SỐ 18 - THÁNG 4 NĂM 2003

 

Thư tòa soạn

Thơ

Thấy mơ hồ một chiến hạm ra khơi
Nguyên Nhi
Gió tháng ba
Vũ Hoàng Thư
Thử hỏi
Nguyễn Toàn Vẹn
Tơ hoàng hôn
Sông Kiên
Đêm địa đàng
Huỳnh Kim Khanh
Những đóa hoa cờ
Tóc Tím
Những mẩu rời
Trần Quang Phước
Đã tàn rồi dấu binh lửa
Ngọc Trân
Tình đầu
Mắc Cạn
Thơ gởi Tuyết
Ngô Minh Hằng
Bốn mùa
Song Châu Diễm Ngọc Nhân
Thế hệ 75
Hoàng Mai Phi
Giấc mơ hoa
Tân Văn

Truyện ngắn, tùy bút

Người tù chăn bò ở Gia Trung
Phan Thái Yên
Xuân đã gần hay ở xa
Vũ Hoàng Thư
Người lính
Phạm Hồng Ân
Hai hòn
Nguyên Nhi
Đi trong mây
T.H.
Tân Tây du ký
Phong Nhĩ Dị Nhân
Những người còn ở lại
Cỏ Biển
Cô đơn
Hoàng Quốc Việt
Chùm hoa dại
Hoàng Mai Phi
Lá thư không gởi - Kỳ 5
Trương Thanh Diễm Thùy - Bảo Lộc
Cửa sổ tâm hồn
Trần Phương
Một thoáng ngoài kia
Ảnh: Ngô Văn Sơn
Thơ: Vũ Hoàng Thư
Mắm suốt Hà Liên
Trương Thanh Diễm Thùy - Bảo Lộc
My childhood moment
Long Nguyen

Biên Khảo

Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 5
Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Thằng Nèm
Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 12
Huỳnh Kim Khanh


 

Chùm hoa dại

 

Tiếng của bác tài xế vang lên trong tiếng gió và tiếng máy xe dập dồn, báo trước cho đám sinh viên biết rằng xe đang rẽ vào địa điểm công tác. Không bảo nhau Minh cùng một số bạn chồm người lên quan sát cảnh vật xuyên qua cửa sổ, trong khi chiếc xe buýt già nua ì ạch lắc lư trên con đường đất dẫn đến khu vực công tác. Rồi trong những tuần kế tiếp đây, Minh và cả lớp phải đối diện cùng cỏ cây, rừng tranh, cuốc xẻng, khoai mì và còn nhiều nửa. Hai tiếng "lao động" được áp đặt lên mọi ngành nghề và mọi tầng lớp trong xã hội sau ngày thành phố bị đổi tên. Khu vực công tác cách quốc lộ không xa, Minh và bạn hữu được đổ xuống một thị xã nhỏ trong phạm vi của tỉnh Long Thành. Xa xa núi Bà Rịa trong tầm mắt sừng sững trong nắng hạ chói chang, gió cuốn từng cơn mang theo mùi đất, lùa cỏ tranh nghiêng ngả xào xạc. Bỏ lại sau lưng tiếng gọi nhau ơi ới của đám sinh viên đang sửa soạn dỡ hàng hóa và hành lý, Minh khoác lên vai chiếc ba lô cũ kỹ mà cha chàng đã để lại sau ngày trình diện về miền địa ngục trần gian, oằn oại trong các trại cải tạo. Hành trang của chàng chỉ bấy nhiêu. Kéo chiếc mủ lưỡi trai màu lá rừng che ngang tầm mắt, đưa tay thắt nhẹ dây đeo ba lô, chàng rảo bước về dãy nhà gạch xiêu vẹo trước mặt. Nếu không có đám sinh viên chung quanh, người dân có thể nhầm lẫn trước cách ăn mặc của chàng. Minh vận trên người bộ quân phục màu lá rừng của người lính Cộng Hòa cùng chiếc ba lô cũ, quân hàm và phù hiệu đã được tháo gỡ . Những thứ này từ lâu cha chàng đã xếp vào một góc từ khi thuyên chuyển về Saigon. Sau ngày thành phố bị đổi tên, chàng đã cố giữ lại và cất giấu trên trần nhà, điều này làm mẹ chàng lo lắng không ít. Để tránh ngộ nhận đáng tiếc, chàng đành để lại đôi giầy trận và thay thế bằng đôi giầy Bata cũ mèm.

Một phụ nữ vào khoảng trung tuần trên con đường mòn với gánh khoai mì nặng trĩu trên vai, đã dừng chân và nhìn chàng trân trân. Xuyên qua ánh mắt Minh nhận ra sự ngạc nhiên tột độ của bà tạ Nghiêng nón và nhẹ gật đầu chào người phụ nữ khi chàng tiến ngang mặt.

- Mấy anh.....?

Người phụ nữ nói trong ngỡ ngàng

- Tụi tôi là sinh viên trường y tá lên đây công tác.

Minh đáp chậm rãi.

- Mà sao bận đồ như lính ngụy vậy?

Người phụ nữ thắc mắc

- Dạ ! Mấy cái này để chịu trận.
- Hèn... chi! Vậy mà tui tưởng!

