7

XUÂN MẬU TÝ SỐ 37 - THÁNG 2 NĂM 2008

 

Thơ

Chuyện thuyền xuân
24 Phạm Hồng Ân
Xuân
24Bùi Thạch Trường Sơn
Thơ xuân

24
Hải Dương
Thơ chuột

23
Tú Trinh
Đêm dài quê hương
21Vinh Hồ
Chiều trên phố
18
Tiểu Đỉnh
Tình nhớ tha hương
18
Ái Ưu Du

18
Trần Việt Bắc
Có phải em về trong đêm xuân
18Huỳnh Kim Khanh
Giấc mơ xuân
18Đỗ Phong Châu
Tưởng niệm hải chiến Hoàng Sa
21
Nguyễn Ngọc Mục
Mùa xuân về
21Tôn Thất Phú Sĩ
Một cõi chập chùng
21Kim Thành

Truyện ngắn, Tâm bút

Những lóng xuân
14
Vũ Hoàng Thư
Nàng thơ
14Phạm Hồng Ân
Một ngày nữa nơi chỉ xài bạc cắt
14Tầm Xuân
Dưới trăng tháng chạp
14Phan Thái Yên
Đôi mắt bồ câu
13
Cỏ Biển
Truyện thơ chuột
14
Tú Trinh
Con thuyền hoa xuân
15
Ưu Du
Nhà em
8Võ Thị Đồng Minh
Người đàn bà ôm bó hoa trong ngày Tết
8Song Thao
Tản mản về năm Mậu Tý
8Trương Thanh - Diễm Thùy
Một đêm trăn trở cùng Hà Nội
8Đỗ Trường

Văn học, biên khảo

Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam
4
Vinh Hồ
Giao Chỉ và Tượng Quận - Phụ Lục
4Trần Việt Bắc
Bánh nếp
4Xuân Phương
Phiếm luận văn chương (04)
4Huỳnh Kim Khanh
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 24
3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Giữa hai lằn đạn
1Ái Ưu Du
Thằng Nèm
1
Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 31

1Huỳnh Kim Khanh


 

Đôi mắt bồ câu

 

... Mẹ cho em đôi mắt sáng ngời, để nhìn đời và để làm duyên.
Trời cho em đôi mắt màu đen, để thương để nhớ để ghen để hờn
Đôi mắt em là cửa sổ tâm hồn, là bài thơ không dứt, là tuyệt tác của thế gian.
Tôi bịt chặt hai tai vùi đầu vào chiếc mền nhưng vẫn nghe mồn một giọng hát của anh chàng ca sĩ đang rên rỉ từ cái truyền hình của căn nhà hàng xóm vọng sang không sót một lời, tôi thực sự ghét cay ghét đắng bài hát này và thầm nghĩ nó có gì hay đến nỗi mấy anh chàng ca sĩ cứ gân cổ lên hát hoài, làm như chẳng có bài nào khác để hát, nằm mãi vẫn không ngũ được, nhắc đến chuyện của người rồi chạnh tủi thân khi nghĩ đến chuyện của mình ! Buổi chiều cả đám nhận được thơ con Liễu từ Mỹ gởi về trong đó con nhỏ khoe việc sửa soạn đi giải phẫu khuôn mặt, gì chứ chuyện mổ xẻ thì nước Mỹ đứng hàng đầu. Con Liễu chắc chắn sẽ có người để ý và lấy được chồng giàu có, đẹp trai như lời bà thầy bói nói dạo nó còn ở đây chưa đi Mỹ. Khuôn mặt con Liễu mà còn sửa đổi được thì đôi mắt của Hài chỉ là đồ bỏ, trong lá thơ Liễu có nói như vậy ! Ừ, mà ai biết được chuyện tương lai, mơ màng nhớ tới lúc Liễu giục tôi xem một quẻ, bà thầy nói tôi có số xuất ngoại nhưng thâm tâm tôi chẳng tin mấy chuyện “ bói ra ma, quét nhà ra rác “ này, từ trước đến giờ cả nhà tôi chỉ có nhìn hàng xóm đi lãnh quà, lãnh tiền mà ao ước bởi chẳng có người thân ở nước ngoài nói gì đến chuyện một ngày nào đó bừng con mắt dậy thấy mình đang ở nước Mỹ, ngay cả trong giấc mơ còn chưa có diễm phúc được mơ nhắc chi đến chuyện thật, tôi nằm nghĩ ngợi lan man rồi thiếp đi lúc nào chẳng biết.

