SỐ 39 - THÁNG 7 NĂM 2008

 

Thơ

Đà Nẵng
24Phạm Hồng Ân
Tuyết Sĩ
24Tử Hà
Bóng xưa
21Trần Việt Bắc
Đêm ta nghe tình nhớ
18
Huỳnh Kim Khanh
Phượng tím
18Tôn Thất Phú Sĩ
Ngàn năm mây vẫn bay
18Kim Thành
Biển hạ
21
Đỗ Phong Châu
Chờ
21Ái Ưu Du
Thơ Haiku
21Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn, Tâm bút, Tản mạn

Gọi nắng
14
Vũ Hoàng Thư
Trong mù sương phủ
14Phan Thái Yên
Phù Điêu
14Phạm Hồng Ân
Nơi chỉ xài bạc cắc
14Tầm Xuân
Bắt trộm
13
Phan Ngọc Danh
Thiên lý ngộ
14
Cỏ Biển
Xôi
8Xuân Phương
Đội mũ
8Song Thao
Xa... Nhớ... Nhiều...
8Ái Ưu Du
Văn chương và con người
8Đỗ Trường
Một bài thơ hay của Trần Trung Đạo
8Đỗ Trường
Hành trình về với tuổi 20 (2)
8Hoàng Quốc Việt

Văn học, Biên khảo, Dịch thuật

Những biến cố liên quan đến sử Việt
4
Trần Việt Bắc
Tham luận về hai chữ Bạc và Bạt
4Huỳnh Kim Khanh
Sống thiện chết lành - Kỳ 12
4Ngô Văn Xuân
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 26
3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Giữa hai lằn đạn (16,17,16)
1Ái Ưu Du
Tân liêu trai - Người đàn bà Dốc Tuyết
1
Hải Yên
Thằng Nèm
1Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 33

1Huỳnh Kim Khanh


 

Thiên lý ngộ

 

Chiếc xe đang bon bon đổ dốc bỗng nhiên bị chao đi, thằng em tôi cố ghì tay lái lủi xe vào lề đường, nó cúi nhìn xuống bánh xe sau giọng hốt hoảng :

- Chết rồi ! xe bị xẹp bánh.

Nghe câu nói tôi tưởng như mình vừa bị một cái tát khiến mặt mày xây xẩm, tôi lính quýnh nói với thằng em :

- Làm sao đây, làm sao bi giờ !!! Trời đất ơi sao cái xe nhè lúc này lại giở chứng,

Sau khi nắn nắn, xoay cái bánh xe thằng em tôi tuyên bố :

-  Xe bị cán đinh, chị coi nè cây đinh bự tổ nái hèn gì bánh xe mới xẹp lẹ như vậy.

Tôi nhìn quanh quất suy nghĩ, nếu chờ thằng em đẩy xe xuống hết dốc tới đầu đường và đợi vá xong cái bánh xe nhanh lắm cũng mất nửa tiếng. Hôm nay là ngày cuối của kỳ thi Tú tài, trên đường đi chỉ còn hai phương tiện : một là vẫy chiếc xích lô ngồi chờ ông phu xe è ạch đạp, hai là cuốc bộ một quãng đến ngã ba đón xe lam mà dễ gì đi được liền bởi sáng sớm thường là xe đã đầy ắp người, giọng tôi rên rỉ :

- Đợi vá xong cái xe cũng phải nửa giờ đồng hồ !

Em tôi cố an ủi :

- Tới tiệm sửa xe em bỏ xe cho họ vá rồi thử mượn chiếc khác chở chị đi liền hông sao đâu.

Nhìn dòng người xuôi ngược tôi thở dài cố gắng lết thếch theo đứa em, cứ đẫy chiếc xe được một quãng em tôi đứng dừng lại thở hổn hển thấy thế tôi nói với nó :

- Đi như vậy hoài thì không kịp giờ rồi !

Nghe giọng nói não nề như muốn khóc của tôi em tôi an ủi :

- Chị đừng có lo, để em tính,

Đang nhìn những chiếc xe tấp nập chạy ngang đột nhiên thằng em giơ tay vẫy vẫy một thanh niên cỡi chiếc Honda dame vừa chạy trờ tới và kêu to :

- Anh ơi ! Anh ơi.

Chiếc xe chưa kịp dừng lại chỗ hai chị em tôi thì nó rối rít nói lớn :

- Anh ơi, Xe em bị bể bánh làm ơn chở bà chị em tới trường thi giùm kẻo trễ, cám ơn anh nhiều.

Không đợi anh chàng thanh niên lạ mặt lên tiếng đứa em đã đẫy tôi tới hối thúc, túng thế tôi đành gật đầu chào ; anh hỏi tôi với giọng vui vẻ :

- Em tới trường nào ?
- Dạ phiền anh làm ơn chở em tới trường GL trên đường Phan Thanh Giản.

