SỐ 28 - THÁNG 10 NĂM 2005

 

Thư Tòa Soạn

Thơ
Lỡ gặp nhau
24 NNguong
Bãi sau
23
Hoàng Du Thụy
Mắt em màu biển cả
21
Huỳnh Kim Khanh
Bóng chiều
20
Trần Việt Bắc
The mistake
19
Nguyễn Xuân Vời
Lá thu
19
Hoàng Mai Phi
Một cõi chập chùng

18
Tôn Thất Phú Sĩ
Cảm tạ tình anh
18
Kim Thành
Chuyện tình xóm cũ

17
Maihoado
Trang thơ cũ
17Ngọc Trân
Tôi kể em những điều tháng 9
16Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn, Tâm bút
Thu và những mảnh vụn ký ức
15
U Miên
Mộ gió
14
Phan Thái Yên
Dấu mặt trời
13
Hoàng Du Thụy
Mùa thu đời người
12
Cỏ Biển
Chuyện nhỏ một đêm trăng
11
Nguyên Nhi
Gặp nhau trên đất Mỹ
10
Phạm Hồng Ân
Chiếc xe đạp cũ
9
Nguyễn Hồng Quang
Cỏ mềm lãng đãng
8Song Thao
Tôi đi xem đêm nhạc Châu Đình An
7Nguyễn Ch.

Văn học, biên khảo
Con đường sương
4Vũ Hoàng Thư
Nhà Trần khởi nghiệp
4Trần Việt Bắc
Huê
4Xuân Phương
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 15

3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài
Thằng Nèm
2 Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 22
1 Huỳnh Kim Khanh


 

Mùa thu đời người

 

Bóng đêm nhẹ nhàng phủ xuống cảnh vật chung quanh từ lâu, ngọn gió đầu thu ào ạt lay động hàng me bên kia đường, chen vào những tán lá, vướng vít lao xao thổi rung rinh những chiếc lá chớm úa vàng trên cây sao dầu trước nhà đánh thức ông lão tỉnh giấc. Nhiều đêm rồi, ông lão bỗng thức giấc giữa đêm nằm lẩm bẩm những chuyện xa xưa, mắt ông đã lòa khi nhìn cảnh vật chung quanh nhưng đôi tai vẫn còn rất thính. Bây giờ ông lại nghe tiếng lá xào xạc gọi nhau ngoài kia, lá vàng từng chiếc từng đôi lìa cành tung lên, có chiếc lại quay cuồng vài vòng trước khi nhẹ nhàng rơi xuống nằm im trên mặt đất.
Đêm nay giữa cảnh vật lung linh ông lão lại bắt đầu tiếp nối cơn hồi tưởng về những chuyện xa xưa.

