SỐ 19 - THÁNG 7 NĂM 2003

 

Thư tòa soạn

Thơ

Mưa tháng 5 nhớ quê cũ
Vũ Hoàng Thư
Hôn mê
Nguyễn Vĩnh Châu
Đêm huyền sử
Huỳnh Kim Khanh
Bút gươm
Phạm Văn Thanh
Chơi vơi
Hoàng Mai Phi
Chiều qua đèo
Tóc Tím
Nhớ mẹ
Ngọc Trân
Tâm sự mùa hè
Nguyễn Toàn Vẹn
Cõi hoang vu
Song Châu Diễm Ngọc Nhân
All that you have given me Vietnam
Ngô Mạc Duy

Truyện ngắn, tùy bút

Khúc hát chìm sâu
Phan Thái Yên
Có mây trắng và nắng vàng
Vũ Hoàng Thư
Cu tí
Phong Nhĩ Dị Nhân
Ai cũng cần những chuyện cổ tích
Nguyên Nhi
Hè về cùng giấc mơ tuổi trẻ
Phạm Văn Thanh
Hãy nói
Phạm Hồng Ân
Đi biển có đôi
Cỏ biển
Cô đơn
Hoàng Quốc Việt
Lá thư không gởi (kỳ 6)
Trương Thanh Diễm Thùy-Bảo Lộc
Những cái bằng

Trần Phương
Một thoáng ngoài kia
Ảnh: Ngô Văn Sơn
Thơ: Vũ Hoàng Thư

Biên Khảo

Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 6
Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Vô tình cốc - Kỳ 13
Huỳnh Kim Khanh


 

Đi biển có đôi

 

Quán café vỉa hè của tôi ẩn mình dưới bóng mát tỏa ra từ cây phượng vỹ nằm bên trong bức tường rào xi măng của một xí nghiệp quốc doanh. Chục chiếc ghế đẩu thấp đặt dựa theo vách tường, cái xe đẩy có chiếc tủ kính chứa một ít ly tách, vài chai nước ngọt, dăm bao thuốc lá, hủ chanh muối, lọ đường đặt phía trên, sau lưng chỗ tôi ngồi là cái bếp nhỏ lúc nào cũng có ấm nước sôi sùng sục. Cái quán chiếm vị trí ở đầu ngỏ một con hẻm cụt, tận cùng là cái kho hàng cũ trước năm 75 chính quyền dùng để chứa đồ viện trợ của Mỹ. Bây giờ thì kho hàng trống trơn dài hun hút chỉ còn trơ bốn bức vách tôn đầy bụi bám nhện giăng.

Chiều sắp tắt nắng, tôi đang loay hoay lau rửa đống phin lược, những thứ nghe nói thời gian đầu những người "thắng trận" gọi chúng là "cái nồi ngồi trên cái cốc", đúng lúc tôi chuẩn bị dẹp hàng thì một người khách dựng xe đạp dựa vách, kéo chiếc ghế đẩu thấp ngồi xuống, chợt nhìn thấy người đàn ông tôi ngạc nhiên thốt lên :

- Ủa, Anh Khang Hy, Anh đi đâu đây, lâu quá mới gặp lại ! Khỏe không ?

Trước đây mấy tháng Anh Hy là công nhân trong xí nghiệp bên cạnh quán của tôi. Vốn là Sĩ quan VNCH, sau hơn ba năm đi tù cải tạo, mới được tạm tha về, Anh đã phải nhờ người quen đút lót tiền bạc, quà cáp hậu hỉnh cho tay cán bộ phòng tổ chức để xin vào làm công nhân tại đây, mục đích cho công an khu vực nơi Anh cư ngụ biết Anh là người có công ăn việc làm chân chính. Nhưng không ngờ, sau ba tháng làm việc Anh bị gọi lên phổ biến "chính sách mới" của nhà nước không chấp thuận cho bất cứ một Sĩ quan, viên chức VNCH nào sau thời gian "học tập cải tạo" được phép ở lại thành phố. Thế là Anh mất toi khoảng tiền lót tay và cái ti vi 19" bốn chân, cửa lùa dùng để mua chốn dung thân.
Hồi Anh mới vào làm tại xí nghiệp, nghe những công nhân ngồi uống café kể lại rằng Anh là Sĩ quan đi học tập cải tạo vừa được thả, tôi đã thấy có thiện cảm, đến khi có dịp chuyện vãn, tôi lân la hỏi thăm, được biết Anh trước kia có thời gian ở cùng một trại tù với chồng tôi. Hai người đã từng chia nhau những miếng cơm cháy khi đói lòng. Riêng Anh cũng ngạc nhiên không kém tôi, cứ luôn miệng xuýt xoa "thật tôi không thể ngờ được chị là vợ của Anh Trần". Vì vậy niềm cảm thông cảnh ngộ, sự tin cẩn giữa chúng tôi sau này lại càng thân thiết hơn.
Anh vẫn chưa trả lời thì tôi vội hỏi bồi thêm câu nữa :

