SỐ 94 - THÁNG 4 NĂM 2022

VÀ ...
MỘT CHÚT XUÂN THÌ

Nơi tôi ở, vẫn được gọi là thành phố có trăm nóc chuông nhà thờ, mùa xuân đang lấp ló trở lại.

Nói là lấp ló vì từ trăm cái nóc chuông đang im ỉm đó bỗng dưng trở nên chộn rộn khác thường. Có một cái gì lít chít lao chao đang làm xao động cả những mái đá đã trăm năm.

À bầy chim thành phố !

Những con chim đã bỏ đi lâu lắm bỗng dưng rồi trở lại từ lúc nào, đang ríu rít gọi nhau như gởi gắm từng lời thăm hỏi. Rồi là cả một chuyển động không ngừng. Từ sớm mai đến chiều hôm, từng bầy chim cứ bay đi bay về, líu ríu lích rích, chao qua đảo lại giữa mấy ô cửa, kè đá, bệ tường, vòm tượng vắt vẻo trên ngàn tấm nóc rêu xanh. Líu lo, dáo dác, rỉa lông, gõ mỏ rồi chiu chít gọi nhau, rồi bay ra bay vào, lăng xăng lít xít như để nhìn ngó lại cái góc nhỏ quen thuộc đã bỏ đi từ lúc những cơn gió đổi chiều bắt đầu thổi về từng hơi gió bấc. Khu phố cũ với những dãy nhà xám xịt và hàng cửa kín mít cũng làm như giựt mình thức giấc. Có một cái gì đang rục rịch sống dậy ngay giữa mớ gạch đá im lìm. Một cái gì đang trở mình thấp thỏm dưới mấy lớp tuyết kín bưng. Trời đâu đã thôi lạnh hẳn. Vậy mà coi bộ lũ chim đã rất vừa lòng, cứ lấp la lấp ló, ríu ra ríu rít cả ngày làm khách qua đường cũng thấy dạ vui lây. Ờ thì ra từ những nóc chuông cao vút đó, có một chút dáng xuân đang chờn vờn quẩy đập theo mấy cánh chim mà tụ hình, mà khều nhẹ vào từng nỗi ủ ê trong những tấm lòng còn khóa chặt.

À thì ra cái mùa xuân theo bầy chim trốn biệt đâu đâu rồi cũng đương theo bầy chim mà trở lại. Từ trên cao, tin vui phút chốc đổ ào xuống, lan ra thiệt nhanh như một thứ bệnh truyền nhiễm. Đường lộ, cây cối, phố xá, mới mấy hôm trước còn dàu dàu bộ mặt đưa ma, co ro cúc rúc ngại ngùng ngay cả một tiếng hỏi câu chào bây giờ coi bộ cũng muốn thở phào, vung vai nhỏm dậy mà dang tay đưa đón. Thêm một chút xíu mặt trời ló ra, một chút xíu nồng nàn thôi là ai nấy như sống lại, rạo rực đến nỗi muốn ôm hôn bất cứ ai, mặc kệ người quen kẻ lạ.

Coi vậy mà tin xuân quan trọng dữ.

Tôi cũng có khác gì đâu.

Hồn tôi không dưng mà thức dậy sau một mùa đông thiếp ngủ.

Vậy đó, mùa xuân đang lấp ló trở lại, e dè nhưng quyết chắc nơi thành phố tôi đang ở. Hôm qua trên con đường về vắt ngang núi, tôi thấy mấy đóa hoa xuyên tuyết đã nhoi lên, loi choi điểm chút vàng chút tím giữa bãi tuyết trắng phau. Và cái mùi nhựa thông chổi dậy cứ hăng hắc theo gió mà bay xa, xa cùng khắp. Trời đất chộn rộn giao mùa làm lòng người ngây ngất cũng muốn say theo.

Rồi bỗng dưng mà tôi nhớ lại cái truyện ngắn mới đọc đâu đó. Ông nhà văn gốc lính, sau khi đã ba chìm bảy nổi với nước non trở thành người sinh viên già , ôm sách vở đến trường làm lại đời mình. Ông đi học mà lòng cứ lấn cấn không nguôi với chuyện nhà chuyện nước. Bởi vậy mà ông ta buồn nhiều hơn vui. Thiệt ra có ai mà vui được với cái lịch sử quá sức bầm dập của dân tộc, nhất là có mình ở trỏng. Không viết lách thì thôi, hễ viết là thế nào rồi cái buồn đó cũng vận vào thơ văn nên cứ nghe ra cay đắng. Mãi rồi đến khi ông ta gặp một cô sinh viên từ nước ngoài sang du học. Cô ta trẻ, đẹp và xinh tươi như một nụ tầm xuân. Hai người kết bạn trong một đêm cuối năm rồi đưa nhau đi đón giao thừa giữa lòng Nữu Ước. Đêm đó, đêm hết một năm, đêm bắt đầu một năm mới. Trời đất và con người hẳn cũng có niềm giao cảm. Không biết tại người bạn gái đó trẻ đẹp và mong manh như hình sương bóng khói hay tại ông lính già cảm thấy sự lung linh thay đổi của trời đất cũng làm lòng mình rưng rưng thay đổi theo mà tự dưng ông ta chợt băn khoăn khi sắp sửa thổ lộ nỗi buồn rầu của mình với cô gái. Ông ta băn khoăn rồi ngưng lại. Tuổi em không phải là tuổi tôi. Không thể mang nỗi buồn rầu của thế hệ tôi về thế hệ em.(*)

