SỐ 36 - THÁNG 10 NĂM 2007

 

Thơ

Đêm cuối ở Nha Trang
24
Vũ Hoàng Thư
Chiếc Taco lưu lạc

24 Phạm Hồng Ân
Viễn hoài
24
Tiểu Đỉnh
Khuýp danh

23
Ái Ưu Du
Đọc thư
21Trần Việt Bắc
Tình đã giá băng
18
Huỳnh Kim Khanh
Trang thơ cũ bản đàn xưa
18
Ngọc Trân
Paris quê hương tôi ?
18
Tôn Thất Phú Sĩ
Anh vội để một vầng thơ đâu đó
18Kim Thành
Sa Pa Việt Bắc
18Đỗ Phong Châu
Nỗi nhớ
21
Trần Hoan Trinh


Truyện ngắn, Tâm bút

Vượt trại
14
Phạm Hồng Ân
Sàigòn, Người cũ, Khoảng trống ...
14Nguyên Nhi
Tản mạn phố xưa
14Phan Thái Yên
Duyên khởi
14Cỏ Biển
Hoa tím
13
Xuân Phương
Thư tình tri ngộ
14
Ái Ưu Du
Ở đợ trần gian
15
Võ Thị Đồng Minh
Chợ Mouffetard
8Thi Vũ
Cuối ngày một lần ngồi lại
8Song Thao
Sự cô đơn và khát vọng đợi chờ trong thi phẩm Bến Đợi
8Lê Miên Khương


Văn học, biên khảo

Giao Chỉ và Tượng Quận (3)
4Trần Việt Bắc
Sống thiện chết lành (10)
4Ngô Văn Xuân
Phiếm luận văn chương
4Huỳnh Kim Khanh
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 23
3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Giữa hai lằn đạn
1Ái Ưu Du
Vô tình cốc - Kỳ 30
1Huỳnh Kim Khanh


 

Sài Gòn, người cũ, khoảng trống ...

 

Nguyên Nhi

Một

Trước hết hãy nói về chuyện cái tên. Tôi kỵ tên Mike. Chưa tới đỗi ghét, chỉ kỵ! Phải nói Mike là cái tên khá tốt. Nhưng tôi kỵ tên Mike không phải vì tên tôi xấu mà tại lý do khác. Bạn bè tôi hồi nhỏ nhiều đứa tên Mike. Nhiều đến nỗi tụi tôi thường lẫn lộn Mike nọ với Mike kia, muốn phân biệt thường phải ghép sau tên Mike tính cách con người. Mà không gì dễ nhớ cho bằng cái xấu, hoặc cái không được tốt. Vậy là các hỗn danh Mike Đểu, Mike Đía, Mike Xạo, Mike Cù, Mai Đầu Bò... ra lò. Riết, nghe tới tên Mike tôi đâm ngán ngược! Người tên Mike hãy cứ tức khí nếu cho rằng tôi thô lậu. Nhưng tôi không là đứa quơ đũa cả nắm: tôi biết người khiếu nại ấy là Mike Hiền Triết hoặc Mike Bô... (Bô đây là đẹp, không dính líu chi đến... cái kia! Mike Bô là Mike Đẹp Trai.) Ngoại lệ quả có vậy nhưng tôi vẫn vậy, biết sao? Người tên Mike hãy cứ mắng mỏ nếu cho là tôi quá khích. Nhưng tôi không là tên khiêu khích: chẳng ai liều mạng đến độ chọc quậy vào cái tên cúng cơm của người ta. Cứ tức khí rồi mắng mỏ, nhưng giả nếu có hăm bắn bỏ thì tôi cũng chẳng thay đổi được gì. Vẫn ngán ngược tên Mike. Cuối cùng thì... sự thật thà nào cũng đáng được kính trọng chứ?

Lại nói thêm chút về chuyện cái tên. Hồi lâu lắm tôi có đọc được một truyện ngắn tàm tạm. Tên tác giả thì quên, tên của truyện thì nhớ: Mỹ Thơ! Có người liệt truyện này vào số những truyện ngắn hay nhất tiền chiến đó!  Nhân vật tôi trong truyện tên Mỹ và người con gái kia tên Thơ. Hoặc ngược lại, lâu quá không nhớ nổi. Nhưng việc ngược xuôi ấy không quan trọng: hai cái tên người ghép lại vẫn là Mỹ Thơ và thành phố Mỹ Tho thời thơ dại của tôi trong truyện ngắn kia biến thành Mỹ Thơ ngon lành! Nghe tưởng gần gần nhưng xa lơ xa lắc! May cho tôi là những ý kiến, hoặc ý tưởng, của các nhà văn thường chỉ được đóng khung trên trang giấy. Sẽ chẳng có sự gì xảy ra nếu họ, nhờ may mắn, bị thất bại trên những lãnh vực khác. Ơn trời, họ thường có được cái may mắn này! Nhưng giả dù tác giả là một nhà hoạt động xã hội lừng tiếng hay là một chính khách lỗi lạc đi nữa, việc đổi tên Mỹ Tho thành Mỹ Thơ, đối với tôi, vẫn gây phẫn nộ ghê gớm.

Vậy là đất có tên đất, người có tên người. Vậy thì... tôi trở lại Sài Gòn!

