SỐ 26 - THÁNG 4 NĂM 2005

 

Thư Tòa Soạn

Thơ
Tháng tư tôi
NNguong
Dòng sông 30 năm
Nguyễn Xuân Vời
Mũi tên tình yêu
Hoàng Du Thụy
Hai con sóng
Tóc Tím
Em đã về với biển
Huỳnh Kim Khanh
Quẩn
Trần Việt Bắc
Đêm trừ tịch
Hoàng Mai Phi
Hẹn ngày mai
Tôn Thất Phú Sĩ
Tưởng nhớ nhà thơ say: Lý Bạch
Maihoado
Tháng tư, nhớ Nhatrang
Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn, Tâm bút
Câu chuyện ở đầu sông
Phan Thái Yên
Lẽ ra mùa mận
Nguyên Nhi
Đêm xuân trong trại tù Cao Lãnh
Phạm Hồng Ân
Khúc đoạn trường
Song Thao
Những cuộc tình 30 năm sầu xứ
Hải Yên
Gã hàng xóm tốt bụng
Tầm Xuân
Giữa dòng sóng đỏ
Cỏ Biển
Lá thư không gửi (9)
Trương Thanh Diễm Thùy
Tiếng hát bình yên trong thinh không
Phạm Hồng Ân
Tháng tư thứ 30
Vũ Hoàng Thư

Dịch thuật, biên khảo
Sống thiện chết lành
Ngô Văn Xuân
Nhà Trần khởi nghiệp (1)
Trần Việt Bắc
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 13
Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài
Thằng Nèm
Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 20
Huỳnh Kim Khanh


 

Đêm xuân trong trại tù Cao Lãnh

 

Trại tù Cao Lãnh, chiều cuối năm, buồn hiu hắt. Bữa cơm chiều, ngoài phần rau luộc và nước chấm như thường lệ, tù nhân được lãnh thêm phần thịt kho để mừng xuân về. Nói “thịt kho” cho xôm, thực ra, mỗi đứa chỉ thêm vài miếng ba rọi mỏng lét, dài hơn lóng tay út một chút.

Cơm vừa phát xong, đã hết ngay. Thau sạch loáng, chẳng còn một hột sót lại. Thế mà, có đứa vẫn cầm muỗng đứng ngẩn ngơ, tiếc rẻ phần cơm sao quá ít, đã vội vã trôi nhanh vào bao tử.

Những miếng ba rọi tội nghiệp, than ôi, chỉ làm bụng thêm cồn cào. Chỉ làm miệng tôi thêm háo hức, thèm thuồng đủ thứ. Tôi nhớ đến góc phố Sài Gòn. Những cái bàn bu quanh xe mì lưu động. Tô nước lèo béo ngậy, mỡ nổi màng màng. Hương thơm bốc lên từ sợi mì, từ miếng xí quách đầy nạc. Tôi nhớ đến dĩa cơm bình dân. Dĩa cơm ở Cường Để, thời sinh viên nghèo nàn. Dĩa cơm nơi quân trường gian nan. Dĩa cơm tận chiến tuyến lửa đạn. Những dĩa cơm bình dân, nhưng ê hề cá thịt. Ăn một lần đã thấy no. Ăn một hơi đã thấy đủ.

Chỉ có thằng Hữu, đặc biệt. Phần ăn của hắn còn nguyên, chưa vơi đi chút nào. Tôi đếm tất cả là sáu miếng thịt ba rọi trắng phau phau, đang nổi lều bều trong chén nước kho. Chu choa! miếng thịt tràn trề hương vị, đánh thức vị giác và khứu giác của tôi một cách mãnh liệt.

- Bộ...dư hả? Cho tau đi...

Thằng Hữu liếc tôi. Con mắt lấp lánh nắng chiều, tưởng như có ngọn lửa nào đó, sắp sửa bùng lên.

- Mẹ! Ở đây, làm sao...dư? Có cách nào...dư?