Người phụ nữ dứt ngang và rảo bước, cây đòn gánh nhịp nhàng theo từng bước nặng nhọc, dần khuất dạng trên con đường đất dẫn vào làng. Minh đứng nhìn theo, mà lòng bùi ngùi, có lẻ chồng bà ta đã có lần mặc quân phục nên ngỡ ngàng như gặp lại cố nhân. Trên gương mặt sạm nắng của người phụ nữ , chàng vẫn còn nhận ra phảng phất những nét đài trang. Dòng đời sao quá nghiệt ngã, có thể đưa đẩy biến dạng con người đến mức như vậy. Đưa mắt nhìn quanh và thở dài; người dân trong vùng không được sung túc lắm. Ngôi giáo đường loang lổ đổ nát, mái ngói đã xiêu vẹo vây quanh bởi hàng cỏ tranh không trật tự, cây thánh giá trơ trọi hiền hòa nhìn xuống con đường đất, cố ban phước lành cho những ai còn lòng tín ngưỡng. Giao tranh có lẽ đã xảy ra nơi đây, Minh thầm nghỉ, khi mắt chàng bắt gặp dây lưng mang đạn màu lá rừng vất vưởng trong đám cỏ tranh, mưa gió và bùn đất đã làm nó tàn phai, tả tơi sau hai mùa nắng mưa. Một thoáng ưu tư trong trí, câu hát "Hỡi người chiến sĩ đã để lại cái nón sắt bên bờ lau sậy này" [1] bỗng dưng đi vào lòng trong não nùng chua xót. Lác đác đám trẻ con lam lũ , khoác trên vai từng bó củi, những kiện hàng hóa gần bằng trọng lượng của chúng, đang rảo bước lặng lẽ, đôi mắt lấm lét nhìn chàng. Sao đời quá bất công! vào thuở ấy chàng đã từng được tung tăng trên cánh đồng nơi quê ngoại để đuổi chim, bắt dế, hái hoa hoặc trèo cây bưởi, cây ổi và nhấm nháp đậu phọng luộc ấm áp nơi quê nội. Giờ đây, từng tuổi ấy, đám trẻ con đã phải vất vả giúp gia đình vật lộn với miếng ăn, kháng chiến chống cơn dày vò của cái đói. Một thoáng suy tư. Vùng kinh tế mới như vậy sao? . Lòng chàng chùng xuống, bâng khuâng một thoáng buồn. Người ấy bây giờ ra sao? Qua tin tức của bạn bè, Ngọc Thu đã theo gia đình về miền kinh tế mới và biền biệt tăm. Nhẩm tính từ ngày cuối cùng của bậc trung học, hai đứa chia tay trước cổng trường đến nay đã tròn hai mùa mưa nắng. Hoa phượng đã hai lần khoe sắc mà người vẫn biền biệt tăm. Ngày ấy Minh chỉ biết đứng lặng ôm sách vở nhìn người thương xa dần trên con đường đầy lá me bay, chàng bất lực trước dòng đời nghiệt ngã, đành gói trọn niềm vấn vương, nhìn hàng me khép bóng người bạn gái thướt tha trong tà áo dài trắng, từng bước xa dần trong lúc cây phượng trước cổng trường khoe sắc hồng trong nắng hè. Câu "thân gái dậm trường" sao quá chua chát. Mái tóc thề và tà áo dài trắng nay về đâu? . Xa xôi phương trời, buồn vui ai biết, có ai hiểu cho lòng mình.

Cúi đầu dấu niềm xúc động, và lắc đầu xua đuổi dòng tư tưởng, Minh lặng lẽ bước đều về dãy nhà xiêu vẹo

- Giời ơi! Cũng mày! Mới đổ quân mà tính chuyện làm ăn rồi!

Sơn bước theo sau và bông đùa.

- Bậy bạ cha nội, có mày tươm tướp thì có.

Minh trả lời trước nụ cười hỏm hỉnh dấu sau cặp kính cận dày cộm của Sơn.

- Bà ta lớn tuổi rồi làm ơn đàng hoàng giùm cha nội

Minh tiếp.

- He he...! Già không bỏ nhỏ không tha chắc là mày quá.. hehe!!

Sơn vẫn lè nhè chọc ghẹo

- Gặp tao! .. Chứ thằng khác là mày tàn đời trong ngõ hẻm rồi đó.

Minh trả đũa

- Eh.. Sao dám phạm thượng đến sĩ quan cấp tá, mày quên là mày mới cấp úy thôi nhá.
- Ha ha. Sĩ quan cấp úy mới hào hoa chứ! Người ta thường hay nói "ông tá ", mà đã là ông thì già cúp thùng thiết rồi.