Hai

Từ Mỹ Tho tôi trở lại Sài Gòn đôi ngày cũng bởi vợ tôi. Nàng muốn gặp vài người bạn quen hồi ở Mỹ, bây giờ đã trở lại Sài Gòn làm ăn và yêu đương. Tôi biết không ít người không tiếc mạng cùn để thoát khỏi sự tù hãm trong nước, sau một thời gian, tưởng đã an cư trong xã hội mới, đã biến thành con người khác, với cái tên và nghề nghiệp khác, bỗng một hôm phát hiện ra một khoảng trống sinh tồn nhỏ nhoi vừa le lói chốn quê nhà. Bèn mò về. Buổi tối ngồi lai rai với hai họa sĩ nữ, bạn của bà xã, là buổi tối khá thú vị. Dĩ nhiên bèo dạt hoa trôi chân trời góc biển thì nhắc chuyện quê hương, tụ về cố quận thì nhắc chuyện xứ người. Bạn về hơi lâu, tôi ở xa mới về, có vẻ tôi biết chuyện bên đó nhiều hơn. Thiệt ra viễn xứ chẳng có trò gì mới! Tôi vẫn rất bận rộn lùng sục cái mà xã hội lúc nào cũng đòi hỏi: tiền. Bận bịu tới đỗi không còn thời giờ để tận hưởng cái mà xã hội đã hào phóng ban phát: tự do. Tự do nhiều quá, có nhiều thứ tôi không biết dùng để làm gì! Quân ta bên đó thì cũng vậy vậy qua ngày! Năm tới, hoặc năm tới tới nữa, bạn về lại Mỹ thì chuyện cãi cọ nhau về gay ghiếc vẫn chưa xong và các chuyện bảo hiểm sức khỏe, an sinh xã hội, an ninh quốc gia... sẽ vẫn còn lu bu nguyên vậy. Nếu mọi sự được giải quyết ổn cả rồi thì các chính khách sẽ mất hết hứng thú để đấu đá nhau và e rằng các ứng cử viên tổng thống sẽ hết tiệt đề tài tranh cử.

Nhớ hôm bao xe đón vợ chồng tôi từ phi trường về tỉnh nhà, ông già tôi có ý tưởng ngồ ngộ là giới thiệu với tụi tôi một Sài gòn giờ đã “đổi thịt thay da”. “Hê bác tài, đừng gấp! Cứ chạy lòng vòng một đỗi cho chúng biết Sài Gòn ngày nay! Bây biết Sài Gòn bây giờ dữ dằn lắm rồi, không còn như hồi bây mới đi đâu!” Thành phố bị lột da lóc thịt đã đành, nhưng phèo phổi tim gan của nó vẫn còn nguyên vẹn chớ?

Sài Gòn lạ hoắc! Nhưng tôi không cần cái mới lạ! Cần cái mới cái lạ thì tới nước nào khác, thành phố nào khác mà chẳng có? Tôi không trở lại một thành phố nào đó để nhìn xem sự thay đổi không ngờ của nó. Không để gặp những con người mới. Không để bàn về những cái mới. Tôi muốn tìm lại một nét cũ. Vẫn tươi rói trong ký ức. Vẫn đau đáu trong cõi lòng. Một chút gì đó rất nhỏ nhoi nhưng lại gợi lại cả một khung trời mông mênh cũ. Nói thiệt chớ chẳng chơi, tôi tìm mãi chẳng ra hồn xưa phách cũ Sài Gòn. Tôi thầm ước được như ông thi sĩ Đinh Hùng: “Thu năm nay tôi lại đi trên con đường vắng này, nghe từng chiếc lá rơi trên bờ cỏ... Nắng ở đây vẫn là nắng ngày xưa và linh hồn tôi vẫn là linh hồn tôi năm trước...” Có thể tôi nhớ lộn xộn, trích lộn sòng, nhưng chắc chắn tôi mất cả hai. Nắng Sài Gòn bây giờ chập choáng bụi bặm.

Xe chầm chậm. Dòng xe tắc ứ ở  Ngã Bảy. Mái hiên mưa năm đó đâu rồi? Không còn nhận ra bờ tường ngày nào anh thường binh che bạt làm chỗ vá xe đạp. Tôi không còn nhận ra con hẻm Cát Lợi. Con hẻm, xưa, mang tên trại mộc mặt tiền. Hồi đó, đầu hẻm có con nhỏ dấu mái tóc ngắn cũn cỡn sau thùng thuốc lá. Hồi đó, con hẻm sâu hút dày đặc thợ thuyền đổ xô về nhà má Tư ăn cơm tháng. Má Tư nấu cơm ngon mà rẻ. Căn dưới nóng hâm hấp hơi người. Căn gác, chiếc cầu thang dốc đứng, khung cửa sổ hẹp té mở ra một mảnh trời nhỏ xíu trên những mái tôn hàng xóm cháy sét lỗ chỗ, là giang sơn của bốn cậu sinh viên tới từ tỉnh lẻ. Tài Khều và Bin Lùn cùng quê Sóc Trăng, rủ nhau đi Thủ Đức đầu năm thứ ba Khoa Học. Khoa Khòm quê Mỹ Tho, sau một năm biểu tình bãi khóa ở trường Luật, lấy bằng Cử Nhân rồi biến vào Khu. Nghe nói sau bảy lăm về thành làm Chủ tịch phường nào đó một thời gian rồi ra rìa do giải quyết nội bộ. Căn dưới ngày nay nếu còn thì cũng quanh quân hồn ma những bác Tám thợ hồ, chú Năm thợ mộc... nhớ bữa cơm trưa trong tiếng nhạc xập xình nhão nhoẹt từ chiếc máy quay dĩa đầu bếp. “Hôm nay ngày Chủ Nhật, vườn Tao Ngộ em đến thăm anh... Đường Quang Trung nắng bụi...”

