XUÂN GIÁP THÂN SỐ 21 - THÁNG 1 NĂM 2004

 

Thư Tòa Soạn

Thơ

Biển và Ta
Tôn Thất Phú Sĩ
Hình như đã yêu em
Huỳnh Kim Khanh
Mai Hương
Hoàng Mai Phi
Đầu xuân khai bút
Nguyễn Vĩnh Châu
Chút mặt trời
Đường Du Hào
Tiết xuân
Đường Sơn
Biển đêm
Phạm Tương Như
Lại một năm trôi qua
Hà Phú Đức
Xuân này nữa mấy xuân rồi

Ngọc Trân
Bài hoa đào cuối cùng
Dã Thảo
Lưu vong
Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn - Tùy bút

Ngõ sau phố cũ đường xưa
Phan Thái Yên

Dấu vết
Nguyên Nhi
Âm vang ngàn sóng
Song Thao
Mùa xuân khó quên
Hoàng Mai Phi
Tết Nguyên Đán Made in USA
Đường Du Hào
Tàn đông
Cỏ Biển
Hồi ký bạn tù

Hoàng Quốc Việt
Mùa hái tình sầu
Phan Thái Yên
Xuân nguyên thể

Vũ Hoàng Thư
Một thoáng ngoài kia

Ảnh: Ngô Văn Sơn
Thơ: Vũ Hoàng Thư

Biên Khảo

Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam-Kỳ 8
Hoàng Thiếu Khanh
Apricot
Viên Đinh Trần Ken

Truyện dài

Vô tình cốc - Kỳ 15
Huỳnh Kim Khanh


 

Tết Nguyên Đán Made in USA

 

Tàn Đông thì hẳn phải Xuân
chúc em dáng nguyệt mấy tuần chẳng phai
để còn gương lược trâm cài
về thăm anh với đôi hài tuổi thơ.

Sáng nay Xuân đến bên thềm
hỏi thăm mới biết rằng em không về!

Đường Du Hào

Nếu nói theo tiêu chuẩn của Tía tôi: "quân tử là người có cái bụng lớn chứa cả một chiếc tàu" thì tôi là một tiểu nhân chính hiệu; nội tạng của tôi trong những năm gần đây, không chứa nổi lượng nước để có thể an giấc mà ngáy qua đêm, suốt sáng, như lúc còn trẻ. Có lẽ vì vậy mà nương tử của tôi hay lẹ miệng mắng yêu: "Cái ông già này! Trời chưa sáng đã lục đục như gà." Đúng vậy, tôi sanh tật thức dậy rất sớm. Mà đã dậy sớm thì tôi thế nào cũng phải làm một cái gì cho lại vốn. Hôm nay, tôi quyết định viết một cái gì đó cho số Xuân như một lì xì tượng trưng kẻo bạn bè cho là tôi đã quá vãng, theo ông theo bà rồi.

Bây giờ là 5 giờ sáng. Tôi đang ở Bắc Mỹ, phần đất mang tiếng mưa rộng rãi, nắng tiết kiệm. Chỉ mới tàn thu thôi mà tuyết đầu mùa đã rơi (xong rồi, tan rồi, cách đây hai tuần trước), trời đã lạnh đóng băng cả mặt hồ và lột trần cả cây cối trong khuôn viên thành phố thủ phủ. Bên chén canh dưỡng sinh bốc khói (cái này là mode đang thịnh hành), tôi chợt nghĩ đến năm đã cùng tháng đã tận, Tết nhất sắp đến, và thoáng nhớ lại những ngày Tết của tôi trên xứ Mỹ.

Nếu trí nhớ tôi còn làm việc thì hình như thi hào Nguyễn Du trong Kiều có viết: "Ma đưa lối, quỷ dẫn đường. Chọn chi cái kiếp đoạn trường mà đi". Kể từ sau chuyến ra đi đoạn trường đó đến nay đã gần 30 năm qua, thời gian tôi định cư tại thành phố Ô Lâm Bì này còn lâu hơn tôi đã ở Ninh Hòa, nơi chôn nhau cắt rốn, cái điểm tựa linh hồn cuối đời. Phần nữa, tôi định cư trúng vào một địa phương không mấy thích ứng cho người mình -mười gia đình dọn đến đây có khoảng tám hát bài "au revoir". Tiếc thay, cùng với sự vắng vẻ người mình, phai nhạt của màu tóc, cạn cùn của trí nhớ, những ngày Tết thiêng liêng, rạo rực của tuổi nhỏ cũng vì thế đi vào lãng quên gần hết. Bù lại, tôi có cái Tết Nguyên Đán made in USA của riêng tôi.