Đôi bạn cười lớn đắc chí, Sơn và chàng là những thanh niên chập chững vào đời trong cay đắng, một khi xã hội mới, từ ngày đổi đời không chấp nhận cái quá khứ kiêu hùng của cha. Chàng và Sơn thường sử dụng cấp bậc của cha để trao đổi và xưng hô riêng khi không có người khác gần bên. Khoảnh khắc trò chuyện, Minh và Sơn đứng trước dãy nhà gạch, đây đó vài vết đạn bắn sẻ đục khoét loang lổ vách tường. Nhìn vào bên trong một mùi ẩm mốc tối tăm. Minh tiến lên trước bước thẳng đến cửa sổ tìm cách mở toang để đón nắng, khai thông u tối. Nhìn quanh một vòng, chàng tháo ba lô và ngồi bẹp xuống góc nhà, chậm rãi hớp một ngụm nước lạnh giải khát, hai tay gác lên gối và đong đưa chiếc bi đông nước. Sơn tần ngần.

- Mày làm như lính thật vậy? Xời ơi!

Một thoáng suy tư trong đầu, câu nói của Sơn khiến chàng miên man. Giờ này nếu thành phố chưa đổi tên thì chàng cũng như bao thanh niên khác đã khoác trên người bộ quân phục màu lá rừng, đầu nặng trĩu với chiếc nón sắt và có lẻ đang chui rúc trong hố cá nhân để tránh đạn pháo kích hay đang lặn lội trong sình lầy hành quân ở một vùng nào đó trên quê hương. Và cũng có thể đang gầm thét xé trời bay trong lằn đạn phòng không hay đang cầm lái chiến đỉnh lướt sóng khai thông sông rạch đối diện với những trái mìn nổi cùng những loạt đạn bắn sẻ .

- Hai thằng bây đi ngỏ nào mà vô đây sớm vậy?

Tiếng Văn vọng vào từ cửa

- Eh! Bọn tao con nhà vỏ , nên đổ quân xong là tiến chiếm mục tiêu, đâu phải như bọn tiểu tư sản tụi mày..!

Sơn trả lời cùng một tràng cười hả hê

- Phụ tụi tao một tay khiêng đồ vào đây, xạo hoài cha nội!

Sau khi phân công và vị trí, chàng và Sơn trấn đóng gần cửa sổ trong góc nhà, đôi bạn chia nhau một khoảng đất rộng bằng diện tích của chiếc poncho mà Sơn mang theo. Đa số vật dụng cá nhân của chàng và Sơn là quân trang quân dụng của người lính Cộng Hòa nên tạo cho đôi bạn một cách biệt trong đám sinh viên. Trong khi cả lớp dọn dẹp lo liệu chỗ ngủ cho tiện nghi thì chàng và Sơn ngả lưng trên poncho, đầu tựa vào ba lô tìm giấc ngủ vội.

Cơn nắng hạ oi ả đã dịu bớt, khi mặt trời xế bóng, vì là ngày đầu tiên nên cả bọn được thảnh thơi, thoáng thấy Sơn ngồi dậy lấy giấy viết kê trên ba lô bắt đầu biên thư cho người bạn gái chàng buông câu thòng trêu ghẹo và hát nho nhỏ .

- Eh..Mày viết, "Thư của anh, ba lô làm bằng, nên nét chữ không ngay" he.he. (2)
- Uhmm. hay là..

Sơn bực dọc ngắt lời.

- Lại cũng mày!! Mai mốt tới phiên mày, mày sẽ biết!
- Tao thì "từ lúc đưa em về, là biết xa nghìn trùng" (3) rồi, khỏi thắc mắc.

Minh trả lời thản nhiên

- Sao à! Thế còn Ngọc S. mày để đâu? Tao nghi cái mặt mày quá!
- Suỵt! Đừng la lớn cha nội!

Không muốn làm phiền người bạn, Minh bước ra ngoài di dạo quanh khu vực. Con đường đất dẫn vào làng đong đầy cát bụi, loang lổ những vũng nước đọng xám xịt, cỏ tranh hai bên đường xào xạc theo gió chiều. Người dân khai phá một vài nơi để trồng trọt, đa số là khoai mì.

Dừng chân trước căn nhà lá, hai đứa trẻ mừng rỡ reo lên.

- Ah! cái anh hồi trưa!

Nở nụ cười, nheo mắt cùng hai đứa trẻ, và ngồi xổm trò chuyện. Lòng thấy nao nao khi chàng nhận thấy hai đứa trẻ đang cầm trong tay chén khoai mì, và chàng được chúng thỏ thẻ bảo rằng đó là bữa ăn chiều của chúng. Tuổi thơ sao sớm cơ cực? Những bài học về dinh dưỡng, sinh hóa, và còn nhiều nữa về y học mà chàng và bạn hữu học ở trường để làm gì khi những đứa trẻ , nòng cốt của đất nước trong tương lai, bắt đầu cuộc đời của chúng trong chén khoai mì.

Có tiếng gọi của người đứng tuổi trong nhà vọng ra, Minh giở nón chào người đàn bà tóc bạc đang tiến về ngỏ . Hai đứa trẻ đã lanh lẹ giới thiệu thay cho chàng, nhưng nét âu lo thoáng hiện trên gương mặt người đàn bà.

- Mấy em vô nhà ăn cơm đi!

Minh đáp nhưng lòng chua xót, vì chỉ có khoai mì, không còn cơm.