oOo

Tiếng rao hàng í ới ngoài đường đánh thức tôi mở mắt nhìn ra cửa sổ, ngoài kia trời đã sáng bạch, ánh nắng sớm chiếu qua tán lá sau trận mưa nửa đêm khiến những chiếc lá trông có vẽ sạch sẽ, nõn nà hơn. Sau giấc ngủ dài khiến tôi thấy tinh thần khoan khoái, nhẹ nhõm. Ra nhà sau rửa mặt, nhìn vào gương giống như mọi ngày, tấm gương phản chiếu hình ảnh một cô gái trẻ với khuôn mặt trái xoan nước da mịn màng trắng trẻo, sống mũi thon thả với làn môi đỏ au đồng trinh, nếu không bị khuyết điểm về đôi mắt chắc chắn tôi sẽ có cả đống anh chàng trồng cây si lẽo đẽo theo sau mỗi khi ra đường như lời Liễu hay nói với tôi. Ở đời chỉ có những người cùng gặp chuyện bất hạnh mới thông cảm được nhau, trong số chị em cùng làm chung xưởng tôi chỉ chơi thân với Liễu. Xét về mặt hình thức thì Liễu trông tội nghiệp hơn tôi nhiều vì có khuôn mặt biến dạng khác thường, thoạt mới nhìn chưa quen người ta có chút hơi hoảng hốt khi trông thấy nét mặt kỳ dị của Liễu, nó méo xệch khiến gò má và cái miệng lệch nghiêng một bên. Có một lần Liễu than thở với tôi :

- Khuôn mặt mình bị như vầy là từ khi má dẫn đi nhổ chiếc răng khôn mọc sớm.Không biết xương hàm bị động đậy hay sao đó, lớn lên lại trở thành như vầy ! Mình đã đi khám nhiều nơi rồi, họ nói có thể chữa được nhưng phải đến bác sĩ chuyên khoa về răng hàm mặt để làm thủ thuật mổ xương nhưng má mình không muốn, chờ khi được qua Mỹ làm bảo đảm hơn.

Lúc ấy tôi buồn buồn ;

- Liễu thì có hy vọng hơn mình, nghe má nói hồi nhỏ mới sanh ra đôi mắt mình cũng bình thường như mọi người thôi, được ba bốn tháng má thấy mình khi nhìn tròng mắt bị lé ai cũng bảo là chuyện thường lớn lên sẽ hết, nhưng dần dần thì con mắt thành tật luôn.Má mình rất ân hận, bà tự trách chắc do phải vất vả kiếm ăn, cứ đặt con nằm một chỗ có lẽ cứ ngoái nhìn ánh đèn chiếu một bên hoài nên mắt mới bị lệch tròng như vậy.

Cả hai đứa con gái cùng mang mặc cảm từ lúc nhỏ đến khi lớn lên bước vào đời nhưng tính tình lại khác nhau, Liễu táo tợn đanh đá còn tôi lại quen chịu đựng khi bị người khác trêu chọc, lúc nói chuyện với ai tôi cứ luôn cụp mắt nhìn xuống như vừa tránh cái nhìn săm soi của người đối diện vừa giấu đi nét nhìn tật nguyền của mình.

Tôi có thói quen mỗi khi một mình mới ngước mắt nhìn trời, đạp xe chầm chậm để cảm nhận trong gió hương vị nhẹ nhàng lành lạnh của mùa đông, ngang qua khu chợ bỗng thấy hình như đông đúc hơn ngày thường, Giáng sinh qua rồi là sắp đến Tết, không hiểu sao cứ đến những tháng cuối năm lòng tôi bỗng rộn rã niềm vui vô cớ. Tôi thành thật kể với Việt niềm vui nhỏ nhoi của mình :

- Hài thích mùa đông vì là mùa mình được sinh ra, có dịp mặc chiếc áo len ấm áp vì trời lạnh.
- Tại em được mặc áo len nên thích trời lạnh, đàn ông con trai như bọn anh chẳng ai thích mặc nó, với lại thời buổi thiếu thốn vải vóc có áo len đâu mà mặc.
- Vậy chẳng lẽ mấy anh đành chịu lạnh hả ?

