SỐ 23 - THÁNG 7, NĂM 2004

 

Thư toà soạn

Thơ
Cựu phù du
Huỳnh Kim Khanh
Khi xa Thụy Tuyết
Phạm Hồng Ân
Hạt bụi tình yêu
Nnguon
Tháng 8
Trần Việt Bắc
Mẹ tôi
Hà Phú Đức
Biệt ly
Tôn Thất Phú Sĩ
Ta vẫn chờ em
Hoàng Mai Phi
Nhớ thời đi biển
Tóc Tím
Nắng dại khờ
Dã Thảo
Nhớ Đà Lạt
Ngọc Trân
Ngẫu nhiên
Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn, Tâm bút
Trăng nước Tầm Dương
Hạt Cát
Về với cơn mưa
Phan Thái Yên
Thiếu nữ cài bông hồng đỏ
Nguyên Nhi
Giọt trầm
Song Thao
Chén cơm và nước mắt
Nguyễn Hồng Quang
Tháng bảy và phượng tím
Vũ Hoàng Thư
Lưới trời
Cỏ Biển
Ngày đầu ra khơi
Tôn Thất Phú Sĩ
Một chốn trụ hình
Tầm Xuân
Quê nhà, Biển và Odyssey
Vũ Hoàng Thư

Biên khảo
Ai giết Lê Lai
Trần Việt Bắc
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 10
Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài
Thằng Nèm
Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 17
Huỳnh Kim Khanh


 

Lưới trời

 

Giám Đốc Dương nơi công ty tôi làm việc là một người đặc biệt. Cũng giống như đa số các cán bộ tập kết trở về, ông Dương đi một nhưng về cùng với ông có thêm ba người ; đó là vợ và hai đứa con. Nói theo quy trình hạch toán sản xuất thì ông Dương không phải vượt chỉ tiêu kế hoạch nhà nước đề ra, mà là bể kế hoạch ! Nghe nói bà vợ là con gái một thủ trưởng nhà máy ông đang công tác, và nhờ vào mối dây liên hệ ô dù này Ông được đề bạt vào các chức vụ cao hơn rất nhanh. Hiện tại, ông là lãnh đạo của Công ty Xuất khẩu cấp thành, là lá cờ đầu, nhân điển hình tiên tiến, con cưng của cấp chủ quản thành phố. Nhìn bề ngoài bệ vệ của ông người ta liên tưởng đến hình ảnh một tay "xì thẩu" Chợ lớn hơn là một cán bộ của nhà nước.

Hơn mười năm về trước, thời gian đầu mất nước, cái mốt "Đồng, Đạp, Đài" đeo trên tay, khoác trên vai cùng cặp mắt kính với tròng mắt đen thui mang trên mặt của các cán bộ, bộ đội một thời là chuyện châm biếm, vui cười của mọi người. lúc mới thuyên chuyển về đây, nhìn Ông Dương tôi rất ngạc nhiên, bởi lẽ bất kể sáng hay chiều, tôi đều nhìn thấy Ông không hề rời cặp mắt kính màu nâu sẫm trên mắt. Rốt cuộc rồi tôi cũng hiểu, Ông dùng để che một con mắt giả bằng thủy tinh, hậu quả của cú đấm khiến vỡ con ngươi vì bị bắt quả tang đang léng phéng với vợ người vào thời còn ở ngoài Bắc. Tiếng dữ đồn xa, chỉ cần một thời gian ngắn, tôi được nghe kể khá nhiều về thành tích lăng nhăng của Giám Đốc Công ty. Những buổi trưa, sau giờ cơm, cửa phòng làm việc của mỗi bộ môn được đóng kín thì câu chuyện nổ ra như bắp rang. Bà thủ quỹ kỳ cựu thì thầm:

- Giám đốc nhà này cái gì cũng có tất, duy chỉ con gái trinh trắng thì ông than là chưa có nếm qua.

Một giọng nữ khác khúc khích cười :

- Chị gái cấp dưỡng hôm nọ bị một phen hú vía. Số là khi mang thức ăn trưa vào phòng Giám đốc, thấy cửa chỉ khép hờ, hai tay phải bê mâm cơm nên chị ấy dùng vai đẩy cửa vào, không biết chị nhìn thấy gì mà khi trở xuống mặt mày tái mét than thở, phen này nếu không bị "Đì" sói trán thì cũng bị mất tiền thưởng lao động tiên tiến cuối năm.