Thỉnh thoảng, cuối tuần, Bin có phép, ghé tạt qua căn gác cũ, kể chuyện về những hàng cây bã đậu trong quân trường. Nó kể hay tới đỗi những chiếc lá bã đậu, vốn chỉ nổi danh là thứ lá thuốc dân gian trị táo bón, đối với tôi bỗng trở thành thân thương; và rồi những tàng cây bã đậu dọc sân banh Cộng Hòa trong những trưa nắng chảy mỡ học Huấn luyện Quân sự Học đường trở thành nỗi ám ảnh trong nhiều năm.  Tới nỗi tôi nghĩ rằng nếu gốc phượng vĩ nhắc lại cho người ta tuổi học trò thì những hàng cây bã đậu gợi lại cho họ ta những ngày mới vô lính. “Từ những hàng cây bã đậu của ta/ Ném xuống trăm năm bài ca chính khí...” Ôi, có một thời như vậy... Cái thời trái tim non rộn ràng xung trận và những thoáng bâng khuâng nhớ về một cơn mưa bất chợt qua thành phố đêm. Một người bạn ở Mỹ, biết làm thơ, thường nói với tôi về ước mơ một tối nằm nghe mưa trên căn gác cũ ở Sài Gòn. Thật lãng mạn và cũng thật tội nghiệp. Mọi điều lãng mạn trong thiên niên kỷ này đều đáng thương hại. Tội nghiệp tiếng mưa trên mái tôn căn gác nhà má Tư!

Xóm Bình Tiên không còn gương mặt cũ. Không còn bến xe lam Cây Gõ. Chị Hai Đẹt sau bảy lăm không muốn dọn đi Kinh Tế Mới, dắt díu hai đứa con gái lớn tật nguyền, con Phước với con Huê, về Cai Lậy,  giành lại miếng ruộng hương hỏa, nơi chị đã thề độc chẳng bao giờ trở lại sau ngày lấy chồng. Hai đứa nhỏ, thằng Đực và thằng Út ở lại với nội ít lâu, khi ba chết cũng thối về ngoại. Nghe đâu đây tiếng xích lô máy bình bịch buổi sớm anh đổ xuống đường kiếm gạo. Gặp lại con Phước con Huê sau ngày tôi ở trại tù về, đó là hai phụ nữ không có thời thiếu nữ. Hình như thể chất chúng không buồn phát triển mấy với thời gian. Chỉ có những nếp nhăn trên mặt. Đứa vẫn lết trên chiếc chân phải khẳng khiu và cứng ngắt như que củi, đứa vẫn đi với bàn chân trái gập ngược. Chúng vẫn vậy, như ngày nào chia căn gác xép vừa đủ chỗ cho mấy cậu cháu chăng một chiếc mùng màu cháo lòng những khi cậu ghé về từ Tạm Trú Hạm, học Anh văn trường Boat School chờ đi Mỹ. Mùi cống rãnh xông lên hừng hực từ dưới nhà. Và những cơn mưa đêm trên mái tôn lụp xụp.

Lại những mái tôn. Lại những cơn mưa. Không đâu nhiều gác xép hơn Sài gòn. Sài Gòn yên bình tạm bợ trong thời chiến và thịnh vượng giả tạo trong thời bình, từng ngốn  ngấu hàng hàng lớp lớp người trốn né đạn bom và chạy vạy kiếm sống. Thành phố nhích dọc xô ngang, căng cứng, nghẽn thở, tìm cách ngóng cổ lên. Và cái nghèo chỉ có thể vươn cao lên ngang tầm những căn gác xép.

Thiệt xót xa khi nghĩ rằng, từ xưa đó tới giờ, Sài gòn chưa bao giờ là thành phố của tôi. Dù bên kia Cầu Bông, tầng trên tòa nhà Hợp tác xã Nông nghiệp, chú sinh viên trường Luật bụi đời, sau vài tháng nợ tiền ăn ở nhà má Tư, tới chia phòng với một cậu sinh viên Nông Lâm Súc cùng quê. Thả dọc xuống con kênh Thị Nghè đục ngàu, tôi sẽ tới quán cà phê đèn mờ hiu hắt rũ rượi nhạc vàng của một họa sĩ trẻ. Nếu có chút gì sáng láng trong thế giới mờ ảo ấy thì đó là cô em gái của nhà họa sĩ, cô thoải mái gởi quán cho người khách lì đòn với ly cà phê buổi sớm rồi thoải mái xuống chợ chuẩn bị cho buổi cơm trưa. Nhà họa sĩ, thảng gặp, hay ngồi một góc với cuốn tự điển trong tay, không hiểu Hán Việt hay Anh Việt. Trên tường la liệt những bức chân dung tự họa. Một bức vẽ bản mặt ngầu và nắm đấm che một phần má, dứ dứ về phía người xem. Có thể anh ta chỉ muốn biểu lộ thái độ đả đảo cuộc đời khơi khơi, hăm he nhơn loài chung chung vậy thôi, tuy nhiên những bức tranh ấy đã khiến người xem tranh yếu bóng vía là tôi chỉ dám bày tỏ lòng ngưỡng mộ cô gái bằng đôi câu ầu ơ vớ vẩn.

Rồi Sài Gòn của người ta là những ngày tàu cặp bến ngắn ngủi. Để sửa soạn mười ngày lương tươi và ba tháng lương khô cho chuyến đi biển kế. Chiều chiều ngồi lề đường nhắm rượu đế nhơi khô mực, nghêu, nhìn người ta gồng gánh lễ mễ qua đò Thủ Thiêm. Buổi tối đeo theo người thủy thủ già sau chiếc mô by lét ho lao, đổ bộ xuống xóm Bàn Cờ rồi nằm ói vật sau một điếu cần sa. Dù giữa Sài Gòn và tôi chỉ có vậy, tôi với Sài gòn chẳng có gì để phiền hà nhau. Cho nên khi vợ tôi muốn ở Sài gòn vài bữa, tôi rất sẵn lòng.

