SỐ 36 - THÁNG 10 NĂM 2007

 

Thơ

Đêm cuối ở Nha Trang
24
Vũ Hoàng Thư
Chiếc Taco lưu lạc

24 Phạm Hồng Ân
Viễn hoài
24
Tiểu Đỉnh
Khuýp danh

23
Ái Ưu Du
Đọc thư
21Trần Việt Bắc
Tình đã giá băng
18
Huỳnh Kim Khanh
Trang thơ cũ bản đàn xưa
18
Ngọc Trân
Paris quê hương tôi ?
18
Tôn Thất Phú Sĩ
Anh vội để một vầng thơ đâu đó
18Kim Thành
Sa Pa Việt Bắc
18Đỗ Phong Châu
Nỗi nhớ
21
Trần Hoan Trinh


Truyện ngắn, Tâm bút

Vượt trại
14
Phạm Hồng Ân
Sàigòn, Người cũ, Khoảng trống ...
14Nguyên Nhi
Tản mạn phố xưa
14Phan Thái Yên
Duyên khởi
14Cỏ Biển
Hoa tím
13
Xuân Phương
Thư tình tri ngộ
14
Ái Ưu Du
Ở đợ trần gian
15
Võ Thị Đồng Minh
Chợ Mouffetard
8Thi Vũ
Cuối ngày một lần ngồi lại
8Song Thao
Sự cô đơn và khát vọng đợi chờ trong thi phẩm Bến Đợi
8Lê Miên Khương


Văn học, biên khảo

Giao Chỉ và Tượng Quận (3)
4Trần Việt Bắc
Sống thiện chết lành (10)
4Ngô Văn Xuân
Phiếm luận văn chương
4Huỳnh Kim Khanh
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 23
3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Giữa hai lằn đạn
1Ái Ưu Du
Vô tình cốc - Kỳ 30
1 Huỳnh Kim Khanh


 

Giữa hai lằn đạn

 

Chương 7

MUÔN ĐIỀU CÓ THẬT

Vài ba lần ở Trà Phong, Trúc thích rủ Hoài đi tắm đêm ở sông Trà Khúc. Phía xa kia là núi Thiên Ấn ẩn hiện dưới vầng trăng lúc tỏ lúc mờ. Núi ở huyện Sơn Tịnh, từ chân núi có đường xoắn ốc lên trên tóp đỉnh rợp bóng thùy dương xanh mát. Đỉnh núi tà tà rộng rãi và bằng phẳng, nên ta có thể lên đó picnic.

Dọc ven những bờ sông có nhiều guồng xe nước quay bằng gỗ, hay làm bằng những bè tre già đan kín, trám trát lớp dầu ráy hay dầu hắc cẩn thận. Xe quay nước mang nghệ thuật độc đáo dẫn thủy nhập điền, từ dòng sông Trà Khúc chảy xuống các mương gỗ, rồi từ từ luồn lách chảy đi theo từng khe lạch, dẫn nước vào ruộng lúa xanh rì, phì nhiêu.
Chú tài xế mặc dù sợ trưởng phòng, nhất là lo sợ vùng tranh sáng tranh tối xôi đậu lộn xộn, nhưng chú phải lén chở hai cô đi. Mấy ngày tháng ở vùng hành quân, một bi đông nước cũng quý như vàng, lấy đâu ra nước tắm. Hoài và Trúc đi tắm xong, lúc về còn mang theo vài cistern nước cho anh em, cũng là đi công tác cho sư đoàn 2 rồi.

Chú tài xế sau khi tắm rửa và lo chuyển nước nôi vào cistern đầy đủChú bồng súng đứng gác trên góc kín, nơi xa xa. Chú ngại ngùng lo lắng, thỉnh thoảng nhìn quanh, rồi kêu nho nhỏ:

- Hai cô ơi! Lẹ lẹ lên, còn mau mau đi về, kẻo bị đóng cổng bi giờ. Chết đa. Trời à!

Bờ nầy và bờ kia, nhìn gần nhưng thấy xa, xa mờ xa nghìn trùng dưới ánh trăng bàng bạc lạnh lẽo, bao bọc bởi lớp sương mù, và lớp khói xám (do khói lửa chiến tranh) bốc cao ngùn ngụt ở góc trời không xa lắm, đang lững lờ bay bay. Từng cơn rung chuyển chạy rần rần, động trời động đất, động suốt dòng sông quê hương. Dưới bước chân run run, đau đau, buốt buốt tê tê, lạnh lạnh bên hai bờ thôn xóm.

Tiếng cá vẫy đuôi lên khỏi mặt sông, cá tung mình nhảy lên đùa giỡn dưới đêm huyền ảo. Chị Hằng dọi ánh sáng xuống những lượn sóng bạc đầu cuồng nộ, khi lượn sóng trồi lên khi trụt xuống, nhấp nhô theo dòng nước huyền phù; Làm vỡ nát ánh trăng rằm sáng vằng vặc, soi đôi thân hình trắng nõn ngâm trong nước.

Trăng rớt trên đầu, trên vai và xô sóng nơi bờ ngực trần, ẩn dưới nước nỗi hoang vu, sầu đắng. Trời se lạnh giữa lưng trời gom từng phiến mây bạc phơi phới bay. Ánh trăng xanh xao chảy xuống thân thể, khiến Hoài càng buồn và thất vọng trước chút riêng tư, bỗng òa vỡ tan tành giữa lòng sông lụa trắng. Cuộc đời và cuộc tình, chắc rồi sẽ vỡ tan, như bong bóng nước trôi trên dòng sông.

Giống như khi cộng quân phóng pháo, độ rung kéo dài từng chuỗi rúng động, đảo điên cuồng sát. Thân hình của anh Ba, lính Bộ Binh Sư Đoàn 2, hất tung lên cao, thân xé ra từng mảnh nhỏ, xương thịt rơi phịch xuống đất như bịch gạo tung tóe ra. Anh Ba chết thảm trước ngưỡng đời vừa độ bừng chớm tuổi hai mươi. Anh chưa một lần yêu, chưa một lần hò hẹn, chưa nếm mùi chiến đấu giao tranh, và thổn thức với đời.