Tiếng cô Hoa cãi lại :

- Bị mất danh hiệu lao động tiên tiến đâu nhằm nhò gì bằng chuyện thằng Cường, tốt nghiệp Đại học hẳn hoi, đang là nhân sự phòng Kỹ thuật tự nhiên có quyết định đưa xuống phân xưởng học nghề ! ?. Cũng tại nó ! Hết giờ làm việc còn trở lại, chạy lên lầu lấy cuốn sách bỏ quên làm chi. Mà ổng cũng ác tật, phòng làm việc mình ngay đầu cầu thang lại để bỏ ngỏ cửa tang hoác như mời gọi người ta nhìn vào, làm thằng Cường không kịp nhắm mắt lại hoặc thối lui xuống lầu.

Dĩ nhiên những chuyện kể như thế đều thuộc vào loại “thâm cung bí sử” sầm xì với nhau mà thôi, kể cả những vị chức sắc trong chi bộ đảng là những người luôn miệng rêu rao về sự trong sạch và đạo đức cách mạng của cán bộ đảng viên. Người có chức vụ thì giả vờ không hay biết để giữ vững chỗ ngồi và bổng lộc do nơi này mang lại. Người khác nếu không im lặng vì miếng sống đã dư thừa chỉ là vì xét thấy mình cô thế. Vào phòng Giám Đốc Dương người ta dễ dàng nhận thấy cái biểu tượng đặt trên bàn của ông, ngụ ý gián tiếp nhắc nhở mọi người nên hiểu và tuân theo. Bức tượng gỗ đẽo hình ba con khỉ ngồi cạnh nhau, một con hai tay bịt mắt, con kế hai tay bịt mồm và con còn lại thì bịt hai tai. quy luật để tồn tại là phải không thấy, không nghe và không nói tất cả chuyện xảy ra trong Công ty. đám “thầy dùi “xum xoe, nịnh bợ chung quanh thì thổi phồng về thế lực hậu thuẫn sau lưng Giám đốc, chủ đích hù dọa và làm nhụt chí những ai dám manh nha nỗi bất bình.

Có nhiều việc người ta dù bịt mắt, bưng tai, ngậm miệng cũng không tránh nỗi những câu thì thầm nghe được từ sau lưng, vì những chuyện xảy ra tự nhiên cứ như đập vào con mắt. Thoạt tiên là cơn ghen của bà vợ ông Giám Đốc. Cây kim giấu trong bọc lâu ngày cũng phải thò ra. Ông Dương che mắt được chuyện quan hệ với nữ nhân viên trong các chuyến đi công tác xa ngắn ngày ở Dalat, Nha Trang, Vũng Tàu. Nhưng lại không giấu nổi được mãi mãi với vợ chuyện cô Y tá trong Công ty là nhân tình thường trực của Ông. Nhiều lần người ta bắt gặp cô này lẻn vào Phòng Giám Đốc vào những buổi trưa hoặc ca trực tối. Cán bộ công nhân viên tuy không ai nói ra nhưng đều biết nguyên nhân vào sáng thứ hai Giám đốc phải sai người thay khung kính bể nát ở cửa ra vào của phòng Ông, bởi bà vợ ông trưa ngày hôm qua đã hộc tốc lao vào Công Ty đánh ghen, cũng như chuyện chồng cô Y tá tuần trước đến la lối, đòi xông vào không được vì bị bảo vệ cơ quan ngăn lại. Người ta cũng xì xào chuyện Ông thay đổi bồ bịch, mèo mỡ trong các chuyến đi như thay áo, mà chọn toàn là các cô trẻ trung. Liên tiếp mấy năm trôi qua nhưng đố có ai dám hé răng đối đầu phê bình tư cách đạo đức của ông. Ban đầu tôi không hiểu lý do tại sao tất cả cô nào cũng thuận tình, một điều thưa chú, hai điều xưng cháu hết sức ngọt ngào. Nhưng sau đó, những đặc quyền đặc lợi được ông dành cho các cô với những phiếu thanh toán chi phí đi công tác chi trả bằng tiền mặt, trong đó kê khai những tiêu pha hết sức vô lý và sai nguyên tắc khiến tôi phát giác nguyên nhân. Khi vật chất được xem là yếu tố chính, quyết định tất cả thì danh dự, đạo đức và luân lý bị triệt tiêu.

