XUÂN GIÁP THÂN SỐ 21 - THÁNG 1 NĂM 2004

 

Thư Tòa Soạn

Thơ

Biển và Ta
Tôn Thất Phú Sĩ
Hình như đã yêu em
Huỳnh Kim Khanh
Mai Hương
Hoàng Mai Phi
Đầu xuân khai bút
Nguyễn Vĩnh Châu
Chút mặt trời
Đường Du Hào
Tiết xuân
Đường Sơn
Biển đêm
Phạm Tương Như
Lại một năm trôi qua
Hà Phú Đức
Xuân này nữa mấy xuân rồi

Ngọc Trân
Bài hoa đào cuối cùng
Dã Thảo
Lưu vong
Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn - Tùy bút

Ngõ sau phố cũ đường xưa
Phan Thái Yên

Dấu vết
Nguyên Nhi
Âm vang ngàn sóng
Song Thao
Mùa xuân khó quên
Hoàng Mai Phi
Tết Nguyên Đán Made in USA
Đường Du Hào
Tàn đông
Cỏ Biển
Hồi ký bạn tù

Hoàng Quốc Việt
Mùa hái tình sầu
Phan Thái Yên
Xuân nguyên thể

Vũ Hoàng Thư
Một thoáng ngoài kia

Ảnh: Ngô Văn Sơn
Thơ: Vũ Hoàng Thư

Biên Khảo

Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam-Kỳ 8
Hoàng Thiếu Khanh
Apricot
Viên Đinh Trần Ken

Truyện dài

Vô tình cốc - Kỳ 15
Huỳnh Kim Khanh


 

ngõ sau
phố cũ
đường xưa


Tuần trăng cữ nước tình cờ
Lạc loài du tử mắt mờ viễn phương
Tàn canh mộng đổ vô thường
Bơ vơ quán trọ khói sương đọa đày

Tuệ Sỹ

Người lưu dân lặng đứng bên ngõ sau vườn nhà, lòng hẫng buồn như vừa lỡ chuyến đò ngang. Mùa hạ hanh hao thiếu vắng những ngày mưa chừng như đã qua từ lâu lắm. Biền biệt trong trí nhớ, chuỗi hạt bong bóng nước vỡ tan trong lòng phố chiều xưa là tiếc nuối bây giờ, khoác muộn phiền lên hàng cây hững hờ cánh áo thu rơi.

Dáng liễu gầy guộc Đường Thi soi bóng xuống mặt hồ gợn sóng làm đong đưa quầng lá bông súng xanh ủng muộn sắc vàng phai. Cây liễu bên hồ Mẹ trồng nhiều năm trước, dịp bà từ quê xa qua thăm con cháu. Dòng lá rũ phất phơ như tóc Mẹ chiều hôm. Từ ngày về lại quê, mỗi lần con cháu gọi thăm, Mẹ vẫn không quên hỏi thăm cây liễu đã lớn tới mô rồi? Mùa đông trước, khi nhận tấm hình cây liễu chỉ trơ nhánh khẳng khiu đọng tuyết trắng, Mẹ lo mãi cho đến khi nhận được hình mới với thân cành xanh tươi lá cuối xuân. Như Mẹ vẫn một đời lo lắng cho bầy con tám người mà đứa út tóc đã chớm hai màu. Mẹ dẫn con đến trường. Mẹ tiễn con đi lính. Mẹ thăm con trong quân y viện. Mẹ tiếp tế cho con tháng ngày cải tạo. Mẹ băng đại dương để được nhìn tận mặt con cháu ăn ở ra răng nơi đất khách quê người. Mẹ hăng hái gậy trúc ra tận phi trường đón cháu về thăm. Mẹ cười trong điện thoại. Mẹ dẫn cháu đi thăm mộ Ông Nội. Thằng Bờm lắc đầu le lưỡi nhìn sinh phần của Mẹ đã xây xong cạnh mộ phần Ông Nội. Mẹ sẵn lòng theo Cha về nơi vĩnh cửu như từ một thuở đầu đời Mẹ đã về với cha son sắt. Và Mẹ vẫn sống vui từng ngày, như một hằng sống tận tụy thiết tha.

