SỐ 24 - THÁNG 10, NĂM 2004

 

Thư toà soạn

Thơ
Vọng phu thạch
Ngô Thái
Linh hồn sa mạc
Nguyễn Xuân Vời
Thu vịnh
Huỳnh Kim Khanh
Trăng
Phạm Hồng Ân
Chiều chớm thu
Trần Việt Bắc
Từ sông Seine đến Dương Tử
Tôn Thất Phú Sĩ
Chiếc lá rừng phong
Ngô Minh Hằng
Mấy điệu thu ca
Dã Thảo
Đùa chơi vài chữ 2 câu
Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn, Tâm bút
Một chuyến đi
Trần Việt Bắc
Con rắn
Nguyên Nhi
Thu muộn
Song Thao
Tưởng như đã quên
Tôn Nữ Quỳnh Diêu
Sống gửi thác về
Trần Phương
Hạt ngủ đợi mưa
Tầm Xuân
"Một tiếng đất trời thu..."
Vũ Hoàng Thư

Biên khảo, tiểu luận
Những người tuổi trẻ của mùa trăm hoa cũ
Phan Thái Yên
Lê Đức Phi - Bà là ai
Trần Việt Bắc
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 11
Hoàng Thiếu Khanh
Cách mạng Việt ngữ
Tân Văn

Truyện dài
Thằng Nèm
Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 18
Huỳnh Kim Khanh


 

những người tuổi trẻ
của mùa trăm-hoa cũ

 


... Nhược bằng bắt mọi người
viết phải viết theo một lối với
mình, thì đến một ngày kia,
hàng trăm thứ hoa cúc đều
phải nở ra cúc vạn thọ hết.

Phan Khôi

1.
Bạn bè thỉnh thoảng gặp nhau bên ly cà phê tách trà, sau khi chuyện trò về gia đình, con cái, việc làm, họ vẫn thường chung cuộc với chút chén văn chương rồi ra về với những nghĩ suy có khi đến bận lòng. Gần đây, trong một cuộc tranh luận, thuật dụng chữ nghĩa của Hoàng Cầm và Trịnh Công Sơn đã được nhóm bằng hữu mang ra bàn cãi so sánh. Có lẽ sự ẩn dụ hai mang của ngôn từ và điệp ngữ lửng lơ trong thơ trong nhạc đã giúp họ trong sáng tác, thành danh, và sự an thân. Dù sao thì “đàn bò vào thành phố” băng qua lối mòn phản chiến ngoại ô hay chiếc “lá diêu bông” bên kia sông và người chị buổi thiếu thời từ cuối một làng quê nào đó đã giúp họ sống-còn mà đi “qua vườn ổi” xanh ngon hay rộn ràng phân bua về một mùa thu thành phố đỏ lá bàng.

Tôi đã không nghĩ nhiều về những điều này mà mãi bận lòng nhớ về những người tuổi trẻ trung thực nhiệt thành, hiên ngang bước chân qua cổng trước của khu vườn Nhân-Văn Giai-Phẩm để rồi chịu cheo leo suốt cả quãng đời dài. Tôi nghĩ nhiều về những người tuổi trẻ “biết ghét biết yêu”, viết văn làm thơ thời “trăm hoa đua nở”. Tôi muốn được một lần về thăm lại những người giữ vườn tuổi giữa thanh niên đã một thời dùng máu lệ mình tưới thắm một mùa trăm-hoa cũ. Những Trần Dần, Phùng Quán, Phùng Cung, Trần Lê Văn, Bùi Quang Đoài, Tạ Hữu Thiện...và bao nỗi ngậm ngùi.

Năm 1956, giữa những ngày Cọng Sản Hà Nội còn đang hăng máu với cuộc Cải Cách Ruộng Đất “hoàn toàn thắng lợi” thì những sự kiện sửng sốt, không ngờ, dồn dập xảy đến trong hàng ngũ Cọng Sản quốc tế và chế độ miền Bắc.
Ở Nga, Hội nghị lần thứ 20 của đảng Cọng Sản Liên Xô vào tháng Hai 1956 là dịp để Krushchev hạ bệ Stalin và sửa đổi lại luận thuyết bạo động cực tả bằng cách hứa hẹn một chính sách mềm dẻo và dân chủ hơn. Đợi mãi sốt ruột, các nhà văn Nga, mà người cầm đầu là Dunkinsev, bắt đầu lên tiếng đòi hỏi sửa sai những bất công của chế độ.

Ở Tàu, đảng Cọng Sản Trung Quốc tuy đã hoàn thành chiến dịch cải cách ruộng đất từ mấy năm trước cũng buộc phải tuân theo chỉ thị của Đệ Tam Quốc Tế nên đành hời hợt lờ mờ tung ra khẩu hiệu “ Bách hoa tề phóng”, trăm hoa đua nở, mà không thực sự thi hành một chính sách nới rộng tự do dân chủ nào. Năm 1957, nhóm La-Long-Cơ khởi sự phong trào chống Đảng.

