SỐ 94 - THÁNG 4 NĂM 2022

Thằng Nèm 

Vừa hừng hừng sáng cả nhà ai nấy đều sẵn sàng, chỉ chờ xe đến là đi trong khi thằng Nèm vẫn cố kèo nài với ông bà nội nó là để nó chạy ra chợ mua bánh mì thịt và cơm tấm cho cả nhà ; nó muốn mọi ngưởi thưởng thức món ngon của Châu Đốc. Trước sự nài nỉ tận tình của nó ông chủ Ruộng đành xuôi tai, chỉ chờ có vậy nó lẹ làng đẩy xe máy ra, lấy tiền từ bà chủ Ruộng rồi hối út Lép ngồi sau xe để nó chạy ra chợ mua đồ ăn sáng. Giáo Hoạch, Đẹp cũng vừa qua tới chỉ thiếu có chú tài còn bận lo dầu mỡ cho xe. 

Chương trình thay đổi chút chút vào giờ chót, thằng Nèm đề nghị ăn ở nhà không đi ra Nam Hiệp. Y ta muốn mọi người ăn cơm tấm, bánh mì thịt nguội.

Giáo Hoạch:

- Con cũng thích như nó vậy. Ăn ở nhà tự nhiên, vui hơn. Nói chuyện thả dàn không phải giữ ý tứ. 

Thiếm Tư :

- Làm sao nó biết ý mỗi người mà mua 
- Để rồi bây coi. Con của bây nó tinh ý lắm. 

Sen lên tiếng :

- Hễ nó mua cái gì thì mình ăn cái đó.

Vừa khi cùng lúc chú tài, thằng Nẻm út Lép bước vô.

- Ông bà nội một cơm tấm một bánh mì, bà ngoại dì Ba cũng vậy, má với út Lép y chang, anh Giáo chị Đẹp, anh Lường chị Sen, chỉ má bé Hai, chú Tài với con là ăn cơm tấm cho no dai. 

Từ sau nhà, dì Ba có sự hụ hợ của hai chị em Sen Đẹp mang chén dĩa và cà phê lên.

- Đó là tại sao tui muốn đi ra Nam Hiệp ăn sáng. Ăn xong mình không phải dọn rửa cho mất thì giở. 
- Cũng vì vậy con đề nghị với ông nội mình ăn cơm tấm bánh mì.
- Con thấy thẳng Nèm tính như vậy cũng tiện, ăn xong giấy lá vào thùng rác là xong. 

Bà chủ Ruộng dứt khoát.

- Thôi hè nhau ăn cho xong rồi còn đi, trưa trời trưa trật rồi..

Sau khi bà chủ ruộng nói mọi người lặng lẽ cho xong bữa điểm tâm.

Giáo Hoạch là người rành rẽ nhất nên đứng ra sắp đặt cho mọi người lên xe, y ngồi cạnh tài xế cho tiện việc vẽ đường, hướng dẫn. Cứ thẳng con đường trước rạp hát chừng năm cây số là tới. Ra khỏi thành phố một đỗi, hai bên đường song song hai bờ kinh. Con đường cao hơn, tựa ven đường hai hàng me keo trải dài đến tận núi Sam. Xe chạy đến chân núi trước mặt là chùa Tây An, bên trái là khu dất trống dành là nơi tổ chức hội chợ trâu bò mỗi tuần, rẽ phải là con đường vòng theo chân núi ngang qua miễu Bà rồi thẳng vô Nhà Bàng. Giáo Hoạch cho chú Tài ngừng ngang cửa chùa Tây An. Mọi người xuống xe rồi cùng băng qua lộ vào thăm viếng chùa. Giáo Hoạch hướng dẫn quanh chùa sau khi kể rỏ tiểu sử và thân thế Phật Thầy. Vốn chủ ý thăm viếng miễu bà nên mọi người không mấy quan tâm lắm nên trong vòng mươi mười lăm phút là đã trở ra. Sau khi hỏi mọi người có muốn thăm viếng lăng ông Thủ Khoa Nghĩa cạnh bên hay không ? Mọi người đều lắc đầu thế là lại lên xe tiếp tục đến miễu bà. Xuống xe tất cả túa ra người mua nhang đèn, người mua hoa qua bánh trái cung kính tiến vào bên trong, Tượng bà to lớn, màu sắc sặc sỡ, Đầu đội mão vàng lóng lành kim cương, tay mang vòng vàng nặng trĩu. Giáo Hoạch nói nhỏ đủ cho mọi người nghe:

- Đồ thiệt không đó. Vậy mà không có ai dám lấy cắp.