Hơi đau đầu là buổi sáng theo chân một thi sĩ, bạn vợ, tới Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố, nghe những thi sĩ trẻ đọc thơ phong trào rồi túm tụm ra quán bia. Lại nghe những lời than phiền, rằng nước ta không có những văn nghệ sĩ lớn. Ừ, nghĩ kỹ thì cũng thấy thiêu thiếu: một đất nước có hơn bốn ngàn năm văn hiến, có người quả quyết là năm ngàn năm, triền miên khói lửa vậy vậy mà vẫn không sản sinh được những tác giả lớn, những tác phẩm lớn có tầm cỡ thế giới, ít nhất trong đề tài chiến tranh. Buồn thiệt! Buồn thêm là những lời than phiền này đã cũ rích! Buồn hơn nữa là những đấng hay than vãn lại không ai chịu làm lớn! Vậy nên sợ rằng trong một tương lai gần ta vẫn chưa có được những tác phẩm lớn. Chỉ có những tác phẩm cũ. Chưa có được những nhà văn nhà thơ lớn. Chỉ có những nghệ sĩ già. Một nữ sĩ còn rất trẻ say sưa nói về tác phẩm đầu tay của chị, nghe đâu sẽ là một tiểu thuyết nghìn trang, mà chị tin sẽ là một chấn động kinh hồn trong văn giới. Nghe chị nói tía lia, tôi tin đậm rằng rồi đây, mươi năm nữa, chúng ta sẽ có được một nữ sĩ già. Anh thi sĩ, người từ Mỹ về xứ rồi ở lì, trầm ngâm: “Nếu trụ lại thành phố này, không thiếu đề tài để ông khai thác. Ngay lúc chúng ta ngồi lai rai  đây, tôi nghĩ rằng đầu phố kia có một gã đàn ông đang dẫn con gái mình đi bán trinh!” Tôi đã ăn cắp lý sự vụn của ai đó để đỡ đòn cho Sài Gòn: “Đâu cũng vậy, niềm vui thì rất giới hạn mà nỗi bất hạnh thì không có mức tận cùng ông à.”

Vợ hỏi “Còn người cũ nào trong thành phố này để anh đi thăm không?” Tôi đáp không còn ai! Tôi nói dối! Thiệt ra... Có đó!

Ba

Tôi quen anh ấy từ những ngày đầu đi tù cải tạo.

Khi người ta hăm lăm tuổi, mọi sự đơn giản và rạch ròi. Lịch sử như một con điếm. Nó đã ăn nằm với tôi, và bây giờ nó chung chạ với anh, vậy thôi! Chẳng có gì vinh quang nên chẳng có gì tủi nhục. Những chiến hạm cứ ra khơi, về một nơi nào đó. Bắt tay người đi, tôi ở lại với những bất hạnh dành sẵn cho người bại trận. Giết? Tha? Tôi chẳng cần! Điều quan trọng là tôi chấp nhận cái giá mà tôi phải trả. Tôi vừa nói rất thật và tôi không nghĩ rằng có ai đó lại sỉ vả tôi về sự thật thà này.

Tôi thường tránh kể chuyện trong tù. Chuyện tù khổ nhiều người đã kể. Chuyện tù nhục nhiều người kể hơn. Lại kể quá hay mới kẹt tôi. Không kể lâu ngày thành quên. Có nhớ được thì cũng chuyện nọ xọ chuyện kia, ngược đầu lộn đuôi.  Vì vậy, thời gian tù rạc chỉ còn đọng lại trong tôi những hình ảnh bạn tù thân thiết và những mẩu chuyện lon con về họ.

“Ê, tôi có hũ chao! Tôi muốn ăn cơm chung với ông!” Một cách gây thiện cảm đầy hiệu quả! “Nhòm cái cách ông đánh cờ tướng, cái cách ông nhơi cơm, tôi nghĩ rằng ông chơi được!” Thú thiệt, tới bây giờ tôi vẫn còn thích lời nhận xét của anh ấy ba mươi năm về trước. Vậy là chúng tôi quen nhau. Qua vài lần chuyển trại, số bạn tù cũ chia năm xẻ bảy nhưng chúng tôi vẫn còn chung nhóm. “Từ ngày tốt nghiệp y khoa, tôi chỉ quanh quẩn ở Quân y viện, bây giờ mới thật sự đi... vào nơi gió cát ông ạ!” “Vậy sao ông không nộp mạng ở Sài Gòn mà lò dò về tỉnh lẻ này?” “Theo vợ về quê!” “Lý do chính đáng!”

Anh ấy khéo tay lạ lùng! Miếng thép trong tay một chút sau trở thành lưỡi dao bén ngót. Miếng nhôm trở thành chiếc lược nhỏ xinh xắn. Cây đàn guitar tôi giữ miết mười năm sau tù là anh ấy đẽo đóng cho đấy. Tôi thì nghêu ngao vô tích sự, rảnh rỗi chút lại vòi vĩnh học nhạc lý căn bản từ một anh bạn tù lính biệt phái làm giáo viên âm nhạc ở trường nữ tỉnh tôi. Đúng là vớ vẩn! Luôn cái quần đùi bằng bao cát anh ấy cũng khâu cho tôi đó! “Thôi ông để tôi làm quách cho rồi. Ông cứ lớ ngớ thế thì chốc nữa.. máu me đấy!”

Anh tập hút thuốc lào. Không biết anh mày mò thế nào mà cái bình con sứt vòi biến thành cái ống bát xinh xắn. Lạ lùng một nỗi là anh chơi nửa ngao thì mặt mày đỏ gấc, thở không ra hơi nhưng chị vợ anh vẫn tiếp tế đạn dược đều đặn. Một đứa con bà phước như tôi bỗng có một kho dự trữ thuốc lào phong phú. Thứ thuốc lào ba số tám chánh hiệu mà giữa giờ lao động khổ sai anh nhét cho tôi một bi nhỏ với một thẻo đường tán.

