XUÂN ẤT DẬU SỐ 25 - THÁNG 1, NĂM 2005

 

Thơ
Chiều mưa trên đèo Hải Vân
Phan Thái Yên
Lăng kính tình yêu
NNguon
Chiều
Lam Quỳnh
Bài thơ nhỏ
Hoàng Du Thụy
Người và Thượng Đế
Nguyễn Xuân Vời
Biển vọng
Trần Hoan Trinh
Đón Xuân
Ngọc Trân
Mùa Xuân cỏ thức
Tóc Tím
Xuân ý
Huỳnh Kim Khanh
Tết này em có về cố xứ
Phạm Hồng Ân
Túy ca
Trần Việt Bắc
Rồi mùa Xuân đến
Tôn Thất Phú Sĩ
Xuân cứ về
Đường Sơn
Ô mai
Maihoado
Chờ
Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn, Tâm bút
Một thoáng chiêm bao
Nguyễn Ngọ - T.H.
Sen tàn trong đại nội
Nguyên Nhi
Tản văn cuối năm
Phan THái Yên
Bến cũ chiều nay
Tôn Nữ Quỳnh Diêu
Quà đầu tiên
Nguyễn Hồng Quang
Tết trước tết
Song Thao
Hồi xuân
Cỏ Biển
Tản mạn về năm Ất Dậu
Trương Thanh Diễm Thùy
Hành trình về với tuổi đôi mươi
Hoàng Quốc Việt
Giọt nước mắt lưu ly
Ngô Minh Hằng

Dịch thuật, biên khảo
Kẻ biểu diễn tuyệt thực
U MIên
Việc phong hoàng hậu
Trần Việt Bắc
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 12
Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài
Thằng Nèm
Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 19
Huỳnh Kim Khanh


 

Hồi xuân

 

Nửa đêm trời trở gió. Cơn gió đầu đông thổi ù ù, đập phần phật vào mái nhà phía sau sundeck. Thỉnh thoảng vài ngọn gió mồ côi lạc đường len vào khe hở của khung kính cửa sổ tạo thành tiếng rên dài nho nhỏ làm bà Tư giựt mình tỉnh giấc. Ngọn đèn ngũ có cái chụp giấy xanh nhạt đặt trên chiếc tủ cạnh đầu giường vẫn êm đềm tỏa ánh sáng lặng lẽ, mờ mờ. Bà Tư nằm trằn trọc cố dỗ lại giấc ngủ, tiếng gió xạc xào ngoài hiên dường như theo nhau ùa vào phòng mang theo hơi lạnh khiến bà co mình dưới tấm chăn và nhắm nghiền đôi mắt, thế nhưng cánh cửa trong trí tưởng của bà lại bật mở vẫy gọi những hình ảnh xa xưa, tất cả lũ lượt kéo về chầm chậm lướt qua trong hồn.

oOo

Hồi tưởng mang bà Tư trở lại thời còn con gái mười sáu, mười bảy tuổi, thuở vô tư sống trong một xóm nhỏ quanh trường tiểu học nằm ven thị trấn. Ở đó có những ngôi nhà chạy dọc con đường, cái thì lợp mái tôn, vách gỗ, cái thì mái ngói phủ rêu phong. Cũng có những căn nhà nhỏ khác nằm sâu trong mảnh vườn phía sau con lộ đầy nắng và bụi, vì không phải là con đường huyết mạch nên ít xe cộ qua lại khu này, nhờ vậy sinh hoạt chung quanh có dáng vẻ êm đềm hơn các nơi khác trong Quận lỵ. Một hôm, vừa tan buổi chợ về bà Tư thấy nhà trên có khách và cũng vào tối hôm đó bà được cha mẹ gọi đến báo cho biết có người dạm hỏi xin cưới bà. Người đời thường hay nói nhà có con gái lớn giống như có hũ mắm treo đầu giường, ác miệng hơn lại ví rằng có trái bom nguyên tử không biết sẽ nổ lúc nào, vì vậy khi có người thuộc gia đình khá giả, tử tế nhờ mai mối đưa tiếng thì coi như là một may mắn, nhất là trong thời buổi chiến tranh trai thiếu gái thừa như hiện tại.