Việt cười cười :

- Nghe bí quyết chống cái lạnh nè nhỏ, anh chỉ cần độn trước ngực vài tờ báo trước khi khoác vào chiếc sơ mi là hiên ngang đạp xe đi làm không cần mặc áo len.

Từ nhỏ tôi thường nghe nói < Cái khó bó cái khôn > nhưng trong trường hợp này lại không đúng, bản năng sinh tồn khiến người ta bỗng chốc trở thành giỏi giang thích nghi với mọi hoàn cảnh.
Hôm qua Việt đưa tôi quyển truyện “ Đêm dài một đời “ của nhà văn Lê tất Điều và nói :

- Quyển truyện này anh đã đọc hồi còn đi học, hôm nọ thấy nó trong gian hàng bán sách cũ, anh mua tặng Kim Hài, em đọc đi để thấy mình vẫn còn may mắn hơn những người khác !

Đôi lúc tôi không thích lối nói như thế của anh, giọng điệu như một ông cụ non mặc dù chỉ lớn hơn tôi sáu tuổi, trong phân xưởng Việt rất ít nói, khác hơn đám thanh niên cùng tuổi hay ba hoa thiên địa, giờ nghỉ trưa những công nhân lớn tuổi thì chui vào xó xỉnh nào đó đánh một giấc, đám trẻ ngược lại tụ tập thành nhiều nhóm tán chuyện, cắp đôi trêu chọc nhau, riêng Việt lúc ấy vẫn ngồi tại góc bàn chỗ làm của mình chăm chú đọc hoặc tô vẽ, tẩy xóa một cái gì đó.
Xí nghiệp gồm ba phân xưởng ; sơn mài, mành trúc và lá buông, tất cả thuộc ngành thủ công mỹ nghệ. Ban đầu tôi làm bên phân xưởng đan lát,những năm đầu khốn khó vì thời cuộc, má tôi là tổ viên của tổ đan lát để tháng tháng được dăm ký gạo tiêu chuẩn nuôi chị em tôi sau khi ba tôi trình diện học tập mười ngày mà không thấy trở về ! Thời gian sau các tổ hợp làm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ nếu không tự giải thể thì theo quy mô của nhà nước nhập lại làm thành một xí nghiệp quốc doanh có Giám đốc, phòng ban quản lý theo đúng tiêu chuẩn và má tôi trở thành công nhân viên bất đắc dĩ. Bị đè nặng dưới bộ máy quản lý cồng kềnh, những công nhân thấp cổ bé miệng như má tôi “ một cổ đôi ba tròng “ ngày ngày đều bị thúc đẩy thi đua tăng năng suất, kế hoạch năm sau cao hơn năm trước, làm việc với khẩu hiệu người người thi đua, ngày không giờ, tuần không tháng. “ Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, xét thấy chưa êm làm thêm giờ nghỉ ! ” Khẩu hiệu giăng mắc khắp nơi với lời lẽ hoa mỹ rồi bình bầu cá nhân xuất sắc, lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua. Mỗi sáng chưa tỏ mặt người những cái loa giăng đầy khắp các khu phố đã oang oang phát thanh tin tức về những xí nghiệp có bàn tay vàng lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn trong khi nồi cơm hẩm hiu độn bo bo, mì sợi, khoai lang thì chẳng thấy nhà nước nào nhắc đến. Đầu làng cuối xóm con nít nhại câu hát trong bài Tình đất đỏ miền đông của mấy ông ca nhạc sĩ Việt cộng : “ Tổ quốc ơi ! ăn khoai mì ngán quá. Từ đại thắng hôm qua ta ăn độn dài dài, từ giải phóng vô đây ta ăn độn bằng hai “

