SỐ 31 - THÁNG 7 NĂM 2006

 

Thư Tòa Soạn

Thơ

Bước chân
24 Vũ Hoàng Thư
Tự thuật
24
Trần Việt Bắc
Thương nhớ một đời

23
Huỳnh Kim Khanh
Quỳnh nương
21
Phan Thái Yên
Gốc phượng già
18
Tôn Thất Phú Sĩ
In dấu một đời
18
Kim Thành
Hè ơi! Nhớ lắm
17Ngọc Trân

Truyện ngắn, Tâm bút

Lửa trời
13
Nguyên Nhi

Kình ngư
13
Hoàng Du Thụy
Quản chế
14
Phạm Hồng Ân
Nắng dã quỳ và con sóng xa
14Phan Thái Yên
Bức Phù Điêu
14
Cỏ Biển
Tôi mê đá banh
7Nguyễn Hồng Quang

Ba ơi

15
Võ Thị Đồng Minh
Những năm tháng về sau
15Tôn Thất Phú Sĩ
Trên đường thiên lý
8Song Thao
Hoa nắng, bướm và hè
8Vũ Hoàng Thư

Văn học, biên khảo

Nhà Trần khởi nghiệp (5)
4Trần Việt Bắc
Sống thiện chết lành (5)
4Ngô Văn Xuân
Chè
4Xuân Phương
Nhạc sến - giai điệu quê hương
4Hoàng Mai Phi
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 18

3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Vô tình cốc - Kỳ 25
1 Huỳnh Kim Khanh


 

Ba ơi

 

Mẹ thương yêu,

 Chúng ta lại vào Mùa Vu Lan,  năm nay con xin mẹ cho con viết về Ba , người mà con chưa bao giờ gặp mặt. Con cám ơn mẹ và hôn mẹ thật nhiều.

“ Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra,
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con. ”

Ba ơi... làm sao tôi có thể gọi được hai chữ này nếu tôi không có cha? Buồn cười thật vì không có “người đàn ông” thì làm sao tôi ra đời được. Ba... Cha... Tiá... Bố.. Papa... Daddy... tôi không bao giờ có được diễm phúc nói lên  chữ này cả.

Từ bé cho đến năm mười tuổi thì phải, tôi mới nhận thức rằng tôi không có người mà tôi phải gọi là “ Ba”. Quanh tôi vẫn có những người thương yêu , như mẹ, các anh chị. Gia đình tôi tất cả bốn trai, bốn gái, nhà lúc nào cũng ồn ào, nào mẹ, nào các anh chị, nào người làm lo cho chúng tôi. Lúc nào chúng tôi cũng bận rộn, ăn uống , học hành , la hét, đùa giỡn...

Tôi vẫn sống vô tư trong khung cảnh đó, cho đến một ngày các anh lớn lập gia đình , và các chị cũng từ từ ra riêng, lúc đó sống trong thế giới yên lặng chỉ còn mẹ với tôi, tôi mới  cảm thấy mình cô đơn và thiếu vắng một cái gì đó.
Cái gì đó mà tôi nhận thấy cuộc sống mình không như bạn tôi là  có  “ người đàn ông” mà chúng ta vẫn gọi đó  là cột trụ của gia đình. Vì từ nhỏ đã không có “người đàn ông” nào đó để mình gọi là “ba” , đầu óc tôi vẫn không hiểu nổi “ người cha” là thế nào, là ai, là cái gì mình cần phải có không. Cái mất thăng bằng của tôi cũng từ đó... mình gọi là “confused”.

Mỗi lần đền nhà bạn tôi, thấy người đàn ông mà bạn gọi “cha , ba, bố, tía, papa , daddy,” tôi thắc mắc, vì không ai giải nghĩa cho tôi nghe : vâng muốn ra đời phải có người đàn ông để cấu tạo mình.

Vì sống trong tâm trạng mơ hồ, tôi đã quyết định hỏi mẹ tôi : mẹ ơi tại con không có cha như mọi người. Tôi nhớ lúc đó tôi khoảng mười hai, mười lăm gì đó. Tôi ngước nhìn mẹ tôi, hai hàng nước mắt bà chảy xuống má, , tôi lo sợ không hiểu tại sao mẹ lại khóc khi tôi hỏi câu ấy, đối với đầu óc non nớt của tôi chỉ là một câu hỏi tầm thường thôi mà, có gì mẹ phải động lòng. Tôi không ngờ tôi đã khơi lại cả một kỷ niệm buồn , cả một dĩ vãng đau đớn mà mẹ tôi đã câm nín từ lâu.

Tôi vội vàng đưa bàn tay nhỏ bé lau lấy lau để hai hàng nước mắt cho mẹ... Con xin lỗi , con xin lỗi mẹ... Mẹ tôi dịu dàng cầm bàn tay nhỏ bé của tôi , đưa lên môi hôn : mẹ xin lỗi con mới đúng, đáng lẽ mẹ phải nói cho con biết , giải nghĩa cho con nghe, nhưng vì các anh chị đã thương yêu lo lắng cho con , nên mẹ nghĩ chưa cần thiết lắm, để từ từ khi con lớn một tý nữa , mẹ sẽ nói cho con hiểu.

