SỐ 19 - THÁNG 7 NĂM 2003

 

Thư tòa soạn

Thơ

Mưa tháng 5 nhớ quê cũ
Vũ Hoàng Thư
Hôn mê
Nguyễn Vĩnh Châu
Đêm huyền sử
Huỳnh Kim Khanh
Bút gươm
Phạm Văn Thanh
Chơi vơi
Hoàng Mai Phi
Chiều qua đèo
Tóc Tím
Nhớ mẹ
Ngọc Trân
Tâm sự mùa hè
Nguyễn Toàn Vẹn
Cõi hoang vu
Song Châu Diễm Ngọc Nhân
All that you have given me Vietnam
Ngô Mạc Duy

Truyện ngắn, tùy bút

Khúc hát chìm sâu
Phan Thái Yên
Có mây trắng và nắng vàng
Vũ Hoàng Thư
Cu tí
Phong Nhĩ Dị Nhân
Ai cũng cần những chuyện cổ tích
Nguyên Nhi
Hè về cùng giấc mơ tuổi trẻ
Phạm Văn Thanh
Hãy nói
Phạm Hồng Ân
Đi biển có đôi
Cỏ biển
Cô đơn
Hoàng Quốc Việt
Lá thư không gởi (kỳ 6)
Trương Thanh Diễm Thùy-Bảo Lộc
Những cái bằng

Trần Phương
Một thoáng ngoài kia
Ảnh: Ngô Văn Sơn
Thơ: Vũ Hoàng Thư

Biên Khảo

Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 6
Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Vô tình cốc - Kỳ 13
Huỳnh Kim Khanh


 

Ai cũng cần những chuyện cổ tích


Đúng là một buổi sáng xui xẻo. Mới dứt tiết học đầu đã gặp họ đứng chờ mình nơi máy bán nước ngọt tự động ở cuối hành lang chính lầu hai. Không có tí hứng thú nào cả: mình vừa làm hỏng cái test sinh vật đầu tiên.
"Chiều mai có cái birthday party của ông anh họ! Sẽ nhập bọn với tụi này không?" Lúc nào họ cũng có cái lối mở lời vô duyên như vậy! Cứ giả như vô tâm, thờ ơ với mọi chuyện. Giả như hờ hững cả ngay với những quyết định tối hậu của mình. Lại cứ hay nói trống. Làm như người ta ai cũng phải chỉ có việc tự nguyện cúi đầu lò dò đi theo dấu giày của họ.
"Không! Mình đã có cái lễ Trung Thu... gì đấy! Bố mẹ sẽ đưa mình đi rước đèn."
"Xì, mười bảy mười tám rồi, bạn! Tết Trung Thu chỉ dành cho trẻ con. Người ta còn gọi là Tết Nhi Đồng ấy mà! Bạn ... hết nhi đồng rồi bạn ơi!" Tự dưng hôm nay mình thấy họ "lớn" quá.
Lớn hơn cả người lớn.
"Nhưng đã hứa với bố mẹ rồi, không thể đổi ý được." Mình phật ý. Dù sao thì sự phật ý của một đứa con gái, đã được tiếng là thùy mị dịu dàng, chỉ có được mình diễn tả bằng một tiếng hắng giọng và mặt thì quay đi chỗ khác.
"Thôi thì ... thôi vậy! Chừng nào làm người lớn được thì hãy bảo cho đây biết với". Họ gật gật gù gù như một người luống tuổi rồi bương bả về lớp của họ cho tiết học thư hai.
Thật là một mở đầu không hên cho một ngày xui tận mạng.

oOo

Nhưng đó là chuyện của ngày hôm qua. Hôm nay "thời tiết" đã sáng sủa hơn nhiều. Nắng nhẹ. Một chút mây.
Chỉ có trời mới hiểu nổi bố tìm đâu ra mớ tre trúc lỉnh kỉnh thế ấy. Mùa này bố phải vất vả biết bao nhiêu với những giờ làm overtime, nhưng đã xin nghỉ hẳn cuối tuần này để sửa soạn cho buổi rước đèn của mình. Thương bố lắm. Bố hay kể với mẹ con mình về những ngày xưa trong trại tù cải tạo của bố. Nhìn bố đang ngồi trên chiếc ghế xích đu ở sân sau, vót từng cọng tre nhỏ, mình có thể tưởng tượng ra cảnh bố, ốm còm còm, đang chăm chỉ giũa tặng mẹ từng cây trâm hay chiếc lược nhỏ từ những thanh thép bố săn nhặt được.
Những chiếc lược mà bây giờ thỉnh thoảng vẫn thấy mẹ mang ra ngắm nghía, săm soi. Dĩ nhiên là ngày đó tóc bố còn rất đen và trán bố cũng chưa xếp nếp quá quắt như hồi này. Thương bố lắm.
"Bố định làm đèn lồng hình gì?" Mình hỏi.
"Hình cá. Nhưng con sẽ điểm nhãn nhé?" Bố cười.
"Là sao, bố?"
"À, con sẽ vẽ mắt cho cá ấy mà. Đã sẵn sơn và cọ đấy!"
"Sao lại con?"
"Con vẽ mắt thì cá sẽ là cá vui. Bố vẽ, cá sẽ là cá buồn. Buồn hay vui là ở đôi mắt, người hay cá đều vậy," Bố hơi tư lự. Hèn nào xưa giờ chỉ cần nhìn vào mắt bố là mình biết bố vui hay buồn.
"Có người bảo con đã lớn rồi, không còn nhi đồng nữa đâu để mà đi rước đèn nữa đó, bô"!" Mình nói. Vì vừa sực nhớ tới họ.
"Trong mỗi người đều có một đứa trẻ con, con ạ! Mỗi người đều có một con trăng thời thơ ấu. Đối với bố tuổi tác không làm cho con người cằn cỗi tâm hồn. Những ngày này bố đang sống lại những ngày trăng thơ trẻ. Me, đang sửa soạn bộ tách trà, quay lại nhìn bố, gật đầu, mỉm cười. Rồi, mình hiểu rồi, có thể bố đang loay hoay với mộ tứ thơ nào đó của bố. Dạo này bố viết nhiều, tiếc là mình chưa có dịp đọc. Sẽ thôi. Mình thấy lúc nào mẹ và bố cũng thuận ý vừa lòng nhau. Không hiểu sau này (Ồ, sau này ...có nghĩa là ... sẽ lâu lắm) mình và họ có được như thế này không chứ bây giờ chỉ thấy hai đứa nghịch khẩu, hục hặc với nhau mãi. Nhẹ nhàng lắm thì cũng như chuyện buổi sáng xấu trời hôm qua.
"Vậy mà có người còn phát biểu là nên dẹp phứt đi mấy cái vụ Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu nữa đó, em!" Bố tinh nghịch nhìn mẹ.
"Chết! Ai vậy ?" Mẹ có vẻ hốt hoảng. "Họ lấy cớ gì?"
"Hội nhập! Họ lấy lý do là để hội nhập vào đời sống xứ này cho nhanh chóng." Bố trề môi. "Không có gì sai lầm hơn!"
"Ừ, lại đần độn nữa!" Bao giờ mẹ cũng là người có kết luận thích đáng tối hậu. Phần mình thì mình còn lơ mơ về những điều bố mẹ bàn lắm.