 Xí nghiệp má tôi dưới sự lãnh đạo của Giám đốc gốc gác vùng Hốc môn Bà điểm, trưởng phòng tổ chức ở miệt Củ chi “ đất thép thành đồng “, cộng thêm nhân viên ban bệ từ “ rờ “ từ “ a “ (1) vào tiếp quản Saigon nên phát huy nhiều sáng kiến nâng cao năng suất đến “ chết người “.Từ chuyện thành công với sáng kiến khoán sản phẩm năng xuất gia tăng đáng kể nên < thừa thắng xông lên > các < thầy dùi > trong xưởng nghiên cứu thêm < tối kiến > khiến các công nhân than vãn là “ khoán sản phẩm thưởng phạt theo lũy tiến “. Trong buổi họp triển khai thực hành theo chế độ “ làm theo lao động, hưởng theo năng suất “ những công nhân sản xuất cứ mỗi sản phẩm vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra sẽ được hưởng lương của sản phẩm đó gấp đôi, nhưng nếu không đủ chỉ tiêu giao nộp thì cũng bị phạt gấp đôi. Chỉ tiêu đưa ra thì số lượng cao ngất ngưởng khó đạt được, làm cho đủ số không bị trừ lương cũng đã hụt hơi lấy đâu có dư để được thưởng lũy tiến ! nhưng muốn đủ chỉ tiêu ai cũng phải mang hàng về nhà làm thêm hoặc ở lại làm cho đến tối mịt mới về nhưng tiền lương vẫn không đủ chi dùng bởi đơn giá sản phẩm thấp, có người không đủ chỉ tiêu ngày lãnh lương bị trừ gần hết tiền coi như làm không công, họ chỉ biết ôm mặt nghẹn ngào nhưng vẫn không dám bỏ việc, viễn ảnh bị xua đi kinh tế mới, bị mất phần tiêu chuẩn gạo hàng tháng còn đáng sợ hơn. Má tôi làm trong phân xưởng lá buông nên có thể mang hàng về nhà cho chị em tôi làm thêm ngoài giờ và làm thêm ban đêm mới mong vượt chỉ tiêu, một mình má tôi lãnh lương công nhân nhưng làm việc bằng hai, bằng ba có lẽ đúng theo khẩu hiệu nhà nước nêu ra. Nhưng má tôi cũng phải biết phải quấy với con nhỏ Quản đốc khắc nghiệt, nếu không khi kiểm hàng chỉ cần cầm dao lam rạch một đường bắt làm lại với lý do không đạt tiêu chuẩn là cũng rồi đời ! Sáng kiến của những thầy dùi tốt nghiệp lớp ba trường làng chỉ tồn tại không quá nửa năm bởi phản ứng ngầm của công nhân, họ chấp nhận làm không đạt chỉ tiêu để bị trừ hết lương bởi có lãnh lương thì cũng chẳng đủ sống một tuần lễ, chỉ cần vẫn còn là công nhân trong biên chế nhà nước để được mua giá cung cấp gạo theo tiêu chuẩn và nhu yếu phẩm cho gia đình là đủ. Rốt cuộc các phân xưởng đều không đạt chỉ tiêu sản xuất của ba tháng đầu năm, đến quý 2 thì sáng kiến nâng cao năng suất thưởng phạt bị bãi bỏ, dù vậy công việc cũng vẫn tà tà bởi chẳng ai dại dột làm nhiều với đồng lương rẻ mạt, buổi họp nào ban lãnh đạo cũng kêu gào nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm để đạt kế hoạch hàng năm trong khi ở hàng ghế bên dưới công nhân chụm đầu thì thào tán gẫu hay ngủ gục.

  Năm tôi đủ mười tám tuổi tôi vào làm công nhân thay má để giữ hộ khẩu cho bà rảnh tay mua đầu chợ bán cuối chợ kiếm thêm, mấy năm qua vì thăm nuôi ba tôi trong tù khiến cho đồ đạc trong nhà phải bán hết, tình trạng kéo dài chẳng biết lấy tiền đâu tiếp tục thăm nuôi ! Tuy mới vào làm nhưng đối với các cô, chú trong xưởng tôi đã quen thân bởi trước kia hay theo má tới đây giao nộp sản phẩm.Đối với các mẫu mã sản xuất tôi đã quen thuộc từ lâu, vậy mà đợt hàng vừa rồi tôi bị tay quản đốc loại mất phân nửa phải làm lại với lý do rất mơ hồ < hàng không đạt chất lượng !>. Ôm mớ hàng bị trả lại ngồi dựa lưng ngoài hành lang ban công xưởng tôi tỉ mẩn tháo ra phần bị rạch bỏ và đan lại. Nhỏ Liễu ôm đống giỏ chạy ra ngồi cạnh tôi thì thào :

- Mày bị con mẹ “ Lưu Manh Nương “ nó đì mày rồi ! Con mẻ ghen với mày đó.