Ở các nước Cộng Sản Đông Âu, vụ Poznan (Ba Lan) vào tháng Sáu 1956 và kế đến là vụ Budapest (Hung Gia Lợi) vào tháng Mười đã làm rung chuyển bộ máy thống trị của Đệ Tam Quốc Tế với các phong trào chống Nga rầm rộ.
Ở Bắc Việt, các lãnh tụ của đảng Cọng Sản Việt Nam đã vất vả hơn nhiều so với đàn anh phương Bắc của họ. Khi đặc sứ Mikoyan của điện Kremlin sang Hà Nội giải thích về luận thuyết mới của Krushchev thì cuộc cách mạng ruộng đất đang ở vào giai đoạn chót và hung hãn nhất. Hồ Chí Minh đành trì hoãn việc phổ biến quyết định của Hội Nghị lần thứ 20 của đảng Cọng Sản Liên Sô và tuyên bố “sửa sai” vào tháng Tám năm 1956.

Trường Chinh, Tổng bí thư Đảng, và Hồ Viết Thắng, Thứ trưởng phụ trách Cải cách Ruộng Đất bị “hạ bệ”. Võ Nguyên Giáp phải thay mặt trung ương Đảng thú nhận sai lầm và hứa hẹn sửa chữa, đồng thời thả mười hai ngàn đảng viên bị cầm tù vì bị quy lầm là địa chủ. Tình trạng xung đột, ám hại nhau giữa hai thành phần đảng viên cũ và mới, bị tố và “tố sai”, lan rộng đến nhiều vùng nông thôn. Dân ở những làng xóm nhiễu nhương, địa chủ được tha về lẫn bần nông, tìm mọi cách chạy ra thành phố để mưu sinh và để được yên thân. Không khí nghi kỵ, căm thù, từ nông thôn lan ra thành phố, từ nông dân lan qua giới công nhân, học sinh, và trí thức. “Vụ Quỳnh Lưu”, việc cán bộ, công nhân, học sinh tập kết khởi loạn ở Ngã Tư Sở và đập phá đồn công an Bờ Hồ (phố Cầu Gỗ, Hà Nội) là kết quả của những nỗi oan ức chồng chất và lòng căm thù đối với chế độ ngày càng sâu rộng.

Giới văn thi sĩ trí thức ở miền Bắc trước kia đã chân thành hợp tác với Cọng Sản trong công cuộc kháng chiến dân tộc chống thực dân Pháp nay thấy mình bị lợi dụng, bạc đãi, khinh miệt và cuối cùng là áp bức, khủng bố tới mức độ không thể chịu đựng nổi.

Bài diễn văn hạ bệ Stalin mà Krushchev đọc trong một khóa họp bí mật vào tháng Hai 1956 bị lọt ra thế giới bên ngoài đã manh nha phong trào chống lại Đảng dưới hình thức chống tinh thần Stalin.

“Giai Phẩm 1956” ra đời có những bài viết nêu lên thối nát của chế độ. Trong bài “Cái chổi quét rác rưởi”, Phùng Quán nói rằng chế độ miền Bắc đầy rác rưởi dơ bẩn và một nhà văn như anh sẽ tình nguyện làm cái chổi quét cho sạch rác rưởi đó. Bài viết như một tuyên ngôn khởi đầu cho cuộc khởi nghĩa văn học.

Trong bài “Ông Bình Vôi”, Lê Đạt đã ám chỉ công kích bọn cán bộ lãnh đạo:

Những kiếp người sống lâu trăm tuổi
Y như một cái bình vôi
Càng sống càng tồi
Càng sống càng bé lại

Hữu Loan thì uất ức:

Một điều đau xót
Trong chế độ chúng ta
Trong chế độ “Dân chủ Cọng hòa”
Những thằng nịnh hót còn thênh thang đất sống...

Trong “Giai Phẩm Mùa Xuân”, thơ Trần Dần tả sự khổ cực, thiếu thốn, thất nghiệp của vợ chồng tác giả. Họ đi giữa Hà Nội, “không thấy phố không thấy nhà” mà chỉ thấy “mưa sa trên mầu cờ đỏ”.