Trước khi nói đến "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh", tôi muốn nói sơ qua về "dân mình" trong thành phố tôi ở. Olympia hay Ô Lâm Bì như cách đọc của người "các chú", là thủ đô của tiểu bang Hoa Thịnh Đốn, Washington State (miền Tây, chớ không phải Hoa Thịnh Đốn của Washington DC, miền Đông, mà bà con mình hay lầm lẫn). Cũng như thành phố thủ đô của 50 tiểu bang trên đất Mỹ, Olympia là thành phố hành chánh với đủ các bộ phận nào là lập pháp, nào là hành pháp, và đại sảnh dinh thự. Nó đẹp một cách hiền hòa, không building chọc trời, không hãng xưởng vĩ đại tối ngày bốc khói ô nhiễm, không kỹ nghệ nặng, không đại học nổi tiếng, không đội banh, không... không gì hết! Bên cạnh những cái không này, Olympia có cái đẹp riêng của nó. Một khí hậu mát dịu, cây cỏ xanh tươi quanh năm, tùng bách cả rừng trên trăm tuổi, cùng đồi, dốc v.v... giống y chang Đà Lạt mộng mơ, nên đã có lần nó được chọn là một trong 100 thành phố tốt nhất nước Mỹ.

Người dân Olympia hay Olympian rất hiếu khách; ngoài đường hay bất cứ nơi đâu, khi gặp nhau bất kể quen lạ họ đều gật đầu chào hỏi. Người da trắng, đến đây lâu lắm, rất đông, và người da vàng, tôi muốn nói đến người Trung Hoa, cũng lâu không kém. Người Tàu đến đây ở đã bao đời kiếp. Họ làm chủ gần cả khu phố, thậm chí ông Thống Đốc của tiểu bang chúng tôi cũng là "người Tàu". Như vậy bạn nên suy nghĩ lại cái lầm lẫn ngây thơ không thuốc chữa: "người Mỹ phải là người da trắng, mắt xanh, mũi lõ". Thật là lố bịch, nhiều anh di dân từ Âu Châu, từ Đông Âu, vừa mới chân ướt chân ráo bước lên bờ cứ ngỡ mình là "người Mỹ" thứ thiệt "chăm phần chăm", cũng loay hoay kỳ thị anh gốc Á đã hai, ba đời làm khách trú! Rất là khó hiểu, số người Á, dù ở lâu bao đời, lúc nào cũng mang cái mặc cảm tạm dung, ở đậu. Nếu muốn nói "người Mỹ" thực sự thì phải nói đến số người địa phương, những thổ dân Da Đỏ (ông Columbus đi lạc, gọi họ là Indian). Thật là oái oăm, những người này thì lại chẳng bao giờ muốn người ta gọi mình là người Mỹ!

Đóng góp vào sự kỳ thị vô căn cứ này là công lao to lớn, của các báo chí từ quốc gia mà người di dân đã rời bỏ. Trong số này phải kể nhà văn, nhà báo của phe ta. Không biết vì vô tình hay cố ý, trong lúc dân bản địa chưa kịp kỳ thị, anh em mình bên nhà đã lên lớp xỉ vả phe ta, đã nhạo báng, cười phe mình, rồi rên rỉ, đau khổ, khóc lóc cái mặc cảm tạm dung! Thiệt là hết biết! Kỳ thị thì ở đâu mà chả có, đâu cần phải khác màu da, khác tiếng nói mới thành đối tác cho sự dị biệt. Ngày tôi còn nhỏ cứ hay bị mấy anh em trong xóm ghẹo "thằng tàu le"; sau mấy chục năm làm người Việt, dân xóm Rượu welcome và chấp nhận tôi là "người mình" nhưng đùng một cái, sau 1975 gia đình tôi lại "được" ra đi trong diện "người Hoa" vì cái họ "ngọt ngào" nổi bật trong thời kỳ "môi hở thì răng lạnh" bị quá lạnh; và bây giờ, đối với bên nhà, tôi được cho chung vào "Việt kiều", còn bên này tôi là anh "mít". Cái trán láng bóng của tôi không còn đủ chỗ để gắn hết bao nhiêu nhãn hiệu mà chính tôi không hề có một sự lựa chọn. Nếu cứ một nhãn hiệu là một buồn phiền thì mình sẽ ủ rũ suốt đời chẳng làm ăn gì được. Tại sao không quên nó đi để mà còn hưởng thụ đời sống! Tôi thích thế giới như một giãi đất không biên cương, ai muốn ở đâu thì ở. Tại sao phải có mấy ông chính phủ, tại sao mình cứ đòi kiểm soát người khác, hướng dẫn người khác trong khi mình không chịu nghe ai hết? Tại sao mình không tin tưởng nhau, hòa thuận sống chung như lời dạy của Ông Bụt: "Thân hòa đồng trú, Khẩu hòa vô tranh, Kiến hòa đồng giải, Lợi hòa đồng quân, và Ý hòa đồng duyệt"?