Giờ nầy ở xứ Lâm Viên ra sao? Hẳn là yên ổn! Cầu xin cho họ sống thái hòa, êm ấm. Đà Lạt vẫn như một nơi chốn bình an đầy quyến rũ, mời gọi bước mình muốn quay về.

Đôi ba ngày sau, cuộc phóng pháo ngưng bặt, trả sự yên tĩnh đôi chút trên bình nguyên còn thao thức. Hoài nghĩ: Lính Nghĩa Quân, Địa Phương Quân, Dân Vệ là những tay súng kiên cố giữ lũy thành chắc chắn. Họ thông thạo từng bờ cây bụi cỏ, biết tường tận từng xóm, từng thôn, từng người, ít khi lầm lẫn. Lại thêm hầm hào kiên cố, cộng với trường lũy Ấp Chiến Lược (Strategic Hamlets) có điểm thành công. Vì nó kiểm soát giữ gìn non sông gấm vóc, do ông cha truyền lại từ ngàn xưa, khỏi cảnh "Người xâm lăng Ta" trên chính quê hương chung.

Họ đau khổ trong niềm đớn đau thiết thực, qua vết thương hoác miệng trầm thống, (của anh em ruột thịt, cảnh nồi da xáo thịt, cốt nhục tương tàn). Trong cảnh Người lừa gạt Người. Người bội phản Người. Người thù hận Người. Và, Người thẳng tay chém giết, sát hại nhau như điên; Người bị chiến tranh hành hạ cưỡng bức tan hoang trên chính đất quê ta.

Tuy nhiên, từ chính vòng đai kiên cố nầy, là động cơ thúc đẩy người khác giật dây, rù quến, hò nhau đứng lên phản đối Chính Phủ đã hạn chế quyền tự do đi lại, bị kiểm soát giấy tờ tùy thân chặt chẽ, bị kiểm soát từng Thôn Ấp, mất tự do. Có mất thì giờ thật, nhưng xôi đậu không lẫn lộn, an toàn, bảo đảm an ninh và giữ gìn sinh mạng muôn người. Ta tưởng cần nên có vòng đai Ấp Chiến Lược nầy lắm.

Bây giờ Hoài biết tin đích xác, Trưởng phòng thừa lệnh Đại Tá Phát ra chỉ thị mới:

- “Tất cả anh em phòng 5 phải trực tiến, không thể lùi, phụ giúp bên quân-y, khiêng người bị thương, nhặt xác chết phe ta, lẫn địch quân, cấp tốc chở về hậu cứ”.

Trời ơi! Nghe tin đó, Hoài đứng xớ rớ đằng sau lưng anh Vũ. Nàng sợ đến bải hoải chân tay, căng thẳng trí óc. Hoài thút thít khóc, rụng rời lệ, giọt dài giọt ngắn trên đường đến điểm làm việc. Mấy anh chị tưởng cô em xúc động trước cảnh thương tâm, đã trào nước mắt. Chứ họ có ngờ đâu con bé chết nhát nầy, chả ra cái thể thống gì!
Trúc dám đến cúi sát xuống, lật khăn che mặt, tò mò xem từng người chết. Có người nhìn rất kinh dị. Có người như đang nằm ngủ yên, tay xuôi theo thân hình thẳng cứng hay co quắp. Có người giống thân cây chuối bị đốn ngã, róc hết lá vẫn nặng kinh khủng.

Những bàn tay tài hoa, khí phách nam nhi, bản lĩnh và dũng mãnh ấy, không rõ dấu chỉ tận cùng bằng số ở đâu? Anh Sáu Dương bị thương khá nặng, mà vẫn ăn nói đàng hoàng, tỉnh táo nhếch mép, ngóng cổ lên nhìn vết thương trên bụng, trên đùi. Anh nhìn ngó lung tung, như không có việc gì quan trọng, trước khi anh bất thần "rệu" xuống. Hoài sợ e anh sẽ “đi đoong” luôn.

Cuối góc phòng vài xác chết đối phương chương phình, căng cứng như con vật kỳ lạ, mắt đứng tròng mở thao láo. Bụng căng phồng như chiếc bong bóng da heo. Ngày xưa, mỗi khi làm thịt heo, ba thường lấy bóng da heo bơm đầy hơi, cột kỹ phơi ngoài nắng, cho anh em Hoài làm trái bóng đá nhăn nhúm chơi đùa.

Trúc còn cả gan dám đến bên một anh lính khác vén tóc, xem trái tai anh ta lớn hay nhỏ, yểu mệnh tới đâu. Trúc lại đi xuống cuối phòng cầm bàn tay người chết kia lên, nắn nắn bóp bóp, lật qua lật lại. Cô coi đường chỉ thọ của họ ghi đến chỗ nào. Hoài sợ kinh khủng, không dám nắm bàn tay Trúc cả tuần.

Những buổi cơm, nhìn miếng thịt heo, thịt bò, nhất là thịt ếch, con ếch khi lóc hết da, trông sao mà giống... con người! Thịt ếch bơi bơi trong tô. Hoài nghĩ đến vết thương lở loét, đỏ tím hoác miệng trên bụng người chết. Tự dưng cồn ngực vun tròn nhấp nhô phập phồng theo nhịp thở, Hoài chạy xộc ra cuối vườn, ói mửa ra mật xanh mật vàng. Nàng sợ mâm cơm hơn bất cứ thấy gì. Nỗi u ám đã chín đen, như cơn giông sét đánh tóe lửa, phủ chụp xuống đời.
Tưởng chừng một nửa thân Hoài đã móc nối sít sao an khớp với xác người xa lạ. Như nửa phần thân thể người chết trĩu nặng, luôn dùng dằng trì kéo lấy người nàng. Hoài không cựa quậy nhúc nhích nỗi. Lòng cô em rớt xuống trũng ưu phiền, hố thẳm tăm tối mù mịt phủ đầy lá non. Giống nõn trà hong phơi dưới lửa, bỗng tàn úa quá nhanh, khiến mình rũ liệt.

