SỐ 23 - THÁNG 7, NĂM 2004

 

Thư toà soạn

Thơ
Cựu phù du
Huỳnh Kim Khanh
Khi xa Thụy Tuyết
Phạm Hồng Ân
Hạt bụi tình yêu
Nnguon
Tháng 8
Trần Việt Bắc
Mẹ tôi
Hà Phú Đức
Biệt ly
Tôn Thất Phú Sĩ
Ta vẫn chờ em
Hoàng Mai Phi
Nhớ thời đi biển
Tóc Tím
Nắng dại khờ
Dã Thảo
Nhớ Đà Lạt
Ngọc Trân
Ngẫu nhiên
Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn, Tâm bút
Trăng nước Tầm Dương
Hạt Cát
Về với cơn mưa
Phan Thái Yên
Thiếu nữ cài bông hồng đỏ
Nguyên Nhi
Giọt trầm
Song Thao
Chén cơm và nước mắt
Nguyễn Hồng Quang
Tháng bảy và phượng tím
Vũ Hoàng Thư
Lưới trời
Cỏ Biển
Ngày đầu ra khơi
Tôn Thất Phú Sĩ
Một chốn trụ hình
Tầm Xuân
Quê nhà, Biển và Odyssey
Vũ Hoàng Thư

Biên khảo
Ai giết Lê Lai
Trần Việt Bắc
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 10
Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài
Thằng Nèm
Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 17
Huỳnh Kim Khanh


 

Một chốn trụ hình

 

Những nhu cầu tức thì của xã hội hiện đại đẻ ra nền văn hóa mì ăn liền. Buổi sáng trời mù, trên đường đến sở, ghé vào một quán cà phê, bất cứ quán nào, xếp rồng rắn, chắc chắn không phải vì cái không khí ngái ngủ đầu ngày. Những quán cà phê trong thành phố bé con này vô hồn, vô cảm. Chúng là những chị em sinh đôi, sinh năm, sinh bảy mang máng nét chung. Chúng là sản phẩm của một dòng họ. Mắc xích của một dây chuyền. Ghé thăm những đại gia Starbucks, La Madelaine đôi lúc chợt nhớ chợt thương những cô Thơ, cô Mộng, cô Văn của Sài gòn muôn năm cũ.

Những quán cà phê ngày ấy là một khoảng không gian riêng, rất riêng của một tầng lớp rất đặc thù. Người ta, đông phần là giới trẻ, tìm thấy ở đấy một góc đời an bình giả tạo nào đấy, bỏ cái thế giới chiến tranh thù hận ngoài kia, hưởng vội chút ngày tháng thư sinh ngắn ngủi còn lại. Ở đấy, với một chút ngông cuồng tuổi trẻ, người ta có thể đá động những vấn đề tầm vóc lớn lao. Triết học. Văn chương. Chiến tranh. Hòa bình. Chủ nghĩa. Tôn giáo. Cũng có thể ở đấy, người ta ngồi lặng một mình với điếu thuốc vàng tay, theo đuổi những ý nghĩ, dự định riêng tư. Khung cảnh của những quán cà phê hồi ấy là sự ấm cúng. Trong hoàn cảnh phân ly lâu dài, tranh chấp gay gắt, có lẽ sự gần gũi, đoàn tụ là điều nằm trong vô thức mỗi người. Chỉ cần một chút nhạc nhè nhẹ, vừa đủ nghe. Và, có lẽ, cần thêm một chút bóng tối. Người ta cần một chỗ ngồi. Nghĩa đen và nghĩa bóng.

Bây giờ, dù đã rất lâu không trở lại Sài gòn, qua bạn xưa, vẫn biết cà phê Sài gòn không còn tâm hồn năm cũ. Không khí những quán cà phê bây giờ là không gian của thiên nhiên. Không còn cần cái gợi thầm đoàn tụ. Âu cũng là một điều rất thường. Thành phố đổi thịt thay da theo đà kinh tế thị trường, mỗi tấc đất một tấc vàng, thành phố đã phát triển hết chiều dọc chiều ngang, bây giờ vươn cao, cao nữa. Màu gạch ngói đánh bại màu xanh lá hoa cây cối. Trong hoàn cảnh ấy, một góc vườn nhà những ngôi biệt thự những con đường rậm mát ngày xưa như Nguyễn Du, Duy Tân, nếu có trở thành những quán cà phê, mang lại chút lợi nhuận cho chủ nhân lúc thoái thời, lại gặp buổi gạo châu củi quế, ôi cũng là thường.