Nhìn đồng hồ tay Anh hỏi tiếp :

- Mấy giờ bắt đầu thi ?
- Dạ bẩy giờ rưỡi vào trường,
- Xong ngay, yên tâm đi cô bé sẽ không bị trễ giờ đâu.

Túng thế tôi đành leo lên ngồi phía sau với tâm trạng thẹn thùng và cố ghì chặt cái yên xe trong khi anh chàng trổ tài lạng lách qua các ngả đường. Trước sự tử tế của anh ta không lẽ tôi cứ mãi ngồi im nên khi nhìn cái gáy đen nhẻm và mái tóc cắt sát tôi nghĩ anh chàng phải là lính nên hỏi một câu xã giao.

- Chắc anh là lính, anh ở binh chủng nào vậy ?
- Sao biết anh là lính, đoán giỏi thế cô bé.

Thấy anh dễ tính vui vẻ tôi giả vờ nói :

- Em có bằng bói toán đó,
- Cô thầy bói đoán đúng phóc, anh ở quân chủng Hải quân.
- Vậy anh là " tài xế tàu thủy " đúng không ?
-  Trời ! em lại đi guốc trong trái tim anh rồi.

Nghe câu pha trò tôi bật cười quên cả thẹn thùng lúc đầu và trổ giọng lém lỉnh ;

- Em thích đi guốc cao gót lắm đó anh coi chừng thủng tim.

Mãi tán dóc đến trường lúc nào không hay, vội vã cám ơn anh tôi chạy ngay vào cổng, anh nói với theo :

- Chúc em may mắn.

Tôi cười thầm nghĩ :

- May thật, hôm nay mình ra ngõ gặp " giai " .

 Buổi chiều thi xong môn cuối cùng, gặp mấy nhỏ bạn thi cùng trung tâm ngoài hành lang tôi ríu rít hỏi kết quả, mấy đứa đều nói tạm được, hy vọng sẽ không làm bạn với anh chàng Bùi Kiệm nhân vật nổi tiếng thi rớt trong tác phẩm Lục Vân Tiên. Vừa ra đến cổng gặp ngay thằng em dựng xe đứng đón, cạnh bên là xe anh chàng ban sáng. Tôi khều thằng em hỏi nhỏ :

- Anh này là bạn quen của em hả sao chị chưa gặp lần nào ? mấy người bạn của em chị biết mặt hết trơn rồi !

Em tôi lắc đầu

- Ảnh đâu phải bạn của em đâu, em nhỏ hơn ảnh nhiều mà.

Tôi la lên :

- Trời đất, vậy sao hồi sáng em dám nhờ người ta chở chị !
- Tại lúc đó em quýnh quá, thấy ảnh chạy qua trông mặt quen quen em kêu đại ai ngờ ảnh cũng tốt bụng chở chị đi giùm em. Hồi nãy hỏi chuyện ảnh nói nhà ở phía bên kia cư xá, em theo mấy đứa bạn qua bên đó uống cà phê mấy lần có thể gặp anh nên trông quen mặt.

Anh cười cười góp giọng :

- Lúc đó chưa quen, bây giờ thì quen rồi.
- Bây giờ anh giúp giùm em lần nữa nhe, buổi sáng anh chở chị Kim Âu đi, bi giờ làm ơn chở giùm chị em về nhà, em có hẹn gấp với mấy thằng bạn, mai em đãi anh một chầu cà phê tạ ơn.

Quay sang tôi nó nói nhỏ :

- Em không " trao duyên lầm tướng cướp"  đâu,

và nháy mắt nói tiếp :

- Chị ở lại nhờ ảnh đưa về giùm, em đi trước " bái bai " hai anh chị.

Tôi chưa kịp nói câu nào nó đã lên xe chạy mất tôi chỉ còn biết rủa thầm :

- Thằng quỷ,

Anh rồ máy xe và tán tỉnh :

- Bây giờ anh mới biết tên em, một loài chim biển, vậy là mình có duyên nợ rồi.

Không kém tôi ăn miếng trả miếng ngay :

- Bi giờ em cũng mới biết câu " Anh là lính đa tình …"  trong bài hát viết về mấy ông lính đúng ghê nơi.

Anh chàng chụp ngay cơ hội :

- Nếu vậy mình khoan về nhà, anh phải mời em đi ăn kem để làm quen nhau cho đúng với bài hát.

