SỐ 19 - THÁNG 7 NĂM 2003

 

Thư tòa soạn

Thơ

Mưa tháng 5 nhớ quê cũ
Vũ Hoàng Thư
Hôn mê
Nguyễn Vĩnh Châu
Đêm huyền sử
Huỳnh Kim Khanh
Bút gươm
Phạm Văn Thanh
Chơi vơi
Hoàng Mai Phi
Chiều qua đèo
Tóc Tím
Nhớ mẹ
Ngọc Trân
Tâm sự mùa hè
Nguyễn Toàn Vẹn
Cõi hoang vu
Song Châu Diễm Ngọc Nhân
All that you have given me Vietnam
Ngô Mạc Duy

Truyện ngắn, tùy bút

Khúc hát chìm sâu
Phan Thái Yên
Có mây trắng và nắng vàng
Vũ Hoàng Thư
Cu tí
Phong Nhĩ Dị Nhân
Ai cũng cần những chuyện cổ tích
Nguyên Nhi
Hè về cùng giấc mơ tuổi trẻ
Phạm Văn Thanh
Hãy nói
Phạm Hồng Ân
Đi biển có đôi
Cỏ biển
Cô đơn
Hoàng Quốc Việt
Lá thư không gởi (kỳ 6)
Trương Thanh Diễm Thùy-Bảo Lộc
Những cái bằng

Trần Phương
Một thoáng ngoài kia
Ảnh: Ngô Văn Sơn
Thơ: Vũ Hoàng Thư

Biên Khảo

Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 6
Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Vô tình cốc - Kỳ 13
Huỳnh Kim Khanh


 

Cu Tí


(Viết thay cho KimVy, câu chuyện của chục năm tới đây)
PNDN

Lúc nào ở trong nhà ba má tôi cũng nhấn mạnh và đề cao văn hóa Việt, phong tục Việt... cái gì đụng đến Việt cũng đúng, cũng nhất. Có thể vì vậy mà dù sinh trưởng và lớn lên trên Bắc Mỹ bao giờ tôi cũng cảm thấy cái Việt tính trong mình mạnh mẽ vô cùng. Là đứa con gái duy nhất trong nhà, luôn quanh quẩn với bố mẹ, tôi không thể tưởng tượng là sẽ có ngày rời gia đình, sống riêng biệt trong một thành phố xa lạ.

Nhưng dù muốn hay không tôi cũng rơi vào vòng sinh sống ở đây. Lớn lên, học ra trường rồi như những người đi trước, công ăn việc làm trở thành yếu tố chính, quyết định nơi ăn chốn ở... Tôi đã cố hết sức tìm công việc gần nhà, nhưng cuối cùng cũng chịu thua, phải làm việc ở một nơi xa gia đình cả mấy giờ lái xe. Ngày tôi dọn ra, ông bà cụ buồn lắm. Tôi cũng vậy, chưa bao giờ rời nhà hơn một tuần mà bây giờ lại phải sống tách biệt ở chỗ khác thì hỏi làm sao mà tránh được những khủng hoảng, ưu tư trong lòng.

oOo

Căn phòng tôi mướn chỉ cách chỗ làm vài phút đi bộ. Không rộng rãi nhưng sạch sẽ và ngăn nắp. Sàn gỗ sồi mầu mật ong tạo một không khí ấm cúng, thân thiện. Cửa sổ chính nhìn ra con sông có hàng cây lớn dọc theo hai bên bờ, bây giờ đang mùa Thu, lá vàng rụng, chồng xếp thành tấm thảm màu rực rỡ che kín bờ cỏ. Chẳng mấy lúc là vào đông, đám ngỗng trời, trên đường xuôi Nam tránh lạnh sẽ ngừng chân ở đây. Rồi mỗi buổi sáng trên đường đến sở làm, tôi sẽ được dịp nhìn những đôi cánh bay lượn, những tiếng kêu giục giã của dám chim phiêu lãng trong tia nắng đầu ngày.

Cảnh có đẹp đến đâu, chỗ ở có đầy đủ phương tiện đến đâu cũng chẳng bằng căn nhà nơi còn giữ tất cả những kỷ niệm thơ ấu, những thương yêu tràn đầy cha me dành cho. Ngoài thì giờ làm việc, tôi cố tìm cách để mình bận rộn, cho quên bớt đi sự trống vắng, nhưng thú thật là cũng đã có lúc phải leo lên xe lái mấy tiếng về nhà gặp mặt ông bà cụ . Chạy lên thăm căn phòng phòng nhỏ của mình, nhìn con gấu nhồi bông vẫn còn ngồi dựa trong góc giường... Có lẽ tôi cần một người bạn, một sinh vật, một sự sống nào đó gần bên để trám bớt khoảng không gian trống trải, xa lạ này.

