XUÂN GIÁP THÂN SỐ 21 - THÁNG 1 NĂM 2004

 

Thư Tòa Soạn

Thơ

Biển và Ta
Tôn Thất Phú Sĩ
Hình như đã yêu em
Huỳnh Kim Khanh
Mai Hương
Hoàng Mai Phi
Đầu xuân khai bút
Nguyễn Vĩnh Châu
Chút mặt trời
Đường Du Hào
Tiết xuân
Đường Sơn
Biển đêm
Phạm Tương Như
Lại một năm trôi qua
Hà Phú Đức
Xuân này nữa mấy xuân rồi

Ngọc Trân
Bài hoa đào cuối cùng
Dã Thảo
Lưu vong
Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn - Tùy bút

Ngõ sau phố cũ đường xưa
Phan Thái Yên

Dấu vết
Nguyên Nhi
Âm vang ngàn sóng
Song Thao
Mùa xuân khó quên
Hoàng Mai Phi
Tết Nguyên Đán Made in USA
Đường Du Hào
Tàn đông
Cỏ Biển
Hồi ký bạn tù

Hoàng Quốc Việt
Mùa hái tình sầu
Phan Thái Yên
Xuân nguyên thể

Vũ Hoàng Thư
Một thoáng ngoài kia

Ảnh: Ngô Văn Sơn
Thơ: Vũ Hoàng Thư

Biên Khảo

Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam-Kỳ 8
Hoàng Thiếu Khanh
Apricot
Viên Đinh Trần Ken

Truyện dài

Vô tình cốc - Kỳ 15
Huỳnh Kim Khanh


 

Xuân nguyên thể

Vũ Hoàng Thư

Tháng chạp lạnh, gió mang mây đi khuất. Trời đâm cao hẳn. Mùa trăng chót cuối năm sáng vằng vặc soi đường đầy bóng lá. Hàng cây mộc liên phủ thành chòm bóng tối trên lối đi. Đặc quánh đêm huyền trong từng chùm lá, chân bước đều theo khoanh sáng nối tiếp lõm tối mông lung. Bất giác nhớ một hàng tre của trăng đan mắt lưới theo lá nhỏ vẽ vời trên áo ai. Hít mạnh một hơi, khí lạnh lùa vào buồng phổi, da săn lại chút gai ốc, đầu thấy lâng. Và như thế những cơn nhớ trở về. Không hề bắt kịp, chỉ có chút xao xuyến còn đọng lại thấy rất gần như mới hôm qua. Mới hôm qua, hôm kia hay là hôm trước? Trước đã bao lâu nhỉ ? Theo định nghĩa hôm qua là cái thời trước của bữa nay, vậy mà khi vừa nói cái bây giờ chưa xong thì lập thời nó đã trở thành quá khứ. Ôi nắm bắt, nó trở thành một từ ngữ đa đoan. Ta chạy đuổi và giữ chặt. Ta hổn hển ôm ghì. Ta mừng reo bắt gặp. Mở lòng bàn tay còn gì chăng ngoài một chút thinh không. Chút im lặng của ngậm ngùi. Con đường thành vô hạn mà điểm hẹn luôn luôn là ở phía đàng kia. Cứ như thế ta chơi mãi trò cút bắt với thời gian và lỡ hẹn không cùng. Không hề có thời gian đứng yên, lại không thể nắm được thời gian đang đi, từ đó người mơ về một buổi đầu tiên chưa bao giờ mất, cái thuở ban sơ, uyên nguyên ẩn mật của tiếng vượn trầm.