- Từ khi nghỉ việc ở đây, mấy tháng nay Anh có đi làm ở đâu không ?.

Anh lắc đầu :

- Địa phương bắt tôi phải chọn đi kinh tế mới hoặc hồi hương nên tôi đâu có dám ngủ nhà, phải lang thang nhà Anh chị em, bà con mỗi nơi vài ba hôm.

Tôi ngập ngừng dò hỏi :

- Tôi thấy dạo này người ta đua nhau vượt biên nhiều, không nói ở đâu xa, ngay xí nghiệp này cũng lác đác mấy mống vắng mặt một tuần lễ, nửa tháng sau đó nghe tin có điện tín gởi về đang ở đảo. Anh còn nhớ Anh Quang ốm, Chu bắc kỳ, Đạt đen hay ra quán tôi mỗi trưa uống trà đá không ? Họ vượt biên và đã đến Galang rồi đó.
- Chị thử đạp xe đi một vòng Saigon - Chợ Lớn thì thấy. Có biết bao nhiêu nhà đóng cửa, phía trước dán giấy niêm phong. Những căn nhà đó được liệt vào danh sách nhà vắng chủ.

Tôi hạ thấp giọng hỏi Anh :

- Anh còn độc thân, không vướng bận gì. Sao Anh không tìm đường để đi đi. Tôi nghĩ là gia đình Anh có đủ khả năng tài chánh chi phí cho Anh đi mà.
- Tôi về Saigon mấy hôm nay cũng vì chuyện này. Tôi ghé thăm chị xem Anh ấy đã được thả chưa?

Nghe nhắc đến hoàn cảnh của mình, tôi buồn thiu than van :

- Về đâu mà về Anh ơi, tôi mới vừa nhận được giấy cho phép thăm nuôi nè, hình như được thăm nuôi " đột xuất " sao đó nên sớm hơn thời hạn.

Được giấy báo cho thăm mà tôi chẳng mừng vui chút nào vì thừa hiểu còn đi thăm nuôi cũng có nghĩa là chưa có hy vọng được thả về.
Nhìn quanh, thấy không có ai, Khang Hy nói nhỏ với tôi :

- Hồi ở trong trại, tôi hay nghe Trần kể lại thời gian Anh ấy đi biển, bây giờ ở ngoài này có nhiều tổ chức vượt biên họ rất cần tài công. Tôi biết có một tổ chức đang cần người, họ nhờ tôi tìm giùm nhưng phải là người trong giới hải quân và đã từng đi biển.

Tôi cũng có nghe nhiều người đồn đãi, nếu làm tài công thì chẳng những vợ con được đi theo không mất vàng mà người giới thiệu cũng được cho đi theo kèm theo. Nay nghe Anh Hy nói đến chuyện này nhớ ra hoàn cảnh, cá vẫn còn trong chậu, chim vẫn ở trong lồng, tôi chỉ biết thở dài !!

- Anh có thể cho tôi địa chỉ liên lạc được không ? biết đâu chừng..... có lúc chúng tôi cần đến...