Buổi chiều thu sẹ bước về phía chân ngày. Lá đồi phong vàng ối bên kia bờ hồ chen trong màu tím đỏ của sồi giẻ chảy miết theo ráng chiều về phía chân trời ủ bóng hoàng hôn. Chiều chỉ lặng lờ chút gió sao lòng chợt khơi vương niềm nhớ khôn nguôi.

Chiều chiều ra đứng ngõ sau.
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều...
(1)

Ngọn gió quê vẫn lịm ngút trời xa nên ngõ vườn sau trên từng chiều lưu xứ là nơi để tựa lưng trông ngóng thẫn thờ. Từng ngọn lá vàng lả tả rơi vào im vắng, nương chìm trong ngút ngàn thu phong nhuốm màu chiều bất tận quan san. Bầy vịt trời quang quác gọi nhau, giỡn đùa trên mặt hồ, vùng nước lưu dung của chim trên đường di trú. Hàng năm từ những ngày đầu thu, bầy chim quen sớm từ bỏ bãi hồ phương Bắc bay về sống tạm trên vùng nước lặng không xa ngõ vườn sau. Xóm nhà vắng vẻ choàng quanh bờ hồ như vui hơn với tiếng chim rộn rã gọi bầy và từng đôi cánh biếc sải đùa trên mặt nước vướng màu thu. Thế rồi cái lạnh từ biên hồ chẳng lâu sau nhón gót len theo, se buốt cơn tuyết đầu mùa, bầy chim lại đàn lũ gọi nhau sải cánh về vùng nắng ấm phương Nam.

Người lưu dân đăm nhìn gia đình bầy vịt bơi lội quây quần giữa hồ mà lòng cứ mãi bâng khuâng. Một ngày bốn năm trước, cô con gái trong lúc dạo quanh bờ hồ đã tình cờ thấy một chú vịt con thương tích bị bỏ lạc đang cuống quít kêu thương. Cô bé nhân từ bồng chú vịt về nhà. Bố mẹ chiều con, thuận ý để con gái dùng góc phòng dưới tầng hầm ngôi nhà làm cơ ngơi cho chú vịt vào những ngày đông. Con Thúi, lớn nhanh như thổi nhờ sự chăm sóc của cô bé, luôn quẩn theo chân chủ trong vườn nhà vào những ngày nắng ấm hoặc nô nức lội quanh vầng lá màu lục biếc điểm những nụ hoa súng hé nở như bàn tay con gái chúm thuôn hồng. Một buổi sáng mùa thu năm cô bé chuẩn bị xa nhà tiếp tục việc học, lần đầu tiên Con Thúi vụng về sải cánh bay lao chao trên mặt hồ trước đôi mắt vui buồn lẫn lộn của người đã cứu nó thoát chết thuở còn bé bỏng. Gia đình bầy chim thiên cư lạ lẫm nhìn anh chàng vịt có bộ lông cánh màu sặc sỡ hơn chúng đang thảnh thơi bơi lội trên mặt hồ lắng nước. Thế nhưng chỉ vài ngày sau, cô gái đã thấy Con Thúi nô nức theo đàn bay lượn trên nóc hàng dương ven hồ. Nó thỉnh thoảng bay về phía cô gái đứng bên gốc liễu, cất tiếng quang quác gọi nài xin kéo dài cuộc vui.

Buổi chiều cuối cùng trước ngày cô gái đi học trường xa. Như những lần trước, con vịt bạn bay liền cánh với Con Thúi đứng im lìm giữa vườn sau, chờ nhìn bạn theo cô gái đi khuất vào nhà trước khi lẻ cánh bay về hồ nước. Cô gái ôm chú vịt vào lòng thủ thỉ, vỗ về, rồi một mình bước khuất vào cánh cửa đóng chặt sau lưng. Con Thúi đứng lặng hồi lâu trước khung cửa khép rồi bay lên nóc nhà mát cuối vườn. Nó rũ cánh âu sầu nhìn khung cảnh quen thuộc một lần cuối trước khi theo bạn bay vào cuộc đời mới.

