SỐ 29 - THÁNG 1 NĂM 2006

 

Thơ
Ngõ cúc vàng xuân xa
24 Vũ Hoàng Thư
Bồ Tát
23
Hoàng Du Thụy
Đêm biển động
21
Huỳnh Kim Khanh
Rồi chỉ còn lại nỗi buồn
19
Nguyễn Xuân Vời
Lữ khách
20
Trần Việt Bắc
Noel hy vọng
18
Tôn Thất Phú Sĩ
Đếm sao
18
Kim Thành
Ta mất mùa xuân
17Ngọc Trân
Sóng ở đáy sông
17Maihoado

Truyện ngắn, Tâm bút
Mùa xuân trong hạ
15
Nguyên Nhi
Người đưa thư ở Cabramatta
14
Phan Thái Yên
Lao vào lửa
13
Hoàng Du Thụy
Thời kiêu bạc
12
Phạm Hồng Ân
Ru tôi mộng lành
8Song Thao
Mùa xuân trên thành phố
7Cỏ Biển

Phiếm luận văn chương
8Huỳnh Kim Khanh
Năm Bính Tuất nói chuyện chó
8Trương Thanh Diễm Thùy

Văn học, biên khảo
Ngày xuân, ngày Tết
4Xuân Phương
Nhà Trần khởi nghiệp (3)
4Trần Việt Bắc
Sống thiện chết lành
4Ngô Văn Xuân
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 16

3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài
Thằng Nèm
2 Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 23
1 Huỳnh Kim Khanh


 

Mùa xuân trên thành phố....

 

"Mùa xuân này về trên quê ta, khắp đất trời biển rộng bao la... "

Giọng hát the thé bất thình lình phát ra từ chiếc loa phóng thanh bên kia đường chọc thẳng vào màng nhĩ khiến bà Tám giựt bắn người, chút xíu nữa là khúc bánh mì đang cầm ở tay rớt xuống, người khách đứng chờ mua bánh cũng hốt hoảng không kém bà. Cả hai nhìn qua phía bên kia đường chợt hiểu, à thì ra bên kia công viên người ta đang giăng mắc đèn màu cùng loa phóng thanh khắp nơi sửa soạn cho ngày lễ hội mừng xuân sắp tới.

Không cần phải tổ chức rình rang bà Tám mới biết là mùa xuân đã về và ngày Tết gần kề. Bà lẩm bẩm : "Cứ nhìn thấy mấy người Việt kiều lục tục kéo về cả đám là biết sắp Tết rồi." Họ giống như những con chim én hay xuất hiện vào những ngày cuối đông, sáng sáng bay lượn trên bầu trời hoặc ríu rít ở một góc tường của tầng lầu cao nào đó trong thành phố, nhìn bầy chim người ta biết mùa xuân lại về. Mà cũng ngộ hễ cứ gần Tết là chính quyền có đủ thứ lễ hội bày ra cho dân, nhưng thâm tâm ai cũng biết đó là lực tác động cho đám việt kiều nhớ quê hương về ăn tết nhiều hơn. Hầu như nơi nào của thành phố cũng có tụ điểm vui chơi, ở ngay trung tâm cho đến mấy quận ngoại thành xa mút tí tè. Lòng bà Tám bỗng hậm hực ganh tị, khi thấy cuối cùng rồi nhà nước cũng vẫn coi trọng và ưu đãi mấy người này, một thời bị xem là tàn dư của lối sống tư bản, là bọn ăn bám lười biếng cần phải giáo dục lại bằng cách bắt buộc đi quét rác ngoài đường, đi xúc đất đào mương làm thủy lợi.Còn thành phần nào có tham gia trong chính quyền của kẻ thù dĩ nhiên phải bị giam giữ, tập trung cải tạo lao động dài hạn không để sót một ai. Riêng những người giống như bà, một người có công với cách mạng ngoài thời gian đầu được khen ngợi, cấp cho mấy tấm giấy đỏ nói theo kiểu quảng cáo bán hàng của nhũng anh chàng lẻo mép là xanh xanh, đỏ đỏ đem về treo trong nhà cho mấy em nhỏ nó mừng, cho tới bây giờ bà cũng vẫn là bà Tám đứng bán xe bánh mì ở đầu con hẻm nhỏ trong thành phố không có gì khác trước, giống như chiếc xe bánh mì trở nên cũ kỹ với thời gian, màu đỏ trên những tờ ban khen trở nên lợt nhách, con người bà cũng mỗi ngày mỗi già đi và tàn tạ hơn.