Một sinh vật? Đúng là tôi đã lầm lẫn khi ước nguyện như vậy. Ngày hôm nay, vừa đi làm về, mở cửa vào bếp và để gói thực phẩm trên bàn tôi để ý thấy có vài miếng bánh mì vụn gần phía ngăn đựng đồ ăn khô. Tôi chắc chắn là cả tháng nay mình không hề ăn điểm tâm ở nhà. Thôi chết rồi, như vậy có thể là dán hay chuột đây, hai thứ "sinh vật" mà tôi sợ nhất. Mở tung ngăn kéo để kiểm soát, thêm vài vụn bánh nữa, "đúng là chuột chứ không phải là dán", tôi lẩm bẩm. Không kềm được cơn hoảng hốt, tôi nhấc điện thoại gọi liền về nhà hỏi ý kiến ông cụ .. "...Con cứ mua cái bẫy, bỏ cục cheese vào, để qua đêm là ‘xơi tái’ nó liền chứ có gì mà cuống cuồng lên vậy..." .

Đêm đó, bằng chứng một chú chuột nhắt đã lọt vào trong phòng càng rõ ràng hơn. Tiếng kêu chin chít, cào sột soạt phía sau bức tường phía lò sưởi làm tôi ngủ không yên. Vừ a mệt, vừa căng thẳng, tôi mong trời mau sáng để đi mua ngay một cái bẫy, thanh toán liền cái " sinh vật " mà tôi không hề có ý làm quen.

oOo

Về đến nhà tôi lấy ngay cái bẫy chuột ra thử, cái lò xo vừa nhậy lại vừa mạnh, thử dùng cây đũa đụng nhẹ vào là nó sập xuống tức thì, rút đũa nhanh cũng không kịp. Tôi tự nhủ : như vậy chắc ăn rồi, qua đêm nay là sự yên tĩnh sẽ trở lại và từ bây giờ trở đi, dù có cô đơn thế nào đi nữa tôi cũng không dám cầu xin có sự hiện diện của "một sự sống" thứ hai trong căn phòng này. Tối đó, tôi cẩn thận để một miếng cheese ngon lành vào bẫy trước khi lên giường.

Hoàn toàn không như dự liệu, tôi trắng mắt chờ tiếng bẫy chuột sập xuống nhưng tất cả đều im lặng. Con chuột nhắt cũng không lên tiếng. Nó tinh khôn không để mắc lừa hay biết bị khám phá nên đã bỏ qua căn phòng khác? Sự chờ đợi thật nặng nề, kéo dài cả đêm và cho đến sáng cái bẫy vẫn trống trơn. Rồi đến đêm sau, đặt bẫy chờ mà cũng không đi đến kết quả nào. Tôi nhủ thầm, chắc là phải thay đổi chiến thuật: bẫy không xong thì cất giấu thực phẩm cẩn thận không cho nó lục, hy vọng tìm đồ ăn không ra nó sẽ bỏ đi chỗ khác. Lại một lần nữa tính toán của tôi sai lạc. Như muốn cho thấy rõ có sự hiện diện của mình, con chuột nhắt lục đục gây tiếng động suốt đêm. Tinh thần mệt nhoài, tự nhiên tôi thấy như mình bị lôi vào một cuộc chiến tranh tâm lí mà đối phương chỉ là một con vật nhỏ bé, tầm thường không đáng kể.

Hay là cho nó ăn để mình được yên? . Sau vài ngày đấu trí không đi tới đâu, tôi có vẻ chịu thua. Buổi sáng hôm nay, trước khi đi làm tôi lấy một miếng cheese và vài mẩu bánh vụn để trên quầy bếp, với hy vọng con chuột nhắt có ăn sẽ không quấy phá.
Về đến nhà là tôi chạy vội vào bếp dò xét tình hình. Mẩu bánh vụn và miếng cheese biến mất. À, như vậy là anh chàng chuột nhắt tinh quái đã hiên ngang bò lên làm hết bữa tiệc thịnh soạn. Đêm hôm đó tôi không nghe tiếng kêu, tiếng cào sau lò sưởi. Lần đầu tiên đoán trúng ý địch thủ, tôi đắc chí. Cả mấy ngày rồi, đêm nay mới có được một giấc ngủ ngon.