Cụ Chương Dân Phan Khôi, một sĩ phu Văn Thân xứ Quảng, người nho sĩ tiết tháo cuối cùng đại diện cho cả hệ thống Nho Giáo từ hơn hai nghìn năm trước, đơn thương độc mã đối đầu với ý thức hệ Marxism và chế độ Cọng Sản với một ý chí đấu tranh tới cùng:

Nắng chiều tuy có đẹp,
Tiếc tài gần chạng vạng.
Mặc dù gần chạng vạng
Nắng được thì cứ nắng
(1956)

Trong Giai Phẩm Mùa Thu tập I ra đời ngày 29 tháng 8 năm 1956, bài viết “Phê bình Lãnh đạo Văn nghệ” của cụ Phan Khôi như quả bom chấn động cả Hà nội đã gây nên cuộc chiến tranh văn học giữa trí thức miền Bắc với Đảng.
Từ tháng Tám 1956, Hà Nội như một khu vườn với hàng trăm loài hoa đua nở. Cụ Phan Khôi cùng Nguyễn Hữu Đang, Trần Duy xuất bản báo Nhân Văn. Giới sinh viên thì cho ra đời tờ Đất Mới do Bùi Quang Đoài làm chủ bút. Các báo phát hành từ trước như tuần báo Trăm Hoa của Nguyễn Bính, tờ Thời Mới, cũng hưởng ứng phong trào cho đăng những loạt bài đả kích Đảng. Về phía báo Đảng thì có những tờ Cứu Quốc, Nhân Dân, Học Tập, báo Văn (sau khi báo Nhân Văn bị đóng cửa). Bên cạnh những văn thi sĩ trẻ viết văn làm thơ đấu tranh chống Đảng là những “Con ngựa già của Chúa Trịnh” (truyện Phùng Cung), những tay cặp-rằng văn nghệ chạy theo Tố Hữu như Hoài Thanh, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi... hay tiêu biểu cho một nhóm nhỏ văn nhân xu thời, xoay xở, lúc nịnh lúc chưởi như Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, cốt sao được ăn trên ngồi trước.

Tố Hữu là ông thợ cả, là “thần tượng” của thi ca Cọng Sản Việt Nam. Lời thơ sau đây tỏ rõ tinh thần thấp hèn của người viết khi tán dương lãnh tụ:

Hoan hô Sta-lin
Đời đời cây đại thọ
Rợp bóng mát hòa bình
Đứng đầu sóng ngọn gió! ...

Sta-lin ! Sta-lin !
Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Sta-lin ! ...

Ông Sta-lin ơi ! Ông Sta-lin ơi !
Hỡi ôi Ông mất ! Đất trời có không ?
Thương cha thương mẹ thương chồng
Thương mình thương một thương Ông thương mười...

Hay sự tàn bạo trong văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa khi đề cao cuộc đấu tranh giai cấp đẫm máu:

Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao Chủ Tịch, thờ Sít-Ta-Lin...bất diệt...

Chúng ta thử đọc những câu thơ của một Xuân Diệu tiền chiến lãng mạng:

Là thi sĩ, nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng, và vơ vẩn cùng mây
Để linh hồn ràng buộc bởi muôn dây,
Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến...

Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh
Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần
Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm
Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân...

Rồi một Xuân Diệu sau khi “trở dạ” làm thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa, làm lao động phục vụ Đảng phục vụ giai cấp vô sản, để nhận ra rằng con người có lần ru lòng mình theo tiếng Nguyệt Cầm đã thực sự đánh mất lương tri và tâm hồn thi sĩ :

...Thắng hay thua? Đời sẽ méo hay tròn ?
Trận quyết liệt!
Yên lòng và vững chí!
Ôi êm ái khi tay cầm vũ khí
Chuyên chính của ta là thép cương kiên...

Mỗi lần tranh đấu gay go
Chúng con lại được Bác Hồ tới thăm
Nghe lời Bác dạy khuyên răn,
Chúng con ước muốn theo chân của Người...
Chúng con thề nguyện một lời
Quyết tâm thành khẩn...lột người từ đây...

Anh em ơi! quyết chung lưng
Đấu tranh tiêu diệt tàn hung tử thù,
Địa hào, đối lập ra tro,
Lưng chừng phản động đến giờ tan xương.
Thắp đuốc cho sáng khắp đường,
Thắp đuốc cho sáng đình làng hôm nay.
Lôi cổ bọn nó ra đây
Bắt quỳ gục xuống, đọa đày chết thôi...

2.
Thế mà giữa đám văn nô Marxism lơ láo, trong khu vườn trăm-hoa đã vụt trỗi lên nhóm nhà văn trẻ tuổi. Họ tiêu biểu cho lớp thanh niên lớn lên trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống thù chung. Họ đã hi sinh, chịu đựng gian khổ, tranh đấu giành lại độc lập cho đất nước để rồi cay đắng hiểu ra rằng tự do, dân chủ, bình đẳng, ấm no, là lớp bánh vẽ xa vời mà chế độ Cọng Sản chỉ hẹn hò mà không thực sự mang lại. Họ trở thành tầng lớp “quần chúng văn nghệ” phải chịu cảnh đời cơ cực bất công trong cuộc sống kinh tế đồng thời bị áp bức kìm hãm khủng bố trong sáng tác. Văn thơ của họ là tiếng nói của con người thiên nhiên khác xa với lớp lối biện chứng vô sản hiện thực thiếu lương tri. Thơ đã thành tiếng gọi của Tự Do.

