SỐ 96 - THÁNG 10 NĂM 2022

KHÁNH TRƯỜNG – CHUYỆN CHƯA CÓ HỒI KẾT

(Vài suy nghĩ nhân đọc Truyện ngắn Khánh Trường tập 1)

Dường như, mỗi người thường có một thói quen, đặc điểm riêng nào đấy, khi đọc, hay nghiền ngẫm. Và tôi cũng vậy, đôi khi đang đọc người này, bất chợt liên tưởng đến văn của người khác. Sự so sánh, liên tưởng ấy, quả thực đẻ ra cho tôi những điều thú vị, nhất là ở các nhà văn đã từng là lính chiến, viết sau 1975 ở hải ngoại. Do vậy, khi đọc Khánh Trường, tôi nghĩ ngay đến Cao Xuân Huy, Tưởng Năng Tiến, và đọc Tưởng Năng Tiến hình ảnh Cao Xuân Huy, Khánh Trường từ đâu lù lù mò đến. Không hẳn giọng văn, mà bởi ba bác nhà văn này đào xới cái mặt trái của chiến tranh, của con người, xã hội, một cách rất tận tình. Sự thẳng tưng ruột ngựa này, gây ác cảm, ít nhiều động chạm đến đồng đội cũ, dẫn đến nhiều phiền toái, song ngòi bút, sự can đảm của họ vẫn đi đến tận cùng.

Thật ra, tôi đã đọc nhiều Cao Xuân Huy và Tưởng Năng Tiến, còn Khánh Trường dường như mới chỉ đọc vài, ba bài thơ, truyện ngắn của ông mà thôi. Tuy nhiên, tài năng hội họa, cũng như lòng can đảm, sự tự tin, dám đi giữa hai làn đạn, với mấy mươi năm chủ biên, dẫn dắt Tạp chí Hợp Lưu làm cho tôi cảm phục, mến yêu ông. Mấy hôm trước, nhà thơ Luân Hoán từ Canada gửi tặng tôi cuốn: Truyện Ngắn Khánh Trường Tập1. Nhận sách, tôi đọc ngay, và quất một mạch ngay trong ngày. Có thể nói, đây là một trong những tập truyện hay, lạ nhất tôi đã được đọc trong thời gian gần đây. Lạ, bởi vẫn những người lính, thân phận ấy, nhưng Khánh Trường đi sâu vào khai thác mặt trái của họ, trong và sau chiến tranh. Một mảng đề tài tôi nghĩ, bị bỏ ngỏ từ trước đến nay. Và cùng những khẩu ngữ dân dã, hè phố mang tính giang hồ đã làm nên một giọng văn độc đáo Khánh Trường. Có một điều đặc biệt nữa, cũng như cuộc đời (người lính) nhà văn Khánh Trường, những thân phận nhân vật trong truyện của ông đều bỏ ngỏ, không hồi kết. Vâng, đó là những cái kết mở, buộc người đọc phải suy nghĩ, hoặc như viết tiếp cùng tác giả vậy.

Nhà văn, họa sĩ Khánh Trường sinh năm 1948 tại Quảng Nam. Ngay từ tuổi thơ ông đã phải lăn lộn chốn giang hồ. Chuỗi ngày nhiều đắng cay, ít ngọt ngào ấy, như chất liệu sống để cho ông viết nên những tác phẩm hiện thực, sinh động sau này. Và khi bước được ra khỏi vũng bùn đó, bằng nghị sống, bằng đam mê, Khánh Trường tự học, tự mày mò để trở thành (các loại nhà) họa sĩ, nhà văn, nhà thơ, và nhà báo tên tuổi, tài hoa như ngày nay. Cũng như bạn bè cùng thế hệ, cuộc đời Khánh Trường đi qua chiến tranh, gắn chặt với thân phận đất nước. Do vậy, năm 1968 ông phải vào lính. Sau biến cố 1975 một thời gian khá dài, ông mới vượt biển và định cư tại Cali-Hoa kỳ. Những năm gần đây, bệnh tật tưởng chừng nhiều lần đã quật ngã ông, nhưng bằng nghị lực sống Khánh Trường vẫn miệt mài vẽ, và viết.