Chú rể không phải người xa lạ, đó là thằng Tiền con trai thứ tư của bà Sáu Mẹo bán quán ở đầu xóm trên. Tuy ở cùng một xóm từ nhỏ nhưng cả đôi trai gái chẳng có chút nào thân thiết với nhau. Trong ký ức của bà Tư chỉ nhớ thằng Tiền dạo còn nhỏ lớn hơn bà vài tuổi và là con út nên được nuông chiều quá thể, suốt ngày tụ họp mấy thằng nhóc cùng trang lứa, nếu không đi thả diều, bắt dế thì xúm nhau tạt lon, giành đá trái banh làm bằng vỏ bưởi độn giẻ rách hoặc dàn trận đánh nhau như đám giặc chòm. Bọn này còn chuyên môn đi phá phách đám con gái trong xóm, gặp lúc mấy đứa đang xúm lại nhảy cò cò chúng kéo đến vạch quần ra xỉa vòng vèo những tia nước tiểu của mình lên các ô vuông của bầy con gái vẽ trên nền đất, có khi cả đám đang xúm nhau che nhà chòi bằng manh chiếu rách chơi trò bán hàng thì chúng đến trước mặt lôi từ trong túi quần những con thằn lằn, trút từng lon trùn đất ra để giả vờ mua bán thay cho số tiền vẫn thường làm bằng lá cây, rồi nhe răng cười khoái trá khi thấy đám con gái rú lên hoảng hốt và chỉ biết mếu máo chạy đi kêu người lớn để mét lại.

Ngày tháng nối tiếp cho đám trẻ lớn lên. Con gái lúc nào cũng trưởng thành trước tiên, bắt đầu biết e thẹn và làm dáng, tụm năm tụm bảy giấu đôi mắt lúng liến sau chiếc nón lá hay quanh quẩn sau bếp nói cười khúc khích vào dịp giỗ chạp, cưới hỏi của láng giềng. Khi ấy bọn con trai như những chú ngựa non khoe mẽ đang xông xáo tập chạy, mặt đầy mụn, giọng khào khào như giọng mấy con gà tre mới tập gáy. Sau khi học hết lớp của trường bán công đệ nhất cấp, những đứa con nhà khá giả được cha mẹ cho về thành phố tiếp tục đi học, nhiều đứa con trai lớn hơn nữa thì đến tuổi đăng lính. Là đứa con trai độc nhất còn lại trong gia đình có hai anh đang tại ngũ nên năm mười tám tuổi thằng Tiền được hoãn dịch vì lý do gia cảnh. Trước đó hai năm Ông bà Sáu đã gởi Tiền xuống Saigon học nghề thợ máy ở nhà người cậu ruột. Giờ Ông bà cảm thấy con mình đến lúc phải lập gia đình. Điểm qua những đứa con gái trong xóm thì bà Tư được ba má Tiền vừa mắt nhất. Bà Tư khi ấy không còn là con bé Kim Luông thích nhảy dây hoặc ngắt lá dâm bụt chơi trò bán hàng nữa, trước mắt mọi người là một cô gái lớn phổng phao có gương mặt tròn trĩnh, hai gò má đỏ hồng giỏi việc chợ búa, bán buôn nhất xóm. Đám cưới được tiến hành theo lễ nghi dự định giữa cha mẹ đôi bên và từ đó hai người con lặng lẽ trở thành chồng vợ.

Chưa hề nếm qua một chút lãng mạn, hẹn hò của đôi lứa. Chẳng hiểu tình yêu thế nào và người yêu ra sao! Là con nhà gia giáo, phận gái cha mẹ đặt đâu phải ngồi đó, bà Tư vâng lời đi lấy chồng không dám có chút ý kiến về chuyện tình duyên của mình, cũng như không được tự quyết định riêng cho mình điều gì theo sở thích. Tuy rằng xã hội mà bà đang sống không đến nỗi khe khắt như thời xưa, nhưng với truyền thống “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu “được nghe cha mẹ nhắc đi nhắc lại hàng ngày đã biến con người bà trở thành thụ động, từ lúc nhỏ cho đến khi lấy chồng cuộc đời bà là một chuỗi dài sống trong khuôn khổ hoàn toàn do sắp đặt của người khác. Tất cả đã thành thói quen, nếp nghĩ trong đầu.