Rẽ sang con đường đất dẫn đến khu vực canh tác mà trường đã quy định. Hai hàng tranh cao vút ngang vai đong đưa trong gió, đất đã cày xới dang dở, từng luống khoai mì chạy dài hun hút. Ngả lưng trên bãi cỏ tranh nhìn về núi Bà Rịa, mà dòng tư tưởng chạy dài theo thời gian, mùi cỏ tranh kéo chàng về miền cao nguyên. Ngày ấy theo cha thuyên chuyển về tây nguyên, nơi "phố núi cao, phố núi đầy sương", chàng đã có dịp làm quen với núi rừng.Tuổi thơ bao giờ cũng hồn nhiên, chàng nhớ đến những lúc tung tăng trong rừng chiều cùng bé Hiền; đứa con gái của bác tài xế. Ngây thơ, chàng và Hiền xây nhà bằng lá rừng, và Hiền thường hái hoa dại trong rừng về treo quanh. Khi chiều xuống, chàng thường rủ Hiền hái hoa giấy leo quanh nhà, trèo lên bệ thả bay trong gió và gọi đó là "hoa dù" như người xướng ngôn viên trên đài phát thanh, ngây thơ tưởng tượng hình ảnh người lính mũ đỏ lao mình vào không trung. Đưa tay, tước cọng cỏ tranh gần bên, bứng cọng rể tranh trắng muốt đưa lên miệng nhai. Vị ngọt lợ của rể tranh chạy dài xuống cổ mà nghe chừng như chua chát, cay đắng. Chính Hiền đã dạy chàng biết thưởng thức vị ngọt của rể tranh và chính Hiền đã vỗ về an ủi chàng sau những trận đòn nên thân. Bất chợt chàng nghe nặng đôi bờ mi, nhắm mắt để nghe dòng tư tưởng chạy dài theo những giọt long lanh. Tuổi thơ đã bị chôn vùi cùng bôn ba với bao năm binh lửa, để cuối cùng đành trôi theo vận nước, lưu lại trong lòng những tan vỡ, mất mát, thất vọng. Gia đình bác tài xế đã biệt tăm sau ngày di tản khỏi cao nguyên, đánh dấu những oan nghiệt của ngày cuối tháng tư.

Tỉnh giấc, khi chiều xuống, Minh lặng lẽ trở về dãy nhà gạch. Tiếng cười nói của đám sinh viên kéo chàng về thực tại. Khi cách dãy nhà gạch khoảng hơn mươi thước, có người gọi chàng.

- Eh! Đi đâu đó?

Dáng Mẩn từ giếng nước rảo bước về hướng về chàng.

- Gì vậy mậy?
- Mày ra đây, tao có chuyện!
- Cái gì mà coi bộ quan trọng vậy cha nội?
- Ăn cơm xong tao và mày ra đường nhựa chơi.

Nhận lời Mẩn, chàng dọn dẹp dồ dùng nhanh nhẹn sau buổi cơm chiều, vỏn vẹn chỉ có chiếc gà mên của quân đội, bạn bè trầm trồ trước công dụng vừa gọn vừa nhẹ vừa đa dạng. Chàng và Mẩn thả bộ ra quốc lộ, trên đường Mẩn mời chàng điếu thuốc lá nhưng chàng lắc đầu.

- Làm bộ hoài, làm một điếu với tao đi!

Mẩn thúc giục

- Làm thì làm. Mày tính chuyện gì mà giở trò dụ dỗ tao vậy?

Con quốc lộ trời về chiều vắng ngắt không xe qua lại, lác đác dân chúng kéo về nhà sau một ngày mệt nhọc trong việc đồng áng. Mẩn và chàng ngả người trên đường, mặt nhựa về chiều vẫn còn ấm sau một ngày hấp thụ cái nắng oi ả chói chang ban trưa. Thả khói lên trời vài hơi Mẩn bắt đầu câu chuyện.

- Tao thấy mày để ý Ngọc S. phải không?
- Uh. Tao thấy Ngọc S dễ thương nên muốn tiến tới.
- Mày có nói gì với Ngọc S. chưa?.
- Chưa có gì hết, chỉ mới làm quen thôi. Bộ mày có ý đồ hay sao đây? Nói ra đi cha nội, úp mở hoài!
- Mày thông minh! Tao phục.

Mẩn đáp kèm theo một cú đấm nhẹ vào vai chàng.

- Sao đây? nói lẹ đi!

Minh thúc giục

Sau một hơi thuốc, Mẩn cho chàng biết rằng anh ta đã để ý Ngọc S. như chàng và đã cố gắng nhưng không biết phản ứng người đẹp ra sao.

- Thằng nào ngon thì Ngọc S. ưng thôi có gì lạ đâu!

Minh bình tĩnh giải thích

- Bởi vậy, tao muốn tính chuyện với mày.
- Nói đi!.... Rồi!.. Thêm một thằng rụng tim!
- Mày chửi tao?. Mậy!

Minh cười khẽ, tiếp lời

- Nếu Ngọc S mặc áo dài trắng, ôm sách vở trước ngực sẽ có nhiều thằng rụng tim nửa chứ không phải chỉ có tao với mày thôi.
- Uhm! Biết đâu có nhiều thằng khác mà mình không biết.
- Bây giờ mày muốn gì?

