SỐ 24 - THÁNG 10, NĂM 2004

 

Thư toà soạn

Thơ
Vọng phu thạch
Ngô Thái
Linh hồn sa mạc
Nguyễn Xuân Vời
Thu vịnh
Huỳnh Kim Khanh
Trăng
Phạm Hồng Ân
Chiều chớm thu
Trần Việt Bắc
Từ sông Seine đến Dương Tử
Tôn Thất Phú Sĩ
Chiếc lá rừng phong
Ngô Minh Hằng
Mấy điệu thu ca
Dã Thảo
Đùa chơi vài chữ 2 câu
Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn, Tâm bút
Một chuyến đi
Trần Việt Bắc
Con rắn
Nguyên Nhi
Thu muộn
Song Thao
Tưởng như đã quên
Tôn Nữ Quỳnh Diêu
Sống gửi thác về
Trần Phương
Hạt ngủ đợi mưa
Tầm Xuân
"Một tiếng đất trời thu..."
Vũ Hoàng Thư

Biên khảo, tiểu luận
Những người tuổi trẻ của mùa trăm hoa cũ
Phan Thái Yên
Lê Đức Phi - Bà là ai
Trần Việt Bắc
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 11
Hoàng Thiếu Khanh
Cách mạng Việt ngữ
Tân Văn

Truyện dài
Thằng Nèm
Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 18
Huỳnh Kim Khanh


 

Một chuyến đi

 

Thế là hắn quyết định đi thăm nàng một chuyến . Bố cản thế nào cũng không được, em khuyên cách gì cũng không nghe. Thằng bé mụ rồi, nó đang bị ái tình vật thảm não. Đoạn đường thì cũng không xa gì lắm, khoảng 800 miles. Vấn đề là mới chân ướt chân ráo tị nạn bên nước người, tiền thì không có, giờ thì chả còn nhiều. Thời tiết sau Giáng Sinh nghe nói lạnh gần như kỷ lục, bắc Mỹ, tuyết phủ khắp nơi. Năm nay là năm thứ hai hắn phải chịu đựng mùa đông tại cái tiểu bang này, Iowa, nơi chả có cái gì gọi là hào hứng, chỉ có bắp và đậu, ngoài ra là mùi phân bò nồng nặc khi hè về. Phố phường chỉ là một cái thị xã bé tí teo với 8000 dân. May mà có được cái trường đại học nhỏ nhoi mà hắn đương theo học năm thứ hai, bọn sinh viên ồn ào đã làm bớt đi vẻ hoang vắng khi trường mở cửa. Tuy nhiên đến hôm nay thì vắng ngắt, ai về nhà đó để nghỉ lễ. Xe chưa lên đủ tốc độ đường trường đã ra khỏi con phố độc đạo, để thấy một mầu trắng mênh mông im lìm đầy tuyết phủ .

Mùa đông, vì khí hậu lục địa với độ lạnh khủng khiếp nên ít ai muốn ra đường, làm cho phố thị càng thêm âm u và buồn thảm. Ấy thế mà trong lòng hắn thì vẫn như đang ở nhiệt đới với cái nóng lửa đốt trưa hè. Chuyện xảy ra cũng chỉ vì lá thư của nàng từ Canada. Giời ạ, nàng tuyên bố là đã yêu hắn sau một năm rưỡi thư từ qua lại. Rồi mới cách đây hai ngày, hắn lại nhận thêm được lá thư nữa của nàng, câu chót là “anh sang với em đi”, đọc lên mà nẫu ruột. Sau đó, cú điện thoại mà hắn gọi để tuyên bố là “anh sẽ liều mạng để sang với em” dài cả tiếng đồng hồ, nói thì chỉ được dăm câu, còn hầu như là chỉ nghe nàng hết nức nở rồi thổn thức hàng chục lần; mỗi lần 5 phút, còn hắn thì cứ thế thở dài liên tục; mỗi phát cả chục giây, buồn cho cuộc tình xa xôi đầy cách trở và cái bill được hãng điện thoại ghi sổ, với hứa hẹn trong tương lai không tiền trả.

Như vừa nhai vã một nắm ướt chỉ thiên, nhưng không có nước cứu hỏa để chữa cháy, bụng hắn sôi lên sùng sục mà không biết tính toán làm sao! Cơ hội ngàn năm một thuở, được ban phát ra từ một nàng tiên mà hắn đã chết mê chết mệt, từ ngày còn ở trại tị nạn Indian Town Gap. Cơ may mà hắn nghĩ là sẽ không bao giờ lập lại, “phúc bất trùng lai”, làm sao mà có thể để mất cho đành. Thế là hắn nói thẳng với ông cụ: “Có chết con cũng phải đi”. Bố hắn đành chịu thua, vì biết tính vừa cứng đầu vừa mê gái, và đầy vẻ cuồng tín với tình yêu thần thánh mà thằng con dại đang điên cuồng.

Sau khi bố và em miễn cưỡng bằng lòng, hắn bắt đầu lo lắng về câu hỏi là làm thế nào có thể sang tới Toronto. Thứ nhất là phương tiện, thứ hai là chi phí dọc đường, thứ ba là nơi ăn chốn ở cho một tuần. Được rồi! Cái vụ này khó khăn thật, nhưng không sao. Cách đây mới hai năm, đã nhiều lần hắn còn hoạch định kế hoạch dẫn đi tàu đi vào vùng địch cơ mà, cộng thêm sáu mạng khác phụ thuộc vào quyết định của hắn. Thế mà nhờ giời hắn và thủy thủ đoàn chưa bị sứt mẻ gì. Chuyến này lại phải nhờ giời lần nữa, mà phải nhờ gấp đôi

Phương tiện có sẵn là chiếc Ford Pinto già mà cô em hắn đã tằn tiện để dành tiền lao động từ một hãng may màn cửa, đây là phương tiện di chuyển duy nhất của ba bố con, nếu không kể “lô ca chân”. Chiếc xe còn khá tốt, mua với giá 800 đô la từ một anh chàng sinh viên Mỹ nghèo mạt rệp. “Ông” sinh viên này nói là cần tiền để mua vé phi cơ về thăm nhà kỳ nghỉ này. Chả biết cu cậu nói thật hay là lại dùng tiền đó vào những vụ cá độ bi da lỗ (pool) ở cái quán rượu gần trường mỗi cuối tuần. Hôm trước Giáng Sinh vẫn còn thấy nó lảng vảng ngoài cửa cái bar này, mặt mày thiểu não, chờ “hít chai” về ký túc xá. Vấn đề bây giờ là phải thuyết phục bố và em, để hắn có thể dùng cái xe này cả tuần cho chuyến đi, chứ tiền đâu mà thuê xe. Hắn nghĩ rằng lạnh như cắt da cắt thịt thế này mà phải đi bộ ngoài trời thì chỉ có nước chết cóng. Chả nhẽ vì chuyện yêu đương cá nhân, lại cướp đi phương tiện duy nhất này, rồi để bố và em phải chịu như vậy sao? Lương tâm nổi dậy xỉ vả hắn một cách thậm tệ. Chợt một ý nghĩ thoáng qua đầu: nhờ những người Việt còn ở lại cái phố đèo heo hút gió này giúp. Hiện tại, trong trường còn lại được hai chàng sinh viên người Việt thuộc loại cháu “bà cả Đọi” là Thịnh và Tú.

Thịnh gốc Hải Quân, gã này là bạn thân của hắn từ hồi còn ở hải đội. Cũng nhờ ông “quân sư tình yêu tên Thịnh trong “Ngày xưa còn bé” của Duyên Anh” này, hắn đã học hỏi khá nhiều kinh nghiệm trong vấn đề tình ái, mặc dù hắn biết là ông quân sư này đang phét lác và say sưa về “yêu”, nó đang tự bốc thơm, rồi sơn son thiếp vàng cho mối tình của nó. Hai thằng mù đang dạy và vẽ đường cho nhau đi đến tình yêu. Hồi còn trong trại, Thịnh đã điêu đứng đến độ phát bệnh về cuộc tình giữa nó với Liễu, hắn cũng đã phải dở đủ trò ra để giúp Thịnh, làm thuyết khách từ bà vú nuôi của Liễu đến đám em của nàng mà đứa út chưa tới ba tuổi. Để rồi sau đó, mới có được cảnh bịn rịn “bốn mắt nhìn nhau mà lệ ứa ba hàng!” lúc Liễu và gia đình rời trại về Washington, DC. Hôm chia tay, một mắt Thịnh đang bị sưng tếu lên vì dị ứng với thức ăn trong “nhà bàn” khu ba, sau khi dồn đẫy bao tử món cá chiên gì đó mà nó khoái. Ấy thế mà hắn và Thịnh lại có được người yêu, kể ra cũng là chuyện lạ. Thịnh vừa về lại đây hai hôm trước từ DC, sau khi đã dốc hết tiền túi ra cho cái vé phi cơ khứ hồi, cùng quà cáp tay xách nách kẹp đi thăm người yêu, sau đó “khiêng” về bộ mặt ủ ê, báo hiệu một cuộc tình không lấy gì làm sáng sủa giữa nó và Liễu.

