XUÂN GIÁP THÂN SỐ 21 - THÁNG 1 NĂM 2004

 

Thư Tòa Soạn

Thơ

Biển và Ta
Tôn Thất Phú Sĩ
Hình như đã yêu em
Huỳnh Kim Khanh
Mai Hương
Hoàng Mai Phi
Đầu xuân khai bút
Nguyễn Vĩnh Châu
Chút mặt trời
Đường Du Hào
Tiết xuân
Đường Sơn
Biển đêm
Phạm Tương Như
Lại một năm trôi qua
Hà Phú Đức
Xuân này nữa mấy xuân rồi

Ngọc Trân
Bài hoa đào cuối cùng
Dã Thảo
Lưu vong
Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn - Tùy bút

Ngõ sau phố cũ đường xưa
Phan Thái Yên

Dấu vết
Nguyên Nhi
Âm vang ngàn sóng
Song Thao
Mùa xuân khó quên
Hoàng Mai Phi
Tết Nguyên Đán Made in USA
Đường Du Hào
Tàn đông
Cỏ Biển
Hồi ký bạn tù

Hoàng Quốc Việt
Mùa hái tình sầu
Phan Thái Yên
Xuân nguyên thể

Vũ Hoàng Thư
Một thoáng ngoài kia

Ảnh: Ngô Văn Sơn
Thơ: Vũ Hoàng Thư

Biên Khảo

Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam-Kỳ 8
Hoàng Thiếu Khanh
Apricot
Viên Đinh Trần Ken

Truyện dài

Vô tình cốc - Kỳ 15
Huỳnh Kim Khanh


 

Nguyễn Du Trong thi ca Việt Nam (08)


Biên khảo văn học
Tác giả: Hoàng Thiếu Khanh

(tiếp theo)

Lầu Ngưng Bích ở cạnh bờ biển, phong cảnh thật nên thơ, hữu tình:

...
Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dậm kia

Những lúc thảnh thơi cũng là lúc nỗi nhớ, niềm thương dâng ngập trong lòng, Kiều thương tưởng đến người yêu, nỗi lòng đoài đoạn. Rồi nàng lại nhớ đến cảnh gia đình, tự hỏi có ai săn sóc cha mẹ già hay không. Nguyễn Du tả nỗi buồn của Kiều lúc bấy giờ bằng những câu tuyệt tác, với những chữ "buồn trông" lập đi lập lại đến bốn lần như nỗi buồn khôn nguôi của phận hồng nhan bạc phận đang lênh đênh, lưu lạc chốn xứ lạ quê người:

Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
Buồn trông nội cỏ dàu dàu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt doành
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi

Cũng chính lúc buồn thơ thẩn, cô đơn cùng cực ấy, Kiều mới thốt ngâm mấy câu thơ. Bên kia tường chợt có tiếng người họa lại mấy cau thơ ấy. Nhìn qua màn cửa, Kiều thấy:

Một chàng vừa trạc thanh xuân
Hình dung chải chuốt, áo khăn dịu dàng

Kiều nghĩ chàng này chắc cũng dòng dõi thư sinh, bạch diện. Còn chàng thấy Kiều thì có cảm tình ngay:

Nghĩ rằng cũng mạch thư hương
Hỏi ra mới biết rằng chàng Sở Khanh
Bóng nga thấp thoáng dưới mành
Trông nàng chàng cũng ra tình đeo đai

Sở Khanh ướm lời quyến rũ, ra vẻ như một người nghĩa hiệp muốn cưu vớt một người con gái sa cơ thất thất thế:

...
Nổi gan riêng giận trời già
Lòng này ai tỏ cho ta hỏi lòng
Thuyền quyên ví biết anh hùng
Ra tay tháo cũi sổ lòng như chơi!

Thúy Kiều, trong lúc túng thế, cùng đường, gặp cơ hội cũng đành liều, tìm cách liên lạc với Sở Khanh để kể lể tình cảnh mình và nhờ chàng này cứu giúp:

Đánh liều nhắn một hai lời
Nhờ tay tế độ, vớt người trầm luân
Mảnh tiên kể hết xa gần
Nổi nhà bão táp, nỗi thân lạc loài
Tan sương vừa rang ngày mai
Tiên hồng nàng mới nhắn lời gửi sang

Câu chót do tích Hán Vũ Đế bắt được thư của Tô Vũ từ xứ Hung Nô gửi về bằng cách buộc thư vào chân con chim hồng, một loài ngỗng trời rồi thả nó bay từ Mông Cổ về Trung thổ.
Chiều hôm ấy, Sở Khanh gửi thư phúc đáp. Trong thư có đề hai chữ mật mã "Tích Việt". Kiều thong minh, hiểu được thong điệp của họ Sở:

Lãy trong ý tứ mà suy
Ngày hai mươi mốt, tức thì phải chăng?

