SỐ 19 - THÁNG 7 NĂM 2003

 

Thư tòa soạn

Thơ

Mưa tháng 5 nhớ quê cũ
Vũ Hoàng Thư
Hôn mê
Nguyễn Vĩnh Châu
Đêm huyền sử
Huỳnh Kim Khanh
Bút gươm
Phạm Văn Thanh
Chơi vơi
Hoàng Mai Phi
Chiều qua đèo
Tóc Tím
Nhớ mẹ
Ngọc Trân
Tâm sự mùa hè
Nguyễn Toàn Vẹn
Cõi hoang vu
Song Châu Diễm Ngọc Nhân
All that you have given me Vietnam
Ngô Mạc Duy

Truyện ngắn, tùy bút

Khúc hát chìm sâu
Phan Thái Yên
Có mây trắng và nắng vàng
Vũ Hoàng Thư
Cu tí
Phong Nhĩ Dị Nhân
Ai cũng cần những chuyện cổ tích
Nguyên Nhi
Hè về cùng giấc mơ tuổi trẻ
Phạm Văn Thanh
Hãy nói
Phạm Hồng Ân
Đi biển có đôi
Cỏ biển
Cô đơn
Hoàng Quốc Việt
Lá thư không gởi (kỳ 6)
Trương Thanh Diễm Thùy-Bảo Lộc
Những cái bằng

Trần Phương
Một thoáng ngoài kia
Ảnh: Ngô Văn Sơn
Thơ: Vũ Hoàng Thư

Biên Khảo

Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 6
Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Vô tình cốc - Kỳ 13
Huỳnh Kim Khanh


 

Cô đơn

(tiếp theo và hết)

Rời phi cơ bước vào ngưỡng cửa đất nước là biết liền, hai chữ quê hương bị giữ ngay tại chỗ. Nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị ghi chép chần dần trên cao bằng chữ Việt Anh Pháp một cách rõ ràng là sẵn sàng trên tay ba điều "nhẹ và mỏng" sau đây:
1- Hộ chiếu thông hành có chiếu khán
2- Thẻ vàng xuất nhập khẩu
3- Không gì khác,
mà cũng bị trả lại nói là còn thiếu nhưng không cho biết thiếu cái gì. Biết là thiếu đô la mãi lộ nhưng không dám bỏ tiền vô sợ vị phạm điều ba "nội quy nước". Cho cũng sợ mà không cho cũng sợ là thế. Bị nạt nộ như quản giáo quát tháo tù nhân; đứng qua hàng bên kia, lại đây, sao ngu thế...mà vẫn im re, không dám hó hé điều gì sợ cái miệng hại cái thân, thần khẩu hại xác phàm, chỉ lầm thầm trong bụng cho đỡ tức: Việt Nam là vậy, không có gì là lạ cả, chừng nào được tiếp đón lịch sự như ở Thái Lan, Singapore mới đáng nói mà thôi. Nhập nước non nhà mà kinh khiếp như nhập trại cải tạo thì làm sao xóa bỏ hai chữ ngục tù trong lòng được. Thoát được ải hải quan ngồi trong taxi đi vào lòng quê hương cũng phơi phới tâm hồn. Đến bệnh viện Vì Dân nay đổi tên là Thống Nhất nhận ra ngã tư Bảy Hiền cũng nhớ lại con đường xưa tôi đi... về Trà Cú Hậu Nghĩa có Giang Đoàn 53 Tuần Thám đóng ở đó nhưng lại quên đường về...nhà mình! Đường xưa lối cũ đã đổi thay quá nhiều không tài nào nhận ra, lòng bình thản ngắm nhìn cảnh vật mới qua mắt xưa xem con đường này ta đi là con đường nào mà sao xa lạ quá vậy mà quên hẳn chuyện... ba ơi con về đây ba ơi! Xe dừng lại mới biết tới nơi, thấy lại mái nhà xưa là thấm thía chuyện "ba ơi sao ba không chờ con ba ơi" liền! Xuống xe không còn can đảm bắt tay họ hàng thân thuộc ra chào đón mà đi thẳng một mạch vào trong...thăm ba. Thấy quan tài là đổ lệ, nhìn hình cha là nước mắt tuôn trào, buông người nằm gục xuống chiếu thổn thức sục sùi như trẻ lên ba, đùa em gái út vỗ về xoa nắn Khóc đã đời cho vơi sầu khổ cho đến khi cạn dòng nước mắt, nhẹ nhõm cõi lòng mới hoàn hồn ngồi dậy mặc tang lễ ra tiếp xúc với mọi người. Đến chiều khách phúng điếu càng đông, không khí có vẻ "sống động" muốn buồn cũng buồn không nổi, muốn khóc cũng khóc không được. Ngược hẳn với bên này... buồn thê thảm, buồn câm nín, buồn trống vắng, buồn xoáy tận đáy tâm hồn. Chắc có lẻ tại thiếu...cái hòm...để... trong nhà... để mình được gần gũi chăm sóc người thương yêu thêm được ngày nào hay ngày nấy chớ mới vừa đứt hơi ngưng thở mà "cách ly" ngay giao cho nhà đòn "quản lý" thì cũng tội nghiệp cho người chết và cho cả người sống nửa! Mỗi nơi một phong tục, chưa hẳn Việt Nam mình là không hay! Càng về chiều càng ồn ào, tối đến lại có thêm màn... nhậu! Ai lạy thì lạy, ai nâng ly thì nâng ly, không biết đám ma hay đám tiệc, thân bên trời Đông mà tâm vẫn ở trời Tây nên chưa biết cư xử thế nào, lại lầm thầm trong bụng: Việt Nam mình là vậy, đừng thắc mắc gì cả! Có cú điện thoại của người em rể bên Mỹ gọi về, nói một hồi bèn hỏi chi tiết:

- Bây giờ bên đó khách đang làm gì vậy? Tôi ngượng nghịu trả lời:
- Đang nhậu! Rồi thắc mắc bày tỏ lòng mình:
- Đám ma mà cũng nhậu kỳ ghê! bên kia đáp lại ngay:
- Đám ma mà có nhậu mới là đám ma, có gì đâu mà kỳ. Tôi hỏi ngược lại:
- Sơn có bao giờ dự đám ma ở Việt Nam lần nào chưa mà nói như vậy:
- Có chớ. Việt Nam mình là vậy đó, không có gì là bậy cả, nhà nào đám ma mà vắng vẻ thiếu nhậu có khi làng xóm lại dị nghị cho là nhà đó "khó chơi" nên đám ma cũng chẳng có ai lui tới, nhập gia tùy tục, anh phải ra ngồi nhậu với người ta mới phải, quên chuyện bên này đi.

Nói chuyện xong tôi mới chịu ra "gầy bàn", nhưng chỉ uống trà đá nói chuyện Đông Tây. Càng về khuya câu chuyện càng hứng thú tôi chuyển qua uống bia. Trong bàn có người anh bên ngoại xưa cũng trong Hải Quân gợi chuyện hải hồ:

- Gặp Việt năm 70 ở Mỹ Tho tới giờ mới gặp lại, lúc đó đến đó làm gì mà tới trưa là đi liền vậy?
- Ầ, lúc đó mới ra trường, tới Mỹ Tho trình diện nhận sự vụ lệnh đi Tân Châu.
- Đơn vị cuối là gì?
- Giang Đoàn 53 Tuần Thám.
- Nghe nói Giang Đoàn cũng nguy hiểm lắm, Việt có bao giờ đụng trận không?
- Có chớ, đụng dài dài!
- Thử kể một trận nghe chơi xem thế nào, mình ở đơn vị bờ nên chẳng biết gì cả.

Trầm ngâm một lát tôi mới nói:
Để tôi kể trận đụng độ "nẩy lửa" này trên sông Vàm cỏ Đông được báo Tiếng Chuông, Sài gòn Mới đăng tải đàng hoàng và được ICCS lập biên bản "ăn kết" nửa.! Nhấp một ngụm bia cho thấm giọng tôi bắt đầu kể chuyện chiến trường mặc dù công an phường cách đó một căn, đó là tiệm cầm đồ Ngọc Tiểng xưa kia vượt biên để lại.

