế tiếp là nhà của đức Tăng Thống thầy của sư ông trụ trì có đứa cháu con của cô Hai con gái ông. Anh này rất đẹp trai chừng mười lăm mười sáu tuổi cũng cạo đầu đi học và đi tu. Tôi nghe ba nói chùa này thuộc hệ Nam Tông giáo phái Cổ sơn môn là thầy tụng đám ma nên có thể ăn mặn và vẫn ở chung gia đình với nhau nếu có. Điều này khác bà nội tôi tu là phái Bắc Tông, khi đi tu là bà bắt buộc phải “ cắt ái ly gia “ và ăn chay trường. Thảo nào trong đám con nít chơi chung có thằng Tiền là cháu ngoại sư ông, nó ở chung với má ruột và bà ngoại là sư cô trong chùa vợ của sư ông. Cả gia đình cùng cạo đầu ngụ trong chùa cũng tụng kinh, cúng kiến mỗi ngày ba thời, khuya khoảng gần sáng tụng kinh gọi là công phu khuya, trưa cũng vậy gọi là cúng ngọ và tối nào cũng tụng kinh rất đúng giờ. Ông Năm bóng đèn là đệ tử của thầy và quen với ba tôi, do đó mới rủ ba tôi về cất nhà cạnh bên. Mỗi tối ông này hay qua chùa cùng sư ông tụng kinh, tôi cũng đi theo vợ và mấy đứa con trai con gái của ông trạc tuổi tôi, là do tò mò. Tôi cũng bắt chước mọi người khi nào đứng lên, khi nào cúi xuống mặc dù chẳng hiểu lời lẽ sư ông ê a đọc, đi nhiều lần tôi biết đến đoạn nào làm cử chỉ gì, khi nào thì đi vòng vòng chánh điện quanh các bàn thờ xá lạy và khi nào kết thúc buổi tụng kinh.

Khu ngoại ô giờ trở nên đông đúc hẳn, chiến tranh trở nên khốc liệt những nông dân trẻ ở thôn quê xa xôi bị Việt cộng khủng bố tuyên truyền, hăm dọa, lôi kéo thường xuyên đành rời bỏ đồng ruộng rủ nhau về quanh thành phố trú thân. Sát bên phải nhà tôi là chú Tư Phú làm tài xế nha Cảnh sát đô thành. Chú Bảy Chặn làm Cảnh sát Đặc biệt chỉ mặc thường phục không bao giờ mặc đồng phục như ba tôi và mấy người kia. Người ta lục tục lấp ao hồ, đắp đất cất nhà nên xóm chùa giờ không còn đất trống nữa. Thời gian này tôi thi đậu và bắt đầu vào trung học, tôi thôi không còn đi theo hay chơi với những đứa hàng xóm, những đứa chỉ học đến hết tiểu học là ở nhà phụ giúp cha mẹ, thậm chí có đứa đi làm giúp việc giữ con nhỏ cho nhà người.

Bán bà con xa mua láng giềng gần, chú Tư Phú người cùng quê với ba tôi. Má anh Tư Quới mới dọn về cũng vậy, ba tôi gọi là chị Trọng ở xóm bến đò dưới quê. Từ đầu đến cuối xóm ai cũng sống chan hòa thân ái với nhau. Thiếm Bảy Chặn làm bồi phòng trong chung cư có lính Mỹ thuê, thỉnh thoảng thiếm mang về một hộp mấy chục cái bánh tròn tròn to hơn bàn tay, giống bánh còng của Việt Nam nhưng ăn rất ngon vì thơm mùi sữa và trứng, thiếm mang phân phát cho mấy nhà có con nít trong xóm. Đôi lần lại được những thanh sô cô la hình chữ nhật dầy “cui” nhân hạt gì bên trong không biết nhưng bùi béo hết biết. Trong xóm gần nhà ông Năm cũng làm sở Mỹ, ở cạnh nhà ông Tư “tuýt” có hai đứa con gái nhà ở khu Bùi Viện lấy chồng Mỹ thỉnh thoảng ẵm mấy đứa con lai về thăm ông bà ngoại.

Có những buổi chiều dăm ba người đàn ông sau khi tan sở về nhà cơm nước xong, tụ tập lại ở nhà chú mười Công bên cạnh miễu Năm bà trải chiếu dưới mảnh đất trống uống trà vãn chuyện, đôi lúc cuối tuần lại cao hứng chén thù chén tạc. Ông Năm Than là hàng xóm nên cũng được mời tham gia. Hôm nào có mặt ông Tư “Tuýt” là đám nhậu rôm rả, ồn ào. Bầy con nít xúm lại xem ông nhảy điệu nhảy twist thời thượng bấy giờ trong tiếng gõ chén, xoong nồi cổ võ của đám nhậu, đa phần đều là những người đi làm công sở nên không có chuyện say xỉn, lè nhè, gây gổ như người ta hay nói “rượu vào lời ra”.

