SỐ 34 - THÁNG 4 NĂM 2007

 

Thơ

Về biển
24 Phạm Hồng Ân
Em vẫn là đêm
24
Huỳnh Kim Khanh
Vọng quốc

23
Trần Việt Bắc
Hoài sầu thụy nhân
21
Ưu Du
Chuyện cũ
21Ngọc Trân
Một lần đi

18
Tôn Thất Phú Sĩ
Nghe hồn bay bổng
18
Kim Thành

Truyện ngắn, Tâm bút

Ngã ba sông
14
Phạm Hồng Ân

Trại tỵ nạn Kuantan
14
Nguyễn Hồng Quang
Tháng tư trong mắt học trò
13
Hoàng Mai Phi

Nhánh hoa khô
14
Cỏ Biển

Ăn chơi
15
Xuân Phương

Dưới vùng cỏ non
8Ưu Du

Như cơn gió thoảng
8Võ Thị Đồng Minh
Một chuyến công tác
8Hoàng Mai Phi
Phận người
8Song Thao
Hiến tặng
8Nguyên Nhi

Văn học, biên khảo

Giao Chỉ và Tượng Quận
4Trần Việt Bắc
Sống thiện chết lành (8)
4Ngô Văn Xuân
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 21

3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Giữa hai lằn đạn
1Ưu Du
Thằng Nèm
1Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 28

1 Huỳnh Kim Khanh


 

Ngã Ba Sông

 

     Chú thương mến,
.....Phải chi cháu có cánh, cháu sẽ bay lên chú, ngay bây giờ. Để được ngao du cùng chú khắp biển rộng sông dài. Được nghe tận tai những viên sỏi rạo rực dưới bước chân. Được thấy sóng vỗ triền miên, trắng xóa trên các cửa sông đâm thấu ra biển khơi...Con gái mới lớn có những mộng mơ lý thú, phải không chú? Thế mà ba mẹ cứ rầy mắng cháu suốt ngày....

Tôi gấp bức thư cháu Thuyên lại, hoảng hốt ngó ra con lộ. Thỉnh thoảng, những chiếc xe nhà binh chạy qua, tung bụi mịt mù. Thỉnh thoảng, vài người lính đi bộ, mồ hôi nhễ nhại. Có người cởi tung cả nút áo, để lộ bộ ngực trần đen mun. Mùa nắng. Nắng quái ác, đổ lửa xuống căn cứ Đồng Tâm. Nắng như thiêu như đốt. Như điên như dại.

Lúc này, nếu Thuyên đáp xe đò bạt mạng xuống đây. Tôi không biết phải dắt Thuyên về đâu? Phòng sĩ quan giang đoàn như ổ chuột. Các giường cá nhân đầy người. Hàng đêm, tôi phải mò xuống cầu tàu, chui vào chiếc Tango hoặc Alpha nào đó, ngủ bụi đời. Giả thử, phòng sĩ quan có trống chỗ, cũng không dám để Thuyên ngủ thảnh thơi giữa đám đàn ông thô bạo. Lúc nào, thấy con gái đàn bà, họ đều muốn nhào vô cắn xé. Nếu có chỗ ngủ hẳn hoi, cũng không biết dẫn Thuyên tắm đâu? Ăn đâu? Khi mỗi chiều, tôi phải lội bộ xuống khu tiếp liệu, tắm lộ thiên với đám lính tráng chổng ngổng chồng ngồng. Và bây giờ - cuối tháng - túi cạn tiền, tôi không thể đưa Thuyên xuống nhà bếp, lục gạo sấy với cá hộp tuna, lấp đầy cái dạ dầy xẹp lép.

May thay, vài ngày trôi qua, tôi nhận được lá thư khác của Thuyên:

Chú thương mến,
...Phủ về Bạc Liêu, đúng lúc cháu có ý định bay lên chú. Thôi, đành phải ở lại tiếp nó. Mấy năm rồi, hai đứa không gặp nhau.
   Lúc này, con nhỏ đẹp gái ra. Nó nhắc chú luôn. Sao? Chú có ý định lấy nó làm vợ không???...

Tôi thở phào, nhẹ nhõm. Phủ đã cứu tôi. Nàng đã đưa vai, thay tôi, chia cái gánh nặng, giữa đường. Nhắc đến Phủ, quá khứ lại trỗi dậy, tuổi học trò với những cánh thư mật ngọt tình yêu. Quá khứ hiện lên ngôi trường Hưng Đạo, khu chợ Thái Bình. Cái quán cà phê ba tàu đầu đường Cống Quỳnh. Những ly đen nhỏ đắng nghét cuộc đời. Những điếu thuốc cháy rụi kỷ niệm. Để ngồi chờ một hình bóng tưởng tượng, trong đám con gái học trò tan học, mỗi chiều. Quá khứ trỗi dậy, bắt đầu từ lá thư của Thuyên, khi tôi còn là cậu học trò ngáo ộp, ở Cà Mau.