Đây là trận ra quân đầu tiên của tôi khi mới về Giang Đoàn 53 Tuần Thám. Sau khi thực tập quen vùng với Đào văn Chung OC 5, tối tối dẫn tàu đi tuần, đi kích...canh...sáng sớm ghé vào nhà lồng chợ Hiệp Hòa điểm tâm hủ tiếu giò móng. "Vào trễ một chút là hết móng chán lắm ông thầy à, một con heo thiếu gì thịt chỉ có bốn cái móng mà thôi, hiếm lắm, bạn hàng chợ "chiếm" hết, mình phải vào sớm mới "dành" được với họ", mấy đệ tử nói với ông thầy Chung như vậy. Thế mà cũng trễ, tôi chưa bao giờ kêu được một tô hủ tiếu giò móng xem nó thơm ngon thế nào vậy mà mỗi lần nói về Hậu Nghĩa tôi đều giới thiệu món hủ tiếu giò móng đặc biệt chỉ có Hiệp Hòa mới có... một nồi nước lèo nấu mấy con heo, quen biết lắm mới có móng...để gặm! Đi đêm hoài mà chưa lần nào gặp ma nên tôi có vẻ xem thường, tưởng địch cũng "hiền hòa" như dòng sông trong mắt tôi mặc dù mới rời khỏi căn cứ không xa là Chung đã chỉ tôi cờ địch phất phới trên ngọn cây khô trong sâu gỡ không được bắn không rớt. Mãi đến một tháng sau mới được CHT, HQ Thiếu Tá Nguyễn Thìn, nhạc sĩ Trường Sa bổ nhiệm chức vụ SQ trưởng toán giang đỉnh. Trước khi bổ nhiệm CHT còn dò hỏi tinh thần tôi:

- Anh thấy thế nào?. Tôi tự tin trả lời:
- So với Năm Căn thì chẳng đáng gì CHT!

Mà thật vậy, mới về thấy dòng sông trong mát, lục bình lờ lững trôi là tôi chịu liền mặc dù địa thế có vẻ hoang vắng, khỉ ho cò gáy, căn cứ nằm bên kia sông, cạnh hậu cứ một tiểu đoàn Biệt Động Quân Biên Phòng. Trình diện buổi sáng là đến trưa đã trầm mình xuống sông lội bơi ngụp lặn rồi, trong khi ở Năm Căn mấy năm trời mà chưa lần nào xuống nước rửa chân. Hai năm trên dòng Bồ Đề đục ngầu chảy xiết, thiếu bóng lục bình trôi làm mất đi trong tôi "cái hồn" của một dòng sông quê hương. Dòng sông mà thiếu vắng lục bình và không được lội bơi trong đó thì không phải là một dòng sông trong tôi!... Một chiều ra đứng ngắm bên bờ sông, trông chim trời từng đàn, bay về phía xa xôi, rồi thả hồn đi hoang theo đám lục bình nổi trôi con nước để quê hương nhập tâm... rồi...tình nước dâng cao theo thủy triều lên nhưng không chịu hạ thấp xuống theo con nước ròng để rồi...buồn một mình, buồn vu vơ, buồn loang tỏa, buồn man mác, buồn thanh thoát, buồn chẳng hiểu vì sao mình buồn... nỗi buồn nổi trôi theo nước của lục bình hay của chính đời mình mới thấy được "cái hồn" của một chiều ra đứng ngắm bên bờ sông! Thôi bỏ qua chuyện lục bình trôi sông để trở về chuyện đời mình... "trôi nước"! Lệnh công tác đêm đó không phải là tuần tiểu mà là hộ tống chiếc LCM chở đạn dược và kéo ponton dầu từ Bến Lức tiếp tế cho Bến Kéo Tây Ninh. Từ Bến Lức tới Lương Hòa thuộc trách nhiệm hành quân của Giang Đoàn 44 Ngăn Chận, từ Lương Hòa đến Bắc Hiệp Hòa thuộc Giang Đoàn tôi và phần còn lại thuộc Giang Đoàn 54 Tuần Thám. Đêm đó tôi chỉ việc hộ tống nó về Trà Cú, sau đó sẽ có một cuộc hành quân khác vào một ngày khác để dưa nó lên phía Bắc Hiệp Hòa bàn giao lại cho Giang Đoàn 54 TT hô tống về Bến Kéo Tây Ninh. Vừa rời khỏi căn cứ là 6 chiếc PBR do tôi dẫn đầu lướt như bay trên sông vắng hướng về Lương Hòa. Đến nơi chưa thấy hàng ở đó tôi lên máy liên lạc với Giang Đoàn bạn báo cáo đã tới điểm hẹn. Nghe giọng khàn khàn trả lời của SQ TT GĐ 44 NC tôi nhận ra ngay giọng của Phan Xuân Trung Lưu, OC2 liền lên tiếng hỏi:

- Có phải Lima đầu máy đó không?
- Đúng rồi, ai đó mà biết rõ tên cúng cơm của ta vậy.
- Victor đây, gặp nhau sau tết ở Bến Lức nhớ không?
- Victor hả, em mới phải không, đến giờ mới chịu góp mặt giang hồ, được rồi "bẻ cổ" nói chuyện chơi.
- Nhận năm, bẻ thì bẻ.

Vừa qua tần số riêng là Lưu mở lời với tôi liền:

- Ê Việt, gặp nước ngược rùa quá, mấy con cá của mày nhẹ nhàng nhanh nhẹn, lình bình trên đó cũng vậy, thả xuống tao một chút, gánh giùm tao một đoạn được không, khúc này êm, tao đi hoài.
- Không có gì trở ngại thẩm quyền, bạn bè mà.
- Cám ơn mày trước, bây giờ tao cho con rùa chậm tiến đi đầu, khi nào bắt tay được nó báo cáo tao rỏ, thôi "bẻ cổ" trở về số nhà củ làm việc, chừng nào về Bến Lức ghé tao chơi. Trở về tần số củ, tôi cho ba con cá ở lại điểm hẹn, dắt ba con theo. Vừa thấy dáng chiếc LCM lù lù trước mặt tôi lên máy:
- Lima, bắt tay được với con rùa chậm tiêu rồi đó, nghe rõ trả lời.
- Nhận năm, Victor, bàn giao luôn cho bạn đó, cẩn thận coi chừng, tụi nó thích săn rùa lắm đó. Bàn giao xong việc ai nấy lo, hồn ai nấy giữ nhưng không quên chúc nhau bình an vô sự.

Tiếng sóng sạt sào cùng tiếng máy ù ù của chiếc LCM khua động đêm đen lướt ngang qua kéo tôi về thực tại, quên hẳn chuyện tán dóc với bạn bè. Tôi cho ba chiếc theo tôi lướt qua chiếc LCM tiến lên vị trí đầu, đến Lương Hòa điều động ba chiếc còn lại nối đuôi phía sau. Tôi lên máy ra lệnh con cá nào đã nhập đội hình rồi phải báo cáo cho tôi rỏ rồi đợi từng chiếc trả lời đâu vào đấy mới yên tâm ngồi trên mui tàu đói diện với đêm đen. Khi mắt đã làm quen với bóng tối...đôi bờ, dòng sông lờ mờ trước mặt, tôi quay đầu lại dùng "mắt thịt "kiểm soát đội hình phía sau nhất là mấy con cá nối đuôi sau chiếc LCM, nhìn hoài cũng chỉ có hai bóng đêm đậm sủi bọt trắng xóa sau đuôi trên dòng sông đen thẩm, đứng lên phóng tầm nhìn xa hơn cũng không thêm được chiếc nào, thấy lạ tôi lên máy liên lạc, một chiếc không trả lời, hỏi hai chiếc vừa lên tiếng có thấy thằng im lặng vô tuyến phía sau không thì cả hai đều trả lời không. Tôi ra lệnh cho thuyền trưởng quay đầu lại. Chạy đến Lương Hòa mới thấy một bóng đen trong bờ lù lù tiến ra, nhìn kỹ vào thì thấy dáng chiếc ghe bầu đang thả neo trong đó. Thì ra gặp thằng em ma đầu... giả vờ lên máy nhập đội hình bằng lời để "qua mặt" ông thầy rồi xé lẻ ở lại đi đêm một mình thi hành "mãi vụ"... tiếp tế trên sông, đã vậy còn cup máy vô tuyến để khỏi bị quấy rầy. Phát hiện chiếc tàu tôi chạy tới là nó rú máy ngốc mũi lướt nhanh về phía trước như chạy trốn. Chiếc tôi quành đầu lại theo sau. Bắt kịp được đoàn nó không chịu giảm tốc độ nối đuôi phía sau mà ôm bờ trái vượt qua đoàn. Tôi bấm máy gọi nhưng nó vẫn chưa mở máy nên đành phải chạy theo sau. Bổng trong bờ lóe lên ánh chớp... một vệt lửa xẹt ra... con tàu trước mặt tóe lửa bùng cháy lao về phía trước một cách hoang dại, chiếc tôi khựng lại liền. Tôi bấm máy báo cáo:

- Đoàn tàu bị phục kích ngay vị trí hai cây khô, con cá trước mặt trúng đạn cháy.