Minh thúc giục

Mẩn giải thích cho chàng biết rằng anh ta không muốn đụng độ xích mích vô cớ và yêu cầu đôi bên không nên nói xấu nhau, như vậy không anh hùng. Thời gian công tác là thời gian thuận tiện nhất để tấn công người đẹp.

- Tưởng chuyện gì. Tao nói rồi, mạnh thằng nào, thằng đó làm ăn. Ngọc S. chấm ai thì thằng đó nhờ.

Minh đáp nhanh.

Mẩn và chàng xoay sang chuyện khác, đến khi màn đêm hoàn toàn buông xuống mới trở về trại.

Những ngày kế tiếp sau đó công việc ngoài luống khoai, cắt cỏ tranh, xới đất và nhiều nửa làm cả đám mệt nhoài. Dầu sao, từ những ngày đầu của cuộc đổi đời tháng tư, chàng đã biết cái gọi là lao động và hiểu rõ ý nghĩa của hai chữ vất vả ngay trên quê ngoại và quê nội. Gia đình phải tự túc, không thể mướn người giúp việc và cũng để tránh phiền phức với chánh quyền đương thời, cùng những phần tử hạ tiện, xu hướng xu thời. Sau hai mùa nắng mưa, bóng dáng thư sinh trong chàng đã hoàn toàn gột rửa, lột xác. Những ngày cuối tuần hay ngày nghĩ học là lúc chàng phải làm việc từ sáng sớm. So với công việc nhà trường giao phó thật ra không đáng vào đâu so với những nặng nhọc tại quê nhà, vì nơi đó là nguồn lợi tức duy nhất cho cả đại gia đình. Chàng đã từng lội sình ngập đến đầu gối, vào giữa trưa, phơi mình trong cơn nắng miền nhiệt đới, vác trên vai những bao lúa nặng trĩu hoặc dầm mưa cả ngày để bừa và nhặt cỏ hay canh mực nước trên thửa ruộng vừa mới cấy. Chàng cũng đã từng dậy sớm khi mặt trời chưa ló dạng, bước xuống bùn sình lạnh cóng, vác trên vai những bó mạ non hay lùa vội chén cơm chiều trong bóng tối hòa lẫn điệu hát của nhóc nhen ếch nhái.

Một chiều, sau bữa cơm gồm bột luộc và rau, đang sắp xếp ba lô sửa soạn chỗ ngủ . Sơn vỗ vai chàng và nói nhỏ vừa đủ hai người nghe.

- Sao kỳ vậy mậy?

Minh nhăn mặt thắc mắc.

Sơn nói tiếp trong nghiến răng.

- Mày không thấy thằng Mẩn à?. Tao thấy mấy bữa nay nó..!!! Xời ơi! Thế này là thế nào?
- Chuyện đâu còn có đó! Mày sao hấp tấp quá.

Minh bình thản và giải thích cho Sơn hiểu chuyện của Mẩn.

- Nhưng mày quên rằng thằng Mẩn cùng tổ bên kia sao? Nó có nhiều cơ hội hơn mày.
- Uhm. Tao biết, nhưng bạn bè nhau hết mà.
- Mày thiệt!!.

Sơn tỏ vẻ không bằng lòng.

Minh khẻ nhúng vai.

- Nếu Ngọc S. chấm ai rồi, thì mấy thằng rồi cũng tiêu, tao không sợ

o0o

Minh tình nguyện vào toán thanh niên lên rừng lấy củi khi người trưởng đoàn thông báo vào đêm trước. Chàng muốn vào rừng để tìm lại dư hương của ngày xưa, mong mỏi được hít thở ít nhiều mùi cỏ cây và lắng nghe đâu đó tiếng chim hót. Hôm ấy cả toán dậy sớm và rời trại khi mặt trời chưa ló dạng. Trên con đường mòn vào rừng đông người qua lại, những người tiều phu sống nhờ vào rừng, nên họ rất thông thạo dường đi nước bước. Toán thanh niên được người trong vùng chú ý đến vì gương mặt thành thị . Trong lúc cả toán ngồi nghỉ dưới tàng cây cổ thụ khi mặt trời xắp đứng bóng, Minh dạo xung quanh và để ý đến một loài hoa dại bên đường. Loài hoa mọc theo dây leo ngang tầm mắt, tương tự như phong lan nhưng cánh rất nhỏ và rất mỏng. Loài hoa dại không mặn mà như thủy tiên, không ngát hương như dạ lý, không sặc sỡ như mẫu đơn, không khoe sắc như cánh hồng. Hoa khép nép sau lá rừng, và rất mong manh, rung rinh trong nắng, nhỏ từng giọt sương đêm lóng lánh. Đưa tay chào một thanh niên đang rảo bước, trên vai mang dao, rựa và giỏ thức ăn, Minh lân la hỏi chuyện về nguồn gốc của loài hoa, nhưng chàng thất vọng vì người thanh niên chỉ biết lắc đầu nhún vai. Loài hoa ấy xuất hiện từ bao giờ và tên gì không ai rỏ, chỉ biết loài hoa đó cài theo dây leo những cây cổ thụ . Có lẻ người dân đã quá cơ cực trong cuộc sống khiến họ không còn tâm trí để chiêm ngưỡng và tìm hiểu cái đẹp của một loài hoa. "Loài hoa không tên!" Minh lẩm bẩm một mình.