Chú thương mến,
...Đọc thư chú, cháu cứ khúc khích cười mãi. Con Phủ, bạn cháu, nó cũng cười chú suốt buổi học. Nó chê chú cù lần quá chừng! Mười tám tuổi rồi, vẫn chưa có con bồ làm vốn.
   Phủ thích chú đấy! Chú viết thư làm quen Phủ đi! Nó là con bạn dễ thương nhất của cháu...

Thế là, những lá thư xuất hiện. Lúc đầu, thưa thớt chỉ đôi dòng. Dần à, dày đặc tới vài trang. Rồi, chi chít những chữ, dằng dặc cả trăm câu. Cho đến khi...tình yêu nẩy nở, nhớ thương lẫn lộn, tôi vẫn chưa biết mặt Phủ, chưa gặp nàng một lần.
Lúc lên Sài Gòn, chuẩn bị vào đại học. Tôi lại nhận được lá thư ngắn của Thuyên.

Chú thương mến,
...Bây giờ, chú đã lên Sài Gòn. Khoảng cách giữa chú và Phủ đã thâu ngắn lại, chỉ còn trong gang tấc.
   Như vậy, chú nên tạo cơ hội để hai người gặp nhau, biết mặt nhau đi! Viết thư hẹn Phủ ở một nơi nào đó, tùy chú!...

Tôi viết thư hẹn Phủ ở cái quán cà phê ba tàu, đầu đường Cống Quỳnh. Nơi đó, từ căn nhà trọ bên Phạm Ngũ Lão, tôi có thể tà tà ngang chợ Thái Bình, ung dung kéo ghế ngồi ngoài hiên quán, nhấm nháp chút cà phê đen đậm, chờ đến giờ Phủ tan học. Nơi đó, tôi có thể ngó qua ngôi trường Hưng Đạo, ngơ ngác tìm bóng dáng Phủ, trong vô vàn những bóng dáng xa lạ đang tung tăng, nô đùa. Rồi...tôi ngồi chờ, chờ mãi, chờ mãi...Chờ...đến khi...ngôi trường khép cửa, những ngọn đèn néon cháy lên, thắp sáng hai chữ Hưng Đạo trắng tinh, trên vòm cao của một góc tường khép kín.  Cái quán cà phê cũng trống vắng, buồn tênh. Chỉ còn tôi là người khách cuối cùng, duy nhất ngồi trước hàng hiên, nối tiếp đốt những điếu thuốc đợi chờ trong tuyệt vọng.
Lần đó, Phủ không đến. Để biện minh cho sự thất hẹn đó, tuần sau, nàng gửi tôi một lá thư giãi bày.

Chú yêu dấu,
...Phủ không thể đến với chú, nơi cái quán cà phê lu bu và đầy phức tạp như thế được. Chỉ tưởng tượng đến hàng chục khuôn mặt đàn ông sần sượng, ngồi thu lu nhả khói liên tục trong các góc quán chật hẹp đó, là Phủ đã khiếp vía, hồn xiêu phách lạc đi rồi! Chưa kể đến lúc Phủ phải loay hoay, ngơ ngác tìm chú. Tìm một người chưa biết mặt bao giờ, giữa đám đàn ông lố nhố xa lạ kia! Rồi...nhóm bạn học của Phủ nữa!!! Tụi nó sẽ chọc ghẹo không tha, khi thấy cháu đang bơ vơ, lạc lõng...trong cái thế giới kỳ cục ấy...

   Như thế, tính đến nay - gần ba năm quen Phủ - chúng tôi vẫn chưa biết mặt nhau. Vậy mà, những bức thư qua lại đã mang đầy ngôn ngữ yêu đương, chín mùi thương nhớ. Tôi phải tìm cách ra bưu điện chiều nay, để đánh cho Phủ một điện tín báo tin. Biết đâu, nàng sẽ ngẩn ngơ và mừng rỡ, khi hay tin tôi từ địa ngục Năm Căn bỗng chường mặt về Mỹ Tho - một tỉnh lỵ thơ mộng chỉ cách thành phố Sài Gòn chưa đầy một trăm cây số.
Nếu không có khu thương mãi, căn cứ Đồng Tâm chỉ là cái đồn lính khô khan và buồn tẻ. Khu thương mãi vui tươi, nhộn nhịp - với quán cà phê nhạc, quán ăn, quán nhậu...nối dài. Bên cạnh, ngôi chợ Đồng Tâm, tuy bé xíu, nhưng vẫn sôi động với phiên chợ sáng tấp nập. Huyên náo suốt ngày, là các tiệm may, tiệm sửa quần áo lính...Ở đấy, đa số các cô thợ may vừa chớm xuân thì, đua nhau lượn đôi tay nõn nà trên bàn máy, lôi cuốn đám lính tráng si tình tới lui như trẩy hội.

