SỐ 29 - THÁNG 1 NĂM 2006

 

Thơ
Ngõ cúc vàng xuân xa
24 Vũ Hoàng Thư
Bồ Tát
23
Hoàng Du Thụy
Đêm biển động
21
Huỳnh Kim Khanh
Rồi chỉ còn lại nỗi buồn
19
Nguyễn Xuân Vời
Lữ khách
20
Trần Việt Bắc
Noel hy vọng
18
Tôn Thất Phú Sĩ
Đếm sao
18
Kim Thành
Ta mất mùa xuân
17Ngọc Trân
Sóng ở đáy sông
17Maihoado

Truyện ngắn, Tâm bút
Mùa xuân trong hạ
15
Nguyên Nhi
Người đưa thư ở Cabramatta
14
Phan Thái Yên
Lao vào lửa
13
Hoàng Du Thụy
Thời kiêu bạc
12
Phạm Hồng Ân
Ru tôi mộng lành
8Song Thao
Mùa xuân trên thành phố
7Cỏ Biển

Phiếm luận văn chương
8Huỳnh Kim Khanh
Năm Bính Tuất nói chuyện chó
8Trương Thanh Diễm Thùy

Văn học, biên khảo
Ngày xuân, ngày Tết
4Xuân Phương
Nhà Trần khởi nghiệp (3)
4Trần Việt Bắc
Sống thiện chết lành
4Ngô Văn Xuân
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 16

3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài
Thằng Nèm
2 Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 23
1 Huỳnh Kim Khanh


 

Phiếm luận văn chương

 

Trở lại thời chiến tranh của thập niên 60s, Sài Gòn, miền Nam Việt Nam. Chiến tranh đã bắt đầu leo thang và đã ảnh hưởng mạnh vào đời sống của mọi tầng lớp nhân dân miền Nam.  Đời sống sinh viên lúc bấy giờ mang đầy những hoang mang thao thức của cuộc sống riêng tư, đối diện thực tế loạn cuồng, thay đổi nhanh chóng ngoài kia. Tuổi học trò không còn ngây thơ như  mọi người ao ước. Sự chết diễn ra hằng ngày trên khắp nẻo đường quê hương, miền quê chất phác cũng như thị thành náo nhiệt, bon chen. Sài Gòn thời chiến tranh mang vẻ đẹp giả tạo, cuồng vội đầy cám dỗ. Những cặp tình nhân thướt tha bát phố, chen lẫn những màu sắc chiến tranh của những thanh niên còn ngây thơ trước cuộc sống nhưng đã trở thành già dặn qua đêm sau khi khoác áo chinh nhân. Sau đảo chính 1963, không khí chính trị miền Nam thay đổi nhiều. Những báo chí bị cấm thời trước được tái sinh cùng với những tờ báo mới mọc lên nhan nhản. Những sách mới cổ võ văn chương nghệ thuật cũng bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Phong trào nghiên cứu văn chương cổ điển cũng bắt đầu khởi sắc. Đài truyền hình Việt Nam, băng tần số 9 cũng bắt đầu góp mặt với sự phát triển kỹ thuật thu nhập từ chiến tranh.  Lấn đầu tiên, dân Việt Nam ở những thành phố lớn được nhìn những diễn viên trình diễn trên sân khấu hoặc trong phòng thu hình qua màn ảnh truyền hình trắng đen. Dù kỹ thuật trình diễn hãy còn phôi thai, nhiều khuyết điểm, đài truyền hình Việt Nam đã đánh dấu một chuyển điểm mới, mang lại cho người dân thị thành một thú vui mới chưa từng có trước thập niên 60. Cũng chính trong thới điểm này, một bản nhạc quen thuộc được đài truyền hình Sài Gòn chơi khi chờ đợi lúc bắt đầu chương trình buổi chiều, bài Tình Khúc Thứ Nhất của Vũ thành An đã đi vào tâm khảm của tôi và đã ghi vào tâm thức nhiều người yêu nhạc, yêu nghệ thuật thời đó. Giọng hát Lệ Thu huyền hoặc rất hợp với lời nhạc vừa thanh thoát nét Liêu Trai, vừa đượm màu Thánh Kinh mô tả Thiên Đường Đã Mất.

-Tình vui trong phút giây thôi, ý sầu nuôi suốt đời...
Lệ rơi lấp mấy tuổi tôi, mấy tuổi xa người...