Tôi lắp bắp, chỉ vào phần ăn của hắn, nói ngọng nghịu :

- Nó...nó...còn nguyên? Bộ ...bịnh hả?
- Mẹ, bộ bịnh...rồi...rồi...nhịn đói hử? Đồ...đồ...vô duyên!

Bị chửi, nhưng tôi vẫn còn tiếc rẻ phần cơm. Tiếc rẻ miếng ba rọi nằm khêu gợi trong chén nước kho sóng sánh mỡ.

- Sao...sao...nó còn nguyên? Còn nguyên?

Tôi nuốt nước bọt, luống cuống hỏi. Lúc này, thằng Hữu mới há miệng cười. Hắn kéo tôi vào một góc, thì thầm trong tai :

- Tau để dành. Đêm nay, đón giao thừa với người đẹp.

Nghe hắn nói, tai tôi bắt đầu lùng bùng. Có luồng điện nào đó, chạy ngược lên đầu, rồi lan ra, tê rần các giác quan.

- Mày...mày nói sao? Người đẹp? Mẹ, dóc cha nội! Người đẹp nào ở đây?

Thằng Hữu không trả lời. Hắn nắm tay tôi lôi một hơi, ra cây trứng cá cuối trại. Khoảng sân rộng thênh thang chạy dài. Tới đấy, nó hẹp lại, chỉ còn lối mòn nhỏ, dẫn đến gốc trứng cá. Xung quanh, lau sậy mọc đầy. Vòng kẽm gai cuối cùng của trại tù, nằm hoang vu, ở đó.

Thằng Hữu ngồi bệt dưới gốc cây. Hắn ngả người ra sau. Hai khuỷu tay chống xuống cỏ. Rồi lơ đãng nhìn lên vòm lá. Tôi nằm kế bên, hồi họp chờ lời nói của thằng Hữu. Những áng mây trôi trên trời, xuyên qua kẽ lá, như những tà áo dài trắng...đứt đoạn.

- Mày còn nhớ đêm Giáng Sinh, cách đây vài tháng không?
- Nhớ chứ! Đêm đó, nửa khuya, mày biến đâu mất dạng? Tau dậy đi đái, thấy không có mày, tìm, muốn khùng.
- Đêm đó, đêm đầu tiên tau gặp người đẹp.

Tôi há mồm, ngạc nhiên. Người đẹp? Lại người đẹp? Trại tù Cao Lãnh là nơi bọn việt cộng nhốt sĩ quan chế độ cũ. Toàn một đám đực rựa, từ thiếu úy đến trung tá. Ở đây, chúng bắt bọn tôi nhai đi nhai lại những bài chính trị nghịch ngợm, để chờ thời gian thanh lọc, đưa đi lao động khổ sai trong các trại tù xa xôi ngoài Bắc. Lũ việt cộng cũng vậy, từ quản giáo đến vệ binh, chỉ gồm một bầy đàn ông chán đời, thiếu vắng hơi hướm đàn bà lâu ngày.

Thằng Hữu mơ màng nhìn ra bờ sông. Con sông Cao Lãnh mênh mông. Giờ này, nước lớn, sóng đập trắng xóa bờ. Cái lô cốt cuối cùng, cách chúng tôi rất xa. Mãi tận đằng kia của gờ đất. Xung quanh đây, cỏ dại mọc đầy. Lau sậy chằng chịt như mạng nhện. Vòm lá của cây trứng cá rậm rạp, phủ kín một vùng rộng lớn.

- Đêm đó, đêm Giáng Sinh. Tau trằn trọc mãi, không ngủ được. Nửa khuya, bỗng nghe tiếng gọi trong trẻo : “Anh ơi! Thức dậy đi! Ra ngoài cây trứng cá. Em chờ anh ở đấy!”. Tau lồm cồm ngồi lên. Bóng đen dày đặc.Từ đầu phòng đến cuối phòng, chỉ nghe tiếng ngáy nổi lên khắp nơi. Phía cửa vào, ánh sáng hiu hắt của ngọn đèn trên cao, soi rõ dáng dấp của một thiếu nữ, đang nhìn tau mỉm cười. Nụ cười quyến rũ thật! Mới thấy, tau bị lôi cuốn ngay, quay quắt ngay!

