SỐ 18 - THÁNG 4 NĂM 2003

 

Thư tòa soạn

Thơ

Thấy mơ hồ một chiến hạm ra khơi
Nguyên Nhi
Gió tháng ba
Vũ Hoàng Thư
Thử hỏi
Nguyễn Toàn Vẹn
Tơ hoàng hôn
Sông Kiên
Đêm địa đàng
Huỳnh Kim Khanh
Những đóa hoa cờ
Tóc Tím
Những mẩu rời
Trần Quang Phước
Đã tàn rồi dấu binh lửa
Ngọc Trân
Tình đầu
Mắc Cạn
Thơ gởi Tuyết
Ngô Minh Hằng
Bốn mùa
Song Châu Diễm Ngọc Nhân
Thế hệ 75
Hoàng Mai Phi
Giấc mơ hoa
Tân Văn

Truyện ngắn, tùy bút

Người tù chăn bò ở Gia Trung
Phan Thái Yên
Xuân đã gần hay ở xa
Vũ Hoàng Thư
Người lính
Phạm Hồng Ân
Hai hòn
Nguyên Nhi
Đi trong mây
T.H.
Tân Tây du ký
Phong Nhĩ Dị Nhân
Những người còn ở lại
Cỏ Biển
Cô đơn
Hoàng Quốc Việt
Chùm hoa dại
Hoàng Mai Phi
Lá thư không gởi - Kỳ 5
Trương Thanh Diễm Thùy - Bảo Lộc
Cửa sổ tâm hồn
Trần Phương
Một thoáng ngoài kia
Ảnh: Ngô Văn Sơn
Thơ: Vũ Hoàng Thư
Mắm suốt Hà Liên
Trương Thanh Diễm Thùy - Bảo Lộc
My childhood moment
Long Nguyen

Biên Khảo

Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 5
Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Thằng Nèm
Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 12
Huỳnh Kim Khanh


 

Những người còn ở lại


Căn phòng vuông vức như một cái chuồng chim bồ câu nhô cao hơn các mái nhà khác nên nhận hết cái nóng từ những mái tôn phía dưới hắt lên. Mặc dù tôi đả mở toang hết hai cửa ra vào, ba bề cửa sổ mà gian phòng vẫn nóng hầm. Mùa mưa thì còn khủng khiếp hơn, người ngồi trong nhà có cảm giác như đang ở bên trong một cái thùng thiếc, đinh tai nhức óc bởi những hạt mưa từ trên trời ào ạt trút xuống dội vào mái tôn nghe rầm rầm.

Đãcuối tháng tư nhưng khí hậu vẫn chưa bớt nóng, hình như những năm tháng về sau này mọi chuyện xảy ra thường là những điều thái quá. Điển hình về thời tiết, mùa đông đầu tiên sau ngày càn khôn đảo lộn, người Miền Nam mới biết cái lạnh khắc nghiệt như thế nào. Những ngọn gió thông thốc từ phía Bắc thổi xuống lạnh căm khiến người già co ro trong mấy lớp áo vẫn còn thấy buốt thấu xương. Qua rồi cái lạnh người ta lại đương đầu với nhà "con cái ghẻ" xâm lăng. Ban đầu chúng đặt bản doanh từ những kẽ các ngón tay, sau đó tấn công xuống cả hai bàn tay và toàn thân. Thoạt tiên mọi người còn e dè giấu diếm sự ngứa ngáy, khó chịu. Sau công khai gãi vì thấy chung quanh "nhà nhà có ghẻ, người người đều có ghẻ" cũng như mình. Tội nghiệp nhất là những đứa trẻ, ngay cả đứa mới sinh vài tháng con cái ghẻ cũng không tha, khi chúng giơ hai bàn tay với các ngón tay cong queo, khum khum, trong lòng bàn tay mọc đầy mụn mủ không thể co duỗi được vì đau đớn trông thật thương tâm. Người hiểu biết cho rằng vì không có thuốc men nên sinh ra dịch bệnh là chuyện phụ, việc thiếu thốn dinh dưỡng mới là vấn đề chính.