Tôi bỏ lửng câu nói để nhen nhúm chút hy vọng tận cõi lòng.
Anh Hy về đã lâu mà tôi cứ ngồi yên lặng bần thần suy nghĩ quên cả việc dẹp hàng.

oOo

Tôi có tật xấu là hay mau nước mắt vì bản tính đa sầu, đa cảm. Chứng kiến một cảnh đời đau khổ, xem một vở kịch bi thương là tôi nước mắt ngắn, nước mắt dài trông thê thảm hơn người trong cuộc. Mọi người thường hay nghĩ rằng người mau nước mắt luôn luôn là kẻ có tính mềm yếu, không thể chiụ nổi những hoàn cảnh nghiệt ngã xảy ra nếu có. Vậy mà trong ngày 30/4 hỗn loạn, tôi không rơi nước mắt và cứng cỏi, bình tĩnh lạ thường. Tôi nắm tay chồng nói với Anh, bất cứ tình huống nào mình sẽ cùng nhau gánh vác, chia xẻ. Nước mắt tôi chỉ chảy ra vì thương cảm chứ không vì sợ hãi. Tôi không nhớ là đã đọc ở đâu câu này "những người có tính vui vẻ yêu đời thường dễ khóc, vì những buồn rầu sẽ theo nước mắt mà cạn dòng.".

Thời gian đầu những người bị tập trung chưa có tin tức, những người vợ tù chuyền tay nhau chép lại bài thơ " tâm sự người tù cải tạo ". Mỗi lần đọc đến hai chữ biệt ly trong bài thơ tôi đều khóc nức nở :

......... Bao năm chinh chiến ta gần gũi
Nay đã thanh bình lại biệt ly !!

Còn nhớ trong một lần đi thăm nuôi người cậu ruột ở trại Suối máu thay cho mẹ tôi bị mệt không đi được. Tôi theo chuyến xe đi Long Khánh đến ngang nhà thờ Thanh Hóa thì xuống đi bộ vào. Trại này chỉ cho gởi đồ tiếp tế vài tháng một lần chứ không cho phép người tù gặp mặt thân nhân. Khi ra về cách cổng trại độ vài chục bước, bất chợt tôi nhìn thấy hai mô đất thấp nằm sát con đường đi cạnh hàng rào kẽm gai bên tay phải, đầu mỗi mô đất có một cây cọc gỗ, phía trên là một mảnh ván nhỏ dài độ hơn hai gang tay đóng thành hình chữ thập, trên mặt gỗ có nét khắc sơ sài, mờ nhạt, tôi chỉ đọc được con số cuối cùng.. 1978. Nếu không nhìn thấy hai cọc gỗ, đố ai biết được đây là hai nấm mộ vì lớp đất phủ bên trên quá ít ỏi. Tôi níu tay người phụ nữ đang bồng con đi bên cạnh, chỉ cho thấy hai nấm mộ mới, miệng lắp bắp không ra lời vì cổ họng nghẹn ngào. Nước mắt tôi trào ra không chỉ xót thương cho người chết bị vùi nông, không bia mộ, không hòm quách mà khóc thương cho tất cả những người đang bên trong và bên ngoài tù ngục.

...... Kiên nhẫn nghe em gắng đợi chờ
Anh về em sẽ hết bơ vơ
Bến xưa sẽ gặp con đò cũ
Tàu lỡ về ga giữa giấc mơ. (*)

Than ôi ! lời nhắn nhủ của người tù bây giờ chỉ còn lại tiếng vọng ở cõi hư vô.
Tôi gắng gượng đè nén bi thương tột cùng vào tâm khảm để khỏi quỵ xuống. Tôi cố vin vào những lý lẽ, lịch sử xã hội từ xưa đến nay bao giờ cũng theo luật tuần hoàn biến thiên của trời đất. Hết nắng hạn sẽ tới mưa rào, chân lý đời sống cho thấy "qua cơn bỉ cực sẽ tới hồi thới lai" nhờ vậy con người mới có thêm sức mạnh để vượt qua những đớn đau, khổ ải, tuyệt vọng để sinh tồn cho dù chỉ là những tia hy vọng mỏng manh.

Mấy đêm tôi trăn trở vì suy nghĩ toan tính vấn đề đến buốt óc. Ban ngày đôi lúc pha café cho khách tôi đãng trí suýt rót nhầm nước sôi vào tay. Vắng khách tôi ngồi im sau tủ thuốc lá, đầu óc ngẩn ngơ, phân vân giữa hai chữ có nên hay là không !. Dù sao tôi cũng phải liều đánh ván bài quyết định.