Lời mở đầu của bài nhạc báo hiệu kết thúc bi đát của tình yêu. Mình gặp nhau, yêu nhau đây trong phút này nhưng rồi mình sẽ chia tay, mỗi người một nẻo. Em ra đi để lại đời tôi nỗi buồn ray rứt, một nỗi buồn dài dẳng khôn nguôi.

-Ngày thần tiên em bước lên ngôi, đã nghe son vàng tả tơi  ...

Khi em bước lên ngai vàng tình ái, cũng là lúc tình yêu bắt đầu gãy cánh bên trời! Niềm vui gặp gỡ, hẹn hò chỉ trải qua một thoáng, rồi cơn bão tình yêu lôi cuốn hai ta vào vùng u tối bơ vơ với những cánh dơi lẻ loi bay trong trời đêm mù tối nhắc nhở cuộc tình nào chẳng nhiều nỗi dối gian. Đối diên với thực tế phũ phàng khi tình yêu gãy cánh, mình tự tỉnh với chính mình và ao ước phải chi mình yêu nhau khi  hai ta còn đượm vẻ ngây thơ khi Thiên Đường Vừa Khám Phá, lúc môi chưa biết dối cho lời. 

Tập thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tim cũng được xuất bản giữa thập niên 60. Bài thơ chính trong tập này đã gợi hứng cho một  nhạc sĩ thời đó cũng như bài thơ Đôi Mắt Người Sơn Tây  đã gợi hứng cho một bài nhạc mang cùng tên. Kiên Giang là một thi sĩ miền Nam rung cảm theo những cuộc tình mộc mạc của những chàng trai miền Nam yêu những nàng con gái Bắc từ Tha La Xóm Đạo:

-Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Từ ngày binh lửa ngập không gian
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người yêu, nóc giáo đường.

Mối tình mộc mạc bắt đầu từ lúc chàng trai trẻ miền Nam để ý đến người con gái Bắc duyên dáng đi học trường áo tím.  Trường áo tím miền Nam là trường Gia Long, nơi mà đa số là gái miền Nam, chỉ một số nhỏ là dân miền Bắc, trong khi trường áo tím ngoài trung là trường Quốc Học Huế.

-Mười năm trước em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em là cô gái tuổi băng trinh

Không biết có phải vì màu tím của áo người yêu khiến chàng trai si tình là thơ viết bằng mực tím pha bằng trái mồng tơi hay vì màu tím là màu thiết tha say đắm nhuốm nét buồn ray rức của kẻ tương tư. Mối tình học trò chớm nở rồi bùng lên và chợt tắt khi người yêu cất bước theo chồng :

-Em lên xe cưới về quê chồng
Dù cách đò ngang, cách mấy sông
Anh vẫn yêu người yêu áo tím
Nên tình thư ấp ủ trong lòng.

Nếu tôi là người viết đoạn thơ này tôi sẽ đổi thành như sau :

-Em sang ghe cưới về quê chồng
Dù cách đò ngang cánh mấy sông...

Phải "ghe" cưới mới đối với "đò ngang" và "mấy sông" của câu sau.
Người con trai mang nỗi thất tình theo các nẻo đường đất nước một sớm về thăm xóm đạo, nơi người yêu xưa trú ngụ năm nào:

-Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa dấy không gian...

Nhưng lúc bấy giờ, người yêu xưa đã đi biền biệt, bỏ lại chàng trai si tình với những kỷ niệm khôn nguôi. Khi bom đạn dấy lên trên khắp vùng quê hương cũng là lúc em không còn đi học với hoa trắng cài duyên trên áo. Rồi em ra đi biền biệt để lại mình ta với nỗi buồn heo hút, với một tình yêu đơn phương, nồng đượm như màu mực tím ngày xưa anh viết thư mộc mạc tỏ tình.  Những cuộc tình đơn phương bao giờ cũng kết thúc bằng nỗi đau khổ của một chàng trai nhìn người yêu cất bước sang ngang. Bài hát Tôi Đưa Em Sang Sông củ Y Vũ và Nhật Ngân nói lên tình cảnh đó:

-Tôi đưa em sang sông
Chiều xưa mưa rơi âm thầm
Làm thấm ướt chiếc áo xanh
Và đẫm ướt mái tóc em...