Theo chú thích của Truyện Kiều nguyên thủy chữ Hán thì chữ này có nghĩa như vầy:
- Ngày 21, giờ Tuất, vượt tường gặp nhau
( Nhị thập nhất nhật, tuất thì, việt tường tương kiến)
Sở Khanh đến đúng như trong lời thư hẹn:

Chim hôm thoi thóp về rừng
Đóa trà mi đã ngậm gương nửa vành
Tường đông lại động bóng cành
Rẽ song đã thấy Sở Khanh lẻn vào.

Câu thừ ba lấy ý từ Tây Sương Ký "Cách tường hoa ảnh động" có nghĩa là cách tường bên kia có bóng hoa lung lay.
Kiều tuy hơi ngượng cũng đánh bạo bước ra chào rồi ân cần kể đầu đuôi tình cảnh của mình cho người hùng họ Sở nghe. Sở Khanh không ngớt tỏ ra ta đây là tay hào hiệp:

Nàng đà biết đến ta chăng
Bể trầm luân lắp cho bằng mới thôi!
Kiều càng lúc càng tin tưởng vào Sở Khanh:
Nàng rằng muôn sự ơn người
Thế nào xin quyết một bài cho xong

Sở Khanh tiếp lời:

Rằng ta có ngựa truy phong
Có tên dưới trướng vốn dòng kiện nhi
Thừa cơ lén bước ra đi
Ba mươi sáu chước, chước gì là hơn
Dù khi gió kép mưa đơn
Có ta đây cũng chẳng cơn cớ gì!

Ngựa truy phong là ngựa chạy nhanh như gió. Câu thứ tư do câu chữ "tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách" ( ba mươi sáu kế, chạy là cách tốt nhất). Kiều tuy nửa tin nữ ngờ, nàng cũng liều theo lời khuyến dụ của Sở Khanh.

Nghe lời nàng cũng sinh nghi
Song đè quá nỗi, quản gì được thân
Cũng liều nhắm mắt đưa chân
Để xem con tạo xoay vần đến đâu
Dắt tay lẻn bước xuống lầu
Song song đôi ngựa trước sau một đoàn

Tố Như tả cảnh đêm thu thanh vắng đó khi Kiều theo Sở Khanh đi trốn như sau:

Đêm thu khắc lậu canh tàn
Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm sương
Lối mòn cỏ nhạt màu sương
Lòng quê đi một bước đường một đau

Với có bốn câu mà Nguyễn Du đã tả được hoàn cảnh và nỗi đau của thân gái dậm trường. Ba câu trên là để dọn đường cho câu chót, cho người đọc cảm thông trực tiếp nỗi lòng của Kiều lúc bấy giờ.

Tiếng gà xao xác gáy mau
Tiếng người đâu đã mái sau dậy đàng
Nàng còn thổn thức gan vàng
Sở Khanh đã rẽ dây cương lối nào
Một mình không biết làm sao
Dặm rừng bước thấp bước cao hãi hùng

Thì ra nàng lại rơi vào bẫy của mụ Tú Bà mà không biết. Sở Khanh và mưu kế dào thoát chẳng qua là mưu kế đã được sắp xếp trước do mụ mà ra.

...
Một đoàn đổ đến trước sau
Vuốt đâu xuống đất, cánh đâu lên trời
Tú Bà tốc thẳng đến nơi
Hăm hăm áp điệu một hơi lại nhà
Hung hăng chẳng nói chẳng tra
Đang tay vùi liễu giập hoa tơi bời

Thúy Kiều cô thế chỉ biết khứng chịu và hết lời cầu khan xin được tha

Hết lời thủ phục khẩn cầu
Uốn lưng thịt đổ, giập đầu máu sa
Rằng tôi chút phận đàn bà
Nước non lìa cửa lìa nhà đến đây
Bây giờ sống chết ở tay
Thân này đã đến thế này thì thôi
Nhưng tôi có sá chi tôi
Phận tôi đành vậy vốn người để đâu
Thân lươn bao quản lắm đầu
Chút lòng trinh bạch từ sau cũng chừa!

Hai câu chót thật là chua xót trớ trêu. Ai đời lòng trinh bạch mà cũng phải chừ không dám giữ!
Mụ Tú Bà giây lâu cũng lắng cơn thịch nộ và cho vực nàng vào nhà ngơi nghỉ. Có ả nữ tì tên là Mã Kiều, nhân lúc tiện, kể cho Kiều nghe về tông tích Sở Khanh:

Thôi đà mắc lận đi rồi
Ai đâu chẳng biết con người Sở Khanh
Bạc tình nổi tiếng lầu xanh
Một tay chôn biết mấy cành phù dung!

Kiều phân trần hoàn cảnh mình, cứ tin lời thề thốt mà bị bịp:

Nàng rằng thề thốt năng lời
Có đâu mà lại là người hiểm sâu

Vừa lúc ấy, Sở Khanh chợt xuất hiện, ra mặt giận dữ, quát tháo đùng đùng:

Sở Khanh lên tiếng rêu rao
No nghe rằng có con nào ở đây
Phao cho quyến gió rũ mây
Hãy xem cho biết mặt mày là ai?