"Mới đây mà đã gần ba mươi năm chứ ít ỏi gì sao ?" Bà Tám chép miệng nhớ lại cái thuở huy hoàng của bà thời cách mạng mới về. Bà được chính quyền mới tin cẩn cử làm tổ trưởng tổ an ninh dân phố. Bà được mời đi họp trong những ngày "lễ lớn" ở phường quận, hãnh diện ngồi ngang hàng với mấy bà khác ngực đeo đầy huy chương đỏ chói trước kia đã từng hoạt động trong tổ "biệt động thành". Thật tình mà nói bà chỉ là một cô con gái gia đình bình thường sống về nghề buôn gánh bán bưng, cái gọi là thành tích tham gia cách mạng của bà chỉ là vô tình. Sau năm sáu tám, chiến tranh trở nên khốc liệt hơn và lan tới xóm Giồng bà ở, hết đám trai tráng rồi tới bầy con gái rủ nhau bỏ ruộng vườn ra thành phố để lại trong xóm chỉ còn rặc ông già, bà cả. Giống như chị em bạn, bà Tám rời quê ra tá túc với người dì họ trên Saigon, hai dì cháu hàng ngày loay hoay kiếm sống với chiếc xe bánh mì bán cho đám sinh viên ở mấy trường Đại học chung quanh, thời gian sau khi đã quen nước quen cái, bà dì giao luôn chiếc xe cho bà Tám bán một mình để ở nhà giữ đứa cháu ngoại mới sanh. Nhờ còn trẻ và có duyên buôn bán nên bà có đông khách hơn dì, bán riết rồi quen mặt, nhớ ý từng người khi họ đến mua bánh mì của bà, người này không thích ăn cay, kẻ kia ưa muối tiêu hơn xì dầu, có người bà còn dám cho thiếu chịu khi nghe họ than thở chưa nhận được tiền ăn ở trọ dưới quê gởi lên. Bà còn nhớ mấy năm đó sinh viên bỗng nhiên rủ nhau đi biểu tình hà rầm, giống như chơi trò cút bắt với đám cảnh sát dã chiến.Thấy tụ năm tụ ba đông ken vậy chứ chỉ có vài người chủ chốt cầm đầu loe hoe giơ biểu ngữ, những người khác chỉ tò mò rủ nhau chạy theo coi hoặc liệng đá chọc cho cảnh sát bắn lựu đạn cay giải tán để hè nhau bỏ chạy cho vui. Một ông khách quen mặt nói với bà "Tuổi trẻ có sức sống hừng hực đang bị lợi dụng". Bà Tám nghe vậy đâm ra ngẩn ngơ bởi không hiểu ông khách muốn nói gì. Bà chỉ biết, hễ ngày nào có biểu tình là ngày đó coi như bà khỏi nấu cơm, ăn bánh mì trừ bữa. Còn chưa hết chuyện, có hôm vừa mới dọn ra chưa kịp bán mở hàng là nước mắt, nước mũi chèm nhẹp cay xè, bởi khói lựu đạn cay từ cuộc chiến của hai phe ở tuốt góc cuối đường bay tới.

Bữa nọ đang lui cui quạt mẻ than gần tàn hơ lại mấy ổ bánh cho giòn, bà Tám nghe tiếng tu huýt thổi rét rét ở đầu đường, chưa kịp quay đầu dòm coi cái gì xảy ra, tự nhiên thoắt một cái ở đâu xuất hiện một cậu sinh viên vẫn thường hay ăn chịu bánh của bà, dúi vô gầm xe của bà một gói giấy xong bỏ chạy lẫn vô đám đông trong trường. Buổi chiều đẩy xe về nhà bà lần mò giở gói giấy ra thấy trong đó là một xấp giấy mỏng cỡ giấy gói bánh mì, kêu gọi tuổi trẻ tham gia cách mạng giải phóng gì đó,trong đầu óc chất phác của bà không biết đây là chuyện hệ trọng liên quan đến mấy vụ biểu tình, bà nghĩ một cách đơn giản là giấy tờ của người ta gởi thì phải giữ giùm và để ý chờ họ đến để trả lại nhưng mãi vẫn không thấy tăm hơi. Ít lâu sau bà bỗng nhiên gặp người thanh niên năm nào bèn kêu lên : ' Em ơi, tui còn giữ cái gói giấy bữa nọ em gởi nè ' nghe vậy cậu này làm mặt lạ, lắc đầu bỏ đi một nước không trả lời. Bà ngạc nhiên thắc mắc : ' Ủa sao gởi đồ mà không chịu nhận lại ' Bà đâu có nhìn lầm người ? !! Trái lại bà còn nhớ rõ mặt cậu này hơn ai hết vì vẫn còn nợ tiền bánh của bà không ít.