Riêng tôi, kể từ khi bị "hạ tầng công tác" đưa về nơi đây thì nhà xưởng đã hoàn toàn ngưng hoạt động. Ngày ngày ra vào quanh quẩn trong gian phòng gần mười sáu mét vuông, đối diện với chính mình trong suốt tám tiếng đồng hồ tôi ví mình giống như một Thúy Kiều đang mang tâm trạng lẻ loi ở Lầu Ngưng Bích. Ngoài những người trong tổ bảo vệ còn ở lại, tất cả nhân sự trong xưởng đều được bổ sung về các phân xưởng khác cùng công ty. Bạn bè quen biết khi nghe tôi bị cho "ngồi chơi xơi nước" thì họ biết ngay đó là một hình thức trù dập mặc dù tôi chỉ đòi hỏi phải được phân công làm việc theo đúng khả năng và trình độ của mình, họ tặc lưỡi :

-"Ôi chao, về nơi đó càng sướng, ngồi chơi tháng tháng lãnh lương coi như là một cách an dưỡng."

Với tôi, quan niệm như thế là lầm lẫn, cổ nhân chẳng phải đã có lý khi nói câu "Dao năng liếc thì sắc, người năng làm thì quen". Một người cho dù có khả năng tài giỏi, được học hành đến đâu mà không "Văn ôn Võ Luyện" thì dần đà tài năng cũng bị mai một. Về tâm lý, đây là một đòn trừng phạt cân não nặng nề bằng cách đẩy một người vào cái thế cho họ tự thấy mình trở thành một kẻ thừa thãi, lãng quên bên lề cuộc sống. Nhiệm vụ hàng ngày của tôi ở đây là cập nhật tình trạng các thiết bị còn lại để thỉnh thoảng vài ba hôm, nửa tháng một vài nhân viên kỹ thuật xuống tháo gỡ những phụ tùng cần phải thay thế cho máy móc khác khi bị hư hỏng. Kiểu "giật gấu vá vai" này được xem là phương án tối ưu để duy trì sản xuất. Mấy người bảo vệ hay đùa với tôi :

- "Mười phần gỡ bảy còn ba. Tháo hai còn một hết cha việc làm.."

Còn tôi thì nói với họ:

- "Bây giờ tôi đang nghiên cứu, xây dựng kế hoạch với lũ nhền nhện trong phân xưởng."

oOo

Nằm ngồi chán chê, đọc hết sách báo mang theo mượn được từ thư viện, tôi lần ra khung cửa sổ tỳ tay nhìn xuống. Bầu trời xanh ngắt không một gợn mây. Cây cối đứng im phăng phắc vì đứng gió. Tôi hướng tầm mắt nhìn xa về phía bên kia con đường đất nằm giữa, ngăn cách nhà máy với căn biệt thự ẩn mình sau đám cây cối xanh tươi. Bao quanh khu đất là bức tường rào xây bằng gạch có chiều cao gấp đôi tầm người, phía trên gắn đầy mảnh chai nhọn. Nghe nói chủ nhân căn biệt thự và gian xưởng tôi đang đứngcó quan hệ bà con với nhau, cùng đều là những người quan quyền thuở trước. Tôi đang mơ màng nghĩ ngợi thì nghe tiếng hét to :

- ĐM, Mày dám chạy hả, mày đứng lại cho tao.

Một người đàn bà đầu tóc xốc xếch từ căn chòiđứng dựa bức tường rào chay ra, phía sau là người đàn ông ở trần, vận cái quần đùi rượt theo tay cầm thanh củi ném bừa. Chắc biết mình chẳng đuổi kịp nên người đàn ônggiơ tay dứ dứ và chửi vói vào khoảng không :

- ĐM, Mày đi luôn đi, đừng có về đây.

Và ông ta khập khiễng trở lại chui vào căn chòi. Tôi trố mắt nhìn và nhận ra người đàn ôngchỉ có một chân. Cái chân trái bị cụt quá đầu gối, phía dưới chỉ là một bắp chân giả không có bàn chân được làm bằng plastic màu da người. Người đàn bà chạy đến ngang cửa sau phân xưởng, thấy mình dường như đã được an toàn nên dừng lại, ngồi phệt xuống đất, nhìn lom lom về phía căn chòi.