oOo

  Bầy con mười một đứa lau nhau như bầy gà con, đứa đi học chưa về, đứa mãi ham chơi nhà hàng xóm nhưng đến giờ cơm không ai gọi ai cũng đều tề tựu đông đủ. Không phải chúng sợ về trễ sẽ mất phần ăn bởi vì gia đình tuy không giàu nhưng cũng có chút của ăn, của để, nếu không thì làm sao nuôi nổi đến những mười một chiếc tàu con "há mồm". Tất cả chỉ có lý do duy nhất : 'người cha trong gia đình thích nhìn cảnh các con sum họp đầy đủ chen chúc nhau quanh bàn ăn, ông thường dặn dò, đi đâu thì đi nhưng không được phép bỏ bữa cơm trong nhà.' Hạnh phúc duy nhất mà ông khao khát thời còn là thằng bé sáu tuổi bởi hồi đó ông là một đứa trẻ bất hạnh mồ côi. Ông thường nhắc lại câu chuyện đời mình cho các con nghe khiến chúng biết rằng được sống chung dưới một mái nhà có đầy đủ cha mẹ anh chị em là diễm phúc, bài học vỡ lòng giúp cho chúng thương yêu nhau nhiều hơn. Sau này nhiều năm khi chúng lớn lên, mỗi khi được tiếng khen nhà có phước ông lại tự hào khoe khoang thành đạt của chúng với mọi người :
- " Con của tôi là con bầy, đứa lớn dẫn dắt đứa nhỏ đó chứ tôi thì già rồi đâu lo lắng gì được nữa "
Trong các bữa cơm ông thường hay kể lại nguồn gốc của dòng họ, đem những tư tưởng mang tính cách truyền thống gia đình và đạo đức làm người trong xã hội, rỉ rả cho các con nghe :
"....... Gia đình từ thời ông cố có tiếng giàu nhất vùng. Ông nội kết duyên với bà nội là con của một ông cai tổng cũng giàu có không kém. Năm ba lên sáu tuổi thì ông nội qua đời cùng ba đứa con trong một trận dịch chỉ còn sót lại ông là đứa con Út. Bà nội buồn rầu bỏ đời lên núi xuống tóc đi tu mới ba mươi tuổi. Ông bác thứ năm là anh của ông nội mang ba về nuôi. Ông bác Năm giàu nhất vùng hồi đó nhưng mỗi tội là không con nên xin cháu về nuôi để sau này cho hưởng gia tài. Một đứa bé mới sáu tuổi bỗng nhiên bị rứt khỏi gia đình lìa cha xa mẹ, mất hết anh chị em bơ vơ thảm thương biết chừng nào. Mỗi buổi chiều ba đi dọc theo bên này con sông rộng nhìn qua phía bờ bên kia mong ngóng nhưng chỉ thấy sóng nước mênh mông xa thăm thẳm. Ngày ngày ba ra bến đò chờ đợi với hai hàng nước mắt lưng tròng, gan ruột cồn cào nỗi đau buồn nhớ thương, nhìn tận mặt từng người khách qua sông xem có phải đó là cha mẹ hay anh chị em đến đón về nhà bởi ở tuổi ba lúc đó chưa ý thức được hoàn cảnh phân ly chia lìa xảy ra vì cái chết của người thân. Ông bác Năm chỉ biết dỗ dành đứa cháu nguôi ngoai bằng cách bắt kẻ ăn người ở trong nhà phục vụ tối đa cho nó. Ngoài ruộng đất thẳng cánh cò bay ông còn có một dàn xe ngựa chở khách trong vùng và một trại đóng hòm chứa đầy gỗ quý thuộc loại danh mộc. Đứa cháu được mấy anh đánh xe ngựa chở đi chơi khắp nơi trong điền đất, đã vậy ông bác còn đặt mua riêng cho đứa cháu một chiếc xe đạp, vào thập niên cuối năm hai mươi thuở ấy, việc một đứa con nít xứ quê có riêng một chiếc xe đạp là một chuyện hãnh diện và hiếm có.
Thời gian trôi qua làm cho đứa trẻ quên dần nỗi buồn ban đầu một cách vô tư. Ba sống trong gia đình người bác được bảy tám năm thì bác gái qua đời vì bạo bệnh. Cũng giống như những ông nhà giàu đời xưa thừa tiền khác ở quê, ngoài bà vợ chính thức ông nào cũng có “ năm thê bảy thiếp “. Bác gái nỗi ghen đêm đêm lặn lội nom theo chồng nhưng chỉ dám ngồi dựa ngoài chái hè rình rập. Gió lạnh, mưa dầm thấm vào người khiến bác gái vướng bệnh ho lao, có lần đang lén lút theo ông bỗng bà không dằn được cơn ho rũ rượi nên bị ông phát hiện, sợ bị ông đánh bà vội vàng lấy cớ đi theo đưa cho ông gói chuối khô ngào đường ông ăn uống trà với ' dì Tư ' nó. Nỗi ghen ngầm khiến bà bác mang chứng tâm thần bởi uất ức. Ba chỉ sống sung sướng được vài năm đầu, những năm sau phải chịu khổ sở bởi tính khí thất thường của bà bác dâu. Chiếc xe đạp nguồn vui của ba bị bà mang ra lấy dao cứa đứt hết hai cái vỏ xe lúc đó được làm bằng cao su đặc. Khi vui bà nấu nhiều món ăn bắt ba ăn không kịp, lúc thì bà bỏ đói không cho tôi tớ trong nhà nấu cơm. Ông bác sau này mê mải với bà vợ bé nên ở luôn bên ấy quên cả ngó ngàng đến cháu. Sau ngày bác dâu qua đời thì ông chính thức đưa bà này về nhà, bà ta lại có một đứa con gái riêng trạc tuổi của ba. Biết được ba sẽ là người cai quản tất cả tài sản sau này nên ỷ ôi với ông để con gái bà kết duyên với ba. Vài người lớn tuổi trong làng cắc cớ hỏi đố ba :