Suốt mấy chục năm dài chung sống bà đã làm đủ bổn phận của một người vợ được cưới xin đúng theo nghi thức. Bao năm tháng bên nhau, những lúc chung đụng vợ chồng, chăm sóc con cái bồng ẵm chúng, cùng kề vai tựa má nhau có phải đã tạo thành tình cảm? Tình yêu đến sau hôn nhân này đã thực sự phát xuất từ sâu thẳm cõi lòng của bà tự bao giờ bà chẳng hay biết, có lẽ từ cái nghĩa dẫn đến yêu chỉ là một khoảng cách rất gần ; mặc dù Bà chưa để lộ cho bên ngoài trông thấy một ánh mắt đắm say hay cử chỉ vuốt ve âu yếm. Thế nên khi bất thình lình Ông Tư Tiền đề nghị ly dị, bà thảng thốt choáng váng bởi bị hụt hẫng, bà băn khoăn suy nghĩ không biết trải qua bao năm mình còn thiếu sót hoặc chưa làm tròn điều gì đó đã khiến Ông Tư không muốn bà tiếp tục làm vợ của Ông?? Bà cố nghĩ mãi nhưng vẫn không ra!.

Những đứa con khi nghe chuyện Ba chúng đòi ly dị với Má thì ồn ào hơn, mỗi đứa một câu bàn tán xác quyết ngay :
"Rồi rồi!! Má là một nạn nhân của phong trào chiêu dụ đàn ông hải ngoại về Việt Nam cưới vợ đây."
Kim Sa là đứa con gái út giận dỗi cự nự :

"Con thấy Ba dạo sau này thân thiết với Ông Tám Banh là con nghi rồi. Ai đời già hơn năm chục tuổi đầu còn về Việt Nam làm đám cưới với đứa con gái mười chín tuổi đáng con của mình. Mấy ông già tới tuổi hồi xuân sinh tật kỳ quá."

Đứa con dâu lớn phụ họa thêm :

"Trời ơi! Con nghe nói bà má vợ còn nhỏ hơn ổng hai tuổi nửa kìa. Coi cuốn phim video đám cưới quay cảnh nhà gái lên chùa làm lễ cưới bên đó, nghe bà sư cô khen cô dâu chú rể xứng đôi quá làm con muốn ói. Bả phải nói là xứng đôi với bà má vợ thì đúng hơn."

Quay sang chồng, cô con dâu bà Tư chì chiết :

“Nè, từ rày về sau dứt khoát là em không cho Anh về Việt Nam nữa đâu “.

Thằng con thứ hai của bà Tư vừa cười vừa nói :

“Đàn Ông ở hải ngoại bây giờ có giá rồi, không còn xếp hạng bét sau con ki ki nữa đâu nghe. Đâu phải lỗi tại đàn ông. Nếu các cô không bằng lòng thì ai bắt buộc được. Bộ không thấy mấy cô gái trẻ măng xếp hàng chờ lấy chồng Đài Loan điên khùng và già khú đế sao? Dĩ nhiên đàn ông Việt Nam là đồ tốt hơn họ rồi, có già đến đâu cũng mặc kệ "

Kim Sa nói mát :

"Anh binh vực cho đàn ông là phải rồi. Hỏi lại Anh, vậy chứ chuyện ba đòi ly dị với má bộ Anh đồng ý hả. "
"Đừng có gieo tiếng ác cho Anh mày chứ!! Chuyện đó thì ai bằng lòng hồi nào. "

Long là đứa con lớn cũng là đứa trầm tĩnh nhất bây giờ mới lên tiếng :

"Dĩ nhiên là con cái không ai tán thành chuyện ba má mình ly dị rồi. Nhưng cũng có một số cặp vợ chồng già đưa nhau ra tòa chia tay vì cả hai đều trở thành khó tính không thể chịu đựng lẫn nhau. Má của mình hiền khô chẳng thấy cãi cọ với ba lâu được một ngày. Vậy tại sao ba lại đòi ly dị? "
“Nghe nói là cô vợ trẻ mới cưới của Ông Tám Banh còn một người em gái mười tám tuổi chưa chồng. Hay là ba của mình muốn làm anh em cột chèo với ổng? "

Ba Lân, con thứ hai của bà Tư vừa nói vừa cười hí hí.
Bằng một giọng giận hờn cô con gái Út cự nự người anh :

"Bộ Anh vui lắm hả "Cô nói tiếp :

"Chắc tại má hiền quá, ba làm gì má cũng chiều theo nên sinh tật nọ kia chứ gì." Kim Sa nhận xét như vậy.