Là một tác giả viết, vẽ đủ các thể loại và làm báo đã rất lâu rồi, nhưng không hiểu sao những tác phẩm của Khánh Trường phổ biến trên (mạng) internet rất ít. Và dù có cố gắng tìm tòi, tôi cũng chỉ đọc được một tập: Truyện ngắn Khánh Trường tập 1. Tập truyện này, ông đã chọc vào cái ung nhọt, với nhiều khía cạnh của cuộc sống, con người. Tuy nhiên, bài viết này, tôi chỉ đi sâu vào chân dung người lính, và hồn vía tư tưởng, bút pháp Khánh Trường trong khuôn khổ tập truyện này, qua góc nhìn chủ quan của tôi mà thôi.

Sống trong giới du đãng giang hồ, rồi lăn lộn nơi chiến trường, cho nên hình ảnh, thân phận con người, nhất là người lính đậm nét và xuyên suốt trang văn Khánh Trường. Đọc ông, ta không chỉ thấy cái bi thương, hay sự kệch cỡm, ti tiện của con người, mà còn bắt gặp những lời mỉa mai một cách sâu cay đến tầng lớp thượng tầng, chóp bu, thông qua hình ảnh so sánh, với nghệ thuật hồi tưởng đan xen, làm cho người đọc phải bật ra tiếng cười trong sự đớn đau.     

*Sự tàn khốc, tâm trạng của người lính nơi chiến trường.

Nếu ta đã đọc Phạm Tín An Ninh, Song Vũ, hay Trạch Gầm, thì hình ảnh người lính dưới bom rơi đạn nổ ấy, khác hẳn với người lính trong những trang văn Khánh Trường. Sự bi quan, khiếp đảm của người lính dưới ngòi bút Khánh Trường có lẽ chỉ là cá biệt, song phần nào đấy, bật lên hết cái sự tàn nhẫn của chiến tranh, cũng như tâm trạng thực của họ. Em có yêu anh không, là một truyện ngắn như vậy của Khánh Trường. Không biết, hình ảnh sợ sệt, yếu đuối của người sĩ quan trẻ đó có phải là hiện thân của Khánh Trường hay không? Nhưng những hình ảnh tang thương và sinh động này, tôi nghĩ, chưa trải qua, Khánh Trường khó có thể tưởng tượng và viết được như vậy:

“Tôi chạy lúp xúp sau Kh, một thằng lính vượt qua mặt tôi, nó hét: Chuẩn úy cúi thấp cái đầu xuống, coi chừng không có chỗ đội nón... Tôi chưa kịp nhìn xem thằng lính là ai thì hắn bỗng bật ngửa ra sau, giãy đành đạch, cái nón sắt văng khỏi đầu, lăn long lóc vào đám cỏ cao, cánh tay trái của hắn bung lên, đập vào ngực tôi, rơi xuống chân, co giật liên hồi. Tôi điếng người, vội nhủi vào một gốc cây, úp mặt sau lớp vỏ sần sùi.“ (Em Có Yêu Anh Không)

Và người lính trẻ Khánh Trường đã nhận ra: Chiến tranh, chỉ là một trò chơi của những dã thú đội lốt người. Và chiến tranh với mục đích, hay nhân danh chủ nghĩa, lý tưởng nào đi chăng nữa cũng ngập ngụa máu tanh, hận thù. Do vậy, ngòi bút ông như một chiếc cần, đưa mức độ tàn sát, dã man của cả hai bên chiến tuyến lên bàn để cân đong đo đếm. Với thủ pháp so sánh mang tính điện ảnh, kịch trường sân khấu, Khánh Trường đã bóc trần bộ mặt thật của chiến tranh một cách trần trụi, sinh động hơn. Và thủ pháp này, góp phần làm nên truyện ngắn Bàn Tay Trái đặc sắc của Khánh Trường. Đọc nó, làm cho tôi liên tưởng đến cái cách giết người dã man của những người lính ở hai bên chiến tuyến Bắc - Nam trong Tiểu Thuyết Vô Đề của nhà văn Dương Thu Hương. Thật vậy, nếu ai chưa đọc Tiểu Thuyết Vô Đề, mà bắt gặp ngay kiểu giết người thời trung cổ của lính phương Bắc dưới ngòi bút Khánh Trường, tôi nghĩ, sẽ bị ám ảnh, dẫn đến chứng mất ngủ lâu dài là cái chắc:

“Đó là xác của một binh sĩ đơn vị bạn bị địch quân bắt. Sau khi khai thác anh lính đến tơi tả - những vết nứt ngang dọc trên thân thể trần truồng chứng minh điều đó - họ chặt đầu anh. Thủ cấp được cắm trên cọc tre, ngay dưới gốc cây, hai con mắt lồi ra ngoài, miệng há hốc, những chiếc răng cửa bật gốc ngả nghiêng, máu khô quánh hai bên khóe, mảng tóc ngắn bết máu không che kín được vầng trán cày sâu vết dao nhọn vạch thành chữ ngụy, lũ kiến đỏ vẽ trên da mặt những đường nứt ngoằn ngoèo ngang dọc. Địch quân đã treo xác lên cây, xiên đầu qua cọc nhọn cắm giữa lối đi, như một lời cảnh cáo, uy hiếp tinh thần đơn vị đến sau...“

Và ngòi bút Khánh Trường quẳng lên bàn cân cái hành động giết người của người lính Nam cũng không khác gì lục lâm thảo khấu. Vâng, dường như cán cân man rợ ấy, giữa lính Bắc và lính Nam trở về mức thăng bằng chăng:

 Hắn nằm nghiêng, cong queo bất động,chỉ có tiếng rên nhỏ, thật nhỏ phát ra ri rỉ như tiếng muỗi vo ve. Một người lính dùng mũi súng lật ngửa gã cán binh, hắn cố mở lớn hai con mắt đã lạc thần, nhìn. Thanh niên có cảm tưởng trong hai hố mắt sâu hoắm ấy một tia hy vọng vừa lóe sáng. Người lính quay hỏi viên trung sĩ tiểu đội trưởng: “Mình đưa hắn đi gặp Bác chứ?” Viên trung sĩ gật đầu. Lập tức, khóa an toàn bật kêu, và tiếp theo, một chuỗi tiếng nổ dòn tan. Gã cán binh nẩy ngược vài cái, đôi mắt trắng dã, đứng tròng. Không kịp đợi cái xác nằm im, người lính cúi xuống, rất bình thản tuột chiếc khâu vàng trên ngón tay đeo nhẫn của gã cán binh, bỏ túi, đứng dậy quay lui, không thèm nhìn lại lần thứ hai cái xác do chính anh vừa giải phóng.“ (Bàn Tay Trái)

Và đi sâu vào đọc văn học thời chiến, ta có thể thấy, nếu những người lính ở hai bên chiến tuyến trên trang văn Trần Hoài Thư, Lữ Quỳnh, hay Thảo Trường vẫn còn lại cái tình đồng loại, sự cảm thông cho nhau, thì với Khánh Trường, chiến tranh đã giết chết cái tình người còn sót lại ấy. Và chính nó đã biến những con người trong sáng, lương thiện trở thành ác nhân. Không phải là tất cả, song quả thực người lính nơi chiến trường, giữa sống và chết còn có hành động, khuôn mặt đen ngòm như vậy nữa. Từ khía cạnh, góc nhìn đó, Khánh Trường đã khai thác, đặt lên trang viết của mình. Tuy nhiên, ông không những vấp phải sự phản ứng của đồng đội, mà còn cả của những người lính bên kia chiến tuyến. Có thể nói, viết được những trang văn này, cần lắm sự dũng cảm của nhà văn Khánh Trường.  
Và chiến tranh càng khốc liệt, càng đánh mạnh vào tâm lý người lính. Sự giao động tinh thần dẫn đến cái bi quan, chán chường ấy, đã được Khánh Trường miêu tả rất sâu sắc và chân thực. Có thể nói, ông là nhà văn có tài đi sâu vào miêu tả, so sánh, phân tích diễn biến nội tâm nhân vật:

“Suốt nửa tháng sau ngày chứng kiến cảnh ấy, thanh niên đêm ngủ thường giật mình choàng tỉnh, khắp người lạnh toát, van tim chừng như bị ai bóp nghẹt. Chỉ một năm, thanh niên chứng kiến bao nhiêu thảm kịch. Người chết, đủ kiểu đủ cách. Người bị truy lùng, vây bắt, tra tấn, cũng đủ kiểu đủ cách…Trên khắp mọi nẻo đường thanh niên đã đi qua, trùm phủ một màu xám, bao la, hun hút. Màu xám tối ám như bầu trời mùa đông sụt sùi mưa bão thanh niên sẽ phải chịu đựng những ngày sắp tới.“ (Bàn Tay Trái)

