SỐ 23 - THÁNG 7, NĂM 2004

 

Thư toà soạn

Thơ
Cựu phù du
Huỳnh Kim Khanh
Khi xa Thụy Tuyết
Phạm Hồng Ân
Hạt bụi tình yêu
Nnguon
Tháng 8
Trần Việt Bắc
Mẹ tôi
Hà Phú Đức
Biệt ly
Tôn Thất Phú Sĩ
Ta vẫn chờ em
Hoàng Mai Phi
Nhớ thời đi biển
Tóc Tím
Nắng dại khờ
Dã Thảo
Nhớ Đà Lạt
Ngọc Trân
Ngẫu nhiên
Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn, Tâm bút
Trăng nước Tầm Dương
Hạt Cát
Về với cơn mưa
Phan Thái Yên
Thiếu nữ cài bông hồng đỏ
Nguyên Nhi
Giọt trầm
Song Thao
Chén cơm và nước mắt
Nguyễn Hồng Quang
Tháng bảy và phượng tím
Vũ Hoàng Thư
Lưới trời
Cỏ Biển
Ngày đầu ra khơi
Tôn Thất Phú Sĩ
Một chốn trụ hình
Tầm Xuân
Quê nhà, Biển và Odyssey
Vũ Hoàng Thư

Biên khảo
Ai giết Lê Lai
Trần Việt Bắc
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 10
Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài
Thằng Nèm
Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 17
Huỳnh Kim Khanh


 

Quê nhà, Biển và Odyssey

 

(Gởi các bạn cựu Sinh Viên Sĩ Quan Hải Quân OCS, Newport, R.I., nhân Đại Hội 8 của GĐHQ/THĐ/OCS tại Boston, Tháng 8, 2004)

Ithaca... Heart racing, Odysseus that great exile
filled with joy to hear Athena, daughter of storming Zeus,
pronounce that name. He stood on native ground at last...

Homer, The Odyssey


1.
Một đêm trăng sáng, có hoa nở và có mây bay, ông Lý Bạch bất chợt nhớ đến cảnh cũ quê xưa của ông. Trăng sáng sanh tình ông gọi tên Đông Sơn, ngọn núi hướng đông mà giờ này mịt mù khuất hướng. Gọi là gọi núi nhưng từ núi nhắc đến hoa rồi từ hoa lân la qua tới người. Không người thì lấy ai mà trồng hoa. Không người thì hoa nở cho ai ngắm. Hoa nở mà người không ở bên, người đâm tiếc rẻ, người thấy mất mát một cái gì không thể thiếu. Người thiếu một cái gì dường như đã mất. Rồi người bâng khuâng tự hỏi mình đã xa nhà, xa cái chốn có hoa nở ấy bao lâu rồi. Buồn lắm thay, đã bao lần hoa nở đứng chờ bên nhà, biết bao lần người lỡ hẹn với hoa. Đã thế, trăng thật quá vô tình, trăng sáng làm chi dữ vậy đêm nay cho trăng xưa lồ lộ về trong ký ức. Thì ra có một dạo xa xôi. Có những lùm hoa dưới vườn đêm. Và có trăng long lanh diệu vợi trước ngõ nhà ai...

Bất hướng Đông Sơn cửu
Tường vi kỷ độ hoa
Bạch vân hoàn tự thán
Minh nguyệt lạc thùy gia

(Lý Bạch – Ức Đông Sơn)

(Non Đông xa cách bao xuân
Cây tường vi đã bao lần nở hoa
Mây xưa hẳn vẫn bay xa?
Trăng xưa biết rụng xuống nhà ai nao?
Ngô Tất Tố dịch)

Bây giờ, tất cả đã xa, thời gian ngưng lại, trăng hôm nay không thấy mà chỉ thấy trăng xưa. Rồi ông bâng quơ thầm hỏi trăng rụng xuống nhà ai. Thi sĩ hỏi là hỏi cho vui vậy thôi, chứ thật ra ông đang tự nói với chính mình. Cái lối tự truyện của kẻ nhớ nhà, vơ hết vũ trụ vào làm riêng của mình để khỏa lấp phần nào sự trống trải ở trong lòng. Trăng sáng cho cả thế gian chứ nào phải cho riêng ai, nhưng không, thi sĩ chỉ thấy mảnh trăng rụng xuống nhà ai đó. Ai là ai đó, ông nào nói ra vì ai vào đây giữa ta với người ? Ta với người bên nhau làm nên mái nhà. Những mái nhà nối nhau thành xóm làng. Từ đó có nơi chôn nhau cắt rốn. Cái trăng tâm linh đó, người xa quê không thể nào rời bỏ. Nói gì đến trăng, mọi chuyện nhỏ nhặt xưa cũ cũng trở thành những kỷ niệm khó quên. Đông Sơn của Lý Bạch cũng chính là Trường Sơn của chúng ta, dãy núi thăm thẳm in dấu một đời miền Trung nhọc nhằn đói khổ; hay Thất Sơn của đồng lúa miền Nam chạy thẳng chân trời. Và Đông Sơn tại sao không phải là Hoàng Liên Sơn vùng Việt Bắc đã hai lần mất nhau, lần đầu bỏ xóm làng di cư vào Nam năm 1954 và lần thứ hai cuộc di tản ra biển Đông năm 1975 ?