Nếu xưa chiều không mưa
Đường vắng không cần tôi đưa
Chẳng lẻ đi một lối về
Mà nỡ quay mắt bước đi...

Tôi đưa em sang sông
Bàn tay nâng niu ân cần
Sợ bến lấm gót chân
Sợ bến gió buốt trái tim

Nếu xua đừng đưa em
Thì chắc đôi mình không quen
Đừng bước chung một lối mòn
Có đâu chiều nay tôi buồn

Bài ca mô tả cuộc tình đơn phương của chàng trai lớn lên trong thời chiến, tình cờ gặp và yêu một cô gái một chiều mưa. Từ đưa em sang song đến đưa em sang ngang đánh dấu cuộc tình kèm may mắn. Khi chàng nhìn xác pháo quyện gót chân người yêu chàng nhớ lại lúc xưa khi chàng đưa em về dưới mưa tầm tã, sợ bùn non hoen gót chân em. Y  Vũ còn viết một bài ca khác cũng cùng một đề tài ‘’Ngày cưới em’’:

-Hôm nay ngày cưới em
Mừng vui họ hang hai bên
Mà sao nàng mời tôi đến
Tôi có đây cũng như không...

Chiếc áo tình chóng phai
Một sớm một chiều đã thay
Thì chớ đừng hờn trách ai
Và đừng trách tôi không cười

Rồi trong giữa tiệc cưới, nàng dâu đem đàn mời chàng trai với trái tim khô héo đàn hát giúp vui. Chàng cũng gượng gạo nâng đàn ca bài ‘’Đưa em sang sông’’. Xong đâu đấy, chàng nốc cạn chén rượu cay tiễn biệt người yêu cất bước theo chồng. Nguyễn Bính trong tập thơ ‘’Lỡ bước sang ngang’’ cũng phản ảnh câu chuyện tình éo le, ngang trái:

Bỏ thuyền bỏ bến bỏ dòng trong
Cô lái đò kia đi lấy chồng
Vắng bóng cô em từ dạo ấy
Đã buồn cho những khách sang sông 

Thơ và nhạc đã quyện vào nhau để nói lên tâm sự của chàng trai yêu một chiều hoặc yêu mà không thành, cuối cùng cũng khóc cho cuộc tình lỡ dở. Thật ra trong thơ phải có nhạc, trong nhạc phải có thơ, cũng như trong thơ có họa, trong họa có thơ. Những bức tranh thủy mặc ngày xưa lúc nào cũng có bài thơ đính kèm. Xúc cảnh sinh tình. Đứng trước một cảnh thiên nhiên cẩm tú hoặc một bức họa thần kỳ, người ngắm chợt muốn thốt lên mấy vần thơ. Cũng như một bài nhạc không thể nào toàn vẹn khi chỉ có melody mà thiếu phần lyrics. Bài ''Trưng Vương khung cửa mùa thu'' mượn nhạc từ ngoại quốc  Tell Laura I love her có lời rất hay, hay hơn cả lời của bản nhạc gốc, một bản nhạc tả lại cuộc tình bi dát của anh chàng đua xe bị chết trước khi tỏ tình cùng người yêu(*). Một bản nhạc ngoại quốc khác, bản ''Solenzara'' do Enrico Macias ca hồi thập niên 60 đã được chuyển âm sang nhạc Việt ( Ngọc Bích hát ) mà không hề nhắc nhở đến nguồn gốc bản nhạc tuy có hay nhưng so với lời nhạc gốc vẫn kém xa.

Sur la plage de Solenzara
Nous nous sommes rencontrés
Un pecheur et sa guitare
Chantaient dans la nuit d'été

Trên bãi Solenzara
Mình gặp nhau
Chàng ngư phủ ôm đàn
Hát vang giữa đệm hè...

Chaque soir on a dansé
Et le jour de ton depart
J'ai compris que je t'aimais
Et je ne t'ai plus quitté

Mỗi tối mình khiêu vũ
Và ban ngày khi em chia tay
Ta hiểu rằng ta đã yêu em
Và chẳng muốn rối.

Vài ý nghĩ vụn vặt trước thềm năm mới. Câu chuyện văn chương hy vọng sẽ được tiếp nối những kỳ sắp tới.

Huỳnh Kim Khanh                                                                         
12/30/2005       
                                                                                                                                           

 (*) Cám ơn bác Cần Mèo Hoang về chi tiết này