Quán ăn, tôi thích nhất,phải kể Cát Thành Long. Đầu tháng, túi chưa cạn tiền, tôi thường đến đó ăn cơm thịt nướng. Quán này, thịt nướng rất ngon. Dĩa cơm chưa kịp đưa ra, mùi thịt đã bốc lên thơm phức, làm tôi nhớ đến những miếng thịt nướng vàng hực của má tôi ở Cà Mau. Má tôi thường nướng thịt trên lò than đỏ hồng, lúc anh em tôi quây quần bên nhau, trong những ngày giỗ ông bà hay tết nguyên đán. Lần nào, ở các dịp đó, tôi thường đứng bên bếp lò, nhìn bàn tay má cần cù trở miếng thịt tới lui, nhìn giọt mồ hôi lăn dài trên trán má - mà lâng lâng thương bà, thương số phận phụ nữ sao lắm đa đoan, sao nhiều hệ lụy?

Duyến kéo tôi vào một quán nước. Tiếng nhạc vang lên, ồn ào. Âm thanh loảng xoảng như mảnh thủy tinh vỡ nát trên nền gạch thô. Ánh đèn mờ mờ, bên trái, soi loáng thoáng những khuôn mặt lính tráng trẻ măng, ngồi dài dài bên tách cà phê. Bên phải, hai bàn bi da lẹt đẹt, nghiêng nghiêng, nằm phơi mình dưới ánh sáng của ngọn đèn néon trong xanh.

- Bà chủ... ơi! Cho bi.

Duyến gọi lớn. Giọng Quảng Trị nằng nặng cất lên vang dội. Hắn cố át đi cái âm thanh đặc quánh của chiếc máy Akai, đang rỉ rả những bản nhạc sến nghiêng nước đổ thành. Một cô gái tóc dài, gương mặt bầu bĩnh, dáng dấp nhà quê, vội vã bước ra. Những trái bi đỏ trắng, tròn hoay - từ bàn tay thon thon của cô bé - lăn xuống mặt bàn.

- Cho anh hai cà phê đá, một gói capstan.

Đêm đã khuya. Khu thương mại chìm trong bóng đen. Cửa quán đã khép kín. Những chiếc bàn đã xếp lên, ngăn nắp, gọn gàng. Cái máy Akai cũng tắt tiếng nhạc, khiến đêm chợt yên tĩnh một cách lặng lẽ.

Bà chủ quán thở dài sườn sượt, kéo lê đôi dép lẹp kẹp, uể oải đi vào phòng ngủ. Chỉ còn cô gái ngồi trên ghế, khoanh hai tay trước ngực, đăm đăm nhìn xuống nền xi-măng.
Tôi bỗng ngó mái tóc cô bé, thốt lên những lời vô nghĩa:

- Tụi anh chỉ ở đây đêm nay. Mai đi xa rồi. Thông cảm nhé!

Cô bé ngước mặt lên. Mái tóc chuyển động, mênh mang. Đôi mắt lấp lánh, sâu như một hang động bí hiểm.

- Thế ư? Đi... rồi có trở lại không?
- Thỉnh thoảng. Nếu có trở lại, anh sẽ ghé thăm bé, chịu hông?

Tôi buông cơ, tiến về cô bé. Ánh trăng bên ngoài lọt vào cửa sổ, rớt lên khuôn mặt nàng một màu vàng bạc. Tôi chìm vào ánh trăng, đưa bờ môi lên đôi má bầu bĩnh dễ thương.

- Anh muốn làm quen với bé. Chịu hông?

Tôi làm quen với Tuyển dễ dàng. Những lần đến quán, lựa lúc vắng khách, ngồi nghe nàng tâm sự, cũng là nỗi thú vị mang mang của người lính độc thân.

Tết đến, tôi viết thư cho Phủ, báo tin sẽ về Sài Gòn, gặp nàng tại bến cảng Trần Hưng Đạo. Ngày hẹn, tôi sẽ mặc áo vàng, quần zin. Túi áo giắt một lá thư màu hồng của Phủ. Trên tay, cầm thêm quyển vở học trò, bìa xanh nước biển. Tôi dặn dò tới lui, cẩn thận nhiều lần, nhắc nhở Phủ phải đến, không thể không đến...

Tôi chạy về Sài Gòn, trên chuyến xe tốc hành cuối cùng của đêm ba mươi tết. Đêm nay, tôi sẽ đón giao thừa với gia đình anh tư tôi, nơi một con hẻm nghèo nàn vùng Phú Nhuận. Để ngày mai, ra chỗ hẹn gặp Phủ, dễ dàng hơn.
Căn nhà anh tôi quá nhỏ. Nhỏ như bụm tay của người khổng lồ trong truyện thần thoại. Nó chỉ đủ kê chiếc giường, bên cạnh một bàn thờ, lúc nào cũng sực nức trầm hương. Còn lại, là lối đi bé xíu, dẫn xuống bếp nấu ăn, diện tích chưa đầy một thước vuông. Đêm nay, tôi sẽ thức trắng với anh tôi để ôn cố tri tân, và còn lắng nghe tiếng pháo giao thừa, nổ vang  trên bầu trời Phú Nhuận.

Tôi trở lại Đồng Tâm, khép kín các cuộc vui vẫn còn đang tưng bừng, náo nhiệt khắp nơi trong đô thị. Tôi trở lại với vòng rào kẽm gai, bằng nỗi chán chường, rã rời. Phủ không đến bến thương cảng, gặp nhau, như thư hẹn. Nàng bắt tôi ngồi chờ suốt ngày, thấp thỏm trông đứng trông ngồi.

