SỐ 94 - THÁNG 4 NĂM 2022

THÁNG 4 & QUÊ HƯƠNG THỨ HAI

Sáng ngày 30 tháng 4, tên giặc nằm vùng yêu cầu quân cán chính VNCH buông súng, đầu hàng CS bắc việt, đó là phát súng cuối cùng bắn vào đầu công dân Miền Nam Việt Nam.

Hơn 20 năm chiến đấu cho Tự Do, bao nhiêu thế hệ cha anh hy sinh tuổi xuân sống chết, tàn phế vì Tổ Quốc để cuối cùng bị tên phản quốc dồn đến đường cùng, ê chề đắng cay đến trào nước mắt tủi nhục.

Sau vài ngày loạn lạc Miền Nam như bãi tha ma xác chết đó đây dọc đường chạy giặc ngay trên quê hương mình, cuộc chiến cuối cùng giữa lòng Sàigòn, xác chết từ ngoại ô vào tận thành phố.

Người sống chạy, chạy mãi, niềm tin rơi rụng dọc đường đến cạn kiệt khi họ chạy đến điểm dừng cuối cùng của đất Việt, phía trước là biển cả bao la, giấc mơ Tự Do xa dần, mịt mù ngàn khơi.

CS bắc việt chơi cú lừa thế kỷ, lấy mạng cựu quân cán chính VNCH trong trại tù cải tạo khiến không ít người bỏ xác nơi rừng sâu nước độc, bị hành hạ đến chết, có sống sót trở về cũng tàn phế hiểu theo nghĩa nào vẫn đúng.

Lúc bố tôi còn sống, sau tháng 4 đen, mỗi lần gặp gỡ bạn bè các cụ đấm ngực tự trách không cứu nổi chính thế Cộng Hòa mà quân dân Miền Nam đã đổ bao nhiêu xương máu, để hôm nay con cháu phải lãnh chịu hậu họa.

***

Hơn mười năm trước tôi có gặp lại vài người bạn của bố bên Mỹ, hôm đến thăm bác Tân, bác nhắc đến bố, tôi cắn răng ngăn dòng nước mắt chực trào sợ khơi lại nỗi buồn thiên thu của chú bác thế hệ bố tôi.

Bác là bạn thân của bố được con trai duy nhất là anh Tưởng bảo lãnh qua Mỹ, lúc đó bác gái đã mất, anh cùng hai con trai vượt biên đến đảo năm 80 sau đó đi định cư ở đây, giọng bác buồn hiu khi nhắc đến chuyện gia đình anh Tưởng.   

Tôi biết anh chị trước năm 75, anh Tưởng cùng đơn vị Thiết Giáp với anh Cả của tôi, một lần về phép anh nhắn gia đình tôi đến nhà lấy gói thuốc Nam anh Cả gửi cho bố.

Tôi biết anh Tưởng nhưng không biết chị, hôm đến nhà lấy thuốc cho bố là lần đầu gặp chị, trước năm 75 tôi đã mến tính dễ gần của chị.

Đàn bà hai con trông vẫn mòn con mắt, đẹp người, đẹp nết, chị là dược sĩ vừa trông tiệm thuốc tây vừa chăn hai con trai trong lúc anh đóng quân tận miền Trung.

Ngày anh Tưởng đi tù cải tạo, tiệm thuốc tây bị tịch thu, may còn căn nhà riêng để chị và hai con nương náu, cũng như bao vợ lính, chị lăn lộn chợ trời đến kiệt sức cũng chỉ đủ cơm cháo cho con.

Sau này có chợ thuốc tây đường Huỳnh Thúc Kháng, chị làm ăn khá hơn nhưng rủi ro cụt vốn khó tránh khi đám con buôn tranh giành mối lái báo công an hốt dân thuốc tây trọn gói.

Chị vô can cũng bị vạ lây, trắng tay sau cuộc càng quét, khóc hết nước mắt trên đường về nhà, trắng đêm suy nghĩ mãi sáng hôm sau đưa hai con gửi nhà nội, chị mượn mẹ chồng ít tiền đi buôn.

Một gã Chợ Lớn thích chị đề nghị hùn vốn, chị lắc đầu một lần, hai lần… đến lúc cụt vốn không còn mượn được ai nữa chị đành gật đầu chung vốn làm ăn.

Cộng tác với hắn chị làm ăn phát tài, sau này chị mới biết hắn nhận phần hùn của công an nên tồn tại bền lâu, dù sao hắn cũng là chỗ dựa an toàn của chị trong lúc này.

Hai năm chung vốn, tình thầm của gã Chợ Lớn càng ngày càng nồng nàn dù hắn chưa lên tiếng, để cắt đứt hy vọng của hắn chị thường nhắc đến anh và nói rất mong ngày anh trở về.

Từ lúc đó hắn trở nên ít nói dù vẫn tiếp tục buôn bán với chị, thái độ đó khiến chị mến phục gã không hồ đồ, không lợi dụng chuyện buôn bán làm áp lực với chị.

Năm 78 hắn rủ chị và các con đi bán chính thức với hắn, chị từ chối vì không đủ tiền, hắn đề nghị cho chị vay trước trả sau.