Tôi cười nghĩ thầm anh chàng thật tếu và lanh trí, đáng lẽ tôi phải mời anh chàng ly nước trả ơn về chuyện ban sáng ai dè bây giờ hóa ra mình được mời ngược lại.

oOo

Cuộc tình chúng tôi bắt đầu như thế vào một sáng mùa hè, Anh là lính hải quân đóng ở một duyên đoàn ngoài miền Trung, lần gặp đầu tiên là dịp anh về phép được một tuần, qua những cánh thư chúng tôi càng ngày càng thấy thân quen, đến khi anh về phép lần nữa anh ngỏ lời yêu tôi, tôi tự hỏi như vậy có vội vàng quá không ? dù thừa biết có những mối tình chỉ cần mới gặp lần đầu tiên đã bị tiếng sét đánh trúng.Chúng tôi cũng giống như bao người trẻ sinh ra và lớn lên trong thời chiến, tình yêu cũng phải nhanh chóng, mạnh bạo bởi chiến tranh xảy ra khốc liệt khiến người ta không có thì giờ ngần ngại chờ đợi, có lần anh chở tôi xuống bến Bạch Đằng dọc theo con đường Cường Để, chúng tôi vào ngồi trong ngôi nhà thủy tạ sát bờ sông, chỉ vào một chiếc tàu đậu bên phải anh nói :

- Đó là chiếc APL mà bọn anh trú ngụ suốt thời gian học Anh văn chuẩn bị cho khóa huấn luyện bên Mỹ.

Mặt sông phản chiếu những tia nắng nhảy nhót trên gợn sóng lăn tăn,thỉnh thoảng có chiếc tàu dòng kéo theo vài chiếc ghe lớn xuôi theo con nước, tôi băn khoăn nói với anh :

- Đối với em tình yêu không phải chỉ yêu suông bởi em chỉ muốn yêu và làm vợ một người thôi. Cho dù có đi cùng trời cuối đất em cũng sẽ đợi chờ người đàn ông mà em đã trao trọn trái tim.

Anh nắm bàn tay mảnh dẻ ghì chặt nhìn thẳng vào đôi mắt tôi và say sưa nói :

- Chúng ta sinh ra là để cho nhau tình yêu, ước mong sau thời gian đi biển hai năm được về bờ chúng mình sẽ làm đám cưới và có một bầy con, nghe chúng bi bô đùa giỡn cho vui cửa vui nhà.

Cũng giống như bao người con gái khác khi nghe người yêu nói đến ngày hạnh phúc nhất đời mình tôi rất cảm động pha lẫn thẹn thùng nép mình vào vòng tay anh thú nhận :

- Em không biết em đã yêu chưa và yêu đến độ nào, chỉ biết rằng lần đầu tiên anh chở em khi ngồi sau lưng anh em có cảm giác hình như em đã quen anh và thân thiết với anh từ lâu lắm.

Quen nhau vẻn vẹn một năm, anh về phép được ba lần, gặp nhau thấy giây phút ngắn ngủi quá dù tay đã trong tay, mắt trong mắt, môi tìm môi vẫn thấy chưa đủ chỉ toàn cuống quýt, nghẹn ngào đau buồn những lần chia tay về anh trở về đơn vị. Hai người yêu nhau mong muốn gần nhau chân lý của hạnh phúc chỉ đơn giản thế mà sao chúng tôi vẫn thấy xa xôi không với tới !

Tháng giêng bảy lăm, Phước Long thất thủ kéo dài một chuỗi tan hoang tiếp nối với việc di tản chiến thuật, lần đó anh đưa xác người bạn trong đơn vị tử nạn về cho gia đình họ là lần chúng tôi gặp nhau cuối cùng. Trước khi trở về đơn vị không hiểu sao tôi buột miệng nói với anh : " nếu có vấn đề anh phải di tản theo đơn vị thì cứ đi một mình đừng lo cho em, mình sẽ tìm gặp nhau sau" . Lúc ấy theo báo chí viết về tin tức chiến trường cho thấy dù muốn dù không miền Nam vẫn là nơi an toàn, lại có tin đất nước sẽ chia ba phần nên người ta theo chân quân đội chạy dạt về phía Nam, lòng tôi như lửa đốt chỉ biết ngóng chờ và cuối cùng tôi bặt tin anh.!

Những ngày tháng năm thảm thê ập đến, bao nhiêu người trở về trong tư thế kẻ bại binh tôi vẫn không thấy anh. Suốt ruột tôi đánh liều tìm đến nhà anh, lúc trước anh có chở tôi về nhà một lần nhưng tôi quá ngại vì sợ mang tiếng "cọc tìm trâu" nên vẫn giữ kẽ. Hai cánh cổng sắt nhà anh đóng im ỉm, tôi không dám bấm chuông vì nhìn qua khe hàng rào hình như có những người đội nón cối, mũ tai bèo trong đó, tôi lần đến nhà lân cận cách đó vài căn hỏi thăm. Một cô bé ngửng đầu lên trả lời :

- Nhà đó hả, di tản hết rồi.

Tôi hỏi gặng thêm :

- Em có thấy anh Trung về và đi theo không ?
- Anh Trung hả, hình như nghe nhỏ em anh ấy nói gia đình mất liên lạc với ảnh.

