SỐ 19 - THÁNG 7 NĂM 2003

 

Thư tòa soạn

Thơ

Mưa tháng 5 nhớ quê cũ
Vũ Hoàng Thư
Hôn mê
Nguyễn Vĩnh Châu
Đêm huyền sử
Huỳnh Kim Khanh
Bút gươm
Phạm Văn Thanh
Chơi vơi
Hoàng Mai Phi
Chiều qua đèo
Tóc Tím
Nhớ mẹ
Ngọc Trân
Tâm sự mùa hè
Nguyễn Toàn Vẹn
Cõi hoang vu
Song Châu Diễm Ngọc Nhân
All that you have given me Vietnam
Ngô Mạc Duy

Truyện ngắn, tùy bút

Khúc hát chìm sâu
Phan Thái Yên
Có mây trắng và nắng vàng
Vũ Hoàng Thư
Cu tí
Phong Nhĩ Dị Nhân
Ai cũng cần những chuyện cổ tích
Nguyên Nhi
Hè về cùng giấc mơ tuổi trẻ
Phạm Văn Thanh
Hãy nói
Phạm Hồng Ân
Đi biển có đôi
Cỏ biển
Cô đơn
Hoàng Quốc Việt
Lá thư không gởi (kỳ 6)
Trương Thanh Diễm Thùy-Bảo Lộc
Những cái bằng

Trần Phương
Một thoáng ngoài kia
Ảnh: Ngô Văn Sơn
Thơ: Vũ Hoàng Thư

Biên Khảo

Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 6
Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Vô tình cốc - Kỳ 13
Huỳnh Kim Khanh


 

Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam (Kỳ 6)

Biên khảo văn học
Tác giả: Hoàng Thiếu Khanh

(tiếp theo)

Thời gian thắm thoát, thu qua hè đến. Nhân ngày giỗ ngoại gia, cả nhà đi về quê vắng nhà, Thúy Kiều nhân đó tìm cách sang thăm Kim Trọng:

Lần lần ngày gió đêm trăng
Thưa hồng rậm lục đã chừng Xuân qua
Ngày vừa sinh nhật ngoại gia
Trên hai đường ấy nữa là hai em
Tưng bừng sắm sửa áo xiêm
Biện dâng một lễ, xa đem tấc thành
Nhà lan thanh vắng một mình
Ngẫm cơn hội ngộ đã dành hôm nay
Câu ba lấy ý trong Tình Sử:
Lục ám hồng hi, xuân khứ dã
(Xanh tối hồng thưa Xuân đã qua )

Kiều mang theo vai thức ăn uống trèo tường sang bên nhà chàng Kim:

Thi trân thức thức sẵn bày
Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mái tường

Kim Trọng chắc cũng đã nghe ngóng, đứng chờ phía bên kia:

Cánh hoa sẽ dặng tiếng vàng
Dưới hoa đã thấy có chàng đứng trông

Chàng trách khéo người yêu sao đã để mình đợi chờ mòn mỏi:

Trách lòng hò hững với lòng
Lửa hương chốc để lạnh lùng bấy lâu
Những là đắp nhớ đổi sầu
Tuyết sương nhuốm nửa mái đầu hoa râm

Kiều giải thích tình cảnh mình rồi đi vòng núi giả rẻ vào thư phòng Kim Trọng:

Lần theo núi giả đi vòng
Cuối tường dường có nẻo thông mới vào
Vén mây mở khóa đông đào
Rẽ mây trông tỏ lối vào thiên thai

Thế rồi hai bên tận mặt nhìn nhau, hàn huyên tâm sự.

Mặt nhìn mặt càng thêm tươi
Bên lời vạn phúc, bên lời hàn huyên
Sánh vai về chốn thư hiên
Phỉ tình phong nguyệt, nặng nguyền non sông

Trên tường treo một bức thủy mặc vẽ tranh tùng Kim trọng đã họa không lâu trước đó. Chàng nhờ nàng đề vài chữ:

Sinh rằng phác họa vừa rồi
Phẩm đề xin một vài lời thêm hoa

Kiều sẵn tay viết nhanh bài thơ:

Tay tiên gió táp mưa sa
Khoảng trên dừng bút thảo và bốn câu

Kim Trọng khen rối rít:

Khen tài nhả ngọc phun châu
Nàng Ban ả Tạ cũng đâu thế này!