Chị bảo chờ chồng về mới quyết định được, tội nghiệp gã si tình tiếp tục ôm mối tình câm.

Ngày anh được thả về, chị nghỉ bán ở nhà, hai ngày sau gã si tình ngồi trước ngõ nhà chị chờ chị đi chợ, chị biết sớm muộn gì hắn cũng tìm chị.

Hôm đó chị báo tin vui cho hắn biết, cảm ơn hắn quan tâm gia đình chị và chị sẽ trở ra chợ tuần sau.

Đêm hôm đó chị kể cho anh chuyện buôn thuốc tây nhờ gã Chợ Lớn giúp đỡ nên sắm được ít vàng phòng thân, chị không dấu anh chuyện hắn thích chị, nhưng chị vẫn một lòng yêu anh.

Vì anh bị quản thúc tại gia nên không thể theo chị ra chợ thuốc tây, anh thay chị lo cơm nước cho hai con, chị may mắn có người chồng tự trọng, không hề lớn tiếng trấn áp vợ để che đậy mặc cảm ăn nhờ cơm vợ.

Trở lại chợ thuốc tây nhưng chị luôn nghĩ đến chuyện đưa anh đi vượt biên nên không còn nhanh nhẹn như lúc trước, buôn bán cầm chừng, thẩn thờ như người mất hồn.

Niềm vui đoàn tụ với chồng dù còn nóng hổi, lòng chị luôn đeo mang trọng trách đưa chồng chạy trốn CS, dù nguy hiểm chết người nhưng chị biết anh khó sống sót với chế độ CS tàn độc.

Một hôm chị nói với gã Chợ Lớn ý định lo đưa anh vượt biên và nhờ hắn tìm giúp mối lái, sau khi đưa chị đến gặp người tổ chức, chị ra về buồn hiu, vốn liếng chưa đủ cho anh và hai con cùng đi, may mà chị chưa bật mí cho anh biết tin này.

Rồi chị cấn bầu, anh chị nửa mừng nửa lo cho các con khó có đường sống với chế độ này, tuy nhiên hạnh phúc có thêm đứa con đã lấn át nỗi lo của anh chị, cả hai ước mơ đứa con thứ ba sẽ là con gái.

Cái bầu càng ngày càng to, gã Chợ Lớn tuy kém vui vẫn lịch sự chúc mừng chị, chuyện đưa anh đi vượt biên chị tạm gác qua một bên, chờ ngày con ra đời rồi sẽ tính với anh.

Không đành lòng để chị nặng nề đi buôn, anh bảo chị giới thiệu anh với gã Chợ Lớn để anh thay chị lo toan cho gia đình.

Chị ngạc nhiên hỏi :

- Anh không tự ái theo gã kia đi buôn ?

Anh cười nhìn chị âu yếm :

- Không mang ơn hắn thì thôi sao lại ghét người ta, em đẹp người, đẹp nết gã không mê mới lạ. Những ngày ở tù cải tạo anh học được bài học quý giá, NHÂN CÁCH, ĐẠO ĐỨC món quà Thượng Đế ban tặng cho chúng ta mà không phải ai cũng nhận biết điều đó để sống cho ra người.
Khi em thú nhận gã Chợ Lớn si mê em, anh biết em nói thật, anh thật hạnh phúc tin chắc em luôn yêu anh dù anh không còn đeo lon Đại Úy hiên ngang như ngày xưa, tệ hơn là tên ăn bám vợ.
Anh thật sự quý mến gã Chợ Lớn, rất đàn ông, rất đàng hoàng, si vợ người công khai và chấp nhận là kẻ bên lề khi bị từ khước.
Em tin anh đi, hắn sẽ giúp anh thay em chạy chợ, mai tan chợ em mời hắn về nhà cho anh nói chuyện.

Không chỉ riêng chị ngạc nhiên trước đề nghị của chồng, gã  Chợ Lớn trố mắt nhìn chị, hỏi :

- Ổng muốn theo tui đi bán ?

Chị cười :

- Đúng vậy, anh có giúp không thì nói.
- Có chứ, biểu mai ổng ra đây tui chỉ liền mà.
- Cảm ơn anh, tan chợ anh theo tôi về nhà nói chuyện với chồng tôi cho tiện, được không ?

Nhờ ở tù trong rừng nên anh Tưởng mới biết nấu ăn dù không ngon như hàng quán ngoài phố nhưng cũng không tệ, mâm cơm đãi khách có món gà nướng ướp sả ăn với cơm, canh chua cá lóc.

Để hai người dùng cơm ngoài phòng khách, chị xuống bếp ăn cơm với các con, hóng nghe hai người nói chuyện.

Tiếng anh oang oang kể chuyện ở rừng thỉnh thoảng bắt được rắn, ếch, gà rừng…đám tù chia nhau xớ thịt mỏng như sợi chỉ vá talon vỏ xe đạp, nhai mãi không chịu nuốt sợ mất mùi thịt…rừng.

Hai gã đàn ông cụng ly cười vui vẻ, chị mừng thầm hy vọng gã Chợ Lớn sẽ tận tâm giúp anh buôn bán.