Những ngày kế tiếp tôi sống trong khắc khoải đợi chờ, trong niềm đau vô tận, với dòng nước mắt chứa chan, đêm đêm tôi nằm lặng lẽ khóc cho mối tình bỗng dưng trở thành dang dở, không phải tại anh cũng chẳng do tôi !. Thời gian trôi qua khi những người lính ra trình diện đã bị gom hết vào trại cải tạo khiến tôi không còn hy vọng hỏi thăm ai khác những tin tức liên quan về anh, nghe lời mấy đứa bạn tôi đành tìm đến đồng bóng, giơ tấm hình của anh cho " cậu " đồng là một bà già để hỏi về anh, bà ta phán một câu với giọng ồm ồm của đứa con trai :

- Thằng nam này hả, ừ ừ còn sống đó, mà ở xa lắm.

Tôi hỏi gặng :

- Ở xa ? mà ở đâu

Bà ta nói một cái tên lạ hoắc tôi chưa nghe thấy bao giờ.! Tôi chỉ còn một hy vọng mong manh hư ảo là anh đã di tản ra nước ngoài.

Dù sao tôi cũng thầm cám ơn định mệnh đã xếp đặt cho chúng tôi gặp và yêu nhau. Tôi trân trọng giữ gìn những vật kỷ niệm anh tặng cho tôi trong những ngày bên cạnh nhau. Xếp những lá thư anh gửi cho tôi từ khi mới gặp nhau trong tủ quần áo mặc hàng ngày như thể anh vẫn hiện diện bên tôi cho tôi có thêm sức mạnh cố gắng đương đầu với thời cuộc để sống. Để giữ lại căn nhà và miếng đất của người dì di tản theo chồng ba tôi vội vàng bán căn nhà đang ở với giá rẻ và dọn về chỗ ở mới ở vùng ngoại ô xa hơn ngôi nhà cũ. Trước khi đi mấy tháng dì cũng thu xếp cho tôi một chân nhân viên chi nhánh ngân hàng mà dì là cổ đông có chân trong Hội đồng quản trị, cho dù tôi còn đang theo học lớp kế toán ngân hàng và còn lâu mới ra trường.

Ngày tháng trôi qua, niềm vui thì khó giấu nhưng nỗi buồn có thể nén chặt được trong tim, tôi sống trong trạng thái như thế mỗi ngày, lạnh lẽo thờ ơ không đáp lại những vồn vã, săn đón của những chàng trai chung quanh, ai cũng bảo nhìn tôi lúc nào cũng toát một vẻ buồn buồn. Tôi nói với Nguyệt nhỏ bạn thân :

- Với mình đàn ông tốt trên đời chết hết rồi. Nhìn những tên nón cối, dép râu mình cứ muốn " ói " . Người thì hôi sặc mùi thuốc " nào " , " nại " dê như heo nọc. Mở miệng thì cứ bô bô đạo đức cách mạng, mắt thì chăm chắm vào ngực gái tơ, tay chỉ chực vỗ mông vỗ đùi.
- Bà nói đúng đó, tên trưởng phòng tổ chức hồi mới vô tiếp quản chỉ vô mặt con Tường Vi chửi nó đi làm mà son phấn như đồ " đĩ " , tưởng hắn tốt lành gì ngờ đâu " đớp " con nhỏ em bà con bên vợ còn son phấn gấp mấy lần tụi Tường Vi, bà vợ ghen quá nên ông ta bị mất chức cho về hưu non đáng kiếp.

Tôi hỏi Nguyệt :

- Mi có để ý thấy mấy tên bộ đội đóng chốt trong nhà máy cứ hau háu mắt nhìn con Thủy làm nó cứ co rúm người lại núp sau lưng ta không.
- Xời ơi, đâu phải mình con Thủy, ngay cả tới bà tui cũng thấy thằng Vận tổ trưởng nó tò tò đeo theo, bà đi đâu là thấy có mặt nó nơi đó liền.

Tôi xua tay :

- Thôi thôi, đừng có nhắc tên cái thằng đó, hôm kia tổ mình bị phân công đi qua khu nhà máy kiểm kê đánh giá tài sản máy móc nó đòi chở mình đi bằng xe đạp của nó, cũng may mình đi cùng nhóm chú Nhành, anh Hưng, nhờ có hai người đó cản mũi nó giùm mình nên nó cụt hứng chạy trước qua đó một mình, bọn này qua sau thấy nó đang ngồi lấy giẻ hì hục lau từng cái căm xe ra chiều ta đây có tài sản quý báu lắm.

Nguyệt cười ha hả :

- Chị biết không, cả đám bộ đội tụi nó hùn được mấy đồng mua cục nước đá to, bỏ đường vô xịt thêm mấy giọt dầu chuối cho thơm rồi lễ mễ rót ra cái ly cà phê nhỏ xíu mời em với con Thủy uống ra cái điều là thứ nước ngọt bổ dưỡng lắm.