Buổi chiều, dọn hàng về sớm, gởi đứa con trai lên bốn cho bà ngoại, tôi qua gia đình bên chồng để hỏi ý kiến bởi vì nếu không có sự đồng ý và giúp đỡ của nhà chồng thì tôi khó có thể thi hành được ý định. Sự tán thành của gia đình chồng là sức mạnh thúc đẩy giúp đỡ tôi mạnh dạn hành động.

Thỉnh thoảng, nghe chồng tôi kể lại vài mẩu chuyện trốn trại đa số đều vượt rừng. Những lần đi thăm trước tôi biết khá rõ về vị trí, đường lối đi lại cũng như những phương tiện chuyên chở. Tôi nghiệm thấy muốn thành công thì phải nhanh chóng rời xa nơi này càng nhanh càng tốt và phương tiện di chuyển là yếu tố quyết định chính. Tôi biết chắc một khi phát hiện có người bỏ trốn, việc đầu tiên của đám cán bộ quản giáo là chận xét các chuyến xe rời thị trấn. Việc thứ hai là theo dõi gia đình, vợ con người tù, do đó những người thân trong gia đình tuyệt đối không nên trực tiếp gặp gỡ họ.
Nhờ tài ngoại giao của người em chồng, tôi mua được trọn bộ giấy tờ của một công nhân lâm trường địa phương bên cạnh. Giấy tờ thật nhưng người cầm nó để sử dụng thì giả. Tôi cũng an bài được nơi tạm ngụ trong thời gian ngắn ở nhà một người bà con xa. Việc liên lạc để móc nối tìm đường đi thì không khó mấy vì đang trong tình trạng người người đang đua nhau vượt biển ào ào. Tất cả ra đi bằng nhiều hình thức: đi bán công khai do chính quyền cộng sản tổ chức, đi an toàn với sự hợp tác bán bến, bãi của công an địa phương và đi "chui" một cách âm thầm.

Khi người ta có điều mong mỏi vượt quá khả năng thì thường hay nghĩ đến sự huyền diệu cao cả của thần linh để cầu xin, tôi cũng không ngoại lệ. Nghe đồn nhà thờ Fatima Bình Triệu có tượng đức mẹ hằng cứu giúp rất linh thiêng tôi bèn đạp xe đến đó. Là người ngoại đạo nhưng tôi cũng thành tâm quỳ rất lâu dưới chân đức mẹ, cầu nguyện cho công việc của chúng tôi sắp tới gặp nhiều thuận lợi và êm xuôi.

oOo

Tôi và đứa em chồng khởi hành từ lúc nửa đêm về sáng bằng chiếc xe honda trước đó đã được mang đi tu bổ cẩn thận mọi thứ. Chúng tôi đến thị trấn gởi xe tại một quán nước quen mà bà chủ là vợ góa một người lính địa phương quân chết trận 75. Cũng giống như những lần thăm nuôi trước, chúng tôi theo chiếc xe cà tàng duy nhất vượt qua ngọn núi cao, dốc thẳng đứng để vào trại. trước đó chồng tôi đã được chọn bổ sung vào nhóm công tác cách xa khu trại tập trung chính thức gần hơn nửa đoạn đường. Ở đây việc canh gác có phần dễ dãi hơn vì tù cải tạo được phân công tác phá rừng chung với những bộ đội trẻ đang thi hành nghĩa vụ quân sự và sự phân biệt, kỳ thị thấy rất rõ trong đám bộ đội khi họ gọi nhóm người đi nghĩa vụ này là "tù con".

Chúng tôi được phép gặp nhau qua đêm nên có thừa thời gian để tôi bàn bạc dặn dò cho Anh những điều cần thiết. Đoạn đường phải vượt qua đi đến nơi hẹn không phải khó khăn lắm đối với Anh, có thể gọi là quen thuộc vì trong thời gian đi rừng đốn cây theo chỉ tiêu quy định, nhiều tù nhân thường hay lén đi đến các phum, sóc của người thượng hoặc ven khu kinh tế mới gần đó để mua thêm gạo hoặc cá khô. Tuy phải lội ngang con suối nằm ở hẻm núi dưới thung lũng, nhưng đang mùa khô nên con suối chỉ ngập quá gối. Đứng trên bờ vực nhìn thấy rõ dòng nước chảy ngoằn ngoèo qua những tảng đá trắng xám lô nhô.