Cũng may, người mình có câu nói "Ăn cây nào, rào cây nấy" một số người đến sau đã vui vẻ nhập cuộc vun xới mảnh đất đã được người đến trước trồng cây dù Mỹ hay Không-Mỹ. Người Việt di dân dạo sau này đã thêm nhiều phân bón, nước nôi, làm cây "tạp chủng" sai tốt vô cùng!

Còn nhớ sau ngày tôi vừa định cư, gia đình đi chơi trong một khu thương xá, trong lúc tôi đang ngơ ngác lăng xăng đi tìm mì gói và xì dầu, từ cầu thang đi xuống, tôi gặp một cặp người Việt đi ngược chiều. Anh chị này nhìn tôi chăm chăm như muốn nhận bà con. Tôi còn đang ngại ngùng, bất chợt nghe người vợ nói:

- "Hỏi đi... anh, hỏi đi!"
- "Thằng này người Tàu!" Người chồng có vẽ rành rõi, bói xong, cằn nhằn: "Em phải biết, thành phố Seattle này toàn là Tàu không à!"

Tôi vừa buồn, vừa tủi, vừa tức cười, vụt miệng nói:

- "Tàu gì! dân Sài Gòn đây. Cũng đang kiếm chai nước mắm đây!"
- "Ôi trời ơi. Tôi xin lỗi."

Chỉ vậy mà chúng tôi quen nhau. Hôm đó còn kéo nhau vào quán ăn, lợi dụng ngày gặp gỡ, mời nhau một chai "33" nhập cảng gọi là cho đỡ nhớ nhà.

Đó là chuyện của 28 năm về trước. Ngày hôm nay thì hết nói. Nguyên con đường Jackson, khu phố Tàu Seattle bây giờ đã bị phe ta tiếm lấn với thương xá, với tiệm ăn, tiệm "neo", chạp phô, dịch vụ đông nghẹt người. Từ một khu sụp xệ, đổ nát, rác rến đầy trước những căn nhà cũ kỹ đen đúa, người mình đã "lột da mặt" thành phố, mang lại một hình dáng mới mẻ, tấp nập, giàu sang. Cũng phố nướng, cũng thịt rừng, cũng bia hơi, cũng xà bần đủ món ăn chơi. Hàng quán bây giờ chẳng thiếu gì cả, muốn gì có nấy, cá sống, ếch tươi còn bơi lội, nhảy lõm bõm trong thùng. Nước mắm đến thẳng trên những thùng chứa còn nhãn hiệu từ Phú Quốc, Phan Rí. Lễ nào, đồ chơi đó. Trung Thu có lồng đèn Hội An, có bánh trung thu Đồng Khánh Chợ Lớn, Tết có bánh dày Nam Định, có bánh tét Quê Hương, có bánh chưng Hà Nội... Nhưng đó là nói Seattle, một thành phố kỹ nghệ cách nơi tôi ở gần một tiếng đồng hồ lái xe. Như vậy thì thành phố của tôi thì sao? Trong lúc Seattle có gần 100 ngàn người Việt, đứng thứ 4 số người mình đông sau California, Texas, Oregon, thành phố thủ phủ Olympia chỉ có lèo tèo vài ngàn. Tuy nhiên, dù với một số đông chỉ khoảng 4, 5 ngàn người vậy mà chúng tôi vẫn rất vui, rất nỗi, nhất là dạo này dân địa phương, người anh em da trắng, đã bắt đầu ghiền "phở" và "chả giò". Nhờ vậy mà ngoài ba tiệm chạp phô, người mình còn làm chủ 6 tiệm ăn, 8 tiệm nails, nơi nào cũng buôn bán sầm uất, đông đảo. Giống như lúc còn ở quê nhà, những ngày Tết đến ở đây cũng có gọi là đầy đủ chút mùi vị quê hương. Riêng cá nhân tôi, Tết có một điểm đặc biệt là lúc còn ở quê nhà tôi cứ an nhiên hưởng Tết, nói theo kiểu mì ăn liền, ai cho gì mình ăn đó, còn ở đây chúng tôi phải "làm" ra, phải "xào nấu" Tết để hưởng. Nói cho rõ là chúng tôi phải nhập cuộc, phải xăng tay áo đứng ra tổ chức Tết, trước là cho mình, sau là cho bá tánh, thập phương.