Báo chí dạo này đăng tải nhiều chuyện của xã hội và con người thật quái đản. Bắt đầu cái ngày cả miền Nam đổi đời từ ông xuống thằng, từ thằng lên ông, trật tự trong đời sống trước đó đều lộn ngược theo. Kẻ dốt chỉ huy người có học, chế độ mẫu hệ lên ngôi trong đời sống gia đình. Chủ nhân phải sợ sệt người làm công, quốc hội một nước có phu quét rác làm đại diện, mọi người cố thích nghi và hóa thân làm kẻ nghèo khó, bần cùng để khẳng định tính giai cấp ưu việt của mình trong xã hội. Ban đầu người ta bán dần đồ đạc trong nhà, cuối cùng không còn gì để bán chỉ còn thân xác cũng đem ra bán nốt. Đàn ông bán sức, đàn bà bán thân. Muốn trở thành nhà kinh tế gia thành công, có tầm cỡ không thể bỏ lỡ cơ hội đi buôn. Người ta lên án chuyện buôn bán nô lệ ở các nước Tây phương cách đây vài thế kỷ là chuyện dã man, thế nhưng bây giờ qua mỹ từ đẹp đẽ xuất khẩu lao động, con người là món hàng được trao tay qua những hợp đồng mang lại lợi nhuận hết sức béo bở. Chuyện một cô gái đáng tuổi cháu ngoại cặp kè một ông Già tỷ phú sắp xuống lỗ không còn chỉ xảy ra ở bên trời Tây. Nó nhan nhản ở việt Nam từ thành phố đến thôn quê, ai không đua đòi theo nếp sống văn minh thời thượng là kẻ thiệt thòi, lạc hậu.

Mặc cho các con phản đối, cuối cùng bà Tư cũng phải đồng ý ký vào đơn ly dị. Đám con giận cha vì còn vài năm là đến sáu mươi, đã có sui gia, cháu nội ngoại đầy đủ lại không cố giữ cho nhau đến cuối đời. Bà Tư cố tìm lý lẽ nói với các con để biện hộ cho ông Tư, một khi đòi ly dị chắc ông có cái lý của mình.Cuộc hôn nhân tan vỡ xảy ra nhẹ nhàng nhưng chứa đầy ngậm ngùi tủi thân. Lúc nào phần thiệt thòi cũng là người phụ nữ. Bà Tư nghe nói đàn ông đàn bà khi đến tuổi hồi xuân thường có những suy nghĩ cùng hành động thất thường và không phải ai cũng giống nhau. Có người an nhàn chờ đợi tuổi già, người khác muốn đi ngược vòng tuần hoàn của tạo hóa. Bà Tư thì làm kẻ an phận nhìn những nếp nhăn xuất hiện theo tuổi tác và đâm ra sợ chuyện gối chăn. Bà siêng năng đi chùa hướng lòng về đời sống tâm linh làm nguồn vui, có lẽ vì vậy ông Tư cảm thấy cô đơn, buồn tẻ. Chẳng lẽ bao nhiêu kỷ niệm thân thiết trong thời gian chung sống, những khổ cực đã từng chia xẻ từ ngày đầu đặt bước chân sang xứ lạ quê người với đôi bàn tay trắng, những săn sóc tận tâm khi trái nắng trở trời đã không để lại trong lòng ông chút tình gia đình ấm cúng. Có phải vì tuổi trẻ chưa được yêu, bây giờ chừng tuổi này ông Tư mới khám phá và nuối tiếc thời son trẻ, nên gấp gấp níu lại tuổi xuân? Có phải đến bây giờ ông mới nhận ra ông chỉ sống bằng nghĩa vụ nên muốn tìm cảm giác khác lạ? Hay tình vợ chồng đối với ông giống như một chiếc xe cũ kỹ đến thời kỳ phế thải? Tất cả cũng chỉ là suy đoán! Sống chung với nhau lâu rồi Bà Tư đã quen chịu đựng, thế nên khi đã nghỉ suốt Bà thấy cần phải dung thứ cho Ông Tư, việc chấp nhận ly dị của Bà là hành động tự cứu mình và cứu ông ra khỏi cảnh khổ lúc tuổi về già. Hình như thượng đế đã mang đức tính hy sinh để đúc kết thành trái tim của người phụ nữ. Gẫm lại, Bà thấy vẫn còn may mắn hơn một bà bạn đạo hữu mà bà gặp khi đi chùa.