Từ trên cao quan sát, tôi nhận ra ngay đây là hai người lạ, không giống những người cư ngụ trước kia.Gia đình chủ cũ gồm có bốn người, hai vợ chồng lành lặn, một đứa con gái hơn mười tuổi và một đứa nhỏ còn ẵm nách. Trưa trưa, con chị hay mang đứa em ra ngồi chơi dưới bóng mát của cây me già từ bên trong vuông tường rào đổ nghiêng ra ngoài. Con đường đất trống trải nằm giữa hàng tường rào và bên hông nhà máy, chỉ có độc nhất cái chòi xiêu vẹo lợp lá mục nát, vách trát đất thủng lỗ chỗ của họ, nó nằm chơ vơ nép vào sát bức tường bên kia, hơi xéo với cửa sau phân xưởng đã bị khóa chặt từ lâu. Có lẽ trong thời gian tôi nghỉ phép căn chòi đã thay chủ mới.

Trong khi người đàn bà ngồi tẩn mẩn vói ta bứt đám cỏ dại mọc sát cánh cửa sắt, xé vụn ra, mắt không ngừng dõi nhìn về phía căn lều. Người đàn ông cụt chân lai lom khom chui ra, ngồi xệp xuống đất, cột lại cánh cửa ghép bằng mấy miếng các tông, ống chân giả được tháo ra đặt bên cạnh một cái bắp đùi đầu tròn thu lu, ngắn ngủn. Hình ảnh tật nguyền trước mắt khiến tôi nhớ lại một người hàng xóm đã chết cách đây mấy năm....!!

oOo

Buổi chiều tan sở đạp xe về đến đầu ngõ tôi gặp người trong xóm đang túm tụm, xôn xao. Đứa em gái trông thấy tôi,vội báo tin :

-Chị ơi, Anh Sinh chồng cô giáo vừa tự tử, Chú Tám đạp xích lô mới chở anh ấy đi nhà thương rồi.

Trước 75, khi hai vợ chồng Anh Sinh dọn về căn nhà đối diện thì tôi đã lập gia đình và theo chồng đi xa. Thỉnh thoảng về thăm nhà tôi chỉ biết sơ qua. Anh là Thiếu Úy Cảnh Sát và vợ là cô giáo dạy tiểu học. Hai người có đứa con gái khoảng hai ba tuổi và sắp có đứa thứ hai. Sau ngày "tan đàn xẻ nghé", ngoại trừ những ai nhanh chân di tản thoát được qua Mỹ, tất cảSĩ Quan, Công chức VNCH còn lại đều bị gom vào những trại tù được gọi bằng ngôn từ hoa mỹ "Trại cải tạo". Mọi người cho rằng Anh Sinh là người may mắn nhất xóm vì được thả về trước tiên, trong khi tất cả người cùng cảnh ngộ chỉ được phép gởi vài dòng chữ về gia đình, báo tin vẫn còn sống sót, mạnh khỏe sau tin đồn về vụ nổ kho đạn ở Long Khánh, là nơi người ta nghi ngờ đã tập trung thân nhân của họ.

Trở về, Anh Sinh phải đánh đổi một giá đắt, mất đi một phần thân thể của mình. Cánh tay phải của anh bị cụt gần đến khuỷu trong một vụ nổ khi phát hoang làm rẫy.

Mỗi buổi chiều đi làm về ngang, tôi hay thấy anh ngồi buồn rầu tư lự dưới hiên nhà, cánh tay cụt gác hờ hững cong cong trước ngực. Chị Sinh, sau giờ đi dạy học, trưa nào cũng ôm cái hộp gỗ hình chữ nhật, trên gắn đủ loại dầu gió, dầu cù là khuynh diệp mang ra bán rong ngoài bến xe đò.

Hôm tôi nhận được giấy báo của trại cho phép đi thăm nuôi, đây là lần đầu tiên sau hơn hai năm xa cách không gặp mặt chồng, buổi trưa tôi lên trụ Sở Công An Phường xin giấy đi đường, và gặp Anh Sinh ở đó. Có lẽ chỉ có người đồng cảnh ngộ mới dễ dàng thông cảm nhau. Nhớ lúc đi mua thuốc Vitamin B1 gởi cho chồng, tôi năn nỉ người bán thuốc xin mua thêm vài ống nhưng không được, tôi đành nói lý do thật là mua cho chồng đang trong trại tù cải tạo. Người bán liền thay đổi thái độ, mau mắn bán ngay cho tôi. Cầm mấy ống thuốc lòng tôi rưng rưng hiểu sự thương cảm của người dân đối với những người bất đắc dĩ bị tù chỉ vì thời thế đổi thay.
Tôi hỏi Anh Sinh :

- Anh đến xin giấy phép đi đường.?