Tổ chức như thế nào? Tôi sẽ lần lượt duyệt sơ qua để các bạn nghe cho vui. Như tôi đã đề cập ở trên, dân ta cư ngụ trong thành phố Olympia phần lớn làm nghề cạo giấy, đông nhất là công chức tiểu bang, sau đến công chức liên bang, rồi đến phố, quận. Làm "công thần" thì khỏe vì nhiều lễ lạt nhưng lễ lạt của người Mỹ thì làm gì có nghỉ Tết Ta! Bởi thế, hàng năm cứ vào ngày Tết Nguyên Đán, chiếu theo lịch ta, trúng ngày nào của dương lịch là phe ta đồng loạt xin nghỉ, cáo bệnh nằm nhà ăn Tết ngày đó. Ban đầu chỉ vài người làm riêng rẽ, cá nhân, dần dần trở nên có tổ chức, rồi bây giờ thành một thông lệ không thể thiếu được. Ban đầu chỉ có dân ta, dần dần đến người gốc Tàu, xong đến gốc Nhật, Đại Hàn, Phi... Có năm, chính phủ không hiểu mắc chứng gì mà nhiều người nghỉ bệnh quá đâm ra lo lắng cho người điều tra mới biết đây là chứng bệnh lạ, hay lây và đặc biệt chỉ lây trong cộng đồng Á Châu và trong dịp Tết mà thôi! Trong văn phòng tôi, việc tôi nghỉ nhà để ăn Tết được coi như một chuyện tự nhiên: "Yep! Hao is off. Today is his New Year!". Ban đầu bệnh phát xuất từ giới cạo giấy, sau đó coi mòi bệnh kiểu này đã quá, các tư xưởng, từ Boeing đến Microsoft cũng tình nguyện bị lây đến độ phải có phương pháp chống lại chứng cúm-tết này. Nghe đâu chứng này còn trầm trọng hơn tại các tiểu bang có nhiều người Việt cư ngụ như Texas và nhất là ở Cali thủ đô của người Việt tị nạn.

Đã nằm nhà thì phải có chương trình hưởng lạc trong ba ngày Xuân chứ! Dù quốc nội hay quốc ngoại, chương trình Tết thì dĩ nhiên đều bắt đầu bằng ngày Giao Thừa. Mọi chi tiết sau thì cứ tuần tự như tiến, trước bày sau theo.

Riêng tôi, tan sở, vợ chồng tôi về đến nhà khoảng 5 giờ chiều. Chúng tôi chia nhau, người làm, kẻ phụ giúp nấu nướng, chưng dọn để cúng Tất Niên. Đầy đủ các món ăn chơi trong dịp Xuân về: một con gà luộc vàng óng (loại gà "dai" gà "đi bộ" có đầu đàng hoàng), một nồi thịt kho, một dĩa đồ chua, một dĩa bánh chưng, một bánh tét, rim, mứt... một chai "XO" (thứ xịn, mặc dù ông bà mình ngày xưa chỉ chơi toàn rượu đế). Năm nào cũng vậy, chúng tôi không quên mấy cái lì xì đo đỏ cho hai cháu; nhiều năm còn có bạn bè về nên số phong bì tăng giảm tùy tình hình "quân số" hiện diện. Khi bàn cúng Ông Bà Tổ Tiên đâu ra đó, tôi "lên" bộ đồ số một: khăn đóng, áo dài! Tôi dâng trà (trà xanh có số đàng hoàng), thắp hương khấn vái cho mưa thuận gió hòa, quê hương an lạc, tứ thân phụ mẫu khuất núi vãn sanh, hiện tiền an lạc, con cháu mạnh khỏe, ăn nên làm ra, học hành tấn tới nên người. Chỉ đoạn này thôi cũng đã ăn tiền rồi! Cái đoạn tôi trịnh trọng lên đồ, đứng nghiêm trang trước bàn thờ, gập đầu với ba nén nhang thơm, thầm thì cũng nói lên cái đẹp, cái rộng rãi, huyền bí của tục lệ ta. Mấy anh da trắng đâu có chơi kiểu này! Có lần lúc tôi lâm râm những câu thần chú khấn bái, Julie, con gái tôi tò mò:

