SỐ 27 - THÁNG 7, NĂM 2005

 

Thư Tòa Soạn

Thơ
Bạch phiến
Hoàng Du Thụy
Những trưa nắng cũ để, dành
NNguong
Những tiếng hát bão giông
Phạm Hồng Ân
Áo em ngày cũ
Huỳnh Kim Khanh
Hè xưa
Trần Việt Bắc
Tơ sầu canh thâu
Hoàng Mai Phi
Mong một lần chim gãy cánh phù vân
Tôn Thất Phú Sĩ
Tình em
Maihoado
Mây hạ
Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn, Tâm bút
Mùa hè săn đuổi
Thi Vũ
Căn cước tháng tư
Nguyên Nhi
Dạ khúc
Phan Thái Yên
Nhạt màu phố cũ
Song Thao
Nhà tù conex
Nguyễn Hồng Quang
Một cái Tết bị lãng quên
Tầm Xuân
Chùm phượng vỹ
Cỏ Biển
Điện thư
Hoàng Mai Phi
Hành trình về lứa tuổi đôi mươi
Hoàng Quốc Việt
Những bài thơ TTPS
Doãn Quốc Sĩ
Haiku và những cơn nắng hạ, II
Vũ Hoàng Thư

Dịch thuật, biên khảo
Sống thiện chết lành (2)
Ngô Văn Xuân
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 14
Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài
Thằng Nèm
Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 21
Huỳnh Kim Khanh


 

Haiku và những cơn nắng hạ, II [1]

VŨ HOÀNG THƯ

1.

Ah, summer grasses!
All that remains
Of the warriors dreams.
[2]

–Basho

nhấp nhô cỏ hạ kéo về
chút tàn dư lại
mộng hề ! chinh nhân

Một ngày hè hâm hấp và gió hiu, ông Basho nhìn đất trời. Thỉnh thoảng từng cơn gió thổi rạp đám cỏ bồng. Gió lùa cỏ hạ phảng phất hình bóng giáp binh, đám lính tiền phong mang rơm rạ hóa trang từng bước một rình rập tiến vào công thành. Cơn nóng làm mộng trường chinh sống dậy bừng bừng. Ảo giác trưa hè. Rồi lửa hạ nguôi. Chiến chinh rốt cùng còn lại là một mớ ký ức của một thuở đã phôi pha. Thi sĩ chập chờn thiêm thiếp ngủ, tất cả bay bổng theo hơi nóng, còn chăng một đám cỏ phất phơ giữa hạ nồng. Thế nhưng khi con người thiêm thiếp suốt một đời, mộng kéo dài thành chuỗi ngày sầu hận. Chuyện kể rằng có ông đại tá miền nam mỗi sáng nơi xứ người thức dậy mang áo mũ chào cờ, và ông thượng tá miền bắc đắp lá vào người, hun hút nhớ trường sơn và đoàn quân vào B giải phóng anh em. Cơn mộng đưa hai người gặp nhau bên một bờ ao nhỏ. Họ nhìn nhau nhưng chẳng thấy nhau. Đó là sự kỳ bí và lý thú của mộng mị. Những mùa hè hực lửa và tiếng hát xuất quân bây giờ trở thành mơ hồ. Hạ không còn, ve sầu đứt tiếng. Chỉ còn bóng mây quanh quẩn trên mặt ao và cơn mộng của hai người lính già...

an old pond –
floating upside down
a cicada's shell
[3]

–Shiki

một ao nước cũ lặng lờ
nổi trôi thân ngửa
vật vờ xác ve

2.