Và từ đó mỗi ngày mẹ đã nói về Ba tôi. Mẹ con nhà ở quê, bà ngoại không cho đi học, vì sợ biết chữ nghĩa, phần thì sợ  không ai dám lấy, phần thì sợ... viết thư tình cho trai. Mẹ không bằng lòng chịu số phận như những người bạn cùng quê, nên mẹ tìm cách thoát ra cảnh nương nhờ ở nhà chồng, dưới sự “đô hộ” của mẹ chồng.
Từ quê nghèo nàn, mẹ đã tìm cách lên tỉnh để “kiếm chồng”.Thời đó tôi nghỉ chắc phải rất can đảm để ra khỏi cái vòng ràng buộc đó. Mẹ tôi lên tỉnh, một mình tìm kế sinh nhai, và tình cờ hay là chủ ý tôi cũng không hiểu, mẹ đã gặp Ba tôi.

Nhìn vào hình của Ba , tôi thấy ba tôi rất đẹp trai, lịch lãm, mà còn hơn nữa ba tôi làm “ Thầy Thông”. Rồi hỏi tới nữa , mẹ “fela cua” ba trước phải không... Mẹ lại cười e lệ với con gái. Ba tôi không cao lớn, không to con, chỉ bình thường như tất cả người đàn ông  Việt Nam. Tánh tình mẹ tôi bảo Ba rất bay bướm, ôi nghe vậy tôi thích quá, vì nếu ông còn sống, mỗi lần đi chơi là tôi sẽ cover cho bố ngay. Và đêm đêm cũng thú vị lắm, hai mẹ con cứ mặc sức bàn về bố.

Ba tôi thua mẹ tôi một tuổi, nhứt gái hơn hai, nhì trai ... thua một. Mẹ tôi thương ba tôi nhiều quá, vì khi kể đến chuyện ghen tương, ôi thôi không những Tặc giăng nổi giận mà còn phùng mang trợn mắt, tôi cười ôm mẹ lại bảo rằng, mẹ yêu ba quá, sau này con lấy chồng con không ghen đâu mẹ à.

Ba tôi làm thông dịch viên cho Tòa Án, có lẽ vòng đời xoay vần, bây giờ tôi cũng làm nghề như ba tôi. Có lẽ con giống cha nhà có phước chăng? Có những lúc tôi lấy hình thờ ba, tôi để trước mặt xem hai cha con có giống nhau không, ba tôi đeo kính, tôi cũng đi tìm cặp kính mang vào, ừ nhỉ chắc cũng giống nhau, nhưng sao thấy cũng không làm sao giống nét nào cả. Vậy là chạy đi hỏi mẹ , mẹ ơi con hỏi thật nhé, mẹ có yêu ai ngoài ba con không... mẹ cười lại cóc mấy cái trên đầu tôi, nè không được nói bậy nghe chưa.

Không có cha, tôi cũng không buồn, vì nghiệm rằng có mà mất thì mới buồn, còn đây tôi chỉ sống trong tình thương của các anh chị có thấy bố bao giờ đâu mà buồn. Đúng không các bạn?

Tuy nhiên vì nhà có bốn anh trai, anh lớn xem như quyền huynh thế phụ, lại có gia đình nên ít nhiều cũng bận bịu. Tôi sống với ba anh trai, người ta vẫn có một người “cha” đây tôi lại được cả “ba người cha” thì làm sao không sung sướng. Đi đâu tôi cũng được đi theo, vui lắm vì hầu như không bao giờ la rầy tôi bất cứ chuyện gì. Có lẽ vì lý do này mà tánh tôi sau này như... con trai, không biết làm duyên, không biết e thẹn, và nhất nhất cách suy nghĩ cũng như... nam nhi.

Nhà thì rộng, nhưng có lẽ cổ xưa nên xây cất không phòng ốc, cứ trống trơn, như là “dormitoire” , nhà trọ cho học sinh ở. Tôi ngủ chung với các anh, nằm ở giữa vì các anh sợ tối lăng té xuống đất. Sáng chở đi học bằng xe đạp, tôi lại nghịch ngợm không bao giờ chịu ngồi phía sau “bọt ba ga” , mà lúc nào nếu không ngồi ở cảng ngang phía trước, hay là ngồi trên “ghi đông” xoay mặt lại, hai tay cầm “ghi đông” , chân thì gác trên ghế ngồi, lại không yên , ẹo qua, ẹo lại để xe lắc lư. Và nếu bị ngồi phía sau, thì lại đứng lên , hai chân tựa vào hai cây nhỏ giữa bánh xe, và đứng lên cao cho gió thổi bay tóc...