Bà bạn thì bi thảm hơn bà nhiều. Vì quá tin tưởng ông chồng đã gần bảy mươi nên không ngờ được sự thể xảy ra. Lần đầu cả hai ông bà cùng về thăm quê, mấy lần sau ông về một mình vì bà phải ở lại trông coi tiệm tạp hóa của hai người. Mỗi lần về ông đều mang không ít tiền để tiêu xài ; lấy cớ giúp đỡ họ hàng nghèo khổ ở quê nhà. Ăn tiêu không đủ, ông mang visa ra xài, khi bà khám phá ra là ông về vui thú trong quán bia với các cô gái trẻ đến nỗi rút hết sạch tiền dành dụm trong trương mục ngân hàng dành để dưỡng già của cả hai vợ chồng, cộng thêm tiền nợ visa của ngân hàng. Bà uất ức đến nghẹt thở. Cả đời dành dụm bòn mót từng đồng bạc lẻ, thức khuya dậy sớm, mong cho đến lúc về già có chút của để hưởng nhàn giờ đây thành ra tay trắng. Nhưng thôi bà nghĩ lại, con người ai mà không nhẹ dạ, ai cũng ưa lời nói ngon ngọt êm tai, ai lại không có đôi lúc thiếu sáng suốt. Đã là vợ chồng thì có biết bao tình nghĩa, bao nhiêu kỷ niệm thôi thì bà cũng nén giận bỏ qua tất cả để cố gầy dựng lại sự nghiệp. Một hôm, đứa cháu nội nhận thư thấy có lá thư viết bằng tiếng Việt, thằng bé không biết đọc nên mang trao cho bà. Lá thư viết gởi cho ông báo tin đứa con trai lên một của ông đang bị bệnh tại Việt Nam, thư thúc giục ông gởi tiền về gấp đồng thời làm giấy bảo lãnh cho hai mẹ con sang bên này. Bấy giờ ông mới thú nhận sau một chầu nhậu khi tỉnh dậy thấy mình nằm cạnh cô cháu gái của người bạn, chỉ có hai mươi mốt tuổi. Sự thể xảy ra người nhà cô gái làm rùm beng đòi thưa ra Công An, ông sợ mất mặt nên đành phải nhận trách nhiệm. Bấy giờ bà mới vỡ lẽ và hiểu thêm lý do tại sao ông thường hay nhận được điện thoại gọi từ Việt Nam sang. Nhưng điều cay đắng và đau đớn cho bà hơn hết là ông đã không nghĩ gì đến tình nghĩa vợ chồng hơn bốn mươi năm, ông nhứt định ly dị với bà để bảo lãnh người bồ “nhí “cùng đứa con ở Việt Nam. Buồn giận bà vào chùa tâm sự với vị sư trụ trì tìm đôi chút bình an giải thoát cho tâm hồn. Nhà sư khuyên bà nên phát tâm Bồ đề mở lòng hỉ xả, cho dù cô gái có mưu đồ và đứa con không phải là con của ông nhà đi nửa, việc bảo lãnh họ qua bên này là một hành động cứu vớt một đứa trẻ thơ, cho nó một tương lai sáng sủa hơn, tức là bà đã tích phước, tạo nghiệp lành. Khi đối đãi với mọi người bằng lòng vị tha, cái tâm tỉnh lặng như vậy, bà sẽ không còn cảm thấy điêu đứng, khổ sở bởi chữ sân si. Hãy nhìn chung quanh còn có biết bao nhiêu cặp vợ chồng nửa đường đứt gánh, âm dương đôi ngã chia lìa chẳng phải là đau khổ hơn sao? Xưa nay ai cũng chọn thà rằng sinh ly còn hơn tử biệt. Tuổi già thâm trầm, đời sống chẳng còn sôi nổi bởi sức lực còn bao nhiêu nữa để lo lắng ghen tuông.

Nghe thế bà Tư mới ngộ ra rằng bà mới chính là người hạnh phúc bởi thời gian bây giờ mới thực sự của mình vì không còn bị bó buộc với bổn phận và trách nhiệm nữa. Sắp tới bà muốn đi chùa bất cứ lúc nào bà muốn, dẫu có nghỉ ngơi đến hết buổi trưa, buổi chiều cũng không ai quấy rầy. Có đi thăm người quen bạn bè cũng không lo ngay ngáy cơm nước chưa xong, ngày mai sẽ nấu món gì, ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều, ăn tối! Bà không còn mặt đối mặt với cái bếp lò cả ngày vào những lúc cuối tuần như trước, nồi cơm vừa bắc xuống là nồi chè chuẩn bị bắc lên. Điều quan trọng là sau khi chia tay ở đâu đó ông Tư vẫn còn hiện diện, thỉnh thoảng hai vợ chồng cùng gặp lại ăn bữa cơm với đám con lũ cháu vui vẻ mà không cắng đắng giận hờn nhau. Giống như lâu lâu mới ăn lại một món ăn ngon cũ nên khi dứt bữa ăn vẫn còn thấy nhớ.