Tôi chộp ngực thằng Hữu, kéo hắn ngồi lên, thôi thúc :

- Em...em đẹp hông? Em mặc áo gì? Đêm tối, làm sao mày mò ra cây trứng cá?
- Em đẹp một cách lộng lẫy. Em mặc áo dài trắng, tóc xõa ngang lưng. Hình như, tà áo dài trắng, thân thể em trắng...đã phát ra một thứ ánh sáng huyền diệu. Theo đó, mà đi. Theo đó, tau đã ra được cây trứng cá.

Tôi tưởng tượng đến dung nhan nàng, như lời mô tả của thằng Hữu. Tôi chợt nhớ đến câu thơ của Nguyên Sa. Da em trắng anh không cần ánh sáng. Đúng rồi, sắc đẹp của nàng là thứ ánh sáng huyền diệu, dẫn thằng Hữu đến thiên đường...

- Rồi...rồi sao nữa?
- Đây này! Chỗ này đây!

Thằng Hữu vỗ nhẹ xuống nhánh cây. Đó là một nhánh thấp, là đà gần mặt đất. Người ta có thể ngồi lên đó nghỉ ngơi, lưng tựa thoải mái vào thân cây chính.

- Chỗ này, tau và nàng ngồi nói chuyện với nhau cho tới sáng. Mày biết không? Gần nàng, tau mới khám phá ra một điều. Thân thể nàng luôn tiết ra một mùi hương cực kỳ thơm tho, khiến tau cứ ngây ngất mãi. Không phải là mùi hương riêng biệt của hoa hồng, hoa cúc, hoa lan...Hay bất cứ một thứ hoa nào đâu! Cũng không phải mùi hương của mỹ phẩm, của son phấn, của vải vóc, lụa là...Đó là một mùi hương kỳ diệu, dường như là tổng hợp của hàng triệu mùi hương tuyệt vời nhất trên trái đất này. Hay đó là mùi hương của thế giới khác, của hành tinh khác, của miền miên viễn nào đó mang lại...Tau, cho tới bây giờ, thực sự...chưa hiểu ra?

Tôi ngó quanh quất cây trứng cá. Cố gắng sục sạo, tìm kiếm hình bóng giai nhân của thằng Hữu. Câu chuyện có vẻ kỳ bí quá! Có vẻ hoang tưởng quá! Chợt, tôi rùng mình, nổi da gà khắp người.

- Thằng quỷ! Mày có thấy mặt em rõ ràng không? Chân em có chạm đất không? Và em...em đã nói chi với mày?

Thằng Hữu tươi cười. Hắn nhắm mắt lại, thả hồn vào thế giới tình yêu đầy mộng đẹp.

- Hình ảnh em đã nằm trong đầu tau, trong trái tim tau đây này! Làm sao xóa nhòa được? Tay em đã nắm chặt tay tau. Chân em đã quyện vào chân tau. Và cứ thế, hai đứa tâm tình với nhau, tới sáng.

Niềm hân hoan tột độ của thằng Hữu đã đánh thắng nỗi hoài nghi nhỏ nhen của tôi. Tôi cũng muốn nhìn người đẹp lắm chứ? Muốn nghe nàng nói đôi lời, dù đôi lời ngắn ngủi, cũng đủ an ủi thằng tù lỡ vận thất thời mới có hai mươi lăm tuổi đời. Đêm nay, giao thừa, trong tù. Tại sao còn phải đo lường dông dài? Tại sao không cùng thằng Hữu, không cùng người đẹp, ngồi đón xuân với nhau dưới gốc trứng cá, ngoài trời – thú vị biết bao!

- Ơ...Hữu! Cho...cho tau cùng đón giao thừa đêm nay với mày nhen?

Hữu suy nghĩ giây lát :

- Ừ. Nhưng... chuyện này...bí mật. Không nói cho ai biết đấy!