Tôi cười sặc sụa nói ;

- Chưa hết đâu, thằng Vận hôm đó lợi dụng lúc hai ông Nhành và Hưng cầm thước dây đi vòng vòng đo kiến trúc nhà máy bèn mon men tới gần nói với mình " Kim Âu biết không tôi " nà " cấp chỉ huy, tiếng " lói " tôi rất có " trọng nượng " , tiền đồ tương " nai " chính trị tôi rất " nà " rực rỡ, tôi đang xin với tổ chức đăng ký tìm hiểu một người để " nấy " " nàm " vợ đấy. Tôi có xe, có đài, " nương " cán bộ dư sức " luôi " vợ con. "  Mình không đợi hắn nói dứt câu giả vờ kêu chú Nhành " chú ơi, cái máy này mã số ở đâu cháu không tìm ra" , rồi bỏ chạy một hơi, chỉ sợ hắn nói đến câu muốn quản " ní " đời mình thì bỏ mạng.

 Sau bảy lăm những nhân viên làm việc cho chế độ cũ như bọn tôi trong nhiều ngành được gom lại phân công làm những công việc " tào lao " . Tôi được nhập chung một tổ với nhiều người, chú Nhành là kiến trúc sư trước phụ trách việc kiểm tra việc xây dựng các chi nhánh ngân hàng, anh Hưng phó chủ sự phòng, bà Kiểm trưởng phòng thu ngân, chị Khoán nhân viên sở tài chánh, Nguyệt, Thủy và tôi bên tín dụng. Tất cả chúng tôi đặt dưới quyền quản lý của các cán bộ chính quy, phải theo họ xuống các nhà máy, xí nghiệp để ghi chép tịch thu các tài sản còn lại sau khi chủ nhân bỏ đi nước ngoài, có nhiều nhà máy vẫn còn chủ hiện diện nhưng với chủ trương chính sách phải quốc doanh toàn bộ vì chế độ không chấp nhận chuyện " người bóc lột người " . Thật ra ngoài thành phần cán bộ " răng đen mã tấu " cốt cán là bộ đội đã mang súng " đóng chốt " ngay từ giây phút đầu tiên, nhưng do trình độ và chuyên môn không có nên phải thành lập các đội kiểm kê mà hai phần ba là các sinh viên có lý lịch gia đình trong sạch ăn ở tại chỗ giám sát và cùng làm việc với bọn tôi hàng ngày, phần còn lại là thành phần đã làm việc trong chế độ trước có trình độ và kỹ thuật chuyên môn như chúng tôi, việc làm của bọn tôi là phải ghi chép, kiểm kê tất cả những gì đang có và còn lại, nhỏ bé từ cây đinh, sợi chỉ, cho tới bàn ghế, máy móc, nhà xưởng tất cả " tất tần tật " ghi vào hết. Đi kèm là cán bộ chủ quản lúc nào cũng " đi sâu, đi sát vào quần chúng " từ hành động đến tư tưởng. Nói cho đúng chúng tôi chỉ là những " thợ ghi chép " bất đắc dĩ, trở thành nạn nhân bởi kiến thức của mình nên sau giờ làm việc thì ai về nhà nấy và là những công nhân viên bình thường. Bổ sung cho nhóm có vài cô công nhân trẻ tuổi phụ trách việc cân đong, đo đếm, hai ba anh thanh niên trong nhà máy đảm nhiệm việc khuân vác các thứ nặng nề giúp chúng tôi. Họ đại diện đám công nhân để thể hiện câu " làm chủ tập thể " cho đúng hình thức, nhà máy xí nghiệp hoàn toàn về tay công nhân !

 Buổi trưa nhóm người " chế độ cũ " bọn tôi tập trung một góc phòng hay ra bãi cỏ gốc cây mà ngồi. Ai nấy giở lon bo bo, mì sợi ngồi nhai qua ngày. Cùng một " tần số " với nhau nên chẳng cần phải giữ mồm giữ miệng, Bà Kiểm có chồng bị tập trung cải tạo mỗi khi nhớ đến đứa con lên mười đã chết sau mấy ngày Sài gòn thất thủ hay nói mát mẻ :

- Con tao nó thấy mấy ông cách mạng vô nó sợ quá nên lìa bỏ cõi đời luôn.

Chị Khoán bên sở tài chánh thì bất mãn :

- Mấy anh chị biết không, sau khi lục xét nhà riêng của chủ nhân mấy ổng biểu tui đánh giá hộp hột xoàn mà mấy ổng đang giữ và nói là độ sáu trăm mấy chục viên họ đã tịch thu được. Trời đất ơi, hột xoàn mà họ coi như đậu phộng, tui nói " mấy cán bộ muốn đánh giá đúng phải cho tui đo, tui coi mấy li tui mới biết được " đàng này chỉ nói miệng ai biết hột thiệt hay hột giả mà đánh giá,

Nguyệt chắp tai vái :

- Bác Tám hàng xóm nhà em bả than, có thằng con trai đi tập kết về dẫn theo bà vợ người Bắc và hai đứa cháu nội,bả mừng quá nên cho hai đứa cháu mỗi đứa một sợi dây chuyền có cái hột xoàn ba li mấy. Bà dâu cách mạng đã không cám ơn bả mà còn nói " Bà cụ cho cháu ba cái đồ vớ vẩn " làm bà Tám tức muốn trào máu.