Câu văn đó đã là đề tài nói chuyện một bữa tình cờ tôi gặp lại người học trò cũ. Gọi là học trò cũ cho oai chớ thật ra cô ta cũng đã trên dưới 40, đã chồng con đề huề, đã lao đao vì vận nước và lận đận vì đời sống xứ người. Nghĩa là đã có đủ điều kiện để nói chuyện ngang hàng với ông thầy cũ. Tuy nhiên vì truyền thống, cô ta vẫn một mực thầy trò khuôn phép lắm. Vậy mà lần đó, khi nghe tôi kêu ca về nỗi sầu lữ thứ kéo theo một mớ dây mơ rễ má sầu vong quốc sầu vong thân sầu vong tình ... hầm bà lằng xắng cấu sầu của thế-hệ-bất-hạnh-tôi đến nỗi cô ta phải duyên dáng mà nhẹ nhàng cản lại. Còn đang bất ngờ, cô ta đã đột nhiên hỏi vặn lại tôi vậy chớ sầu hoài không thấy khổ thân sao. Rồi lịch sự đề nghị hay là lần này người lớn thử nghe lại người nhỏ coi.

Thay vì cứ đi lo truyền lại cái buồn rầu dẫu chính đáng của mình cho em út sao không bắt chước tuổi trẻ mà sống cho vui. Lớp trẻ đó có tội tình gì mà kéo vô gánh tiếp cái sầu bất tận của cha anh. Lớp lớn cũng có tội tình gì mà đeo đẳng mãi cái sầu vô cùng vô hạn. Mọi người phải sống chớ. Ai cũng còn một đời dài lắm chớ có ngắn ngủi gì đâu ... Hai con mắt lao đao đã thoáng chút gì phiền muộn, giọng nói nhẹ tênh mà không giấu được nỗi ân cần, giữa buổi chiều cuối năm nơi một vùng đất lạ chợt làm tôi giựt mình ...

Câu khuyên lơn của cô học trò cũ cùng với tâm sự của ông nhà văn, trong cơn say đúng lúc của mùa xuân dậy thì bỗng như một luồng gió ấm thổi suốt cõi lòng tôi đã quá chừng ảm đạm. Bỗng chốc tôi thấy sương khói. Bỗng chốc như có tiếng vỗ về từ một bãi bờ nào xa tap. Ờ quá khứ. Ờ hiện tại. Tại sao nhớ. Tại sao quên. Ờ mùa đông sắp hết. Mùa xuân đang lật bật trở về. Rồi hè. Rồi thu. Tôi nhỏ nhoi trong cái vòng quay bất tận của trời đất. Tôi bọt bèo trong cơn cuồng nộ của lịch sử. Tôi giữ gì cho tôi. Tôi để lại gì cho em. Bỗng chốc mọi sự rõ ràng như đã an bày từ một định mạng. Những hẹn thề. Những bội phản. Những được thua còn mất. Tự giam mình trong nhà giam của quá khứ có phải là một chọn lựa thích hợp khi cuộc đời vẫn thản nhiên quay trọn cái vòng quay của nó. Bỗng chốc tôi thấy mình như con chim trốn tuyết, mỗi mùa đông bỏ đi để rồi quày quả trở về, đều đặn như người tình chung thủy. Đường bay xa có dịu vợi nhưng làm sao thất lạc được cái gác chuông nhà thờ, nơi chốn đã sanh ra. Tôi bỗng thấy lòng mình mở ra, thênh thang. Cái thế giới trước mắt, trăm hướng. Và con người, con người cũng chỉ là sản phẩm của thời đại nó sống. Ai đã tạo ra cuộc đổ vỡ. Và tôi, tại sao tôi phải gánh hết nguồn cơn.

Có đơn giản vậy mà sao tôi không biết.

