SỐ 19 - THÁNG 7 NĂM 2003

 

Thư tòa soạn

Thơ

Mưa tháng 5 nhớ quê cũ
Vũ Hoàng Thư
Hôn mê
Nguyễn Vĩnh Châu
Đêm huyền sử
Huỳnh Kim Khanh
Bút gươm
Phạm Văn Thanh
Chơi vơi
Hoàng Mai Phi
Chiều qua đèo
Tóc Tím
Nhớ mẹ
Ngọc Trân
Tâm sự mùa hè
Nguyễn Toàn Vẹn
Cõi hoang vu
Song Châu Diễm Ngọc Nhân
All that you have given me Vietnam
Ngô Mạc Duy

Truyện ngắn, tùy bút

Khúc hát chìm sâu
Phan Thái Yên
Có mây trắng và nắng vàng
Vũ Hoàng Thư
Cu tí
Phong Nhĩ Dị Nhân
Ai cũng cần những chuyện cổ tích
Nguyên Nhi
Hè về cùng giấc mơ tuổi trẻ
Phạm Văn Thanh
Hãy nói
Phạm Hồng Ân
Đi biển có đôi
Cỏ biển
Cô đơn
Hoàng Quốc Việt
Lá thư không gởi (kỳ 6)
Trương Thanh Diễm Thùy-Bảo Lộc
Những cái bằng

Trần Phương
Một thoáng ngoài kia
Ảnh: Ngô Văn Sơn
Thơ: Vũ Hoàng Thư

Biên Khảo

Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 6
Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Vô tình cốc - Kỳ 13
Huỳnh Kim Khanh


 

Có mây trắng và nắng vàng

 

Vũ Hoàng Thư

Chiều xuống và nắng rất vàng. Từ vàng nhạt của cát khi chiều còn sớm chuyển sang vàng ươm ngát hương trái thị rồi vàng chín ung mật của xoài. Hạ thơm nồng cây trái quê hương nhiệt đới theo ký ức trở về nơi thị trấn biển xinh xắn này. Nhớ những tà áo phất phới bờ bãi trong chiều óng lụa khi ngày duyên hải chầm chậm đi. Thuở đó những bước chân thật nhẹ nhàng lững thững trên cát nhấp nhô, sóng nghe to dần khi chiều càng lúc càng im ắng. Rất nhanh và thật bất ngờ ánh hoàng hổ đổ xuống những làn tóc gió, rồi tóc hình như tan dần đi trong màu tím của chân trời. Những nàng tóc tím dưới bầu trời có mây của một thời mộng mị. Mây trắng bay. Mây chạy lùa dần vào khe núi như những mảng bông gòn tung tăng hí lộng với gió chiều. Tại sao mây vẫn thường đi tìm núi? Sau khe truông mây gọi là nhà. Từ đó mây bay mất hút, hay từ đó mây thành vô sắc, khó biết đang ở ngoài núi hay đã vào khe trong. Mà thế nào là bên trong hay bên ngoài ? Từ xa, mây mang màu trắng nên có tên gọi bạch vân. Nếu ta đi vào núi, mọc cánh bay với mây thì mây ôm lấy chốn, đâu đâu cũng là mây. Ta là mây. Dưới kia là người đời, nhỏ nhắn và loay hoay tra vấn về một làn mây. Chuyện kể Lục Tổ Huệ Năng sau khi nhận pháp yếu, tạ từ Ngũ Tổ rồi theo lời dạy đi về phương nam ẩn náu với đám thợ săn ở Tứ Hội. Sau đó đi về Nam Hải gặp Pháp sư Ấn Tông ở chùa Pháp Tánh. Một chiều kia gió chướng lay động lá phướn trước cửa chùa, có hai sư huynh đệ bày cuộc tranh luận về cái chuyện phướn động. Một sư nói gió động, một vị nói phướn động. Lúc ấy Lục Tổ Huệ Năng đi ngang nghe hai nhà sư bàn cãi chưa ngã ngũ, Tổ nói : “ Có thể cho kẻ thế tục này lạm bàn được chăng? Không phải gió động, không phướn động mà là tâm các ngài động...”. Thảo nào! Thảo nào tâm động nên từ đó mây lang thang, cũng từ đó mây có chốn đi và có chốn về, có khứ, có lai, có kẻ trước người sau. Bắt chước người xưa, ta nhớ đến người cùng ta nhìn mây, thay vì ngắm trăng, dạo trước. Cũng từ đó có nước mắt rơi cho kẻ đi người ở, người lên ngựa kẻ chia bào / rừng phong, thu đã nhuốm màu quan san (1), mà lắm khi nẻo đời há dễ nhớ một chốn về ? Thảo Đường thiền sư đánh bật một tiếng kêu như giật ngược chiếc phướn ra khỏi cái tâm động đậy kia:

Bất thị phong phan bất thị tâm
Điều điều nhất lộ tuyệt truy tầm
Bạch vân bổn tự vô tung tích
Phi lạc đoạn nhai thâm cánh thâm

(Chẳng phải gọi phướn chẳng phải tâm
Một nẻo xa xôi bặt tìm cầu
Mây trắng vốn là không dấu vết
Bay vào khe núi thăm thẳm sâu)
(Phước Đức dịch)

Bạch vân bổn tự vô tung tích... Câu thơ sâu thăm thẳm hơn khe núi cheo leo thâm cánh thâm. Vô tung tích là cách nói chơi theo cái điệu đôi bờ phân biệt của loài người, chứ thật tình mây sờ sờ ra đó sao gọi là không dấu vết? Sao bảo bỏ phướn rồi lại phải bỏ cả tâm nữa? Há không phải Lục Tổ đã nói là tâm các ngài đang rung đó sao? Vậy thì tâm nào giữ và tâm nào phải bỏ? Khó quá, mây bay trên đầu, mây bay mất vô lòng núi rồi thành ra mây không tung tích, không dấu vết. Nhưng mà nghĩ cho cùng, rõ ràng ta đang so sánh cái “tâm” của mình với cái “tâm” của thiền sư thành ra ta lạc lối như Lệnh Hồ Xung bên tình bên lý khi tỉ thí với giáo chủ Nhậm Ngã Hành. Cái tâm của nhà thơ là cái tâm không dính mắc vào những phân biệt nhị nguyên của thói thường, tâm không phải dựa vào cái này để “thấy biết” cái kia, mà cái này, cái kia ở đời vốn tạm bợ và không thường còn, cho nên mọi suy luận dựa trên căn bản vô thường tự thân cũng sẽ bị hủy diệt và không có một giá trị trường tồn nào. Tâm của thiền sư là tâm vô trụ, không dựa vào bất cứ quan niệm hay giá trị câu chấp nào của con người, và vì vô trụ nên vô tung tích, không ngoài, không trong, không trên, không dưới, không trắng, không đen, không có cũng không không, không thể dùng cái suy nghĩ của thế giới hiện tượng để so sánh và bàn luận. Từ đó tâm tự tại an nhiên trong cái vô thủy và vô chung, không có tung, nào phải bận tâm với tích. Và từ đó ta thảnh thơi nhìn đám mây bay lòng không gợn cầu tìm, ngắm hoa nở mà cảm nhạy đến chỗ bất khả tư nghì. Nhắc đến hoa nở không thể quên bài Điếu Minh Giản của Vương Duy, người nhàn nhìn hoa quế rụng trong một đêm xuân tịnh. Người nhàn ở đây không phải là một anh chàng trà dư tửu hậu nhìn hoa rơi với đôi mắt ù lì rỗng bộng. Nhàn nhân Vương Duy nhạy bén không những nghe được tiếng hoa quế rơi mà đến cả trăng lên cũng làm cho chim rừng kinh hãi choàng dậy kêu lên giữa đêm xuân. Có phải đêm yên tĩnh tuyệt đối khiến những chuyện không thể nghe như tiếng hoa rơi, vô thanh như vầng trăng mọc trở nên mồn một bên tai? Nhưng liệu cái anh chàng nhàn nhã sau cơn phè phỡn rượu thịt, no cơm ấm cật của trận cười thâu đêm kia “nghe” được chăng “tiếng” trăng lên ? Cái gì yên tĩnh tuyệt đối ? Đêm chăng? Nhưng đêm yên tĩnh hay đêm không yên tĩnh rõ ràng là một nhận xét rất chủ quan tùy thuộc người đang lắng nghe đêm. Vậy thì cái gì yên tĩnh tuyệt đối ? Thưa rằng, cái thể tánh chân như tuyệt đối vi diệu mới có thể “nghe thấy” hết những tiếng lời vô thanh ngoài kia.