Nỗi đau khổ của con người trong cảnh cốt nhục tương tàn, tràn đầy trên khắp Bốn Vùng Chiến Thuật rồi. Tin tức nóng bỏng trên truyền thanh, báo chí mỗi ngày một nhiều. Cuộc chiến dần dần mở rộng ra như vết dầu loang, như vòi con bạch tuộc. Từ các nẻo miền quê xa xôi, loang nhanh ra đến ven biên thị thành, đè nặng lên đầu người.
Đến nỗi Hoài không dám ngẩng mặt nhìn lên, chỉ dám thập thò lấp ló nép bên vách hầm, hào chắn bao cát. Hoài mở to mắt nhìn dáo dác ra ngoài “khung cửa châu mai”. Và, nàng không khỏi kinh ngạc, khi thấy mặt trời vẫn ưu ái đan chiếc cầu vồng bảy sắc lung linh, vui tươi hào phóng rót nắng vàng rực rỡ, từ thinh không chan hòa lên vạn vật, ve vuốt từng phiến lá đong đưa. Chim chóc nhảy nhót, ríu rít hót líu lo, hòa ái trữ tình, lí lí lắc lắc, lảnh lót lơi lả trao duyên.

Chao ôi! Cảnh "huyết nhục tranh cường" nầy, chính là mảnh đời buồn bã, trong cuộc sống muôn điều có thật. Dù cho Thu Hoa, Lan Anh, Mai Hồng, Tuyết Ngọc Trúc xức nước hoa hiệu Charlie, Tabu, hay loại thượng hảo hạng J'adore, vẫn không khỏi ngửi mùi tử khí tanh nồng quanh quất đâu đây.

Cuộc đời thật chẳng có nghĩa lý gì, trước ngày chân không dài vô tận; Khi con người ngơ ngáo hay bàng hoàng ra đi vào vùng tử biệt. Họ dửng dưng nhìn súng đạn vút bay trong đêm, tạo thành một đường sáng loáng vụt tới vụt lui. Khi khói lửa chiến tranh còn ở lại. Đói khát bệnh tật. Chết chóc. Tan nát. Đớn đau mãi cào xé, dày vò tận cùng xương tủy huyết mạch con người.

Hằng ngày, cả nhóm tâm lý chiến đi ủy lạo, săn sóc đồng bào và chiến sĩ. Anh chị em hướng dẫn, phân phát thuốc men, nhu yếu phẩm, quần áo chiếu chăn, phụ giúp đồng bào thu dọn nhà cửa, vườn tược tan hoang hư nát. Phúng viếng tang gia bối rối, họ chu đáo lo việc ma chay tươm tất, đàng hoàng cho đồng bào.

Trước cảnh đau thương tàn khốc, dù các cô có đi quyên gom hết tất cả tiền tài, và lòng trắc ẩn mọi người trên quê hương. Hầu mong bù đắp lại muôn điều đau đớn, mất mát to lớn ở một góc dân nầy. Tưởng vẫn không sao lấp đầy. Không thể nào xoa dịu nỗi khổ đau khốn cùng bi đát đầy cay đắng trong lòng họ.

Không hiểu sao bài lịch sử Hoài đã học: Từ trận quyết chiến quyết thắng của Đức Trần Hưng Đạo. Cho đến vụ nước Nhật bị trái bom nguyên tử đầu tiên, ném xuống thành phố Hiroshima ngày 06.8.1945, tiêu diệt 66 ngàn người. Rồi trái thứ hai thả xuống Nagasaki 09.08.1945 đầy kinh dị người chết la liệt trên đất Nhật. Tất cả bừng nhớ trong tâm trí Hoài.

Cảnh kinh thiên động địa có thật đã xảy ra từng ngày rùng rợn ấyNỗi thống hận dã man, quằn quại đau đớn, đói khát, bệnh tật. Lương dân rên xiết, mù lòa, cùng khổ, không có tương lai. Chiến tranh lạnh lùng thẳng tay cuồng nộ giết hại lẫn nhau. Người dân vô tội bị làm mồi cho kẻ cường quyền đầy tham vọng thống trị. Chỉ có người dân đen muôn đời thiệt thòi đau đớn với hai bàn tay trắng, bị bom đạn ung dung cào xé trần truồng tan hoang.

Chiến tranh nguyên tử cuồng nộ hung hăng húc vào muôn dân vô tội bên xứ anh đào Phù Tang kia. Và... Có lẽ chiến tranh manh nha đến Việt Nam, từ năm 1962 chưa thua xa là mấy!

Chương 8

CUỘC ĐỜI PHIỀN TOÁI

Dòng sông Rê xanh biếc, có một khúc bên lỡ bên bồi, uốn mình lặng lờ trôi theo ven đường đất đỏ lởm chởm. Nắng dắt vàng trên mấy cù lao. Mặt trời thắm đỏ, lóng lánh to tròn, như viên hồng ngọc khổng lồ, dần vươn lên cao, lên cao, lên cao. Hương hoa mùa thu êm đềm đâu đó trong ánh nắng ngọt ngào, tỏa ra dìu dịu thơm thơm.

Con đường nhỏ trong thôn được "toán lính viễn chinh, mũ mão cân đai, gươm giáo", tà tà đi tới đi lui, đi dài dài hoài. Khiến bà con hai bên đường biết mặt. Dãy phố nhỏ, trừ mươi nhà mở rộng cửa, buôn bán chụp giựt thời cơ. Còn đa số nhà đóng cửa, cài then cẩn thận. Họ ra đồng làm việc. Hoặc sợ cảnh Làng, Thôn, xóm bị lôi giật, dựng đứng dậy trong giấc ngủ muộn phiền, đinh tai nhức óc. Và, nhất là họ sợ mấy khẩu súng thần sầu bi tráng, lạnh tanh, vô tình cứ thích nhòm ngó lôi thôi đến đời dân dã muốn an phận.

Xe chở hành khách chạy ngược chiều vừa qua mặt, chật như nêm trong băng ghế. Nhát thấy “mấy hoa hồng biết nói”, các anh lính í dza dzà hớn hở reo mừng, họ vẫy tay lia lịa, chào hỏi nhốn nháo. (Như bà con từ đời vua Tự Đức ha).

Các cô gái xuân thì ngồi bên xe kia e e ấp ấp, vẫy vẫy tay lại. Họ giấu mặt dưới vành nón lá, khúc khích cười. Trông thật dễ thương, ấm áp lòng anh lính chiến, “tình quân dân như cá với nước” biết bao!