Mùa xuân, mùa đầu tiên của năm, trở thành cõi thượng nguồn mà con người cứ mãi nhắm đến. Đó là Xuân Nguyên Thể, khởi đầu của mọi sáng tạo khi vạn vật hình thành, khi con người vừa bước chân vào vườn địa đàng. Đó là Nguyên Xuân của Bùi Giáng ở Mưa Nguồn,

Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân

(Chào Nguyên Xuân – Bùi Giáng)

Ly biệt mở ra trùng ngộ, nói cách khác, sa đọa đã hàm ẩn ơn cứu chuộc. Giải thoát bước ra ngay ở giữa những khổ đau của cuộc đời, không nơi nào khác. Bôn ba kiếm tìm ở một “cõi trên” xa xôi nào đó chỉ là hoài vọng. Nguyên Xuân, trạng thái tâm linh mà mọi cặp đối đãi nhị nguyên bị phủ nhận quyết liệt đến cùng, vượt ra ngoài mọi thể tính, kể cả hư vô hay hư không. Mọi biên giới cách chia đều biến mất, vượt thoát ngay cả trong ý niệm không gian và thời gian, cho nên mọi sự đều hội ngộ, mọi sự đang trên đường trở về. Ta tìm thấy ta, ta không còn vong thân nữa. Chỉ khi ta trở về với ta thì hốt nhiên,

Nhất điểm xuân quang, xứ xứ hoa

Chỉ một chấm ánh sáng mùa xuân lóe bừng, chỉ cần một ánh nhỏ thôi là đủ nở rộ cho cả một thế giới hoa. Tuệ Trung bảo anh đừng có đứng dựa cửa nhà người ta nữa, có đẹp mấy thì cũng chẳng phải là của ta, hãy về nhà của mình đi thôi,

Báo quân hưu ỷ tha môn hộ,
Nhất điểm xuân quang, xứ xứ hoa

(Thị học – Tuệ Trung)
Cửa người anh hãy thôi nương dựa,
Một ánh xuân về hoa đó đây

(Đỗ Văn Hỷ dịch)

Ta bây giờ là Nguyên Xuân, chẳng là một, chẳng là khác, mùa xuân nguyên thể bất tận, hoa nào không vì ta mà hoa không nở, chim nào không vì ta mà chim không hót. Nào có bên trong, nào có bên ngoài, tâm vắng lặng, há lấy gì có cảnh ? Chỉ có một màu Nguyên Xuân.

Nguyên Xuân không nhất thiết phải là mùa xuân đầu tiên vì nói cho đến ngọn ngành, thế nào là đầu tiên, thế nào là cuối cùng ? Cũng vì thế, không cứ mùa xuân, tạm gọi là mùa xuân đầu tiên nào cũng đẹp. Đầu tiên đùa cợt ban sơ. Mệnh Tài đưa dẫn duyên chờ khởi tuôn. Xuân đầu tiên mở ngọn nguồn. Mộng ban đầu lại đoạn trường kết dây. Mùa xuân bắt đầu cho cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Kim Trọng và Thúy Kiều rồi từ đó biết bao mùa xuân suốt dọc mười lăm năm “một xe trong cõi hồng trần như bay” giẫm nát đời Thúy. Có thể vì vậy, ngay ở bài Chào Nguyên Xuân, Bùi Giáng tự hỏi,

Hỏi rằng: từ bước chân ra
Vì sao thấy gió dàn xa dặm dài

Từ bước chân ra, người lên đường, người chạy theo cuộc bể dâu mà ra đi. Bắt đầu từ khi cất bước là người nhập vào cuộc chơi của tuồng biệt ly/ hội ngộ, cho nên người thấy mất mát, thấy khổ đau, thấy những cơn gió chướng, những trận cuồng phong, thấy gió dàn xa dặm dài. Lưu vong không hẳn chỉ là mất mát quê hương trên khách địa mà còn chính là lúc ta đánh mất ngay chính ta trong nếp sống, trong suy tưởng. Người ăn ngủ nhớ nghĩ trong tình quê hương, thì người ở đâu cũng không mất quê hương. Người sống vong bản, vị kỷ, họ lưu vong ngay trên chính quê mình. Xa là dẫu có gần kề. Mà tuồng như lạ những mê mẩn đầu. Thuở ban đầu, lũy tre xanh in bóng trên mái ngói âm dương dưới ánh trăng làm nên Nhà, câu hò tiếng hát tạo nên Nước. Nước với nhà là những gì rất gần gũi, rất bình thường đeo đuổi theo ta đến cuối cuộc đời. Xin trả những danh nghĩa hào nhoáng cho kẻ mưu đồ, những thứ đó chỉ làm cho người xa người, người quên nước. Mùa xuân xa nhà, gặp bạn cố hương, Vương Duy nhớ hỏi gì về quê cũ ? Ông chỉ có một câu hỏi về nhành mai đã nở hay chưa trước song cửa ở quê nhà. Đơn sơ nhưng thân thuộc. Thanh đạm mà đầy ân tình.