Không dừng lại ở bi quan, mà sự khiếp đảm dẫn đến những hành tiêu cực của người lính. Thật ra, hành động tự hủy hoại một phần thân thể để rời chiến trường, hoặc khỏi phải đi lính, không phải chỉ có ở một số lính tráng, thanh niên miền Nam, mà thanh niên miền Bắc lúc đó cũng vậy. Vâng, và vẫn truyện ngắn Bàn Tay Trái. Nó tiêu biểu nhất ở đề tài này của Khánh Trường. Đọc nó, chợt nhớ lại, khoảng năm 1969-1970 lúc đó tôi còn rất nhỏ. Một lần đi học về, vô tình nhìn thấy anh hàng xóm kê tay lên bậu cửa, dùng dao thái chuối, băm bèo cho lợn, tự chặt đứt phăng hai ngón tay của mình, để khỏi phải đi bộ đội. Cảnh tượng ấy làm tôi bị ám ảnh suốt tuổi thơ. Và cho đến nay, tóc đã bạc nửa mái đầu, mỗi lần nghĩ đến tôi vẫn chờn chờn, rờn rợn. Không rõ cuộc sống anh hàng xóm hiện nay ra sao. Ngày đó, quả thực anh không phải đi bộ đội, nhưng bị trói lại, dong đi khắp nơi, với tấm biển treo trước ngực: Thanh niên như tôi là mất nước, trong tiếng trống, tiếng phèng la… Và ta hãy đọc lại trích dưới đây, để thấy rõ, từ diễn biến tâm lý ấy, dẫn đến hành động tiêu cực của người lính, tuổi trẻ miền Nam (nói riêng, và cả hai miền nói chung) dưới ngòi bút rất chân thực Khánh Trường:  

“Trong tích tắc, ý nghĩ bật thành quyết định, thanh niên không kịp đắn đo, anh vội vã kê cánh tay trái lên gò mốì, tay còn lại nâng cây súng, chĩa mũi vào lòng bàn tay, nhắm mắt, nghiến răng, bóp cò. Thanh niên dội bật ra sau, có cảm tưởng một nhát búa tạ vừa đập xuống giữa lòng bàn tay, anh hét lớn, cây súng rơi xuống chân. Thanh niên ngã vật ra, máu bắn tung tóe khắp mặt mũi quần áo, anh muốn ngất đi…” (Bàn Tay Trái)

Nếu đọc Khánh Trường, ta chỉ cảm được một thứ bạo lực dục tình, nảy sinh từ sự tàn khốc của chiến tranh, thì quả thực mới thấy được cái vỏ. Mượn những hình ảnh đó để giễu nhại sự hèn nhát của tướng lĩnh, hay những kẻ quyền thế lưu manh mới là cái cốt lõi ông muốn dẫn dắt, truyền tải đến người đọc. Ngay từ ngày đầu cầm bút ta đã thấy được thủ pháp nghệ thuật so sánh, hoán dụ này ở truyện ngắn: Có Yêu Em Không của ông. Với giọng điệu kinh bạc, lời văn dân dã, Khánh Trường đan xen tình tiết, mang tính phim ảnh kịch trường, những hình ảnh cưỡng tình, lợi dụng lòng tin ấy, đã bóc trần bộ mặt thật của những kẻ hại nước lừa dân. Một đoạn văn rờn rợn, trong tiếng mõ kinh cầu cho người lính tử trận, lồng vào những pha cưỡng dục, lừa tình như vậy dưới đây, sẽ làm sáng tỏ những đặc điểm này trong truyện ngắn Khánh Trường:

“Dưới nhà, tiếng kinh tụng của hai vị sư bắt đầu hòa cùng nhịp chuông mõ. Tôi nhìn xuống những ngọn đèn cầy trên nắp áo quan lao chao sáng. Ánh sáng hắt lên căn gác mù mù… Tôi gác chân đè nghiến hai đùi con nhỏ, bàn tay còn lại mò tìm cái khuy quần…Cả đời, tôi thù ghét thậm tệ những cái khuy cái móc kể cả những cái khuy cái móc vô hình trừu tượng, đại loại kiểu nói năng ba que xỏ lá móc hầu móc họng làm cho con người ta nghe xong tức ói máu trào đờm. Con nhỏ vội chụp bàn tay tôi lại. “Em lạy anh... đừng anh... anh... anh... đừng...” Không thể đừng được nữa rồi. Đã bước lên diễn đàn, đã hiệu triệu quốc dân, ai quăng súng cuốn cờ bỏ của chạy lấy người, mặc bố chúng nó, đồ hèn nhát Việt gian bán nước! Chúng ta phải sát cánh cùng nhân dân chiến đâu đến giọt máu cuối cùng! Không thể đừng được nữa rồi. Tôi thì thào bên tai con nhỏ…” (Có Yêu Em Không)