Tất cả anh em đứng bên một nhịp cầu đã sập, đợi đò rước qua sông. Bao giờ cũng vậy, các anh khinh binh đi trước dò đường an toàn. Lúc đó, Phòng 5 sao y bản chính, lẽo đẽo theo sát đằng sau. Nhóm công tác phòng 5, đợi Trung Đoàn 25 Công-binh, đến khai thông hương lộ bên đầu dốc để vào rừng, khá lâu. Anh Trung nai nịt chỉnh tề, chiến sĩ ra trận có áo giáp, thì phần nào yên tâm. Phủ quyết bao lo sợ khi lâm chiến. Thị sát, vững tin trình báo về bộ Chỉ Huy kịp thời, hầu chận đứng con đường tiếp tế “từ làng ra bưng”.

Mấy “ông tướng con” lén lén lút lút, xầm xầm xì xì, to nhỏ, rù quến nhau, lủi đi tìm chút hương hoa phù dung cuộc đời, nơi “chị em ta”, cho đỡ ghiền.

Góc kia bốn anh trải poncho cạnh cây bần, ngồi giạng chân, với xị rượu và con cá mòi vừa nướng thơm phứcThống khoái hơi men nếp cẩm xịn, mà “vô mỏ” mấy anh thì đã điếu hết sẩy, đưa họ ngoắt cần câu, lên cơn say trống dạ. Họ đang "du ca mùa xuân" làm bợm nhậu, chì nhất phố núi he.

Trong lều bạt, Sĩ gây sòng đen đỏ, Năm anh châu đầu vào con bài, mê đến nỗi nhịn cơm nhịn canh. Lên xe GMC cũng xòe, ngồi trên giường bố cũng đánh. Chỉ có khi đi làm việc mới yên. Túi tiền xẹp lép, nhường chỗ cho mấy cỗ bài dày cộm đút trong túi. Đa số người lính lúc nào cũng vui nhộn. Có chút men bia, là anh thấy đời tà tà lên hương ngát.

Snack Bar dưới sự điều khiển của Nhạn Trang, cô gái tô son trét phấn rất diêm dúa, dáng đi nhảy nhót, khi thì tước bộ xà hành, (là một quán cà phê lậu kín đáo trá hình)Bao phen bị cảnh sát ruồng bắt, cô ả Nhạn Trang trốn chui, trốn nhủi, vẫn không chừa cái mặt mo mụ tú bà trơ trẽn.

Chỉ có khách quen say sưa bội tình hoan lạc, trong bầu không khí sặc sụa rượu nồng, và khói "bồ đà tàn dư" từ thời Pháp thuộc, cay xè khét lẹt. Loại cây trồng ở vùng cao, hoa nhiều màu, lá so le có khía răng không đều, thân và quả chế ra codein, morphin, quyện lẫn mùi mồ hôi da thịt rịn ra ơn ớn nhơm nhớp.

Tấm bảng tên dính một đinh khuy lủng lẳng, xệ xuống cửa sổ, vỗ lách cách, mỗi khi gió lùa. Anh Phước cấm ngặt, cấm chỉ anh em không được bén mảng đến gần. Phước ghê rợn gớm ghiếc, “kỳ thị” với cả tấm bảng kinh khủng. Trông nó thật chướng tai gai mắt quá chừng.

Ai đã vào hang đó rồi, thì... khó tìm thấy lối ra. Bầu trời, sông dài, biển rộng, núi cao hồ thẳm, giờ chỉ thu hẹp trong gang tấc, trong vò rượu tăm sùi bọt, bên bàn đèn nâu. Dưới hai bàn chân phóng đãng, bước thấp bước cao, trôi theo con sóng xô giạt. Thân hình hắn ta nhấp nhô, nhẹ như bông gòn bay, đẩy đưa phiến lá tội tình. Lưng gù gù, đầu gật gưỡng, cúi cúi lắc lắc. Bước đi loạng choạng thểu não, đôi chân say bành giạng ra ngượng ngập nhút nhát. Trông chẳng giống ai, chả giống con giáp nào! Tàn mớ đời trước khi vận nước điêu linh cần sức trai lèo lái con thuyền cỡi sóng ba đào.

Vì thế, người ta mới đặt cho cái tên chết người là: Thuốc phiện. Kẻ ghiền rồi, không còn sinh khí hào hùng, sáng giá gót giày botte de saut đập mạnh vào nhau, kêu cái cộp. Thật kiêu! Thật hách! Thật oai hùng siêu đẳng! Sẽ không còn bàn tay anh tài, vững chắc đưa lên mũ, ngực ưỡn ra, mắt sáng quắc nhìn thẳng. Sẽ tiêu tùng đời trai trẻ. Nếu vào... "cửa mả tam giác vàng tử vong" đó. Còn hơn khu tam giác vàng giáp giới Thái. Miến. Lào.

- Mấy anh ơi! Mấy anh ra chiến trận, sao thích la cà, linh tinh, xỉn xạc, tháu cáy nhau kinh khiếp vậy? Chắc vợ con ở nhà, lo lắng thất điên bát đảo đó. Mấy anh ơi! Ba trợn quá! Quỷ thiệt chớ. Coi chừng! Bọn em đi méc Trưởng-phòng. Các anh bị kỷ luật gấp đó!

Được thượng cấp chỉ định làm trưởng ban nhạc, khi tuổi anh Cương đã xế chiều, ảnh gầy gò, trán hói, gương mặt nghiêm khắc. Tuyết Ngọc Trúc nghe Thu Hoa nói:

- Lâu lâu “ảnh” có cảm hứng dồi dào, đã “sáng tác chiều tác”, hòa âm hòa iếc gì đó.

Đối với Trúc, nghe ảnh đàn bùm búm bum, bòng bóng bong... như đàn gãi tai trâu. Coi cũng ra trò dị biệt trong phòng văn nghệ sĩ miệt vườn nhà.