Năm sau, đôi lần chú vịt bỏ bầy bay về đứng ngơ ngác nhìn khu vườn yên tĩnh, thiếu vắng tiếng cười giòn tan của cô gái và người anh. Chỉ còn cha mẹ cô gái đứng tựa ngõ sau, im lìm như cặp chim câu già, đưa tay vẫy chào lúc Con Thúi sà cánh lướt qua. Họ khuyến khích con cái bay cao bay xa, thi thố với đời, còn họ thì ở lại vườn sau buồn nhớ quẩn quanh. Như cô gái đã một chiều giã từ chú vịt con lưu lạc ngày nào rồi khóc một mình sau khung cửa khép, nghĩ đến ngày mai chú vịt thân yêu và chính mình bay xa vào tương lai thách đố.

Người lưu dân thẫn thờ nhìn con vịt đầu đàn với đôi cánh màu sặc sỡ đang cùng bầy trầm lặng bơi thành vệt dài trên mặt hồ im sẩm bóng chiều. Có lẽ vịt đã quên khoảnh vườn nhỏ nhoi của một thời chưa tháp cánh bay. Có lẽ mùa đông đang đến sẽ dài lê thê vì những đứa con ở xa, lần đầu tiên trong đời, sẽ không thể kịp về vào những ngày lễ tết. Quê xa, mẹ già đang bệnh nặng. Có lẽ là cơn bệnh cuối đời mẹ. Có lẽ nào ông vẫn mãi lần lữa khất hẹn một chuyến trở về?
Nửa vầng trăng chiều len qua chân ngày, huyễn khuyết trên ngọn cánh rừng phong. Nửa vầng trăng. Vầng trăng ai xẻ làm đôi... (2). Mảnh trăng chẻ đôi long đong trời quê cũ. Và chơi vơi nửa vầng kia đã nào nguôi nỗi sầu viễn xứ... Nơi nào là Quê-Nhà cho một kiếp thiên di, cho bầy chim trốn tuyết đang bơi lội trong vùng nước sẽ đóng thành băng vào những ngày đông đang tới. Câu hát cũ về một ước muốn quay về, ngồi yên dưới hiên nhà (3) trong màu trăng ngát lừng hương bưởi vườn khuya, rời rạc tìm đến đầu môi, ấp úng bạc nhược như một nỗi muộn phiền...

Hơi nước quyện se sắt thu phong, lãng đãng trên mặt hồ lớp sa mù giăng mắc bâng khuâng. Có phải bụi thu mờ hay lớp phấn bụi miên liễu Đông Pha âu sầu cố quận ? Dạ lai u mộng hốt hoàn hương (4). Đêm qua ông cũng nằm mộng trở về quê. Mơ trở về làm đứa bé thơ trong vòng tay mẹ, chỉ để rồi bừng mắt dậy, đếm canh dài, trở lăn với nỗi ray rứt của tháng ngày biền biệt trôi đi không trở lại. Nhân hành do khả phục. Tuế hành na khả truy (4). Người đi mong có ngày về. Tháng năm đi mất khôn bề đuổi theo. Mẹ già một nắng hai sương, biết Mẹ có còn chờ được ngày về của đứa con xa vẫn ôm mối sầu hoài vọng quê hương. Diệc dục cử hương phong. Độc xướng vô nhân họa (4). Quê xưa tình dẫu đượm dày. Nỗi riêng ấp ủ, phân bày cùng ai...

Hàn Giang mòn mỏi phương trời nhớ.
Ấp ủ trong tim những tháng ngày...
(5)

Phố cũ trời quê xưa. Cánh rừng dương ôm quanh bờ vịnh cuối phố, mở ra lối biển, chớp tắt ngọn hải đăng chóp núi u hoài. Con đường từ Trẹm, kiêu sa hàng cây bạc hà vương vóc liễu, theo áo lụa em về dọc bờ sông đỏ rưng sắc phượng. Ngôi trường Trung Học không xa dòng sông, cao vời bóng tàng cây xà cừ chở che dãy phượng vừa lớn xanh mướt lá. Bóng mát cây sao, kiền kiền, trên lối Nguyễn Hoàng, Quang Trung, Thống Nhất, che mát bầy áo trắng đường trưa. Con dốc nắng ướt lưng thiếu nữ, bịn rịn mái tóc thề như e ấp gọi mời chân ai theo bước lối về Ga Lớn. Giàn bông giấy trước sân nhà rực tím màu hoa khuất sau vách cổng cao vừa khép làm ngại ngần gã học trò lơ đãng lỡ chọn lối rất xa để trở về nhà. Những dịp nghĩ bất ngờ hai giờ sau thì luôn quá ngắn cho chuyến phà qua sông, theo con đường dương liễu dẫn tới Mỹ Khê rộn sóng hay đạp xe thành bầy qua ngã Đò Xu êm đềm bến nước, chát chát chua chua trái ổi sân chùa Bà Quảng.