Ban Chiêu đời Hán và Tạ Đạo Uẩn đời Tấn là hai người đẹp nổi tiếng hay chữ.
Hai người tâm sự đến chiều tối thì Kiều cáo về thăm nhà. Khi biết gia đinh vẫn chưa về nàng trở lại thăm người yêu lần nữa.

Đến nhà vừa thấy tin nhà
Hai thân còn giở tiệc hoa chưa về
Cửa ngoài vội rủ rèm che
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình

Chàng Kim lúc bấy giờ đang ngủ gật bên bàn sách.

Sinh vừa tựa án thiu thiu
Giở chiều như tỉnh, giở chiều như mê
Tiếng sen sẽ động giấc hòe
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần
Bâng khuâng đỉnh Giáp non Thần
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng

Đỉnh Giáp là đỉnh núi Vu Giáp, non Thần là nới tiên ở. Xưa Sở Tương Vương nằm mơ thấy ân ái với một người đẹp. Hỏi quê quán thì bào là từ Vu Giáp, sớm làm mây, tối làm mưa. Ý nói nàng là thần núi Vu Giáp. Cũng từ tích này mà chữ "mây mưa" cũng ám chỉ sự ái ân, tình tự của trai gái.
Kim Trọng đang lúc nửa mê nửa tỉnh, cứ ngỡ là mình vừa mới vừa tỉnh giấc mơ tiên.
Sau đó hai người thề non hẹn biển, nàng thì cắt tóc mây, thề thốt:

Tiên thề cùng thảo một trương
Tóc mây một món, dao vàng chia đôi
Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai miệng một lời song song
Tóc tơ cặn kẽ tấc lòng
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương

Con gái thời đó mới 16 tuổi mà đang đêm đến nhà con trai rồi thệ ước cùng nhau thì cũng bạo. Thế nhưng tuy đa tình mà Kiều vẫn giữ được vẻ đoan trang, nề nếp. Khi Kim Trọng tỏ ý muốn được nghe Kiều đánh đàn thì nàng đáp rằng:

Đừng điều nguyệt nọ hoa kia
Ngoài ra ai lại tiếc gì với ai

Kim Trọng liền trịnh trọng trao cây đàn nguyệt cho Kiều.
Tố Như tả tiếng dàn của Kiều như vầy:

Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như nước suối mới sa giữa vời
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài
Tiếng mau sầm sập như trời chuyển mưa

Bốn câu này dịch thoát từ bài ''Cầm'' trong Đường thi:

Sơ nhi táp táp lương phong động
Hựu tự tiêu tiêu mộ vũ linh
Cận nhược lưu tuyền lai bách chướng
Viễn như huyền hạc há thanh minh
(Mới đầu thì xào xạc như gió thổi
Rồi lại thảnh thót như tiếng mưa chiều
Gần thì như tiếng suối chảy vào vách đá
Xa thì như tiếng hạc gieo xuống khoảng tối )

Kiều đàn hay đến nỗi người nghe phải xót xa ngơ ngẩn:

Ngọn đèn khi tỏ khi mờ
Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu
Khi tựa gối khi cúi đầu
Khi vò chín khúc khi chau đôi mày

Kim Trọng cũng phải than rằng:

Rằng hay thì thật là hay
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!

Kiều đáp lại:

Rằng quen mất nết đi rồi
Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao

Trong lúc hai người miên man chìm đắm trong giây phút nồng nàn của tình yêu...

Hoa hương càng tỏ thức nồng
Đầu mày cuối mắt càng nồng tấm yêu
Sóng tình như đã xiêu xiêu
Xem trong âu yếm có chiều lả lơi...