Ưu việt của ảnh chừng ấy, nhưng đối với đàn em, ảnh nổi tiếng hách xì xằng. Ảnh tỏ vẻ ta đây tài ba, hơn bất cứ loại kỳ nhông cắt kè nào trong phòng 5, hay cả trong sư đoàn nữa. Vài hạ cấp e ngại nâng bi, đánh bóng cuộc đời ảnh quá đáng. "Bơm" ảnh căng hơi. "Thổi" ảnh phồng to hơn quả khinh khí cầu. Ảnh càng nở mũi, dương dương hiu hiu tự đắt, muốn "nổ", muốn "vồ" người khác, một tí cho oai.

Ảnh giữ một “củ súng” mousqueton cổ lỗ sĩ, như vệt nhăn cày sâu trên trán khổ chủSúng bắn bụp bụp từng phát một, vô duyên òm, giống súng bắn lon trong hội chợ. Sau trận chiến, trong tận cùng tan hoang đổ nát của quê hương đỏ lửa, Cương đi thu nhặt chiến lợi phẩm. Nào là lựu đạn nội hóa, mìn muỗi, súng AK, mũ nồi tai bèo, dép râu. Vân vân... Thành tích đó của mấy anh Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Thủy Quân Lục Chiến, sau khi “phe Ta uýnh Vixi” chạy có cờ, bỏ lại.

Họ tặng cho Cương. Cương sai anh lính trơn tà lọt mới “nhập gia” mang những thứ đó về, kê khai làm thành tích riêng Cương. “Hù"anh em văn nghệ miệt vườn, ảnh khôn mà không ngoan, chỉ muốn ra oai"vồ" và xỉ vã tàn tệ kẻ khác đến khiếp vía.

Thái nghĩ mình không thua Cương, nhất là đờn ca hát xướng là "nghề của chàng mà". Thái vừa bị tội “sừng sỏ ba gai”, vì có một lần anh say rượu, Thái đã gọi cấp chỉ huy là:

- Con tắc kè bông chạy nhông, không lông, không tóc.

Thái bị gián cấp nên anh càng bất mãn. Thái vốn không trọng tài năng Cương, anh thấy Cương "ngu ngu sao ấy". Nói nào ngay Thái nghĩ:

- “Anh thượng sĩ chỉ hơn anh trung sĩ nhất có một bậc, thì có cao cách gì, mà buộc người dạn dày kinh nghiệm chiến đấu như ta phải nghe theo, hay các anh em khác phải khúm núm cung kính nâng bi trình bẩm”. Thái cay cú lật tẩy quân bài “ngu ngu" kia, làm anh Cương mất mặt. Thế là có vấn đề.

Anh Phước đi lên bộ Tổng Chỉ Huy Hành Quân họp, trao quyền cho Cương chỉ huy phòng 5. Không hiểu vì lý do gì Cương và Thái, đấu khẩu ác liệt, cãi lộn rần trời trong bàn cơm vừa dọn ra, chưa kịp ăn. Anh em không ai can gián nổi.

Cương cậy ỷ quyền, lớn lối mạt sát hạ cấp Thái không tiếc lời. Ghét Cương từ lâu, nay Thái càng tức giận và quê xệ với đàn em, khi Thái bị gián cấp. Thái phải tỏ ra ta đây đếch sợ chết, bất quá thì giống như “cổ lai chinh chiến, kỷ nhân hồi”, chứ sợ gì mà run, mà rét! Thái móc "trái na sắt" đáng ghét, dằn dộng nghe cái “cộp” trên bàn ăn. Tay anh lăm le chực mở chốt tự sát.

Cương cụt hứng, hết hăng tiết vịt, ảnh xanh mặt im re, xép ve! Ảnh nghẹn đắng cổ họng không nói tiếng nào, y như con tuấn mã phi nước đại, bỗng dưng bị cây đao chặt cụt mất bờm và đuôi. Trông thật dị hợm thảm thương quá chừng.

Mấy cô lính “đơ dem cùi bắp” la hét rờn trời, lo chạy trốn tán loạn. Họ sợ “trái na” hơn sợ giặc đuổi bên đít. Các cô sợ quá hét tướng lên om sòm. Nghe điếc con ráy quá đi!

Long len lén đến bên Thái, ngọt ngào, năn nỉ Thái bớt giận. Chuyện đâu còn có đó, anh sẽ được minh oan. Sau đó, Trúc vừa khóc hu hu, hic hic, từ trong xó góc hầm trú, cô chạy xộc ra vừa ôm Thái, dỗ dành. Khiến Thái càng khóc to hụ hụ hụ. Mấy anh khác, mỗi người một câu phải trái, phân tích rành mạch cho hai bên “bất phân thắng bại” nguôi ngoa. Vị “tà lọt” (anh chị em trong phòng thương mà gọi thân như thế, vì đối với ai ai, thì anh Vị cũng chí tình giúp đỡ, ân cần dễ dãi), đến bên bạn gỡ tay Thái, lấy “trái na độc hại giết người”, đem dấu vào xó xỉnh nào. Chả biết.

Anh Phước về, thấy bàn cơm nguội lạnh, ruồi bu kiến đậu ba lớp không nhúc nhích. Mặt mày ai nấy méo xẹo, ủ dột. Anh Phước khéo léo điều tra. Từ tâm và độ lượng anh khiển trách nhẹ nhàng “Huynh đệ chi binh như thủ túc”. Anh giản hòa hai người ấy rất hợp lý, mà không hề quở phạt ai.

Anh Phước đúng là một vị chỉ huy mẫn tuệ và mẫn tiệp. Phước có tinh thần cộng đồng tha nhân, có lòng hào hiệp, nặng trách nhiệm, yêu thương thuộc cấp, như em út. Nhưng, ở chiến trận anh Phước cương quyết, nghiệt ngã với anh em sai trái, là điều chí phải. Anh cần bảo vệ sinh mạng, tài sản, cho đồng đội từng giây, từng phút.
Trúc lấy nón sắt, gỡ lớp mũ lót bên trong ra, múc nước sông. Cô vén tóc qua một bên, uống ừng ực, tỉnh bơ.

- Coi chừng bị sốt rét đó Trúc. Để Hoài lấy nước đun sôi, ở trên xe cho uống.
- Khát quá, lỡ uống rồi. Ớ! Ai vật nỗi mình, mà bệnh. Hoài ha.