Rồi một tuần sau, tôi nhận được lá thư Phủ, vuốt ve bằng thứ ngôn ngữ thuyết phục.

Chú yêu dấu,
...Phủ mong từng phút từng giây. Mong ngày hẹn với chú...sẽ mau đến sớm. Để được gặp chú, nhìn

tận mặt - người đã viết cho mình những lời tỏ tình bay bướm. Để được ngã vào vòng tay chú, trọn vẹn tận hưởng những giây phút tuyệt đỉnh nhất của tình thương. Nhưng, cháu thất vọng, vô cùng thất vọng.Bến thương cảng quá dài, dài lê thê. Làm sao Phủ biết chú ngồi nơi đâu...mà đến? Ngày đó, lại là ngày tết, tài tử giai nhân dập dìu. Làm sao Phủ tìm được một người áo vàng, quần zin, túi giắt lá thư hồng, tay cầm quyển vở xanh...giữa rừng người du xuân đủ màu đủ sắc như thế?
    Phủ đành về nhà. Về nhà mà ấm ức chú lắm!!!

Giang đoàn 43 Ngăn Chận được giang đoàn 21 Xung Phong nhường lại căn nhà gỗ hình hộp, hai tầng, làm cứ điểm tạm thời. Phòng sĩ quan tầng trên, muốn tới đó, phải trèo qua cầu thang ọp ẹp, đong đưa như đi dây tử thần. Trong nhóm sĩ quan trẻ, Cao Duyến là chiến hữu - tôi thân nhất. Tôi khoái hắn, vì hắn biết làm thơ, và thích đội gió đội mưa, lang thang khắp nơi trên trái đất. Chiều nay, khi chiếc soái đỉnh từ căn cứ Mỹ Tho trở về, vị chỉ huy trưởng tất bật mời tôi và Cao Duyến vào phòng họp sĩ quan. Nắng chiều lung linh trên ngọn cây bàng, trước căn nhà gỗ. Nắng đổ xuống lá lấp lánh, dọi lên như những bông hoa chấp chới trong chiều vàng. Chúng tôi, từng người, khéo léo leo lên cầu thang lung lay. Tiếng gỗ nghiến cót két, dưới gót giày bề thế của vị chỉ huy. Tôi biết, số phận của chúng tôi không phải ở nơi này. Nó ở ngoài chiến tuyến, ở những dòng sông xa xôi...

Phòng họp sĩ quan giản dị. Nó chỉ là bốn bức vách gỗ mong manh. Một tấm bản đồ lớn treo trên giá. Một bàn tròn thô kệch, cùng những chiếc ghế long đinh, tụm nhau, vây quanh. Một cái quạt máy khổng lồ đang chạy phành phạch. Tiếng hú của nó giống tiếng động cơ của máy bay thời đệ nhị thế chiến.

- Có một chỗ yên tĩnh nhất, ở đây, để hai ông tha hồ làm thơ: căn cứ hỏa lực Phước Long. Thời gian này, tạm thời, hai ông sẽ biệt phái về đó, công tác cho bộ chỉ huy hải quân.

Vị chỉ huy trưởng vừa rót trà vào ly, vừa cười cười đùa giỡn với chúng tôi. Ông chưa đầy ba mươi, nụ cười đã vội héo hắt trên vành môi quầng thâm khói lửa. Những lao đao thời cuộc, những trăn trở binh đao...là thứ suy tư tàn bạo nhất, dẫn người ta đến trước tuổi già.

- Thưa, chừng nào chúng tôi lên đường?
- Ngày mai. Tôi sẽ cho xe đưa hai ông đến bắc Hàm Luông. Từ đó, có hai chiếc PBR ( giang tốc đĩnh )...tiếp tục chở các ông đến căn cứ Phước Long.

Căn cứ hỏa lực Phước Long là bản doanh của trung đoàn 10, sư đoàn 7 bộ binh. Nó nằm chênh vênh bên dòng Hàm Luông mơn man, thơ mộng. Từ lúc có VC xuất đầu lộ diện, nhất là từ lúc có căn cứ này, con sông Hàm Luông đã mất đi cái dáng vẻ thơ mộng. Nó trở thành một dòng nước xôn xao, đầy biến động khôn lường. Những quả mìn trôi lừ lừ theo các dề lục bình. Những trận pháo kích kéo dài hàng loạt. Những tên VC cảm tử ngu muội - lúc nào cũng muốn ôm bom đội đạn, lăn nhào vào căn cứ thí mạng.

Từ cầu tàu, chúng tôi phải vượt qua nhiều vòng rào kẽm gai ngang dọc khó khăn, mới thật sự lọt vào cổng căn cứ. Bộ chỉ huy hải quân nằm khiêm nhường phía sau câu lạc bộ sĩ quan của trung đoàn 10. Đó là căn nhà dã chiến chật hẹp. Trần lợp tôle. Vách gỗ. Có lẽ, gỗ này được lấy  từ thùng đạn pháo binh thô sơ. Tôi ngó chu vi căn nhà. Chẳng tìm ra một hầm trú ẩn an toàn. Chẳng có một lớp bao cát nào để phòng thủ, hộ thân. Như vậy, khi có nguy biến, chắc chúng tôi phải đưa lưng thịt chịu trận.