- Mày với con gái bà bác dâu ghẻ lấy nhau, con mày nó sẽ gọi hai bác mày bằng ông bà nội hay ông bà ngọai vậy ?
Bị ép buộc mãi, đến ngày nọ ba quyết định nói với ông bác :
- Tuy con là cháu ruột nhưng bấy lâu nay mọi người đều đã xem cháu như là con của bác. Bác chắp nối với bác gái thì con riêng của bà cũng kể như con chung. Bác gái muốn gì thì cũng phải để ý đến luân thường, đạo lý một chút.Cho dù không cùng huyết thống nhưng nếu con lấy cô ấy làm vợ làng nước nhìn vào sẽ thấy đây là chuyện loạn luân, không có chút đạo đức làm người. Nếu bà ấy chỉ vì gia tài sự sản thì cháu xin nhường cả cho, cháu không cần đâu.
Nói rồi không đợi câu trả lời, ba dứt áo ra đi bỏ lại sau lưng cả một gia tài đồ sộ. Năm ấy ba vừa đúng mười sáu tuổi. Cũng có nhiều người chê ba là thằng ngốc “ quân tử tàu “ Nếu vào thời điểm bây giờ người ta sẽ bảo rằng trường hợp của ba là bỏ nhà đi bụi đời hay nói văn vẻ hơn là đi giang hồ. Ba vượt sông trở về làng bên này là quê mẹ. Xuất thân là con gái cai tổng nên ở chợ quận bà Nội vẫn còn để lại mấy căn phố cho thuê, vàng bạc nữ trang quý giá bà gom đầy một ô đựng trầu nhờ người em gái coi sóc, giữ gìn giùm trước khi bà quy y vào cửa Phật. Ba trở về ở chung với gia đình người dì ruột học nghề thợ bạc. Nhờ có cá tính thẳng thắn lại không tham lam nên dần dần ba được tin tưởng giao phó công việc quản thủ tất cả vàng bạc trong tiệm. Không biết có phải vì tiếp xúc với khói độc trong lúc phân kim hàng ngày hay không mà ba vướng phải căn bệnh trong hốc xương mũi. Bệnh kéo dài chỉ trong vòng một năm trở thành ngặt nghèo. Cũng là lúc chiến tranh thế giới nỗ ra, quân đội Anh Pháp trở lại chiến trường Việt Nam giải giới quân đội Nhật, họ chiếm lĩnh các ngọn núi đuổi những ông đạo, bà cốc đang tu thiền trong các hang động xuống núi. Bà Nội vì vậy phải khăn gói về quê. Bà về gặp lúc em gái vừa mới qua đời, bà Nội đành phải bán mấy căn phố ở chợ để mang ba lên nhà thương Đồn Đất trên Saigon nhờ bác sĩ Pháp chữa trị. Sau ngày lành bệnh ba ở lại hẳn thành thị, xin vào làm việc cho một hãng vận chuyển bằng tàu thủy của một ông chủ người Pháp. Những đứa con khi nghe cha kể câu chuyện đời mình đến đây có đứa thắc mắc :
- Ba à, bao nhiêu năm ba xa bà nội nhưng tại sao Ba lại không cùng về quê để ở với bà nội ?
- Bà nội giờ là người đã rời bỏ thế tục rồi, mặc dù về quê nhưng bà đã cho xây cất một cái am nhỏ tận trong vùng ruộng xa vắng để tiếp tục tu hành.
Hai đứa con lớn nhất khác bỗng nhớ ra nên gật đầu nhắc lại :
- Con nhớ rồi, lúc bà nội còn sống ba thường hay dẫn tụi con về quê thăm bà. Con còn nhớ rất rõ, căn nhà thật xa con đường làng bằng đất đỏ và nằm giữa đồng không mông quạnh, trước cổng nhà bà nội có giàn hoa giấy nở đỏ rực. Muốn vào nhà phải đi men theo con đường đất nhỏ xíu lầy lội vào mùa mưa, có lần con bị trợt chân té nhào xuống ruộng, ở đó có đầy nhóc những con còng nhỏ chạy thục mạng vào hang khi thấy có người đi tới.
Người cha bỗng thở dài :
- Lâu quá ba không về thăm lại Ông bác Năm không biết ông còn sống hay đã chết bởi vùng đất bên kia sông đã trở thành khu vực mất an ninh, ruộng đất cũng như tài sản của ông bác đã bị cộng sản sung công vào những năm đầu tiên kháng chiến. Có lần ba gặp một người dân trong làng trốn thoát được qua bên này cho biết bấy nhiêu tin tức mà thôi....... "

