SỐ 96 - THÁNG 10 NĂM 2022

Hương Vị Quê Nhà

Hốp ngụm trà còn bốc khói, ông Tư kể tôi nghe câu chuyện những ngày ở Sài Gòn, trông ông vơi đi dáng dấp xởi lởi vốn có mà đượm cái buồn hiu, an phận.

- "Chặc, mình già rồi, thật sự già rồi. Có đi chỗ này chỗ nọ mới cảm nhận dòng chảy của thời gian, có bon chen ngược dòng cùng thiên hạ mới ngộ được cảnh của mình". Trầm ngâm một chút như tìm câu vừa ý."Mỗi người đi qua cuộc đời này như cái bóng, nhưng bóng của mình mới nhạt nhụa làm sao!"

"Mỗi người đều có phần số cả".

"Đó chỉ là cách nói, nhiều lúc do cái chí của mình không biết cựa quậy nên để nhiều vận may vuột mất"

"Tôi đã nói mà lại, mỗi người đều có phần số cả, như ông chẳng hạn, ông đã cựa quậy cho cái tình của mình, còn người đời cựa quậy theo cách riêng của họ".

Nỗi buồn thoáng qua, ông Tư uống cạn chén trà mà quên chừa cặn. Nỗi buồn hay lây, tôi cũng nhũng nhiễu cái trống vắng của ông, mặc dù hai chúng tôi chưa già nhưng không còn trẻ nữa.

Bóng chiều đậu trên chậu kiểng đặt ở góc nhà ánh lên màu vàng nhợt nhạt, ngọn gió nồm từ bờ sông thổi vọng lên vơi đi nỗi buồn lặng lẽ.

"Hai cha con tôi đến trọ ở gần chợ Tân Định. Đến bữa, vào quán xập xòe ở lều chợ, kêu hai tô phở, một chai bia Sài Gòn. Ông có biết họ tính bao nhiêu không. Một trăm năm mươi ngàn đồng, tôi trả tiền mà ruột gan cứ nóng bừng bừng".

Vẻ mặt ông giãn ra, vui vui, tôi ‘đế’ một câu.

"Với dáng dấp nhà quê lần đầu lên thành phố của cha con ông, họ chặt đẹp ấy mà"

"Lối ẩm thực mỗi vùng mỗi khác mình không dám lạm bàn, như tô cháo bà Thạch ở quê mình chỉ hai ngàn, nếu ở Sài Gòn giá phải mười ngàn. Không đâu bằng ở quê mình, thức ăn bao giờ cũng ngon và rẻ".

Lên thành phố lần này ông choáng ngợp cảnh phồn hoa đô hội. Cái gì cũng lạ lẫm, đôi mắt tò mò thú vị, người cùng thời với mình mà như tưởng lạc vào hành tinh xa lạ nào đó. Phố xá rộn ràng với bao sắc màu, người và xa, xe và người mườm mượp. Ông đi dạo, đường sá rối như mạng nhện, ngã ba ngã tư nên không dám băng qua các ngã rẽ sợ va quẹt, lại bị lạc đường nên ông cứ thẳng đường Hai Bà Trưng mà đi tới bến cảng. Nhìn những con tàu đồ sộ, ca bin tàu sang trọng như những nhà cao tầng chồng khít lên nhau, bóng đèn vàng xanh luôn nhấp nháy trông vui mắt. Gió từ lòng sông thổi vọng lên mát rười rượi, lòng thanh thản dễ chịu như được hít thở không khí trong lành dòng sông quê nhà. Lúc trở về hơi mỏi, ông ghé công viên Lê Văn Tám, ngồi trên ghế đá nhìn dòng người qua lại. Ông cố căng mắt tìm người quen, gặp người đồng hương trong hoàn cảnh này thì thật là thú vị. Nhưng ông lại cười thầm, thật ngớ ngẩn, Sài Gòn muôn vạn người dễ gì có được mấy dịp may. Vài cô có tuổi bằng con gái ông đi qua lại trước mặt hé đôi môi mọng nước mà cười mím chi. Ông nhìn qua góc sáng khác, có đôi trai gái ôm ghì lấy nhau. Như mắc cỡ với chính mình nên ông vội rời khỏi cái bóng đêm chập choạng ấy, nơi không để cho tạng người như ông.