Quân tự cố hương lai
Ưng tri cố hương sự
Lai nhật ỷ song tiền
Hàn mai trước hoa vị

(Tạp thi – Vương Duy)

Người từ quê cũ về
Ắt biết được tin quê
Ngày đi qua cửa thêu
Hàn Mai nở ít nhiều

(Vũ Thế Ngọc dịch)

Xuân lưu xứ không tránh được những mơ mộng nhớ nhung. Ta nhớ gì ở mùa Xuân ? Cúc và mai vàng. Vạn thọ rực rỡ bên những bộ lư hương mới chùi cuối năm bóng loáng trên tủ thờ. Và mức trắng phau trong thau bông của mẹ. Những cái thau có hình bông hoa sặc sỡ và tráng men mà mẹ tôi cất dành không dám dùng trong năm, bà chỉ để dành rim mứt tết. Tết theo lên từng tuổi trong mứt ngọt của lát khoai trắng vuông vắn, của thanh bí đao xốp mọng màu đường, của thớ mỏng gừng cay vàng mơ thấm giọng. Lại không thể quên trái me dốp lịm ngọt lẫn chua. Tết là đường, tết là ngọt, tết là mía lùi trong yêu thương của mẹ cha, của anh chị, của làng nước quanh ta.

Đêm yên tĩnh, chỉ còn tôi và bóng trăng trên đường vắng. Tôi ngước nhìn lên bầu trời đầy sao, chòm Hiệp Sĩ vẫn đeo đẳng theo tôi từ năm ngoái khi tôi về trọ ở đây. Mấy tháng hè nó mờ nhạt và lẫn lộn trong đám vân hà nhưng bây giờ thì sáng rõ không thể lầm. Tôi vẫn thường chỉ hướng và giải thích cho Ph. về những chòm sao khi hai chúng tôi đi bộ về đêm. Ph. đã về dưới phố từ mấy tháng nay, tôi tản bộ hàng đêm một mình. Đâu đó mùi dạ lý thoang thoảng, báo hiệu mùa xuân đã rất gần hay có thể xuân đã về ở đây. Dạ lý hương từ xa mùi không mấy nồng, kích thích khứu giác, đưa tôi về chùa nơi góc núi với mùi nhè nhẹ của trầm. Chùa ẩn mờ sau màn sương của trí nhớ. Nhang khói vờn trong tiếng đại hồng chung trầm hùng. Và hương đêm diệu vợi ngọc lan. Và tết. Chợt nhớ đến hai câu thơ trong bài Chùa Gia Lâm của Trần Quang Triều về vị sư già vô ngôn tiễn khách,

Khách khứ tăng vô ngữ
Tùng hoa mãn địa hương

(Trần Quang Triều)

Khách về, tăng chẳng nói
Hoa thông rụng ngát vườn

(Nguyễn Lang dịch)

Khách và tăng trở thành một trong cái bát ngát của hoa thông rụng ngát vườn. Ta với vạn vật nhập hòa trong cái mênh mông không phân biệt ngoài kia, người có thấy? Mọi lời nói đều trở nên thừa và vô nghĩa.

Xuân đang về quanh đây, có lẽ tôi cũng không nên nhiều lời, bởi chưng

Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đương đợi bước ai đi vào

(Chào Nguyên Xuân – Bùi Giáng)


Vũ Hoàng Thư
Santa Barbara, Đầu Xuân 2004