...cửa ngoài bằng đá tảng
Tiếng hát đẩy được vào
Vì đó là tiếng gọi của trời cao
Của đất rộng...
(Hoàng Cầm)

Ngoài những đóng góp điển hình của Minh Hoàng (Vũ Tuyên Hoàng), Trần Lê Văn (cháu nhà thơ Trần Tế Xương hay Tú Xương), kịch tác gia Hoàng Tích Linh thơ văn của Trần Dần, Phùng Quán, Tạ Hữu Thiện, Bùi Quang Đoài, Phùng Cung, là tiếng gọi sang sảng sấm truyền, đã chân thành nói lên được nghĩ suy tự đáy lòng mình cho dù ai “cầm dao dọa giết”

Phùng Quán, sinh năm 1932, người trẻ tuổi nhất trong nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm. Là một “nhà văn chân thật trọn đời”, ông làm thơ để quét sạch những rác rưởi trong xã hội. Thơ ông là lời tuyên thệ trung thành với tâm hồn của mình, suốt một đời người. Năm 1956 ông “chống tham ô lãng phí”:

...Tôi không nói quá
Về Nam Định mà xem
Đài xem lễ, họ cao hứng dựng lên
Nửa chừng thiếu tiền bỏ dở
Mười một triệu đồng dầm mưa dãi gió
Mồ hôi máu đỏ mốc rêu.
Những con chó sói quan liêu
Nhe răng cắn rứt thịt da cách mạng !
Nghe gió mùa đông thâu đêm suốt sáng
Nhớ “Đài xem lễ” tôi xót bao nhiêu
Đất nước chúng ta không đếm hết người nghèo
Đêm nay thiếu cơm thiếu áo...

Năm 1957 ông nhớ “lời mẹ dặn” làm người chân thật:

...Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều,
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Tôi muốn làm nhà văn chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô ngã tôi
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

Phần tư thế kỷ sau, thơ Phùng Quán vẫn đam mê chơn chất:

Có nơi nào trên trái đất này
Mật độ đắng cay như ở đây ?
Chín người – mười cuộc đời rạn vỡ
Bị ruồng bỏ và bị lưu đày...
Có nơi nào trên trái đất này
Mật độ đam mê như ở đây ?
Yêu đến phải vào nhà thương điên
Thơ đến phải bị còng tay...
Có nơi nào trên trái đất này
Mật độ yêu thương như ở đây ?
Mỗi tấc đất có một người quỳ gối
Dâng trái tim và nước mắt
Cho nỗi đau của cả loài người...
Có nơi nào trên trái đất này ?...
Có nơi nào trên trái đất này ?...

Trần Dần sinh năm 1924 tại Nam Định. Vào những năm cuối trung học, chịu ảnh hưởng Baudelaire và Verlaine, ông bắt đầu sáng tác thơ theo thể lối “tượng trưng”, vận dụng âm điệu để diễn tả những rung động của tâm hồn.

Chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ, ông vào bộ đội tham gia kháng chiến. Năm 1951, ông về Hà Nội nhận công tác viết báo cho cục Quân Huấn và phụ trách giảng dạy về văn nghệ nhân dân trong những lớp đào tạo cán bộ văn công. Bị phê bình giảng dạy sai đường lối của Đảng, ông xin ra công tác ở mặt trận Điện Biên Phủ. Xúc cảm trước sức chiến đấu của bộ đội và cái chết thê thảm của bạn đồng hành Tô Ngọc Vân, Trần Dần sáng tác “Người người lớp lớp”. Nhờ tập sách này ông được Đảng cho đi Trung Quốc để viết lời dẫn bằng tiếng Việt cho cuốn phim “Chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Trần Dần rất bất mãn vì bị cán bộ chính trị dốt nát về văn chương đã dùng quyền lực sửa chữa từng chữ từng câu của ông. Về đến Việt Nam, ông cùng một số văn nghệ sĩ đảng viên khác như Tử Phác, Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh, Đổ Nhuận, viết kiến nghị yêu cầu hạn chế sự can thiệp của cán bộ chính trị vào lãnh vực văn nghệ.