Chuyện chỉ xảy ra như vậy, sau giải phóng bà vẫn bán bánh mì ở chỗ cũ cho tới ngày nhà trường mở cửa lại, bà nhận ra người thanh niên hồi đó, giờ nghe nói làm cán bộ bí thơ hay bí thiếc chi đó trong trường. Bà về leo lên moi phía trên nóc nhà cầu, dưới kẹt máng xối, lôi ra xấp truyền đơn ẩm ướt lem nhem đem trả cho khổ chủ, tại tánh bà chơn chất ai gởi giữ giùm cái gì bà đều trả lại nguyên xi. Vậy là bà trở thành người có công gìn giữ bí mật, che giấu và là cơ sở nuôi dưỡng cán bộ, đóng góp cho cách mạng thành công, đây là một tấm gương tốt cần phải được đền đáp công lao. Bà Tám nhận được mấy tấm bằng khen bỗng hóa ra ngây ngất trong ánh hào quang không tưởng. Tự nhiên được nhiều người xưng tụng bà yên trí mình đã trở thành một anh hùng nên hết sức hãnh diện về điều này.

Từ ngày làm tổ trưởng an ninh bà đã tích cực hoạt động góp sức và xuất sắc hoàn thành công tác được giao, đó là lời tuyên dương của anh Ba, chị Tư ở trên ủy ban, trên thành hội phụ nữ nói về bà. Mà cũng phải, cách mạng về bà bận rộn ghê lắm. Hồi trước khi đi bán về thì bà chỉ ở nhà ram thịt, làm đồ chua chuẩn bị cho ngày mai đi bán. Bây giờ bà dẹp luôn xe bánh mì buôn bán theo lối cá thể để vào làm trong cửa hàng ăn uống quốc doanh. Mỗi tối bà xung phong đi tham gia canh gác mấy trọng điểm trong khu phố, bà ngồi thu lu trong bóng tối cho tới nửa đêm, nén cơn buồn ngủ và chịu cho muỗi cắn để rình bắt đám gái ăn sương, làm sạch đẹp thành phố, dẹp bỏ rác rưởi tàn dư tệ nạn chế độ cũ để lại theo như lời mấy anh cán bộ lớn trên thành chỉ đạo. Rốt cuộc bà không có thì giờ rảnh để hò hẹn hay chú ý tới tình yêu đôi lứa, vả lại hình như đàn ông con trai của Saigon mấy năm đầu biến mất tiêu hết, có còn thì cũng lèo tèo mấy tên lính ngụy quèn học tập ba ngày, nếu không thất nghiệp thì cũng chuẩn bị đi kinh tế mới, mấy cán bộ cách mạng thứ thiệt thì chưa được phép của đảng đăng ký quản lý đời bà, dân thường cũng không thông vì dù gì bà cũng là người làm công tác an ninh nơi ở, dân ngụy lại càng tránh xa bà hơn. Bà Tám hồi còn trẻ tuy không đẹp sắc sảo nhưng cũng dễ coi, xưa kia cũng có mấy chàng thanh niên ra vào trong xóm để ý hò hẹn với bà, hiềm một nỗi họ đều ở trong tuổi lính nên khi quen nhau chưa được bao lâu tất cả đều ra đi tứ tán, kịp đến khi rã ngũ trở về biết bà thuộc thành phần có công với cách mạng lại là tổ trưởng an ninh thì họ chạy tét hết, từ đó chị Tám hóa ra lỡ thời trở thành bà cô tính tình khô như ngói. Mang trọng trách trên vai và sống trong cô đơn bởi sau ngày giải phóng gia đình bà dì họ bỏ về hồi hương, bà ở lại một mình lủi thủi ra vào đâm ra khó chịu trong người, ở trong khu phố đừng hòng bà bỏ sót nhà nào, nhứt là mấy nhà có chồng con đi tập trung cải tạo, bà để mắt kiểm soát hết sức kỹ lưỡng, ai lui tới ra vào bà đều biết hết, công an khu vực chỉ cần thông qua bà là đã có tin tức đầy đủ. Mấy năm rộ lên phong trào vượt biên bà con lối xóm sợ bà một phép, nhà nào đóng cửa quá ba bửa không thấy người ra vô là đã có bà ghé mắt vô để báo cáo về phường. Có lần bà bị tổ trác vì không biết con nhỏ mới dọn về ỏ trong căn nhà cuối xóm có bà chị làm bé cho một cán bộ công an quận, khi nhận được báo cáo của bà cả đám nhân viên Phường hăm hở xuống dọn đồ đạc rồi niêm phong căn nhà với lý do nhà vượt biên vắng chủ. Nửa tháng sau con nhỏ trở về có giấy chứng nhận tạm vắng của Quận ký, báo hại cả đám phải lục tục moi đồ đạc lỡ chia chác nhau đem chở trả lại cho khổ chủ, đã vậy còn phải chịu kiểm điểm phê bình trước buổi họp ở quận.