Anh được thả sớm. Tù chừng hai năm mấy. Nghe nói người ta xét theo tiêu chuẩn chuyên viên chuyên gia gì đó, lại ít nợ máu. Tôi bị nhốt hơi lâu, chẳng phải chuyện nợ nần máu me gì, chẳng qua tốt nghiệp ở một quân trường đế quốc, lại có điều kiện vù vọt mà lại không chịu đào tẩu giùm cho, ở lại có lẽ để làm gián điệp. Thiệt phiền hà, thậm chí rắc rối, cho những nhà viết sử và soạn sách giáo khoa chế độ mới, nếu đất nước vắng bóng đế quốc xâm lược và dân tộc chẳng ai chịu làm gián điệp nằm vùng. Lấy gì biện minh cho những “khó khăn nhất thời”? Cả một bộ máy chiến tranh to lớn ấy biết dùng để làm gì? Phải học làm kinh tế à? Kinh tế thì chỉ việc lùa dân đi kinh tế mới là đủ chớ! Nhưng rồi thì tôi cũng về. Chắc hồ sơ điệp vụ của tôi trắng. Cũng có thể người ta đã đi tới kết luận rằng tôi chỉ là tên gián điệp hạng quèn, cần thả ra để nhử, hy vọng thộp cổ được những tay đầu sỏ. Ra tù tôi gặp lại anh ở Mỹ Tho. Anh đang cầy cục chuyển cái hộ khẩu về Sài Gòn. Số là hồi trong trại người ta khuyến khích nên xin về vùng kinh tế mới, hoặc cùng lắm thì về tỉnh lẻ, hồ sơ thả dễ được cứu xét hơn. Anh đã nghe lời xúi dại, bỏ Sài Gòn. Không biết bây giờ ra sao chớ hồi đó chuyển cái hộ khẩu về Sài Gòn khó cỡ con lạc đà chui qua lỗ kim. Vậy mà anh chui lọt!

Về được Sài Gòn, anh rất chịu khó làm ăn. Hẳn nhiên hồi đó người biết chuyện và tháo vác chẳng ai làm ăn trong lãnh vực nhà nước ban phép. Anh đi thuốc tây lậu! Cũng nón tai bèo, cũng dép râu, vai ba lô con cóc, nhìn anh hệt như một tên bộ đội đang đi công tác. Cái giọng Bắc Kỳ sệt giúp anh vượt qua cửa khẩu, xuyên nút chặn một cách dễ dàng. “Mẹ nó, kỹ thuật chế tạo thuốc dỏm của bọn đểu tinh vi lắm, bột mì bột sắn mà biến thành viên Âu dược đàng hoàng. Tớ bác sĩ mà cũng lao đao vì thuốc dỏm.”

Sau những chuyến hàng thuốc tây lậu tôi thường gặp anh. Vừa đi buôn thuốc lậu vừa chữa bệnh lậu, đời anh lên hương. Nhưng cái sự lên hương ấy không ngăn được ý nghĩ vượt biên. Thỉnh thoảng, có lên Sài gòn, tôi thường ghé làm phiền anh một tách cà phê, vài hơi thuốc Samit, ngồi nghe anh toan tính chuyện ra đi. “Tôi chả tin ai cả. Bây giờ thiên hạ tổ chức vù vọt để lường gạt nhiều quá. Nếu giả dụ tụi tôi giao ông vài chục cây để ông tổ chức dưới ấy, ông có dám lãnh không?” “Dư sức! Nhưng tôi đang lo một cú lớn, ông chờ đó tôi móc vào luôn!” Nhờ mấy năm đi biển, nhờ hai chuyến vượt biên không thành, trở về ghe và người còn lành lặn, tôi trở thành đắt hàng. Một đại gia Chợ Lớn cho tôi một cú làm ăn lớn. Họ hợp đồng sao đó để mua một chiếc tàu cũ. Bán chính thức đó! Kế hoạch B gì đó mà! Tôi hí hửng đợi chiếc tàu ấy trở về Sài gòn từ Cam bốt. Đợi ngày sang ngày, tháng qua tháng, cho tới bữa sáng mắt ra rằng đó là một con tàu ma!

Tạo được căn phố mặt tiền, rồi chẳng hiểu tiêu lòn cách nào anh vừa được việc làm ở một bệnh viện công, vừa có giấy phép hành nghề giải phẫu thẩm mỹ ở góc phố ấy.  “Sư nó, nhân dân lao động là hạng bét ông ạ! Vào đây bôm cái ngực xẻ cái cằm toàn là vợ con cán bộ với thành phần buôn chui bán lậu cả! Bây giờ tôi bận rộn quá. Giá mà ông bỏ được cái thành phố chết tiệt của ông đi, lên đây chạy thuốc chui cho tôi thì đời ông cũng khá.” Thú thật nghe tiền thì mê nhưng tôi không hạp với Sài Gòn. Không hiểu sao từ những ngày xưa, giữa nhịp sống tất bật của người Sài gòn, tôi thấy mình quê mùa, bơ vơ lạ! Trên đường phố, và sau này cả trên đường đời, tôi đều bị vượt qua mặt, bỏ lại phía sau.

Nhưng sự nghiệp anh cũng có lúc lao đao. Không lâu sau đó anh vướng vào một vụ tranh chấp làm ăn sao đó mém thân bại danh liệt. Báo Công An Sài Gòn đăng tin anh chữa bệnh chết người. Hình anh lên trang Những Gương Mặt Mốc và bị tước bằng hành nghề. Vậy mà rồi anh thoát! “Xã hội nào cũng vây ông ạ. Cứ có tí tiền thì giải quyết được tất!” Đời anh lại lên hương. Trong lúc người ta vẫn còn hoài nghi và hoàn toàn có đủ lý do để hoài nghi khả năng của những anh thày thuốc vừa mới ở rừng ra thì phòng mạch anh phát đạt là phải. “Tôi chữa bệnh thì ít, làm đẹp cho thiên hạ thì nhiều! Thiên hạ chịu làm đẹp lắm ông ạ, toàn là vợ con cán bộ gộc với giới con buôn. Tôi không hiểu họ đào đâu ra tiền lắm thế”. Có ngày anh kiếm vài trăm đô! “Ông có cần gì thì bảo nhá!”. Tiền bạc thì ai mà không cần? Tôi còn cần hơn ai hết bởi tôi nghèo. Nhưng người ta không hỏi nợ bởi chỉ vì nghèo. Người ta chỉ hỏi khi bị kẹt.