Kiều phải đem di bút của họ Sở với hai chữ "Tích việt" rành rành trên tờ hoa tiên để biện hộ cho mình. Sở Khanh khi ấy mới xấu hổ tìm đường rút lui. Thúy Kiều thì trở về phòng riêng, khóc thương cho thân phận hồng nhan bạc bẽo:
..
Nghĩ thân mà lại ngậm ngùi cho thân
Tiếc thay trong giá trắng ngần
Đến phong trần cũng phong trần như ai
Tẻ vui cũng một kiếp người
Hồng nhan phải giống ở đời mãi ru
Kiếp xưa đã vụng đường tu
Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới thôi
Dẫu sao bình đã vỡ rồi
Lãy thân mà trả nợ đời cho xong

Thúy Kiều đã đến lúc tuyệt vọng, buông xuôi cho số kiếp. Nàng tự giải thích thân phận kém may mắn củ mình bằng nhưng nghiệp chướng đã tạo ra từ kiếp trước. Vì kiếp trước không khéo tu nên kiếp nay mới lận đận.
Phần Tú Bà, nhân buổi trăng trong gió mát, tìm lời dịu ngọt khuyến dụ Kiều tiếp khách. Mụ còn dạy nàng những mánh khóe quyến rũ khách làng chơi:

Nghề chơi cũng lắm công phu
Làng chơi ta phải biết cho đủ điều
...
Này này thuộc lấy làm lòng
Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề
Chơi cho liễu chán hoa chê
Cho lăn lóc đá, cho mê mẩn đời
Khi khóe hạnh, khi nét ngài
Khi ngăm nga nguyệt, khi cười cợt hoa

Kiều lúc đầu cũng thẹn thùng vì những lời của mụ nhưng sau nghĩ mình đã đến đường cùng, thôi thì cứ phó cho số mạng đẩy đưa:

Lầu xanh mới rủ trướng đào
Càng treo giá ngọc, càng cao phẩm người
Biết bao bướm lả ong lơi
Cuộc say đày tháng, trận cười suốt đêm
Dập dìu lá gió cành chim
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
Giật mình mình lại thương mình xót xa
Khi sao phong gấm rũ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường
Mặt sao dầy gió dạn sương
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân?

Câu "lá gió cành chim" là do tích nàng Tiết Đào đời Đường lúc mới lớn lên, làm thơ có hai câu:

Chi nghinh Nam Bắc điểu
Diệp tống vãng lai phong

( Cành đón chim Nam Bắc
Là đưa gió lại qua )

Người cha xem xong, thở dài, biết đời con mình sau này sẽ chẳng ra gì.
Tống Ngọc là người nước Sở; Tràng Khanh là Tư Mã Tương Như đời Hán. Cả hai đều nổi tiếng đẹp trai và ưa thói trăng hoa, ong bướm.

Đoạn này là một trong những đoạn thi văn trác tuyệt Nguyễn Du đã đem hết tâm hồn mình vào từng câu, từng chữ:

Đòi phen gió tựa hoa kề
Nữ rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
Đòi phen nét vẽ câu thơ
Cung cầm trong nguyệt, nước cờ dưới hoa
Vui là vui gượng kẻo mà
Ai tri âm đó, mặn mà với ai
Thờ ơ gió trúc mưa mai
Ngẩn ngơ trăm nỗi, dùi mài một thân
Nỗi lòng đoài đoạn xa gần
Chẳng vò mà rối chẳng giần mà đau
...
Nhờ lời nguyện ước ba sinh
Xa xôi ai có biết tình chăng ai
Khi về hỏi liễu Chương Đài
Cành Xuân đã bẻ cho người chuyên tay

Hai câu chót gợi ý từ tích Hàn Hủ đời Đường, đi làm quan ở Trường An trên ba năm, mỗi khi viết thư về cho vợ lẽ là Liễu thị ở phố Chương Đài, gọi nàng là "Chương Đài Liễu". Tình Sử chép rằng, một trong những lá thư ấy có mấy câu:

Chương Đài Liễu, Chương Đài Liễu
Tích nhật thanh thanh kim tại phủ?
Giả ưng phan chiết tha nhân thủ?

(Cây liễu Chương Đài, liễu Chương Đài
Xưa xanh xanh, nay biết còn không?
Hay đã bị bẻ về tay kẻ khác rồi? )

Thế là Kiều đành liều nhắm mắt đưa chân, vùi dập tấm thân trong phường buôn hương bán phấn:

Đã cho lấy chữ hồng nhan
Làm cho, cho hại, cho tàn, cho cân
Đã đày vào kiếp phong trần
Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi

( Còn tiếp)