Viết về sau biến cố tháng 4-1975, giọng văn Khánh Trường càng trần trụi, cay nghiệt, và thâm thúy hơn. Ông viết về Sex, phơi bày tình dục, trong truyện ngắn Đêm mưa, song tôi không thấy cái cái nhục dục, nhầy nhụa ở đó, mà chỉ thấy sự nhầy nhụa hiện lên từ (lời) ông tổng thống trong ngày Saigon hấp hối. Thật vậy, vẫn biện pháp hoán dụ, Khánh Trường mượn nhà thổ, đĩ điếm để phơi bày bản chất ươn hèn của giới cầm quyền, làm cho người đọc phải bật ra tiếng cười chua chát. Và từ đó ta có thể thấy, Khánh Trường là nhà văn có trí tưởng tượng và sự liên tưởng thật phong phú:

“Riêng tôi, sáng ba mươi tháng Tư đơn vị tan hàng, tôi cởi bỏ bộ quân phục, nhủi vào động nằm với con đĩ. Lúc ông tân tổng thống lên đài ra lệnh cho binh sĩ bỏ súng quy hàng, tôi đang hùng hục mê tơi trên bụng con đĩ, sau khi đã nốc nửa lít rượu đế cộng với ngổn ngang rựa mận chả chìa lá mơ củ riềng cùng với đám chiến hữu ở một quán thịt cầy gần khu nhà thổ. Chẳng hiểu tại cái lệnh đầu hàng chó chết nó làm tư tưởng tôi phân tán hay tại nửa lít rượu mà cuốn băng ghi âm những lời vàng ngọc của ông tân tổng thống được phát lại đến lần thứ tư tôi vẫn chưa ra. Con đĩ càu nhàu: Uống cho cố vào, lâu như quỷ. Tôi cười hềnh hệch” (Đêm Mưa)

Có thể nói, văn thơ Khánh Trường đi sâu được vào lòng người đọc như vậy, bởi ông đã mở ra một con đường đi riêng cho mình. Ngoài khai thác đề tài khó nhằn, dễ va chạm, ít có người dám thử bút, Khánh Trường còn là nhà văn có tài sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ, liên tưởng so sánh, với lời văn rất mộc mạc, dân dã. Văn ông không kén người đọc. Từ ông giáo sư cho đến người lao công vẫn có thể bật ra tiếng cười sảng khoái, hay mỉa mai như nhau, khi đọc Khánh Trường. Do vậy, khi nghiên cứu, hay đánh giá Văn học Việt trước và sau chiến tranh, những trang văn độc đáo này của Khánh Trường không thể, không nhắc đến.

*Thân phận người lính sau chiến tranh.

Sau 1975, khi các nhà văn ở hải ngoại, hay còn ở trong nước thường hồi tưởng về chiến tranh, hoặc viết về những năm tháng cải tạo tù đày, thì Khánh Trường đi sâu vào khai thác cái tráo trở, bạc bẽo của con người. Có một điều gây cho tôi những cảm xúc đặc biệt, khi cùng viết về tình người sau chiến tranh đối với người lính thất trận: Nếu trong truyện ngắn Trả Tiền, Cao Xuân Huy để tình người còn sót lại ở trong cô gái điếm, thì đến Đêm Mưa của Khánh Trường dường như, cái tình đồng loại ấy hoàn toàn không còn nữa. Sự cạn tàu ráo máng đó, như một bức tranh hiện thực nhớp nhơ, với nỗi bần cùng, ô nhục của người lính thất trận, mà Khánh Trường đã vẽ nên.