Bên kia sông, là cồn Ốc, xã Thạnh Phú Đông. Nơi có những rừng dừa bạt ngàn, chạy dài như vô tận. Người ta đồn nhau, nước dừa Bến Tre rất ngọt, tinh khiết. Uống vào, mát đến tận ruột tận gan. Người ta cũng đồn, gái Bến Tre vốn trắng, đẹp. Vì, họ tắm bằng nước dừa mỗi ngày. Điều này, chẳng biết có đúng không? Nhưng, dùng nước dừa thay nước vô cơ, chuyền vào mạch máu các thương binh, là sáng kiến độc đáo của y sĩ việt cộng. Và ngọn dừa cao nghệu, um tùm lá - là nơi chốn an toàn cho du kích VC ẩn nấp, tha hồ bắn sẻ các chiến sĩ ta.

- Thiếu úy Ân! Có người nhà đến thăm.

Tôi bật dậy, đạp tấm mền xuống góc giường. Cơn buồn ngủ rã rời bỗng biến đâu mất. Tôi vừa hạ phiên, sau tám tiếng đồng hồ mệt nhoài trong phòng hành quân. Người lính báo tin còn đứng xớ rớ trước cửa. Thiếu úy ra gấp. Người nhà đợi ở cầu tàu.

Người nhà? Tôi lướt qua trí nhớ. Làm gì có người nhà nơi mảnh đất xa lạ này? Hay Thuyên? Hay Phủ? Từ Sài Gòn lặn lội về đây, ngao du sơn thủy?

Tôi chạy bay ra cầu tàu. Mưa mịt mùng ngoài đó. Cơn mưa làm trắng xóa bờ sông, làm mù mờ những con tàu vừa tách bến, làm ẩm ướt lối đi vòng vo trước mặt. Một cô bé ngồi co ro trong câu lạc bộ. Chiếc áo bà ba màu hột gà loi ngoi. Phía vai trái ướt đẫm, in mảng da thịt phập phồng.             

- Tuyển? Trời ơi! Em đến đây làm chi? Cực khổ như thế!

Cô bé xoay lại. Đôi má bầu bĩnh chơi vơi. Nụ cười tung tăng, làm chiếc răng chuột nằm khuất bên môi phải, phơi ra một cách duyên dáng.

- Thăm anh. Nghe nói ở đây hẻo lánh, xa chợ. Em mua một số đồ dùng cá nhân...

Tôi đón chiếc túi từ bàn tay Tuyển. Thức ăn, trái cây, dao cạo râu, kem đánh răng, phong thư, thuốc cảm...v... v...Nàng chu đáo mọi thứ. Như em gái hậu phương lo cho anh trai tiền tuyến. Như người vợ thăm chồng, nơi vùng lửa đạn xa xôi.

- Phong bì và giấy, anh dùng viết thư. Nhớ viết cho Tuyển, mỗi tuần một lá...

Tôi ậm ừ trong cổ họng. Thản nhiên nhìn mưa tung bay ngoài trời. Mưa đổ xuống bến tàu ầm ì. Mưa trút như thác. Mưa làm co ro các chiến đỉnh đã một thời làm giông làm bão ở chiến trường Năm Căn năm ngoái. Tôi ngó dòng Hàm Luông nhàn nhạt phía trước. Khói trắng tràn ngập sông. Nó bay lững thững lên cao, như hòa nhập vào không gian mênh mông, một nỗi sầu chất ngất. Chỉ có sóng bạc đầu là hung bạo hơn hết. Với chờm đỉnh phất phơ, với tiếng gào thét hãi hùng nhất - nó xôn xao chạy nhảy khắp mặt sông, vỗ nát lòng nước, vỗ nát bến bờ hiền hậu. Nó làm những con tàu chùn lái, những chiếc ghe dừng bước.

- Em gan quá Tuyển ơi! Trời này, làm sao có đò về Bến Tre? Đêm nay, em ngủ đâu?

Tuyển vẫn lăng xăng với chiếc túi. Nàng tỉnh queo, không lộ vẻ lo âu về buổi tối sắp đến, về chuyến đi dại dột của nàng.

- Thì ngủ ở đây, với anh. Mai về.

Giữa khuya, việt cộng chào đón Tuyển bằng một loạt pháo kích tưng bừng. Pháo rớt ngoài cổng. Pháo rớt trong trại gia binh. Pháo rớt trên sông. Rớt vào nhà dân. Rớt dưới ngọn cây. Rớt vòng quanh căn cứ...Pháo bay nghe sè sè.  Rồi nổ bùm bùm, tóe lửa khắp nơi. Khiến chúng tôi phải bò lê bò càng, ôm nhau xà nẹo, mặc cho định mệnh đẩy đưa, số phần dung rủi. May quá, đêm đó, nhà khách căn cứ Phước Long không vướng một trái pháo nào. Nó vẫn bình yên vô sự, cho tới sáng...