Từ lúc đó bà Tám bớt đi phần nào hăng hái, sốt sắng. Mới đầu bà tưởng rằng làm chủ tập thể là khởi đầu của con đường sắp tới, sẽ đổi đời để trở thành chủ nhân thực thụ cho nên hết sức "toàn tâm, toàn ý "góp phần với chính quyền để làm cho chủ nghĩa thăng hoa, tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc, không kinh qua thời kỳ quá độ...vv... và... vv... !!! Những lời nói bà chỉ hiểu một cách ù ù, cạc cạc như vịt nghe sấm từ những buổi họp học "nghị quyết "trên cửa miệng của "mấy ảnh " lúc mới về khiến bà tuyệt đối tin tưởng, bà đâu dè sự thực ngược lại với lời nói à!!! Dạo sau này bà có vẽ chểnh mảng mọi chuyện và hơi buồn lòng vì cảm thấy hình như mình bị bỏ rơi, bà đâu ngờ rằng sau khi nắm giữ đầy đủ thông tin về tình hình an ninh khu phố chính quyền mới đã không cần sử dụng tới bà. Thêm vào cửa hàng"ăn uống "quốc doanh không được dân chúng hoan nghênh đâm ra ế ẩm, lương bổng lại còi cọc nên đời sống có phần chật vật, mặc dù thỉnh thoảng bà cũng nhận được công tác phí mỗi khi đi công tác về đêm nhưng tiền đó chỉ đủ để uống ly trà đá. Ngược lại mấy nhà có thân nhân đi vượt biên trong xóm trước kia bị bà khó dễ dòm ngó để báo cáo lên trên ; nay thì họ được giấy gọi lãnh tiền kiều hối (*), mai lại hè nhau vác những thùng quà nặng tối tăm mắt mũi từ nước ngoài gởi về, cho nên bà cảm thấy thua buồn, bèn xin thôi việc quay trở lại nghề cũ mặc cho sự động viên của cửa hàng trưởng.

Dạo sau này người ta đổ xô ra mua bán nhiều quá, chiếm đầy cả lòng lề đường. Chủ trương tém dẹp lòng lề đường khiến bà ngắc ngứ, mỗi lần công an xuống bắt bớ tịch thu, bà phải van nài xin xỏ hết hơi mới nới tay cho riêng bà, nhưng cũng chỉ được vài lần. Đám công an phường hậu sinh sau này không biết gì nên chẳng kiêng nể bà, cuối cùng bà phải đẫy xe bánh mì lui về con hẻm trước nhà, đứng ló ra, thụt vô mà bán mỗi khi thấy bóng dáng đội quản lý lòng lề đường đi tới.

Mỗi năm Việt kiều về thăm nhà càng nhiều, năm nào trong hẻm cũng có mấy gia đình đón rước con cháu ở nước ngoài về thăm làm bà Tám bỗng tức bực vu vơ, bà ghét nước da trắng trẻo, mơn mởn, cái dáng điệu đàng nhởn nhơ, ăn uống thì làm bộ làm tịch. Bà nói trỏng : ' Mẻ ngày xưa ở đây uống nước vũng, nước sình giờ bày đặt đòi uống toàn nước đóng trong chai mới hợp vệ sinh '. Xe bánh mì của bà bán ở lề đường chúng cho rằng nhiều bụi bậm. Ăn bánh mì thì phải tìm hiệu danh tiếng của Như Lan, Hà Nội. Bởi vậy đứa nào lỡ tới xe bánh mì của bà mua thì bà chặt đẹp, chém vô túi tiền bén ngót. Con nhỏ Việt kiều con gái bà Sáu bán hủ tiếu hồi năm nào bị phường xuống dẹp lề đường, xô đỗ tô chén, hủ tiếu, thịt thà rơi rớt, đứng khóc hu hu bây giờ ở nước ngoài trở về đi nhỏng nhảnh, mặt mày tươi hơn hớn chắc đã quên hết chuyện khổ ải năm xưa. Buổi sáng con nhỏ đi với đứa em ra đầu hẻm mua bánh mì bà Tám, mua bốn ổ bánh mì đặc biệt, áng chừng như thấy ít thịt nên mỗi ổ mua thêm hai ngàn thịt nữa, bà Tám gắp thêm cho mỗi ổ hai miếng chả mỏng như tờ giấy lớn bằng hai ngón tay út nhập lại. Bà cười hể hả trong bụng nghe hai chị em nói với nhau khi quay lưng đi :

- Trời ơi, sao mà bán mắc quá.Thêm hai ngàn mà chỉ có hai miếng chả mỏng lét ?!
- Chị thấy bả bán cho cô kia bốn ngàn một ổ mà thịt đầy nhóc hà, còn mình có mua thêm hai ngàn thịt, thành ra ổ bánh sáu ngàn vậy mà thua ổ bánh bốn ngàn của cỗ nữa.