Đám hoa dại tím và vàng ven lũng núi hồi cuối xuân đã tàn rụi chỉ còn thân khô. Tháng bảy ung nắng đưa mây gợn lên xa tắp. Ngước lên nhìn những tầng cao người bắt đầu ướm mộng thả vào mây và đan tay bắt gió. Biết bao là mộng dậy từ những đám mây rồi mộng tan theo làn gió. Cứ thế con người sống trong mộng. Mộng nở ra hoa dẫn về con đường cũ hay mộng mở lối vào giữa muôn trùng vây khốn. Mắt nhắm lại, chân thênh thang nhẹ hẫng như bay. Mở mắt ra người trở lại với cuộc đời, với những bon chen nhỏ hẹp. Địa ngục lớn dậy vây quanh, "tha nhân là địa ngục" như Sartre nói chăng ? Một lối tự an tâm, nào ngờ địa ngục ở trong lòng cho dù người mở mắt hay nhắm mắt. Thiên đàng tự đó cũng nằm ngay giữa trần gian, không chỗ nào khác hơn. Đẹp ở phút mong manh nơi triền vực. Hoa nở khi con người bước trên "nóc" hỏa ngục đỏ rần, hắn sẽ thấp thỏm tìm lối thoát trong một cuộc chơi không lối thoát hay thong dong đi về hố thẳm?

In this world
we walk on the roof of hell,
gazing at flowers.
[2]

–Issa

chung thân dạo cõi trăm năm
a tỳ dưới gót
mắt đằm trông hoa

Issa Kobayashi [1763 – 1828] một trong bốn nhà thơ tiếng tăm của trường phái haiku có những bài thơ về lục đạo, sáu cảnh giới mà chúng sinh sẽ luân hồi theo thuyết nhà Phật. Khi nói về cõi người, Issa viết như thế này:

We humans —
squirming around
among the blossoming flowers.
[2]

–Issa

Ta người –
quằn quại đó đây
giữa muôn bông nở đã đầy càn khôn

–Thi Vũ

Có phải vậy, con người tự tạo cho mình những bận rộn không đâu mà quên hoa ? Nếu quả vậy thì uổng thay cho một kiếp hoa nhỏ máu ròng. Có thể đã có lần hoa muốn nói như thế này, liệu chúng ta chịu nghe?

We flowers –
bleeding petals
for the smiling humans

–Vũ Hoàng Thư

Ta hoa –
máu dậy cánh hồng
phớt môi cười nụ động lòng nhân gian

–Thi Vũ

3.

In a dewdrop world
singing at dewdrops...
summer cicada
[2]

–Issa

trần gian một cõi sa mù
hát lời sương lạc
sinh phù kiếp ve

Buổi sáng hè có sương hứa hẹn một ngày nóng. Nhớ về ve là nhớ về một nơi chốn đã mất, không gian cũng như thời gian. Tuổi trẻ đi không trở về, đất nước xa không được gần. Nhớ nung hầm nhiệt đới, dã dượi đợi chờ dưới hàng cây của sân trường im bóng. Tất cả như ảo giác, tất cả như không thật. Có chăng ve hát từ sương trong một buổi sáng có sương giữa thế giới mù sương? Thật chăng kiếp cầm ca ngắn ngủi, ve, hát về một kiếp sống còn ngắn ngủi hơn, sương ? Và thi sĩ, lạ thay, hắn làm thơ về ve và sương, khoảnh khắc giữa hai thời điểm cực ngắn như hai sát na, nếu so sánh với thời gian trong vũ trụ luân sinh. Hai cái nháy mắt, sẽ mất như điện chớp, nhưng hắn không bị định hình bởi hai sát na đó nên hắn không mất. Có một điều hắn biết rất rõ, không sương và ve thì cũng không có hắn. Như thế Thi sĩ hiển nhiên là người ngợi ca những lời ve hát về sương. Trong một thế giới mong manh, ve hát về sương là điệp trùng của ngắn ngủi trở thành thiên thu. Chỉ có thi sĩ biết – Phải vậy chăng ?

biting into a bitter weed
alone I bear
my feelings
[3]

–Shiki

cắn răng cỏ dại đắng ngần
mình ta cam lãnh
trăm phần nỗi riêng


Vũ Hoàng Thư
Tháng 7, 2005


[1] Haiku và những cơn nắng hạ, I, Vũ Hoàng Thư, Văn Học, số 183, tháng 7, 2001, California, USA.
[2] Essential Haiku Volume 20, Robert Hass, 1994
[3] http://www.cc.matsuyama-u.ac.jp/~shiki/kim/shikisummer.html