Kim Trọng đang trong lứa tuổi thanh niên bồng bột, không ra ngoài thói ''nam nữ thường tình''.
Trong đêm thanh vắng, gió mát trăng trong, được cận kề người yêu đẹp mặn mà tuổi vừa đôi tám, chàng trai hai mươi nào chẳng bị dục tình cám dỗ? Còn Kiều thì tuy cũng ở trong cùng một cảnh trí thơ mộng của lần hò hẹn đầu tiên, tỏ ra khôn ngoan, nhiều lý trí hơn chàng Kim. Khi thấy người yêu bắt đầu tò ý lả lơi, nàng bèn ngăn lại rằng :

Thưa rằng đừng lấy làm chơi
Để cho thưa hết một lời đã nao
Vẽ chi một đóa yêu đào
Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh
Đã cho vào bậc bố kinh
Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu
Ra tuồng trên Bộc nông dâu
Thì con người ấy ai cầu làm chi
...
Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay
Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi, Trương
Mây mưa đánh đổ đá vàng
Quá chiều nên đã chán chường yến anh

Kiều tự ví mình như đóa đào non nên cố gìn giữ cái con gái cho đến lúc theo chồng. Nàng khuyên Kim Trọng chớ như trai gái thường tình, hẹn hò nhau trong ruộng dâu, bên bờ sông Bộc...Nàng còn dẫn chứng câu chuyện tình của Thôi Oanh Oanh và Trương Củng trong Tây Sương Ký ( Mái Tây). Cặp tình nhân này rất đẹp đôi, vừa lứa, hẹn hò yêu nhau ở mái tây chùa Phổ Cứu...nhưng rốt cục không lấy nhau.
Kim Trọng nghe xong càng thêm nể trọng Thúy Kiều :

Thấy lời đoan chính dễ nghe
Chàng càng thêm nể thêm vì mười phân

Sau này khi bị mất đời con gái về tay gã Mã Giám Sinh, Kiều mới tiếc xót đã không cho Kim Trọng yêu lúc đó:

Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung!

Âu đó cũng là cái éo le, chua xót của mối tình đầu. Đêm tự tình phải chấm dứt đột ngột vì có tin nhà cho hay ông chú của Kim Trọng vừa mới mất ở Liêu Dương, nhắn chàng về hộ tang:

Sự đâu chưa kịp đôi hồi
Duyên đâu chưa kịp một lời trao tơ
Trăng thề còn đó chơ vơ
Dám xa xôi mặt mà thơ thớt lòng
,,,
Gìn vàng giữ ngọc cho hay
Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời

Kim Trọng mới nhắn nhủ người yêu trước khi từ biệt. Kiều cũng hứa sẽ giữ dạ sắt son chờ đợi:

Đã nguyền hai chữ đồng tâm
Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

Thế rồi chàng Kim phải lên đường, chân bước đi mà dạ chẳng muốn rời:

Ngại ngùng một bước một xa
Một lời trân trọng, châu sa mấy hàng
Buộc yên quảy gánh vội vàng
Mối sầu xẻ nửa, bước đường chia hai

3.3.2. Cơn gia biến.

Kim Trọng đi rồi, Kiều vẫn còn buồn thơ thẩn, đứng tựa hiên Tây. Vừa lúc ấy, đoàn mừng thọ cũng về tới. Ai nấy chưa kịp giãi bày tâm sự thì bỗng đâu một đám quân lính đổ ập vào nhà:

Hàn huyên chưa kịp dãi dề
Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao
Người nách thước, kẻ tay dao
Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi

Trong phút chốc, chúng bắt trói cha và em trai của Thúy Kiều, đồng thời vơ vét mọi đồ tế nhuyễn, của cải trong nhà. Hỏi ra mới biết là thằng bán tơ đã vu khống Vương Ông sao đó. Bọn sai nha còn đánh đập hai cha con một cánh tàn nhẫn.

Rường cao rút ngược dây oan
Dẫu là đá cũng nát gan, lọ người
Mặt trông đau đớn rụng rời
Oan này chỉ có kêu trời nhưng xa

Giữa cơn gia biến, cha và em bị kết tội oan, cửa nhà, tài sản bị vơ vét sạch, Thúy Kiều phải tìm cách đối phó nhanh chóng. Nàng cân nhắc hai bên, bên tình, bên hiếu :

Duyên hội ngộ, đức cù lao
Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn
Để lời thệ hải, minh sơn
Làm con thì phải đền ơn sinh thành

Chữ ''cù lao'' do câu trong Kinh Thi:

Ai tai phụ mẫu, sinh ngã cù lao
( Thương thay cha mẹ, khó nhọc sinh ta )

''Thệ hải minh sơn'' là chỉ biển mà thề, nhìn non mà nguyện. Bể có cạn non có mòn, chứ lời nguyền không thay đổi.
Kiều quyết định bán mình chuộc cha. Trong đám sai nha đó có họ Chung thấy tình cảnh Kiều cũng thương hại :