Chắc còn ấm ức trong dạ nên cô chị nói thêm :

- Vậy mà kêu là bánh mì đặc biệt hả ?? Phải gọi là "đặc biệt ít "mới đúng. !!

oOo

Con hẻm cụt nằm giữa lòng thành phố gần nữa thế kỷ chứng kiến bao chuyện thăng trầm từng gia đình, từng con người. Những căn nhà trong xóm nằm giữa hai dãy biệt thự đâu lưng nhau nên lòng hẻm chỉ rộng bề ngang khúc đầu khoảng năm, sáu thước, càng đi sâu vào bên trong càng hẹp lại. Không những chỉ có người ở trong đùn nhau ra buôn bán mà người ở tận đẩu, tận đâu cũng tới góp phần, làm đầu hẻm giống như cái chợ chồm hổm. Quán cà phê cô tư chỉ nép sát vách bên kia lui sâu bên trong chút xíu với dãy bàn ghế thấp lè tè, bên cạnh là hàng bún bò Huế bà Thêm. Đối diện là xe bánh mì bà Tám nằm ló đầu ra chiếm phân nữa vỉa hè. Bên ngoài lề đường xúm xít ba bốn gian hàng, chỗ thì đặt bàn chuối chiên, cạnh bên là bà Bắc già bán xôi vò, cơm rượu. Hai chị em con nhỏ bán ba bốn thứ xôi nếp than, xôi mặn ngọt với giống gánh ngồi chàng hảng hết nữa cái vỉa hè còn lại, rồi thì gánh tàu hủ nước đường cũng góp phần bên cạnh gánh bánh bột lọc tôm chấy, bánh cuốn và xôi bắp mỡ. Sắp hàng dài dưới lòng đường cạnh bên lề là mấy cái xe đạp, xe gắn máy thồ chở sầu riêng, cam sành, quýt Thái, xúm quanh cái chợ lưu động gắn sau cái "bọot ba ga "xe đạp bán đủ thịt thà cá mú, rau cải hành ngò chanh ớt là mấy bà nội trợ làm biếng đi chợ xa.   

Đang mua bán ngon trớn bỗng tất cả đều tản ra bỏ chạy tưng bừng, giống như đàn ong vỡ tổ, bàn ghế quăng ném lung tung, giống gánh đổ xô ùa nhau tuôn vào con hẻm, kẻ bán dáo dác, người mua ngơ ngác cho đến khi cái xe hơi lớn chần dần xuất hiện, trên xe có vài chiếc xe gắn máy, mấy cái giống gánh, một chiếc xe đẩy bán hàng rong bị tịch thu bởi những người trong Đội quản lý vỉa hè mặc áo xanh chạy qua khuất dạng.

Giống như đám bèo bị động khi khỏa nước, mọi người khi qua cơn xao xác, yên ắng trở về, họ lại tụ họp bày hàng ra giống y như cũ, coi như chẳng hề có chuyện gì xảy ra.

Bây giờ chuyện tém dẹp không phải là công an Phường như xưa mà thay vào là Đội quản lý trật tự lòng lề đường nhà nước mới thành lập riêng. Vị trí bà Tám lại xuống thêm một cấp dù rằng đã bị chính quyền địa phương thất sủng từ lâu. Biết thân phận chẳng còn chút ảnh hưởng nào nên mỗi lần có rục rịch bà cũng phải mau mau đẫy cái xe bánh mì lui tuốt bên trong hẻm.