oOo

Mùa đông này là mùa đông thứ hai bà Tư về ở cùng gia đình cô con gái Út Kim Sa sau khi ly dị. Số tiền được chia đôi sau khi bán nhà bà mang bỏ vào ngân hàng lấy tiền lời hàng tháng. Nửa năm đầu thỉnh thoảng hai ông bà gặp lại nhau trong những buổi họp mặt gia đình của các con, vẫn vui vẻ như hai người bạn cũ. Thời gian sau ông biệt dạng, nhiều lần bà Tư hỏi thăm mấy đứa con về ông nhưng chúng chỉ trả lời qua loa là ba của chúng vẫn bình thường, cho đến ngày hôm qua khi cô con gái chở bà đi cúng rằm tháng chạp mới thỏ thẻ cho bà nghe về chuyện của ông :

"Kinh Phật có nói "Gieo nhân nào thì gặt quả đó "Chắc ba bị quả báo vì đã bỏ má hồi hai năm trước"

Bà Tư chưng hửng hỏi dồn :

"Bộ có chuyện gì xảy đến cho ba mấy đứa con hả? mấy con có chuyện gì giấu má phải không? ổng có khỏe không??”

Kim Sa cười trấn an :

"Ba chẳng có bệnh hoạn gì đâu. Có người nói ba bị vậy là tại Trâu già còn ham gặm cỏ non"
"Như vậy là sao con? má không hiểu gì hết? "
"Má không hiểu cũng phải. Tụi con giấu đâu nói cho má biết sợ má buồn. Hơn một năm nay ba về Việt Nam cưới vợ khác rồi. Con nghe kể lại rằng : Ba về bên đó nhờ người tìm một cô vợ ; ba biết "dò sông dò biển dễ dò..” nên đi tuốt về Đồng Tháp vô thiệt sâu trong quê, chọn một cô gái chơn chất vừa quê, vừa xấu cho chắc ăn. Cô này mới mười chín nhỏ tuổi hơn con nữa, cả gia đình đông anh chị em và rất nghèo. Ba bỏ tiền ra cất nhà cho cha mẹ cô ta, sắm sửa trang hoàng mọi thứ và cho tiền cả gia đình họ làm ăn sinh sống nửa. Sau đó ba về bên này làm giấy bảo lãnh cô ấy qua, một năm sau thì cô được sang bên này. Chưa đầy tháng cô ta đòi đi làm cho bằng được không chịu ở nhà. Ba cũng có chuẩn bị sẵn rồi nên chỉ tìm cho cô ta chỗ làm trong một xưởng may toàn là đàn bà con gái. Vậy mà một hôm ba về nhà thấy có lá thư dằn trên bàn. Đại ý nói là cô ấy không thể tiếp tục sống chung với ba được nửa vì sợ người ta biết sẽ cười cô lấy một người đáng tuổi cha mình, cũng không quên cám ơn ba đã bảo lãnh cô ấy qua bên này. Ba tức tối đi tìm nhưng cô ta lánh mặt, Ba định đưa nội vụ ra luật pháp nhưng có người khuyên ba nên bỏ qua, coi như làm phước, ai bảo ba già rồi còn ham cưới vợ trẻ, vả lại cô ta bỏ đi không đòi ly dị chia gia tài với ba là may lắm rồi. Ba ức lắm, viết thư về cho gia đình cô ấy ở Việt Nam biết để họ có lời khuyên với con gái của mình, nhưng rốt cuộc họ vẫn im lặng. Tính ra từ ngày cô ấy qua bên này ở với ba không đầy ba tháng. Bây giờ thì ba ở một mình."

Kim Sa dịu giọng, liếc Bà Tư rồi ngập ngừng nói :

"Má à, hôm nọ anh Hai ghé thăm ba về kể lại, thấy ba bây giờ ốm lắm, ba có vẻ ăn năn và hổ thẹn chuyện vừa qua, Ba không đề cập thẳng mà chỉ nói xa gần là muốn trở về! Anh Hai không nói gì hết vì nhà ba má giờ đã bán rồi và anh Hai không biết ý má ra sao?

