SỐ 20 - THÁNG 11 NĂM 2003

 

Thư Tòa Soạn

Thơ

Trên tàu hỏa
Nguyên Nhi
Mùa thu trên đất khách
Huỳnh Kim Khanh
Tháng 7
Hoàng Mai Phi
Mùa thu và em
Nguyễn Vĩnh Châu
Lá tình
Tóc Tím
Thăm lại trường xưa
Ngọc Trân
Ngày trở lại phòng mổ
Dã Thảo
Thu vắng
Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn - Tùy bút

Con gà trống của người lính tù tuẫn nạn
Phan Thái Yên

Đứng giữa cơn bão rớt
Phạm Hồng Ân
Bỏ chốn mù sương
Song Thao
Thoáng tình cuối đông
Hoàng Mai Phi
Cái lồng đèn Trung Thu ... méo
Cỏ Biển
Lá thư không gởi - Kỳ 7
Trương Thanh Diễm Thùy - Bảo Lộc
Chiến tranh

Trần Phương
Thoáng rơi những giọt trăng ...
Vũ Hoàng Thư
Một thoáng ngoài kia

Ảnh: Ngô Văn Sơn
Thơ: Vũ Hoàng Thư

Biên Khảo

Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam
Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Thằng Nèm
Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 14
Huỳnh Kim Khanh


 

Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam (kỳ 7)

 

Biên khảo văn học
Tác giả: Hoàng Thiếu Khanh

Sáng hôm sau, kiệu hoa mang tới để đón Kiều về nơi tạm trú. Buổi chia tay thật là buồn bã:

Đau lòng kẻ ở người đi
Lệ rơi thấm đá tơ chia rũ tằm
Trời hôm mây kéo đen rầm
Dàu dàu ngọn cỏ đầm đầm cành sương

Câu thứ ba mượn ý từ câu thơ chữ Hán:

Hoàng hôn dục vũ hắc như lam

Trong lúc cô đơn buồn tủi, Kiều tiếc thương thân phận và tự trách mình sao trước kia đã không để cho Kim Trọng làm tình cái đêm trăng hẹn hò thơ mộng ấy:

Phẩm tiên rơi đến tay hèn
Hoài công nắng giữ mưa gìn với ai
Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung!

Mã Giám Sinh chẳng qua cũng chỉ là một tay bợm già, cá mè một lứa với mụ Tú Bà, chủ một thanh lâu ở Lâm Truy:

Lầu xanh có mụ Tú Bà
Làng chơi đã trở về già hết duyên
Tình cờ chẳng hẹn mà nên
Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường

Và cái thân ngàn vàng của Kiều bị nhơ nhuốc về tay họ Mã:

Tiếc thay một đóa trà mi
Con ong đã tỏ đường đi lối về
Một cơn mưa gió não nề
Thương gì đến ngọc tiếc gì đến hương

Tờ mờ sang hôm sau đêm "tân hôn", Mã Giám Sinh đã giục giã lên đường.

Đoạn trường thay buổi phân kỳ
Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh

Vương ông mở tiệc tiễn đưa Kiều về nơi đất khách.
Người ta lên xe hoa về nhà chồng đều trong hoàn cảnh êm đềm, thong thả, riêng Kiều thì khác hẳn:

Đùng đùng gió giục mây vần
Một xe trong cõi hồng trần như bay

Đi về nhà chồng một cánh điên cuồng, vội vã như lao vào cơn bão táp cuộc đời đang chờ đợi nàng cuối nẻo đường mưa gió.

Trông vời gạt lệ phân tay
Góc trời thăm thẳm, ngày ngày đăm đăm
Nàng thì dặm khách xa xăm
Bạc phau cầu giá, đen rầm ngàn mây
Vi lô san sát hơi may
Một trời thu để riêng ai một người

3.2.3. Kiều ở thanh lâu lần thứ nhất.

Đi đường bộ một tháng ròng rã, họ về đến Lâm Chuy:

Xe chân dừng bánh cửa ngoài
Rèm trong đã thấy một người bước ra
Thắt trông nhờn nhợt màu da
Ăn chi to lớn đẫy đà làm sao
Trước xe lơi lả han chào