oOo

 Nhiều năm trôi qua, cũng giống như bao nhiêu người khác vì thời cuộc sau 75 cộng sản cưỡng chiếm miền Nam, gia đình ông lão phải ăn độn bo bo, mì sợi thay cơm. Con trai đi lính rã ngũ trở về không nghề nghiệp, những đứa con gái có chồng là sĩ quan bị tù tội, ông lại mang cả mẹ lẫn con về nuôi. Lúc đó ông là chỗ dựa duy nhất của bầy con, giống như một thân cây già nua lấy tàn lá rậm rạp che chở cho đám cây con làm thân tầm gửi bám vào trú thân chờ cho qua cơn bão đời nghiệt ngã.
Người già thường hay sống về quá khứ, mấy đứa con thường xuyên nghe ông nhắc chuyện xưa, ông nhớ vanh vách tên những người thân, bạn bè quen cũ, có người chúng biết có người không. Ngày xưa ông đã từng là một cầu thủ xuất sắc chuyên đá trung phong của đội banh Ngôi sao Gia Định nổi tiếng trên sân cỏ. Theo đội banh đi khắp nơi ông ham mê thể thao hơn là mê gái, vách tường nhà treo đầy những bức ảnh chụp toàn thể cầu thủ trong đội đã ố vàng vì năm tháng, trong đó có khi ông ngồi xổm phía trước ôm trái banh trên tay, có lúc ông đứng dàn hàng ngang cùng các bạn, khuỳnh hai tay chắp sau lưng cười rất tươi. Thỉnh thoảng người ta lại thấy ông lập cập dùng chiếc chổi lông gà lưa thưa phủi bụi những lá cờ tam giác nho nhỏ treo trên tường, viền màu xanh đỏ có thêu hàng chữ kỷ niệm về một giải thưởng ông đã từng tham dự. Tự hào về đôi chân cầu thủ nhiều lần ông nhắc thuở mới lấy vợ với các con ;
- Hồi ba má mới sống chung, mỗi đêm nằm ngủ ba hay nằm mơ thấy mình trên sân cỏ đang đá banh, vì quen chân nên đạp vào vách, vào thành giường rầm rầm khiến má tụi bay sợ quá không dám ngủ chung vì sợ ba đá trúng.
Nói xong ông cười ha hả khi thấy bà vợ hổ thẹn hứ hé, lườm nguýt mình bằng câu :
- Già rồi mà không nên nết, còn nhắc chuyện đời xưa.
Ông cũng thường hay tự hào về sức khỏe của mình khi nhìn mấy đứa con trai :
- Thuở ba còn trẻ như mấy con, mùa đông ba không hề biết lạnh là gì, đêm xuống là mang nóp ra cầu tàu nằm giữa trời mà ngũ, sáng sớm thức dậy chạy bộ mấy vòng sân banh rồi phóng xuống sông tắm, tụi con bây giờ dở quá, trai tráng gì yếu như bún thiu, phải tập dãi dầu sương gió cho quen.
Tinh thần ưa chuộng thể thao của ông đã gây dựng trong tâm khảm các con một đời sống và thể chất tốt lành, là mẫu người để chúng noi gương về tinh thần tự lập, ý thức trách nhiệm, tự hào về danh dự.

 Ông lại nằm yên lặng, hình như ông đang thiu thiu ngủ. Bầy con nhiều đứa đã phải bỏ nước đi xa nhưng lòng vẫn canh cánh không rời bên ông lão. Có lần ông tỉnh dậy sau khi thiêm thiếp mất ba hôm trong bệnh viện và nói :
- Ba thấy mình gặp lại họ hàng bà con đông lắm, họ rủ ba đi vào một chỗ xa lạ nhưng ba không chịu đi theo. Ở đó có nhiều súc vật, chúng cắn xé, rượt đuổi ba chạy trở về trối chết.
Đứa em gọi phone cho người chị ở ngoài nước báo tin ông lão vừa qua cơn thập tử nhất sinh. Qua đường dây điện thoại viễn liên một đứa con khác đau lòng khi nhận ra sức khỏe cha bắt đầu suy kiệt với giọng nói run rẩy của một ông già bắt đầu lẩn thẩn.
Nhưng ông thì khác, tự hào cơ thể mình không hề vướng phải bất cứ thứ bệnh gì như những người già khác, ông lại cho rằng mình vẫn còn dư sức để kinh doanh, làm ăn khi đứa con gái thứ từ nước ngoài trở về thăm ông, huyên thuyên ông nói rất dài rồi kết thúc bằng câu :
- Ba còn nhiều kế hoạch làm ăn lắm con à.
Ông lão vẫn chưa biết câu chuyện mình nói với con đã không còn tiếp nối đầu đuôi mạch lạc, đứa con không hiểu rõ chuyện cha mình nói, nhưng có một điều biết rất rõ là cha mình đã lâm vào vào tình trạng lẫn lộn của một người già.
Một đứa khác kể với chị :
- Ba kêu em đưa tiền cho ba kinh doanh, ba tính toán mang tiền mua một chiếc xe đạp cũ một trăm rưởi ngàn, đem sơn sửa thay thêm phụ tùng mới rồi bán lại một trăm hai chục ngàn, thế là ba cho rằng mình đã được lời ba chục ngàn.
Nói xong bầy con cười rũ ra với nhau nhưng mắt đứa nào cũng ngấn nước, chúng lo lắng nói với nhau :
- Ba mình đã thực sự già rồi !!
Những chiếc lá trên cành từ khi bắt đầu nhu nhú mầm theo thời gian trở nên xanh mướt giờ đã hóa thành một màu vàng rực mặc dù chỉ mới giữa mùa thu. Đời chiếc lá cũng giống đời người, lá xanh rồi cũng phải rơi rụng khi mùa thu tới. Ông lão biết rõ thời điểm mình sắp phải đi khi nhìn bầy con trưởng thành và bầy cháu lớn nhanh như thổi, Lúc ông chưa bắt đầu lẩn thẩn ông nằng nặc đòi các con đưa mình về quê và ở luôn nơi đó.Nhưng nhận biết của ông qua đi rất nhanh, rất ngắn ngủi và bây giờ tâm trí ông dường như đã chìm trong đám sương mù lãng đãng, ông không còn nhớ bất cứ một ai kể cả vợ con.