- Eh. Đi mày!
- Ay da!

Tiếng Văn hối thúc, tiếp theo bằng tiếng kêu đau đớn cắt ngang dòng tư tưởng của chàng. Quay nhìn lại, chàng ngước mặt cười ngạo nghễ trước gương mặt nhăn nhó của Văn.

- Mày cười trên đau khổ của tao mậy?

Tiếng Văn bực dọc

- Ai biểu mày giẫm lên hoa trinh nữ, cho mày biết thân!

Minh đáp và tiếp tục cười.

- Cái gì? Hoa trinh nữ ?

Tiếng kêu đau đớn của Văn và mẫu đối thoại của hai người kéo theo sự chú ý của đám bạn. Trong lúc sơ ý Văn đã giẫm lên đám gai mắc cỡ bên đường, gai nhọn đâm vào chân khiến anh ta phải nhảy cò cò vài bước. Minh chậm rãi chỉ cho đám bạn biết một loài hoa dại mọc bên đường, hoa có hình thù như quả bóng, do hàng trăm cánh nhỏ hơn cây tăm hợp lại, sương đêm phản chiếu nắng vàng tỏa nhiều màu sắc khác nhau. Đó là loài hoa mà dưới ngòi bút của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã trở nên nổi tiếng một thời (4). Minh đưa tay nâng nhẹ cành, từng lá nhỏ như lá me khép lại theo thứ tự "Nâng nhẹ một cây lá xếp trong tay lá ngủ thật mê say" [4]. Bất chợt, Tài đưa chân, quét một vòng trước mặt, đám mắc cỡ khép hết lá, trơ trọi cành và gai.

Minh lên mặt

- Thấy chưa?. Mày chọc người đẹp thi coi chừng.! Gai nhọn không đó!

Cả bọn cười lớn. Một ý nghĩ thoáng trong đầu chàng khi đề cập đến nhạc trữ tình của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Như mở cờ trong bụng, chàng để bạn bè lại phía sau, rảo bước quanh con đường mòn và nhìn dáo dác, khiến cả bọn phải thắc mắc.

- Mày kiếm cái gì vậy? Mất đồ hả ?
- Hông! Tao kiếm đồ chứa nước.

Minh đáp nhanh, và không nhìn lại. Đám bạn ngớ ngẩn. Loay hoay một lúc, Minh tìm được một lon sửa đã rỉ sét vất vưởng trong bụi rậm. Cầm trong tay nhưng vẫn không vừa lòng, mắt vẫn nhìn quanh và suy nghĩ. Thoáng thấy đám bạn ngơ ngác, chàng nói

- Tao tìm cách cắm hoa đem về tặng Ngọc S.

Cả bọn phá lên cười, tiếng cười vang lớn trong rừng vọng về một âm thanh rất lạ tai, riêng Tài một tay ôm bụng ngồi xuống vệ đường, một tay chỉ về hướng chàng, miệng vẫn cười say sưa. Anh Hà, người lớn tuổi nhất trong bọn, với dáng người mảnh khảnh tiến lên ngang chàng gật gù.

- "Anh đem cánh hoa rừng về tặng em" (5) hay lắm. Kỳ này là ăn chắc đó.

Người quản gia của khu canh tác từ đầu vẫn im lặng đi theo đám thanh niên bỗng cất tiếng, mỉm cười và lắc đầu.

- Nè! Cậu hái lá rừng, lựa cái lớn lớn, khoanh lại, để bông vô rồi xuống suối lấy nước khoác lên.

Sau lời chỉ dẫn của bác quản gia, đám bạn bỗng sốt sắng giúp chàng đi hái lá rừng, leo lên cây ngắt từng cành hoa dại, sau đó cùng xúm lại giúp chàng hoàn thành bó họa Tuy không sặc sỡ khoe màu như hồng nhung, mẫu đơn, không ngạt ngào như dạ lý hương, không giấy màu bóng láng, chỉ có lá rừng bao quanh. Không thiệp hồng cài ngang nhưng chùm hoa dại là thông điệp đơn sơ của tiếng lòng. Minh đã mượn đóa hoa rừng đơn sơ để nói lên vẽ đẹp tự nhiên, cái dáng thướt tha mà trưa nào chàng cũng thơ thẩn tựa người trên hành lang của phòng Huyết Học chỉ mong được nhìn một cành hoa đơn sơ trong chiếc áo blouse màu trắng, màu của vị tha của cứu nhân độ thế, nhẹ nhàng bay bay trong gió lướt ngang qua giảng đường. Chùm hoa dại không tên dường như đã biểu lộ đồng tình cho những thổn thức không tên, cho những cơn buồn vô cớ khi sân trường vắng bóng, khi chiều khuất nắng, rơi rụng nhiều vấn vương. Con đường mòn đã đưa chàng gặp gỡ loài hoa dại hay đã đưa người con trai bước vào ngả rẽ, vào khúc quanh của tình cảm. Những vương vấn trong lòng nay được dịp bay cao trong nắng, hòa theo khúc hát đâu đó của mộ t loài chim rừng, khép nép sau lá rừng và mỉm cười trước gió lộng. Đường về còn xa, cầm chùm hoa dại trong tay Minh lo sợ hoa tàn nên giở nón che nắng, đám bạn thương tình nên để chàng thong thả, họ thay nhau gánh vác việc nặng.