oOo

Trời mờ sáng, sau ca trực đêm cuối tuần tôi đạp xe về nhà. đường phố vẫn còn im lìm trong cơn ngái ngủ chưa vội thức giấc. Hàng cây hai bên đường sau trận mưa đêm qua hầu như trút hết bụi bậm nên trông có vẻ sạch sẽ, tươi mát hẳn. Dọc theo hàng hiên các nhà chạy dài hai bên đường vài người lom khom dọn hàng. Khói từ bếp lò của cái quán café vỉa hè tỏa vào không gian những sợi ẻo lả, mong manh trước khi tan biến mất tăm.
Lang thang chầm chậm qua các con đường quen thuộc, vắng lặng, tôi khoan khoái tận hưởng không khí trong lành của buổi sáng sớm chủ nhật vì không cần phải tất bật, vội vàng. Thở một hơi dài mơ màng nhớ những buổi sáng phải đi học sớm hơn một giờ theo lệ thường, vì ngày hôm đó có giờ thể dục. Cả đám nữ sinh cười nghiêng ngửa khi có một đứa than với cô huấn luyện viên :

- Cô ơi, Ông ngoại em hỏi "Trời còn tối mò, cháu đi học gì mà sớm quá, giống như đi ăn trộm vậy ?? "
- Cô ơi, buồn ngủ quá dậy sớm không nỗi !!!
- Các em nên nhớ, năm nay là năm thi. Có người nhờ điểm thi môn nhiệm ý thể dục này cộng vào mà đậu hạng cao, có thể đi du học với học bổng chính phủ, đừng nên khinh thường.

Nói xong cô giáo đưa chiếc tu huýt lên miệng thổi một hồi còi dài và ra hiệu cho đám con gái tập họp hàng ngũ trước mặt cô.
Cả đám nữ sinh không ai màng chuyện đi du học, chỉ nhăn nhó sợ bị trừ zero điểm hạnh kiểm trong học bạ nếu ai vắng mặt.

Những ngày vô tư, sung sướng giờ trở thành xa xôi như chuyện trong thời cổ tích. đang miên man ý nghĩ trong đầu, chợt tôi nghe có tiếng ai đó gọi sau lưng :

- Cô ơi, xe của cô bị “căm dính đùm” kìa !

Tôi hốt hoảng nhìn xuống hai chân rồi ngoái về phía sau bánh xe. Chiếc xe đạp loạng choạng vì bị mất đà đột ngột làm tôi suýt té, bỗng nhiên có một cánh tay cứng rắn thò qua nắm chặt ghi đông xe. Tim đập thình thịch suýt chút nữa là tôi hét lên nếu không kịp nhìn mặt người đang đạp xe bên cạnh.
Lòng tôi mừng rỡ nhưng vẫn giả vờ làm mặt giận, ngúng nguẩy quay mặt đi :

- Làm người ta hết hồn, tưởng bị giựt túi xách.
- Hên quá, em chưa kịp la làng "Bớ mã tà... giựt đồ" hả.
- Ở đó còn đùa, em muốn đứng tim nè !!
- Vậy thì để anh bắt đền.
- Anh đúng là đùa dai, có xe đạp nào đang chạy mà căm không dính đùm Anh chỉ cho em xem ?

Cười ranh mãnh, Anh chế nhạo :

- Vậy mà cũng có người bị gạt kìa.

Tức mình tôi hỏi dấm dẳng :

- Mới sáng sớm Anh đi đâu vậy ?
- Nhớ em quá ! Biết em trực đêm qua nên sáng nay Anh đi đón em.

Tôi thốt tiếng kêu trời trong cổ họng. Mặc dù biết nhau từ trước 75 và chính thức yêu nhau gần hai năm tôi vẫn còn tính thẹn thùng cố hữu như người con gái mới lớn. Sau ca trực vì ra về rất sớm nên tôi chỉ rửa mặt, chải gỡ sơ sài. Bây giờ, sự xuất hiện bất ngờ không hẹn trước của Anh làm tôi bối rối. Thấy tôi im lặng, tưởng tôi còn giận Anh cười cầu tài

- Còn giận Anh hả, thôi mà. Muốn Anh bắt đền gì nè ? Đi ăn sáng với Anh nhé. Hôm qua Anh mới nhận được quà của mấy người bạn bên Mỹ gởi cho.