- "Ba nói cái gì vậy, Ba?"
- "Nội nói sao thì Ba repeat the same". Tôi khai thị: "Đại khái là một câu wish chúc lành mong muốn the best and the good cho mọi người, sống cũng như chết..."
- "Con wish những lời ba nói thành sự thật"

Câu nói thành thật của con gái tôi làm tôi nhớ ngày bà cụ tôi còn nhỏ, tôi cũng hỏi một câu tương tự nhưng với bản chất con trai, trời đánh, tôi lại hỏi trong cái phong thái lừng khừng, ba trợn. "Con xin lỗi Má".

Trong lúc chờ nhang tàn, chúng tôi gọi điện thoại thăm bà con, chúc Tết kẻ xa người gần, nhớ người nào gọi người nấy. Người xa điện thoại, người gần gặp cuối tuần chúc sau. Trước khi nhập tiệc (cơm tối), mấy cháu vòng tay chúc Ba Má sống lâu trăm tuổi, nhận lì xì. Kể cũng lạ, vợ chồng tôi chi đủ thứ cho hai cháu, nào là tiền học, tiền ăn, tiền ở tốn đến bạc ngàn nhưng cái bao lì xì tuy chỉ có tính cách tượng trưng lại có ảnh hưởng rất là lớn đối với mấy đứa con của tôi. Chúng nó trân quý và cứ giữ mãi.

Cơm nước xong, chúng tôi kéo đến chùa sửa soạn cho đêm Giao Thừa. Con trai tôi lo đoàn lân, con gái phụ giúp các chị lớn trong đoàn múa, tôi bao thầu mọi chuyện từ giới thiệu chương trình chơi vui ba ngày Xuân, lô tô, karaoke, đến coi chừng mấy anh choai choai phá phách cây cối trong sân chùa.

Khoảng 9 giờ tối, chương trình hò lô tô bắt đầu. Trong trò chơi này, người địa phương họ chơi Bingo cũng giống y chang như mình nên Đông Tây gặp gỡ rất nhộn nhịp ồn ào. Xen kẽ vào những màn lô tô, đám thanh niên thanh nữ múa hát, trình diễn các vũ điệu dân tộc. Phần lớn người da trắng đến đây để được thấy các màn này vì chẳng ở đâu mà có. Đến chừng nửa đêm, tất cả chương trình vui chơi được chấm dứt, sửa soạn cho một Giao Thừa trang nghiêm, thanh tịnh đúng với chữ trừ tịch. Sau lễ tất, khi hồi chuông bát nhã báo hiệu Xuân sang, tiếng trống, tiếng phèng la, tiếng cồn... tung lên vang dội, và con lân xuất hiện chào Tết đến. Tiếp sau màn múa biểu diễn bên trong, pháo nổ vang bên ngoài trong sân chùa, rừng người kéo nhau ra sân coi pháo nổ, coi lân múa trong mùi khói pháo, mùi người, cọng với mùi nhang thơm tạo thành một cảnh hiếm có. Nhiều năm, xác pháo nhuộm hồng lớp tuyết trắng cả sân chùa, rất đẹp, nhớ đời. Khi tiếng pháo cuối cùng im tiếng, mọi người chen lấn trở vào đại điện lễ bái, hái lộc, xin xăm. Đàn bà con gái môi son má phấn, nhẹ nhàng trong áo dài tha thướt, đua màu khoe sắc. Đàn ông con trai ăn mặc chỉnh tề, người lớn áo dài khăn đống, các bạn trẻ chững chạc, khôi ngô.