Bà Tư cảm thấy tội nghiệp chồng. Hình như ở người vợ người mẹ việt Nam nào, trái tim cũng chứa đầy lòng trắc ẩn và tình thương sâu sắc vô bờ bến đối với chồng con của họ. Bà Tư nhớ lại ở trong xóm cũ có gia đình cô Bảy ở trong căn nhà lá lụp xụp đối diện khoảng sân trường học của xóm. Dượng Bảy là một người đàn ông lai Miên không được đẹp người nhưng lại có tật ham mê vợ bé. Suốt cả quãng đời luôn luôn làm khổ cô Bảy bằng cách bỏ nhà ra đi mèo mỡ hết người này đến người khác, để lại đàn con năm đứa nheo nhóc cho một mình cô nuôi nấng. Cô phải đi làm thuê. Làm mướn để nuôi con, thỉnh thoảng dượng lại trở về thượng chân, hạ tay khi cô van nài, níu kéo dượng ở lại nhà. Hầu hết những người vợ bé này chung đụng với dượng lâu dài nhất chỉ độ một năm, thường khi là vài tháng hay nửa năm thôi. Khi bị ruồng bỏ dượng lại quay trở về nhà và lần nào Cô Bảy cũng vui mừng đón đợi xem như chẳng có việc gì xảy ra trước đó.

Có lẽ tình yêu của lớp người như bà Tư khác hẳn với lớp con cái bây giờ. Bà Tư hiểu rất rõ lòng mình. Với thời gian và bổn phận, chữ tình có thể bị xơ cứng, mòn mỏi nhưng cái nghĩa vẫn còn tồn tại. Bà biết giữa hai ông bà có một thứ tình yêu đặc biệt nẩy sinh từ tình nghĩa, cho dù không sôi nổi nhưng lại là một thứ tình yêu lắng đọng, trầm mặc. Khi về già có phải người ta thường có tâm trạng trở lại như thời con trai và con gái? đầy cảm xúc và nông nổi. Bà Tư thấy cõi lòng rung động, trái tim bỗng đập mạnh giống như khi nghe lời tỏ tình đầu tiên mà bà chưa hề biết đến. Thời gian qua Bà Tư thấy được chuyện chăm sóc lo lắng cơm nước cho chồng đã trở thành thói quen, một thứ tập quán mà bà không thể nào bỏ được, bà thấy luyến tiếc chuỗi ngày bận rộn với ông Tư, thiếu vắng nó, bà cảm thấy thời gian trở nên thừa thãi buồn tênh.

Bà Tư vội vàng nói với con gái :

"Không hề gì, ba má vẫn có thể ở nhà mướn, chắc phải mướn căn nhà rộng rãi để tết này tất cả các con cháu về tụ họp mừng tuổi ông bà."

Bỗng sực nhớ ra Kim Sa quay lại kể thêm :

“Má còn nhớ chuyện Ông Tám Banh, ông này tính chơi nước cờ cao là không bảo lãnh cho cô vợ trẻ sang bên này như ba. Ông bỏ tiền sang cho cô ta một cửa hiệu bán quần áo thời trang. Với dự định mỗi nửa năm vào mùa đông lạnh bên này ông sẽ trở về thăm vợ giống như con chim trốn tuyết. Ai dè lần thứ hai trở về, đợi mãi ngoài phi trường không thấy ai ra đón, ông Tám xách hành lý thuê tắc xi về nhà. Vừa bước vào cửa gặp ngay cô vợ chận lại hỏi ông đi tìm ai? Khi ông cười xưng mình là người chồng của cô mới về, cô nghiêm ngay nét mặt phủ nhận không biết ông là ai và cô chưa hề có chồng. Rốt cuộc ông Tám đã phải khăn gói vào ở khách sạn cho đến ngày về. Thế là mất toi các khoản tiền đã hao tốn để “mua” cô vợ trẻ."

Với nụ cười trên môi Kim Sa liến thoắng nói tiếp :

"Có người nói với ông Tám là "Xuân bất tái lai". Ngụ ý có phải nói rằng tuổi xuân qua đi là không bao giờ trở lại. Anh Hai thì giải thích một cách cụ thể ; các cụ ấy muốn hồi xuân nhưng xuân chẳng chịu hồi..."

Cỏ Biển