Tôi giả vờ hờn dỗi tiếp, lầm bầm :

- Ăn cái búa !
- À, búa với đục Anh để ở nhà, hôm nay chủ nhật nghỉ làm nên Anh không có đem theo.

Anh hóm hỉnh trả lời làm tôi phải phì cười. Tôi quên mất, nên vô tình đụng chạm đến cái nghề thợ mộc bất đắc dĩ của Anh. Hai chúng tôi vừa đạp xe song song vừa nhìn nhau cười nghịch ngợm như hai đứa trẻ.
Tôi nói với Anh :

- Anh đợi em ghé về nhà để thay bộ quần áo khác đã.

Tôi gặp lại Anh thật tình cờ trong một chuyến vượt biên. Ngày xưa khi Anh là một quan hai tàu thủy thì tôi mới học xong trung học. Gặp Anh một vài lần ở nhà người bạn nên chỉ biết sơ qua về Anh. Lần đi này tôi được giới thiệu sẽ đi cùng chuyến "Tắc xi" với tài công để ra "cá lớn". Không ngờ người đó lại là Anh. Chuyến đi được báo động phải tản hàng nên mạnh ai nấy tìm đường tẩu thoát. Tôi còn đang phân vân thì Anh nhanh nhẹn ra hiệu cho tôi đi theo và dẫn tôi xuống một chuyến tàu đò chật ních hành khách đang chờ nhổ neo. Chiếc tàu chạy từ chiều đến suốt đêm thì đến bến sông Phụng Hiệp. Từ đó chúng tôi theo xe đò về Saigon an toàn. Qua tâm sự, Anh cũng giống như tôi đều đi hụt nhiều lần. Đời sống là những chuỗi ngày tạm bợ, chờ đợi chuyến đi. để đối phó với Công An địa Phương trong khi chờ chuyến khác. Chỗ ngồi ẩn nấp và nghỉ chân của Anh là một Xí nghiệp Công Tư Hợp Doanh. Còn tôi, với cái bằng Kế toán, tôi nhẩy từ Xí nghiệp này đến Công ty khác dễ dàng kèm theo một số quà cáp lót tay, sau khi đi hụt vài chuyến và bị mất việc làm vì vắng mặt không xin phép.

Nhiều lần Anh rủ tôi đạp xe ngang qua nơi chốn cũ. Con đường Cường Để vẫn hai hàng cây cao, tỏa bóng, nhưng bên dưới thì xơ xác hoang tàn. Tượng Trần Hưng Đạo qua bao tháng năm dãi dầu mưa nắng vẫn hiên ngang mang lời nguyền, đứng trỏ tay xuống dòng sông. gió chiều từ mặt sông thổi thốc hơi lạnh vào mặt khiến tôi rùng mình. Dựa lưng vào thềm bức tượng, tôi khoanh tay ngồi im. Nhìn nghiêng qua mặt tôi, Anh hỏi ;

- Trông em có vẻ buồn ? có chuyện gì vậy ?

Tôi vẫn im lặng, không trả lời câu hỏi của Anh ? Tâm trí đang suy tính không biết có nên nói ra ý nghĩ của mình. ông bà xưa có nói ; Chỉ có trâu tìm cột, chứ chẳng bao giờ có chuyện cột tìm trâu ! Cuối cùng tôi đánh bạo nói :

- Em hỏi thật ! Anh có yêu em không ?

Anh nắm bàn tay tôi siết chặt thay cho câu trả lời. Tắt nghẹn sau câu hỏi một lúc, thở dài nhè nhẹ tôi thu hết can đảm nói :

- Em muốn mình tổ chức đám cưới.