Cứ vài ngày các anh lại đi đá banh, vậy là “Út ơi... chuẩn bị đi đá...” . Nhờ vậy bây giờ tôi cũng mê đá banh, “arriere, avant..” các cầu thủ đứng vị trí nào, banh chạy làm sao, “corner” bị phạt và đôi lúc ngồi xem với chồng tôi.. “diệc dị.. nè em” tôi cũng tỏm tẻm biết đôi chút... lâu lâu thiếu người tôi lại sung sướng được giữ “ Gôn”.

Nhatrang có bãi biển thật đẹp, hầu như ngày nào mùa hè anh em chúng tôi đều đi tắm. Lại màn bơi đua, tôi thì có học bơi gì đâu, ban đầu bơi... theo kiểu chó, rồi từ từ fantaisie ra ..  rồi cũng nổi người, bơi sấp, bơi ngửa cũng lia chia.

Tối tối, tôi có bổn phận phải thắp nhang cho các bàn thờ. Nhà tôi nhiều bàn thờ lắm, mẹ tôi thờ đủ cả, nhưng tội mẹ quá, ba mất sớm để lại cho mẹ bao nhiêu lo âu, mẹ bận kiếm cơm cho chúng tôi, lại mỗi một mình không ai chia xẻ nỗi lo buồn nên bây giờ tôi mới nghiệm được mẹ thờ, cầu xin Ơn trên giúp cho mẹ, thế chồng để làm tròn bổn phận.
Mỗi đêm khi đốt cây nhang cho ba tôi, tôi ngồi tâm sự với ba : ba ơi hôm nay con đi đá banh vui quá, hay là hôm nay con vào lớp bị bà thầy tây phạt con quỳ, con nhứt định không chịu quỳ, ba ta đè con xuống, con vẫn lấy “gồng” nhứt định không chịu quỳ. Bà ta tức quá đòi đuổi con đó ba ơi. Có lẽ nhờ sống chung với các anh trai nên tánh tôi đâm ra lỳ lợm chăng. Tốt hay xấu tôi cũng chả biết nữa.

Hôm nào mẹ nấu cái gì ngon, tôi cũng lấy một ít đem vào bàn thờ mời ba.... Tôi vẫn hay hỏi mẹ tôi, ngày ba con sống, ba thích ăn gì, thì lâu lâu tôi cũng làm bộ nói mẹ con thèm mẹ nấu cho con nhé, và lấy vào cúng ba, mời ba , ba ăn đi, con nói mẹ nấu cho ba đó.

Có một lần , lần duy nhất tôi nằm thấy “ba” tôi. (Sở dĩ tôi viết chữ ba ở trong dấu ngoặc kép vì thật sự tôi gọi một người mà tôi chưa bao giờ biết mặt.). Đêm đó tôi nằm ngủ sau lưng bàn thờ nhà tôi, tôi nằm thấy một người đàn ông mặt bồ đồ lụa trắng, vén cái mùng và nhìn tôi, nét mặt người đàn ông đó giống như trong bức ảnh trên bàn thờ , tôi mừng quá gọi “Ba ơi con là Út đây...” Người đàn ông đó nhìn tôi và bảo : “Tôi không biết cô là ai...” Tôi òa khóc, tỉnh dậy nước mắt vẫn còn đọng trên mi. Sáng hôm sau tôi mét lại với mẹ... Mẹ thở dài... Người đó là ba con , vì khi ba bị người ta bắt đi, ba đã mặt bộ đồ lụa đó, lúc đó mẹ chỉ mới cấn thai con, mà chính mẹ cũng không biết là đang mang con trong bụng, thì làm sao ba con biết được. Rồi mẹ lại khóc, tuy rằng ba xa mẹ chắc cũng đã trên bốn chục năm..

Thời gian trôi đi nhanh, mẹ đã ra đi, mẹ đã gặp lại ba chưa, người chồng mà lúc nào mẹ cũng thương nhớ. Mẹ đã dặn con : Út à... Con có thờ mẹ gần ba , con nhớ lấy hai cái hình lúc ba mẹ chụp khi con trẻ, đừng lấy hình sau này , người ta nhìn vào cứ tưởng mẹ là “ má của ba con”... Tôi lại cười sung sướng vì tình yêu thương chồng lúc nào cũng nằm sâu đậm trong tim của mẹ tôi.

Thời gian trôi qua, bây giờ tôi nhìn chồng tôi đã thương yêu lo lắng cho tôi , tôi nhìn con trai và rể ôm đứa con của chúng nó, gọi... này lại đây “ Ba” biểu... hay là các con về nhà , chúng vẫn mè nheo.. ba ơi... lòng tôi thật vui và sung sướng... chúng đã được cái diễm phúc gọi lên hai chữ đầy thương yêu và trìu mến  Ba ơi mà tôi đã không bao giờ nói lên được.

Lễ Vu Lan thường các em vẫn hay tặng hoa hồng trắng và đỏ, tôi lúc nào cũng lấy hai đóa hoa trắng, một cho mẹ, một cho ba... con gởi đến  ba mẹ.

Trời Melbourne vẫn còn lạnh, lạnh lắm tuy không có tuyết, gió vẫn thổi, lá vàng vẫn rơi.....

“ Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra..”

Võ thị Đồng Minh
2-6-2006