Cầm được trong tay tờ phép thường niên, tôi mừng rỡ như trẻ thơ vừa được túi kẹo. Chiến tranh đã đẩy tôi đi quá xa, đã làm tôi mất đi tất cả những cảm giác êm đềm. Tôi mất đi khoảng đời hồn nhiên sống bên mẹ, sống với hàng trăm câu ru ầu ơ ví dầu, sống với nhiều pho cổ tích nhân nghĩa, với bàn tay dịu dàng của mẹ, với niềm thương yêu nồng nàn trong mái ấm gia đình. Tôi mất đi cái thuở vừa chớm yêu - cái nỗi bồn chồn rạo rực trước cô bạn láng giềng. Cái rung động xuất thần của một bài thơ, của trang giấy học trò.

Nhưng, muốn về Cà Mau, tôi phải lên Sài Gòn một ngày để gặp Phủ, để biết mặt mũi nàng như thế nào? Phủ không thể bí mật như vậy mãi. Không thể chơi trò cút bắt vô tâm...kéo dài, với tôi.

Lần này, Phủ vắng nhà. Nàng đi Đà Lạt thăm người bạn. Không hẹn ngày về. Dì Phủ cho tôi biết như thế. Rồi, chẳng đợi tôi nhắn gửi, Dì vội vàng đẩy cánh cửa khép lại, khóa chốt ken két bên trong.

Cà Mau. Tôi trở về nơi đó. Một tỉnh lỵ nghèo nàn, nằm cuối miền nam của đất nước. Nơi tôi chào đời và lớn lên. Nơi đầy ắp kỷ niệm ấu thơ. Nơi chỉ có yêu thương, chỉ có tình người.

Tôi tìm lại những con đường. Con đường nào cũng hun hút, vắng tanh, vơi dần bóng dáng bạn bè. Con đường dẫn đến trường học, đi qua nhà máy điện lực, bên cạnh trại lính địa phương quân...vẫn lô nhô các vòng concertina ngang dọc.  Trước cổng trường, dãy quán vẫn còn đó. Chú ba tàu năm xưa vẫn lắc cái chuông leng keng, mời gọi học trò mua cà-rem hoặc nước đá xi-rô. Cái bàn banh vẫn đặt trước hiên của một căn nhà cổ kính. Cái bàn banh làm tôi oanh liệt một thời. Nhờ nó, cú đá áp-phê xuất thần của tôi đã hạ biết bao đối thủ lì lợm. Rồi, từng gốc điệp rủ bóng mơ màng...Sau Thánh Thất Cao Đài, bên kia con đường một đỗi. Tôi đã từng đứng dưới tàng cây – cùng với thằng Long, thằng Bình, thằng Hiền...kéo hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác, để chờ em tan học, chọc ghẹo vu vơ. Những thằng bạn - mới đây, tụi nó còn rụt rè trước đám con gái xinh đẹp – nay, đa số đã khoác áo nhà binh, lưu lạc khắp các chiến trường. Có thằng vội vã nằm xuống, mồ phún đầy cỏ xanh. Có thằng quằn quại với vết thương, lê tấm thân tàn suốt cuộc đời.

Cũng con đường này, nếu quanh ngược lại, sẽ đi ngang qua nhà Hải. Cô bé có mái tóc chảy dài như dòng suối. Cô bé mà ngày xưa, tôi từng lẽo đẽo theo sau, xin chút mảnh tình. Mới đây, cách vài tháng, tôi đã uống rượu đến say mèm, khi nhận thiệp báo tin vu quy của cô bé. Oái oăm thay! sáng nay, Hải chợt trở thành góa phụ, đau thương đón quan tài chồng từ chiến tuyến chở về. Nhìn cô gái vừa mới mười tám, quằn quại khóc than bên xác chồng, với vành khăn sô trùm kín mái đầu – tôi bỗng thấy xót đau, như có ai cầm dao đâm thấu tim mình.

Qua con đường khác, vòng về phố chợ, công trường Bạch Đằng rộng ra với những dãy phố Tàu đìu hiu. Quán Đông Viên, một ngày xa xưa nào đó, tôi đã ngồi bên cạnh Ba tôi uống ly cà phê sữa đầu đời. Bên kia là tiệm sách Trần Hoàng Tỷ. Cái tiệm sách bề thế, nghiêm trang – giống như cô chủ quán tiểu thư, chẳng bao giờ nói với khách một lời. Phía sau ngôi chợ, là dòng sông mênh mang. Chính dòng sông ngang tàng này, nó đã chia bến chợ thành hai bến khác nhau. Có lần tôi đứng bến tây, làm thơ, ngậm ngùi đưa em sang bến đông, dưới cơn mưa tầm tã lạnh lùng.