Rồi thì có lúc tôi kẹt cứng! Đó là thời gian tôi nằm chờ đi Mỹ. Thiệt di chí di nan! Công ăn chuyện làm bết bát lắm, đói tới nơi. Mà cũng chẳng còn tâm ý đâu để làm lụng nữa. Khám sức khỏe, không thấy có sức khỏe! Mình mẩy in hình bát biến lang ben, phổi in hình đồng bạc cắc! Lúc ngặt, tôi thầm đội ơn anh có lúc đã he hé con đường máu cho tôi.

Nghĩ lại, tôi chậm lớn: hơn bốn mươi tuổi mà chưa có được cái cảm giác ngượng ngùng khi đi hỏi nợ. Cứ nhơn nhơn như người ta móc tiền từ trong bóp mình! Đừng trách tôi nếu lúc ấy tôi có đủ cơ sở lý luận để tin rằng mình đáng được giúp đỡ. Tình bạn có được ở những lúc nguy khốn nhất đời không đủ bảo kê sao? Ư, có thể trách tôi rằng tính tôi bộp chộp, ruột để ngoài da, cứ quen biết thôi cũng ôm bừa gọi là bạn, thì sự quen biết hơn mười lăm năm chưa đủ để tôi đặt niềm tin sao? Chả phải tôi đang rớt mồng tơi, sắp chết hụt đến nơi mà anh thì của ăn của liệng sao? Tôi đang cần tiền. Ít ra cũng đủ sống cho đến ngày cắp đít lên máy bay. Đó là chưa tính tiền đút lót dọc đường. Nhưng không lo, chẳng phải là ai đi Mỹ rồi cũng ăn nên làm ra, anh có thể an tâm về chuyện bồi hoàn sao? Áo gấm ai đi quỵt nợ bao giờ? Và trên hết, chẳng phải một hôm cao hứng anh đã hé cho tôi một chút ánh sáng sinh lộ rồi sao? “Ông có cần gì thì bảo nhá!”. Tôi nhớ.

Anh cũng thoải mái buổi cà phê chiều hôm đó. “Ông cần bao nhiêu? Bốn khâu hả? Có nghi vấn về phổi hả? Chúng làm khó, bắt ông ở lại thêm năm bảy tháng để uống thuốc thì... Hai trăm đô hả? Được thôi, để tôi nói lại bà xã.”

Tôi cao hứng đến đỗi quên là chiều hôm đó mình đã vượt hơn bảy mươi cây số mà chưa nhét gì vào bụng. Buổi tối, người tớ gái, tôi đoán, ném sớm cho tôi chiếc gối trong căn phòng khách thênh thang, khác với lệ thường những tối tôi ghé chơi, hay ngồi với anh ngoài hàng hiên, nói vớ vẩn chuyện gì đó hồi trong trại cải tạo, nhìn dòng người tất tả ngược xuôi qua dốc cầu Trương Minh Giảng. Nhưng tôi không thắc mắc về điều đó. Tôi bận tâm về những món lặt vặt mà anh bày trí trên tường. Một bức tượng nhỏ. Đôi cổ kiếm mà tôi không biết là kiếm thật hay bản sao của một võ quan nào đó. Có thể là kiếm thật lắm! Sài Gòn hồi đó đã manh nha mốt chơi đồ cổ của các đại gia.

Buổi sáng tôi thức dậy sớm để kịp chuyến xe sớm về quê. Chờ hoài không thấy anh, tôi lần mò xuống lầu. Tôi gặp chị ấy dưới gian bếp. Chị đang sửa soạn cho buổi ăn sáng, có lẽ. Anh chị không con cái. “Tôi biết đó là lỗi ở tôi. Không con cái cũng buồn, làm lụng miết lúc già chết không biết để lại cho ai, ông ạ.” Có lần anh nói với tôi vậy, tôi cười: “Cái đáng buồn hơn là con cái đàn đống mà lúc chết đi chẳng có chi để lại.” Chị đang xắt hành. Cái giò heo nằm chỏng gọng trên thớt và mùi thơm từ nồi nước lèo đang sôi sùng sục. Chưa bao giờ, trừ những ngày ở trại tù, một món ăn, chốc nữa đây là bánh canh, có sức lôi cuốn tôi mãnh liệt đến vậy. “Anh thức dậy chưa chị? Có lẽ hơi sớm...” “Không anh ấy đến bệnh viện rồi!” Mí mắt tôi giật giật. Có lẽ có điều gì bất ổn đây rồi! “Hôm qua tôi có hỏi anh ấy...” “Vâng, tôi có nghe anh ấy nói lại. Anh ấy tới bệnh viện rồi, vừa gọi điện về bảo tôi nhắn anh là để giữ tình bạn cho được tốt đẹp như xưa nay thì không nên vướng vào chuyện tiền bạc. Cho bè bạn mượn tiền thì mất tiền và mất cả bạn. Anh cũng hiểu là anh ấy rất quý anh“

Bốn

Nhớ hồi mấy năm đầu trung học, tôi khoái sưu tầm những lời lẽ mà người ta cho là lời hay ý đẹp. Lời Hay Ý Đẹp, hay Hoa Thơm Cỏ Lạ, hay Danh Ngôn, là các câu chữ được vinh dự trám vào những ô trống mà nhà báo không thể để tênh hênh ra đó. Sau này tôi mới biết bài học tôi vừa học được năm bốn mươi hai tuổi đó, cũng là một thứ lời hay ý đẹp, đã vô phúc không nằm trong bộ sưu tập danh ngôn đồ sộ của tôi. Chính sự thiếu sót trầm trọng này đã biến tôi thành một đứa không biết chuyện và không biết điều. Cảm giác đắng cay và nhục nhã trong buổi sáng Sài Gòn mưa mờ ấy theo tôi suốt chuyến xe lam góc đường Cô Giang- Trương Minh Giảng đến Xa cảng Miền Tây. Suốt cả trên chuyến xe đò xộc xệch về tới Mỹ Tho. Và lạ lùng thay, theo suốt tôi những năm xa xứ. Cho tới tận bây giờ!