Anh lắc đầu :

- Tôi được giấy gọi trình diện của Công An Phường.

Và Anh cho biết :"Sau nhiều đợt gia hạn tạm trú của Quận, bây giờ Anh không được phép tạm trú tiếp tục mà phải chọn một trong hai : - hoặc là hồi hương về quê tăng gia sản xuất, hoặc là đi kinh tế mới...."

Có những điều nghịch lý, tưởng rằng không thể xảy ra nhưng lại là sự thật. Như chuyện người chủ nhà phải đi xin phép người khác là những cán bộ Công An không có một quan hệ gì đến căn nhà, để được tạm trú ngay chính căn nhà mình đang làm chủ.

- Rồi Anh Chị tính sao ??

Tôi hỏi Anh với giọng băn khoăn vì đã chứng kiến nhiều gia đình bị các cán bộ Phường mong đạt được chỉ tiêu của cấp trên đề ra, đã thúc ép họ đi hồi hương về quê hay kinh tế mới,với lý do trong nhà không có người nào là công nhân viên sản xuất đang làm việc cho nhà nước. Cũng như tôi vì muốn bám víu ở lại thành phố chờ đợi chồng trở về, tôi đành phải vay mượn tiền bạc nhờ người xin cho mình một chân công nhân viên quèn với số lương chỉ nuôi sống một người không quá một tuần lễ.
Với quyết tâm, Anh Sinh nói với tôi bằng một giọng buồn buồn :

- Nếu túng cùng quá tôi sẽ ra đi một mình.

Tôi thầm nghĩ là chị Sinh sẽ không bao giờ để cho Anh ấy đi một mình. Cùng là phụ nữ nên đồng cảm với nhau.. Chẳng phải đã bao nhiêu lần tôi ao ước được gặp mặt chồng, cho dù có bị đày ải nơi "khỉ ho cò gáy", miễn là được sống bên nhau. Có lần tôi nghe tin đồn :"Nếu gia đình nào có thân nhân đi "học tập cải tạo" tình nguyện đi hồi hương, hoặc đi kinh tế mới thì người đang trong tù sẽ được thả. Gia đình tôi từ xưa đến giờ vẫn sống ở Saigon nên làm gì có quê để hồi hương, tôi bàn chuyện với má tôi :

- Hay là con tình nguyện đi kinh tế mới để chồng con sớm được tha về !?

Má tôi la lên :

- Bộ bây muốn cả hai mẹ con bỏ xác trên đó hả. Con của con còn nhỏ quá con ơi !. Chỉ có hai mẹ con làm được gì ?? Gia đình người ta thanh niên trai tráng còn sống không nổi, huống hồ gì hai mẹ con bây. Cái tướng con là đứa thuộc loại "cuốc đất không nổi, ăn mày thì hổ ngươi, nhát gió lại kỵ mù sương" lên đó để chết chùm hả. Bao nhiêu thứ khó khăn thiếu thốn, bệnh tật, muỗi mòng.......!!

Giờ tôi mới hiểu ý nghĩa câu nói của Anh Sinh khi quyết định ra đi một mình. Anh hy sinh cuộc đời tật nguyền còn lại, trút bỏ gánh nặng trên vai vợ con Anh để họ có thể ở lại sống yên ổn.

Những người quen biết được thả về tâm sự với tôi :"Tôi không thấy có gì khác với khi còn trong tù, chỉ thấyrằng mình được thả từ một cái nhà tù nhỏ để qua một cái khác to lớn hơn !!! chỉ có thế thôi." Thật vậy, chính quyền Cộng Sản ra lệnh tất cả những ai sau khi tạm tha về đều phải thu xếp để đi hồi hương hoặc đi kinh tế mới. Ai muốn ở lại thành phố với gia đình, bắt buộc họ phải có công việc làm tại những cơ quan, xí nghiệp quốc doanh thuộc quyền nhà nước quản lý. Đồng thời với điều kiện ấy mộtmệnh lệnh khác được phổ biến trong nội bộ lại không cho phép thu nhận bất cứ người nào có lý lịch là Sĩ Quan VNCH vào làm việc khi họ trở về.