Không biết ông Năm tên gì ? chữ “Than” chắc là do ông có màu da đen bởi rám nắng. Cũng có thể vì công việc liên quan đến những vắt than nên người ta gọi là Năm Than cho gọn. Người vợ ông ít ai thấy mặt và gặp gỡ bên ngoài. Đêm rằm qua chùa tụng kinh sám hối, trước chánh điện đứng cạnh tôi là một cô gái chắc chỉ lớn hơn tôi vài tuổi mặc bộ quần áo màu lam, vạt hò cài một bên dài gần đầu gối. Thấy đầu chị cạo trọc theo thói quen tôi chắp tay xá chào sư cô. Chị nói :

- Diệu Oanh mới cạo đầu tu gieo duyên, là “sa di ni” chưa phải là sư cô.

Thú thật mấy cấp bậc trong chùa của nhà Phật tôi mù tịt. Sau tối hôm đó, chị không rủ ai lại cứ theo mời tôi vào nhà chị chơi. Năm ấy tôi đang học Đệ Thất và đang nghỉ hè, có lẽ trong đám con nít tôi là người có “học” nên chị đặc biệt thích tôi chăng ? Lần đầu theo chị vào nhà tôi mới biết mặt mẹ chị, bà trái ngược với ông chồng cục mịch đen thui, dáng người bà dong dỏng, tướng sang cả mặt mày trắng trẻo, nhìn chị giống mẹ hơn cha. Về sau nhỏ Hương con bà Tám Banh kể lại chị là con riêng của mợ Năm. Có lần tôi tò mò hỏi chị :

- Chị còn trẻ thấy mồ, tại sao đi tu, lại không cho gọi là sư cô !

Chị cười rất hồn nhiên :

- Tại mình thích đi tu, vì xuất gia lúc chưa đủ mười tám tuổi, khi đủ tuổi thụ giới Sa di ni phải học giới ít nhất hai năm nữa. Khi được hai mươi tuổi đời thụ giới Tỳ kheo ni mới được gọi là sư cô, ni cô cũng là tên gọi chung cho người nữ khi xuất gia. Thời gian hạn định không bắt buộc nhưng khi được chấp nhận làm sa di ni thì lâu lắm mới được lên tỳ kheo ni !!. Có người phải cả chục năm tu trong chùa mới được gọi là tỳ kheo.

Tôi lại rối tinh rối mù một lần nữa trước giải thích của chị. Chị kể sau khi xuất gia thì ở luôn trong chùa của người bà con làm trụ trì là ni sư H.L, bà này nổi tiếng cầm đầu các cuôc biểu tình chống chính quyền. Chị đang theo học trường Trung học Bồ Đề giống như những học sinh ngoài đời. Sau giờ học thì về chùa giống như về nhà, khi được cho phép chị mới về thăm mẹ. Chị khoe với tôi quyển nhật ký với những tờ giấy màu xanh thiên thanh :

- Thiên Kim có biết ý nghĩa của những màu sắc không ? Thí dụ màu xanh tượng trưng hy vọng, màu vàng là tuyệt vọng. Đố Kim biết màu hồng là gì không ?

Lắc đầu ngơ ngác, mới học hết lớp Đệ Thất nên tôi chưa có dịp nghe nói vụ này. Chị cười ra vẻ bí mật nói cho một mình tôi nghe thôi :

- Màu hồng là màu tình yêu đó. Khi nào lớn lên có ai viết thư cho Kim bằng giấy pơ luya màu hồng là hiểu rồi nghe.

oOo

Công việc làm ăn của ông Năm Than chỉ một năm sau coi mòi phát đạt hẳn, ông thuê thêm mấy người thợ mua dàn máy làm gạch bông, ông thu hẹp dãy nhà sàn phơi than còn phân nửa, phần còn lại ông để dành phơi gạch bông. Hơn một năm tôi vẫn chưa thấy chị Diệu Oanh về thăm nhà, mùa hè này tôi lên lớp Đệ Ngũ, buổi chiều đi học về tôi loáng thoáng nghe hàng xóm nói ông Năm Than cùng mấy người thợ vừa bị cảnh sát bắt không biết tội gì. Chẳng ai muốn tò mò tìm hiểu nguyên do vì vợ ông sống rất kín kẽ ít giao thiệp với lối xóm.