Tuy nhiên thật tội cho tôi nếu ai đó nghĩ rằng tính tôi hèn mọn, lòng tôi nhỏ nhen, ghét dai, hờn vặt. Chuyện nhỏ thôi mà! Chuyện thường thôi mà! Tôi từng bắt gặp gương mặt áo não của má tôi sau những hôm chạy vạy vô vọng chỉ để tôi có được tấm áo lành ngày Tết, cuốn tập cây viết mới trong ngày tựu trường. Tôi từng quen với sự cụt hứng. Những cái hụt chân. Những cú té đau. Điều làm cho tôi xấu hổ hết cỡ chính là sự thiếu sót trầm trọng trong trải nghiệm và phương cách xử thế của mình. Bài học ấy quá muộn màng và vào lúc không ngờ nhất. Tôi tức giận mình và tự sỉ vả sự non kém của mình. Bây giờ tôi có thể hình dung ra sự lớ ngớ tội nghiệp của mình trước cô giáo  ấy. Trên đường về, lúc nhúc con buôn và hàng lậu nhét chật dưới gầm băng ghế, tôi ngồi xếp chân, hai tay che đùi, co ro, cố giấu bớt phần ống quần bị bung chỉ lúc nhảy gấp lên xe.

Lỗi tại tôi! Tôi thường nghĩ về tính mong manh của mọi sự trong cuộc đời mong manh này. Nhưng sự mong manh của những mối dây liên hệ giữa con người thì như thế nào? Đâu là biên giới mong manh? Lỗi tại tôi đã vượt qua cái biên giới mơ hồ đó, xâm nhập vào vùng cấm địa của người khác! Nhưng cái vòng cấm địa kia chỉ gói tròn mớ tiền bạc thôi sao? Đâu phải vậy! Có bao lần tôi đã vô ý vô tứ làm đứt những mối dây liên hệ, những thân tình vì một cữ chỉ sỗ sàng, một lời nói vui quá trớn, vì một góp ý quá nhiệt tình? Ở mỗi con người, vùng cấm địa của họ rộng bao và đâu là cái ranh giới mong manh đó? Làm sao tôi biết lúc nào thì nước sẽ tràn ly? Lỗi tại tôi!

Nhưng trên hết, tôi hoảng hốt vì mình đã đánh mất đi cái mà người ta hay gọi là niềm tin vào cuộc đời, vào con người. Tôi không tin rằng có những con người sẽ đứng cạnh tôi trong những lúc ngặt nghèo. Tôi e dè khi phải bộc bạch tâm tư mình. Sợ không ai chia xẻ. Hoặc tệ hại hơn, sợ người khác cười nhạo hoặc chỉ giáo mình. Tôi không dám nhờ vả ai. Sợ người khác nghĩ mình không biết chuyện và chẳng biết điều.  Càng đáng sợ hơn nữa khi tôi vẫn yên tâm khi nghe một người quen lâu phát biểu: “Bạn bè thì gặp nhau vui chơi cưới hỏi sinh nhật vậy thôi chứ rồi thì mạnh thân ai nấy lo chứ, ai mà chia sẻ được cho ai!” Nếu vậy thì cuộc đời này buồn quá hở thế gian? Đáng sợ nhất là từ đó tôi lại đi xa hơn, buồn bã hơn khi chỉ thấy người ta gặp gỡ nhau chỉ vì nhan sắc, địa vị, tiền tài... Tôi quên đi mặt kia đẹp đẽ của cuộc đời. Tôi quên rằng cuộc đời có những con người hào hiệp giống y trong những câu chuyện tôi được đọc hồi nhỏ. Nhưng tất cả những điều ấy là do lỗi ở tôi. Nhiều khi tôi đi quá xa, lỡ trớn, lạc đường.

Lỡ trớn lạc đường hết cỡ, tới đỗi tôi thiếu điều chết hụt trong chuyện văn chương. Số là thỉnh thoảng tôi cũng đọc như ai! Và hay để ý đến một số bài mà tôi liệt vào hàng văn chương trích dẫn hoặc văn chương chú thích. Trong những bài này các tác giả hay trích dẫn lắm! Chẳng qua chỉ để kéo người nọ người kia, người xưa người nay, vào hàng ngũ của mình. Không ít những ý tưởng lăng nhăng được củng cố bằng những ý tưởng lèng nhèng khác, của những người khác đã thành danh về những chuyện khác. Nếu những người đọc khác bình chân như vại thì sự việc lại nguy hiểm cho tôi! Vì tôi nhẹ dạ. Lại có óc bè phái. Đọc, thấy hay hay thì phục. Nghe thấy đông đông thì theo. Đến một lúc nào đó mới bật ngửa vì sự nhẹ dạ dễ tin của mình. Đã có lúc tôi xuýt xoa tán thưởng sự đúng đắn của bài học mà người phụ nữ ấy dạy cho tôi. Thán phục trải nghiệm sáng giá mà vợ chồng anh ấy muốn truyền đạt lại cho mình. Bài học khiến tôi trưởng thành hơn, nghĩa là biết ngượng ngùng, biết dừng lại khi phải cầu cạnh ai đó điều gì. Cho đến lúc tôi trở lại với niềm tin về con người và cuộc sống. Cái câu danh ngôn mà vợ chồng người quen tôi trích dẫn ra kia tôi mong rằng chỉ là một cái cớ để ngoảnh mặt làm lơ chớ không phải là một niềm tin thiệt sự. Nếu đó là một cái cớ, sự việc chỉ  đáng buồn. Nếu đó là một niềm tin để sống cùng, đó thiệt là điều thê thảm. Nhiều hoa thơm cỏ lạ đáng chán lắm!