oOo

Rồi tôi cũng có dịp biết rõ về những người chủ mới của căn chòi. Gia đình gồm năm người, Anh chồng là một thương phế binh VNCH cụt một chân và mất đi một mắt. Chị vợ trông còn rất trẻ nhưng đã có đến ba con, đứa nhỏ nhất mới biết đi lẫm đẫm, đứa lớn nhất độ chừng sáubảy tuổi. Trông thấy con bé oằn người xách thùng nước tận xómtrong về, tôi gọi lại mở cửa sau phân xưởng cho nó vào hứng nước. Tiện thể tôi bảo con bé về gọi mẹ sang khuân mấy tấm ván cũ bỏ không trong góc xưởng, đem về lót dưới đất làm sàn nằm cho mấy chị em.

Sau lần đó, trưa nào con bé cũng gõ cửa xin cho vào lấy nước. Thấy con bé rách rưới tôi về nhà soạn vài bộ quần áo cũ mà con tôi mặc không vừa mang đến cho nó.Biết tôi là người tử tế, người đàn bà e dè đến cám ơn tôi vì chị ta tưởng tôi là một bà cán bộ thứ thiệt, tôi tức cười hỏi :

- Chị nhìn thấy tôi giống cán bộ chỗ nào ???
- Tại em thấy chị làm việc cho nhà nước nên em nghĩ chị là cán bộ

Tôi cười thầm trong bụng :

-Tôi mà là cán bộ gì, cán cuốc thì có. -Mà cán bộ có gì khác lạ khiến chị phải sợ ??

Người đàn bà thành thật kể :

- Dạ em sợ hết thảy mấy cán bộ, hồi đó hai vợ chồng em đang ở làng thương phế binh bị họ đuổi đi kinh tế mới. Lên đó cực khổ quá, tụi em trốn về đây. Lúc trước bị mấy người cán bộ ở phường đuổi gắt trở lên đó, nhưng một năm nay thì đỡ rồi, tại ai lên trên đó cũng bỏ về hết, có đuổi cũng vậy thôi.

Tôi chen vào hỏi :

- Vậy chị lập gia đình trước năm 75 à.

Chị gật đầu tâm sự tiếp :

- Em lấy ảnh năm em mười sáu tuổi, đẻ con Hiền được ba tháng là giải phóng vô. Em ở trong viện mồ côi nên hay theo mấy bà xơ đi vô thăm thương bệnh binh, Em quen ảnh, Ảnh nói với em lấy ai cũng vậy, thời buổi chiến tranh, lấy người khác có khi họ chết trận em thành góa phụ trẻ, Em lấy ảnh thì chắc chắn là sẽ sống đời, ảnh cụt một chân nên tháng tháng lãnh lương thương binh, cộng thêm phụ cấp trả cho việc mướn người chăm sóc nên sống tương đối đầy đủ. Em cũng không có cơ hội lấy ai khá hơn nên bằng lòng lấy ảnh.

Tôi tò mò hỏi thêm :

- Vậy bây giờ gia đình chị sống bằng gì ??
- Em nghe Ảnh nói có người bạn rủ đi bán nhang, có khi Ảnh đi mấy ngày mới về. Ảnh về mua gạo, cá khô mắm muối để dành cho mẹ con em sống qua ngày.
- Sao chị không buôn bán hay xin vô các tổ hợp đan lát làm ?

Tôi buột miệng hỏi một câu mới thấy mình vừa hỏi những điều thừa thãi. Đi buôn thì phải có vốn, xin việc thì phải có hộ khẩumà cả hai điều kiệnchị ta đều không có.

Một hôm sau khi đợi đứa con xách nước xong người đàn bà gặp tôi, ngập ngừng ngần ngại, một lúc rồi than thở:

- Hôm kia ảnh lại chửi em "ĐM,không có tao mày chỉ có nước đi làm gái" rồi bỏ đi. Ngày xưa ảnh đâu có cục cằn như vậy đâu. Hai ngày nay chồng em chưa về. Hôm qua còn lon gạo cuối cùng nấu cháo cho ba đứa nhỏ cầm hơi. Từ sáng đến giờ thì chỉ có mấy củ khoai của Dì Năm bán thuốc lá cho, chị làm ơn cho em mượn vài ngàn đong ký gạo cho con em, khi nào ảnh về em xin trả lại. Lần trước em còn nợ của chị chưa trả, em không dám mượn nửa, nhưng.... con em đói quá.!!!!