Bóng mát hàng cổ thụ thả xuống khoảng sân gạch mát rượi của những ngôi đình làng cuối cùng của một thế hệ. Những mái đình Hải Châu, Thạch Thang, Thạc Gián, Nại Hiên, cũ kỹ rêu phong rải rác trong thành phố còn ghi lại biết bao kỷ niệm êm đềm của thời thơ trẻ. Bầy học trò mải mê "đá xóm" dưới bóng cây bàng, mù u. Vị ngọt ngọt chát chát của trái bàng, trái mù u và nước giếng thì luôn sẵn sàng cho lúc nghĩ mệt giữa trận đấu. Banh là trái bưởi lấy trộm từ miếu Tân Thành đem ra đình Nam Dương để đá phục thù cho cuộc chiến bại hôm qua. Bãi cát cuối đường Triệu Nữ Vương trước đình Thạch Thang, một tối thứ Năm mỗi tháng, là đấu trường quần vật của đám con nít xóm trước đồn Cảnh Sát Hoàng Diệu trong khi chờ xem phim. Ty Thông Tin chiếu thời sự Tổng Thống Diệm đi kinh lý trước khi vào những phim chính như Chúng Tôi Muốn Sống, Ánh Sáng Miền Nam, Đất Lành mà bọn trẻ hầu như đứa nào cũng thuộc từng cảnh phim.

Ngôi trường tiểu học ở đầu ngã vào thành phố, khuất sau xóm nhà tranh nép mình dưới bóng mát hàng cây sầu đông dọc theo lối đi lầy cát. Từng chùm hoa màu tím nhạt lấm tấm trắng, phất phơ trong gió cuối xuân, tỏa hương nồng ngát đến tận đình làng phía sau trường học. Ngôi đình bề thế có voi chầu hai bên sân gạch rộng, nhìn xuống bàu nước phủ hoa bèo chen lẫn với những nụ bông súng trắng hồng. Nằm trên lưng voi, hấp háy nhìn sợi hoa xoài đong đưa theo tầng mây trắng trên cao, đôi mắt trẻ thơ chợt ríu lại êm đềm.

Đường đi học là quãng đường quê từ xóm Mả Vôi, băng qua đường rầy xe lửa rồi men theo bàu Thạc Gián mát rượi bóng tre trước khi đến trụ sở xã nhìn ra phía đường Hùng Vương. Cống nước ngã ba Cây Quăng chảy siết vào những ngày mưa, chiếc rớ cất lên, vài con cá mắc nạn hốt hoảng búng mình bạc trắng . Sáng nào cũng thế, cậu bé rẽ vào Vườn Ương Thạc Gián đứng chờ đứa bạn cao hơn mình cả cái đầu, khuôn mặt khờ xấu, từ ngôi nhà nhỏ cuối góc vườn ương đi ra để cùng đến trường. Chia nhau mẫu bánh mì, củ khoai lang, hai đứa đi dọc dưới hàng cây vừa-mù-vừa-u đến tận ngã ba Cai Lang rồi rẽ theo lối cát vào trường.

Đầu năm lớp Tư, phải hết mấy tuần, cậu bé mới viết và gọi đúng tên người bạn mới.
Huờn. Tôn Thất Huờn. Người cha dòng dõi vương tộc mà cục mịch ít nói, suốt ngày lo phụ việc chăm sóc cây con trong vườn ương. Huờn không thích tên của mình mấy vì có lần cậu bé nghe hắn cằn nhằn với mạ. Răng hồi nớ cha mạ không đặt tên tui là Hùng hay Hưng nghe cho hay? Gán chi cái tên mà bạn bè không đứa mô kêu được hết... Bà mẹ thương con, an ủi. Ôn nội mi chữ nghĩa cả bồ, đặt tên cháu ý nghĩa cao siêu, mi vói chưa thấu rứa thôi. Đừng chê mà tội ôn con ơi...