Tố như đã áp dụng tướng mệnh để tả một người hạ tiện, gian ác.
Kiều cũng vâng lời, bước xuống xe đi vào bên trong. Nàng chứng kiến một cảnh tượng lạ lùng chưa từng thấy trong đời tiểu thơ khuê các:

Bên thì mấy ả mày ngài
Bên thì ngồi bốn năm người làng chơi
Giữa thì hương lửa hẳn hoi
Trên treo một tượng trắng đôi lông mày

Các lầu xanh ngày xưa hay thờ bạch mi xích nhãn thần (thần mắt đỏ, mày trắng ), ông tổ của phường buôn hương bán phấn.
Kiều còn đang ngơ ngẩn, ngây thơ thì mụ Tú Bà đã bắt đầu khấn lạy trước thần mày trắng:

Cửa hàng buôn bán cho may
Đêm đêm hàn thực, ngày ngày nguyên tiêu
Muôn nghìn người thấy cũng yêu
Xôn xao anh yến, dập dìu trúc mai
Tin nhạn vắn, lá thư dài
Đưa người cửa trước, rước người cửa sau

Lễ xong mụ nhảy tót lên giường ngồi và bắt Kiều lạy:

Dạy rằng con lạy mẹ đây
Lạy rồi sang lạy cậu mày bên kia
(ám chỉ Mã Giám Sinh )

Thúy Kiều đinh ninh rằng họ Mã cưới mình về làm thiếp. Nàng không khỏi ngỡ ngàng trước hoàn cảnh éo le. Tuy nhiên Kiều cũng cố bình tĩnh tìm lời phân trần:

Nàng rằng phải bước lưu ly
Phận hèn vâng đã cam bề tiểu tinh
Điều đâu lấy yến làm anh
Ngây thơ chẳng biết là danh phận gì
Đủ điều nạp thái vu qui
Đã khi chung chạ lại khi đứng ngồi
Giờ ra thay bậc đổi ngôi
Dám xin gửi lại một lời cho minh

Chữ "tiểu tinh" ám chỉ vợ bé.
Phần Tú Bà cũng không dè Mã Dám Sinh đã "phỏng tay trên", dám ăn ngủ với Thúy Kiều, là mất giá món hàng của mụ.

Mụ nghe nàng nói hay tình
Bấy giờ mụ nổi tam bành mụ lên
Này này sự đã quả nhiên
Thôi đà cướp song chồng min đi rồi
Bảo rằng đi dạo kiếm người
Đem về rước khách kiếm lời mà ăn
...
Màu hồ đã mất đi rối
Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma
Con kia đã bán cho ta
Nhập gia phải cứ phép nhà tao đây
Lão kia có giở bài bây
Chẳng văng vào mặt mà mày lại nghe
Cớ sao chịu tốt một bề
Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao?

Kiều phẫn uất rút dao toan tự sát:

Thương thay tài sắc bậc này
Một dây oan nghiệt, dứt dây phong trần

Trong lúc vội vã và hoang mang, nàng chưa kết liễu cuộc đời oan nghiệt, chỉ bị thương sơ sài rồi ngất xỉu. Tú Bà liền gọi thầy thang thuốc.
Trong lúc hôn mê, Thúy Kiều chợt thấy bong Đạm Tiên hiện về:

Rỉ rằng: Nhân quả dở dang
Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao?
Số còn nặng nghiệp má đào
Người dù muốn quyết, trời nào đã cho
Hãy xin hết kiếp liễu bồ
Sồng Tiền Đường sẽ hẹn hò về sau

Với những lời lẽ ấy, Đạm Tiên mách bảo rằng Kiều còn nặng nợ, không thể chối bỏ hay trốn chạy được. Khi nợ phong trần đã trả xong, Đạm Tiên sẽ gặp lại Kiều mà nơi hò hẹn là sông Tiền Đường...

Thang thuốc được mộ ngày thì Kiều tỉnh lại. Tú Bà tìm lời dịu ngọt, dỗ dành Kiều và cho nàng ra ở riêng ở lầu Ngưng Bích. Mụ biết dùng bạo lực không hiệu quả nên đổi chiến thuật. Và Kiều quá ngây thơ nên rơi vào bẫy của mụ cao già dân thân vào con đường buôn hương bán phấn.


( Còn tiếp)