Nhân nhàn quế hoa lạc
Dạ tĩnh xuân sơn không
Nguyệt xuất kinh sơn điểu
Thời minh xuân giản trung

(Người nhàn, hoa quế rụng
Đêm vắng núi xuân xa
Trăng mọc chim rừng tỉnh
Khe xuân trỗi giọng ca)
(Lê Nguyễn Lưu dịch)

Đó là hoa quế rụng trong lòng đêm khơi mở những diệu lý của vũ trụ, mà nói đến vũ trụ thì phải có nhân sinh, nếu không quả đất trở thành đêm tinh cầu hoang phế khô khốc như Hỏa tinh, như Kim tinh. Đêm bao la, đêm lớn rộng, con người đâm thấy mình nhỏ bé, hữu hạn, hắn muốn ôm chầm lấy đêm như một khao khát mọc tay dài với trọn phía bên kia của bóng đen. Hắn lân la bước về từ vườn khuya trong thể điệu nocturne, Ôm lòng đêm, nhìn vầng trăng mới về...(2). Thông thường, người ôm lấy người, ta ôm lấy người yêu chứ ai lại chụp lấy đêm mà ôm? Làm sao ôm được một khoảng không, nếu không phải chính trong ta cũng là một khoảng không trống vắng, un seul être vous manque et tout est dépeuplé...? (3). Nhưng đó cũng là một cách thế rất nhân sinh để nhận ra rằng, Ôi phù du từng tuổi xanh đã già...(2). Ô hay! Trong tuổi xanh sao lại đã già? Chút gì xao động sau gáy tóc, gả vườn đêm nghe gai ốc chạy quanh mình. Anh nhạc sĩ nói đùa hay anh đang nói thật? Anh nói quá thật làm ta không muốn tin chăng? Có một loài hoa Phù Dung nằm nơi ngọn cây, trong phút giây hoa nở vội cho một cuộc chơi chóng tàn nơi phù thế. Ở ngay giữa núi, hoa phô đài hồng thắm mà núi vắng không, quơ quạnh không một bóng người. Nhưng mặc kệ, nào ai cần đến loài người đa đoan kia. Hoa vẫn thắm cho dù đời hoa ngắn ngủi. Chỉ cái giây phút mong manh hiện tiền hoa sống với tất cả lòng mình rực rỡ cho dù chẳng phải vì ai, bởi chưng nơi núi thẳm, ai thèm làm dáng với ai ? Hãy để cái trò lố bịch đó cho con người, họ xum xoe, họ kênh kiệu ra vẻ nhưng họ quên mất một điều hoa biết rất rõ, cái điều đã gắn liền với tên của hoa: Phù Du. Trầm phù nhấp nháy trong vài ánh mắt long lanh và rồi Tóc xanh mấy mùa / Có nhiều khi...(2) Cho nên bời bời hoa nở, bời bời hoa rơi... Phân phân khai thả lạc, hoa trở về lòng núi, mà núi vắng lặng, không một bóng người, giản hộ tịch vô nhân...

Mộc mạt phù dung hoa
Sơn trung phát hồng ngạc
Giản hộ tịch vô nhân
Phân phân khai thả lạc

(Tân Di Ổ, Vương Duy)

(Ngọn cây hoa Phù Dung
Giữa núi nẩy cuống đỏ
Quạnh quẽ cổng bên khe
Bời bời rụng và nở)
(Giản Chi dịch)

oOo

Tiếng hát Nat King Cole trầm lắng trong “Stardust” từ một quán vắng bên đường kéo tôi ra khỏi những đám mây. Stardust, bản nhạc ra đời từ năm 1929, anh chàng Mitchell Parish đặt tên bản nhạc thật hữu tình. Vừa ra khỏi đám mây tôi bước ngay theo những vì sao sớm lấp lánh đầu đêm. Sao lên như một dải bụi hiện từ cây đũa thần của nàng tiên với đôi cánh trắng. And now the purple dusk of twilight time / Steals across the meadows of my heart...(4). Hoàng hôn tím se sẽ len vào chốn bình lặng trong hồn. Sao lên cho thấy trời cao hẳn, chút mông lung, chút mất mát của lúc chiều về. Bâng khuâng trong ánh tơ chiều khi những tiếng động bên đời trở nên xa vắng dưới kia. Ta chìm hút trong vạn ánh sao, đám tinh vân huyền hoặc như nói vạn lời cùng những kẻ muốn nghe. Lời nhạc Stardust theo bóng chiều chìm đỏ ối dưới chân mây...
Và như thế, đám mây trắng một buổi chiều nắng vàng trên bãi biển dẫn tôi ra vào những chốn vùng không dấu tích nhưng nói cho cùng, này bạn hiền, đám mây kia thật đẹp, hãy cho nó một chốn về, tên gọi là chỗ cất giú mây, cho dù bạch vân bổn tự vô tung tích...

Vũ Hoàng Thư
Tháng 7, 2003


(1) Kiều, Nguyễn Du
(2) Phôi pha, nhạc TCS
(3) Thiếu một người là tất cả đều hoang vắng, L’isolement, thơ A.Lamartine
(4) Stardust, Nhạc: Hoagy Carmichael, Lời: Mitchell Parish