Con Thủy cười hăng hắc :

- Chắc bả tưởng hột xoàn giả, mấy đứa con gái ngoài đó vô chợ Sai gon khoái mua mấy cái nhẫn, kẹp, bông tay làm bằng hột xoàn giả dữ lắm, cứ đeo vào thấy lấp lánh là họ thích mê.

Chú Nhành và anh Hưng thì kể chuyện khác với đám phụ nữ :

- Có nhiều ông cán bộ tập kết về hành sử lạ lắm, họ tưởng mọi chuyện đều phải phục tùng tuyệt đối bởi họ là những người khai phóng, tiên phong mang chủ nghĩa cộng sản về cho đám dân thành thị bị " kềm kẹp dưới chế độ Mỹ ngụy " kể cả việc yêu đương và lập gia đình. Tôi có cô bạn thân học từ trung học, lớn lên theo hai phân khoa khác nhau, cô ấy dạy học và yêu một anh chàng dạy cùng trường. Chú cô ta là ông cán bộ tập kết bắt ông anh mình phải đòi anh ta nộp sơ yếu lý lịch cho gia đình kiểm tra.

Thủy ngồi bên cạnh cười ré lên chế nhạo :

- Ha ha mai mốt cháu cũng đòi người yêu nộp sơ yếu lý lịch trước khi yêu nhau mới được.

Tôi đập tay vào vai con nhỏ :

- Im coi, để chú Nhành kể tiếp. Kết quả ra sao hở chú, anh con trai có chịu nộp không ?
- Thì vì yêu nhau anh chàng phải hy sinh tự ái " chấp hành chủ trương chính sách " của gia đình cô ấy chứ sao !

Nguyệt hồi hộp ngắt lời :

- Sau khi xét lý lịch rồi họ làm gì nữa vậy chú ?

Chú Nhành thong thả nói :

- Đọc xong lý lịch ông chú cách mạng lên phường xác minh thì được nơi này cho biết gia đình anh chàng có hai người anh là lính " ngụy " đã di tản ra nước ngoài nên sau cuộc họp nội bộ, mổ xẻ ý kiến, phê và tự phê họ " gút " lại rằng anh chàng thuộc gia đình lạc hậu, không phù hợp làm con rể một " gia đình cách mạng " mặc dù toàn gia đều là những người " ăn cơm quốc gia " và chỉ có hai ông chú ấy là cán bộ.

Tôi bực tức khi nghe kể nên hỏi chú Nhành :

- Vậy hai người ấy tính sao ? Có bất chấp ý kiến của mấy ông chú cô ấy không ? Theo cháu thì nếu hai người yêu nhau thật lòng thì sá gì bởi họ đâu phải là cha mẹ của cô ấy !
- Khó nói lắm cháu ơi ! Bởi sau những ngày đầu mất nước, một số người muốn dựa hơi và vì e ngại trước quyền lực nên không có phản kháng. Với lại cô bạn của chú là con nhà tử tế nên không dám cãi lại họ.

Tôi thở dài nghĩ thầm "  Vậy là thêm một đôi tình nhân bị chia lìa bởi " thành quả của cách mạng " !!

Làm việc chung với nhau được chừng sáu bảy tháng vào buổi trưa sau giờ cơm chú Nhành bỗng nói lời chia tay với tất cả mọi người trong tổ, lý do chú xin nghỉ việc hồi hương về quê. Ai cũng ngạc nhiên và buồn rầu trước quyết định này và băn khoăn vì chú không còn trẻ và là người trí thức làm sao cáng đáng công việc nặng nhọc ruộng nương, vườn tược. Biết thắc mắc của mọi người chú bộc bạch nỗi niềm :

- Làm sao tôi có thể tiếp tục làm việc với những nghịch lý xảy ra hàng ngày ! Một người có trình độ chuyên môn bị chỉ huy bởi một kẻ không hề biết một chút gì về nghề nghiệp, xuất thân của tôi là một kiến trúc sư tôi biết muốn xây một cây cột phải cần bao nhiêu cốt sắt, bao nhiêu ciment, bao nhiêu cát sạn mới đủ cho cây cột đứng vững, vậy mà những dự trù về nguyên vật liệu của tôi bị người khác chỉ đạo thay đổi con số cho ít hơn thay bằng thứ khác không đủ phẩm chất với lý do phải biết " phát huy sáng kiến và tiết kiệm nguyên vật liệu " ! Họ không hề biết có những thứ ngay từ căn bản không thể thay đổi bởi làm thế sẽ trở thành tên đao phủ vô hình !