Cái lớp nón sắt bên ngoài nầy, được múc thêm lần nước nữa, để làm cái nồi, nấu thịt bò kho gừng, sả, ớt, cà ri nị ngon tuyệt. "Nồi mũ sắt" treo trên cây sào gỗ, lửa đỏ trên đầu nón sắt lật ngửa ngộ ghê.

Ven bờ, rau muống phồn thịnh, hào phóng mọc từng bè chạy suốt con sông, ăn đọt thả gốc xuống nước có tí bùn đất, ít lâu sau chúng sinh sản ra “cả Làng, cả Tổng”. Ăn vào thấy ngon ngọt mùi vị Quê Hương.

Nó dễ ăn nhất, hái vào, rửa sạch ăn sống. Xào. Nấu canh. Trộn gỏi thịt heo thịt gà, thịt bò, tôm cua... Hoặc không cần pha trộn thịt thà, ăn nguyên chất, mà tươi ngon, đậm đà hương đồng vị nội.

Chợ xóm nhỏ họp thoáng chốc, khoảng vài ba giờ. Họ lo chụp giựt mua bán. Chị em Trúc lỡ đi chợ trễ, kể như không còn gì, ngoài mấy bó rau muống bầm giập. Thà có rau ăn, còn hơn ăn lương khô.
Mỗi người đi công tác đều phải cõng trên lưng một lít gạo một ngày, tha đi đây đi đó, cùng chia phiên nhau canh gác và nấu cơm ănBan đầu được phát gạo sấy và đồ hộp, Trúc khoái chí ăn liền một tuần. Sau đó, thấy đồ hộp Ration C, nàng sợ, vì ngán lên tới cần cổ! Anh chị em hùn tiền, giao anh Minh đầu bếp của phòng 5 đi chợ mua rau cá tươi, anh về nấu cho cả phòng cùng ăn.

Trúc phụ anh bếp, lấy hộp quẹt Ronson, bật lò dầu nấu nước sôiChờ nước sôi, nàng lấy kéo cắt mấy bọc gạo, cạnh mấy keo ruốc sả xào khô. Có ngày ăn khô nướng, nấu nồi canh chua cá đồng. Món canh rau đạm bạc duy nhất, ăn với cơm gạo sấy, mà ngon miệng. Đôi khi chỉ có rau muống luộc, nước luộc rau dằm thêm trái cà chua, củ hành hương, có chút muối, bột ngọt. Thế mà họ ăn ngon hết sẩy.

Chương   9

TIẾNG HÁT RU ĐỜI BIẾN LOẠN

Đêm nay anh em trong đoàn Tâm-lý-chiến diễn xuất tại khu vực Chùa Ông, cho đồng bào cư ngụ ở vùng lân cận như Nghĩa Hòa, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, vân vân... đến xem văn nghệ.

Chùa Ông nghi ngút khói hương trang nghiêm và uy linh, do người Hoa dày công xây dựng, được chạm trổ tinh vi từ lâu đời. Tường vách, câu đầu, xà ngang, đòn bẩy, đều chạm hình hoa lá, cây cỏ, hình người và muôn chim, thật hài hòa tuyệt đẹp.
Người đàn bà hớt hải, tất tả quảy quang gánh lên vai, vừa chạy vừa kêu to:

- Bà con ơi! Chờ tui đi coi văn nghệ với chớ.

Bà quảy "triêng gióng nợ đời" độc nhất vô nhị trên vai, lưng bà còng xuống những cố gắng vĩ đại. Phía trước triêng gióng, là thằng cháu đích tôn, mệt mỏi co mình ngủ gật trong thúng. Vòng tay bé vẫn ôm bức tượng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Chiếc nôi đời kẽo kẹt trên vai gầy bà đong đưa lên xuống nhịp nhàng. Phía sau thúng kia là mớ gia tài lộn xộn, áo quần, tô chén, xoong nồi luộm thuộm. Hai bà cháu sống còn, dắt díu nhau bò lê trên dòng đời đầy binh lửa.
Hoài đứng trên sân khấu nhìn xuống khán thính giả áo quần bạc phếch tơi tả, mặt mày hốc hác bơ phờ. Trông họ mỏi mệt già nua trước tuổi. Khuôn mặt lặng lẽ, ánh mắt xa xăm, đa số người già có đôi bàn tay gân guốc gầy trơ xương, nhăn nhúm nắm chặt vào nhau. Như bóp chết uẩn khúc hờn tủi, khổ đau từ kiếp người nghèo nàn trong xã hội.
Những đứa trẻ đen đúa ở trần, hoặc mặc áo dài lụng thụng thay quần. Có đứa mặc chiếc quần cháo lòng vá chằng vá đụp. Có những đứa nhỏ trần truồng như nhộng, không manh vải che thân. Lũ trẻ con, đứa chạy, đứa bò, đứa lết đít, kéo theo những vệt bùn loang trên mặt đất ướt. Trừ đứa quá lớn, có quần đùi, còn đa số hầu như trần truồng. Đầu tóc bù xù, mặt mũi lem luốc như chú mèo vá. Tấm thân èo uột, bụng ỏng đít teo. Thật xấu hổ!

Ôi! Giữa cảnh khốn cùng, nghèo đói, chiến tranh liên miên, bệnh tật, thiên tai luôn bám sát người dân, dai hơn đỉa đói. Còn hay biết gì, mà xấu với hổ cơ chứ!

Mỗi khi có trình diễn văn nghệ tại các khu công cộng, thì Dân Vệ, Nghĩa Quân, Công An, Cảnh Sát, An ninh Quân Đội, Quân Cảnh lo giữ an ninh trật tự, bảo đảm cho diễn viên cũng như cho đồng bào.

Quần chúng không ngừng đông lên, lớn rộng ra trong sân xem như nước tràn bờ. Họ bắt đầu leo lên chỗ cao, trên bờ tường, gò mối, ụ đất, cành cây. Giờ phút chờ đợi xem văn nghệ thật mệt mỏi, bực bội, ồn ào. Tiếng la ó chửi bới, vênh váo láu cá chửi rủa xô đẩy nhau, tranh giành chỗ ngồi, càng lúc càng kích động thêm nỗi bất bình, khi đôi cánh màn nhung đỏ chưa kịp kéo mở.