Thịnh có cái xe Chevy “tám máy”, chạy cũng được, có điều uống nhớt như uống xăng, máy lạnh và máy sưởi chạy ngược mùa. Chiếc xe nằm chết dí trong bãi đậu, dưới lớp tuyết dày hai bộ. Thịnh không có đủ can đảm lôi nó ra trong mùa này, nếu không bắt buộc phải đi xa và phải có ít nhất là hai thằng khác chia tiền xăng nhớt. Hắn nghĩ rằng có thể mượn chiếc xe này cho bố và em gái và đoán rằng Thịnh sẽ khoái, vì chiếc xe sẽ được nổ máy đều đặn và dễ khởi động mỗi khi nó cần.

Tú, dân Bắc kỳ như hắn, gốc Không Quân áo liền quần, tính hoạt bát nhưng hay làm bộ đăm chiêu. Thằng này có bộ ria mép cắt tỉa đều đặn, mỗi khi mỉm cười trông đểu không chịu được. Túi áo lúc nào cũng thủ cặp kiếng mát hiệu Pilot, chỉ đợi dịp trời hơi sáng là lôi ra đeo. Tú có vợ và một con còn kẹt lại ở Việt Nam, hình như vì thương nhớ quá nên thành ra đăm chiêu chăng? Hay là có thể tại thiếu rau nên bị bón? Tú là đệ tử của rau muống. Nó nói là đã ăn quen rau muống tám món Hố Nai rồi, thì khi ăn những thứ rau khác, đều thấy nhạt nhẽo, hắn phán là không có rau muống thì ít ra là phải có mồng tơi hay rau đay, bên này làm gì có thứ hiếm và quí đó, vì thế nó không thích ăn rau của Mỹ. Ấy vậy mà hễ thấy con gái là bao nhiêu vẻ đăm chiêu sầu não bay sạch. Gặp các chị người Việt là hắn trổ tài ăn nói, miệng môi dẻo như kẹo kéo. Nghe nó nói, có lẽ con công cống đang ngủ cũng bò ra khỏi lỗ để nghe nó tán. Gặp các chị da trắng cùng trường thì nó miệng nói tay khua, chả biết nó nói gì, chứ đứng xa mà nhìn là tưởng tượng đến cảnh Châu Bá Thông đang luyện “Song thủ hổ bác” cho hai tay đánh nhau. Rồi khi bóng hồng đi khuất là cái mặt nạ cố hữu lại trám vào chỗ cũ. Tú về đây, cùng với ông Bản là một người khá lớn tuổi, mà hắn ta gọi là bố nuôi, vì có chung người bảo trợ, họ là một cặp vợ chồng người Mỹ khá trẻ làm nghề thầu khoán về nhà cửa. Bố hắn rất hãi Tú, vì lý do con gái ông chưa chồng, mới 23 tuổi, trông cũng dễ coi, chỉ hơi nhỏ con. Ông cụ lo gã này mà giở chứng, rồi con gái cụ đổ tình với đứa có vợ này thì chỉ có nước ăn mày, bố hắn là người Công Giáo bảo thủ hạng nặng. Hắn nghĩ có lẽ ông cụ hơi lo xa, vì hắn biết tính em gái hắn. Giờ này cô bé chỉ nghĩ tới mẹ và em, cũng như bố hắn, tất cả tâm tư của cả hai người đều nằm bên kia đại dương, nơi có một bà mẹ và tám đứa em còn nheo nhóc. Còn hắn thì đang cuồng lên vì tình và hắn cảm thấy khó thở .

Tú có cái xe bảnh nhất bọn, nó mua lại chiếc xe từ một bà giáo sư trong trường với giá ngàn rưởi. Nó làm việc cho ông bà bảo trợ nguyên mùa hè để dành tiền mua chiếc xe này. Hết tiền, nó chờ có người chia tiền xăng. Mượn nó thì chắc chắn là không được, tuy nhiên nếu nhờ đưa đón với điều kiện thì xong ngay, đặc biệt là đưa đón em gái hắn đi làm. Hắn nghĩ rằng, nhờ Tú, có lẽ bố hắn không chịu, nhưng nói với thằng này một tiếng để nhỡ trường hợp xe của Thịnh có trục trặc thì cũng hay.

Vậy là phương tiện di chuyển cho bố và em của hắn được coi như ổn thỏa, hắn nghĩ thế. Bây giờ đến vấn đề khốn khổ khác là chi phí cho chuyến đi. Đoạn đường cho chuyến khứ hồi này khoảng 1600 dặm. Mỗi ga-lông xăng cho cái xe “bốn máy” này đi được 20 dặm, 60 xu một ga-lông, vậy tiền xăng đi về khoảng 50 đô la. Rồi tiền ăn uống dọc đường. Đương nhiên là cái khoản ngủ trọ phải quên đi. Từ 25 tới 40 đô la một đêm chứ ít gì!'

Đi thăm hỏi ai theo tinh thần Việt Nam ta là phải có tí quà cáp, chả nhẽ mang cái mặt mo tới gặp nàng sao! Quà thì trước nhất là nàng, phải có cái gì trông kha khá một tí . Rồi mẹ của nàng, ông anh cùng hai bà chị nhỡ cỡ nữa. May thật, bố nàng, ông mục sư không chịu bỏ giáo dân để ra đi, nên giờ này không phải lo quà cáp, cũng khỏe! Nhưng mà mua cái gì cho nàng với mẹ nàng cùng hai bà chị? Chuyện này có lẽ phải nhờ cô em gái, nó biết các bà các cô thích cái gì. Còn ông anh của nàng . Chưa vợ, dân du học lâu năm, mặt mày coi bảnh trai đáo để, hắn đã được nàng cho coi hình của gia đình, anh chàng thuộc loại “mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”. Hay là mua cho anh chàng cái máy cạo râu? Nhưng hắn giật mình, vì giá cả của cái máy “cắt cỏ trên mặt” này rẻ lắm thì cũng 20 đô la trở lên chứ ít ỏi gì, hơn nữa, hắn nghĩ, Á Đông ta, vì ảnh hưởng khí hậu nhiệt đới, râu ít da trơn, mấy ai mà được như Từ Hải râu hùm hàm én, cần gì phải dùng đến máy, râu mọc ba ngày chưa bén lưỡi cạo. Vậy thì hộp dao cạo 24 cái, thêm hộp thuốc thoa cho thơm mỗi khi anh chàng đi thăm người yêu là tốt rồi. Một hộp đủ dùng cho cả năm. Món quà cho ông anh của nàng: một hộp dao cạo râu lưỡi kép, 5 đô la một hộp, một chai thuốc xoa cằm và má “after shave” đồng rưỡi cho thơm, khoảng bẩy hay tám đô la, thế là xong!

Bây giờ mới tới chuyện nhức đầu, quà cho các bà các cô. Mẹ nàng, bà cụ khoảng 60, mua cái gì làm quà cho cụ bây giờ, nhờ cô em gái, tuy nhiên con bé nghĩ mãi không ra. Cuối cùng, hình như cạn ý, cô nàng đề nghị là mua cho bà cụ hộp sâm, để cụ có sức chờ cụ ông qua, dù chả biết đến bao giờ. Cô ta nói là sâm lậu thuế từ Iowa, gởi qua Đại Hàn để giả mạo, bị phát giác, một số bị tịch thu, một số giấu được, giá rẻ lắm, một hộp chỉ có 15 đô la, gần cả pound, có chữ Tàu viết trên hộp, trông vừa ngon vừa bổ lại đẹp mắt. Hắn đồng ý dù biết là vi luật.

Phần hai bà chị của nàng, cô em nói là các chị ấy chưa chồng, mua cho các chị mỗi người một quyển nhật ký thật là đẹp, để ghi lại những kỷ niệm trống vắng, hoặc là họ đã có người yêu thì để họ ghi lại những nồng nàn thời con gái, về già còn có chuyện để mà mơn trớn và âu yếm khi trí nhớ phai tàn theo thời gian. Hắn phục cô em gái quá sức. Hình như con bé này thuộc lòng chuyện của hai chị em nhà Bronte , từ “Đỉnh gió hú” tới “Kiều Giang” hay sao mà nó hiểu tâm lý các cô thế , khiếp thật. Thôi kệ, mỗi quyển khoảng 10 đô, nhằm nhò gì !

Quà cho nàng, đây mới là chuyện quan trọng. Cô em gái khuyên là mua cho nàng chai nước hoa Chanel 5. Vừa nghe tới đây, hắn gắt ầm lên là “ Mày nói người yêu của tao hôi lắm hay sao mà lại tặng nước hoa, nước hoa không có bền, thoáng thơm rồi lại bay hết”. Cô em mặt chưng hửng vì ông anh nổi nóng sảng. Cô bé ôn tồn: “ Tùy anh chứ, em rất thích mùi Chanel 5, đâu cứ phải để bôi lên người, bôi lên cánh hoa lụa để trong phòng thì nó thơm lâu lắm, cánh hoa chỉ thơm mùi nước hoa mà em thích thôi !”. Hắn hiểu ý cô em gái . Hai mươi lăm đô la cho một chai bé tí. Nhỏ mà “nặng ký” nhất.