Khi chỉ còn mình tôi ngồi lại, thấy tôi cứ mãi nghẹn ngào với đôi mắt đỏ hoe chú ân cần, an ủi :

- Đừng buồn nữa, cố gắng lên chú tin rằng một ngày gần đây cháu sẽ gặp lại người mình yêu, ráng đi cháu !.

oOo

Chiếc xe tôi bỗng trở chứng khục khặc và tắt máy ở khúc quanh, sau khi đề máy nhiều lần xe vẫn không khởi động được tôi đành đóng cửa xe bỏ đó. Cũng may xe tôi ngừng ngay khoảng đất trống gần đường vòng sát bờ sông nơi những người đi câu thường đậu lại. Tôi thích lái xe đi theo con đường vòng vèo quanh co dọc theo bờ sông này mặc dù nó chỉ có một lane cho mỗi chiều xuôi ngược. Đi con đường này bắt buộc phải chạy thật chậm bởi một bên là mương nước rộng, một bên là dòng sông uốn quanh, lái nhanh không cẩn thận rất dễ dàng lọt xuống sông hoặc chúi đầu xuống mương nước bởi con đường nhô cao như một bờ đê chạy song song với con sông. Dưới nước những bè gỗ sắp ngay hàng liên kết nhau bập bềnh trôi tận cuối khúc quanh chỗ hợp nhất với một dòng khác sửa soạn đỗ ra biển. Chỗ đó có một khoảng đất mênh mông trên có một xưởng gỗ thường xuyên nhả khói mịt mù. Nếu đi men theo con đường nối từ đầu freeway đến cuối đường người ta có thể vào thành phố bằng con đường tắt này sau khi vượt ngang một chiếc cầu. Dọc theo sông có nhiều quãng râm mát bởi những lùm cây to, cũng có nhiều quãng trơ trọi đầy sỏi cát hoặc cỏ mọc lúp xúp. Phía bên kia mương nước hoặc là những cánh đồng thấp hoặc là những khoảnh đất có vài căn nhà quay mặt ra sông. Từ chỗ xe hư về nhà cũng không còn xa lắm nên tôi lững thững rảo bước, buổi chiều tháng sáu mặt trời đi ngũ rất muộn, qua khỏi cây cầu làm bằng gỗ đen mốc vì mưa nắng cao nghễu nghện bắc ngang sông chỉ dành riêng cho đường xe lửa một quãng là đến xóm nhà tôi ở thuê, bãi sông nước đang ròng những súc gỗ tròn họp lại làm thành chiếc bè gỗ khổng lồ dài mút tầm mắt, thỉnh thoảng một chiếc tàu kéo chạy ngang phả những con sóng khiến chúng trồi lên hụp xuống nhưng vẫn nằm ngay ngắn theo vị trí được quy định bằng những cây cọc đánh dấu theo quy trình của thủy lộ. Những ngày cuối tuần dọc theo bờ có nhiều người đến khu vực này câu cá, họ đậu xe dưới chòm cây râm mát trên những khoảng đất trống nhô ra sông, ven bờ cỏ dại mọc tua tủa chen với đá tảng. Khung cảnh thanh bình, êm ả bởi những bầy chim vịt tụ họp bơi lội chán lại leo lên các súc gỗ đứng rỉa lông, tôi gọi chúng là chim vịt vì chúng có biệt tài bơi dưới nước như vịt lại bay trên trời như chim, chúng có bộ lông sẫm màu cọng lông có ánh ngũ sắc giống hệt những con vịt xiêm má tôi nuôi ở quê lúc tôi còn nhỏ. Hồi đó tôi thường bắt chước người lớn hát nhiều câu ru em cho đến bây giờ vẫn nhớ rõ :

- Chiều chiều chim vịt kêu chiều,
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau.

Nhìn bầy chim vịt khiến tôi nhớ quê nhà quay quắt, ngày nghĩ tôi hay men theo bãi sông đi quá một đoạn nơi có nhiều người ngồi câu cá, chọn một bờ đá tôi ngồi im dưới bóng cây đọc sách lắng nghe tiếng nước vỗ bờ. Luật pháp Bắc Mỹ không cho phép người ta bắt những con cá nhỏ, cá smell là loại nhỏ nhất. Chúng có hình thù từa tựa con cá lìm kìm chỉ khác là đầu không có mũi kim dài nhọn, nhắc đến bầy cá lìm kìm tôi bỗng nao lòng với câu hát ru âu yếm mà bất cứ ai nghe qua cũng cảm nhận được tình mẹ con chứa chan trong ấy :

- Má ơi con vịt chết chìm
Con thò tay bắt con cá lìm kìm nó cắn tay con.