Đàn ông có khác, anh lanh hơn chị nhiều, mua bán đắt hàng, gặp lại bạn cũ họ chỉ cho anh cung cấp thêm mấy mối thuốc tây dưới tỉnh, vài tháng ra chợ anh kiếm khối tiền và theo gã Chợ Lớn mua vàng.

Ngày chị sinh con gái, hạnh phúc vỡ òa, đứa con mong đợi như ý anh chị dù bé sinh ra trong chế độ ai cũng muốn chạy trốn, nhưng đứa con của tình yêu đủ an ủi số phận hẩm hiu của anh chị lúc này.

Bé Linh như thần hộ mệnh của bố, anh làm ăn càng ngày càng phát đạt, bây giờ anh có cả rổ vàng, lòng anh ôm giấc mơ ra đi nhưng không dám bàn với chị vì con bé còn đỏ hỏn.

Thôi nôi của bé Linh, gã Chợ Lớn đến chung vui với gia đình vì lâu nay hắn trở thành bạn thân của anh và không còn xa lạ với hai gia đình bên nội ngoại của cháu.

Tàn tiệc anh kéo hắn ra sân to nhỏ một lúc, chờ hắn nổ máy chạy ra khỏi xóm, anh vô nhà phụ chị dọn dẹp tiếp, nội ngoại bạn bè mỗi người một bao thơ, gã Chợ Lớn tặng bé Linh sợi dây chuyền vàng.

Đêm hôm đó chờ các con ngủ say, anh vào giường, gác tay lên trán mở lời :

- Em nghĩ sao nếu chúng mình đi vượt biên.

Chị quay sang anh, hỏi :

- Gã Chợ Lớn đề nghị phải không ?
- Sao em nghĩ như vậy ?
- Hắn từng rủ em với các con cùng đi với hắn và cho em mượn tiền rồi qua đó trả sau.
Em từ chối, nói chờ anh về sẽ tính nên hắn không đá động đến chuyện đó nữa. Sau ngày anh trở về em có theo hắn gặp chủ tàu tìm chỗ cho anh, lúc đó em không đủ tiền nên không nói cho anh biết. Rồi em cấn bầu bé Linh nên không nghĩ đến chuyện đó nữa.
- Hắn không rủ anh, hắn nói chuẩn bị đi. Em nghĩ sao ?
- Con còn nhỏ quá, hay anh đi trước với Toàn và Tín.
-  Anh cũng nghĩ vậy, nhưng anh muốn biết em có đồng ý không.
- Liệu mình có đủ tiền không anh ?
- Em yên tâm, anh chuẩn bị cho cả nhà, nếu em ở lại với bé Linh, em dùng số vàng mua chỗ cho hai mẹ con để tiêu dùng, chờ anh bảo lãnh sau.

Gần ngày lên đường anh chị ăn ngủ không yên, nửa mong ngày anh ra đi, nửa lo bao trắc trở khó lường, nhất là hai đứa nhỏ.

Chuyến hải hành năm đó cha con anh Tưởng cặp bến an toàn, anh ở trên đảo hơn một năm trong khi chờ thanh lọc đi Mỹ.

Một năm sau chuyến đi của anh, chị bế bé Linh theo đường dây của gã Chợ Lớn, xuống thuyền lên đường.

Ra khơi an toàn, bước vào biển Thái Lan tàu bị bọn hải tặc lên thuyền xô đàn ông xuống biển, cướp bóc, hãm hiếp, bắt cóc và giết cả phụ nữ nếu ai phản kháng.

Khi chúng rời thuyền chỉ còn vài người đàn ông sống sót, họ được chiếc thuyền vượt biên khác vớt lên tàu cặp vào vô đảo Pulau Bidong.

Nghe họ kể lại thảm họa hải tặc, anh Tưởng gục ngã trước hung tin vợ con anh vùi xác trong lòng đại dương.

Kể đến đây bác Tân nước mắt ràn rụa, đứa con dâu duy nhất mà bác yêu thương đã ra đi trước sự thương tiếc của gia đình bác, bạn bè của anh Tưởng và có cả tôi dù tôi gặp chị chỉ một lần duy nhất.

Không riêng gia đình bác Tân mà hầu như gia đình Miền Nam VN nào cũng có người bỏ xác trên biển, em chồng tôi và cô út của tôi cũng bỏ xác ngoài biển Đông hơn bốn mươi năm trước trên đường đi tìm tự do.

Tháng 4 luôn nhắc nhớ, chúng ta từ đâu đến đây, chúng ta may mắn hơn người còn ở lại VN, hạnh phúc hơn người bỏ xác trên biển, hãy sống xứng đáng với cái giá chúng ta phải trả mới có ngày hôm nay.

Hãy tôn trọng và nhớ ơn đất nước đã cưu mang gia đình chúng ta, QUÊ HƯƠNG THỨ HAI đã đón nhận và giúp đở chúng ta, nơi đây là điểm dừng cuối đời của chúng ta và là Quê Hương thật sự của con cháu chúng ta.

Tháng 4 2021 / Đoàn Thị

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2022