Trong thời gian này, Trần Dần tự tiện lấy vợ, bất chấp sự cấm đoán của Đảng. Người yêu của ông là một thiếu nữ tiểu tư sản, theo đạo Thiên Chúa. Nàng sống bơ vơ một mình ở phố Sinh Từ vì bố mẹ họ hàng đã di cư vào Nam.
Đảng vin vào cớ người yêu của Trần Dần sống bằng tiền cho thuê nhà mà bố mẹ để lại là thuộc vào thành phần bóc lột nên không chịu để một đảng viên như ông lấy vợ thuộc giai cấp “địch”. Trần Dần tự ý xin ra khỏi Đảng và khuyên vợ mang nhà cửa giao cho Nhà Nước. Họ chịu sống trong cơ cực để được yêu thương nhau.

Không lâu sau đó, Tố Hữu, ủy viên trung ương Đảng phụ trách lãnh đạo văn nghệ, ra lệnh bắt Trần Dần mang nhốt trên một nhà giam ở Việt Bắc vì ông đã công khai phê bình đả kích cuốn “Thơ Việt Bắc” của Tố Hữu. Tin Trần Dần bị bắt gây dư luận bất mãn trong giới trí thức kháng chiến. Đảng bèn phải đưa Trần Dần về mạn xuôi, bắt đi theo chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất và cho vợ ông một chân may vá ở mậu dịch Hà nội.

Năm 1956, nhóm văn nghệ sĩ kháng chiến nổi lên đấu tranh chống Đảng bằng cách cho xuất bản tập Giai Phẩm Mùa Xuân. Hoàng Cầm đến xin vợ Trần Dần bản thảo bài thơ “Nhất định thắng” ông viết năm 1954 để in trong Giai Phẩm. Số báo này vừa in xong thì bị tịch thu ngay. Đảng gọi Trần Dần về Hà Nội, mang ra “đấu” giữa một hội nghị có đông đủ các văn nghệ sĩ, quy Trần Dần tội phản động chống Đảng, đả kích Hồ Chí Minh vì các câu thơ có chữ “Người” viết hoa.

...Ôi ! Xưa nay Người vẫn thiếu tin Người
Người vẫn kinh hoàng trước tương lai...

Bị giam cầm trong nhà pha Hỏa Lò ở Hà Nội, Trần Dần quá uất ức dùng dao cạo cứa cổ nhưng không chết. Vết sẹo như là một dấu hiệu của sự áp bức văn nghệ dưới chế độ Cọng Sản.
Tháng Tám năm 1956, Việt Cọng tuân theo chỉ thị của Đệ Tam Quốc Tế, phát động phong trào “sửa sai”. Giai Phẩm Mùa Thu và báo Nhân Văn, đấu tranh mạnh mẽ hơn, cụ Phan Khôi và Hoàng Cầm trong bài viết “Con người Trần Dần” lên tiếng phản đối việc khủng bố Trần Dần và vụ tịch thu tờ Giai Phẩm Mùa Xuân. Bị công kích quá mạnh, Đảng phải thả Trần Dần về. Nhóm Giai Phẩm tái bản tờ Giai Phẩm Mùa Xuân trong đó có bài thơ “Nhất định thắng” của Trần Dần. Bài thơ dài hơn năm trăm câu, bắt đầu bằng tiếng thở dài.

Tôi ở phố Sinh Từ:
Hai người
Một gian nhà chật.
Rất yêu nhau sao cuộc sống không vui ?
Tổ quốc hôm nay tuy gọi sống hòa bình
Nhưng mới chỉ là năm thứ nhất...

Bài thơ nói lên sự đói rét và nỗi u buồn trong lòng dân miền Bắc sau ngày đất nước chia đôi.

...Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc
Đất hôm nay tấm tả mưa phùn
Bỗng nhói ngang lưng
máu rỏ xuống bùn
Lưng tôi có tên nào chém trộm ?
A ! Cái lưỡi dao cùn !
Không đứt được – mà đau !
Chúng định chém tôi làm hai mảnh
Ôi cả nước ! Nếu mà lưng tôi lạnh
Hãy nhìn xem: có phải vết dao ?
Không đứt được mà đau !
Lưng Tổ Quốc hôm nay rướm máu...

...Tôi ở phố Sinh Từ
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên mầu cờ đỏ
Gặp em trong mưa
Em đi tìm việc
Mỗi ngày đi lại cúi đầu về...

... Em đi
trong mưa
cúi đầu
nghiêng vai
Người con gái mới mười chín tuổi
Khổ thân em mưa nắng đi về
lủi thủi
Bóng chúng
đè lên
số phận
từng người
Em cúi đầu đi, mưa rơi
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên mầu cờ đỏ.
Đất nước khó khăn này
sao không thấm được vào Thơ ? ...

...Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc
Tai bổng nghe những tiếng thì thầm
Tiếng người nói xen tiếng người ầm ả.
Chúng phá hiệp thương
Liệu có hiệp thương
Liệu có tuyển cử
Liệu tổng hay chắn tổng ?
Liệu đúng kỳ ? hay chậm vài năm ?
Những câu hỏi đi giữa đời lỏng chỏng.
Ôi ! Xưa nay Người vẫn thiếu tin Người
Người vẫn thường kinh hoảng trước Tương lai ...

Cuối năm 1957, Trần Dần gửi đăng bài thơ “Hãy đi mãi” trên báo Văn nói lên ý chí cương quyết đấu tranh đòi tự do đến cùng.

...Hãy đi mãi !
Dù trên biển cả
sống như người vật vã
khắp đại dương.
Dù những con tàu
bổng nhớ bến bình yên,
còi rúc mãi những tiếng kêu rùng rợn.
Hãy đi mãi !
Dù khi cần thiết
người ta cần đói khát
vượt bình xa.
Ta bỗng có thể nhịn lâu
hơn cả lạc đà,
đi
đến những kinh thành no ấm.
Hãy đi mãi !
Dù có phen chót ngã
hãy bó đôi chân lầm lỡ
mà đi ...

... Nếu tôi bị gió sương
đầu độc,
một hôm nào ngã xuống
giữa đường đi
tôi sẽ ngã
như người lính trận
hai bàn tay chết cứng
vẫn ôm cờ...
...Nếu dĩ vãng đè trên lưng
hiện tại
nặng nề
hàng tạ đắng cay,
tôi sẽ nổ tung
ngàn kho đạn tiếng kêu
tan xác pháo
mọi cái gì cũ rích...

Tạ Hữu Thiện là một sinh viên viết văn làm thơ theo phái hiện thực xã hội. Lớn lên với tấm lòng đơn giản nhiệt thành anh thắp sáng thơ mình đi tìm tình yêu, đi tìm tâm hồn “biết ghét biết yêu” giản đơn hòa hợp như anh. Giữa xã hội miền Bắc khô cạn tình người và lối giáo dục cọng sản lọc lừa, lời thơ anh trở thành tiếng gọi đắng cay, tiếng lòng tự hỏi về một phương trời khác nơi anh sẽ tìm ra người yêu trong mộng một đời.

… Tôi đã từng yêu từng chán nản
Không bao giờ thấy nguội con tim
Không bao giờ thỏa mãn
Khát khao Em, tôi vẫn gắng công tìm.
Có phải em là người không bao giờ tôi gặp
Mới là người tôi ấp ủ trong tim ?
Nửa đời người tôi đã đi khắp cả
Kiếm tìm Em, sao chửa thấy em đâu ?
Em yêu dấu, sao mà xa lạ
Đến bao giờ thỏa ước hẹn hò nhau ? …

Hỡi tất cả các cô bạn gái
Tôi đã biết hay là tôi chưa quen,
Tôi chả bị cái gì làm lạc hướng
Nhằm áo hồng, phụ áo vá vai

Trong các bạn có chăng người yêu dấu
Mà bấy lâu tôi vẫn gắng công tìm ?
Đó chính là người tôi chửa gặp
Mới là người tôi ấp ủ trong tim.
Trên tất cả thành phần lý lịch
Trên cao sang, trên sắc đẹp diễm kiều.
Em, trọn cuộc đời tôi kiếm gặp
Chỉ là người biết ghét biết yêu.

Bùi Quang Đoài là sinh viên Văn Khoa sau ngày Cọng Sản tiếp thu Hà Nội. Anh làm chủ bút tờ báo vắn số Đất Mới, cơ quan tranh đấu chống Đảng của sinh viên. Truyện ngắn “Lịch sử một câu chuyện tình” của Bùi Quang Đoài đăng trong số báo đầu tiên và cũng là cuối cùng là nguyên nhân anh bị đuổi khỏi trường và đưa đi kiểm thảo, học tập. Trong truyện ngắn này có câu văn lãng mạng “Em hãy đếm những vì sao trên trời được bao nhiêu thì anh yêu em còn hơn thế nữa” sau này đã được nhiều người trích dẫn trong thơ truyện của mình.

“Đường trăng mà không sáng ! Bóng mây đã che mờ hẳn trăng đêm. Ánh đèn trong những gian phòng khu học xá chiếu hắt ra như những vì sao thứ tự” Đoạn văn trau chuốt mang hơi hưởng Tự Lực Văn Đoàn là dòng khơi từ cho truyện ngắn tả lại không khí sinh hoạt trong khu Học xá ở Hà Nội dưới sự kiểm soát của Đảng. Truyện kể lại một vụ cán bộ Đảng dùng uy quyền chính trị chiếm đoạt tình yêu của một nữ sinh Hà Nội thuộc thành phần gia đình tiểu tư sản.