Một gã cởi Dream2 trờ tới

"Bác về đâu?"

"Tôi không đi xe, nhà gần đây thôi". Ông chỉ tay về hướng chợ Tân Định.

"Gần mấy cháu cũng chở, cháu phục vụ bác về tận nhà"

"Đã bảo tôi không đi xe mà lại". Ông lắc đầu với giọng cáu kỉnh. Ông bước nhẹ dọc theo vỉa hè. Gã lái xe nhì nhằng với ông một đoạn khá xa, chừng như chẳng được xơ múi gì, gã lên xe rú ga, bỏ lại dúm khói phía sau và câu nói chẳng lọt tai tí nào: "Lão khùng!"

Ông lững thững bước và đếm từng ngôi nhà cao tầng thấp tầng ngút ngát. Thế cũng gọi là đã biết Sài Gòn, Sài Gòn trong ông chỉ vỏn vẹn con đường mà đi không hết.

oOo

Ông Tư xuất thân trong một gia đình có máu mặt ở làng tôi. Cha ông là xã trưởng dưới thời Ngô Đình Diệm. Tôi còn nhớ khi cha ông đi làm thường cỡi chiếc xe mô bi lết sang trọng. Cứ mỗi chiều lũ chúng tôi chờ ông ở đầu làng, khi nghe tiếng xe bình bịch thoáng qua là chạy ào ra đường hít lấy hít để làn khói xanh mỏng mảnh từ ống bô tỏa ra. Ré lên "Thơm ơi là thơm!"

Với lũ chúng tôi, cha con ông như ở cõi nào xa vợi, rất cách biệt với những con người chân đất của làng. Một con người điển hình thời tây ta lẫn lộn, ngày làm việc bình thường ông mặc bộ complê, cà vạt, đôi giày tây đen bóng. Những ngày lễ hay vào dịp tết, ông diện áo dài the, khăn đóng, quần lãnh trắng của nhà nho cổ kính.

Khu nhà ông tọa lạc ở cuối làng, trong khoảng đất rộng được bao bọc bởi hàng rào kẽm gai, vườn trồng nhiều hoa, cây kiểng, có hòn non bộ hình bán nguyệt, có nhiều loại chim quý như một công viên nho nhỏ. Lũ chúng tôi rất thích khu vườn ấy nhưng chỉ biết nhìn từ xa. Nếu có dịp được vào nhà, có hai con chó bẹc giê là sợ muốn đái ra quần.

 Nhưng sự đời luôn có cái bất ngờ thú vị. Cậu ấm Tư đem lòng yêu cô Thanh, con gái lão lái đò ở đầu làng. Cái tin đó làm xôn xao làng xã, làm hụt hẫng những chàng trai thầm yêu trộm nhớ, rắp ranh bắn sẻ nhưng chưa kịp ngỏ lời. Nhưng với ông xã, nó như tiếng sấm rền giữa bầu trời quang đãng.

Nhìn cô Thanh chèo đò ai cũng khen là đẹp, ẩn trong cô cái duyên lặng thầm của cô gái vùng sông nước. Làn da nâu nâu bánh mật, dáng thon thả non tơ in xuống dòng sông xanh hòa quyện cùng rặng dừa nghiêng soi bóng nước, một bức tranh thiên nhiên lung linh màu ánh bạc.