Đêm trăng yên tĩnh. Ngọn núi vạch vào nền trời thẫm như mũi kim đâm vào dạ khơi mào. Núi thăm thẳm một màu xanh Trường Sơn và đá muôn thuở khô cằn. Đêm bật dậy với mảnh trăng treo bên mành cửa. Nhớ và nhớ. Nhớ manh áo người. Nhớ vạt tóc ai. Nhớ đường khuya hương ngời hoa lý. Nhớ bùng vỡ ôm đầu. Nhớ rơi xuống lòng cho trổi dậy quê hương.

Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.

(Lý Bạch – Tĩnh dạ tứ)

(Đầu giường ánh trăng rọi,
Ngỡ mặt đất phủ sương
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương.
Tương Như dịch)

Lý Bạch chỉ xa quê nhưng chưa xa nước mà hằng đêm ông đã “đê đầu tư cố hương”. Ngày nay đối với hơn hai triệu người Việt lưu vong, quê hương xa vời ở phía cuối chân trời, nửa vòng trái đất nghìn trùng, ở bên đó dưới những chân mây.


2.
Chiều nay gió về nhiều hơn mọi khi, nơi thị trấn biển chỗ tôi đang trọ. Từng đợt len lỏi vào da mang theo chất mặn của muối. Rất nồng nàn. Một chút hương rêu dậy lên níu kéo cả một lòng biển vỗ cuồng. Bờ đá. Bãi cát dài và chú còng vô vọng trốn chạy vào hang trước những cơn sóng. Cũng như thế, con người tưởng yên ổn trong ốc đảo của mình dưới những hưng phế đổi thay của thời gian. Bao ngàn năm sóng vỗ, những con thuyền ra đi nhắm thẳng biển khơi. Cũng có những con tàu không bao giờ trở về. Viễn du. Hải hồ. Nhưng bất cứ ở chân trời góc biển nào, cuối cùng rồi chàng thủy thủ nào lại không ao ước được trở về bến cảng. Về với người yêu, về với những vòng tay chờ. Về bến. Về lại nhà. Về lại quê.

Ithaca... yes, I seem to have heard of Ithaca,
even on Crete’s broad island far across the sea

(Homer, The Odyssey : Ithaca at Last)

Ithaca... phải, ta dường như đã nghe tiếng Ithaca,
vang vang ngay từ khơi ngoài đảo Crete bao la.

Odysseus, nhà hàng hải của mọi nhà hàng hải, chàng thủy thủ của mọi thủy thủ, đã nghẹn ngào thốt lên như vậy trong lần về bến sau bao năm xa cách quê nhà. Ithaca nung nóng một khát vọng trở về. Âm vọng từng giây, âm ỉ trong tiềm thức, có nơi nào trên thế giới này mà ta không nghe đến tên mi. Ithaca at Last ! Cuối cùng ta đã về lại cùng mi !

Odysseus (Ulysse), nhân vật thần thoại Hy Lạp, anh hùng trận đánh thành Troy và cũng là vua của đảo Ithaca. Cuộc hành trình trở về nhà của Odysseus sau cuộc chiến thành Troy, tưởng là một chuyến về xuôi mái như bao chuyến hải hành bình thường khác trở thành gian lao với bao cuộc phiêu lưu vào sinh ra tử. Chuyến đi được Homer, một thiên tài kỳ bí người Hy Lạp vào thế kỷ thứ bảy trước Công Nguyên, kể lại trong tập thơ Odyssey, dài hơn mười hai ngàn câu. Biển cả bao giờ cũng gắn liền với cuộc đời của Odysseus. Từ những trận thập tử nhất sinh đối đầu với thần khổng lồ một mắt Cyclops cho đến việc chống chọi tiếng gọi mê hồn của đám ma nữ Sirens, Odysseus luôn luôn chứng tỏ mình là một kẻ khôn ngoan và mưu lược. Chàng đã lập kế phục rượu và đâm mù mắt thần Cyclops trong hang động rồi trốn thoát. Để chống lại sự mê hoặc của Sirens, chàng đã phải dùng sáp dán kín tai của thủy thủ đoàn, còn bản thân mình thì tự trói vào cột buồm để không bị rơi vào sự quyến rũ của ma nữ. Lần khác, khi về gần đến Ithaca, Odysseus vì quá mệt mỏi nên đã gục thiếp đi. Bọn thuộc hạ ngu dốt đã mở túi gió của thần gió Aeolus vì lầm tưởng đây là túi vàng bạc quý giá cướp được. Những cơn gió cuồng loạn thổi đoàn tàu Odysseus trở lại vùng đảo của Aeolus. Tưởng như là đoạn chót của chuyến trở về đã gần kề ngờ đâu định mệnh xô đẩy cho những trận càn khôn dời đổi chờ đợi khách anh hùng. Biết bao gian nguy thử thách, Odysseus vẫn cang cường tranh thủ cho một ngày về bên vợ con thân yêu. Ithaca, bến cảng quê hương tuy xa vời trong địa lý mà luôn luôn thân mật cận kề trong tâm tư.