Mãi nghĩ ngợi tôi không nghe thấy tiếng xe hơi đến khi sực tỉnh thì chiếc xe đã tới gần lắm, cẩn thận tôi đứng yên nép vào bờ cỏ tò mò nhìn chiếc xe chầm chậm ngang qua, đường hẹp nên ít khi người ta thích chạy vào đây ngoại trừ những người đi câu bởi không thể phóng nhanh. Chiều xuống nắng đã tắt tôi vội vã rảo bước về nhà, ngang qua chiếc tàu chìm nằm nghiêng chỉ còn nhô một bên mũi và một phần cabin cũ kỹ bạc phếch, cạnh đó là chiếc cầu tàu cũng không kém phần hoang sơ. Ngoài xa kia một chiếc ca nô đang chạy băng băng xô vào bờ những đợt sóng miên man, hôm nay khung cảnh nơi này hơi khác bởi ven đường xuất hiện chiếc xe hơi ban nãy ; tôi liếc nhìn và thầm nghĩ chắc mẩm có một người khách nhàn du ngừng lại ngắm cảnh bến sông để lòng mơ về ngày xưa hẳn đây là nơi chốn rộn rịp " lối xưa xe ngựa " . Mới vừa ngang qua chiếc xe vài bước tôi nghe tiếng người gọi tên mình thật to làm chân tay tôi thoắt bủn rủn khiến tôi lảo đảo phải đứng dựa thân mình vào đầu xe. Hơn mười năm giờ tôi mới nghe lại giọng nói quen thuộc cũ, mặt tận mặt hơi ấm nồng nàn quen thuộc trong vòng tay nhau cho tôi thấy tất cả không phải là ảo tưởng, không phải là những giấc mơ tôi đã nhiều lần mơ thấy trong suốt thời gian qua, mặc cho nước mắt tuôn chảy thành dòng tôi nói với anh bằng giọng sũng ướt :

- Có phải là trong mơ, anh làm ơn cắn em một cái cho em tin rằng tất cả là sự thực.

Giọng anh âu yếm :

- Không phải là mơ đâu em.

Dù vậy tôi vẫn không dám tin bởi đã trải qua nhiều giấc mơ giống y như thật để khi tỉnh dậy thấy đau đớn chua xót thêm thôi. "  Mười năm không gặp tưởng tình đã lỡ … "

Đêm xuống trên chiếc sofa trong vòng tay anh tôi ngồi im không động đậy, cảm giác ấm áp bởi căn phòng không phải chỉ có mình tôi như trước kia, ngồi ôm nhau tôi lắng nghe anh kể thì ra sau khi bất đắc dĩ di tản niềm nhớ nhung quay quắt những người thân thương bị kẹt lại khiến anh và một số người khác quay về và kết quả tất cả đều bị cầm tù nhiều năm. Trong khoảng thời gian đó anh đã cố gắng liên lạc với tôi nhưng vẫn không có tin tức gì và sau khi ra trại gia đình anh đã cấp tốc nhờ những người bà con còn ở lại lo cho anh vượt biên ngay tức khắc. Thời gian vội vã đó anh cố gắng tìm tôi nhưng vẫn không thấy đâu.. Tôi ngắt lời anh :

- Gia đình em đã dọn nhà, khi đi em có gửi địa chỉ và dặn người chủ mới nếu có ai tới tìm thì làm ơn chỉ chỗ ở mới của nhà em giùm.
- Nhà đã sang tay qua nhiều đời chủ nên họ nói không biết !

Tôi mân mê bàn tay anh, những ngón tay trống trơn, tay tôi cũng vậy, nếu một trong hai chúng tôi có người đã lập gia đình thì không biết sẽ ra sao ? Tôi giả vờ hỏi :

- Còn vợ con anh đâu rồi ?

Anh vẫn hóm hỉnh như ngày xưa trỏ ngón tay vào mũi tôi nói :

- Vợ anh đây nè.

Cảm giác thẹn thùng của thời xưa vụt trở về nguyên vẹn trong tôi khiến lòng bồi hồi khi nghe anh gọi tôi là vợ. Còn tôi thì kể cho anh nghe những ngày khốn khổ bị ở lại, tìm anh và chờ đợi anh về. Tôi vượt biên với đứa em trai ngày nọ đã chở tôi đi thi với ý định sang bên này tìm anh, hễ có dịp là lần mò hỏi thăm tin tức về anh, đêm đêm nghe bài hát "  Tìm nhau trong hơi thở, tìm nhau trong đêm thâu hay mưa lũ … Gặp nhau cho đôi tâm hồn được nghỉ ngơi. "  để mang niềm hy vọng.

Có lần tôi nghe hai người ca sĩ hát đối đáp thật tức cười : " Ngộ kỳ thời.. con kiến nó leo dây. Hữu duyên mà thiên lý ngộ …" . Nhớ ra nên tôi vụt ngồi dậy nói :

- Anh biết không, em với anh là " thiên lý ngộ " bởi cả hai lần em gặp anh đều là do bị hư xe dọc đường./.

Cỏ Biển
Tháng 6/2008