Con đò là môi giới cho mối tình đầu của đôi tình nhân, dòng sông đã bao lần chứng giám lời thề nguyền chung thủy sắt son cho hai người đang yêu. Và những đêm trăng huyền ảo, ai có thể cấm cản chàng Tư thay thế ông già lái đò, hai người giăng lưới trên dòng sông vắng, tiếng lao xao của mái dầm vỗ về sóng nước nhập nhòa trong tiếng thì thầm hạnh phúc lứa đôi. Nhưng cuộc tình này không được dài lâu. Với địa vị của ông xã và cậu quý tử vùng nông thôn có thể nào sánh duyên cùng cô lái đò, một gã mò tôm bắt ốc ven sông. Ông lái sui gia sao được với con người có thế lực, giàu có như ông xã. Cơn thịnh nộ xảy ra âm thầm nhưng quyết liệt ngay tại nhà ông và phần thua thiệt bao giờ cũng thuộc về kẻ thấp cổ bé miệng. Cái thân dềnh dàng hộ pháp như muốn ăn tươi nuốt sống cái bóng gầy gò tiều tụy của gã lái đò, sự mặc cả xảy ra chóng vách, êm xuôi như câu chuyện tầm phào nào đó.

“Ông cầm số tiền và đi biệt khỏi xứ này, ngay ngày mai. Nếu còn gặp cha con ông ngày nào thì đừng trách ta là độc ác”

Lời nói của ông xã trưởng đố ai dám cãi. Nếu có trái lời ông phết cho tội danh "Việt Cộng nằm vùng" thì cha con ông hết con đường sống!

Từ ngày đó, dòng sông quê tôi vắng bóng cô lái đò yểu điệu nết na, mái dầm khua nước như lạc điệu với con đò. Vầng trăng còn đó, còn mãi sáng soi trong ngần ánh nước, buổi sáng mặt trời trồi lên ở đằng đông rồi lặn ở đằng tây, có một người lặng nhìn con nước, thả nỗi buồn trôi đi đâu, về đâu!

Bẵng một thời gian dài, chàng Tư si tình vắng bóng với con đò với dòng sông quê cũ. Người trong làng bán tín bán nghi về lời phao truyền của ông xã rằng chàng Tư vào Sài Gòn lập nghiệp, nhưng lại có tiếng xì xầm cậu ta trốn theo cô Thanh "nhảy núi".

Dòng đời cứ trôi, chuyện cũ dần quên. Bao biến cố lịch sử như con lũ cuốn trôi mọi trật tự xã hội, đảo lộn mọi định kiến lâu đời của làng quê xưa. Cậu ấm Tư thời vàng son theo người yêu lên rừng tham gia kháng chiến, chàng yêu nước bằng tất cả trái tim yêu, có gian khổ nhưng chàng hạnh phúc, thứ hạnh phúc đơn sơ ngập tràn ánh nắng. Nhưng cuộc chiến ngày càng khốc liệt không cho phép chàng có nhiều thì giờ để mà mơ mộng, tự do xây đắp tổ uyên ương. Trong chiến tranh ác liệt đó, chàng bị chia cắt bởi hai bờ sáng tối, sự xung đột nội tâm giữa tình yêu đất nước và chút tình bé nhỏ của gia đình. Ông xã trưởng, một hung thần của vùng nông thôn bị nhà nước ta xử trị. Trong một lần bị địch bố ráp, chàng Tư bị địch bắt hay đã đầu hàng, nhưng dù gì đi nữa chàng vẫn bị đày ra Côn Đảo. Ở đó, chàng đã đấu tranh với bọn cai ngục như thế nào nhưng tổ chức vẫn quy cho chàng đã phản bội lại lý tưởng của mình!

Ngày vui chiến thắng, ông Tư được tự do, hai vợ chồng đùm túm nhau về quê cũ, về lại mảnh đất có hình bán nguyệt, có vườn cây kiểng của một thời ông bước những bước chân chập chững đầu tiên, xây dựng lại cuộc sống bên dòng sông yên ả.

Một thời gian sau, bà Thanh đột ngột qua đời, nỗi buồn ông là vô hạn, mấy tháng trời ông nằm liệt giường, người gầy đét như que củi, bước chân liêu xiêu tưởng như không còn gõ đều trên con đường xanh rợp bóng dừa nữa. Nhưng ông không chết vì còn nhiều món nợ phải trả. Ông trả nợ cho cha, người đàn ông một thời gây khổ lụy cho bao người, trả nợ cho bà Thanh, người đàn bà còn nhiều nỗi buồn rười rượi, đôi mắt u uẩn niềm hoan lạc, còn thèm thuồng hương vị ngọt ngào của cuộc đời vắn số.