Buổi sáng các thân nhân thăm nuôi giã từ trại theo chuyến xe vào từ ngày hôm qua, vượt núi trở ra thị trấn. Tù nhân tập họp điểm danh vào rừng lao động đến chiều như thường lệ. Vì phải vượt qua đỉnh núi theo đường vòng nên thời gian đi xe và đi băng rừng bằng đường tắt suýt soát nhau. khoảng thơi gian đi và về từ trại đến khu kinh tế mới chỉ mất nửa ngày, trong trường hợp đột biến không thể thi hành theo kế hoạch, Anh vẫn có đủ thì giờ trở về trại đúng giờ.

Khi chúng tôi ra đến thị trấn thì trời đã quá trưa. Đứa em vội lấy xe chở tôi đến ngã ba con đường rẽ vào khu kinh tế mới thì dừng lại, thằng em giả vờ loay hoay sửa xe, tôi ngồi bệt xuống bãi cỏ hoang bên đường, mắt liếc nhìn chung quanh dưới vành nón. Xa xa có bóng một chiếc xe chở tre lồ ô của công ty hợp doanh vận tải đang đậu, dường như tài xế đang nghỉ xả hơi. Con đường đất vắng hoe, bỗng tôi thấy một bóng người từ ven đường bên trong đi ra, tay ôm một vật, giữa bóng nắng lóa tôi vẫn nhận ra Anh nhờ bộ quần áo lành lặn tôi đưa hôm qua. Tôi giục đứa em nổ sẵn máy chờ đợi. rất gọn gàng Anh đi thẳng đến chỗ chúng tôi, trao cho tôi trái mít và cầm lấy tay lái chiếc honda, tôi ngồi phía sau, chiếc xe thẳng hướng trở ra chạy về phía con đường độc nhất ngang qua bến xe thị trấn, xuôi theo quốc lộ hoạt cảnh diễn ra rất nhanh không đầy năm phút. Người ta chỉ kịp nhìn thấy một đôi vợ chồng chắc vừa đi thăm bà con về, phía sau xe đèo một trái mít to, bên hông là cái giỏ bàng, thật ra trong giỏ chỉ có một bình xăng đầy ắp. Ngang qua chiếc xe vận tải tôi gật đầu ra hiệu, đứa em chúng tôi sẽ theo chiếc xe này đi bọc hậu phía sau một quãng đề phòng chuyện bất trắc xe cộ dọc đường, nếu có chuyện bất ngờ xảy ra, chồng tôi sẽ theo chiếc xe vận tải này tiếp tục đi đến nơi an toàn. Tôi ước tính với đoạn đường gần ba trăm cây số chỉ mất hơn bốn giờ đồng hồ là sẽ về đến nơi như dự định. Tôi cố mang con kình ngư từ ao hồ tù hãm về dòng sông rộng chờ ngày trở lại biển cả bao la.

oOo

Tôi tìm gặp Anh Khang Hy ngay ngày hôm sau. Quán café của tôi vẫn dọn hàng bán như thường lệ. Để tiện liên lạc, theo dõi tiến trình của việc đóng tàu, Anh Hy đưa luôn chồng tôi đến gặp người tổ chức. Biết tôi sốt ruột và lo lắng, chồng tôi nhờ em gái Anh Hy mỗi tuần ghé quán cho tôi biết tin tức về Anh.

Từ hôm chia tay đến nay chúng tôi chưa gặp được nhau lần nào. Cảnh tượng người Tương giang đầu, kẻ Tương giang vỹ, nhớ nhau không được gặp mặt, cùng uống nước sông Tương cho đỡ nhớ có lẽ còn sung sướng hơn chúng tôi nhiều.
Lần cuối cùng, em gái Anh Hy đến đưa tin chuẩn bị lên đường, sau khi đọc xong mảnh giấy Anh viết, tôi cho vào ngay cái bếp than đỏ lửa sau lưng xóa đi dấu vết..