Đồng chia cảnh ngộ với các văn thi sĩ trẻ khác trong nhóm Nhân văn – Giai Phẩm, Phùng Cung đã phải sống-trong-cảnh-chết rất nhiều năm. Sau ngày “Con ngựa già của Chúa Trịnh”, ông đã phải sống trong tận cùng nỗi thấm đau phẩm giá con người của bần cùng, sợ hãi, di lụy, kinh hoàng.

Tôi rạp đầu
Bạc tóc rạp đầu
Lạy hạt gạo thiêng !...

Trệu trạo trái sim
Ruột tím cơ hàn
Mắt trước, mắt sau
Kinh hoàng, di lụy
Quỳ gối chống tay,
Vẫn còn sợ ngã

Đăng trên báo Nhân Văn số 4, truyện ngắn “Con ngựa già của Chúa Trịnh” có ngụ ý đả kích văn thi sĩ thành danh trước kia như Xuân Diệu, Hoài Thanh, Cù Huy Cận, chỉ vì ham được vinh thân thăng tiến trong hệ thống Đảng mà cam tâm tôi đòi cho chế độ. Đời sống tôi mọi đã làm thất thoát khả năng văn nghệ cũng như tâm hồn và lương tri của người cầm viết.

Truyện viết về con Kim Bông là một quý mã “tướng phách hoàn mỹ, có sức vượt hàng nghìn dặm với cái thể cao đầu phóng vĩ của nòi ngựa chiến”. Thuở ấy chúa Trịnh đang cần tuyển mộ một đoàn kỵ binh để bình định đất nước. Kim Bông được chủ là Lão Nông thuận cho rời Phương Lộ, một thôn làng hẻo lánh phía Nam chân núi Tản, về chốn kinh thành mà theo Trịnh Chúa Công xông pha chiến trận. “Kim Bông phi như gió, giả lại đàng sau những đồi núi, cây cỏ hỗn độn của vùng Sơn Tây. Chỉ trong nửa ngày đã về đến Thăng Long”. Trong ngày hội đua tuyển mã, con Kim Bông đã làm kinh hồn táng đởm hàng nghìn ngựa tốt từ các nơi đem về. “Chỉ trong chớp mắt, con Kim Bông đã vượt lên hàng đầu, vừa hí, vượt lên, chân trước khoăm lại như móc sắt, đuôi bay như giải phướn, tưởng như chân nó không hề chạm đất”. Sau cuộc đua, con Kim Bông được tặng danh hiệu “Bạch long Thiên lý mã” và chọn làm mẫu mực để luyện tập cho cả đoàn ngựa chiến của triều đình. Từ đó “nó cùng bầy ngựa chiến xông pha chiến trận, trải nhiều trận vào sinh ra tử”. Cho đến một ngày con “Thiên lý” được Chúa Trịnh chọn cho làm mã lệnh và được vào ở trong phủ Chúa. Trong mã đài, ngày ngày chỉ ăn và tắm hoặc đứng yên cho mã phu cắt tỉa từng sợi mao, vuốt ve từng chiếc lông đuôi. Lúc đầu, nó cảm thấy bận bịu tù cẳng, lòng mơ ước cảnh sống khi còn ở ngoài cung cấm, nhưng dần rồi con Thiên lý cũng quen với gấm điều kim tuyến trên lưng và xa giá sơn son thếp vàng nó kéo đến đâu cũng vang rền lời tiền hô hậu ủng. Những lúc như vậy, nó cảm thấy mình quan trọng hẳn lên và đẹp rực rỡ như phượng hoàng.

Có lần được lệnh kéo chúa Trịnh đi duyệt một đoàn quân kỵ mã, con Thiên lý nhìn hàng quân kỵ oai dũng, chợt nhớ thuở tung hoành xưa, nó ngẩng đầu cất cao tiếng hí.

Bầy ngựa chiến òa lên cười chế nhạo. “Thôi bác ạ ! Đừng khoe tài nữa, chúng em đây ngại bác không rời được khỏi cái xe của Chúa ! Rời ra thì thóc kia trộn mật ai ăn ?”
“Con Thiên lý uất lên, muốn thoát khỏi xe xông thẳng ra ngoài để tỉ sức, nhưng trên xe lại giật cương” nên đành phải cắm đầu đi, lòng vẫn còn tin mình còn đủ sức phi lên hàng đầu.