Nỗi buồn ông được khỏa lấp bằng công việc xã hội với niềm tin dữ dội, với lý tưởng cao cả ông có được trong những ngày sống ở Côn Đảo. Hàng ngàn mét vuông đất, ao hồ di sản có được từ thời cụ cố, ông hiến tặng cho HTX, mong muốn một mô hình mới trên quê hương. Không hiến tặng thì ban quản trị HTX vẫn xung vào đất công, vì họ cho đó là tài sản của nhà nước, là xương máu của nhân dân! Nhưng sự đời chưa đến độ chín nên không suôn sẻ, vật chất không mất đi mà nó biến từ dạng này sang dạng khác. Tên cúng cơm của ông là Ngu, ông có người em trai tên Tu một cán bộ cấp cao của chính quyền Sài Gòn. Những tên này do cụ nội, cụ cử nhiều chữ đã lựa trông bồ chữ của mình để đặt tên cho các cháu yêu. Ngụ ý thâm trầm của cụ để bây giờ người ta nghĩ chệch đi!

 Cái lý lịch không được rõ ràng, ít trong sáng của ông lại treo lơ lửng lên số phận của các con ông. Nó dai dẳng, mải miết từ tuổi thơ đến lúc trưởng thành của hai đứa nhỏ, ám ảnh như món nợ mà các con ông phải trả. Như sợi dây xiềng xích vô hình trói buộc chúng nó không thể ngóc đầu lên nổi để nhìn đời. Giấy báo trúng tuyển đại học y khoa thành phố tối ưu của đứa con trai được/ bị UB xã ỉm vào ngăn kéo với lý do. Cho chúng nó học rồi sau này về ngồi trên đầu trên cổ chúng tôi hả, hỉ? Năm sau, con gái ông cùng số phận với anh nó với giấy báo trúng tuyển vào trường âm nhạc thành phố. Con gái ông biệt tích những tháng ngày sau đó, nó có cá tính để theo đuổi mục đích sống cuộc đời mình. Tự do được đánh cược bằng mạng sống!.

Ông học đòi làm người Hiền, học cách sống bi hùng của Khuất Nguyên xõa tóc bên bờ sông Mịch La mà cay cú với đời. Nhưng dòng sông quê ông nó như sợi chỉ trong lòng bàn tay khó dìm ông chết được nên cứ sống. Và đêm đêm, chiếc thuyền nan, dăm ba tấm lưới sông mỏng mảnh, tiếng cắc cụp cắc cụp xua đàn cá chạy năm não năm nào lại vang lên từ đầu hôm đến sương mai còn bảng lảng.

oOo

Con gái ông định cư ở nước ngoài, cô có điều kiện chăm sóc tuổi già ông. Nhưng cô có hiểu cho ông, quê hương này có bao nhiêu vị ngọt bùi cay đắng cứ âm thầm chảy trong tận cùng huyết quản, cái đòn gánh miền Trung còn bao nhiêu điều khốn khó, mùa nắng ngọn nam lào thổi như muối xát vào da, mùa mưa bão tố mịt mùng. Dù vậy, ông không thể nào dứt bỏ mảnh đất này mà đi được. Lũ trẻ bây giờ cũng giống như ông xưa, xông xáo trên mọi nẻo đường gió bụi, rồi một lúc nào đó, chợt nghĩ về quê xưa, lối cũ tìm về.

Những buổi chiều rảnh rỗi, hai chúng tôi khề khà bên chén trà đậm, hoặc cao hứng có món nào tươi, ông Tư cùng tôi nhâm nhi, sưởi ấm nhau bằng hương vị quê nhà .

Nguyễn Thanh Sơn
Bến Đò Xứ 2002 - 2022

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2022