-Mấy cậu làm như đi hỏi vợ hổng bằng..humm!

Lời nói của bác quản gia làm cả bọn phá lên cười ròn rã, Minh rất ngượng, nhưng trong lòng như nở hoa. Con đường về trại sao quá xa chàng chỉ mong sao màu hoa vẫn chưa tàn khi trao cho người bạn gái.

- Mày núp sau xe đi!

Tiếng của Văn hối thúc làm chàng lui về phía sau xe chở củi, khi đoàn người tiến gần đến trại. Theo kế hoạch, đám bạn sẽ đi trước để dọ thám, tìm cách tách Ngọc S ra khỏi tay Mẩn và tìm cách đưa Ngọc S đến gần xe để chàng có dịp ca bài "Anh hái hoa rừng về tặng em".

- Thấy chưa mậy?

Minh nóng lòng

Càng tiến gần trại Minh nghe lòng nao nao và lo lắng, có lẻ cảm giác hồi hộp này trội hơn cái lo sợ lúc ngồi trong phòng thị Nhớm người nhìn lên, trong sân trại người qua kẻ lại nhưng chàng vẫn không thấy bóng dáng Ngọc S.

- Tui bay đi chậm lại coi!

Tài nói gần như ra lệnh, tuy vậy ý kiến của anh ta được hưởng ứng nhiệt tình. Cả bọn tự động làm theo và đoàn người đường như dừng hẳn khi cách phạm vi của trại trong tầm nhìn.

Minh xoay người dựa lưng vào xe, tay cầm bó hoa trước ngực mà nghe những thất vọng chạy dài theo con đường đất dẫn về khu rừng trước mặt. Trời về trưa mặt trời đã đứng bóng từng giọt mồ hôi bắt đầu chạy dài theo vành tai mà nghe như những tan vỡ của lối mộng. Đưa tay vuốt vài sợi tóc xõa trên trán, chiếc áo ka ki màu lá rừng đã bắt đầu nghe nặng trên lưng và ướt đẫm. Cởi vài nút áo, vỗ nhẹ làm gió chống lại cái oi bức của cơn nắng hạ nhưng chàng vẫn không quên che chở cho dóa hoa dại.

- Lẹ lên tui bay!

Tiếng Văn thúc giục làm chàng cuống quýt, Tài xoay lại vuốt áo giùm chàng cùng lúc Văn chụp chiếc mủ lưỡi trai phủ lên đầu và ngắm nghía lần cuối cùng như người đạo diễn kiểm soát dung nhan anh kép hát trước khi bước ra sân khấu. Xa xa trong sân trại, bóng Ngọc S. đang bước ra khỏi khu nhà bếp. Như đã dự định trước, đám bạn tiến nhanh vào sân cười nói vui vẻ và lướt nhanh ngang qua mặt Ngọc S làm nàng phải chậm bước chào mọi người. Đám con trai bắt đầu tản mạn trong sân đánh lạc hướng mọi người. Còn lại một mình đi sau Minh tiến nhanh đến trước mặt nàng và ngập ngừng.

- Tặng Ngọc S....uhm... đó!!

Giọng chàng tắt nghẽn trước những ngỡ ngàng của người bạn gái, đôi mắt đen láy khép dưới hàng mi lóng lánh sững sờ. Đôi bàn tay rung rung, cuống quýt giữ không vững đồ vật trong tay, đôi môi mộng đỏ rung rung nhịp nhàng nhưng vẫn im lặng. Mắt chàng không rời đôi môi mấp máy của người bạn gái, nhưng tuyệt nhiên tai chàng không ghi chép một âm thanh nào ngoài lời trò chuyện xa xa của đám sinh viên hòa theo tiếng rạt rào cỏ tranh.

- Uhm! Uhm..... mà S......!!

Tiếng nói của Ngọc S rung rung nhưng không thành lời

- Uhm.. uhm. Hái hoa rừng...........uhm.. về tặng Ngọc S đó!

Minh nài nỉ thêm trong khi tay vẫn cầm bó hoa đưa ngang tầm tay cho người bạn gái.

Chợt nhận ra cái ngớ ngẩn của mình sau câu nói vài giây, Minh đỡ lấy vật dụng trong tay người bạn gái. Ngọc S. đón lấy bó hoa dại từ tay chàng, nàng cuối xuống để dấu cái thẹn thùng. Minh đã ngây người trước đôi má ửng hồng, tóc mai bồng bềnh theo gió đượm hồng vành tai. Biết chàng đang nhìn trân trối Ngọc S bẽn lẽn mỉm cười sau khi giành lại đồ vật trong tay chàng và quay gót cùng bó hoa trước khi gửi đến chàng hai tiếng.