Nói xong, thằng Hữu nhảy chồm lên như ngựa. Hắn phóng qua mặt tôi, chạy về hướng sân trại. Tôi hối hả, gọi theo :

- Này, khoan đã...Mày cho tau biết người đẹp tên gì? Tên gì?

Có tiếng Hữu oang oang trong gió :

- Thục Huyền. Trần thị Thục Huyền.

Đêm yên tĩnh. Chỉ có tiếng côn trùng kêu buồn bã ngoài đám rẫy. Chỉ có tiếng gió lộng chơi vơi bên cửa. Gió lùa qua lán tù, thổi phần phật những cái mùng nhà binh cũ mèm của các tên tù binh vô phước.. Hữu và tôi ngồi lặng lẽ trong bóng tối. Chúng tôi lắng tai nghe từng tiếng động. Chúng tôi phân biệt từng âm thanh. Nào tiếng muỗi vo ve quanh góc mùng. Nào tiếng ngáy ồ ồ của các bạn tù chung đội. Nào tiếng ễnh ương kêu quàng quạc ngoài đồng. Chúng tôi chờ đón tiếng pháo giao thừa. Hơn mười hai giờ rồi, chẳng nghe một tràng pháo nào hết. Cũng chẳng nghe tiếng trống chùa hay tiếng chuông nhà thờ dồn dập vọng lại, báo hiệu năm mới đã tới, mùa xuân đã trở về. Chế độ cộng sản ác độc thật! Cho đến mùa xuân tràn trề nhựa sống, cũng phải rón rén, sợ hãi – không dám lộ liễu, hiện diện.

Gần một giờ khuya, người đẹp mới xuất hiện. Tôi thấy rõ ràng một thiếu nữ trẻ trung, thướt tha trong tà áo dài trắng, nhẹ nhàng từ cổng rào lán tù tiến vào. Thằng Hữu bấm tay tôi. Hai đứa há hốc mồm, nhìn ra khung cửa. Gió làm ánh đèn chao đi chao lại trên đầu lán. Ánh sáng vàng vọt hắt xuống khuôn mặt nàng. Đó là khuôn mặt giai nhân tuyệt sắc, trắng trẻo, dễ thương – khiến tôi mới gặp lần đầu, đã chợt ngẩn ngơ, mê mẩn. Đợi nàng vào sân, thằng Hữu kéo tay tôi, chạy ra. Quả thật, tà áo dài trắng như tỏa ra thứ ánh sáng huyền diệu, dẫn đường chúng tôi tới. Nàng đi trước, chúng tôi theo sau. Cứ thế, cả bọn tiếp tục đếm bước, trong bóng tối mênh mông, để đến cây trứng cá ở vòng kẽm gai cuối cùng.

Đến điểm hẹn, nàng mới ngoảnh mặt ra sau, cười với chúng tôi. Ánh sáng mỏng manh, nhưng huyền diệu, được toát từ tà áo dài, đủ để cho tôi thấy khuôn mặt xinh đẹp với nụ cười tươi tắn của nàng – một nụ cười tôi chưa từng thấy trên đôi môi của thiếu nữ xinh đẹp nào, trên cõi trần gian này.

Nàng khéo léo ngồi trên nhánh cây thấp nhất, rồi bật diêm thắp nến. Một mùi hương thơm cực kỳ, thoang thoáng quanh đây. Đúng như lời thằng Hữu nói, thân thể nàng tiết ra một mùi hương kỳ diệu – có thể là mùi hương tổng hợp của hàng triệu mùi hương tuyệt vời nhất trên trái đất này.

- Bạn anh đấy ư? Sao chưa giới thiệu?

Nàng vừa bày thức ăn, đặt các thứ lên tấm nylon, vừa nói với thằng Hữu.

- Ơ, bạn anh. Tên Ân. Ân muốn cùng vui giao thừa với chúng mình, đêm nay.