oOo

Buổi sáng đầu tuần sau phiên họp giao ban, Giám Đốc Dương cho gọi tôi mang tập hồ sơ Giá thành Sản phẩm sang gặp ông. Nhìn cách ông lật tập hồ sơ tôi biết đây chỉ là cái cớ để ông bắt buộc tôi có mặt bên cạnh bàn. Hôm qua một anh bạn bên phòng Kế hoạch bói cho tôi một quẻ "Vận xấu đang đến với tôi, nhưng đừng lo vì tôi có quới nhơn phò trợ nên sẽ tai qua nạn khỏi "Tôi cười cười, không biết quẻ bói có thật không ?, hay chỉ là do các bạn bịa đặt ra. là những người làm ở nơi này lâu hơn tôi, nên dưới mắt họ, chỉ cần nhìn thoáng qua là biết ngay sự việc. Họ nhận xét Tôi không đẹp, chỉ thuộc loại ưa nhìn. Nhưng điều nguy hiểm cho tôi là tôi còn trẻ hơn, mới vào và trong trắng quá so với các bà các cô là người cũ trong Công ty. Tôi như một đóa hoa đã nở trọn vẹn, trưởng thành và còn tươi mơn mởn. Có lần họ còn táo tợn nói toạc ra với tôi.

- Con dê già đang ngấp nghé bên cây so đũa non. Mày coi chừng sẽ bị Xơi tái đó con.

Và hôm nay tôi thấy mình thực sự lọt vào cặp mắt con dê già khi Ông Dương lật chán chê các trang giấy, đưa trả lại tôi sau khi phán ra một câu.

- Cô chuẩn bị mang tất cả giá cả của những mặt hàng trong Công Ty cùng với tôi đi công tác Dalat.

Dù sét đánh bên tai tôi cũng không thấy hốt hoảng bằng. Tôi ấp úng nói :

- Thưa Chú, tất cả sản phẩm cháu đã xây dựng giá thành hẳn hoi từng chi tiết trên văn bản, đâu cần cháu phải đi lên đó.

Ngồi dựa ngửa ra sau ghế, Ông hất hàm nói :

- Cô là nhân viên phụ trách Giá cả, Cô không đi thực tế làm sao đặt giá bán sâu sát với thị trường ?

Về phòng tôi ném tập hồ sơ lên bàn ngồi phịch xuống nói với Ông Châu tổ trưởng của tôi.

- Chú ơi ! Giám đốc bắt cháu ngày mai đi công tác Dalat với ông ta.

Nhìn nét mặt tái xanh của tôi, chú Châu lắc đầu thương hại.
Không phải đến giờ phút này tôi mới biết dã tâm của Ông ta. Mấy ngày trước Ông đã cay cú lột trần bộ mặt thật ti tiện không cần che đậy.Trước đó, tôi cho rằng những lời han hỏi, than vãn về đồng lương chết đói của cán bộ công nhân viên chỉ là trò dọ dẫm, mồi chài khơi dậy lòng ham muốn vật chất trước khó khăn của cuộc sống. Trong thâm tâm có thể ông ta nghỉ rằng ; Tiền thì ai cũng thích, chỉ khác nhau ở chỗ thái độ Khi tiền đặt trước mặt, kẻ cao tay thì không để lộ ra. Với mọi người, xã hội bây giờ lắm thủ đoạn nên người ta đối với nhau không còn nhân nhượng. Sự tranh sống khiến người này móc túi người kia một cách tàn nhẫn bằng đủ các mánh khóe, những từ ngữ chạy mánh, mánh mung, trúng mánh được ra đời. Chẳng ai có thể sống tử tế bằng đồng lương chính trong chế độ này. Hầu như tất cả đều cùng quan niệm ; Tiền của thì như thóc gạo trên nong nia, phải biết cách lắc lư, sàng sảy thì mới rơi xuống cho mình. Tiền trong túi nhà nước giống như củi trên sông, biết cách vớt thì thành của mình. Tôi có bản lĩnh và tâm hồn cứng rắn thì sá gì những thủ đoạn vặt vãnh mua chuộc bằng vật chất ấy. đâu phải đây là lần đầu tôi gặp những tên cán bộ già xấu máu. lần đầu được tuyển dụng đi làm, trong một buổi họp tổ, tôi ngẩn người khi tên cán bộ ngồi bên cạnh lợi dụng lúc mọi người bàn luận vấn đề một cách hào hứng, hắn ta thò tay sang chỗ tôi ngồi và vỗ vào đùi tôi đánh bép một cái, mấy đứa khác là dân tạm tuyển cũng bất ngờ không kịp phản ứng như tôi, còn lại các đồng chí thì cùng nhau cười hô hố một cách khả ố. Tôi vừa ngượng vừa cố nuốt vào bụng câu chửi thầm, đúng là một bọn xuất thân từ nơi chốn rừng rú, thuộc loại sâu bọ lên làm người. Cũng chẳng phải một mình tôi bị vậy, sau này tôi nghe những đứa khác xì xào truyền miệng, nên đề phòng ông H phó phòng Tài vụ Sở, Chú C phó giám đốc Xí nghiệp quốc doanh, Trưởng ban T là những con dê có tầm cỡ, những người này hay lợi dụng cơ hội để táy máy, gỡ gạc vài cái bẹo má, vỗ mông, thậm chí có người lợi dụng lối lên cầu thang nhỏ hẹp để ôm chầm đám con gái đáng tuổi con, cháu. Thoảng có ai đó lên tiếng thì họ vội thanh minh rằng vì xem như tình thân, như em cháu nên mới tự nhiên như thế. Miệng họ lúc nào cũng lên lớp, giảng giải đạo đức cách mạng, tình nghĩa thủy chung của người đảng viên, nhưng sự thực người nào cũng hau háu với đám đàn bà con gái ở Saigon và chán chê những bà vợ mang từ ngoài Bắc vào vừa khô, vừa già.