Nếu đi dọc theo con đường bờ sông, qua những dãy phố Tàu cổ kính, tôi sẽ về kinh Mười Sáu. Về xóm nhà lá nghèo nàn. Về căn nhà thân yêu của má tôi, sát bên trại lính địa phương quân, lúc nào cũng có những vòng concertina ngổn ngang phía trước. Mấy chục năm má sống ở đây. Bên bờ kinh Mười Sáu gian lao này. Má sống ở đây, từ lúc dòng kinh còn leo lẻo nước trong, hai bờ kinh chưa thấy một căn nhà nào dựng lên. Chỉ có những rặng cây thiên nhiên rũ bóng trữ tình. Chỉ có đàn cá tôm rủ nhau đến đó giỡn bóng. Chỉ có bầy cua biển to xác nhưng ngu đần, ham mồi mắc bẫy, bị lũ trẻ chúng tôi lôi vào bờ, bắt đầy thùng thiếc. Bây giờ, hai bờ kinh mọc đầy nhà. Dòng nước tù hãm, đen ngòm. Cá tôm chết sạch, hoặc bỏ ra sông. Người ta tuôn rác, phóng uế...bừa bãi xuống kinh – khiến nét trữ tình đáng yêu ngày xưa, chỉ còn trong hồi ức, trong tâm tưởng đám thanh niên lãng mạn như tôi.
Buổi chiều, tôi trở về mái nhà xưa, lòng nao nao một cách lạ thường. Vừa bước vào cửa, má tôi đã mừng rỡ. Má cười giòn tan, để lộ nguyên hàm răng mất đi vài cái. Má hỏi han đôi câu, rồi chạy vội ra chợ, lăng xăng tìm mua những thức ăn tôi thích nhất. Đêm đó, mâm cơm thịnh soạn dọn lên. Những chai la-de hiệu con cọp được khui ra. Má lật đật gọi láng giềng. Các đứa bạn trang lứa với tôi ngày xưa. Tha hồ nhậu một bữa cho đã.

Khuya đến, tiệc tàn. Bạn bè kéo nhau ra về. Vòng concertina của trại lính đã giăng ngang. Ánh đèn xóm làng đã tắt ngấm. Tất cả đều chìm trong bóng đêm tĩnh lặng. Lúc đó, Má tôi mới đứng sát bên tôi, tiết lộ một quyết định ấp ủ trong lòng :

- Má vừa mai mối, chọn vợ cho con. Cô bé này thợ may. Ngộ lắm! Ngày mai, sửa soạn, theo Má coi mắt...

   Tôi ngó vu vơ lên trần nhà. Ánh đèn ống khói lắc lư, đẩy ngọn khói  đen vòng vèo lên cao. Ánh đèn hắt một vùng sáng vàng chạch trong bóng đêm. Từ vùng sáng đó, tôi thấy những tấm lá sút rìa, mục lạt, ngả nghiêng hỗn loạn trên mái. Căn nhà trống hoác, nhìn thấu từ cửa trước ra cửa sau. Chỉ có tấm ri-đô ngắn ngủn, kín đáo che một khoảng, cái giường ngủ cũ xì. Bỗng dưng, nước mắt tôi trào ra, không cách nào ngăn được.

- Đời lính, khổ lắm! Con chưa muốn lấy vợ.
- Nhưng Má đã hứa với người ta rồi. Chỗ...người lớn với nhau...

   Tôi đánh que diêm cháy bùng, đưa đầu thuốc vào lửa, rít hơi dài. Tội nghiệp Má. Má lúc nào cũng sẵn sàng, dọn đường cho các con, đi về phía hạnh phúc của cuộc đời. Nhưng hạnh phúc không phải là bó hoa. Muốn đặt ở đâu, nó sẽ đứng lộng lẫy ở đó. Tình yêu cũng vậy. Nó ở đằng sau sự kiếm tìm, sự chọn lựa, sự thử thách.

Rồi, cho tới ngày trở lại đơn vị, tôi vẫn chưa trả lời Má một cách dứt khoát. Cũng như, tôi vẫn chưa đối diện với cô thợ may, để nói với nàng đôi câu xã giao thường lệ. Tôi giã biệt Cà Mau vội vã. Hấp tấp như trốn chạy quá khứ, trốn chạy những kỷ niệm thân tình nhất, trong cuộc đời.

Đoàn tàu đã đến Hòa Khánh. Chiếc “phum” dẫn đầu đã đến ngã ba sông, sắp sửa quẹo vào kinh Mười Hai. Vậy mà, cái đuôi của đoàn tàu vẫn còn hì hụp ngoài sông Tiền, chưa trườn vào được cửa sông Hòa Khánh. Nước bắt đầu lớn. Cường triều tràn vào kinh rạch cuồn cuộn như lũ, đẩy giang đỉnh nhào tới ào ạt. Kinh Mười Hai thẳng băng, nhưng chật hẹp. Vào đó, giang đỉnh không tài nào trở lui được. Nếu lỡ bị địch tấn công, chỉ có nước “trân” mình chịu trận.