Mấy bữa nay thành phố chuẩn bị cho ngày lễ hội nên đội tém dẹp hoạt động mạnh hơn bình thường, để tô điểm cho thành phố vẽ mặt văn minh lịch sự trước con mắt khách du lịch ngoại quốc. Việt kiều các nước bây giờ cũng được xếp ngang hàng với thành phần này bởi họ chiếm đa số và vì tất cả đều mang quốc tịch nước ngoài hết rồi. Mọi khi đội tém dẹp chỉ đi hốt qua một lượt vào giờ người ta tụ họp đông đúc ì xèo và bán buôn được nhứt mà thôi. Lúc đó kẻ mua gói xôi, khúc bánh mì ăn sáng, người ngồi nhâm nhi ly cà phê đen hay ăn qua loa tô bún trước khi vô làm việc, vậy mà hổm rày chỉ nội một buổi sáng họ xách xe rảo qua rảo lại mấy lượt làm mọi người trở tay bỏ chạy không kịp. Hôm qua hai chị em con nhỏ bán xôi bị hốt lên xe, cùng xui xẻo với tụi nó là gánh bánh cuốn tôm, bột lọc và cái chợ lưu động. Coi như cả đám mất vốn liếng luôn vì tới buổi chiều mới cho nộp phạt chuộc gánh về, lúc đó tất cả các thứ đều thiu nhớt, cá thịt ươn ịch mang bỏ chứ bán được cho ai, bởi vậy hễ bị tịch thu là cầm bằng bỏ luôn mọi thứ để khỏi tốn thêm tiền đóng phạt. Buôn có bạn, bán có phường. Hôm nay, vắng đi mấy gánh khiến ngõ hẻm trở nên buồn thiu, nhiều người ghé qua không thấy món ăn quen thuộc muốn mua, họ rồ máy xe bỏ đi luôn khiến bà Tám cũng bị ảnh hưởng lây nên phải ăn khẩu bánh mì trừ cơm hai bữa nay.

Trưa một chút, khi bà Tám bán gần hết phân nữa giỏ bánh thì hai chị em con nhỏ bán xôi chở nhau bằng xe đạp đến ngồi kể lể bên quán cà phê cô tư Chỉ. Bà Tám hỏi vọng sang :

- Chừng nào hai đứa bây đi bán lại vậy Huệ ??
- Chắc tụi con nghỉ luôn cô Tám ơi..!! Một đứa trả lời bà.

Ngạc nhiên bà hỏi dồn dập :

- Sao, sao ?? sao tụi bây lại nghĩ ??

Đứa lớn nói với giọng như muốn khóc :

- Chưa đầy tháng bị hốt hai lần, còn vốn liếng nữa đâu mà bán cô Tám ?

Rời xe bánh mì bà qua ngồi xề một bên hai chị em hỏi tiếp :

- Nghĩ bán rồi làm cái gì ? Đi làm khu chế xuất hả ??
- Con cũng chưa biết, nhưng chắc không làm công nhân đâu !! Mấy chị em ở chung nhà trọ về kể lại đi làm cũng "chua "lắm. Lương thì rẻ mạt, thêm nạn cai Đại hàn, Đài loan nó đập quần "xi líp "vô mặt, đập giày vô đầu mỗi khi lỡ may hư đồ của nó.
- Bộ tụi nó muốn đánh ai thì đánh sao ? Bà Tám thắc mắc hỏi :
- Đâu có ai dám binh cho mình đâu cô, ngay cả mấy ông giám đốc người Việt trong đó cũng làm thinh để yên như vậy mới là đáng buồn chứ.

"Sao đời sống bây giờ không giống như hồi trước "Bà Tám ngồi ngẫm nghĩ ; hồi xưa bà cũng dưới quê lên giống như mấy đứa nhỏ này, lúc đó là tại chiến tranh. Bây giờ thì hòa bình rồi nhưng coi bộ chúng không khá mà còn tệ hơn bà ngày xưa. Phần đông các cô gái dưới quê vì cha mẹ già yếu, các em nheo nhóc, mùa màng thất bát phải đổ dồn về thành phố kiếm sống chen chúc nhau trong những cái nhà trọ tồi tàn, chắt mót dành dụm gởi về quê giúp đỡ gia đình. Thời gian sau này còn cái phong trào lấy chồng Đài Loan, Đại Hàn rộ lên, một đứa con gái dễ dàng được cha mẹ gả đi đồng đất xứ người chỉ để đỗi lấy vài trăm đô la. Con gái thành phố khi cặp tay được một ông Tây bất kể già trẻ đáng tuổi cha chú đi ngoài đường thì cái mặt "vác hất ", hãnh diện, ra cái điều ta đây mới là người thời thượng văn minh. Chẳng bù lại cái thời mấy người vì hoàn cảnh đi bán bar hay lấy Mỹ, đi ngoài đường chỉ có nhìn xuống vì xấu hổ, giấu diếm gia đình, làng xóm như mèo giấu cứt.