Không ngờ sau khi trình ký bảng báo cáo, tôi quay lưng ra đi thì ông Dương gọi lại.

- Cô khoan đi,

Tôi nhìn ông e dè hỏi :

- Thưa chú có gì nữa ạ ?

Ông vẫn giữ khuôn mặt lạnh như băng, nhìn xéo ra ngoài khung cửa sổ. Cố quan sát đôi mắt ông qua đôi tròng kính nâu nhạt, tôi thấy được một con mắt đứng tròng không cử động, còn con mắt kia đang liếc vào tôi và cất giọng :

- Em quan hệ với tên "ngụy quân "đó lúc nào ? chuyện hai người đến đâu rồi.

Xương sống tôi thoáng lạnh buốt. Tháng trước tình cờ chúng tôi gặp Ông trong tiệm Phở gần Công ty. giả vờ như không thấy Ông, tôi lẳng lặng cùng Anh đi ra khỏi tiệm. Không ngờ Ông đã cho người trong phòng tổ chức điều tra về chúng tôi. Cố nén bất bình, nhìn thẳng vào mắt Ông, tôi nghiêm trang trả lời :

- Thưa chú, Chúng cháu quen nhau từ khi còn đi học trước 75.
- Em dại dột lắm,

Ông lên giọng đạo đức giả, giảng giải :

- Em phải xác định tư tưởng chính trị của mình cho rõ ràng. Sự thăng tiến của em tùy thuộc vào vấn đề này. Em có trình độ, khả năng vượt lên cao hơn nữa, đừng nên dính líu vào chướng ngại sẽ làm cản trở đường tương lại của em. Em muốn gì cũng được. Tiền của hay cái ghế Trưởng phòng ? Phải biết khôn ngoan để tận hưởng cuộc sống.

Ngắt lời ông, tôi nhạt nhẽo nói :

- Thưa chú, cháu đã được học tập nhiều về đạo đức cách mạng của người cán bộ Do chú phát biểu trong những buổi phổ biến các nghị quyết của trung ương. Người Cộng Sản luôn luôn sống có trước, có sau và đầy tình nghĩa thủy chung. Thế nên chuyện cháu vẫn giữ mối quan hệ tình cảm với những người “ngụy quân” cũng là thực hành đúng những điều đã được nghe nhắc đi nhắc lại.
- Vậy ra em đã quyết định sống cảnh túp lều tranh với hai trái tim vàng trên kinh tế mới ? mà không phải chỉ mình em, cả đời con và đời cháu của em đó.

Hạ thấp giọng ông ta châm biếm thế. Không nao núng tôi đốp chát tiếp :

- Bàn tay có ngón dài ngón vắn, vì vậy suy nghĩ của cháu về cuộc sống sẽ không nhất thiết phải giống một số người mà chú đã từng biết qua. Cháu quan niệm "tốt gỗ hơn tốt nước sơn ".