Vâng, đọc Đêm Mưa của Khánh Trường, tôi không chỉ nhớ đến Trả tiền của Cao Xuân Huy, mà còn nhớ đến cả tiếng chửi ngoa ngoắt trong truyện Những Đứa Trẻ Đầu Thai Giữa Hàng Rào của Thảo Trường. Thật vậy, với tôi, truyện ngắn Đêm Mưa, hay và điển hình về đề tài này của Khánh Trường. Và đoạn văn, hay những câu liên hoàn chửi dưới đây, Khánh Trường cho ta thấy, nhân phẩm của con người bị chà đạp như thế nào, dưới cái đạo đức, tình người đã bị đảo lộn tùng phèo ấy:


“Con đĩ tru tréo: Đụ má tao tởm mày lắm rồi. Bắt đầu từ bây giờ, mạnh đứa nào đứa đó tự lo lấy thân, mày đừng báo cô tao nữa, hãy để cho tao yên. Đụ má, một năm nay vì mày mà tao thân tàn ma dại, mày thấy không?...Tôi cố nuốt cơn giận cho trôi tuột xuống bụng. Mặc mẹ nó, nhịn một chút chẳng chết ai…Đây đâu phải lần đầu tiên con đĩ giở giọng với tôi! Con đĩ giở giọng kể từ lúc nó biết tôi đã hết thời. Phải, quả thật tôi đã hết thời. Ngày trước tôi thuộc hạng có máu mặt, tuy chẳng lon lá chức phận, nhưng bộ đồ rằn ri cũng tạo được cho tôi cái uy tín đáng kể với bọn du đãng cao bồi đâm cha giết chú quanh vùng này.” (Đêm Mưa)

Trốn được địa ngục trần gian nơi nhà tù cải tạo, nhưng cuộc sống của người lính ấy ở tận đáy của xã hội. Không chỉ có nhân phẩm, mà thể xác cũng bị đọa đày. Không thể làm phép so sánh, song dưới ngòi bút trần trụi này của Khánh Trường, thì có lẽ nhiều người sẽ chọn nơi cải tạo tù đày chăng:

“…giáp với cánh đồng rộng trồng rau cải nực nồng mùi phân người. Căn chòi trước kia có lẽ là một cái chuồng trâu bỏ hoang. Sau ngày biến động, khu nhà thổ bị ruồng bố, bọn tôi dẫn nhau ra đây, góp nhặt được mấy tấm tôn cũ, mớ ván thùng cùng ít tre trúc, gỗ tạp sửa sang lại…phía sau dựa lưng bãi tha ma…Mùa đông, côn trùng, muỗi mòng, giun dế, dơi chuột, ếch nhái, và dĩ nhiên cả rắn rít bò vào chòi tìm chỗ trú” (Đêm Mưa).

Tuy bi thương và cùng cực là vậy, song những ước mơ, khát vọng (của con người nói chung và) của người lính nói riêng vẫn mãnh liệt. Có thể nói, văn thơ Khánh Trường không chỉ đan xen tình tiết hiện tại, với những ký ức đã xa vời vợi, mà còn có lời văn dân dã, trần trụi lồng vào những hình ảnh, lời văn gợi cảm, mượt mà. Đoạn trích có những hình ảnh, ước mơ và khát vọng rất đẹp dưới đây sẽ cho ta thấy rõ điều đó:

“Thung lũng mở ra bát ngát. Vành trăng lặn từ lúc nào tôi không hay. Về phía đông, chân trời đã rạng, và rất nhanh, khối lửa đỏ ối, to như một cái nong trồi lên, nhuộm đỏ khúc sông trước mặt. Chúng tôi dừng lại bên này bờ, nước sông dâng cao, sóng nhỏ lăn tăn tràn lên bãi cát lấp lánh lân tinh. Từ bụi ô rô cách chỗ chúng tôi đứng mươi bước, đàn vịt trời chợt vỗ cánh bay lên, tiếng cánh đập lạch phạch đồng loạt phá tan bầu khí tĩnh lặng của buổi bình minh. Mặt nước xao động, màu máu đỏ lềnh vỡ ra, lung linh huyền ảo. Huệ nói: Mình về nhà nhé! Tôi gật đầu”.  (Đêm Mưa)