Bây giờ, dù chuyện áo cơm chưa hết lao đao, tôi không còn thèm một tô bánh canh giò heo tới đỗi chết được như trong buổi sớm mù mưa Sài Gòn năm ấy. Bây giờ anh vẫn còn đó, có lẽ đời lên hương hơn năm mười lần. Chương trình TV thỉnh thoảng ngưng lại để phát hình quảng cáo. TV bên ta bây giờ cũng quảng cáo thương mại dữ lắm. Hồi đó sản phẩm dịch vụ gì cũng nằm trong tay nhà nước, mà cái gì từ nhà nước ta ra đều tốt đẹp, không cần phô trương. Bây giờ tư nhân nhảy ra làm ăn tùm lum, vàng cám lẫn lộn, vậy mới cần quảng cáo. Anh đã lấn sang lĩnh vực bào chế sản xuất kem dưỡng da, thuốc trị mặt, trị tàn nhang vết nám và trăm thứ lỉnh kỉnh khác...  Số điện thoại anh đó! Địa chỉ cơ sở anh đó! Kêu tắc xi, một loáng sau là tôi có thể gặp anh.

Để làm gì đây? Để nhắc nhau rằng trong những ngày tháng cũ, tôi mới hăm lăm, mọi chuyện đơn sơ và dễ ợt, cho dù đó là chuyện chết chóc tù đày? Để nhắc lại cái vị bùi bùi của nhúm rau muống luộc chấm chao sáng đó? Để nhắc lại những trưa  nắng chang chang, bụng đói rã trong vườn sắn mênh mông? Để nhắc lại con lụt về qua trại tù ngày đó, mỗi tù nhân nằm co ro trên một gò đất ẩm như nằm chờ phần số trên nấm mộ của mình? Để nhắc lại tiếng cú rúc rợn da, tiếng súng nổ chát tai đêm lán bên bạn tù vượt trại? Để nhắc lại khóm hoa forget- me- not ngày ấy, những nhánh hoa nhà quê tôi bẻ trộm trên đường đi lao động, cắm vu vơ dưới bãi bùn trước lán tù, chẳng bao lâu trở thành lùm nên bụi? Để nhắc chuyện lúc đã ra tù, hôm đi câu ở miệt vườn Mỹ Phong anh đã nhường hết phần cá bóng dừa cho tôi? Để... Chỉ để cùng nhau nhai lại những điều có thể anh sẽ cho là ấm ớ đó à?

Nếu lòng tôi thanh thản để ghé lại thăm anh thì sự thăm viếng ấy sẽ để lại cho anh sự bằng an? Không chắc! Vậy thì tại sao tôi lại tàn bạo tới mức gợi lại trong anh nỗi bứt rứt, rằng, có một lần, do một nguyên do nào đó không biết, anh đã đóng sập cửa trước một đứa ốm đói khốn khó là tôi? Nếu anh nghĩ rằng sự thể là do lỗi của tôi đã vượt qua cái ranh giới mong manh của sự liên hệ thì tốt. Nhưng giả anh lại tự trách thì sao? Tôi không đành lòng! Nghĩ vậy, thôi thà đừng gặp! Tại sao tôi lại đưa bạn mình, một lần nữa, vào một tình huống khó xử chớ? Thấy chưa, tôi vẫn còn láu táu như hồi nào, nhiều khi cứ quen nhau thì ôm bừa gọi bạn.

Sài Gòn ngày ấy đã hẳn không phải của tôi. Dù tôi đã có với Sài Gòn những buổi trưa trong giảng đường hũ nút. Bên ngoài là bích chương biểu ngữ tranh đấu tá lả, xuống đường cực lực. Dù tôi đã nằm vùi với Sài Gòn trên căn gác muỗi đói vần vũ. mùi cống rãnh nồng nặc xông lên từ phía dưới. Dù tôi đã ngồi chè chén bù khú với Sài gòn những chiều tàu ghé bến. Dù tôi đã ăn nằm dật dựa với Sài gòn những hôm chờ xuất cảnh. Sài Gòn ngày ấy là của người khác. Sài Gòn bây giờ lại càng thuộc về người ta. Trong tôi Sài Gòn gởi gắm hơi lâu mùi thơm tô bánh canh giò heo trong buổi sớm mù mưa hôm đó và dư vị đắng cay của bài học xử thế muộn màng.

Năm

Ngồi trong cà phê Paris ngó xuống một góc Sài Gòn. Cô bạn vợ mở quán, làm ăn khấm khá. Góc bên kia là cà phê Highland, nơi sáng qua tôi gặp những nghệ sĩ vỉa hè. Họ tự đặt và gọi nhau vui như vậy. Ở Sài Gòn, hay ở bất cứ một thành phố nào khác, loại quán nói lên thành phần, đẳng cấp của người lui tới. Và, chết tôi chưa, có người cho rằng chúng nói lên cả phẩm chất khách hàng nữa! Nếu tôi không lầm thì người trong nước có vẻ chuộng những quán có tên Tây. Cũng như người bên đây ủng hộ những cái tên Hoa Lý, Đất Mũi, Cây Ổi, Hương Tràm...

Dĩ nhiên tôi không nói với vợ tôi rằng tôi ghé lại Sài Gòn vì nàng. “Nhớ lại xem... Thật là... không có ai ở đây để anh đi thăm à?” Vợ tôi lại hỏi. Tôi gật: “Ừ, không có thiệt mà!” Tới một thành phố mà không có ai để ghé thăm thì chán thiệt! Sài Gòn đáng chán thiệt chớ ta!

Nguyên Nhi