Để lại chút đồ ăn cho Cu Tí (chẳng biết giống đực hay cái, tôi cứ đặt tên cho con chuột là Cu Tí) trở thành một thông lệ, chắc không khác gì cái tục triều cống cho triều đình Tầu của ông cha mình ngày xưa. Mục đích chính là để được yên thân. Riêng đối với Cu Tí, mặc dù đã "triều cống" đồ ăn thức uống cho nó cả tuần rồi mà vẫn chưa biết mặt mũi nó ra sao. Sáng thư Bẩy hôm nay, thay vì về nhà thăm ông bà cụ tôi quyết định ở lại để có cơ hội diện kiến tên địch thủ tí hon của mình. Pha một ly cà-phê, lấy quyển sách đang đọc dở và trước khi ngồi vào bàn đặt cạnh cửa sổ tôi không quên lấy một vài mẩu bánh, một miếng thịt nguội nhỏ đặt trên quầy bếp. Hôm nay cuối tuần, phải đãi Cu-Tí một chầu thịnh soạn.

Trời còn sớm nhưng đã có người tản bộ dọc bờ sông. Mặt nước phẳng lặng, kiên nhẫn chờ đợi những cánh lá mệt mỏi rời cành. Cảnh trí yên tĩnh, êm đềm nhưng trong tôi sao có một sự nôn nao, mong đợi là lạ. Rồi chẳng phải chờ lâu, có tiếng động nhẹ phía quầy bếp. Qua khóe mắt tôi thấy một chú chuột nhắt bé nhỏ từ phía sau lò sưởi bò ra, mắt dáo dác nhìn quanh, thận trọng trước khi lần về phía đồ ăn tôi để gần bếp. Tránh không làm Cu-Tí hoảng sợ, tôi ngồi yên đợi một lúc rồi mới từ từ quay đầu về phía nhà bếp. Hai mắt nhìn nhau, Cu Tí đứng lên bằng hai chân sau, hai chân trước nắm lấy miếng thịt nguội đưa vào miệng nhai ngấu nghiến. Tính sợ chuột biến đâu mất, tôi muốn bật cười nhưng cố giữ im lặng. Thỏa mãn với món ăn Cu Tí từ từ bò về phía tường bếp rồi biến sau lò sưởi.

Câu chuyện Cu-Tí được kể lại trong những lần về thăm nhà. Ai cũng cười, cho tôi là quái gở , anh Duy còn chọc thêm là : "...Cô có tài nuôi chuột đấy, nếu là chuột cái thì khi nó đẻ cho anh xin vài con nhá...". Với bản tính bướng bỉnh, nhiều khi tôi cũng không chịu thua đối lại : "... Anh có thấy người ta nuôi chuột bạch không? cũng là chuột vậy mà sao không thấy ai nói? . Phải chăng là tại nó da trắng, mắt hồng, nhìn đẹp, dễ thương nên thành quí báu? À như vậy thì mọi người đã nuôi trong mình con bệnh kỳ thị kinh niên mà không hay..."

oOo

Mấy mẩu bánh vụn để cho Cu-Tí cả hai bữa nay vẫn còn nằm nguyên. Không biết anh chàng chuột nhắt này biến đâu mất mà chẳng thấy ló mặt ra. Nó đã chán phòng tôi, chán thức ăn tôi "triều cống" mà bỏ đi nơi khác chăng? . Hay là bị một chú mèo nào đó làm thịt mất rồi? Tôi không muốn nghĩ như vậy, không muốn chấm dứt cái tình cảm khôi hài giữa người và vật một cách đột ngột như thế. Rõ ràng là có một liên hệ, cảm thông giữa hai sinh vật, khác nhau về hình thể nhưng cũng đều là sản phẩm của tạo hóa, một kết hợp ngẫu nhiên của chromosomes, acid, carbon, protein... và triệu triệu tế bào. Trong cái thân xác đầy hóa chất ấy, ông trời trộn vào một chút linh tính, cảm giác, một chút rung động. Tôi buồn vì nhớ nhà và hoang mang khi trống vắng. Cu-Tí biết sợ bị lừa, bị bắt gặp, cũng biết giận cào tường sột soạt vì không có đồ ăn...

Lại mất ngủ thêm mấy đêm liền, thao thức và với một chút hy vọng, tôi chờ đợi tiếng động quen thuộc của chú chuột nhắt. Buồn cười thật, hình như tôi đang trông ngóng một sự sống đâu đây, thèm có sự hiện diện của một sinh vật bên mình, dù sinh vật ấy chỉ là một con chuột nhắt bé nhỏ, tầm thường.

Phong Nhĩ Dị Nhân