Thấy nàng hiếu trọng tình thâm
Vì nàng nghỉ cũng thương thầm, xót vay
Tính bài lót đó luồn đây
Có ba trăm lạng việc này mới xuôi

Nên để ý chữ ''nghỉ'' đây dấu hỏi có nghĩa ''hắn'', ''nó'' cũng như trong hai câu :

Có nhà viên ngoại họ Vương
Gia trung nghỉ cũng thường thường bậc trung

Sau đó bọn chúng tạm giam Vương Ông và Vương Quan một đôi ngày, chờ Kiều dàn xếp để đủ tiền chuộc. Không lâu sau đó, có một mụ mối gần đó dẫn một gã trung niên:

Hỏi tên, rằng ''Mã Giám Sinh''
Hỏi quê, rằng ''Huyện Lâm Thanh cũng gần''
Quá niên trạc độ tứ tuần
Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao

Hai bên mới gạ giá:

Mói rằng đáng giá ngàn vàng
Ngặt nhà, nhờ lượng người thương dám nài
Cò kè bớt một thêm hai
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm

Vương Ông, phần thương xót cho con, phần hận nỗi oan của mình, định đập đầu tự tử thì Kiều tìm lời khuyên nhủ, vỗ về :

Phải lời ông cũng êm tai
Nhìn nhau giọt ngắn giọt dài ngổn ngang
Mái ngoài họ Mã vừa sang
Tờ hoa đã ký, cân vàng mới trao
Trăng già độc địa làm sao
Cầm dây chẳng lựa, buộc vào tự nhiên

Hai câu chót là do điển tích ''Nguyệt Lão, Xích Thằng'' mà ra. Vi Cố đời Đường một đêm đi dạo mát gặp một ông già ngồi đọc sách dưới trăng, bên cạnh có một túi đựng tơ hồng ( xích thằng). Vi Cố tò mò hỏi thì ông lão bảo quyển sổ ông đọc là danh sách những cặp vợ chồng có duyên nợ với nhau. Hễ có tên trong sổ và được ràng buộc bằng những sợi tơ hồng thì dù có ở khác xứ hoặc có hận thù nhau rồi cũng sẽ ăn ở với nhau trong tình vợ chồng. Tục hỏi cưới có lễ tơ hồng cũng do tích này mà ra. Ở đây tác giả muốn nói duyên phận éo le, ngang trái của Thúy Kiều.
Đêm đó, sau khi việc nhà đã tạm dàn xếp xong, Kiều ngồi một mình buồn thương cho thân phận hẩm hiu của mình:

Một mình nàng ngọn đèn khuya
Áo dầm giọt lệ, tóc se mái sầu
...
Thề hoa chưa ráo chén vàng
Lỗi thề thôi đã phũ phàng với hoa
Trời Liêu non nước bao xa
Nghĩ đâu rẽ cửa chia nhà tự tôi
Biết bao duyên nợ thề bồi
Kiếp này thôi thế thì thôi còn gì
Tái sinh chưa dứt hương thề
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai
Nợ tình chưa trả cho ai
Khối tình tan xuống tuyền đài chưa tan

Câu chót là do trong tình sử, có người con gái yêu người lái buôn kia. Người đàn ông đi mãi không về làm nàng ốm tương tư mà mất. Người ta đem hỏa tang thi hài của người con gái đó. Xương thịt bị cháy hết, duy có một khối trong bong không hề bị thiêu hủy. Sau người lái buôn đi về, khóc người yêu, nước mắt tuôn xuống thắm ướt khối ấy làm tan thành cục huyết.
Tiếng khóc tỉ tê của Kiều làm đánh thức Thúy Vân. Hỏi duyên cớ thì Kiều thú thật cuộc tình với Kim Trọng và nhờ em thay mình kết duyên với Kim lang. Rồi nàng gửi gấm Thúy Vân bằng những lời lẽ thống thiết:

Mai sau dầu có bao giờ
Đốt lò hương ấy, so tơ phiếm này
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu, đền nghì trúc mai
...
Phận sao phận bạc như vôi
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng
Ôi Kim Lang hỡi Kim Lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!


( Còn tiếp)