Thế là xong cho phần quà cáp. Gần một trăm đô la chứ ít ỏi gì! Chúa ôi, con gởi đến nàng còn hơn là bà góa thành Jerusalem gởi cho Chúa, bà ấy cho Chúa hết tất cả những gì bà ấy có, dù chỉ với vài đồng đỏ. Con đây sẽ gởi cho nàng, mẹ, anh, hai chị nàng điều con chưa có, đó là tiền quà cáp. Con sẽ đi vay!

Rồi chuyện đãi đằng nữa. Tới bên đó, đương nhiên nàng và gia đình sẽ mời ăn, có lẽ không phải là một bữa mà là mấy bữa . Vậy là phải đãi cả nhà nàng một bữa cơm Tàu cho phải đạo. Một chầu cho 6 người ăn trong một nhà hàng khang trang, có rẻ lắm cũng 50 đô la, kể cả tiền hoa hồng.

Còn tiền ăn uống dọc đường lúc đi lúc về. Khi đi, cơm nắm muối vừng, thêm quả dưa chuột, chai xì dầu là yên chí, không tốn tiền còn chắc dạ, lại không phải tìm tiệm ăn, vừa đỡ mất giờ và để dành tiền xăng, cứ “rest area” mà nghỉ. Chỉ kẹt lúc về là phải ghé tiệm ăn mà thôi. Vậy tiền bắt buộc phải chi là 250 đô la. Thêm tiền dằn túi để đi chơi, hay có chuyện bất ngờ, cũng phải tương đương, tổng cộng là 500 đô la. Khiếp thật, con số tương đối lớn cho hắn, gã sinh viên đọi từ trên đọi xuống, đọi từ dưới đọi lên. Trong băng tiền còn lại đúng hai chục đô la, hắn không dám rút thêm vì sợ nhà băng phạt. Không sao, bố hắn và cô em gái đang đi làm, cô nàng đang cố kiếm tiền gởi cho mẹ và các em, để họ sống lây lất và cố chờ một cái gì khá hơn là “kinh tế mới” . Bố hắn có cùng một mục đích, nên chắc cũng rủng rỉnh đồng ra đồng vào.

Con bé để dành được khá lắm. Hắn nghĩ, từ từ đã nào, tiền của cô gởi cho mẹ đâu có gấp như vậy, xong vụ này, anh cô sẽ tăng thêm giờ “work study”, 2 đồng 25 xu một giờ, dù mức lương tối thiểu, nhưng sẽ có tiền trả cho cô mà. Chỉ cần thuyết kheo khéo một tí là cô em sẽ cho vay ngay. Buổi chiều sau bữa cơm tối, hắn kêu cô em ra để hỏi mượn tiền-500 đô la. Con em nhìn thằng anh với ánh mắt lạc thần và phều phào: “Bố nói em cho anh mượn tiền đi thăm bồ, nhưng sao mà nhiều thế, bố tính khoảng 300 đô thôi, vì biết anh chẳng có đồng nào”. Hắn nói : “Anh chỉ xài 250 đô, phần còn lại là để đề phòng những việc bất thường, dư anh sẽ đưa lại hết cho cô”. Ông cụ hắn nói với cô em: “Con lấy tiền ra đưa cho nó, thằng này làm được bao nhiêu là xài bấy nhiêu, nhưng việc cần thì phải làm, tao không muốn tốn tiền đi nhận xác nó, tao muốn nó vác xác về lại đây”. Cô em tròn mắt , ông cụ nói tiếp với hắn : “Tiền này, mày nợ mẹ mày, nợ mấy đứa em nheo nhóc bên kia, làm sao thì làm!”, ông cụ bỏ ra ghế ngồi coi TV, tính ông cụ vốn ít nói.

Mặc kệ, cũng vui, dù là vui gượng, sao mà dễ thế, hắn nghĩ vậy. Cái gì như màn sương dày đặc đang che phủ trí óc, như mây thành đang ngăn chắn bổn phận, hắn hồ hởi về số tiền cô em bằng lòng cho mượn, đạt được mục đích nhất thời là vui rồi.Vì tình yêu mà cầy trả nợ sau thì cũng đáng, than van gì nữa. Lòng hắn mở hội hoa đăng. Thế là xong về vấn đề tiền bạc để chi phí cho chuyến đi.

Chỗ ở thì hắn không lo. Số là hơn năm trước, có một thằng sinh viên Việt Nam tị nạn khác, thằng Nhẫn. Gã này xin đi học, chỉ vì lý do muốn tìm mối để có thể gặp lại gia đình, một vợ ba con. Hắn ta được hoãn dịch vì lý do gia cảnh và là chuyên viên lái xe “be” chở gỗ từ Gia Kiệm, Long Khánh về Sàigòn. Trận Long Khánh xảy ra, trái bom “Daisy Cutter” đã triệt đường hắn về lại Gia Kiệm. Chả biết sao, ma đưa lối quỉ dẫn đường, gặp thằng này hôm đi lễ Chúa nhật. Nó nói là đang tìm cách qua Gia Nã Đại, vì quen với một ông linh mục du học, ông này có thể tìm cách để giúp, nếu nó muốn.Gặp qua gặp lại, tình đồng hương nơi đất khách, thành ra bạn. Không biết làm thế nào mà thằng này qua được nơi đó, hiện đang ở Oshawa, Ontario và cách nhà nàng chỉ có 30 dặm về phía đông bắc. Oai hơn nữa là nó lại làm cho GM, cả chục đồng một giờ. Gọi điện thoại hỏi thăm và kiếm chỗ tá túc thì Nhẫn vui quá sức, nó nói chỗ ở thì không thiếu, chỉ thiếu tình người, buồn lắm. Nhẫn làm 12 tiếng một ngày, 4 tiếng thặng dư, bẩy ngày một tuần, nó sẽ hết lòng nếu hắn qua chơi , cứ việc ở chung với nó, ăn uống không lo. Thế là nhất rồi, “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”. Nhẫn ôi! giờ này mày là thánh rồi, phúc thật tám mối nói “cho kẻ đỗ nhà” là một. Mày hết còn là thằng “be” bựa và là một ông thánh xa vợ xa con, xa quê hương bất đắc chí . Hắn có được cái phao của thằng sắp chết đuối, mừng hết biết .

Sắm sửa quà cáp đã xong, quần áo một va li, tiền trong túi, xe cộ xăng nhớt đầy đủ. Còn chần chờ gì nữa! Tuy nhiên, tính hắn cẩn thận, làm gì cũng phải phác họa ra cái chương trình để thi hành.

Từ nhà ông bà bảo trợ về, với một mớ bản đồ trên tay mà hắn mượn được, ruột hắn như nở ra từng khúc, đầu óc bay bổng, tưởng tượng về một chuyến đi tới “thung lũng hồng,” nơi đó, hắn có người yêu đang trông đợi. Bản đồ bầy đầy ra trên sàn, hắn nghiên cứu đường đi nước bước, giống như đang điều nghiên một chuyến hải hành, hồi còn là một thằng lính thủy cho một cuộc hành quân cấp tốc.

Dự trù khởi hành sáng sớm ngày 27 tháng 12 từ cái thị xã nhỏ nhoi tới Chicago là 300 dặm, 6 tiếng lái, trưa thì vào Michigan, đổ xăng, nghỉ nửa tiếng để ăn. Lái tiếp tục khoảng 250 dặm nữa trong 5 giờ liền, nghỉ nửa tiếng để châm thêm nhiên liệu cho cả người lẫn xe trước khi vào Detroit và qua biên giới. Thêm 5 tiếng lái nữa thì tới Oshawa khoảng 10 hay 11 giờ đêm. Kiếm nhà Nhẫn, có lẽ không khó khăn gì lắm, vì khu chung cư nó ở cũng gần con phố lớn. Tắm rửa nghỉ ngơi, ăn uống vớ vẩn đồng thời phét lác với thằng này một hồi rồi ngủ. Hôm sau, rủ nó đi ăn sáng, sau đó sẽ lái xe đi thăm nàng.Thế là xong, chương trình đã rõ ràng, cứ thế mà thi hành và sáng ngày mai lên đường.

Tối hôm trước, ngồi coi TV để chờ tiên đoán tin tức thời tiết. Thật là xui, xướng ngôn viên nói là tuyết sẽ đổ lớn ngày mai, từ Illinois đến New York. Hơi ngại cho sự an toàn của chuyến đi, vì đây là lần đầu phải lái xa, nhưng hắn tự trấn tĩnh và rên ư ử khúc nhạc cổ điển “Nhạc tuổi xanh” 1947 (Phú Thọ) của ông Phạm Duy để khuyến khích kháng chiến chống Pháp đã bị hắn đổi lời : “Đường ta, ta cứ đi, người yêu, ta cứ thăm, lộ kia, ta cứ chạy ào ào, sợ gì. Mùa đông, đang tuyết rơi, vì ai, ta sẽ đi, liều thân cho chữ yêu, ngại chi …” và hắn vờ đi, không nói ra, vì sợ bố và em gái hắn lo lắng thêm, rồi lại ngăn cản thì thật là phiền.