Tôi ở giữa đoàn tàu, trên chiếc al-pha của giang đoàn 47 ngăn chận. Giang đỉnh tôi đã lọt vào Hòa Khánh, đang uốn mình chui tọt qua kinh Mười Hai, bỏ lại Hòa Khánh đằng sau – với các mái lá buồn thỉu buồn thiu dưới bóng nắng chiều tà. Bỗng, chiếc “phum” dẫn đầu bị trúng hỏa tiễn tầm nhiệt. Thoáng chốc, nó lảo đảo như con cá bị trúng tên, rồi phừng phực cháy như một ngọn đuốc. Đoàn tàu khựng lại, lập tức ghim mũi vào hai bên, hỏa lực đua nhau rải đạn lên bờ như rải trấu. Trên bờ, địch cũng chẳng vừa, B.40 và hỏa tiễn tầm nhiệt tiếp tục phóng ra.

Chiếc al-pha của tôi cũng chịu chung số phận, nằm trong tầm phục kích của địch. Mặc dù đã quấn mình trong bộ áo giáp dày cộm, thế mà tôi vẫn thấy lành lạnh châu thân, miệng cứ đánh bò cạp liên hồi. Trên ụ pháo, tôi cho M.79 quay đều đều, “phụp” lên bờ lia lịa, để trấn an tinh thần binh sĩ. Âm thanh của súng đạn rền vang, át cả lệnh chỉ huy, lấp cả tiếng điện đàm. Tôi bịt chặt tai phía bên kia, đặt ống điện đàm vào sát tai bên này, mới nghe được lệnh Đại Bàng. Nhóm giang đỉnh chưa đến kinh Mười Hai, Đại Bàng lập tức cho dừng lại, nằm án ngữ ở Hòa Khánh. Nhóm giang đỉnh lọt vào kinh Mười Hai, tự lo liệu lấy. Nghĩa là, tự chiến đấu cầm chân địch, chờ máy bay từ Cần Thơ tới, liệng bom.

Một tiếng nổ kinh hoàng, hất chiếc al-pha giạt ra giữa kinh. Hình như, nước và mảnh đạn, và tất cả những đồ vật nào có thể di chuyển được...đều theo tiếng nổ tung ào ào lên cao. Tôi cũng thấy tôi bị hất mạnh ra khỏi chiếc al-pha, rồi ... lửng lơ ở một nơi nào đó.

Mùi bùn ngai ngái, cộng với mùi khen khét của súng đạn – xộc vào mũi, bất chợt đánh thức tôi dậy. Tôi thấy đau buốt phía lưng. Mặt và đầu, hình như bệu ra, phồng lên như miếng đất sét bị trẻ nít dùng tay nắn mạnh. Tôi cố nhớ lại những sự việc vừa xảy qua. Cố hình dung nơi chốn mình đang ở. Thời gian? Kể cả xuất xứ của mùi bùn, mùi súng đạn, mùi tanh tanh của động vật bị rữa...đang chập choạng quanh đây? Tôi nhớ ra, chiếc al-pha trúng B.40 của việt cộng. Tôi văng ra khỏi tàu, cùng với tiếng nổ. Và bây giờ, nằm đây – trong đáy hố nhớp nháp, đầy bùn nhão. Tôi ngó lên trời. Trời tối om, đến đỗi đưa bàn tay trước mặt, chỉ thấy màu đen mịt mù.

Tôi dùng hết sức lực, trườn lên phía trước, bấu chặt lấy thành hố, để cố gắng đứng dậy. Lớp bùn mềm nhũn dưới chân. Và nó trơn như mỡ, đẩy tôi loạng choạng, liểng xiểng như người say rượu. Chới với một lát, rồi cũng gượng dậy được. Cái hố không sâu. Chỉ cần thẳng lưng, vai tôi đã ra khỏi miệng hố. Một luồng gió từ Hòa Khánh thổi ngược về, làm tiêu tan mọi đau đớn, mọi rã rời. Tôi sảng khoái hít từng ngụm không khí, hít từng hơi hướm của thiên nhiên, trong không gian tĩnh lặng đến vô cùng. Tôi thử cắn mạnh vào môi. Môi đau điếng. Vậy, chắc chắn là hiện thực. Tôi đã hồi sinh. Tôi đang sống giữa trần gian tuyệt vời này.

Từ đây về Hòa Khánh, về ngã ba sông, không mấy xa. Đứng đây, tôi  đã nhìn thấy vùng sáng, hực lên phía trước. Chi khu Hòa Khánh và những mái lá buồn thỉu buồn thiu vừa sinh động lên, vẫy gọi tôi. Bất chợt, tôi nghĩ đến Phủ, đến Tuyển, đến cô thợ may bé bỏng ở Cà Mau. Tôi đang đứng trước ngã ba lòng. Giống như đứng trước ngã ba sông. Và  tự chọn lấy một ngả. Chắc chắn, ngã tôi trở về  là ngã có Tuyển. Vì hạnh phúc không phải là bó hoa. Muốn đặt ở đâu, nó sẽ nằm lộng lẫy ở đó.

PHẠM HỒNG ÂN
( Viết tiếp ở San Diego, 19/12/2006 )