Cả một đoạn vừa kể, đối với người địa phương là cả một "show case" một màn kịch, chỉ khác là nó diễn ra không tập dợt, không bài bản, với diễn viên là những người không hề biết mình đang tự nhiên đóng đúng vai trò quan trọng trong tuồng. Nội cái màn pháo nổ thôi cũng đã là một sự kiện lịch sử của thành phố tôi rồi! Bạn hãy tưởng tượng đến một thành phố yên tĩnh, hiền hòa thầm lặng, mỗi năm chỉ có một ngày ồn ào nhất là ngày cuối cùng của hội chợ hè do thành phố tổ chức. Ấy vậy mà chúng tôi đã dám phá cái luật lệ mấy trăm năm này bằng cách đốt pháo vào ngay nửa đêm. Mặc dầu có xin phép và báo chí cũng như đài truyền hình, phát thanh địa phương đã giúp loan tãi tin tức, tiếng pháo nổ giòn tan trong đêm xuân đầu tiên tại thành phố thủ phủ cũng đã làm mọi người thức giấc, hoảng hốt, nhiều đồng hương chứng kiến phải ngạc nhiên, nhớ nhà, vài người còn thút thít cứ y như Tết ... Mậu Thân.

Đầu năm 1990, đồng hương theo đạo Phật tại đây, gom tóm tiền bạc lập được một ngôi chùa khang trang, đúng tiêu chuẩn nhà thờ. Theo yêu cầu của các bác trong ban hội, gia đình tôi đến đây sinh hoạt. Ở đây, chúng tôi có lớp dạy tiếng Việt, có người chỉ vẽ các bài múa người mình, có tập trống, tập lân, dạy đàn. Nhờ tinh thần cao và giúp đỡ của mọi người, chúng tôi có một căn cứ cho những trao đổi văn hóa với các cộng đồng bạn.

Vào dịp Tết Nguyên Đán, các trường tiểu học, trung học, và đại học trong thành phố cũng như lân cận đều có thư mời chúng tôi đến để trình diễn, trao đổi. Rập khuôn các nhóm văn hóa cung đình thành nội, các đoàn múa quốc gia trước 1975, chúng tôi cũng "Trấn Thủ Lưu Đồn", cũng "trèo lên quán dốc", cũng dân ca ba miền, cũng trống cơm nón quai thao, cũng tứ thân, áo dài khăn đóng, cũng đàn tranh, đàn cò... tự biên tự diễn. Đại diện cho hơn 6 hội đoàn địa phương, chúng tôi được các đài truyền hình, báo chí đăng tải hình ảnh trang nhứt mỗi năm qua cái tựa to lớn: Tết Việt Nam.

Đầu năm cũng xuất hành. Ngày mùng một chúng tôi kéo nhau đi múa lân cho các tiệm buôn trong thành phố. Vợ chồng con kiến, kẻ mang người xách, kẻ lái xe người liên lạc... kéo nhau đi với đoàn lân múa trong thành phố, gây quỹ yểm trợ các chương trình sinh hoạt cho đám nhỏ. Có năm yêu cầu của các trường quá nhiều, chúng tôi phải xin nghỉ làm, nghỉ học kéo nhau đi ca múa từ nơi này đến nơi khác. Tôi chỉ huy một đoàn xe dài cả chục chiếc, xe mẹ xe con, rường cột, máy móc, đàn địch... cứ y như một gánh hát bỏ túi.

Tết năm nào cũng chấm dứt bằng một ngày gặp gỡ tại tư gia của một trong các anh chị lớn trong bọn. Trong một căn nhà vừa khổ tóm gom mấy chục mạng vừa lớn vừa bé, chúng tôi ồn ào chơi bầu cua, đánh phé, ăn uống cười đùa đến một, hai giờ sáng. Vui thiệt là vui! Mấy người da trắng láng giềng cũng vui lây, họ không tỏ ra nề hà gì cho cái sự ồn ào bất ngờ này. Chẳng những vậy, vài anh còn tỏ ra hiểu biết, tự nhiên ghé vào trong lúc chúng tôi đang vui, miệng nặc nồng men rượu, chúc Happy New Year.

Một nhà văn lớn nói "văn hóa Việt đã di tản ra hải ngoại" chẳng biết điều này có đúng hay không. Nếu ông ta nói đúng, cái mỹ từ "ngoại lai", "mất gốc" chắc phải bị "xét lại" rồi!

Đó là Tết của tôi, Tết Nguyên Đán "sản xuất" tại Mỹ. Còn đêm Giao Thừa và Hội Xuân của các bạn tại Việt Nam thì sao? Chắc là nhiều rượu tây, thuốc ngoại, áo đầm, váy ngắn, veston, cà vạt, nhạc "rap" nhạc rock "năm trái dưa hấu", nhạc quậy "ba con mèo"?

Nói cho vui để qua ba ngày Tết trong lúc Mai đang chờ tôi thắp nhang Tất Niên cúng Ông Bà.

Đường Du Hào
Tết Giáp Thân, 2004