Chưa tới 6 giờ sáng, bò ra khỏi giường, lạnh quá, tuy nhiên phải cố tắm một phát cho tỉnh và thay quần áo để chuẩn bị cho chuyến đi. Vừa ra tới phòng khách, đã thấy ông cụ đang ngồi nhâm nhi ly cà phê, mặt có vẻ lo lắng, cô em thì đang ở trong bếp. Ông cụ nói: “Hôm qua ba coi tv, thấy họ nói là tuyết sẽ xuống rất nhiều nguyên vùng đông bắc nước Mỹ và Canada, khuyên mày hoãn chuyến đi, thì biết chắc chắn là mày sẽ không nghe, hơn nữa cũng không biết đến bao giờ tuyết ngừng rơi, vậy con phải rất cẩn thận lúc lái xe, kinh nghiệm lái đường trường của mày coi như là số không đấy con ạ!”. Thì ra ông cụ đã biết rồi . Hắn trả lời: “ Con sẽ cố, khi tới nhà thằng Nhẫn con sẽ gọi cho bố biết ngay”. Cô em gái đã soạn sẵn đủ thứ lỉnh kỉnh để mang theo dọc đường, từ hộp thịt kho, khay cơm nguội, dưa leo xắt mỏng, tới những món quà được gói ghém, cột nơ một cách gọn gàng và mỹ thuật. Gớm! cô em gái lo lắng cho ông anh chả khác gì mẹ của hắn. Nhớ tới mẹ, hắn buông tiếng thở dài, rồi mở cửa bước ra sân sau để khởi động xe cho nóng máy.
Chiếc xe “chết tiệt” này không có bộ sưởi điện cho máy, nên hai bóng đèn 100 watt và một cái chăn vất đi được dùng để ủ máy, cầu mong nó sẽ ấm hàng đêm trong mùa đông, với hy vọng có thể khởi động dễ dàng sáng hôm sau. Hắn đã không thấy ánh sáng dưới gầm xe! Tối hôm trước, cũng tại cuống lên vì chuyến đi, hắn đã quên cắm đèn để sưởi xe. Thật là khốn khổ nếu chiếc xe không nổ máy. Phải tốn tiền câu bình cho xe nổ, lại trễ chuyến đi. Tay cầm chìa khóa mở cửa xe, miệng hắn lâm râm khấn. Ngồi vào ghế lái, vỗ nhè nhẹ lên “vô-lăng”, hắn lẩm bẩm: “con ngựa nhỏ (pinto) già đầu ơi, mày hãy “ho” lên một tràng cho tao mừng, khi về sẽ phong mày làm “thiên lý mã”, cố lên đi con nhá”. Hắn vặn khóa để khởi động máy, chiếc xe ục ặc một hồi rồi nổ giòn. Mừng quá, thế là chuyện trục trặc đã qua.

Vào lại nhà, cô em đã dọn sẵn bữa điểm tâm và giục ăn trước khi đi, nhưng hắn từ chối và nói không đói. Không đói là phải, còn lòng dạ đâu mà để ăn điểm tâm, bụng hắn đang no đến ứ hơi vì nôn nóng. Sau khi khuân lên xe tất cả những gì phải mang theo, cùng với bình cà phê khổng lồ và hai cái ống hút được nối dài bằng băng keo cho tiện uống để khỏi buồn ngủ và khỏi khát khi đang lái. Chào từ giã bố và em, hắn phóng lên xe, rồ máy dọt lẹ ra khỏi khu phố đìu hiu khi điện đường vẫn còn sáng.

Rời cái phố bé tí teo, xuôi nam, lòng hắn như trẩy hội. Mồi điếu thuốc, nâng ống hút từ bình cà phê, kéo một hơi thật mạnh để chiêu khói, hắn chợt hét lên khủng khiếp và phun cà phê ra khỏi miệng đầy kiếng trước, nóng quá, hắn bị phỏng rồi. Có ai mà uống cà phê đang nóng bằng ống hút bao giờ. “Tính già hóa non”, nguyên lợi trên rát quá sức tưởng tượng, tuy nhiên cố lấy giấy lau kiếng nhìn đường để khỏi xuống hố, hắn văng một tràng chửi thề đầy đủ chủ từ và động từ.

Đã chín giờ sáng nhưng vẫn không thấy ánh mặt trời, trên cao mây vần vũ báo hiệu cảnh tuyết sắp rơi. Sau hơn hai tiếng lái qua những cánh đồng trắng xóa, rồi những thành phố không lấy gì làm lớn lao, cùng những phố nhỏ vắng người, hắn vào xa lộ liên tiểu bang 80 để đi về phương đông.

Dự trù sau khi đi 250 dặm, sẽ nghỉ đổ xăng, ăn trưa trước khi đến phía nam Chicago, tuy nhiên vừa mới qua khỏi cầu sông Missisipi, (biên giới của Iowa và Illinois) chừng 50 dặm thì tuyết rơi mịt mù. Trước khi cắm đầu cắm cổ lái vào vùng tuyết đang xuống, hắn quyết định vào chỗ nghỉ dọc đường (rest area) để ăn uống qua loa. Ngồi ì trong xe cho ấm, lấy hộp thức ăn bày ra, hắn tự hỏi là không biết có thể nuốt trôi được thức ăn với cái cổ họng đang bị phỏng hay không. Thật là khổ sở, mới nuốt được một miếng, cổ vừa đau vừa rát. Được rồi! dùng cà phê còn ấm làm canh để thử xem sao. Mùi vị của cà phê có đường trộn chung với thịt kho và cơm nguội thật lạ lùng, lần đầu tiên trong đời hắn được thưởng thức cái vị quái dị như thế này. Chẳng sao, trôi là được, cần no chứ không cần ngon. Coi như xong bữa ăn. Người thì tạm ổn, nhưng xe cũng phải thêm xăng cho khỏi bận tâm, hắn tách khỏi đường 80 vào lối ra (exit) để đổ thêm xăng, trở lại đường cũ và tiếp tục cuộc hành trình trong mưa tuyết. Nhờ có khá đông xe trên đường nên lớp tuyết vừa rơi xuống đã bị cuốn tung làm cho mặt đường không bị đóng đá và bớt trơn.

Khoảng sau trưa thì tới phía nam Chicago. Khiếp thật! Chưa bao giờ hắn lái xe giữa một đoàn xe đông như thế này, hơn nữa hầu hết lại là vận tải 18 bánh. Bẩy đường liên tiểu bang (80, 39, 55, 57, 65, 88, 94) đổ vào đây thì làm gì mà không đông xe. Bụi tuyết tung mù mịt bởi những chiếc xe khổng lồ. Khoảng cách nhìn rõ được ở phía trước chỉ chừng hơn trăm bộ. Hắn hơi hoảng nhưng cố giữ bình tĩnh và nhủ thầm: “không cẩn thận thì mày sẽ được nhìn thấy nàng trước khi có cuộc gặp gỡ đấy con ạ, bánh xe của hai thằng “thổ tả” vận tải ở hai bên nó còn cao hơn đầu mày, bình tĩnh mà run con nhé, cầu trời mấy thằng tài xế xe 18 bánh này là những tay chuyên nghiệp và đừng sang “lane” ẩu “. Hắn tự pha trò cho chính mình để bớt căng thẳng. Không bao lâu đoàn xe chậm lại và cảnh kẹt xe bắt đầu. Bớt căng thẳng thì lại bực mình. Hai tiếng đồng hồ ở vùng nam Chicago. Vào đến tiểu bang Indiana mới thấy xe thưa dần xà lượng xe vận tải giảm hẳn.

Từ đường 80 chuyển sang đường 94 để đi Detroit, Michigan, hắn tính nhẩm là 5 giờ chiều sẽ tới thành phố này. Qua biên giới Mỹ và Gia Nã Đại,rồi lái thêm khoảng 4 tiếng nữa trên đường 401, cỡ 230 dặm thì tới Toronto, có lẽ sẽ đến nhà thằng Nhẫn ở Oshawa cỡ 10 giờ rưỡi tối.

Con đường thiên lý trong mưa tuyết không đến nỗi khó lái lắm, hắn nhâm nhi cà phê bằng ống hút với điếu thuốc lá không rời tay, đầu óc miên man tưởng tượng đến buổi gặp gỡ mà hắn hằng mong đợi. Những hàng chữ trên bảng quảng cáo dọc đường, dường như được thay thế bằng câu viết trong những cánh thư tình sốt dẻo dưới mắt hắn, tiếng gió vù vù bên tai như những lời yêu thương nồng thắm đang văng vẳng đâu đây. Giật mình vì tiếng còi inh ỏi phía sau, ngước mắt trông kiếng chiếu hậu, cái đầu xe vận tải khổng lồ hiện ra sát lưng, nhìn về phía trước, thấy làn vạch trắng đứt đoạn hòa với màu tuyết đang ở ngay chính giữa mũi xe, thì ra vì đầu óc đi hoang, hắn đang chạy giữa 2 “lanes” làm gã tài xế không qua được nên bực mình bóp còi. Tạt vào bên phải để cho nó qua mặt, một cánh tay đưa ra, thằng tài xế đểu cáng đang tặng cho hắn ngón giữa. Thây kệ, nhưng hắn tự nhủ là phải cẩn thận và dù có “nghiện” nàng đến mấy thì bây giờ cũng cố để ra một bên, bị tình “vật” lúc này rồi mơ mơ màng kiểu “thằn lằn say thuốc lào” thì khó mà tỉnh táo để lái xe, hơn nữa đây là lần đầu lái xe đường trường một mình, nguy hiểm lắm .