Ngày khởi hành, tôi giã từ mẹ dắt con ra đi cùng em gái Anh Hy, đi theo người hướng dẫn, đổi thay nhiều chuyến xe qua nhiều chặng đường, vượt qua chiếc phà cũ kỹ, ngủ lại dưới mái hiên nhà ngoài bến xe. Khi được dẫn vào một nơi tạm ngụ chờ liên lạc tôi hốt hoảng nói với Hạnh, em gái Anh Hy :

- Trời ơi ! có phải dẫn mình đi nhầm chỗ không đây ??

Bởi vì vừa bước vào nhà tôi thấy ngay trước mắt chiếc tủ thờ trên có hình Hồ Chí Minh khuôn mặt hom hem với bộ râu còi cọc. Trên bức tường sau lưng có thêm hàng chữ " Hồ Chí Minh muôn năm ". Căn nhà vắng hoe, nằm dựa trên sàn gạch bông trước bàn thờ, chúng tôi mệt mỏi ngủ thiếp trong lo âu, chờ đợi.

Gần tối người dẫn đường mới trở lại. Qua câu chuyện lơ mơ tôi được biết căn nhà là địa điểm ngụy trang để đón khách. Chủ nhà là hai ông bà già thuộc loại gia đình cách mạng có thành tích chín năm kháng chiến. Em, cháu của họ là người đi tập kết được đám cán bộ địa phương rất nể mặt. Không hiểu tại sao những chuyến đi bán công khai bị đình lại. Những người đã lỡ nộp vàng thì nằng nặc đòi ra đi, vì vậy chuyến đi được tổ chức để giải quyết số người này. Tuy khác với hình thức bán công khai ở chỗ không có ghe công An dẫn đường, nhưng bến bãi đổ người vẫn được thu xếp an toàn.

Tôi gặp lại chồng ở nhà người thợ máy, sau khi chồng tôi cùng với Anh này đi kiểm tra lại một lần nữa. Để chuẩn bị ngày mai sẽ ra khơi, gạo nước, dầu mỡ. Người tổ chức cho mang thêm mấy giỏ đựng đầy ắp bánh tét xuống ghe.
Gặp nhau chưa kịp mừng, Anh nắm tay tôi bóp nhẹ như muốn nói điều gì. Tôi im lặng chờ đợi, sau giây phút phân vân, ngập ngừng, anh khẽ nói :

- Anh tính như vầy...!! Em dẫn con đi về đi.

Tôi hốt hoảng,

- Anh nói sao ? có việc gì xảy ra vậy ?

Giọng Anh buồn buồn

- Anh không muốn em và con phiêu lưu theo Anh. Con mình còn nhỏ quá, tội nghiệp cho con lắm. Anh không đành lòng đưa con và em vào chỗ chết.
- Anh nói gì sao em vẫn chưa hiểu ra ?!
- Anh vừa đi thử ghe về. Phương châm người đi biển là phải dự trù tình trạng xấu nhất có thể xảy ra. Rất nhiều người chưa từng đi biển nên họ chưa hiểu được hiểm nguy đang chờ đợi. Với số lượng người dự trù lên ghe chiếc tàu sẽ không đủ chỗ chứa. Chủ tàu và người tổ chức chắc chắn sẽ cố nhồi nhét, gởi gắm thêm người. Ghe nhỏ người đông, chỉ cần gặp một con sóng lớn là có thể vỡ tan tành. Vì vậy anh không muốn em và con đi vào nơi nguy hiểm.

Tôi lắc đầu từ chối :

- Không, Em và con không thể sống thiếu Anh. Thời gian qua mình xa nhau đã nếm trải quá đủ mùi đau khổ rồi. Nếu sống thì cả ba người cùng sống. Còn nếu chết thì chúng ta cùng chết. Em và con sẽ theo Anh đi đến cùng trời cuối đất. Chúng mình sẽ có đôi đi biển và nếu cần sẽ đồng lòng tát cạn biển đông.

Cỏ Biển

----------------------------------------------------
(+) Trích trong bài thơ "tâm sự người tù cải tạo" không có tên tác giả.