3.
Quê và Biển. Biển chạy dài trên hai ngàn hai trăm cây số, ôm gọn hết dải đất Việt Nam. Đi đâu trên đất nước mà ta không thấy biển và sông. Đông hải mênh mông nối dài cho Hồng, cho Hương, cho Cửu Long cuồn cuộn chảy. Nước bao quanh nhà. Nước trở thành Nước viết bằng chữ hoa, nơi sanh sản ra nòi giống Việt. Không có ngôn ngữ của một quốc gia nào gọi quê hương mình bằng chữ Nước. Nước tôi là “my country” trong tiếng Anh và “mon pays” trong tiếng Pháp, chứ không là “water” hay “eau” cho danh từ quốc gia bao giờ. Ta gọi Nước Nhà vì nhà là đơn vị cơ bản của một xã hội. Có nhà từ đó mới thành ra nước. Hoán chuyển vị trí của hai chữ Nước Nhà thành Nhà Nước ta liền có chính phủ, tức là công quyền, tức là nhà cai trị. Ngay ngôn tự, cha ông ta đã có một tinh thần dân chủ, hay nói rõ hơn một tinh thần từ dân, vì dân và cho dân mà không cần vin vào một lý thuyết xa vời nào khác. Nhà Nước, hay chính phủ, bắt đầu bằng chữ Nhà. Mà trong nhà có ai khác ngoài dân, ngoài quần chúng, ngoài đồng bào, những đơn vị nhỏ nhất, thấp cổ bé miệng nhất nhưng cũng quan trọng nhất để tạo nên quốc gia. Nhà Nước không lo cho dân và vì dân, dân sẽ đói khổ, lầm than. Một khi con người đau khổ thì làm sao họ an cư, xã hội làm sao ổn định? Từ đó đất nước đâm loạn lạc vì Nhà không hạnh phúc, lấy gì Nước được phú cường? Cho nên khi Nhà Nước không lo cho dân, không phục vụ cho nước thì Nước Nhà rắm rối bại hoại. Nhà Nước hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa bao giờ chịu hiểu cái nghĩa lý sơ đẳng nhất đó của danh từ Nhà Nước.

Đã gần ba mươi năm xa nước, những chàng thủy thủ hào hùng ngày nào đã bắt đầu thấm thía sự tàn nhẫn của thời gian trên những bến lạ. Đâu đó những vùng sông rạch một thời, những thành phố duyên hải đã ghé qua, những chuyến hải hành đêm, không nhắc đến vẫn tự tìm về đôi khi trong trí nhớ. Gặp nhau, năm bảy đầu tụm lại, mái trắng pha màu, chuyện vỡ những năm tháng cũ xưa, nói mấy cho vừa. Nhớ nước, thương nhà, nhưng nhà còn đau và nước chưa yên. Một vài chuyến về thăm quê, vui thú gia đình sum họp quây quần nghe chừng như những ánh đom đóm bập bùng trong đêm tối. Ở bên đó đêm vẫn còn rất đêm. Ừ, thì sẽ có những đêm dài “đê đầu tư cố hương” trong cuộc sống lưu vong ở bên này, nhưng còn lại rất nhiều những đêm khác, những đêm Odysseus vùng dậy trong lòng chàng thủy thủ, vung gậy đánh thẳng vào ngay tâm điểm mắt của độc nhãn Cyclops. Hắn sẽ ngã xuống và chết mù lòa ngay trong chính hang động của hắn. Vết đâm quyết liệt rút ngắn đường về. Chàng thủy thủ sẽ thuận buồm xuôi gió trở về bến. Như Odysseus, chàng sẽ reo lên, Saigon at Last ! Xin trả lại tên cho ngươi, Saigon ơi ! Và như thế, “như chim hồng, chim hạc... dù lưu lạc mười phương, chúng ta vẫn bay mãi trên vùng trời quê hương, đuôi xòe đóa sen, lưng chở núi, lòng ôm mặt trời, đôi mắt trừng trừng nhìn hư không xanh, và đôi cánh lộng làm rơi rụng nghìn dặm cách chia...” (Thi Vũ – Quê Mẹ, Paris)


Vũ Hoàng Thư
Santa Barbara
Tháng Tư, 2004