Còn khoảng chừng 25 dặm nữa là tới Detroit, tắp vào chỗ nghỉ dọc đường để ăn thêm bữa cơm canh cà phê cho tiện, mặc dù rất là khó nuốt vì họng vẫn còn rát cộng thêm cái vị quái gở của cà phê và thịt kho. Vào “exit” để bơm đầy bình xăng xong thì trời đã tối hẳn, năm giờ chiều rồi còn gì, trời mùa đông tuyết rơi càng lúc càng nhiều. Hắn trở lại đường 94, chuẩn bị vào Detroit rồi qua biên giới “không phòng thủ” để sang Gia Nã Đại.

Lại kẹt xe! Chắc là phải tốn thêm hai tiếng đồng hồ nối đuôi xe trong thành phố này nữa rồi. Giờ này mọi người tan sở và đổ vào “freeway”, kẹt xe là phải. Qua kinh nghiệm lúc trưa tại Chicago, hắn kiên nhẫn bò theo đoàn xe để đến cầu sang Gia Nã Đại. Hơn hai giờ trong phố, rồi thêm hai giờ chờ đợi để nối hàng chờ thủ tục nhập cảnh. Thế là tốn hết hơn bốn tiếng từ khi vào thành phố cho tới khi được xét hỏi. Nhân viên biên phòng Gia Nã Đại hỏi hắn là công dân nước nào, nghĩ bụng vì mình chỉ có tờ giấy I94 và cái bằng lái xe, nên trả lời là người Việt Nam tỵ nạn tại Mỹ. Hắn được họ cho biết: nếu không phải là công dân, hay thường trú nhân tại Mỹ hoặc Gia Nã Đại, thì không thể qua nếu không xin phép tòa lãnh sự (?)Gia Nã Đại tại Detroit. Bực bội cho cái ngu dốt của mình, hắn thấy chán nản nhưng cố tự an ủi là trễ nửa ngày cũng chưa sao,vì qua được biên giới, rồi tới được nhà Nhẫn cũng phải 3 giờ sáng, đã quá trễ để gặp và quá sớm để đánh thức thằng này dậy. May mà những người làm việc tại đây lịch sự và chỉ dẫn rất cặn kẽ cho việc phải làm, nên sự khó khăn cũng không đến nỗi. Hắn phải trở về trung tâm (downtown) Detroit, sáng mai, 8 giờ sáng, có mặt tại tòa nhà X, đường Y, lầu Z, phòng số W để xin chiếu khán (?).

Thế là phải vòng lại thành phố vừa băng qua, đã gần mười giờ đêm, đi đâu bây giờ? Các nẻo trắng xóa, mặt đường trơn trượt với lớp tuyết phủ dầy? Hắn nghĩ là phải gọi về cho bố biết, nếu không thì tối nay ông cụ và cô em gái chắc là sẽ lo lắng nhiều. Cũng phải cho Nhẫn biết kẻo nó đợi. Hiện đang gần trung tâm phố, cũng không xa nơi phải làm giấy tờ ngày mai, hắn chợt có ý nghĩ là kiếm cái nhà trọ (motel) rẻ tiền nào đó để nghỉ ngơi vài giờ và kiếm chỗ gọi điện thoại, tốn tiền thì tốn, chuyện phải làm mà thôi . Lái quờ quạng lúc ban đêm chỗ lạ nước lạ cái này chắc là không khá được.

Với quyết định tìm chỗ trọ qua đêm, hắn tách khỏi đường 94 để vào phố và kiếm nhà ngủ trọ . Vấn đề là không biết mình đang chính xác ở chỗ nào, vừa lái xe vừa coi bản đồ với đèn trên trần xe bật sáng là việc khó làm và không an toàn. Nhìn chung quanh xem có chỗ nào thuận tiện để dừng, hắn thấy đường khá rộng nhưng khu phố có vẻ nghèo nàn so với những nơi khác, phố xá vắng tanh. Vài nhân viên siêu thị rời chỗ đậu xe để về nhà, đã hơn mười giờ đêm rồi. Dừng lại dưới bóng đèn đường cạnh hàng rào của khu Kmart, lấy bản đồ ra, hắn bật đèn trần xe để tìm vị trí. Chợt nhìn về phía trước, dưới ánh đèn pha còn để sáng, bốn bóng đen to tướng đang lù lù tiến về phía hắn, bốn ông đen giời ạ! Biết là chuyện không hay đang tới, hắn tắt đèn trần, rồ máy, lùi xe và làm một vòng chữ U, đèn trước của hắn lại rọi trúng bốn ông đen nữa đang đứng chặn ngang đường phía xa xa nơi hắn vừa qua . Ma hay sao mà thoắt một cái ở phía trước rồi lại biến ra phía sau thế này, nghĩ thế hắn bèn làm vòng chữ U nữa, bốn ông đen kia vẫn còn đó và đang từ từ tiến đến. Biết là hai đầu đã bị chặn bởi tám ông “nhọ nồi”, bên này là hàng rào, bên kia là khu công nghệ lẫn lộn với những tòa nhà tối thui không ánh đèn, hết đường tách ngang. Trong túi còn 400 đô la. Để cho bọn này chộp được, thì tiền mất tật mang là cái chắc. Lưỡng đầu thọ địch, số hắn hôm nay “ăn mày” rồi. Hơi run nhưng tự trấn tĩnh, run lúc này thì “mập mình” với mấy thằng này ngay, hắn phải bình tĩnh để đối phó. Hít một hơi dài, đảo mắt để nhận định tình thế, trước mặt khá xa, cái đèn néon với chữ “cocktails” chớp tắt khi sáng khi tỏ. Hắn đoán là mấy thằng du thủ du thực này có lẽ từ đây mò ra và chúng nó cần tiền uống rượu hay chích choác gì đây, lũ này hình như không phải là bọn cướp, chỉ vì tình cờ gặp con “thiêu thân” là hắn từ đâu tới nạp mạng, nên mò ra kiếm ăn vặt mà thôi. Vậy thì chúng nó có lẽ không có súng. Kiểm điểm vũ khí phòng thân, chỉ có cái xà beng để mở ốc thay bánh xe là tàm tạm, nhưng một cái xà beng thì chả ăn thua gì với tám thằng “nhọ nồi” này. Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu: được rồi, tao đang có vũ khí “giết người” trong tay đây, cái xe, tao sẽ làm cho chúng mày biết tay “bố” chúng mày. Hắn tính phải chạy trở ngược lại con đường vừa đến đây, vì không biết phía trước tại nơi tiệm rượu sẽ còn bao nhiêu thằng nữa. Nghĩ là làm, máu lính tráng liều lĩnh và hung hăng trở về lại . Tống mạnh ga, hắn lao thẳng xe vào bốn thằng trước mặt, tới gần chúng, nhấp thắng và bẻ lái nhanh về bên phải, sau đó tống thêm ga, đuôi xe vất ngược về phía trước, cặp bánh sau quay tít và hắt một vùng tuyết trắng vào mặt bốn thằng “cốt đột”. Chiếc xe đã trở đầu, hắn quay ngược tay lái trong khi bánh sau vẫn quay tít. Xe tăng tốc độ lên khá nhanh, nhắm vào bốn thằng còn lại rồi lẩm bẩm : “không nhẩy kịp thì què hay chết” và hắn phóng xe tới. Chả thằng nào muốn chết, chúng nó đủ thời gian để nhẩy sang hai bên. Thế là thoát, hú hồn, tai hắn còn nghe hàng tràng những chữ F đang chửi với theo sau lưng.

Cái trò quay đầu xe gấp gáp trên đường phủ tuyết tại chỗ hẹp kiểu này, hắn đã “thực tập” nhiều lần trong bãi đậu xe nhà trường, sau khi thụ giáo từ gã sửa xe đầu phố nơi hắn ở. Hôm Chủ nhật trước Giáng Sinh, bố và em gái hắn đã được “thưởng thức” cái trò nghịch ngợm này, ông cụ nói là “mày đã làm tao phải phó linh lồn”, rồi mắng không tiếc lời vì làm bố và cô em xanh mặt.

Theo đường cũ, hắn tìm cách ra lại đường 94. Đây rồi, có bảng chỉ 94West, chả sao cả ,miễn thoát khỏi khu hắc ám này là được. Bỏ ý định thuê phòng trọ, hắn về lại chỗ nghỉ dọc đường (rest area) trước khi vào Detroit. Để máy nổ cho ấm, hắn mặc thêm áo ngoài và cố nhắm mắt ngủ vài giờ cho lại sức, sau khi đã gọi điện thoại thông báo cả hai nơi. Chập chờn trong giấc ngủ, hình bóng của nàng được thay thế bằng tám thằng “nhọ nồi” với những tiếng cười khả ố của kẻ đắc thắng, chúng nó đang chia nhau 400 đô la trong cơn ác mộng của hắn.

Gần sáu giờ sáng, sau nhiều lần thức giấc vì tiếng những động không quen tại chỗ nghỉ, hắn thấy mệt mỏi và muốn tìm một bữa ăn sáng cho lại sức, đồng thời kiếm ly cà phê mang theo cho tỉnh táo. Xe đầy tuyết phủ, bình xăng còn dưới một nửa. Thế là phải cạo tuyết và đổ xăng.