Hai chị em con nhỏ bán xôi về rồi bà Tám còn ngồi nán lại nghe cô tư Chỉ chắc lưỡi than:

- Hai đứa nhỏ còn trẻ mặt mày cũng được đứa hén chị Tám. Cái ngữ buôn bán không được, khi cần tiền dễ bị sa vô con đường bán bia ôm, làm gái hay bán mình làm vợ cho mấy thằng chệt già sút tay gãy gọng ở Đài loan, Tân gia ba hay Mã lai chứ chẳng chơi đâu.

 Buổi tối, thành phố lên đèn, quầng sáng từ khu lễ hội hắt lên sáng rực cả một vòm trời. Tận cuối hẻm vẫn nghe rõ tiếng nhạc the thé, chát chúa. Những con đường đỗ về khu trung tâm dầy đặc xe cộ, bụi khói mù mịt. Lướt qua những ánh đèn màu nhấp nháy, mọi người chen vai thích cánh trong những bộ quần áo màu mè lũ lượt tuôn vào chốn vui chơi như nước chảy, cười nói ồn ào.Cuộc sống tươi đẹp và hạnh phúc biết bao trên những khuôn mặt hớn hở, như không có gì phải lo lắng. Nhưng nếu đi vòng ra ngoài rìa của đám đông người ta sẽ thấy núp sau những gốc cây khuất trong bóng tối, ở đó cũng có vô số con người áo quần cũ kỹ bạc màu, nét mặt lam lũ khắc khổ, họ đứng sau những cái xe đẩy tay bán hàng rong, những chiếc xe đạp với bình khí nén cột chùm bong bóng hoặc oằn trên vai gánh bắp nấu, gánh dừa tươi ; tất cả đứng ngóng nhìn một cách thèm thuồng đám đông phía trong, lượng khách hàng khổng lồ có thể mua giúp hết gánh hàng của họ tối nay. Họ chỉ có thể buồn rầu đứng nhìn từ phía ngoài vì lực lượng bảo vệ mặc áo xanh dễ gì cho họ léo hánh vào. Những con đường nhỏ vòng quanh khu vực bỗng nhiên trở thành một biên giới vô hình của đời sống, bên này và bên kia lề chỉ cách nhau mấy mét cũng đủ tương phản hai mảnh đời rõ rệt.

Bà Tám trở về trong cô độc nằm gác tay lên trán, nỗi niềm chung hòa lẫn nỗi buồn riêng. Bà tự trách mình thưở xưa quá thật thà, chất phác, tưởng ai cũng giống như mình. Bà tin tưởng vào những lời phỉnh nịnh, sáo ngữ cho đến bây giờ gần đến lúc về chiều sống quá nữa đời người mới thấy nuối tiếc cho tuổi trẻ của mình trót tiêu pha. Con người sống là để yêu và được yêu, chân lý hết sức đơn giản mà bà đã quên mất bấy nhiêu năm qua. Bao nhiêu mùa xuân đã đi qua đời bà nhưng chưa bao giờ trở lại mãnh liệt như đêm nay ! Đáng lẽ giờ này bà đã có một gia đình yên ấm bên cạnh chồng con bình thường như bao nhiêu người con gái khác. Ngay cả mấy đứa con gái xấu nhất trong xóm cũng đã lần lượt rời xóm đi lấy chồng. Bà còn nhớ, có thời bà hết sức khe khắt với những người được thả từ trại cải tạo trở về mặc dù trước đó và sau này họ chẳng làm gì đá động tới bà. Chính sách chung bắt buộc tất cả họ sau khi về đều phải hồi hương hoặc đi kinh tế mới nên mỗi khi công an xuống kiểm tra hộ khẩu là bà hướng dẫn họ đến ngay nhà những người này xét xem họ có trốn ở lại trong gia đình chăng. Thưở đó bà đã khuyên một cô bạn thân trong xóm khi cô này cương quyết lập gia đình với một sĩ quan đi cải tạo mới về bằng những tư tưởng mà bà đã được nhồi nhét vào đầu từ những buổi hội họp, thi đua, bình bầu cá nhân, khu phố xuất sắc, tiên tiến về công tác an ninh :

- Cho dù có là gái lỡ thời, lấy ai cũng được ngoại trừ hắn ra. Mày lấy hắn coi như đời sống chính trị của mày sẽ bí lối không có ngõ ra. Cuộc đời mày sẽ tối đen, con cái mày sẽ không bao giờ có tương lai tốt.