oOo

Ông lão run rẩy chống tay ngồi dậy tựa lưng vào tường, trong nhà đèn đóm đã tắt hết chỉ còn duy nhất một ngọn dưới bếp. Ngoài đường không còn nghe tiếng xe chạy, chắc là đã khuya. Nửa đêm thức giấc, lúc tỉnh táo ông vẫn hay tự mình quờ quạng nhìn theo ánh sáng ngọn đèn ngay cửa bếp lần mò đến nhà cầu khi cần thiết, cũng có lúc ông yếu sức quá không tự xuống giường được, sáng ra đứa con gái thứ lại phải mang ông đi tắm rửa.Ông lão giờ giống như ngọn đèn sắp hết dầu sắp lụn tàn, thân thể khô đét, quắt queo. Cơ thể ông không còn chấp nhận mọi thứ thực phẩm quá bổ dưỡng ngoại trừ rau đậu. Thỉnh thoảng mấy đứa con lại nhờ y tá truyền cho ông chai nước biển tiếp sức, mọi người nói rằng ông vẫn còn nhớ những đứa con ở xa nên vẫn còn nuối tiếc chưa đi. Tuy ông nghèo nhưng lại nhiều diễm phúc hơn so với những kẻ giàu có ở nước ngoài. Hàng ngày ông vẫn cận kề với các con, có đứa chỉ dành thì giờ chăm sóc cho ông.Ông vừa nhỏm dậy lập cập xuống giường là đã có ngay đứa con khác gần đó nâng đỡ, chẳng bù với nhiều người sống hiu quạnh trong chuỗi ngày tàn ở viện dưỡng lão lạnh lẽo, chờ cả năm mới thấy con cái ghé qua. ! Câu " Tích cốc phòng cơ, dưỡng nhi đãi lão " của ngày xưa giờ người ta mới thấy thấm thía. Suốt cuộc đời ông nuôi mười một đứa con khôn lớn chưa hề ông đánh đứa nào một ngọn roi hay một bạt tay. Ông sống hiền lành trong gia đình, cư xử hòa nhã và dành phần thiệt thòi về mình đối với bạn bè quá mức khiến bà vợ cứ ca cẩm, ta thán cho rằng ông dại dột chuyên lo chuyện bao đồng của thiên hạ. Cũng vì có tấm lòng nhân hậu và tính quân tử tàu từ thuở thiếu thời mà gia đình không phất lên giàu có như bao nhiêu người chung quanh, những lúc ấy ông chỉ cười xòa và cho rằng ông có những đứa con đông đúc, lành lặn khi sinh ra, lớn lên thành người hữu dụng là ông đã mãn nguyện rồi.
Ông lão lại nằm xuống, kéo chiếc mền che kín ngực. Ngoài kia tiếng lá vàng lại xào xạc, trong gió thoảng ông nghe tiếng thì thầm của mùa thu. Những ngày mùa thu thường ảm đạm, lạnh lẽo và ẩm ướt nhưng riêng mùa thu của đời ông chỉ toàn vầng mây trắng và những chiếc lá vàng mỏng manh, theo gió chúng nắm tay bay lượn trong khoảng không trước khi đáp xuống quanh gốc cây chờ ngày mục rã.

 Cỏ Biển.