Tuy mang tính chân thực, song đôi khi ta bắt gặp những trang văn, hình ảnh tưởng tượng quá mức của Khánh Trường. Đành rằng tiểu thuyết, truyện ngắn văn học phải có hư cấu, song cái sự hư cấu ấy, người đọc có thể chấp nhận được. Tôi sinh sau đẻ muộn, không phải trải qua những năm tháng đẫm máu này, và hoàn toàn chỉ hiểu chiến trường qua sách báo. Tuy nhiên, khi đọc đoạn văn Khánh Trường miêu tả sự trả thù của người lính với viên đại úy ở nơi chiến trường một cách bẩn thỉu, hạ cấp, nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi. Đêm Mưa là một truyện ngắn rất hay, và gây cho tôi nhiều cảm xúc, song đọc đến đoạn văn này đã cắt ngang dòng cảm xúc ấy của tôi:

“Bạn bè đồng đội nhìn tôi khinh bỉ, dưới mắt chúng nó, tôi là tên nịnh bợ hèn hạ mất hết nhân cách làm người. Chúng nó tránh tôi như tránh hủi. Mặc kệ, tôi bất cần, tự an ủi, cứu cánh biện minh cho phương tiện. Làm sao chúng biết được niềm sung sướng hả hê tôi đang có được? Quả vậy, còn sung sướng nào hơn khi mỗi ngày hai bữa cơm, do chính tay tôi nấu nướng hầu hạ, tên đại úy đã táp ngon lành phần ăn thơm tho béo bổ, phần ăn đã được tôi trộn thêm vào mỗi lần một ít cứt của chính tôi?” (Đêm Mưa)

*Nỗi buồn nơi đất khách.

Và người lính ấy cũng đến được nơi phải đến. Nhưng nỗi đau về tinh thần dường như cứ đeo bám mãi không thôi. Nếu người đàn bà mở lòng đón nhận người phế binh cụt chân là cái kết của thiên truyện Chung Cuộc, thì ở Chắp Vá vẫn người phụ nữ ấy đã ruồng bỏ người chồng, một cựu trung đoàn trưởng. Vâng, có thể nói, ngòi bút Khánh Trường đã chọc vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Với khẩu ngữ, lời văn sắc lạnh, cùng hình ảnh so sánh mang tính miệt thị, làm người đọc có sự đồng cảm hơn với nỗi đau, cái khốn cùng của người sĩ quan lỡ vận, trước lòng tham, sự tráo trở của người đàn bà bao năm chăn gối: “Cậu A ngày trước chỉ là trung sĩ dưới quyền anh xa lắc, bây giờ cũng kỹ sư như ai, anh không đáng xách dép cho nó…Thằng B chí thú tiến thân, bây giờ nếu lấy tiền của nó đem mà đốt thì cỡ mười thằng như anh cũng thành tro…Bộ anh không biết nhục sao?” (Chắp Vá)

Vẫn mượn thiên truyện Chắp Vá, Khánh Trường không chỉ gắn trách nhiệm của từng cá nhân, mỗi con người với thất bại, nỗi đau quá khứ, mà còn bóc trần tính cách giả dối, sĩ hão, với những hội đoàn người Việt bát nháo hiện nay. Bởi, nó đang lặp lại hình ảnh, sự ham muốn danh tiếng, uy quyền, y chang ngày tháng cũ nơi quê nhà vậy. Có thể nói, viết truyện Chắp Vá là sự dũng cảm, dám đi giữa hai làn đạn Cộng Hòa và CS của nhà văn Khánh Trường. Bởi, đang lúc hừng hừng nước sôi lửa bỏng như vậy, ông đã dám chọc thẳng vào cái tổ ong vò vẽ đó:

“Lỗi là lỗi của các anh, không chịu biết người biết ta, không thấy được cái u mê của mình, bao nhiêu năm rồi còn khư khư ôm chặt cái dĩ vãng vàng son, rồi phẫn nộ chửi trời chửi đất, chửi Cộng Sản, chửi chế độ, chửi cấp chỉ huy, chửi lãnh đạo, làm như mọi tội lỗi đều do thiên hạ, bởi thiên hạ, còn mình tiết sạch giá trong. Lại còn trò lập bang lập hội, chia bè kết nhóm, nay ra thông cáo, mai đăng nghị quyết, mốt đọc kiến nghị. Làm được quái quỷ gì chẳng thấy, chỉ thấy tốn rượu tốn thịt, chỉ thấy thằng này chửi thằng kia, hội này tố hội nọ, bôi bùn trét cứt vào mặt nhau, thua cả phường đá cá lăn dưa Chợ Cầu Ông Lãnh.”(Chắp Vá)