Mặc cho bà dè bỉu, chê bai lẫn cảnh cáo, cô bạn vẫn lăn xả vào. Hai vợ chồng phải khăn gói lên Đồng Xoài làm nghề củi, chính sách kinh tế mới thất bại, gia đình cô này dạt về trở lại thành phố. Chồng đạp xích lô, vợ may thuê ngoài chợ. Đâu có ai ngờ có ngày cả gia đình được Mỹ rước đi. Người tù năm xưa khi được thả rách rưới, nghèo nàn tàn tạ đến dường nào, nay trở về bảnh bao, béo tốt hồng hào, đô la rủng rỉnh được gia đình, xóm giềng hân hoan đón tiếp chẳng bù với trước kia làm bà Tám càng nhìn càng thêm tiếc nuối, đắng cay cho thân phận. Giữa trống vắng và lạnh lẽo bà thấy được lẽ đời trước kia vì mù quáng, bà đã ăn ở không phải với bao nhiêu gia đình trong xóm, bây giờ thấu đáo bà cảm thấy ngượng ngùng khi gặp lại.

 Suốt đêm bà Tám chỉ chập chờn đôi mắt, nằm mãi không ngũ được bà trỗi dậy sớm hơn mọi ngày. Lục tục đẫy chiếc xe ra đầu ngõ bà đã thấy hàng cà phê của tư Chỉ dọn ra đang quạt lửa nấu nước. Mùi khói nồng ấm tạt qua phía bên bà làm bà dụi mắt nhớ lại những ngày còn dưới quê, mỗi buổi sáng xuống bếp đùm túm gói cơm má bà nấu lúc hừng đông trước khi ra ruộng. Lâu lắm bà không trở về nơi đó, mà cũng có còn ai để về, miếng ruộng nhỏ không người canh tác thì đã mất từ thời ruộng đất phải vô hợp tác xã ngay sau ngày giải phóng. Mấy năm trước có việc cần đi chợ Tân Định, tình cờ đi trên con đường Thống Nhứt mà bây giờ người ta đặt tên Lê Duẫn bà Tám bỗng gặp lại mấy người cùng quê hồi xưa, họ tụm năm tụm ba ngồi đông vầy trên lề đường trước cửa một cơ quan nhà nước, đầu đội nón lá rách bươm, tay xách bị cói tơi tả. Nghe đâu họ ngồi như vậy đã nhiều ngày để khiếu nại ruộng đất bị cán bộ địa phương cướp đoạt. Bà mon men tính đi vô gặp họ hỏi thăm thì bị công an chận lại nên chỉ biết đưa mắt đứng nhìn. Trong số những người này sau giải phóng bà mới biết hồi xưa đã từng là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng rất đắc lực.

 Có phải mỗi người đều có một số phận ? Số phận định sẵn tất cả. Câu nói để tự an ủi mình khi gặp chuyện nan giải không giải quyết được. Sở dĩ người ta tin vì đã nghiệm nhiều cái đúng, không tin cũng không được. Có một khoảng thời gian người ta đả phá triệt để thuyết duy tâm bắt buộc phải sống theo duy vật ; không có số mạng cũng không có thần thánh hay ma quỷ gì cả. Bây giờ thì mọi chuyện quay ngược lại một trăm tám mươi độ, người ta không lạ gì khi vừa bước chân vào một công ty hay xí nghiệp bất kể là công hay tư đều thấy cái bàn thờ thần tài nằm chình ình ngay trước mũi.Ngay cả những buổi lễ đặt viên đá khởi đầu trong xây dựng, khai trương một cửa hàng mới hoặc khi mới bắt đầu quay một cuốn phim cũng đều có đặt bàn thờ ở trên đầy hương đăng, trà quả, mọi người kể cả cán bộ nhà nước đều xì xụp khấn vái. Người ta cầu xin, tin tưởng vào những gì không nhìn thấy trên đời. Những thay đổi đó được gọi là duy tân, đổi mới thực ra chỉ lập lại, bắt chước nền nếp của cái cũ đã bị phá hủy ngay từ ngày đầu Saigon bị tràn ngập nón cối, dép râu.

 "Mùa xuân trên thành phố quang vinh, tươi đẹp biết bao ..." Bài hát lại cất lên ca ngợi mùa xuân. Bà Tám càng nghe càng ủ dột trong lòng, nghĩ đến công việc đơn điệu tẻ nhạt hàng ngày để kiếm miếng sống cho đến hết đời cô lẻ, bà tự hỏi ?: ' Không biết có bao nhiêu người khờ dại giống mình mang tuổi xuân tươi đẹp chỉ đỗi được mấy tấm giấy ban khen đem về "lộng kiến"'

 Cỏ Biển

(*) Tiền đồng VN phát cho người trong nước khi có thân nhân ở ngoại quốc gởi về xuyên qua các cơ quan xuất nhập khẩu của nhà nước vào giữa thập niên tám mươi.