Tôi sửng sốt :

- Tao có làm gì đâu mà con mẻ ghen tao ?
-  Tao nghe bà Mười Có bảo vệ nói tại con mẻ nghe thằng Hòa xù nói mày có khuôn mặt giống như tượng Đức me đồng trinh ở Nhà thờ Đức bà.

Tôi gắt gỏng :

- Giống rồi thì sao ? ăn nhập gì tới mà con mẻ ghen ?
-  Mày ngốc quá, nó không dám nói thẳng là mày đẹp nên nói vậy. Mày không thấy mặt Đức mẹ đẹp quá à ?
- Ai tin thằng đó là bán lúa giống, Đức mẹ là người bên Tây còn tao ở Việt Nam là con ba má tao giống sao được.
- Thằng Hòa xù hay khoác lác là người có “ ngón nghề “ đặc biệt làm đàn bà con gái mê mệt cho nên mụ Lưu manh Nương mới đeo theo nó tò tò bất kể những con mắt dị nghị của những người chung quanh, nó thường nói ; đối với phụ nữ nó mà “ chấm “ ai thì người đó khó cưỡng lại được với nó.

Tôi trề môi :

- Mốc xì, nó chỉ có cái miệng xạo xự biết đàn bà con gái có cái lỗ tai nhẹ dạ nên gặp ai cũng ngọt ngào miệng lưỡi, người nào thích nịnh nọt thì sập bẫy nó thôi. Nó không biết tao rất dị ứng với những lời khen, tao có cảm tưởng tao bị nói xỏ khi nghe người ta khen tao đẹp. Càng khen tao đẹp tao càng ghét.
- Tại tụi mình có mặc cảm đó thôi, với tao thì đúng nhưng với mày thì sai bét, mày đẹp thiệt nếu con mắt mày không bị à!!
Liễu nói đến đó rồi im bặt, nó biết nói tiếp sẽ chạm vết thương lòng của hai đứa. Tôi hỏi nhỏ Liễu :
- Anh Việt tính xin cho tao qua phân xưởng sơn mài mày thấy được không ? Mày đừng nói cho ai biết chuyện này.
- Ừ, mày nên kiếm đường thoát khỏi tay con mụ Lưu manh, nếu không con mẻ sẽ kiếm chuyện đì mày sói trán, nếu anh Việt giúp mày chắc là được.

  Hai phân xưởng sơn mài và đan lát cùng chung nhau ngôi biệt thự rộng lớn, tầng dưới mỗi bên chia phân nửa, các phòng ốc tầng trên thuộc về sơn mài, hành lang chung quanh thì các tổ đan lát chia nhau mỗi người một góc. Tổ của tôi nằm ngoài hành lang gian phòng vẽ mẫu của sơn mài nên tôi gặp Việt hàng ngày. Buổi trưa giờ cơm bọn tôi sau khi ăn uống hay ngồi dựa lưng dưới cửa sổ tán chuyện. Ai cũng ngại đi xuống lầu vì biết giờ đó không gian phía dưới là của mụ Lưu với thằng Hòa xù, hai người chất mấy thùng giấy chứa hàng làm thành góc khuất nhỏ rồi kéo nhau vào đó mỗi trưa để làm gì chỉ có trời biết. Người ta gọi tên thằng Hòa kèm thêm chữ “ xù “ chắc biết nó thay đổi bồ bịch như thay áo, còn mụ Lưu thì tên thật là Lưu Minh Sương nhưng vì miệng lưỡi tai ác nên người ta nói trại tên thành Lưu manh Nương cho giống người sao tên vậy. Tuy còn trẻ lại là người Saigon nhưng vào những năm đầu sống với chế độ Xã nghĩa đã tham gia công tác kiểm kê “ ít xì hai “ (2) theo chân các cán bộ tiếp quản các cơ sở sản xuất rất đắc lực, sau khi hết nhiệm vụ được ở lại cắm chốt trở thành công nhân viên sản xuất tại đó luôn, nhờ bề dầy thành tích trung thành với chế độ nên được chi đoàn thanh niên bồi dưỡng chính trị, đề bạt chức vụ Quản đốc. Thói thường hễ “ đỏ bạc đen tình “ không biết có phải vì con đường hoạn lộ phất lên vù vù hay không mà đường gia đạo đâm ra trắc trở, bị chồng bỏ bê chạy theo mèo mỡ nên đâm ra hận đời tằng tịu hết thanh niên này đến đàn ông khác.