Một ngày kia, Chúa Trịnh vì phải thân chinh đi dẹp loạn nên truyền đem mã lệnh ra đua trường ôn dượt trước khi ra trận. Viên tướng kỵ binh cúi đầu tâu. “Muôn tâu Chúa công, hiện nay trong triều đình thiếu gì ngựa chiến có dư sức vượt hàng nghìn dặm, và đã từng dự trên dưới một trăm trận. Xin Chúa công để tiểu tướng được chọn dâng một con chiến mã có sức khỏe vào bậc nhất. Còn như con mã lệnh, cứ nên để nó kéo xe; vì từ khi đem nó vào phủ Chúa, nó ăn thì nhiều lại không hề luyện tập, tài nó ắt không được như trước” . Vẫn còn tin ở tài con mã lệnh, Chúa bèn hạ lệnh cho mang con Thiên Lý ra tỉ sức cùng các chiến mã khác để tiện bề kén chọn.

“Con Thiên lý được dịp rời phủ Chúa ra đua trường. Hai cái lá đa đã được cất đi. Nó bàng hoàng nhìn giời, nhìn đất, mắt nó hoa hoa, đầu nó choáng váng. Cảnh vật như quay chong chóng, cây như mọc ngược, núi như đổ xuống. Vừa gặp đồng loại một cái, nó cố dóng hai tai bóp bụng lại lấy hơi hí một tiếng để dương oai. Nhưng tiếng hí của nó vừa hé ra thì cụt lủn như có vật gì nút lấy mõm. Các đồng loại của nó cũng nhe răng ra cười rồi cùng cất tiếng hí làm cho nó càng uất. Không chờ tiếng trống lệnh, nó đã lồng lên, tức thì các đồng loại của nó cũng bỏ vạch rượt theo. Tiếng trống liên hồi, con Thiên ly càng cắm đầu cắm cổ chạy. Nó đã tưởng mình thắng cuộc, nó đắc chí ngoảy đầu lại thì bọn ngựa chiến đã tới sát đàng sau. Chỉ trong chớp mắt nó bị tụt lại. Không chịu, nó càng lồng lên. Bổng nó thấy nhói một cái ở trong ngang bụng như bị một nhát gươm chém mạnh, nó ngã vật xuống, vùi đầu trong bụi lốc của đàn ngựa bay qua, nó biết là đứt ruột, không thể sống được. Nó gắng mở to hai mắt, rên lên một tiếng như nói rằng: Tiếng tăm lừng lẫy như ta chỉ có thể chết ở chiến trường. Nhưng, than ôi ! Bãi cỏ này cũng là bãi chiến trường, chết thế này cũng là chết vì giang sơn, vì Chúa ! “
Trước hơi thở cuối cùng, nó lấy hết sức tàn, ngóc đầu lên cao, co co hai chân trước, thẳng thẳng hai chân sau, chừng như cố để giữ lấy cái thế “cao đầu phong vĩ”…

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua từ sau mùa trăm-hoa Nhân Văn - Giai Phẩm.
Những con người tuổi trẻ muốn làm nhà văn chân thật trọn đời đã hiện thực giấc mơ được làm người-tự-do trong tư tưởng. Họ chắt chiu lấy giấc mơ mình như niềm hạnh phúc lẫn bi thương đã hiện hữu cùng với sự lựa chọn được làm người-chân-thật. Họ đã trả đắt giá cho sự lựa chọn cao quí của mình để làm “người biết ghét biết yêu” nhiều khi trong giam cầm, đói khát, hãi hùng.

Sau nhiều năm quá trễ, tập đoàn Cọng Sản qua những tay cặp-rằng văn nghệ miền Bắc có làm vài bản “tự kiểm”, “xét lại” nửa vời, kẻ cả, và xem ra thỏa mãn với hành vi “sửa sai” tiến bộ của mình. Thực tế thì hai mươi năm sau ngày đấu tố ruộng đất, cuộc đấu tố văn học lại tái diễn vào những năm sau 1975, như Tần Thủy Hoàng đã thẳng tay “đốt sách chôn học trò” hằng ngàn năm trước ở Trung Hoa.

Những năm hòa bình ngắn ngủi ở miền Nam Việt Nam trong thời kỳ Đệ Nhất Cọng Hòa vừa giúp manh nha những hoạt động văn học có kích thước thì ngọn lửa chiến tranh dấy động bởi Cọng Sản miền Bắc dưới chiêu bài giải phóng đã đốt cháy tất cả vốn liếng vừa gom.

Chúng ta hiểu tại sao những nguồn tư tưởng triết học vĩ đại của Trung Hoa rực sáng tiên phong suốt thời Đông Chu Liệt Quốc chỉ để rồi trì trệ thụ động suốt hai ngàn năm sau đó.

Chúng ta hiểu tại sao, hơn nửa thế kỷ qua và có thể còn lâu trong tương lai,Việt Nam vẫn chờ đợi một nhà thơ lớn, một nhà văn lớn, một tác phẩm lớn.

Phan thái Yên
10/2004
(Viết theo tài liệu từ Đặc San “Trăm Hoa Đua Nở trên đất Bắc”, Tủ Sách Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa Sài Gòn, 1959)