Có thể nói, giễu nhại, châm biếm là những thủ pháp nghệ thuật góp phần làm nên trang văn Khánh Trường. Đây là thủ pháp nghệ thuật truyền thống, đã được nhiều nhà văn sử dụng trước đây. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công. Không hề có ý so sánh, song đọc truyện ngắn Mr Trần của Khánh Trường chợt làm tôi nhớ đến cái món chọc ngoáy (châm biếm) của những Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố hay Tam Lang, Hoàng Đạo. Cười đấy, nhưng mà đau. Ở hải ngoại với tôi hiện nay, có lẽ, Tưởng Năng Tiến và Khánh Trường là hai cây bút viết khá sâu cay ở thể loại này?  Có thể nói, Mr Trần là truyện ngắn hay, và tiêu biểu nhất về thủ pháp nghệ thuật này trong Truyện ngắn Khánh Trường tập 1. Thật vậy, chỉ đôi mươi dòng kể, với từ ngữ đậm nét dân gian cuộc đời người đàn bà lăng loan hiện lên một cách sinh động, gây cho người đọc tiếng cười hài ước, và chua chát:

“chị muốn trở về nguồn…thỉnh thoảng lai rai cắn trộm vài quả ái ân với các đấng mày râu đồng chủng. Hại thay, tai vách mạch rừng, anh G.I. chịu không thấu, đành lôi chị ra tòa ca bài tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi. Với chức năng làm mẹ rất đỗi cao quý, chị được tòa xử cho quản lý hai ba bất động sản và một trương mục khá bề bộn, để tiếp tục nuôi hai nhỏ con tạp chủng, chứng tích hùng hồn nhất của tình hữu nghị Mỹ Việt một thời keo sơn. Trở lại với cội nguồn, chị ban đầu hơi bơ vơ, thứ nhất chữ không hay cày không giỏi, thứ hai đồng hương có vẻ không happy với hành động qui hồi cao quí của chị. Nhưng…loay hoay thế nào chị lại trở thành chủ báo. Dù chữ nghĩa hết sức ăn đong, có khi viết một câu ba dòng đã trật năm bảy lỗi chính tả, nhưng chị vẫn thành công vượt bực trong ngành báo.”(Mr. Trần)

Vẫn mang đậm nét khẩu ngữ dân gian, với lối miêu tả, so sánh trực diện, không chỉ kẻ háo danh, cơ hội như M. Trần, mà từ dáng hình người đàn bà ấy bật ra nhân cách con người, trong cái sân khấu hề chèo nơi hải ngoại. Tuy không phải là tất cả, nhưng đọc truyện ngắn Mr. Trần ta thấy được phần nào cái mặt sau nhem nhuốc của cộng đồng người Việt. Phải nói, đây là tài năng liên tưởng, sử dụng từ ngữ, và lối quan sát tỉ mỉ của nhà văn Khánh Trường:

“Mr. Trần thấy hoàn cảnh cô quả lẻ bóng của chị, rất lấy làm thương xót. Chim chóc còn có cặp có đôi, gà vịt còn có trống có mái, ngay cả hoa còn có hoa đực hoa cái, huống hồ người. Bèn mon men làm quen. Trai tài gái sắc gặp nhau, như rồng mây gặp hội. Dù ngay tình mà nói, tuổi tác chị cũng đã xế chiều, lại bị bơ sữa đế quốc làm cho cái body tăng trưởng một cách rất hỗn hào về chiều ngang, bất chấp chiều cao khiêm nhường một thước năm mươi, nên trông chị lúc nào cũng ủn ỉn lạch bạch thấy mà thương.” (Mr. Trần)

Có thể nói, chỉ thông qua một tập truyện ngắn để viết chân dung một tác giả đa tài, và dày công sáng tạo như Khánh Trường, thì quả thực khó khăn. Do vậy, trong khuôn khổ bài viết này, tôi nghĩ, có thể còn nhiều thiếu sót, và những chi tiết chưa thực đúng. Song với giọng văn đặc biệt, cùng những truyện kể bỏ ngỏ, chưa có hồi kết, tôi tin, văn thơ cũng như cuộc đời Khánh Trường vẫn còn phải nghiên cứu và viết tiếp…

Leipzig ngày 14-9-2022
Đỗ Trường

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2022