Những khẩu đại liên trước mũi, sau lái, bên hông đáp lễ lại ngay tức khắc, khạc đạn về hướng đạn thù nhưng không ngăn nổi những cụm lửa và những tràng AK trong bờ ào ạt bay ra... Ngồi trên cao thấy rõ lửa đạn bay tới tấp về phía mình tôi hốt hoảng..."nhắm mắt"... tránh đạn! ... Mở mắt ra biết mình còn sống nhưng đám lửa trước mặt biến mất hoàn toàn trả lại bóng tối cho đêm đen. Cái máy truyền tin kế bên cứ "nghe rõ trả lời" hỏi tới tấp chuyện con cá bị cháy thế nào? Tôi bấm máy trả lời cho nó im đi để yên tâm đói phó với đạn thù: Nó tắt rồi! Phòng hành quân lại gằn giọng hỏi tiếp: Anh bình tĩnh báo cáo lại tôi rõ, nó cháy hay nó tắt, sao nhanh quá vậy, tôi không hiểu gì cả?... Đang bối rối không biết trả lời sao thì trái sáng bay vút lên cao soi sáng... giữa dòng... mấy mái đầu đen đưa tay vẫy vẫy, miệng la ới ới trôi nhanh qua tàu làm không khí chiến trường thêm hãi hùng. Tôi thét vào máy nói những gì tai nghe mắt thấy giữa tiếng súng rền vang: Nó chìm rồi, mấy thằng em đang loi ngoi dưới nước kêu cứu, bi đát lắm, bi dát lắm, đừng hỏi thêm gì nữa, tôi sẽ gọi lại sau rồi nhảy xuống phòng lái cho an toàn, sợ lỡ trúng đạn rớt xuống sông như mấy thằng em thì làm sao mà lội nổi! Những con cá trong đoàn không cần đợi lệnh, tự động tách đoàn, một lúc phải nhắm hai mục tiêu, thuyền trưởng hướng mũi tàu về những chấm đen trên sông, xạ thủ đại liên chĩa mũi súng về phía đạn thù trong bờ, vừa bắn vừa vớt đồng đội trôi sông, chiếc tôi cận địch nên vẫn lình bình tại chỗ bắn yểm trợ. Lợi dụng hỏa châu soi sáng mục tiêu, phe ta đang "bia lên" giữa dòng, những cụm lửa đạn bằng trái bắp lại vùn vụt bay ra nghe rõ được tiếng "đề pa"...xoẹt... xoẹt...ầm...ầm...nghe rợn cả người... mấy thằng em lại bóp cò không ngừng... cằm cằm... cằm cằm... cằm cằm... đinh tai nhức óc, vỏ đạn văng tứ tung, rơi lẻng kẻng, đụng vào người nóng bỏng... tôi "quíu quá" cũng bóp không nhả...cái combinet trên tay lúc nào không hay làm phòng hành quân nghe súng nổ mệt nghỉ... đến lúc hoàn hồn buông ra bị "sửa lưng" cự nự : "đụng độ, mấy thằng em bóp cò đúng rồi, ông bóp com bi nê làm chi vậy, ở nhà muốn nghe ông nói chớ đâu muốn nghe đại liên nổ!"..., Ai mà không sợ chết, toàn thân rung lên bần bật một cách tự nhiên theo tiếng súng nổ không sao kèm hãm nổi, biết là trời gọi ai nấy dạ, đạn tránh người chớ người không tránh đạn được nhưng "lỳ thời lỳ mà rung thời cứ rung". Tuy vậy nhưng không hèn nhát bỏ chạy, bằng mọi giá phải vớt hết đồng đội lâm nạn mới thôi. Khi người cuối cùng được vớt lên chưa kịp rút khỏi vòng chiến thì LCM đã biến thành con tàu lửa lúc nào không hay. Hỏa châu tắc lịm trên cao mà dòng sông vẫn còn sáng rực. Lửa phừng phừng theo gió reo vang, thỉnh thoảng có tiếng tạch đùng bắn tàng lửa tung tóe lên cao như pháo bông. Con tàu máy vẫn nổ, nước vẫn sủi bọt phía sau và sống động hơn nửa là một bóng người với cái máy truyền tin PRC 25 trên tay thấp thoáng trong lớp khói mù sau lái. Tôi vội vàng lên máy.

- LCM, nghe rõ đây, tôi đã thấy anh rồi, yên tâm,anh vào phòng lái cho con cá của anh ủi bãi vào bờ Tây tức là bờ ngược lại với bờ tụi nó bắn mình, tôi sẽ cho tàu đến bốc anh ngay, đừng lo.
- Nhận năm thẩm quyền.

Con tàu lửa lồng lên, đánh chưa hết nửa vòng đã quá nửa sông, nếu tiến nữa sẽ ủi bãi vào bờ Đông tức là bờ địch bắn nên dừng lại.

- Hệ thống lái bất khiển dụng, không thể nào quành lại được, thẩm quyền.
- Vậy thì anh mặc áo phao hay ôm phao nhảy xuống sông, tôi tới vớt anh ngay.
- Không còn áo phao hay phao nào nửa, làm sao đây ông thầy?
- Nếu vậy đợi tôi đến gần anh nhảy xuống sông lội qua tôi. Bên kia giọng run run đáp lại ngay.
- Tôi bị thương không lội được ông thầy!
- Thôi được rồi, tôi ghé vào để anh qua, đừng sợ.

Nghe đến đây thuyền trưởng chiếc tôi đang ở trên lên tiếng phản đối:

- Không được đâu ông ơi, tàu đó chở đạn..

Tôi ra lệnh:

- Anh cứ lái vào đó cho tôi rồi vói tay bẻ lái, nhấn ga về hướng con tàu lửa. Thuyền trưởng hét lên
- Ông ơi nó nổ!
- Vô!
- Ông ơi chúng mình chết hết!
- Vô! Tiếng tạch đùng bắt đầu đều hơn, to hơn và tiếng súng bắn yểm trợ của những con cá chung quanh vẫn rền vang.
- Ông ơi suy nghĩ kỹ lại đi!
- Vô! Con tàu lái qua hướng khác, tôi lại đưa tay bẻ lại.
- Ông ơi cứu một người mà chết năm người.
- Vô!
- Ông ơi,
- Vô! Vô! Vô, cứ mỗi lần hắn mở miệng ông ơi, chưa kịp nói hết câu là tôi lại thết: vô! vô! cho tới khi cặp chiếc LCM mới thôi. Tới nơi tôi nhảy qua ngay, dìu nhân viên qua tàu, vừa dìu vừa hỏi:
- Tàu anh mấy người?
- Dạ, năm
- Mấy người kia đâu?
- Dạ không biết, một lúc trúng mấy trái đạn mất hồn,
- Thôi được, anh qua trước đi tôi sẽ kiểm soát lại một lần nữa.