Mậu Thân đợt hai xóm chùa cũng không thoát khỏi khói lửa lan tràn. Sau trận chiến tất cả thành bình địa, mọi người trở về chỉ còn thấy ngôi chùa sừng sững với chánh điện và thật lạ lùng ngôi nhà ông Năm Than vẫn còn nguyên. Ba tôi buồn rầu không xây lại nhà, kể từ đó gia đình tôi rời xóm đi luôn. Bài hát “anh biết em đi chẳng trở về” nghe vang trên radio như tiếng than thở của gia đình tôi khi biệt ly hàng xóm.

oOo

Lâu lắm mới gặp lại người của xóm chùa. Tính ra đã mười bảy năm, ngẫu nhiên Thanh Hồng con chú Bảy Chặn gặp lại gia đình tôi khi đang làm bảo vệ cho cơ quan bên cạnh nhà. Thằng bé năm Mậu Thân chưa đầy mười tuổi vậy mà vẫn còn nhớ và nhận ra chị em tôi là hàng xóm ngày xưa. Hỏi thăm từng người Hồng cho biết sau tháng 4/75 tất cả những người đàn ông trong xóm từ chú Mười Công, Chín Phú, Tư Quới.v..v nghĩa là những ai có dính líu chế độ cũ đều bị trình diện học tập ba ngày rồi được cho về bởi trong số không ai có cấp bậc sĩ quan, chỉ riêng chú Bảy bị giữ lại không được về. Một năm sau nhà mới được tin ông bị đưa ra Bắc đến bây giờ đã hơn mười năm vẫn chưa được thả. Tôi ngạc nhiên sững sờ hỏi :

- Sao kỳ vậy, ba em chỉ là một người Cảnh sát bình thường giống như những người trong xóm, đâu phải là sĩ quan hay cấp bậc cao mà bị đưa ra miền Bắc ? Ba em lúc đó ổng có vợ bé nên rất ít đi về xóm mình, chỉ thỉnh thoảng ghé nhà thôi, chị lại không hề thấy ổng mặc sắc phục, vì ngành Cảnh sát Đặc biệt ít ai biết, vả lại ổng đâu có nói năng gây gổ với ai trong xóm, ngoại trừ với má em về cái tội “say mê vợ bé bỏ bè con thơ”. Rồi má em có đi ra Bắc thăm ba không ?

Tôi phẫn nộ nói một hơi không kịp thở.

Hồng nhỏ nhẹ buồn rầu nói :

- Chị biết hoàn cảnh nhà em quá mà, làm gì có tiền đi thăm nuôi. Má em chỉ nhờ gởi kèm quà cho người ta khi có ai đó ra Bắc thăm nuôi thôi.

Rồi như chợt nhớ ra Hồng hỏi tôi.

- Chị còn nhớ ông Năm Than không ?
- Nhớ, trước Tết Mậu Thân nghe nói ổng bị bắt xóm mình lại không biết về tội gì.
- Nhà Năm Than là cái ổ chứa Việt cộng nằm vùng đó, mấy người thợ làm gạch bông là Việt Cộng chính hiệu nghe nói bắt được tài liệu tuyên truyền giấu trên nóc xưởng làm gạch bông, còn ông Năm Than có phải là Việt cộng hay không thì mình không biết. Nhưng nhà em nghi ngờ ba em bị đưa ra Bắc là có người tố cáo gì đó với Phường, còn ai tố ba em thì mình không rõ.

Tự nhiên tôi nhớ đến ni cô Diệu Oanh là đệ tử của bà ni sư H.Liên nổi tiếng, biết đâu hè năm ấy đã ra mật khu để tháng 4/75 vắt vẻo ngồi trên xe tăng Cộng sản chỉ đường cho họ tiến vào Saigon. Cũng như bà giáo sư dạy môn Công dân giáo dục của trường GL/ Đ. T. Ngọc ngay những ngày đầu tiên là một thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc TP/HCM. Anh chàng sinh viên Y khoa chủ tịch đại diện SVHS Saigon H.T.Mẫm, bà giáo sư Tiến sĩ Luật N.B. Thành..v.v miệng lúc nào cũng tố cáo bị chính quyền Việt Nam Cộng Hòa chụp mũ là Cộng sản, đàn áp, vu khống là thành phần phá hoại quốc gia, bây giờ lột mặt nạ từ miệng cống lũ lượt chui lên thò những cái đuôi ngúc ngoắc vẫy chào nhau Đại thắng mùa xuân.

oOo

Một năm sau trước khi chuyển đi, Hồng ghé qua thăm gia đình tôi cho biết cả cơ quan dời về Bình Dương nên phải đi theo. Hồng nói thêm, mới đây :

- “Ba em bị tù cải tạo mười một năm, được nhà nước khoan hồng cho về nhà đúng một tháng là chết”.

Tự nhiên tôi nhớ đến nhà thơ Vũ Hoàng Chương với câu thơ trở thành bất hủ riêng tôi “Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh”, câu thơ nói về “những người hàng xóm” của tôi thật đúng.

Nhà thơ bị bắt cho dù ông không tham gia chính trị, người ta nói ông bị bắt bên cạnh tính khí khái còn có một bài thơ “Rằng vách có tai, thơ có họa” ông cũng được thả về hình như sau hai ba tháng là qua đời. Đây cũng là chủ trương chính sách sáng suốt của đảng thả về nhà những tù nhân gần chết, để khỏi bị mang tiếng với nhân quyền quốc tế là đối xử khắc nghiệt với người tù bị “cải tạo” nhưng không hề có tội.

Cỏ Biển
Tháng Tư 2022

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2022