- Hổng biết!

Đứng nép sau lưng dãy nhà bếp đám bạn tươi cười làm hiệu, đứa dơ ngón tay cái, đứa nheo mắt, đứa tung nón lên trời

Giữa trưa trong cơn nắng oi ả nhưng chàng nghe tươi mát trong lòng.

Tần ngần đôi phút Minh tiến lên phụ bạn bè bốc dỡ củi trên xẹ đâu đó tiếng cười khúc khích hòa lẫn vài giọng ca tình tứ làm chàng không nhịn được cười. Dầu vậy chàng không dám mộng ước xa xôi, con đường tình ái trước mặt còn nhiều thử thách, những chướng ngại tình cảm vẫn còn im hơi lặng tiếng. Dù rằng bóng dáng Ngọc S đã ngự trị nơi nào đó trong lòng, nhưng những khó khăn của gia đình và của chính bản thân chàng cùng những dự tính cho tương lai đã phần nào cản trở không cho phép người thanh niên bước xa hơn vào nẻo đường tình. Thận trọng trong tình cảm là điều mà chàng vẫn suy nghĩ, nào ai biết ra sao ngày mai, cuộc đời mấy ai đo lường được chữ ngờ. Dù đã thêm một bước vào khúc quanh của tình cảm nhưng Minh đã thấy phần nào hối hận, mai đây đường đời nhiều lối biết về đâu?. Khi chính bản thân chàng cũng chưa biết tương lai sẽ về nơi nào, một khi những kẻ như chàng không còn chỗ đứng trong xã hội mới. Chàng cũng không muốn đưa cuộc tình vào bế tắc chỉ gây đau thương cho người mình thương, khi ngay chính bản thân chàng còn chưa đủ sức lo vẫn phải dựa vào sự giúp đỡ của gia đình thì hạnh phúc có phải là mộng mơ hay chỉ là một thoáng mong manh.

o0o

Kéo vành áo mùa đông che mặt, đưa hai tay vào túi áo, co ro bước đều trong cơn lạnh rét run người. Minh hít một hơi dài và thở trong gió, làn hơi kết tinh dưới cơn lạnh của xứ người chìm đắm trong chiều đông. Một vòng hơi trắng tan nhanh trong gió, nhìn quanh tuyết phủ bốn bề, cây trụi lá bơ vơ trong một màu trắng xóa bao phủ vạn vật. Từng bông tuyết đong đưa trong gió lất phất giữa khung trời xám ngắt. Đã hơn hai mươi mùa tuyết rơi, từ ngày bước chân xuống thuyền ra đi tìm tự do, mang theo những tan vỡ, ngang trái cùng những kỷ niệm khó quên. Hơn hai mươi lần lá rụng, bôn ba xứ người trong kiếp lưu vong, những vương vấn ngày xưa nghe như vẫn còn lưu luyến đâu đây khi hoa bắt đầu nở . Những cánh hoa dại ngày xưa, giờ đây đã tàn phai theo năm tháng, đã vĩnh viễn đi vào dĩ vãng. Những niềm thổn thức không tên giờ chỉ còn là trống vắng, mùi hương cỏ tranh, của rừng xanh, cơn nắng hè oi ả, tất cả đã bị vùi lấp, trôi nổi theo dòng đời nghiệt ngã . Nơi đây mỗi độ thu về kéo theo mưa phùn, lạnh lẽo điểm báo thời tàn phai và tiếp nối bằng những trận tuyết rét run người đã vùi dập những loài hoa không phân biệt màu sắc tên tuổi.

Đôi bờ đại dương cách biệt, lối mộng giờ đã chia đôi, con đò xưa giờ đã có người sang. Nơi đây có đầy dẫy những vườn hoa sặc sỡ nổi tiếng, nhưng chàng vẫn không tìm thấy loài hoa nào có thể thay thế chùm hoa dại ngày xưa. Màu hoa dại vẫn là màu hoa của thương nhớ, của đơn sơ, của vấn vương. Hoa xưa đã tàn theo tháng năm, mưa gió đã cuốn trôi, tuyết đã vùi lấp những mộng mơ. "Đời không như là mơ nên đời thường giết chết mộng mơ". Đầu vậy trong tâm tư chàng vẫn tin tưởng có một loài hoa không hương, không sắc màu, hoa không nở trong vườn hay trên đất bằng, hoa không phai theo gió mưa. Hoa ấy gọi hoa tình thương. Chùm hoa dại đã phai tàn theo thời gian và mưa gió, nhắm mắt một lời nguyện cầu cho hoa tình thương mãi không tàn phai.


Montreal ngày cuối năm 2002
Hoàng Mai Phi


Chú thích:
(1). Người tình không chân dung - Nhạc - Phạm Duy
(2). Tình thư của lính - Nhạc - Trần Thiện Thanh
(3). Như cánh vạc bay - Nhạc - Trịnh Công Sơn
(4). Hoa Trinh Nữ - Nhạc - Trần Thiện Thanh
(5). Người yêu của lính - Nhạc - Trần Thiện Thanh