Tôi sẵn sàng chờ đợi sự trù dập bằng những chỉ thị vô lý, thái độ gay gắt, khiển trách vu vơ hành tội, hoặc biện pháp cuối cùng là ra quyết định “đày” tôi xuống làm thống kê ở một phân xưởng thuộc chốn “đèo heo hút gió” cách xa Saigon gần ba chục cây số đi về. Nhưng tôi không lường trước được cái lệnh đi công tác xa mà Ông ta vừa mới phán ra.
Tôi nói với Chú Châu :

- Cháu thà bỏ việc chứ quyết không đi công tác với ổng.

Trầm ngâm suy nghĩ một lúc chú Châu bày kế cho tôi :

- Ngày mai cháu đừng đi làm, cứ ở nhà rồi nhờ người thân mang thư đến báo tin xin nghỉ bệnh hai ngày. Chú sẽ mang hồ sơ đi cùng Ông ấy thay cho cháu. Ông ta không có lý do để từ chối chuyện chú đi theo.

Tôi mừng rỡ như bắt được vàng, chẳng lẽ quẻ bói lại linh nghiệm đến thế. Chú Châu nói thêm với tôi :

- Cháu chỉ tránh được lần này, chưa chắc thoát được lần sau. Cháu đã biết Ông ấy muốn gì ở cháu rồi. Nếu không muốn mất cái quý báu đang có bên mình thì đừng mang nó theo, rất dễ khơi dậy lòng ham muốn của kẻ gian. Cháu nên tìm một chỗ để trao gởi, cất giấu thì tốt hơn.

Chú Châu xuất thân là một Cử nhân Văn Khoa, sau 75 phải vào sinh hoạt trong Hội trí thức yêu nước, được phân công về làm việc tại đây nên lời nói của Chú thường không đề cập thẳng, nó hàm một ý nghĩa sâu xa, nhưng tôi vẫn đủ khả năng hiểu rõ.

oOo

Đám cưới chúng tôi được cử hành hết sức đơn giản nhưng không kém phần trang nghiêm. Chỉ có những người trong gia đình và một vài người bạn thân tham dự. Anh nói với tôi rất tiếc vì hoàn cảnh nên không thể làm rình rang như ý Anh mong muốn. tôi vẫn tiếp tục đi làm một thời gian ngắn sau đó. Cuối cùng viện cớ phải bổ túc đơn xin xuất cảnh, tôi xin nghỉ việc. Hơn hai năm trôi qua, một hôm có việc đi trên con đường Pasteur, đến đoạn trước Dinh Độc Lập tôi gặp lại Chú Châu. Mừng rỡ, mời Chú vào một quán café cóc tôi huyên thiên hỏi chú chuyện gia đình, chuyện mọi người trong Công ty cũ dạo này ra sao ? chú Châu nói với tôi :

- Ông Dương chết rồi ?? bị bắn chết.

Tôi không tin ở tai mình nên hỏi gặng lại :

- Chú nói thật ? mà tại sao lại bị bắn ?

Với giọng chậm rãi chú Châu kể :
- Người xưa có câu "Giang sơn dễ đổi, bản tánh nan di". Ông Dương lợi dụng sự quen biết trong những lúc đi săn đã rủ rê người vợ trẻ của một đồng chí cũ là thương binh bị cụt mất một chân, khiến chị này bỏ chồng và ba đứa con thơ đi theo ông. Sau một thời gian chung sống Ông lại trở mặt lạnh nhạt, ruồng rẫy khi bà này có với ông một đứa con. Thấy gia đình của cháu mình bị ông Dương phá nát nên người chú tìm cách trả thù. Vốn biết Ông Dương thích đi săn bắn nên ông này giả vờ rủ ông Dương đi sâu vào rừng để thanh toán. Bề ngoài thì người ta tưởng là lạc đạn, nhưng qua điều tra cho biết vết thương do đạn súng săn bắn với cự ly rất gần, phát đạn xuyên hông nằm cạnh tim và Ông chết vì thời gian nằm trong rừng lâu không ai hay.

Cuối cùng thì Ông Dương đã phải trả giá cho việc làm của mình bằng cái chết. Đó cũng là báo ứng theo luật nhân quả của nhà Phật. Người ta hay nói câu "Gieo gió thì gặt bão. lưới trời lồng lộng tuy thưa nhưng mảy lông cũng khó lọt". Tiếc rằng những người Cộng sản như Ông Dương thì lại chẳng bao giờ tin như thế.

Cỏ Biển