Tôi nhìn người đàn bà thiểu não, rách rưới, gầy còm trước mặt. Tuy còn trẻ, chỉ ngoài hai mươi nhưng nhìn gần trông già hom hem hơn chục tuổi. Mái tóc xác xơ buộc túm đàng sau, bộ ngực lép kẹp phẳng phiu, mờ mờ nhô hai cái vú bằng chỏm cau khô dưới lần vải áo bạc màu mỏng te, bờ vai co rúttrên hai cánh tay dài khẳng khiu nổi đầy gân xanh. Tôi nghĩ thầm, bộ dạng của chị có làm gái chắc cũng không hấp dẫn được ai. Vừa móc túi lấy tiền, tôi vừa nói :

- Tôi biết, dùng chữ mượn chứ cho chị mượn tiền là tôi coi như cho luôn chị thôi,

Bà Năm bán thuốc lá trước cổng nói nhỏ với tôi. Đứa con gái bà ta có lần đạp xe ngang qua thấy ba con Hiền đang xếp hàng trước Trung Tâm Tiếp Huyết ở Ngã Năm chuồng chó.

Xã hội Việt Nam sau năm 75 sinh sản ra nhiều nghề trướckia không có : "Nghề bán máu". nhiều lần có việc đi ngang qua các trung tâm truyền máu của ngành y tế, tôi thấy đông đúc người lê lết xếp hàng trước cửa để bán máu, kiếm chút tiền mong kéo dài cuộc sống bằng chính bản thân đã kiệt quệ của mình. Số người xếp hàng đông đến nỗi nhiều người ngũ lại để chờ đến ngày hôm sau, nếu không thì mất chỗ.Trong số đó có nhiều người không còn tứ chi lành lặn. Họ không nghề nghiệp, không vốn liếng sống lây lất, vất vưởng trên hè phố. Họ sốngâm thầm bên lề cuộc sống, không ai màng đến. Đối với những người chung quanh họ còn sống hay đã chết cũng giống nhau !!!!

oOo

Sau lần vượt biên cuối cùng thất bại, gia đình tôi nộp đơn xin xuất cảnh theo diện đoàn tụ. Trong mớ hồ sơ đính kèm bắt buộc phải có giấy thôi việc của cơ quan, tôi nghỉ làm từ lúc ấy. Một hôm đi chợ Bình Tây bổ hàng tôi gặp hai người tàn tật đang xin ăn trong chợ, một người cụt chân, tay chống cây nạng đang lần bước, tay kia nắm sợi dây kéo chiếc xe làm bằng miếng ván đóng bốn bánh, trên đó có một người bị cụt hết cả hai tay chân đang nằm.

Thấy cảnh tượng tôi bổng nhớ lại bài tập đọc trong quyển sách quốc văn hồi còn ở Tiểu học. Bài đọc viết về hai người tàn tật. Một người mù và một người què. Người mù nói với người què "Chân anh bị què nhưng Anh có đôi mắt lành lặn. Tôi có sức khỏe và đôi chân cứng cáp nhưng mắt tôi lại mù không thấy đường đi. Từ nay hai ta sẽ giúp đỡ lẫn nhau, Anh là đôi mắt của tôi, và đôi chân tôi sẽ là của Anh, chúng ta cùng nhau đi khắp nơi kiếm ăn"

Từ đó người mù cõng người què, ngồi trên lưng người mù, người què chỉ đường cho người mù đi. Bài học dạy cho tôi biết ý nghĩa của sựđoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau để sinh tồn. Bồi hồi thương hại tôi móc túi và bước đến bên người đàn ông chống nạng bỏ tiền vào cái mũ ông ta đang cầm trên tay. Tôi nhìn mặt ông ta, suýt chút nữa tôi kêu lên :

- Trời ơi ! Là ba của con Hiền.


Cỏ Biển