Nhân viên vừa qua tàu thì tiếng đùng lại nổ lên, lửa văng tung tóe, con tàu rú máy lùi rút ra xa.
Còn lại một mình trên con tàu khói lửa, tôi đảo mắt nhìn quanh qua lớp khói mù quan sát tổng quát dưới chân xem có cái gì cử động không rồi chạy vào phòng lái hét to xuống dưới: trong này còn ai nữa không lên tiếng mau đi có người đến cứu. Chỉ có tiếng lửa bập bùng và tiếng đạn tạch dùng đáp lại. Biết chắc không còn ai tôi chạy vội ra sau lái đưa tay vẫy con cá gần đấy xông vào, vừa tới nơi tôi nhảy qua liền, gió đổi chiều lửa táp vào phòng lái, thổi hơi nóng hừng hực về phía sau, con tàu rú máy lùi mạnh tránh, tôi chới với mất thăng bằng trợt chân... hai tay quờ quạng bạ đâu bám đấy nào ngờ lại chụp ngay vào nòng đại liên đôi mới vừa khạc đạn nóng bỏng... buông liền...tưởng cũng trôi sông...may nhờ đệ tử kế bên kịp thời đưa đua bàn tay rắn chắc nắm chặt kéo lên... Mấy con "cá đá" vội vàng rút lui khỏi vòng chiến, tránh xa ngọn đuốc di động, tìm nơi an toàn ủi bãi dưỡng quân thì phát hiện ponton dầu với mấy nhân viên trên đó và con cá bị bắn chìm lúc ban đầu lại không chìm hẳn mà lơ lửng ngốc mũi trôi sông. Kiểm điểm lại xem mất còn những ai thì mầu nhiệm thay lại đày đủ cả không ai chết cháy, chết chìm, kể cả mấy nhân viên của chiếc LCM và không ai bị thương nặng cần tản thương. Mừng rỡ, biết mình cầm quân chỉ sát tàu chớ không sát quân tôi lấy lại tinh thần báo cáo về nhà thì phòng hành quân ra lệnh bằng mọi giá phải giữ cái ponton dầu và con cá trôi sông, tuyệt đói không để lọt vào tay địch, nếu cần liên lạc với SQ TT Giang Đoàn 44 NC lên tiếp viện. Tôi thấy cũng chẳng cần vì có lên cũng chỉ làm bia cho giặc bắn mà thôi chớ chẳng lợi ích gì, vừa ngưng nói thì nghe giọng khàn khàn của Lưu báo cáo về phòng hành quân ở Bến Lức đã về tới hai lần Charlie! Sau này gặp lại Phan Xuân Trung Lưu năm 1993 ở vũ trường Diamond trong cuộc họp khóa ở nam Cali tôi có nhắc lại trận này và hỏi Lưu:

- Lúc đó mày đang trên đường về nhưng sợ bị gọi lên nên mới vội vàng báo cáo về tới hai lần charlie để chạy đạn phải không? .Lưu cười trả lời ngay:
- Đúng rồi chớ sao, ngu sao đi, tới nơi tụi nó về nhà ngủ hết rồi, tao lạ gì mấy con chuột đêm đó, tụi nó có mấy thằng đem theo mấy trái đạn, bắn hết rồi thì về nhà rửa chân chun vô mùng ngủ chớ ở lại làm gì, phòng hành quân tụi bay không biết nên "sỉ" bậy.

Hai thằng cười khề cụng ly vui vẻ nhắc lại chuyện xưa! Thế mà chưa đầy mười năm sau người bạn mình lại vĩnh viễn ra đi không trở về góp mặt họp đàn nửa. Chân thành viết vài dòng này tưởng niệm đến Phan Xuân Trung Lưu và cầu nguyện người bạn mình sớm tiêu diêu miền cực lạc! Trở lại chuyện chiến trường, chúng tôi trải qua một đêm không ngủ, khổ sở với con cá trôi sông, nó chìm không chìm hẳn xuống đáy cho yên chuyện mà cứ trôi theo dòng, phải giữ nó để hôm sau toán người nhái theo đường bộ tới tháo gỡ những khẩu đại liên, còn con tàu cháy thì bỏ mặc trôi sông. Mấy hôm sau mới được vê. Trong bữa ăn thấy tôi cầm chén đũa khó khắn, CHT hỏi sao vậy, tôi trả lời:

- Chụp nhằm nòng súng đại liên đôi.
- Sao anh không báo cáo phòng hành quân
- Tại không đáng gì CHT.
- Ăn xong, anh ra bệnh viện tiểu khu cho tôi
- Bệnh xá ở mình cũng được rồi CHT.
- Anh cứ làm theo lệnh tôi.
- Để chi vậy CHT.
- Để lấy giấy chứng thương, tôi sẽ nói với Tiểu Khu Trưởng, anh chỉ ra lấy về mà thôi. Nghĩ là lấy giấy chứng thương để "chạy"... chứng thương bội tinh cho mình chớ còn gì nữa nhưng tôi cũng hỏi lại cho chắc ăn:
- Để chi vậy CHT?
- Để nộp hồ sơ tố cáo Cộng Sản vi phạm ngưng bắn.
- Đâu đáng gì so với tôi uống rượu té xe CHT.
- Anh cứ làm theo lệnh tôi.

Tôi lầm thầm trong bụng : đụng trận trên chiến trường mà cũng thưa gởi như đụng xe trên đường phố nghỉ cũng nực cười!
Vậy mà tuần sau tôi cũng về Bến Lức để gặp phái bộ quân sự hai bên ICCS, Canada và Ba Lan, lúc đó bàn tay đã lành hẳn, lái Honda tới nơi ngon lành. Hỏi tôi bị bắn lúc nào, ở đâu, bờ sông rộng bao nhiêu mét, có thấy hình dáng địch, bắn bằng đạn gì, phe ta phản ứng ra sao, bỏ chạy hay bắn trả lại tôi đêu trả lời được hết, tới phần thương tích, tuy có giấy chứng thương trong túi nhưng tôi nói nhỏ với HQ Thiếu Tá Lê Huệ Nhi:

- Thôi bỏ qua mục này đi Commandant, lỡ tụi nó hỏi cho coi vết thương thì bể mặt, kỳ chết, cho nó thấy vết đạn thù trên con tàu bị bắn cháy, bắn chìm đủ rồi.

CHT 212.2 gật đầu rồi mời phái đoàn vào câu lạc bộ giải khát...
Nghe xong trận đánh, người anh bên ngoại chậm rãi kết luận: nhờ mấy thằng em làm bậy mà Việt thoát nạn, chớ không là tàu Việt bị lãnh hai trái B40 đó rồi. Con người sống chết do số trời, trúng đạn cháy như vậy mà không ai bị gì nghĩ cũng hay. Tôi bật miệng tiếp ngay: Để tôi kể thêm cho các anh nghe chuyện này, nhờ tôi làm bậy mà thoát chết một cách "mê ly hấp dẫn " mới kỳ...
Thuở ấy vào thời cắm cờ lấn đất dành dân...một cái ấp nhỏ mọc lên gần căn cứ, hôm đó cuối tuần, trưởng ấp mời đơn vị dự tiệc khánh thành. CHT mới về là HQ Thiếu Tá Đoàn Hồng Hải kéo CHP và một số SQ đơn vị tham dự. Buổi tiệc bắt đầu từ trưa, hai két 33, đùi và lòng heo do đơn vị mua ở Hiệp Hòa đem tới. Khoảng trên bốn giờ thì mồi và bia sạch sẽ, tan hàng là vừa, vui vẻ đôi đàng nhưng trưởng ấp đứng ra mời mọc lại, nói là bữa tiệc hồi nãy là của anh em Hải Quân, bây giờ đến phiên anh em trong ấp đáp lễ cho trọn tình, mồi là cờ tây và "nước mắt quê hương". Nghe đến đây tôi nói với Trung Úy Lê thanh Lãng, khóa 22 cơ khí Nha Trang, một tay chơi đơn vị:

- Chắc điệu này bò về quá, đế chịu sao nổi? Lãng rủ:
- Hay tụi mình dù về Saigon chơi, hôm nay thứ bẩy. Tôi bàn ra:
- Về sao kịp, bây giờ trên bồn giờ rồi, năm giờ là chuyến chót.
- Muốn đi cũng còn kịp, tao có cách!
- Cách gì?
- Chạy xuống tàu gọi máy ra Hậu Nghĩa nhắn thằng em biệt phái ở Chi Khu chay ra bến xe dặn chiếc xe đò khoan chạy chờ thêm vài người nữa rồi cho hai chiếc Honda ôm vào rước mình ra.