Chung quanh tuyết ánh lên màu vàng nhạt dưới ánh đèn đường như màu lụa. Hắn chợt tưởng tượng tới cảnh áo lụa trái mùa rồi lẩm bẩm: “Tuyết ngập đầu, anh đi mà thấy rét, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông” và mỉm cười. Hắn vẫn có tật như thế, mỗi khi mệt hay căng thẳng là tự pha trò hoặc nghĩ đến những chuyện tiếu lâm và cười một mình.

Rời chỗ nghỉ tạm, trở lại trạm xăng hôm qua nơi có tiệm McDonald ở kế bên, bơm đầy bình xăng và cố nuốt trộng bữa ăn sáng với sữa, thêm ly cà phê “canh thức”, hắn coi bản đồ, học thuộc lối đến tòa lãnh sự (?) Gia Nã Đại. Mọi việc đều trôi chảy và sớm sủa vì hắn làm đúng theo lời chỉ bảo của cảnh sát nơi biên phòng.

Mười giờ sáng qua khỏi cầu biên giới, tới Windsor, hắn tìm lối vào đường 401 rồi trực chỉ Toronto. Sau đoạn đường dài trên 200 dặm và bữa ăn trưa , hắn qua Toronto lúc ba giờ chiều, không đến nỗi kẹt xe như đã nghĩ, dù không được lái với tốc độ nhanh, nhưng không sao, hắn có cơ hội chiêm ngưỡng phố xá. Nhìn từ xa lộ 401, thành phố khá đẹp với ngọn tháp có nhà hàng cao vút. Hắn đã nghe ông thày dạy Anh văn nói nhiều về thành phố rất ít tội ác này. Tới Oshawa và dừng xe trước khu chung cư mà Nhẫn đang ở lúc bốn giờ chiều, hắn thở phào nhẹ nhõm. Dù mệt mỏi với những trở ngại trên đường, hắn vẫn thấy vui vui vì đã đi tới đích. Tính nhẩm trong đầu, hôm nay là 28 thứ ba, hắn còn được bốn ngày để gặp nàng, không đến nỗi quá ngắn.

Nhẫn với vẻ mặt tươi rói khi vừa thấy hắn, nó có vẻ gầy đi nhiều hơn so với hồi còn ở trường, có lẽ tại vì “cầy” quá nhiều. Nó cư ngụ trong một khu chung cư khá khang trang. Hỏi về vấn đề vợ con thế nào, nó nói là đang cố tìm cách bảo trợ và chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Lôi bia và đĩa thịt bò ướp sẵn trong tủ lạnh ra, Nhẫn chuẩn bị làm bữa để hai thằng nhậu. Hắn bảo Nhẫn là chỉ uống một lon cho khỏi khát, còn ăn nhậu thì khoan đã, vì phải đi thăm nàng tối nay, rồi sau đó sẽ về đây nhậu cũng chả muộn. Thằng này thế mà biết thông cảm ra phết, nó đồng ý. Hắn gọi điện thoại cho bố báo là đã tới nơi an toàn, đồng thời gọi cho nàng biết là sẽ đến thăm tối nay. Một cảm giác rộn ràng khó diễn tả đang phơi bày qua hành động, làm Nhẫn phải phì cười và “phán” một câu rất đểu để trêu: “Từ từ đã nào, làm gì mà quýnh lên như thế này”.

Đường đến nhà nàng không đến nỗi khó tìm. Gia đình nàng ở lầu hai, mới tới bãi đậu xe đã thấy bóng dáng mong đợi đứng ngoài ban-công vẫy chào hắn. Một buổi gặp gỡ của những người tị nạn xa quê, đã từng quen nhau trong trại diễn biến một cách ồn ào, Ông anh nàng, lần đầu hắn gặp, có lẽ hơn hắn vài tuổi, anh chàng khá vui vẻ, tuy nhiên sau vài phút để thăm dò, anh lịch sự xin rút lui để cho những người đã quen biết nhau nói chuyện. Hai bà chị nàng rất vui và nhí nhảnh, hắn đã từng đến “barrack” chỗ tạm cư của gia đình nàng đàn hát với các cô chị và thầm yêu trộm nhớ cô em, rồi tìm cách tán tỉnh nàng. Gần mười giờ tối, bà cụ và hai cô chị mới rút lui, để hắn và nàng ngồi lại phòng khách. Cám ơn bà cụ, cám ơn các chị, vui thì vui thật đấy, nhưng sao không đứng lên sơm sớm cho chúng tôi nhờ! Ấy thế mà khi còn lại hai đứa, chả hiểu sao lời lẽ bay sạch và trơ lại cảnh bốn mắt âu yếm nhìn nhau . Hắn thì “ tôi khờ khạo lắm ngu ngơ lắm, chỉ biết yêu thôi chả biết gì”, bao nhiêu vẻ láu lỉnh biến sạch, hắn đoán là mặt hắn lúc này chắc trông thộn không thể tả. Còn nàng, chả bù khi nãy đông người, đã từng vào hùa với các bà chị để bắt nạt hắn, giờ này thì “biết nhìn thôi chả nói gì”, nhưng không sao, đủ lắm rồi, hắn vẫn từng ao ước là chỉ được nhìn nàng cũng mãn nguyện rồi hay sao. Hơn nữa, có lẽ cả nàng và hắn đều cảnh tỉnh là chung quanh tường đều gắn tai, nên những lời có tính cách riêng tư phải cất cho kỹ. Để bớt vắng lặng, hắn kể cho nàng sơ qua chuyến đi, rồi từ giã để về lại Oshawa, sau khi xin phép cả nhà nàng để hắn có thể mời nàng đi thăm Toronto ngày mai.

Nhẫn đang đợi hắn về nhậu tối nay, không có người quen nào bên này , giờ rảnh không biết làm gì, nên tối ngày chỉ lo đi “cày”, kỳ nghỉ dài hạn từ Giáng Sinh tới tết Tây, hãng đóng cửa, lại chẳng biết đi đâu, có người tới nó vui hết biết. Về lại Oshawa đã gần nửa đêm và gầy cuộc nhậu. Nhẫn nói khá nhiều như đang cần người để trút tâm sự, gặp được “cái thùng rác” dẫn xác tới, thấy nắp đang mỡ, nó xả tối đa vào, ấy vậy mà về chuyện vợ con quan trọng thì chỉ nói là đang chờ thủ tục, chắc là thằng này có tâm sự gì riêng nên hắn không hỏi lại về việc này nữa. Thực ra hắn không biết gì nhiều về cá nhân của Nhẫn, chỉ quen nhau sau những lần gặp gỡ ở trong trường và tại nhà thờ. Hôm nay sau vài lon bia, và sau một thời gian dài cô độc, Nhẫn nói vung vít, hắn đã có dịp hiểu thêm thêm về thằng này. Vừa nói vừa uống liên tục và gần như không ăn gì tới gần một giờ đêm, nó ngà ngà say và đòi đi ngủ. Còn gì bằng, hắn đã mệt lắm rồi, lại thêm vài lon bia, hắn vật ra ghế sofa và ngủ một giấc tới sáng.

Nhẫn lôi hắn dậy lúc bẩy giờ để đi ăn điểm tâm, nó quen dậy sớm. Sau bữa sáng, nó đòi đi theo tới nhà nàng vì nghe nàng có hai cô chị. Thật là phiền, trước khi sang đây, hắn đã nói sơ về chỗ tá túc cùng lý lịch của thằng này cho nàng nghe, đại khái Nhẫn là người tốt bụng, biết lo lắng và thương yêu vợ con. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là thằng này đã có vợ, bây giờ lại giở trò lăng nhăng tán tỉnh người khác, lại là các bà chị của nàng, thế thì còn ra thể thống gì nữa, nàng sẽ nghĩ là hắn có bạn không tốt và cho hắn là “cá mè một lứa”, thật nguy to. Từ chối thì chắc Nhẫn mất vui, hơn nữa đang ở “ké” mà bỏ đi ra phòng ngủ trọ thì coi sao được, hắn bèn tính kế hoãn binh và nói là từ từ để coi tình thế ra sao đã. Nhẫn đồng ý, mặc dù hơi buồn.

Tới nơi, thấy nàng đã đợi sẵn và tuyên bố là anh nàng sẽ dẫn cả nhà đi thăm phố phường cùng với hắn. Gần như “á khẩu” và chả biết nói sao, hắn đành phải chấp nhận, nàng hay ai đó đã xếp đặt chuyến đi chơi này. Sau khi biểu diễn màn biếu tặng quà cáp, cả nhà nàng và hắn chen chúc nhau trên chiếc xe Buick của anh nàng. Ba chị em ngồi trước, cô chị lái, đàng sau thì hắn ngồi ngoài, ông anh ngồi giữa, kế bên bà cụ. Chán thật, đúng là “kỳ đà cản mũi”, không có cơ hội ngồi cạnh nàng để được ngửi hương tóc và nhận hơi ấm từ nàng khi nhìn tuyết đang rơi, tiếc quá, thật là “phí của” . Kể ra thì hắn cũng đang có một ngày vui, tuy nhiên sự riêng tư đã bị giới hạn, mặc dù là anh và các chị nàng cũng khá tế nhị , họ để hắn và nàng luôn ở một khoảng cách xa, nhưng trong tầm thanh tra thường trực của bốn cặp mắt.