Một vài vụ đánh lộn, ẩu đả nhau đã xảy ra. Người Việt Nam vốn dĩ da vàng mũi tẹc, nhân cơ hội nầy, mũi sưng tấy lên cao (như vị cố vấn James Webb) Da vàng bủng, trở thành trắng nhợt như con ma da. Hoặc đỏ gay (như ông da đỏ Joe, phụ tá cố vấn Mỹ). Người Việt mình bị "dộng cho lai căng" như rứa, trông thiệt khó chịu. Thật khó coi!
Trăng chưa mọc nên trời tối đen. Bóng tối ghê rợn, buồn bã bao bọc làng quê, như có điều bí ẩn. Tất cả mọi người ngồi bó gối dưới sân cỏ há hốc miệng nhìn lên. Khán giả đa số là ông bà già và trẻ em lớn tồng ngồng cỡ mười hai, mười ba. Hiếm thấy thanh niên nam, nữ, từ bốn mươi, năm mươi tuổi ở trong làng. Từng vết nhăn trên trán cụ già trầm tư, ngồi bó gối bên bậc thềm. Đa số dân làng chân không nứt nẻ, sần sùi. Lớp da dày khô khan đầy đất bùn. Tơi rách trên quần áo vá chằng vá đụp. Thân hình gầy còm xanh xao, hốc hác. In dấu ấn khổ cực triền miên, lam lũ, đói lạnh, hằn trên vừng trán, dưới đuôi mắt mệt mỏi lờ đờ, nơi bao mái tóc ngã bạc trước thời gian xô sóng gió.
Tuy vậy, họ vui vẻ hân hoan khi xem các đoạn hài kịch, và thích thú vỗ tay qua màn tân cổ nhạc giao duyên. Thế mới biết: Từ trong lớp vải sờn rách thô sơ, họ còn một trái tim nóng bỏng cuống quít gọi tình. Họ cưu mang tình tự quê nhà thắm thiết, dạt dào Tình Quê chân thật. Ngọt ngào, vời vợi như chất men nồng, keo thơm, tỏa nhựa mật từ hương hoa, khiến mình ngây ngây, say say.

Đám trẻ thả diều, thấy Hoài ca trên sân khấu, chúng say sưa nhìn cô, liên tục vỗ tay hoan hô. Không vì Hoài hát hay, mà do các em mừng rỡ thấy người quen biết. Hoài rất thù ghét chuyện chiến tranh, nhưng nàng rất yêu các em thơ trẻ thật thà, mến từng vồng sắn nương khoai, nơi cư dân trong vùng nhọc nhằn vất vả lam lũ về nghề nông.

Mấy tuần nay, chiều chiều khi gió bắt đầu lên, hai “cô lính mới” thấy đôi cánh diều cao bay. Con màu trắng cụt đuôi, được nối một đoạn giấy hồng. Thêm một con diều mới, giấy bóng thân màu đỏ, đuôi khúc hồng khúc xanh. Diều sánh vai êm đềm bay lượn trên không, trông thật đẹp mắt, dưới dãi nắng vàng hanh, nhuộm đầy những mái tóc hoe hoe. Nhìn hai con diều, Hoài, Trúc, cảm thấy vui vẻ, len lỏi chút hạnh phúc, ấm lòng yêu thương, nồng ngọt tình tự dân tộc dường bao!

Phòng 5 mở đầu chương trình ca nhạc kịch bằng bản nhạc đồng ca “Vó Câu Muôn Dặm” của Văn Phụng: "Một đoàn trai đi khi xuân tới. Hẹn rằng gieo tình thương khắp nơi. Non nước khi xa vời, ta đã yêu thương đời. Đừng e nắng gió sương bạn ơi!... Anh em ta đi muôn phương xa, non xanh bao la. Ta vui câu ca, những đêm xa nhà, cùng ngồi bên đá... Mai vó câu lên đường. Đem chí trai can trường. Đời ta sống thác vì cố hương. ”
Đồng bào nồng nhiệt vỗ tay và reo hò “Bis” - “Bis” - “Bis”

Thế là các anh chị em đồng ca tiếp bản nhạc: “Bánh Xe Lãng Tử” của Trọng Khương. "Bánh xe quay nhanh nhanh, chiếc thân xe rung rinh chìm trong làn cát trắng. Xe nhịp nhàng quay bánh lướt. Hình xe mớ khuất trong mênh mông. Ta luyến lưu một kiếp giang hồ, dù rằng cuộc sống vô bờ, tim nồng tràn máu vô tư. A ha ha!... ”

Trúc mặc áo mini robe, bên trong có soutien nòng sắt độn khéo, nâng bộ ngực nở nang lên cao. Trúc cùng bạn biểu diễn các điệu Rumba, Bebop, Boston, Valse, Tango, Cha Cha Cha, Pasodoble.Thu Hoa ca bài: “Biệt Kinh Kỳ” của Lê Minh Bằng: “Bạn ơi. Quan hà xin cạn chén ly bôi. Ngày mai tôi đã, đã đi xa rồi...”

Tuyết Ngọc Trúc ca bản nhạc: “Gợi Giấc Mơ Xưa” của Lê Hoàng Long: “Ngày mai lênh đênh trên sông Hương. Nghe gió mơ hô hồn về đâu. Sóng sầu dâng theo bao năm tháng. Ngóng về đường lối cũ tìm em...”
Anh Thái Hùng đơn ca “Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay” của Đoàn Chuẩn Từ Linh: “Với bao tà áo xanh, đây mùa thuHoa lá tàn, hang cây đứng hững hờ. Lá vàng từng cánh rơi từng cánh. Rơi xuống âm thầm trên đất xưa...”
Tiếp theo là đôi song ca Huy Tuấn và Lan Anh qua bản nhạc: “Gửi Người Em Gái” của Đoàn Chuẩn Từ Linh: “Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng. Rừng đào phong kín cánh mong manh hé hoa lòng. Hà Nội chờ đón tết, hoa chen người đi, liễu rũ mà chi. Đêm tân xuân hồ Gươm như say mê. Chuông reo ngân Ngọc Sơn sao uy nghi...”