Nghe dài dòng lôi thôi khó thực hiện tôi lại bàn ra:

- Đi giờ này nguy hiểm, lỡ tụi nó ra đón đường dắt vô khu thì khốn nạn cuộc đời. Lãng chưa nản lòng, đưa lời ngon ngọt dụ dỗ :
- Đi với tao một đêm cho biết, đừng lo không vui, tao mới quen một em trong cafeteria Rex chịu chơi lắm, biệt danh "Dung vú bò"! Tôi vẫn giữ lập trường trước sau như một, không đi nhưng cũng không muốn ở lại uống đế nên ẫm ờ nói:
- Thôi bỏ qua chuyện đó đi, dù về trại tắm sông trốn đế coi bộ có lý hơn dù về Sai gòn vào giờ này, ít ai làm vậy. với lại tao về Sai gon như cơm bữa. Lãng chưa chịu bỏ cuộc tiếp tục lung lạc tinh thần tôi:
- Nhưng làm sao trốn được CHT, biết mình về trại, ổng gọi máy bắt qua trình diện, mày dám bất tuân thượng lệnh không?

Chiếc ghe đuôi tôm tạch tạch ủi bãi, mấy thanh niên ấp chạy ra bờ kinh chuyền mồi và can đầy 25 lít lên. Nghĩ lại ở Năm Căn uống đế trong thùng đạn đại liên 50 thôi mà cũng mê man không biết gì, bạn bè dìu về phòng Hùng sữa hay Huệ lửa OC 3 không nhớ rõ trúc đầu ói mửa trong thùng rác rồi gục luôn trong đó không rút ra được. Tối đến SQ phụ tá hành quân là Nguyễn hồng Đào OC 5 đánh thức dậy đưa lệnh công tác. Về tàu đề máy xong còn ra thùng phuy sau lái uống nước móc họng súc ruột một hồi nữa mới ra khơi nổi. Nhớ lại vẫn còn kinh tởm. Thấy tôi vẫn dùng dằn nửa ở nửa đi Lảng thúc giục:

- Mau đi để tao còn tính, bốn rưởi là kể như hết về., uống đế kể như phải xỉn, vừa hăm vừa dụ :
- Thời gian không chờ đợi ai nữa, sao, thằng em, nói nhanh cho tao rõ, thích xơi thứ nào: cầy tơ hay "sôi cổ"?

Bị dồn vào đường cùng, không hiểu sợ "xỉn đế" hay mê "sôi cổ" chớ thịt chó thì tôi không ham rồi nên miễn cưỡng trả lời:

- Đi thì đi.

Chỉ cần nghe bấy nhiêu thôi là Lãng nhanh nhẹn chạy xuống bờ kinh, một lát sau lên nói;

- Tao liên lạc được rồi, khi nào làm xong nó sẽ gọi lại cho mấy thằng em trên tàu, tụi nó sẽ lên "si nhan", bây giờ mình lai rai cầm cự cho ổng khỏi nghi, thấy tao đi là mày rút. Vài phút sau thằng em lấp ló, Lãng chuồn, tôi theo sau, CHT nói vói theo:
- Trung Úy Việt, Lãng tính đào ngũ phải không, coi chừng bị phạt đó. Tôi gỡ gạc:
- Không phải đâu CHT, tôi ra bờ kinh "câu cá".

Con tàu đề máy đua chúng tôi qua bên kia bờ sông không kịp ghé căn cứ thay đồ thường phục, một lát sau mới thấy bóng dáng chiếc Honda ôm trên con đường mòn vắng vẻ. Ra tới nơi lên xe là chạy liền. Tôi theo Lãng đi hoang đêm đó... trai tứ chiếng gái giang hồ gặp nhau!
Sáng sớm vừa về đến nhà thì người nhà đua mảnh giấy của đệ tử ở Bến Lúc gởi đến lúc tôi chưa về, mở ra đọc dòng chữ nguệch ngoạc viết tay là tỉnh hẳn lại:
CHT chết, CHP bị thương Trung Úy phải lên bệnh viện Cộng Hòa gấp để nhận xác CHT. Phía dưới liệt kê danh sách những người chét và bị thương trong đó có cả SQ Tiền Doanh Yểm Trợ Bến Lức là người ngoài đơn vị và không có mặt trong buổi nhậu trưa hôm đó. Chắc điệu này Việt Cộng tràn ngập căn cứ nên mới chết nhiều như thế, tôi đoán thầm. Đọc xong lấy Honda chạy tới bệnh viện Công Hòa ngay. Đến nơi người nhà CHT đã có mặt tại đó. Đến khu nhà xác mở hộc lạnh ra thấy CHT nằm trong đó, mắt nhắm nghiền, mình mẩy cháy nám, mặt mày đầy miểng đạn, tóc cháy sém quăn tít, cắt cạo nham nhở mà ngậm ngùi nói thầm trong bụng: chiều qua nếu mình mê cầy tơ thì giờ này chắc cũng nằm trong hộc lạnh này rồi! Sau đó hỏi chuyện mới biết... số là chiều hôm đó sau khi "xoay tua" đã đời, trời còn sáng, tôi nghĩ lúc đó chúng tôi vẫn còn trên xe, đế vô nóng quá, trưởng ấp đề nghị lấy tàu chạy một vòng trên sông hóng mát đổi gió, CHT hứng chí chấp thuận ngay, tất cả xuống tàu, ngang qua hậu cứ BĐQ/BP có hai người mặc thường phục vẫy tay xin quá giang qua bên kia sông, con tàu dừng lại rước lên nhưng ra tới sông cái không ghé qua bờ bên kia thả họ lên mà chạy tiếp. Chạy không xa căn cứ thì dừng lại vì thấy một chiếc ghe nhỏ cột gần bờ treo cờ vàng ba sọc đỏ. Chuyện này ít gặp, rắc rối cuộc đời là ở chỗ này, phải chi nó treo cờ giải phóng nửa xanh nửa đỏ sao vàng hay không treo gì cả thì dễ tính, nghi ngờ nổ súng bắn chìm là xong, đằng này lại treo lá cờ mà mình chào kính hằng ngày thì làm sao bắn nổi, hai chiếc từ từ tiến vào quan sát, khi vừa vào đúng tầm thì những trái B40 ào ạt bay ra, hai con tàu lãnh đủ hết. Không hiểu trưởng ấp có phải Việt Công gài bẫy đưa phe ta vào chỗ chết hay không nhưng hắn ta cũng bay mất cập giò trong chuyến hóng gió này. Tội nhất là hai người lính Biệt Động Quân Biên Phòng, không dính dáng gì đến chuyện ăn nhậu mà cũng bị chết một cách lãng xẹt oan uổng, và đau đớn hơn nữa là hôm đó là ngày họ chính thức giã từ vũ khí... vào hậu cứ là để nhận giấy giải ngũ!. Lúc đó tôi cứ nghỉ là hai người đó chết thay cho tôi và Lãng nhưng bây giờ nghiệm lại thì chắc có lẻ họ thật sự tới số nên mới ra bờ kinh đúng vào thời điểm đó ngoắc tay xin lên chiếc tàu định mệnh, chớ thật ra BĐQ/BP cũng có ghe chèo riêng làm phương tiện qua sông của mình, còn tôi và Lãng chắc trời cũng tính gọi về sớm nhưng xét lại thấy gọi nhầm nên đổi ý vào phút chót vì vậy mới có chuyện sắp vào cõi chết mà thằng bạn mình phải dụ dỗ mãi mới chịu ra. Sau này mới qua Anh nằm trong trại tỵ nạn nhận được thư của Lãng bên Mỹ gởi qua ngạc nhiên vô cùng, không hiểu làm sao thằng bạn mình biết mình ở đây mà gởi đến. Mở ra đọc mới biết hắn ra đi năm 75, đang năm cuối đại học và đang theo "cua "... cô bạn học cùng lớp là em gái của người bạn rất thân của tôi nên mới biết địa chỉ tôi mà gởi tới, Lãng vẫn lãng tử như xưa như cái tên của hắn. Khi biết người mình "cua" coi tôi như một người anh rất gần thì Lãng kể công nhờ hắn mà ngày nay tôi còn sống, hắn chính là ân nhân cứu tử của đời tôi, Không biết hắn có dám đem nhân vật "Dung vú bò" ra kể lại cho người yêu mình nghe không vì dù sao đi nữa chính nhờ biệt danh độc đáo ấy mới có đủ hấp lực cám dỗ hai thằng xa lìa thần chết!
Kể chuyện chiến trường đánh đấm bằng lời cũng thấm mệt, nghĩ lại cũng chỉ còn đêm nay nữa thôi nên tôi ráng ngồi tiếp chuyện nhưng chuyển qua kể lại chuyện say xỉn của mình để nhắc lại tình thương của "ông gìa" cho mọi người nghe. Hôm đó mới từ Nhà Bè về, ôm gần hai triệu chờ ngày mai về đơn vị phát lương. Trách nhiệm nặng nề thế đó mà bạn OC Lương tấn Tài và Cao văn Quân đến chơi tôi cũng rủ ra quán Thanh Hải ở đường Bùi Viện nhậu. Tói về như một xác chết, ói mửa mê man, người nhà dọn dẹp cạo gió. Tôi hư hỏng,vô trách nhiệm thế đó thế mà qua ngày hôm sau tỉnh táo lại chờ xe đến rước, ba tôi không một lời trách móc, chỉ nhỏ nhẹ khuyên:

- Con buồn gì, vui gì, uống rượu cũng vừa phải thôi, đêm qua lở có chuyện gì dọc đường thì làm sao ba sống nổi!

Câu nói đượm đày tình thương đó mấy chục năm rồi mà tôi vẫn nhớ, thỉnh thoảng cũng thường hay nhắc lại với bạn bè. Bàn chung quanh vẫn ồn ào, đã nhập vào thế giới người say nên chuyển qua dờn ca hát xướng từ lâu, mở đầu nhạc đỏ... tiếng chày trên sóc Bom Bo, Trường Sơn đông Trường Sơn tây...bây giờ cạn đề tài chuyển sang nhạc vàng... Những đồi hoa sim, Rừng lá thấp... không hiểu họ đang buồn gì vui gì mà nhậu hết mình đến thế. Mẹ VN rẫy đầy những đứa con...sáng say chiều xỉn...Mệt mỏi tôi âm thầm rời bàn vào thăm ba, khói hương vẫn nghi ngút, tôi đưa tay xoa rờ cái hòm một hồi như muốn vuốt ve vỗ về ru ba an giấc ngàn thu rồi tìm chỗ ngả lưng.
Chưa kịp chợp mắt thì bắt đầu họp chợ, trời chỉ tờ mờ sáng. Cả nhà lại quần tụ đọc thời kinh cuối cùng cho ba nghe do một vị sư chủ lễ, dù mệt mỏi nhưng cũng ráng quỳ lạy nghiêm chỉnh, rót nước dâng cơm ba ăn, nhướng mắt mở miệng đọc kinh tiêu sầu. Lời kinh đang trầm bổng thì đám nhà đòn tới, họ bắt tay vào việc ngay...nước đổ, trái cây lăn trên chiếu, ông thầy phân tâm liếc mắt, tôi cũng bất mãn nhưng lại lầm thầm trong bụng: Việt Nam là vậy, chấp làm chi cho mệt... ông thầy cũng cho dẹp tiệm sớm!
Lúc động quan rời nhà, ôm bát hương nhìn hình ba mà thấy...mắt ba tuôn trào... không muốn đi. Tôi lầm thầm nói:
"Can đảm lên ba, có con bên cạnh ba đây, đừng sợ, đừng luyến tiếc gì nữa để đi cho nhanh cho nhẹ ba ơi!"
Chống gậy dắt ba tới đầu đường thì bắt đầu lên xe sơn son thiếp vàng có cặp rồng vàng hộ tống hai bên. Tôi ôm bát hương nên được ngồi phía trước với tài xế! Chưa tới sáu giờ sáng mà đường phố đông nghẹt, xe cô ngược xuôi chật đường ngộp mắt, máy nổ tạch tạch, còi bóp tin tin ồn ào, điếc tai. Xe lăn bánh, tài xế vừa lái, vừa la, vừa lấn lối dành đường, đạp ga chớ ít chịu đạp thắng vì sợ mất trớn, vô lăng xe hơi mà quay ào ào như bánh lái tàu, mỗi lần quẹo trái hắn phải ngả hết người về phía tôi ngồi để thấy đường quẹo vô vì đầu rồng án mắt, xe phía trước vừa tắp vô tránh là trước mặt tràn ngập những xe hai bánh lấn đường xông tới trông hoa cả mắt...xe tang rề rề sau mấy chiếc xe đạp... Giao thông loạn cào cào như thế này mạnh ai nấy chạy không một luật lệ nào cả mà giao cho tôi lái chắc phải ban hành lệnh giới nghiêm mới dám nhận. Tài xế lầu bầu: chạy vậy mà cũng đòi dẫn đường, dở ẹt, để tụi nó lờn mặt...rồi sang số nhấn ga chặt đẹp tay lái ra dành đường! ...Đoàn lòng tong phía trước hốt hoảng liều mạng ép phải... dòng xe ngược chiều nửa đường bên kia thắng gấp dồn cục rú ga xịt khói... một yên hùng ngựa sắt lấn đường từ xa phóng nhanh về phía trước đến nơi chới với trước mặt đầu rồng nghiêng người ráng lạng ép vô... "head on" là cái chắc... Tôi bật miệng thét : chết... tài xế dậm mạnh chân xuống sàn nghe cái rầm la : dô...cho mày chết!...tưởng hắn đạp thắng nào ngờ nhấn ga...xe tang lao nhanh về phía trước... không thấy cán lên vật gì... tôi thở phào nhẹ nhõm...tay vói ra phía sau sờ hòm ba để lấy lại tinh thần. Đắc chí, hắn quay qua nói với tôi: chú có thuốc mồi cháu một điếu, có thuốc trong túi nhưng tôi trả lời ngay cho bõ ghét: chú không biết hút thuốc để "phạt" cái tội ẩu tả, lái xe tang mà bạo như lái xe tăng! Xe tang thừa thắng xông lên bóp còi inh ỏi, đoàn gắn máy nhấn ga vọt tới tránh xa để lại sau lưng...chiếc xe đạp cọc cạch không vành mà còn chở đôi, tà tà khoan thai giữa đường không chịu tắp vào lề cũng không màng quay đầu lại... tôi ngồi trên cao an toàn, miệng Quan Thế Âm Bồ Tát liên hồi mà lòng dạ thân xác không yên... chân cứ đạp xuống sàn... "thắng"...người ngả nghiêng qua bên này bên kia... "lách"...sợ xe tang ủi xe đạp chở đôi đạp từ từ trước mặt chớ không được bình thản an nhiên tự tại hít bụi hít khói ngắm đất nhìn trời như người ngồi trên cái "bọc ba ga" phía sau chiếc xe đạp không vành!... Thằng mạnh xem thường mạng người, kẻ yếu xem thường mạng mình... dòng đời êm xuôi trôi chảy! Xe bắt đầu vào vùng trời thoáng đãng, mặt đất nhấp nhô, gồ ghề lởm chởm...những nắm đất bên đàng... "thành phố buồn" trải dài trước mặt. Thành phố vui thành phố buồn cách nhau một con đường, bên nay nhà bên kia mộ. Nhìn mồ mả hàng hàng lớp lớp, không cái nào giống cái nào, cái cao cái thấp, cái đẹp cái xấu, đủ kiểu đủ màu, cái đá mài cao ráo chạm trổ hoa leo che mát, cái sè sè nắm đất bên đàng cỏ hoang phủ kín mà bỗng dưng sợ chết...ở quê nhà, ý nghĩ "ta về ta chết quê ta" ôm ấp mấy chục năm nay trong lòng tiêu tan ngay tức khắc. Trẻ sợ sống quê ta, già sợ chết quê nhà...một đời lưu vong trọn vẹn! Thành phố vui bon chen ra sao thì thành phố buồn xô bồ như vậy! Nhà nhà cố vươn lên trời cao, mộ mộ cố nhô khỏi mặt đất, càng cao càng tốt! Mộ phần bằng phẳng, bia đá đề tên cho toàn cảnh thoáng mắt chắc khó yên thân dưới ba tất đất! Gần tới lò thiêu thấy xuất hiện những vị sư áo vàng áo nâu đứng hai bên đường, có người bước ra chân đầu xe ra hiệu tắp vào lề không cho vô, tài xế vẫn cho xe sấn tới, vị sư nhảy qua một bên, xe quẹo vào cổng đậu bên phải một khuôn viên rộng lớn. Một chiếc Jeep lùn có gắn loa phóng thanh to phía sau chay tới dừng lại giữa sân, hai vị sư ngồi phía trước, một vị sư khác gần đó chạy tới lớn tiếng chỉ trỏ rồi dành cái micro trên tay của vi sư đang ngồi trên xe, người kia nhanh tay hất ra, người nọ lùi lại thủ thế. Thấy lạ mọi cặp mắt đổ dồn về phía Jeep lùn, tôi lại lẩm bẩm trong bụng: Việt Nam là vậy, không gì lạ cả. Mọi người vào hàng ngũ chờ đi mà đám khiên hòm chưa tới. Một chiếc xe tang sơn son thiếp vàng trờ tới đậu phía bên trái, vài phút sau khiên hòm xuống để giữa khuôn viên, trong chốc lát vòng trong là các vị sư áo vàng áo nâu, áo đỏ, vòng ngoài là phật tử áo lam quần tụ chung quanh đọc kinh gõ mõ. vang động khuôn viên... Thì ra là đám tang của một vị Hòa Thượng nổi tiếng tu hành lâu năm có nhiều đệ tử tu lên đến hàng Thượng Tọa nên mới cử hành long trong như vậy. Thế là ba tôi được nghe kinh... "sống"... "real live" đàng hoàng chớ không phải nghe kinh thu băng phát ra từ máy cassette mấy hôm nay ở nhà, thời kinh thật "chất lượng" chỉ dành cho những vị tu hành năm sáu chục năm trở lên mà thôi. Trong khi đó thì những xe tang khác tiếp tục tới, đi, toàn là xe hiện đại máy mạnh, nhỏ gọn, vào tới nơi chạy lên con dốc bên này dẫn thẳng đến nơi thiêu dừng lại vài phút rồi chạy ra bằng con dốc khác. Đến lúc bên kia chấm đứt thì đám khiên hòm bên nay mới tới, hỏi ra thì họ đi lạc qua phía nghĩa địa chôn. Thôi cũng may, đúng là chuyện ngàn năm một thuở, nghe những người đi đám nói với nhau ông cụ có phước lắm mới được nghe kinh... "ké ở từ đầu tới cuối không bỏ sót phần nào mà cũng mát lòng, Tôi lấy lại tinh thần ôm bát hương tiến bước trong tiếng trống nhạc trổi bài quen thuộc...Phật giáo Việt Nam thống nhất Bắc Nam Trung từ đây... thật sống động... mà cứ tưởng là dành riêng cho ba mình. Dàn thiêu xây cất khá tầm vóc, xe đến xe đi liên tục tấp nập, quan tài hạ xuống mình còn theo dõi trên màn ảnh truyền hình đến khi vào lò thiêu mới thôi. Thật nhanh, thật gọn, thế là xong một kiếp người, buổi sáng nặng nề gần chục người khiên, buổi chiều nhẹ nhàng trong đôi tay tôi vào chùa nghe kinh. Chắc ba tôi học được bài học của mẹ tôi nên chọn đường hỏa táng. Về nhà bắt đầu nhơi lại niềm đau.... Nghe cô em dâu kể lại thì hôm ấy thứ sáu, hai vợ chồng vừa xây xong ngôi nhà bên sông nên mời ông cụ đến ở, ba tôi soạn dồ có đem theo một tấm trải giường... "còn mới tinh nhưng quá cũ", cô em dâu hỏi:

- Ba đem tấm vải cũ xì này theo làm gì?
- Để ba đắp.
- Thôi ba ơi, bỏ nó ở lại đi, nhà con mùng mền giường nệm đều mới mua cả ba chì cần đem theo quần áo thay đổi là được rồi! .Ba tôi cương quyết không chiu nói:
- Con cứ đem nó đi cho ba, cái này là của anh Việt mày!

Tôi nghe đau nhói con tim... trong chuyến về lần đầu cách nay trên mười năm tôi có đem về một tấm trải giường chưa lần nào xài qua vì không phải là loại "fìtted sheet"... thế mà ba tôi âm thầm "thủ" nó trong rương như một báo vật để làm hành trang cho chuyến đi... về nơi cuối trời.
Hỏi ông chú ruột từ Bắc vào thì chú tôi kể: cách đây trên một tháng ba cháu có về quê ở Ninh Bình, mục đích là tính "tịch" ở đó. Ba cháu có bàn với chú:

- Thế tôi đi thì chú tính thế nào?
- Em sẽ để anh nằm ở nhà tổ, khách vào phúng điếu ngõ này và ra ngõ này, sau đó anh vào nằm nghỉ ở nghĩa địa làng.
- Chú tính thế cũng được... Nhưng một tháng sau thì ba cháu đổi ý đòi về, ba cháu nói với chú:
- Tôi phải về để gặp cháu Việt, nó nói tháng sau nó về, không biết kỳ này nó còn lừa tôi nữa không.?

Thế là ba cháu bắt chú phải đưa ba cháu vào Nam và ra điều kiện với chú:

- Tôi ra đây ở với chú bốn tuần thì chú vào Nam phải ở chơi với tôi một tháng mới phải.

Ở được hai tuần thì chú nhớ nhà, âm thầm ra bến xe mua vé rồi mới nói ý định mình cho ba cháu nghe.
Nghe xong ba cháu im lặng một hồi lâu mới nói :

- Thế vé chú mua đâu, đưa tôi coi xem nào. Chú biết đưa cho ba cháu là ba cháu xé đi ngay nên thú thật : "chiều nay là em về anh ạ". Ba cháu mặt buồn thấy rõ, quắc mắt nhìn chú quát:
- Mày có phải là tao đâu mà mày thấu được nổi cô cơn của tao!.

...Lần đầu tiên trong đời ba cháu "mày tao" với chú... chú năm nay cũng trên bẩy chục tuổi rồi. Có ngủ trong phòng ba một đêm mới thấu hiểu được câu nói của người, biết là chỉ nín thở qua sông mười ngày nữa là trở về bên vợ bên con mà không tài nào chợp mắt được, đầu óc tán loạn...đứng, đi, ngồi, nằm, mở mắt, nhắm mắt, niệm Phật, đọc kinh nhưng không tài nào an trú trong hiện tại... cô đơn này...mình với ta cứ trằn trọc với nhau suốt đêm đen. Chịu không nổi, tôi đến bên bàn thờ lấy hình ba lên ấp sát vào lòng thổn thức: đến bây giờ con mới hiểu được nổi cô đơn của ba, ba ơi!
Đứa em gái ruột khác kể: cách đây mấy tuần ba nói muốn thăm má. Đường đến nghĩa trang tụi em lạc hoài, không bao giờ đi một lần tới nơi, phải hỏi tới hỏi lui vài lần mới tới được, thế mà hôm đó để ba ngồi trước chỉ đường là đi một mạch tới ngay. Tới nơi ba mừng lắm, xuống xe chống gậy bình thản đi từ từ nhưng vừa thấy mộ má là ba quăng gậy bò tới cho nhanh rồi ôm mộ má nói:

- Bà ơi, tôi đến thăm bà đây, bà nhớ tôi không, tôi nhớ bà lắm,... rồi ngồi khóc nức nở.