Thằng Hữu choàng tay qua vai, kéo tôi ngồi xuống, cạnh nàng. Tôi run run trong vòng tay hắn. Không phải vì thời tiết lạnh lẽo của đêm đầu năm. Chính là vì sắc đẹp não nùng của nàng – một sắc đẹp – chắc chắn, không một hoa hậu thế giới nào có thể so sánh được.
Tôi muốn chết điếng, bởi câu nói êm ái vừa phát :

- Anh Ân tự nhiên nhé! Đêm nay, chúng ta ăn Tết với nhau nghen!

Thằng Hữu cũng bày tộ cơm và chén thịt kho ra. Thức ăn của hắn họp cùng với bánh tét, chả lụa, củ kiệu, tôm khô, mứt...của Thục Huyền đem đến – đã thành một bữa ăn thịnh soạn, đáng ghi nhớ nhất trong đời chúng tôi. Không có rượu mà dường như say. Tôi chếnh choáng trước sắc đẹp Thục Huyền, trước lời nói dịu êm, ngọt ngào như mật ong. Và thế đấy, chúng tôi tiếp tục cuộc vui cho tới rạng sáng.

Vài tuần sau, theo lệnh cán bộ trại tù, đội tôi phải thực hiện một cái ao để nuôi cá. Chu vi ao rất rộng. Nó bắt đầu từ khoảng sân đội chạy qua đám rẫy, chạy thẳng đến vòng kẽm gai cuối cùng. Thế là, cây trứng cá bị hạ xuống. Đội tôi bứng luôn cả gốc cây, cho cái ao được hoàn thành một cách trọn vẹn.

Thời gian này, thằng Hữu và tôi buồn dào dạt. Đêm nào, chúng tôi cũng ngồi lặng lẽ, hút thuốc cho tới khuya. Chúng tôi không còn tranh nhau từng hột cơm, từng cọng rau nữa. Cả hai đều dành thì giờ để nghĩ tới Thục Huyền, như một thứ tương tư cuồng nhiệt. Tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của ông thi sĩ Trung Hoa nào đó :

“Thiên nhai hải giác hữu cùng thì
Duy chỉ tương tư vô tận xứ ”.

( Tạm dịch : Chân trời góc bể có thể đi tới được
Duy chỉ có tương tư là vô bến bờ.)

Trong khi đào ao, tới khu vực cây trứng cá, đội tôi gặp phải một cổ quan tài nằm sâu trong lòng đất. Cả đội phải họp lại nhau, bàn bạc. Cuối cùng, chúng tôi đành bốc hài cốt cho vào nón sắt, rồi cẩn thận hàn kín, đem chôn nơi khác.
Từ đó, thằng Hữu và tôi không còn gặp lại Thục Huyền nữa. Chúng tôi có kể chuyện này đến các bạn tù . Họ đều lắc đầu cười cợt, cho là chuyện hoang tưởng, hoang đường.

Riêng thằng Hữu, trước khi chia tay với tôi đi lao động nơi khác, hắn có tâm sự như sau :

- Tau mang tâm trạng chán đời khi vào tù, vì nước mất nhà tan. Cha mẹ, vợ con tau...đã chết trên chiếc tàu hải quân từ Đà Nẵng về Sài Gòn, trong những ngày cuối cùng của tháng tư oan nghiệt. Đêm Giáng Sinh năm nọ, tau đả chuẩn bị sẵn một sợi dây nylon để tự vận. Chờ khi cả đội chìm vào giấc ngủ, tau tròng sợi dây vào cổ. Lúc đó, Thục Huyền bỗng dưng xuất hiện. Tiếng gọi dịu dàng và sắc đẹp tuyệt diệu của nàng, làm tau dừng tay, bỏ ý định tự tử, rồi riu ríu theo nàng ra tận cây trứng cá. Từ đó, tình yêu đã làm tau yêu đời trở lại, sống đến ngày hôm nay.

Và tôi, mùa xuân năm ấy là một mùa xuân đặc biệt nhất trong đời.

San Diego, 10/12/2004
PHẠM HỒNG ÂN