Tuyết Ngọc Trúc, Hương Hoài và Thu Hoa trong tam ca: “Ngàn thu Áo Tím” của Hoàng trọng, Vĩnh Phúc: “Ngày xưa xa xôi em rất yêu mầu tím. Ngày xưa vô tư em sống trong trìu mến. Chiều xuống áo tím thường thướt tha. Bước trên đường gấm hoa. Ngắm mây chiều thướt tha...”

Tiếp theo là đồng ca bản nhạc “Huynh Đệ Chi Binh”của nhóm AVT - Lữ Liên- thì trong sân Chùa hầu như được bản nhạc vui tươi nầy làm cho kích động thêm, đồng bào hâm mộ nồng nhiệt vỗ tay hưởng ứng và hứng khởi hẳn lên.

Thế rồi vỡ bi kịch cũng không kém phần sống động, và gần cuối chương trình là hài kịch vui tươi lành mạnh, cười ra nước mắt, được xen kẽ trong những vũ khúc xuân tình lả lướt mời mọc. Những điệu hò câu hát dân ca Nam-bộ. Hò Mái Nhì. Hò dân ca Quan-họ thật ý nhị súc tích, trữ tình, được các anh chị em nhiệt tâm cung hiến cho quý khán thính giả xem say mê.

Buổi công tác nầy, Trúc không đạt kết quả mỹ mãn như ý, bị phê là kém nhất kể từ khi đi làm. Làm sao được! Khi trong bất cứ hoàn cảnh nào, Trúc muốn vươn lên, cố gắng hết mình, dù thật khó khăn. Trúc còn lòng dạ nào mà ca với múa, khi nhìn đồng bào cơ cực lầm than đến vậy?

Đêm trình diễn văn nghệ rất thành công, kết thúc tốt đẹp. Tấm màn nhung đỏ khép lại lúc gần một giờ sáng. Đồng bào vui vẻ ra về hết, chừa khoảnh sân chùa Ông trở lại u trầm vắng lặng, buồn bã như cũ.

Cả đoàn tâm lý chiến hì hục tháo gỡ rạp sân khấu, lụi hụi chất đầy cây gỗ nặng lên hai chiếc xe GMCAnh Thái căn dặn đoàn đi công tác, phải hết sức dè dặt, cẩn thận:

- Đi đâu, các anh, các cô đi chung, không đi lẻ tẻ. Bị bắn tỉa, bắt cóc bịt mắt, dẫn vào "bưng". Chết đa.
- Mình đi làm chuyện giúp ích, hữu dụng cho mọi người mà. Anh nói gì, nghe ghê thấy mồ vậy? Anh Thái!

Đoàn công tác phòng 5, leo lên ba chiếc xe lính, chạy đến vùng Sơn HàPhòng 5 giữ một khẩu liên thanh nhẹ ba càng, đạn lên nòng, phòng hờ khi bất trắc. Thật ra, chưa bao giờ đoàn người nầy phải sử dụng nó.
Hoài sợ nhất là tiếng súng đại bác đặt phía chéo ngọn đồi, nghe chát chúa, lạnh lùng, khô khan, mãnh liệt, chính xác. Mặt đất rung chuyển, gầm rú vang động dữ dội, hung tàn, man rợ. Sức ép của nó khiến ta nghẹt thở, lồng ngực nóng ran cào xé đau buốt, nhức nhối vô cùng.

Sau bao ngày "ác ôn côn đồ" đó, đoàn được trở về hậu cứ. Việc đầu tiên, khi về đến thành phố. Hoài vội vàng thay bộ áo quần nặng nề khó chịu, (như Thắng đã nói). Hoài đi tắm gội, kỳ cọ sạch sẽ. Sợ "hơi người chết" còn bám riết theo.

Sau đó, cùng Tuyết Ngọc Trúc dạo phố mùa xuân. Ăn phở và đi ciné phim “Hopy a Writ” do Robert Mitchum thủ vai chính. Hai cô hớn hở vui mừng, cười nói huyên thuyên. Y như họ bỏ thành phố nầy từ lâu lắm, nay vui mừng trở lại. Thế mới biết thương người lính quanh năm suốt tháng, trấn giữ nơi ngàn chốn bom đạn ở sơn khê.

Tan ciné, Trúc gặp bồ tèo, cô cậu năn nỉ Hoài cùng đi tắm biển Thanh Bình, hay Tiên SaHoài không thích tham dự cùng bạn, nên bỏ về nhà ngủ li bì đến tận chiều. Thức giấc, Hoài nằm vắt tay lên trán nhìn vu vơ ra ngoài khung cửa kính. Gió chiều xô mạnh những cành cây me, là sà quật lui quật tới, cọ xát trên mái nhà nghe rào rào, lá me bay bay, rơi rụng hoặc dán chặt đầy ô cửa kính.

Nàng ngạc nhiên nhìn quanh, vì mùi hoa hồng thoang thoảng thơm. À thì ra... mấy nhung hồng đã đứng trên lọ sứ, mỉm cười khoe cánh. Hoài nghĩ "Hẳn là hoa của Thắng mang đến, anh biết Hoài thích hoa hồng mà".
Quả thực, khi xuống nhà rửa mặt, chị bếp vui vẻ nói:

- Cô ngủ say quá! Cậu ấy đến đây, ngồi ngoài phòng khách đánh đàn, như ong, như ó kêu. Vậy mà cô không nghe gì cả. Tôi nói để tôi vào kêu cô dậy, cậu ấy không cho, nói là cô đi làm rất khổ cực, mất ngủ luôn. Cậu Thắng ở Sài Gòn về ba ngày rồi. À, cậu có gửi cho cô con mèo lông xù bằng gòn, hay bằng cái gì mà đẹp ghê. Hộp kẹo. Hai quyển sách gì đó.

Hoài cười thân ái, "mình mất bảy ngày thức trắng đêm, vì sợ ma, sợ xác chết kinh khủng. Bi giờ không ngủ li bì sao được".

Nàng ra phòng khách, lấy hai quyển Le Bossu de Notre Dame và Les Miserables của văn hào Victor HugoNàng thích thú lật lật vài trang sách mới thơm mùi giấy. Hoài ngồi xuống sofa, bắt đầu đọc Les miserables.

Ái Ưu Du