Nhưng thiên nhiên của những quán Sài gòn bây giờ là một thứ thiên nhiên tội nghiệp. Bạn kể người Sài gòn bây giờ ngộp thở, thèm chết được chút hương đồng cỏ nội. Những quán cà phê vườn mang về thành phố cái thiên nhiên như thật. Tiếng thác ngập ngừng từ những hòn non bộ. Những chú vịt trắng nhựa bất động trên bãi cỏ xanh. Lâu lâu, một tiếng chim thánh thót trong bụi gai già. Bóng chim chẳng thấy nơi nào, tiếng chim lạc lõng từ bộ cảm biến nào đó giấu kín trong bụi rậm

Chính trong những nơi chốn như vậy một cá thể được định hình. Nhiều khi những ý tưởng vu vơ nào đó lúc trở thành hiện thực lại đường hoàng đi vào kho tàng nhân loại. Buổi chiều bà xã rủ đi xem Harry Potter III, lấy cớ bà xã đã có bạn đi cùng, ngồi nhà, chợt nhớ tác giả bộ trường thiên Harry Potter, JK Rowling, khai sinh ra quyển tiểu thuyết trứ danh này từ một quán cà phê. Cho đến tận bây giờ, bà vẫn cho rằng không có nơi nào tốt hơn để người ta viết. Bây giờ, đã là chủ nhân những ngôi biệt thự sang trọng ở Kensington, Edinbourg hay Perthshire nhờ vào tiền bán sách, bà vẫn nhớ hoài quán cà phê Nicholson, nơi gợi cho bà những cảm hứng đầu tiên. Theo ý bà, nơi sáng tác lý tưởng là một quán cà phê nào đó. “Bạn không phải tự pha cà phê, không bị cảm thấy cô đơn khi bạn viết và nếu bạn bị cụt hứng, bạn có thể đi đến quán bên cạnh để lấy hứng. Một quán cà phê tuyệt vời chỉ có vừa đủ người để bạn không cảm thấy cô đơn nhưng cũng đừng đông quá để bạn phải ngồi chung với người lạ cứ nhìn bạn từ trên xuống dưới. Nhân viên bán hàng phải dễ thương để không nhìn chằm chằm khi bạn ngồi quá lâu và cũng không vặn nhạc quá to khiến bạn không thể tập trung viết được”. Tôi nhớ đến những quán cà phê trong những thành phố châu Âu mình có dịp ghé qua, nằm ép mình dưới những giàn hoa tươi, mở ra những khoảng không biển cả, trời đất mênh mông, nơi người ta chỉ nhấm nháp mà không uống cà phê, trong những chiếc tách nhỏ xíu. Lại nhớ thói quen thực dụng những ngày ở Mỹ, tôi gặm khúc bánh mì baguette dọc vỉa hè Paris, ghé vào quán mua một tách cà phê rồi tản bộ dọc vỉa hè Paris. Vẫy tay gọi một taxi, nói nơi đến. Chờ lâu, nhắc người tài xế, anh ta chỉ cười, ngó vào tách cà phê. Phải đợi bà xã nhắc Tầm Xuân mới nhớ ra mà xấu hổ rằng cái phong cách hàm hồ ăn uống của mình làm ngứa mắt những con người xứ ngàn năm văn vật.

Không biết có phải vì những lời khuyên của tác giả Harry Potter không mà hè này, ngồi ngoài hàng hiên của những Starbucks, không ít người mang theo sách bút, báo chí, computer. Cà phê chỉ còn là một cái cớ nhỏ nhoi. Riêng Tầm Xuân không có lý do gì lớn lao, có ghé vào một quán cà phê chẳng qua vì lâu lâu muốn chạy ra ngoài, xem thiên hạ có điều chìa khác khác? Hôm rồi có dịp qua Cali, bạn dẫn vào một quán cà phê có Karaoke, lúc vắng khách chiếu bộ phim tạp kỷ Paris by night 71, 72 gì đó. Đang mải mê chuyện trò cùng bạn, bỗng giật mình. Nhờ người chủ quán rewind xem lại cho kỹ, sợ vừa rồi lãng tai. Thì cũng vẫn là người MC nam ấy đang thao thao bất tuyệt: “Nếu quý vị đã xem quyển Giờ Thứ Hai Mươi Lăm chắc hãy còn nhớ sự tàn bạo của quân Nhật khi chiếm đóng những nước khác, cai trị những dân tộc khác.” Chậc, không lẽ ông ấy muốn nhắc tới quyển tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Lỗ Ma Ni có bản dịch ra Việt ngữ hơn 30 năm về trước, đã được dựng thành phim với nhân vật chính do Anthony Quinn thủ diễn? Hẳn là không. Vậy chắc phải là một đầu sách mới, phiền nỗi thiếu thốn gì mà lại mượn nhau một cái tên để đến đỗi làm khó dễ nhau! Tự trách mình đã lâu lười đọc, không theo kịp sách vở nữa rồi. Ly cà phê bỗng dưng trở nên chua loét.

Tầm Xuân