Về nhà thấy thương và tội ba quá em đến bàn thờ má thắp nhang khấn nguyện; Má sống khôn thác thiêng thì ráng về dắt ba đi càng sớm càng tốt, ba khổ lắm, đừng để ba sống như thế này nữa má ơi.
Mấy ngày sau tôi mới đi thăm mộ mẹ mình do cô em kể trên hướng dẫn...thế mà cũng lạc, đường sá sửa chữa, nhà của xây cất đổi mới, chạy tới chạy lui ngừng lại hỏi hoài mới tìm được lối vào. Đi trong lòng nghĩa địa chôn chỉ làm tăng nỗi sợ gởi nắm xương tàn trong đó...thấy người sống lại sợ hơn thấy người chết...xe chạy chầm chậm trên con đường mòn gồ ghề hai bên là mộ thấy một gã đàn ộng mặc quần xà lỏn, áo phách ngực, đứng chống nạnh bên cạnh chiếc Honda đưa cặp mắt lươn nhìn theo mà thấy rờn rợn trong lòng. Vào tới nơi thấy mộ mẹ chưa kịp ngậm ngùi thì một đám bụi đời bu tới, không biết xuất hiện từ hướng nào, không ai nhờ cũng lăng xăng dọn dẹp, nhổ cỏ tưới cây... xin tiền, chỉ làm mình thêm bực bội chớ không giúp ích được gì, đuổi hoài cũng không chịu đi, đem "mặt rô" vùng ra hù dọa: Chị nói cho mấy em biết chị đã nộp tiền tháng này cho thằng Hùng rồi, nó có dặn với chị ai đến hỏi tiền thì đừng cho, cứ bảo khu này là khu của thằng Hùng là được rồi, không tin mấy em cứ hỏi nó thì biết, nhưng chúng vẫn đứng đó không chịu đi. Tôi hỏi nhỏ em tôi cho tụi nó bao nhiêu thì được để tụi nó đi cho khuất mắt cho rồi, chớ nhìn đám "ma sống" này tởm quá, mất đi giây phút yên tĩnh để tiếp xúc với má. Em tôi trả lời: hai chục ngàn nhưng đừng làm vậy vì đám này đi thì sẽ có đám khác tới. Bày hoa quả cúng thì chúng tự động đốt nhang. Đưa nhang cho tôi là một đúa con gái có nét đẹp thật "liêu trai" như một thằng con trai mặc đồ con gái, ốm tong teo như con cò ma, xẹp lép như con tép, quần áo rộng thùng thình cũn cỡn, tóc rồi bù, mặt quắc lại, xanh xao, giọng khều khào, mắt lá răm làm tăng thêm nét ma quái, nhận xong là tôi lùi ra xa không dám đứng gần. Nâng nhang lên đầu khói hương nghi ngút giữa nắng chang chang cố gắng tập trung tư tưởng nghỉ đến mẹ mà đầu óc cứ tưởng tượng vẩn vơ lỡ lũ xì ke ma túy này thiếu thuốc lên cơn nhào vô cào cắn hay lấy ống chích dí vào người tống tiền mà rởn tóc gáy, mắt liếc ngang liếc dọc thiếu điều quay đầu lại phía sau quan sát cho chắc ăn. Biết vậy chẳng cần mang nhang đền hoa quả gì cả chỉ cần đứng xa nhìn mộ mẹ âm thầm tưởng niệm cũng đủ rồi. Lo cho ba xong là nôn nóng nhắc nhở mấy em sắp xếp dắt đi thăm mẹ, giờ gần bên mẹ lại mong...nhang tàng. Lạy mẹ lần cuối, chúc mẹ an giấc ngìn thu, để trái cây hoa quả lại, ra đến xe thì một người ăn mày đi tới ngả mũ xin, tôi móc túi lấy xấp tiền lựa tờ giấy có số hai và mấy số không nghĩ là hai ngàn rút ra cho, người ăn mày nhanh nhẹn đưa tay cất ngay vào túi cám ơn rối rít. Thằng bé trong đám chạy ra đưa tay xin, tôi lựa tờ giấy khác cũng bắt đầu bằng số hai và mấy số không nghỉ là hai chục ngàn đưa cho... thằng bé cười khinh rẻ không thèm lấy. Người ăn mày đốc: Ổng cho sao không lấy, mạy! Thằng bé vẫn cười. Tôi nổi khùng cho "bùng" luôn chớ không chịu sài chân kinh "bỏ qua đi tám" : Việt Nam là vậy nữa như lúc mới về tới giờ, tôi tiến lại gần nhìn chòng chọc thằng bé quát:

- Cầm... mau lên!... hay tao cất. Thằng bé ríu ríu đưa tay lấy. Tôi vô xe đóng cửa cái rầm. Xe chạy... em gái tôi cười hỏi:
- Anh Việt, anh biết anh cho nó bao nhiêu không?
- Hai chục ngàn chớ gì!
- Không phải, chỉ có hai ngàn à. Bởi vậy nó mới chê không thèm lấy.

Nghe vậy tôi vội vàng quay đầu nhìn lại phía sau, không thấy ai đuổi theo mới yên tâm lẩm bẩm: ít ra mình cũng còn có uy với lũ cô hồn sống đó.
Thì ra tôi cho lộn nên mới dám lớn tiếng như vậy. Tiền VN có nhiều số không quá chớ tiền Anh kim chỉ có một số không phía sau mà thôi, tờ giấy lớn nhất là 50 pound. Có lần tôi đi ăn phở một mình, tô phở 17000 ngàn, tôi đưa tờ 10000 ngàn, tờ 5000 ngàn và sau cùng tờ 2000 ngàn, người bán hàng cười trả tôi lại tờ 10000 ngàn và 5000 ngàn rồi đưa tờ mà tôi nghĩ hai ngàn nói: chú đưa một tờ này cũng đủ rồi.
Bây giờ ngồi viết lại mới thấy hối hận khi nổi sân si với thằng bé bất hạnh đáng thương đó, ở lứa tuổi đó trong xã hội này, giờ đó mà lêu lổng trong nghĩa địa kiếm ăn là bị cảnh sát bắt giải giao giam vào "trường học" liền. Chúng chỉ là nạn nhân trong một xả hôi quá khắc nghiệt, bất công, tham nhũng, mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé, giàu quá giàu, nghèo quá nghèo. ... ngon lành sao không dám lớn tiếng với những thằng quỷ sống ở hải quan mà lại hùng hổ với những con ma sống thấp cổ bé họng yếu đuối thấp hèn ở nghĩa trang để làm gì...chúng đáng thương hơn đáng ghét, chúng sống trên đồ cúng của người chết coi bộ "lương thiện" hơn những bọn xâu dân mọt nước sống trên mồ hôi nước mắt, xương máu của dân tộc!
Rồi hai tuần lễ địa ngục cũng qua mau, trước khi đi tôi không quên đến bàn thờ ba, lấy hình lên ôm vào lòng nghẹn ngào nói: thôi con đi nha ba rồi gạt lệ ra đi.
Về đến nhà bên vợ bên con lấy lại tinh thần, sáng sớm điện thoại reo vang... Nguyễn bình Du nhà mình chia buồn, biết thằng bạn mình bị tiểu đường ăn uống kiêng cữ mất vui cũng buồn theo, sau đó là email, thiệp chia buồn tới tấp gởi đến, có người nhớ tên biết mặt, có người tên lạ hoắc, chưa gặp lần nào...rồi Du khuyến kích nên viết lại... BT/THĐ sắp hồi sinh, tái bản, rồi Quýnh email kêu gào Bạn tù cứu bồ... lòng dạ nát tan cũng ráng ngồi dậy rống lên tiếng chuông...cô đơn cho bạn bè mình thấy...chừng nào chúng ta thấy được cô đơn trong chính ta như thấy tha hương trên chính quê hương của mình mới thấy được tận cùng nổi cô đơn của một kiếp người nhưng đến lúc đó là chúng mình... hết còn muốn sống nữa!
Các bạn thân, chúng ta thật may mắn, chúng ta có một "tăng thân" OCS hùng mạnh, chúng ta có BT/THĐ làm "super glue" kết lại với nhau, đi holiday từ Âu sang Úc, qua Mỹ từ Đông sang Tây chỉ cần đêm theo BT/THĐ là yên chí lớn...sẽ được ở... hotel chùa...sống lại thời đôi mươi...chúng ta chỉ cần co cụm lại trong đó là có nhau, là hết sợ...ôm cô đơn về nơi cuối trời!

Hoàng quốc Việt
Kính dâng lên hương hồn cha mẹ.
Viết xong Hè 2003, đúng ngày giỗ đầu của ba.