Ông chủ Ruộng :

- Không có cắp nhưng có cướp. Chuyện kể có một tên lưu manh vì quá nghèo nên đứng trước bà ông ta lâm râm khấn xin bà giúp vốn làm ăn. Hắn gieo sấp ngửa nếu một sấp một ngửa thì có nghĩa là bà thuận giúp cái mão vàng trên đầu ; nếu cả hai đều sấp thì có nghĩa bà thuận cho vòng vàng trên tay còn như hai mặt ngửa là bà đồng ý cho bông tai, dây chuyền trên cổ. Nghe ông ta khấn như vậy bà bèn không cho sấp ngửa rơi xuống, mà cứ quay lơ lửng. Ông ta nhanh tay ôm gọn lấy hai mặt sấp ngửa rồi la lên cảm ơn bà ; thấy con nghèo quá nên bà cho hết. Thế là bà hết đồ trang sức mà không làm gì được ông ta.
- Thiệt vậy sao ông nội ? 
- Chuyện kể như vậy, không biết thiệt hay không.

Chệt Lường biểu Sen kêu má con bé Hai tới gần rồi nói : 

- Giờ nị cũng là người làm ăn, vậy nên vay tiền của bà để làm vốn mua bán đi.. Thiếm Tư cũng đốc vô : 
- Đã làm ăn mua bán thì cũng nên tin đi má bé Hai, ăn nên làm ra thì mai mốt mình tạ ơn. 

Chệt Lường rành rẽ mấy vụ nầy nên dắt má con bé Hai di vay năm đồng. Giáo Hoạch thấy tạm đủ nên bảo mọi người ra xe để đi đến Bạch Vân, một ngọn đồi gần đó.

- Ông giáo ! có cái gì đặc biệt ở đó vậy. 
- Cũng có mấy người tu hành với lại nồi tiếng có cây me ngọt, đã tới đây thì sẵn đi thăm luôn. Ai mệt thì ở đây chờ.

Chừng một tiếng là trở lại thôi… Ông bà chủ Ruộng, bà ngoại, dì Ba, má bé Hai đều ở lại. Còn lại tất cả đều theo giáo Hoạch. Bạch Vân không quá cao nhưng cũng đủ làm mọi người vất vả. Gần ba mươi phút sau mới lên đến nơi có cây me ngọt. Từ trong căn nhà dưới gốc me một ông đạo bước ra mời mọi người vào uống nước : 

- Ở đây có nước mưa mời quý vị vào uống cho đỡ khát,

Giáo Hoạch cám ơn rồi tất cả đều vào. Thiếm Tư nhìn ông đạo rồi hỏi : 

- Thầy ở đây lâu chưa?
- Cũng hơn hai chục năm, từ khi tóc còn để chỏm. Ông ngó Thiếm Tư rồi nói : nhìn số cô cực khổ lận đận dữ đa nhưng từ rày về sau được sung túc rồi nhưng số phải ly hương. Hậu vận tốt đẹp, hạnh phúc vô cùng ; con cái tất cà đều thành đạt. 

Thiếm Tư tuy không tin nhưng cũng cám ơn, lấy lý do còn người nhà chờ dưới chùa bà nên xin phép cáo từ, Thiếm cũng không quên gởi Thầy tiền nhang đèn.

Xuống Bạch Vân, giáo Hoạch ngỏ ý mời mọi người ăn trưa ở Động Phát. Chệt Lường lên tiếng cãi lại : 

- Anh Giáo phải để ngộ với Sen mời mọi người, anh Giáo để buổi chiều đi.

Thiếm Tư:

- Chiều nay Út đã tính rồi, Út phải làm mâm cơm cúng thổ trạch 

Ông chủ Ruộng lại tiếp thêm:

- Còn tân gia nữa chớ ! 

Giáo Hoạch đành hướng dẫn chú tài lái tới Động Phát. Sau bữa cơm trở về nhà Thiếm Tư hỏi Sen dự định mua gì về để Thiếm và dì Ba lo mua chiều nay. Giáo Hoạch bảo sẽ đưa đi vì đã biết hiệu mắm ngon nhất ở đây. Bà chủ Ruộng ân cần bảo Thiếm Tư nhớ mình phải có con gà luộc, thịt quay bánh hỏi và trái cây.Thiếm Tư, dì Ba, Sen theo xe của Giáo Hoạch đi mua mắm và sau đó sẽ ghé chợ. Sau khi tới nhà bà Hai Xuyến hiệu mắm được mọi người giới thiệu, Giáo Hoạch bỏ mọi người ở chợ rồi trở về nhà lo cơm chiểu.

Sau bữa cơm mọi người mỏi mệt nên trở về chỗ ngủ như hôm trước sớm. Sen, Đẹp vẫn còn quyến luyến bên bà nội một lúc. Thằng Nèm, út Lép cũng tiếc rẻ cho ngày vui qua mau, nhưng hôm sau phải đi học rồi. 

(còn tiếp)

Trần Phú Mỹ

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2022