Ở đâu rồi đứa bạn của một thời tuổi nhỏ. Những người bạn một thuở lớn lên. Đâu rồi chiếc nôi êm trong căn nhà kỷ niệm. Cơn lốc chiến tranh thổi tràn qua quê hương, quay cuồng trong đó một lũ người tuổi trẻ, chọn lựa, tan tác, điêu linh... Họ cùng trở nên già nua từ bên kia biển ngó về nhau, hoang mang một thời để nhớ, lồng lộng hoa niên.
Gần đây ông tình cờ đọc bài viết từ trong nước của một người bạn thời trung học. Bài văn hay, thành thật nỗi gợi nhớ man mác về một mùa hoa sữa đơm hương trên thành phố miền Nam Trung Phần nơi gia đình anh sống từ gần ba mươi năm qua. Bài viết còn nhắc đến "cốm mới" Hà Nội như một gợi nhớ để mà hoài niệm về cốm ở Quảng Nam, quê nhà anh đã bỏ đi để tha phương cầu thực bao năm. Bài viết mang lại cho ông nỗi ưu phiền. Phải chăng ông đã xa quê hương quá lâu hay bạn ông đang mất mát một quê xưa tự cõi lòng mình? Hay đấy chỉ là ước lệ mới, buồn cười, của một số người viết bên đó, hiện giờ? Dù sao thì ông thà được buồn cười hơn là phải vướng mang thêm một nỗi buồn. Những năm gần đây, phải đợi đến sau khi một anh chàng nhạc sĩ Huế ra Hà Nội viết được bài hát hay hay về mùa Thu ngoài đó, người ta chợt thấy nhan nhản thơ nhạc nhiều màu về hoa sữa, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, "mùa cốm xanh về"...

Kỷ niệm là con đường ngắn nhất đến từ tim, không vòng vo, dừng lại, đi quanh. Nhớ về Nha Trang nào ai quên được hàng dương liễu dọc theo đại lộ Duy Tân, con đường ven biển từ Tòa Tỉnh đến Cầu Đá. Ôi Nha Trang! liễu xanh, biển xanh, khi mái tóc còn xanh... như lời thở than của người bạn lưu vong mỗi khi nhớ về thành phố biển quê nhà. Người bạn Hoàng-Thư nhớ về những cây bàng gần trường Võ Tánh lá trở màu khi trời bắt đầu thu, nhớ "hàng me cao lá hát như reo" dẫn đến trường Nữ Trung Học dọc theo quân y viện Nguyễn Huệ. Như ông nhớ về tuổi thơ Đà Nẳng mát rượi bóng cây kiền kiền hay vết sướt chùm trái chà là trên lối núi Phước Tường. Nhớ Đường Hàng Đoát nón lá che nghiêng, nhớ trưa nắng Kim Long rạo rực bóng dâu, nhớ đường phượng bay xa thắm ngã về Tây Lộc, nhớ nước Bến Ngự êm đềm bóng tre của những ngày hè ở Huế... Quên sao đành, cho dù cơn lốc cuồng xoay vẫn thổi rạc rài qua từng mùa chướng. Kỷ niệm thật thà chỉ đến từ dòng sông cũ từ bóng mát tuổi thơ của riêng mình. Khác hơn, chỉ còn là một thất thoát thương tâm.


Sương lan kín mặt hồ. Nửa vầng trăng treo hao hớt chơ vơ trên nóc cánh rừng phong lá rụng, hư huyễn tìm bóng mình khuất chìm đâu đó dưới đáy hồ thu . Tiếng vịt gọi bầy lãng đãng gần xa, âm vọng mơ hồ một bến bờ mãi kiếm tìm để dừng đôi cánh mỏi.

Người vợ choàng lên vai chồng tấm áo lạnh. Họ cùng bước vào nhà qua khoảng vườn sau phủ bóng tối. Ánh lửa lò sưởi bập bùng đêm xa xứ...

Phan thái Yên
Mộ Thu Quý Mùi


(1) Ca dao
(2) Nguyễn Du - Đoạn Trường Tân Thanh
(3) Nhạc Trịnh Công Sơn
(4) Tô Đông Pha
(5) Vương Ngọc Long