Kệ, ai nhìn thì nhìn, hắn tận hưởng hạnh phúc đang có. Hắn và nàng được cùng bên nhau trên nhà hàng quay “CN tower”, để nói với nhau, để nhìn mắt nhau, và nhìn phố phường bên dưới, qua làn tuyết bay lất phất nên thơ. Hắn cảm thấy có được cái ấm êm tuyệt vời khó diễn tả, thằng bé đang lên cơn sốt tình yêu dù bên ngoài trời đang lạnh dưới không độ. Có tiếng gọi của bà chị nàng, hắn hỏi cô nàng là mới ngồi đây “một tí” mà đã phải đi đâu vậy, cô nàng nháy mắt, cười và nói : “hôm nay chúng ta đi năm tí, mỗi tí một tiếng rưỡi là hết ngày đấy”, hắn cảm thấy hơi ran trên da mặt và đoán là mặt hắn đang đỏ.

Trong bữa ăn tại nhà hàng Tàu chiều hôm đó, chính anh nàng là người đưa ra đề nghị là hắn nên đưa bạn tới nhà chơi, vì anh nàng cùng cỡ tuổi Nhẫn, hy vọng sẽ có thêm bạn cho bớt buồn nơi đất khách. Thấy cũng đúng, hơn nữa, mẹ nàng cũng nói thêm là mời hắn và Nhẫn tới nhà dùng cơm tối ngày hôm sau, tuy nhiên lại cũng phải làm kế hoãn binh là để hỏi ý Nhẫn đã và sẽ gọi điện thoại cho nàng biết sáng ngày mai. Hôm sau, nàng và bà chị phải đi chuyện riêng tới chiều mới về. Cũng được, hắn sẽ có một ngày đi chơi với Nhẫn cho phải lẽ.

Về lại nhà Nhẫn cũng đã khuya, ngồi tán gẫu với thằng này một chập và khuyên nó bỏ đi cái ý định “ma bùn” về việc tán tỉnh các chị của nàng. Nó gân cổ lên cãi là chuyện này có “ăn nhậu” gì đến hắn. À, thằng này cứng đầu thật, phải dọa nó mới được, hắn lôi vấn đề đạo đức ra nói như mày có tư tưởng ngoại tình, có lỗi với vợ con mày ở quê nhà, vân vân và vân vân... Hắn chủ trương là đã có gia đình rồi thì phải chung thủy và muốn thằng bạn phải noi gương bố hắn. Hình như cũng hơi thuận tai, hay thằng này cũng chơi trò hoãn binh như hắn, Nhẫn bằng lòng là sẽ không có chuyện gì cả. Hắn nói lại lời mời của mẹ nàng, thằng này vui ra mặt và thề luôn miệng, nó lôi cả Chúa, cả Đức Mẹ ra mà thề là sẽ đàng hoàng, thấy nó càng thề, hắn càng cảm thấy bất an và không biết nó đang nghĩ “đàng” nào, đàng hoàng hay đàng điếm! Kể cũng tội cho hắn, thui thủi đi làm ngày đêm để dành tiền, nhưng có vẻ cô đơn quá, cũng mong là số tiền mà nó để dành sẽ là phương tiện tốt để nó có cơ hội đoàn tụ với vợ con như bố và em gái hắn đang làm.

Sau khi gọi điện thoại nói cho nàng là cả hai đứa sẽ đến chiều nay, hắn theo Nhẫn đi hết chỗ này đến chỗ kia, dọc bờ hồ Ontario từ Oshawa tới Toronto, phong cảnh khá đẹp, mặc dù tuyết vẫn còn rơi và giới hạn tầm nhìn. Đến trưa, hai thằng vào phố Tàu và mỗi đứa “thanh toán” một tô mì “tả pí lù” ngoại khổ, thêm một đĩa vịt quay đính kèm . Đây là lần đầu ăn mì từ ngày rời Việt Nam, hắn thấy quá ngon và ăn uống một cách rất tận tình, quên luôn cả cái cổ họng còn hơi rát. Nhẫn nói là tiệm này nấu quá thường so với những tiệm khác cùng phố, nó nói thử hết mọi tiệm cho biết mùi, nếu ngon thì trở lại. Thì ra thằng này còn có cái thú mò đi ăn tiệm Tàu và thích nếm của lạ. Nhẫn rủ đi thác Niagara, nhưng sợ trễ hẹn nên hắn nói đừng đi dù rằng hắn rất muốn.

Bữa cơm chiều tại nhà nàng diễn ra trong vòng thân mật. Hai bà chị nàng thì khỏi nói, trêu cô em và hắn mãi, bà cụ chỉ thỉnh thoảng mới hỏi và nói dăm câu, có lẽ không hợp với giới trẻ cho lắm. Ông anh nàng nói chuyện khá thân mật với Nhẫn, họ nói với nhau về chuyện đi câu. Tưởng Nhẫn sẽ ăn nói xông xáo, ai ngờ nó lại tỏ ra ngờ nghệch và hình như hơi sợ ánh mắt của hai bà chị nàng. Chưa biết rõ được thằng này, nó đóng kịch hiền lành chưa chừng, đã từng có vợ con đã từng bôn ba ngược xuôi buôn gỗ, nó có đầy đủ kinh nghiệm về cuộc đời. Hắn tự nhủ, chờ xem, hôm nay vậy là tốt rồi. Mới bẩy giờ tối, thấy còn quá sớm để về và để có được tí riêng tư, trong khi Nhẫn tìm hiểu thêm về chuyện câu với anh của nàng, hắn xin phép cả nhà để cùng đi bộ với nàng quanh phố một lát. Ôi, đi bên nhau dưới tuyết đang rơi là cả một sự tuyệt vời. Dù trời lạnh như lòng hắn ấm áp. Chợt đường hơi trơn, bước chân không vững, nàng nắm lấy tay hắn để giữ thăng bằng. Như một luồng điện từ tay chuyền vào tim, với cảm giác êm đềm khó tả, hắn muốn cầm tay nàng mãi. Hơi e thẹn, cặp má ửng hồng, hình ảnh rất đáng yêu của nàng làm hắn như si như dại. Đang đi vào tột cùng của yêu đương chăng? Hắn tự hỏi và nhớ đến mấy câu thơ trong bài “Tìm động hoa vàng” của Phạm Thiên Thư mà tình cờ hắn nhớ và đọc cho nàng nghe:

Mắt nàng ru chiếc nôi êm
Ru hồn tôi ngủ ngàn đêm tuyệt vời
Em là hoa hiện dáng người
Tôi là cánh bướm cung trời về say

Sau khi đi “một tí” quanh phố và sợ nàng có thể bị bệnh vì chịu lạnh, hai đứa vào nhà thì thấy Nhẫn ngồi nơi phòng khách, đang tiếp chuyện với hai bà chị, các cô cho biết là ông anh chở bà cụ sang bên bà bạn ở gần đó vì có chút việc và nói là sẽ về ngay. Thằng này đang bị hai cô “tra tấn” về gia phả cũng như gốc gác và nó đang đau khổ cung khai. Thấy hắn về tới, Nhẫn như vớ được phao và “bán cái” hắn cho hai cô. Có lẽ thấy đã đủ “mua vui”, hai cô bèn đổi qua đề tài về cộng đồng người Việt tại Toronto, Nhẫn có vẻ hào hứng và cố tìm hiểu, hình như nó chả biết tí gì về cộng đồng này, hai bà chị nàng thấy vậy lại càng thao thao bất tuyệt, hình như hai cô này hoạt động khá hăng say trong một cộng đoàn Tin Lành tại đây. Sau đó hai bà chị nàng mời hắn và Nhẫn tới hội trường của một cộng đoàn Tin lành nào đó chiều mai, thứ sáu, nơi đây có một buổi “party“nho nhỏ để chung vui. Hắn chẳng muốn đi, tuy nhiên phải hỏi ý nàng mới được, dù ngần ngại nhưng vì hai cô chị áp lực và thêm lời mẹ và anh, nàng nhận lời. Thế là lại đi với cả nhà nàng tới một chỗ xa lạ. Nhẫn thì vui ra mặt và cám ơn ngay, hình như nó sợ không cám ơn thì hai cô sẽ rút lại lời mời không bằng. À thì ra thằng này làm bộ khù khờ để dò bước đây, cơ hội tới, nó dễ gì bỏ qua. Gần mười giờ tối bà cụ và ông anh mới về lại nhà . Hắn và Nhẫn cám ơn về bữa ăn tối, rồi chào cả nhà để trở lại Oshawa.