Bây giờ bố đã bọc kín khung tre hình cá bằng tờ giấy bóng đỏ. Bố đưa cho mình hộp ống màu. Mình chấm một chấm vàng giữa đôi mắt cá. Mắt cá mà lại có đuôi dài! Cả một hàng mi cong vút! Ngộ ơi là ngộ!

"Rồi sẽ có lúc người ta quên đi những truyền thuyết dân gian, những chuyện cổ tích, hở anh?" Mẹ hỏi bố. Mình thấy hình như mẹ có một sự lo lắng mơ hồ thái quá nào đó.
"Không, em ạ! Chừng nào chúng ta còn có những bậc ông bà cha mẹ năng trò chuyện cùng con cháu."
"Nhớ hồi bé, những lễ hội, những truyền thuyết dân gian, những chuyện cổ tích, đã mê hoặc chúng ta biết bao nhiêu, phải không anh?"
"Ừ, tuổi thơ anh đã gắn liền với con trăng trên những cánh đồng mùa nước nổi. Anh mê truyện cổ tích."
"Con cũng thích truyện cổ tích nữa." Mình xen vào. Không ai thích mình làm kẻ bị lãng quên.
"Ai cũng cần truyện cổ tích con ạ. Ai cũng cần, bất nệ tuổi tác. Trong mỗi con người đều có một đứa bé. Ai cũng cần những câu chuyện cổ tích. Chừng nào mà cái thế giới chúng ta đang sống vẫn còn là một thế giới chưa hoàn hảo. Chừng nào vẫn còn những cô Tấm chờ lựa cho xong đống vừng để đến hội thử giày chúng ta còn cần đến bầy chim linh. Chừng nào vẫn còn những nàng công chúa bị Chằn Tinh giam cầm dưới ngục sâu chúng ta còn cần đến chàng Thạch Sanh và tiếng đàn thần. Chúng ta cần một giọt nước mắt để hoàng tử thoát kiếp đá, trở lại hình người ..."

Trăng mọc sớm quá. Mình biết rồi, bố lại đang loay hoay với một tứ thơ nào đó.

oOo

Mình đi giữa bố mẹ. Đám rước đèn đi thành hàng rồng rắn dưới những tán cây đen của công viên thành phố. Trời chi chít sao. Mình ngước nhìn bố. Trông bố mẹ tươi tắn, ngây thơ. Mình có cảm tưởng như đi giữa hai người bạn nhỏ. "Trong mỗi con người đều có một đứa bé con, con ạ." Mình nhớ. Tuyệt, bố lúc nào cũng tuyệt đúng.
Nhưng tại sao mình không trả lời cho họ như thế nhỉ? Mai mình sẽ lại gặp họ giữa hai tiết học. Được rồi, đợi đấy, rồi ... sẽ biết tay nhau. Mình sẽ rất bề thế khoanh hai tay trước ngực. Sẽ rất khoan thai đặt một ngón tay gõ nhẹ nhẹ vào chóp mũi. Và rồi sẽ gật gật nhẹ đầu như vừa suy nghĩ được một điều gì đó sâu sắc lắm. Rất từ tốn mình sẽ bảo với họ rằng: "Trong mỗi con người đều có một đứa bé đấy, bạn ta!" Cầu trời cho họ khiêu khích mình trước đã. Như vậy mọi sự mới thuận lợi, mạch lạc và suôn sẻ cho mình hơn. "Chúng ta ai cũng cần những truyền thuyết dân gian. Bất kể tuổi tác, ai cũng cần những câu chuyện cổ tích đấy, bạn ta!"

Nguyên Nhi