Phải rồi. Thiệt tình đơn giản như hết đông thì xuân tới. Những mùa lạnh thì buồn. Trời ấm sao mình lại không vui. Tuổi già hay tiếc nuối những mất mát. Tuổi trẻ có mất mát gì đâu sao bắt lại tiếc nuối với mình.

Mùa xuân của trời đất còn đi đi lại lại. Mùa xuân của con người chỉ tới có một lần. Tuổi trẻ, yêu đương, hạnh phúc có những bước chân rất vội. Lỡ để vuột mất thì không còn lần thứ hai nào nữa.

Nghĩ tới sự vội vã của xuân thì lại làm liên tưởng đến bức tranh đen trắng của Robert Doisneau chụp đâu từ những năm 50 một cặp tình nhân trẻ tuổi đang hôn nhau bất chợt ngay khi mùa xuân vừa lật bật trổi dậy ở Paris.
Trích lại một đoạn viết đã lâu

Bức ảnh có tên là Nụ hôn trước tòa thị sảnh, được bày bán trong một quán sách dọc bờ sông Seine. Nụ hôn của tuổi trẻ đúng độ ngay giữa một thời tiết đúng mùa

Cả người cho và người nhận cùng có mặt đúng lúc. Cuộc hạnh ngộ với định mạng chỉ có một lần trong đời.

Người ta đến kịp hay không. Rồi thôi, không có lần thứ hai nữa. Ôi nụ hôn tuổi trẻ say đắm không gợn một vết buồn phiền, hồn nhiên như mây thì bay và chim chóc thì ca hát khi xuân thì vừa chín tới. Cái hạnh phúc tuyệt vời đó lẫn lẫn đâu trong nhân gian mà bỗng bị sớt ngang và cắn ghịt giữa hai cặp môi ngon, thành ra như giữ cả thiên thu ở lại. Tóc người trai bay lồng theo gió sớm, mặt người gái ngửa lên, hiến dâng và tay buông thỏng, chấp nhận. Cả hai như đã bỏ thế giới này, lánh mặt vào thế giới của riêng họ, bất kể thiên hạ chung quanh mặc tình dòm ngó. Vũ trụ chắc không có ai, không còn ai nữa. Trong một thoáng hai người đã nhập làm một và nụ hôn của họ có vẻ kiêu kỳ của một cơn gió lạ, bất thường. Ôi có phải hạnh phúc là cái khoảnh-khắc-đã-qua-đi-ngay-khi-đang-nói- tới đó không mà người chụp ảnh tài hoa may mắn bắt kịp vào âm bản. Và thanh xuân nữa, có phải là cái thời khắc hiếm hoi chỉ được nhận-ra-khi-đã-mất đi, bây giờ được đóng khung lại để treo trên bức tường kỷ niệm ...

Em, tôi, bạn bè chúng ta, những người tuổi trẻ của những năm 70, đã có mấy người chụp bắt kịp cái khoảnh khắc tuyệt vời đó đâu em, cái khoảnh khắc hiếm hoi đến gần như không có thật. Hằng hà số còn lại, trong đó có tôi và em, đã để lỡ. Không phải tôi muốn đổ lỗi cho mớ giáo điều đã vây khốn chúng ta nhưng mà nghĩ lại coi, cái thời buổi kỳ cục đó. Chúng ta có quá nhiều trách nhiệm phải chu toàn ngoại trừ cái trách nhiệm với chính mình. Chúng ta lớn lên và sống cho đủ thứ đòi hỏi chỉ trừ cái đòi hỏi được sống cho riêng ta ...

Rồi còn giặc giã, rồi cơn ly tán. Ai trong chúng ta đã tới kịp giờ hẹn của đời mình ...!”

Hình ảnh của một khoảnh khắc hạnh phúc được đông đặc để còn lại mãi mãi có phải là cái ước mơ vĩnh cữu của con người, của tôi, của bạn về một hạnh phúc trần thế rất đỗi mong manh mà thế hệ chúng ta đã để cho vuột mất.

Thế hệ chúng ta đã hy sinh hay đã bị hy sinh, điều đó ai cũng biết. Cũng đã đành. Thì hãy để cho thế hệ sau được sống đời của họ, yên lành và sung sướng như chúng ta đã mơ ước cho mình.

Nỗi sầu của ta đã vậy. Thêm một người nữa cũng chẳng bớt sầu hơn. Mà thiếu đi một người không chừng cuộc đời này có đáng yêu thêm chăng

Vâng, thiếu đi một người sầu không chừng mùa xuân sẽ dài thêm một chút. Thêm nhiều người thôi sầu nữa cho mùa xuân cứ dài mãi thêm ra. Cho đến lúc cả mặt đất này là một mùa xuân bất tận.

Vâng, xuân chính là ở lòng ta đó.

Caovi khanh

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2022