Sau bữa trưa tại McDonald, hai thằng tới nhà nàng để cùng tới địa điểm “party”. Hai chị và anh nàng mang theo nửa tá khay thực phẩm và đủ các thứ lỉnh kỉnh, gần đầy thùng sau xe. Hắn và Nhẫn lái theo. Địa điểm phải tới cũng không xa lắm, khoảng mười lăm phút lái trong phố. Nơi “party” là phòng hội của một nhà thờ Tin Lành. Hắn và Nhẫn giúp mang thức ăn vào. Tiếng giới thiệu và chào hỏi ồn ào. Hai chị nàng quen biết khá nhiều, tuy nhiên nàng có vẻ biết rất ít những người chung quanh nên được hai bà chị lôi đi giới thiệu lung tung. Hắn đứng chơ vơ lạc lõng, đảo mắt tìm Nhẫn để nói chuyện cho đỡ buồn, thì đã thấy nó đang đứng trò chuyện và cười nói với một người đứng tuổi nào đó, có vợ và hai con bên cạnh, hắn đoán có lẽ đây là một người làm cùng sở với nó, để cho Nhẫn tự nhiên, hắn kiếm chỗ khuất để ngồi. Còn đang tìm thì hai bà chị cùng với nàng đã lôi hắn đi để làm một màn giới thiệu với những người quen biết. Thật là một cực hình cho cả nàng và hắn. Hắn hết sức ngượng ngùng, nhưng chả biết nói sao, đành nhắm mắt đưa chân. Khoảng gần năm chục người trong hội trường. Đàn ông nhiều hơn đàn bà, trai nhiều hơn gái. Hắn đâm ra lo lắng, vì nghĩ là trong số người này ít ra là có cả chục gã đang để mắt đến nàng, xa mặt cách lòng, hắn không dám nghĩ thêm. Rồi cũng tới lúc nhập tiệc, mỗi người một đĩa, hắn và nàng ra ngồi một bàn góc, và sau đó hai cặp vợ chồng nào đó tới ngồi chung bàn. Các bà chị thì đang tíu tít lo tiếp thực phẩm cũng như nước uống cho quan khách. Nhẫn ngồi cùng bàn với gia đình người quen vừa gặp. Không thấy ông anh nàng đâu.

Ăn qua lua, hắn mời nàng đi tản bộ bên ngoài. Hai đứa dắt nhau đi quanh khu vực nhà thờ, quang cảnh có vẻ nghèo và cổ kính. Đi gần giáp vòng thì nàng nói quay trở lại vì thấy ông anh nàng đang đi với một cô gái. Thì ra anh ta cũng như hắn. Vào lấy ly cà phê ra uống cho ấm rồi lại đi tản bộ “một tí “ với nhau, kể cho nhau nghe về những bước gian truân lưu lạc, kể cho nhau nghe những mất mát đau thương, những nhớ nhung vơi đầy. Thời gian hình như trôi quá nhanh lúc này. Trời đã tối hẳn từ lâu, vào hội trường thấy hai bà chị cùng vài người khác đang lo dọn dẹp, nàng vào giúp hai chị. Hắn và Nhẫn phụ xếp bàn ghế lại chỗ cũ. Xong việc thì đã chín giờ tối. Ông anh nàng xuất hiện. Hắn và Nhẫn xin phép về vì hắn biết khi tới nhà , hai bà chị và nàng sẽ phải dọn dẹp thêm một lần nữa. Hắn ngỏ ý mời mọi người bữa cơm trưa ngày mai và sau đó sẽ lên đường về lại Iowa.

Mười một giờ sáng tới nhà nàng, mọi người ra phố Tàu (lại phố Tàu!) ăn trưa, hắn lái theo vì không biết nhà hàng nào gia đình nàng thích. Bữa ăn không lấy gì làm vui vẻ, dù hai cô chị cố làm cho vui. Hình như mọi người chỉ ăn qua loa.

Chào từ giã nàng và mọi người, hắn lên xe mà lòng buồn rười rượi. Tiến về phía hắn một mình, nàng đứng im lìm, nhìn thẳng vào mắt, nửa trìu mến nửa muộn phiền. Ô kìa! hai giọt nước mắt thủy tinh lăn trên đôi má hồng. Nàng quay đi, bước về xe của ông anh, cửa đóng, chiếc xe từ từ lăn bánh, vỏ xe nghiến trên lớp tuyết bị nén làm hắn tưởng như nghe thấy tiếng của ruột đang bị xé. Bồi hồi nhìn theo, quay tay lái, hắn tăng tốc độ lên đường vào xa lộ 401 để xuôi về hướng tây nam.

Đường về, hắn luôn luôn bị ám ảnh bởi cặp mắt của nàng, giọt nước mắt từ giã. Qua biên giới rồi tiếp tục đường dài, biết là không có thể ngủ nghê gì khi tâm tư nặng trĩu, hắn cứ thế đạp ga. Về đến nhà lúc 2 giờ sáng Chủ Nhật, bố và em ra mừng khi thấy hắn về an toàn. Nhìn thấy cô em, hắn hơi ái ngại khi biết số tiền vay mượn cho chuyến đi đã bị hắn xài gần như sạch bách.

Nhập học ngày thứ hai đầu năm, đầu óc hình như còn ở Toronto, những sinh viên đồng hương nói với nhau là hắn hình như đổi khác.

Những lá thơ mặn nồng trao đổi liên tục. Những cú điện thoại triền miên. Bài vở bỏ sót, hình bóng nàng luôn đeo đuổi trong tâm tư. Óc hắn bị đặc, những phương trình và công thức đều bị gương mặt với cặp mắt to tròn của nàng che phủ. Hắn “nghiện” nàng quá độ rồi và đang bị vật triền miên vì thuốc “yêu”, không thấy nàng là thiếu thuốc, thiếu mọi thứ trên đời.

Điểm thi bị xuống, hắn không muốn thế và hắn rút tên ra khỏi các lớp. Cuối cùng chỉ còn giữ lại lớp vẽ, hắn miệt mài vẽ đôi mắt và giọt nước mắt thủy tinh trên làn da ngọc ngà.

Tiền điện thoại leo thang tới mức không tưởng. Hắn nợ từ bố tới em. Ông cụ hình như hiểu và chỉ cười trừ khi đưa tiền cho hắn. Ngồi dưới “game room” để làm việc cho trường, thay vì có cơ hội để học lúc vắng người, hắn lại hướng tâm tư về nàng. Thằng bé cố nộp đơn để xin ghi danh ở đại học Buffalo, vì hắn nghĩ có thề gặp nàng chỉ một tiếng rưỡi lái xe.

Bố hắn chán thằng con dại gái và quá sợ mùa đông ở vùng hẻo lánh này, nên vừa vào xuân là ông cụ sang California ở với người cháu để học nghề và tìm việc làm khá hơn. Gần tới hè, sau khi rút tên khỏi ba lớp học với số tiền nợ trên ngàn đô la, hắn quyết định đi làm. Xin được việc ở một công ty xây cất, lương cũng khá, gấp bốn lần mức tối thiểu, tuy nhiên cô em gái muốn phát khóc khi nhìn thấy hắn mỗi lần đi làm về, vì hắn tả tơi trông giống như cái “mền rách”, cô nàng nói thế.

Niềm vui khi nhận và đọc thư nàng đã làm hắn quên đi mệt nhọc để kéo cày trả nợ. Cuối hè, bỗng những cánh thư hồi âm thưa dần. Ba lá thư gởi đi thì chỉ nhận được một hồi đáp, những câu nồng thắm từ từ vắng hẳn, những cú điện thoại càng lúc càng vắn tắt, hay được trả lời là nàng vắng nhà. Hắn buồn và đoán chuyện đang xảy ra. Gọi điện thoại hỏi Nhẫn, nó nói là chẳng biết gì. Hắn chỉ biết ngồi chờ sự phũ phàng sắp tới.

Nhập lại trường mùa thu, trong hộc thư nhà trường, hắn thấy lá thư của nàng. Mở ra thấy hàng chữ chót đập vào mắt: “PS: hãy quên em đi”. Mắt hắn mờ dần, hàng chữ bị nhòe, không đọc trọn lá thư nhưng hắn đã biết rõ. Không tin là mình đang khóc, dụi mắt, hàng chữ lại hiện rõ ràng. Hắn cười một các điên dại, cầm lá thư, thất thểu bước ra quán rượu trước cửa trường uống cho đến khi say khướt. Cô em gái thấy hắn thay đổi tính tình, hay gắt gỏng khi vui khi buồn, chán thằng anh đang bị thất tình, chán vùng đất hiu quạnh và cần tìm việc làm khá hơn nên bỏ về California với bố.

Cố hỏi cho ra lẽ bằng những cánh thư, nhưng tất cả chỉ là im lặng, hắn đã không được nàng trả lời, nên sau vài lần hắn ngưng . Với dư âm của một mối tình tuyệt vọng, hắn tự nhủ là sẽ không yêu ai khác ngoài nàng, dù có bị phụ bạc. Buồn tình, hắn dồn hết sức vào việc học.
Thời gian đã là một liều thuốc thánh. Tám năm sau, hắn đã gặp người mà hắn thương yêu thật sự và lập gia đình. Vết xước trong tim đã được người vợ yêu chữa lành nay chỉ còn là vết sẹo.
Đôi lúc nghĩ về nàng trong mảnh đời nối tiếp, không oán hận, mà còn cám ơn nàng đã cho hắn biết thế nào là tình yêu, rồi sau đó đã được nàng cho thưởng thức nỗi chua xót của thất tình, để hắn biết thêm mùi vị mới của cuộc sống. Hắn mỉm cười khi nghĩ về cái “thú đau thương” bầm giập này và chợt nhớ tới hai câu chót trong bài thơ “Ngập ngừng” của Hồ Dzếnh:

Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ,
Cho nghìn sau... lơ lửng... với nghìn xưa...

Trần Việt Bắc (tvb)
8/31/04