 Tôi được quyết định chuyển công tác qua phân xưởng sơn mài là nhờ công lao của Việt. Những ngày tôi ngồi trước cửa sổ hành lang gian phòng vẽ mẫu của xưởng thỉnh thoảng tôi hay đứng lên nhìn vào, Việt nhiều lần trông thấy tôi say mê nhìn những công việc anh đang làm nên bắt chuyện với tôi, dần đà chúng tôi trở thành bạn và rất thân nhau. Nhiều lần tâm sự Việt kể cho tôi nghe chuyện của mình ; từ nhỏ anh đã thích vẽ định sau này ghi tên vào Đại học mỹ thuật nhưng vì lý lịch của cha nên đành phải bỏ ý định, Việt quen với chú Hai Ít là thợ làm trong xưởng sơn mài nhờ trước kia có thời gian làm chung với con chú trong tổ khắc gỗ, thấy Việt có khiếu vẽ nên bảo lãnh anh cho vào làm ở tổ hàng mẫu trong xưởng với chú. Nhờ có năng khiếu cộng thêm sự say mê anh đã tìm tòi học hỏi và đã sáng tạo nhiều mẫu vẽ khác biệt, giờ là người có tay nghề cao trong đám truyền nhân của chú Hai. Việt nói với tôi :

- Em mới qua chưa có tay nghề nên tạm làm trong tổ vuốt bóng cho quen việc đã. Những ngày đầu hai bàn tay tôi nóng đỏ sau khi nghỉ việc. Mấy chị trong tổ giải thích, hàng sơn mài có một đặc điểm lạ lùng là phải dùng lòng bàn tay của mình thoa thêm muội than chà xát khắp bề mặt của nó cho đến khi nào bóng ngời lên mới đạt yêu cầu. Tôi thắc mắc hỏi :
- Tại sao phải dùng tay mà không dùng giẻ lau hay bông gòn ?
- Từ xưa đến nay người ta đều làm thế, chắc chắn họ đã có thử qua nhưng không đạt kết quả tốt nên vẫn phải làm theo như trước, có lẽ do bàn tay người mềm mại có chất mồ hôi nên hàng sơn mài trở nên bóng ngời không trầy sướt khi được chà xát, mà nhất là bàn tay con gái như em ve vuốt chúng lại càng bóng dữ.

Nói xong các chị cười phá lên, biết là bị trêu chọc tôi mắc cỡ càng cúi mặt xuống thấp. Làm sơn mài rất cực nhất là những người có làn da mẫn cảm hay bị dị ứng với sơn dầu dù thích cũng phải bỏ cuộc. Để hoàn thành một sản phẩm cần phải trải qua hai mươi mấy công đoạn, bắt đầu từ khâu tuyển chọn xác mộc kế tiếp là sơn lót, phất vải đều phải tiếp xúc với chất sơn đặc biệt chỉ dành riêng trong ngành nghề, từ loại sơn tây, sơn Phú thọ của nội địa cho đến sơn ngoại là sơn Nam vang cũng điều giống nhau. Chỉ cần đi ngang qua phòng sơn của xưởng, người có làn da dị ứng sẽ bị ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ chảy nước vàng nhìn giống như người sắp mắc bệnh cùi, thuốc thang cũng không hết, chỉ cần tránh xa hẳn mới mong bình phục. Làm nghề nào cũng đều phải chịu cực khổ tất cả chỉ vì chén cơm manh áo, nhìn các anh chị công nhân trong tổ mài thí, mài bóng tôi càng thấy thương thêm, ngày ngày phải ngồi bên bể nước dầm hai bàn tay móp méo trong hồ nước mài trên mặt những bức tranh phết đầy sơn cho đến khi nào lộ ra hình ảnh đã cẩn ốc hay ửng hình do những lá vàng lá bạc dát vào.

Cũng may là tôi không có làn da dị ứng, càng đi sâu vào chi tiết tôi mới cảm phục những bàn tay và trí sáng tạo của người thợ, tôi hòa nhập và cùng say mê với công việc giống như họ, tay thoăn thoắt tách vỏ, cưa cắt những con ốc trai màu, thành đỏ, chúng có sắc màu lóng lánh khiến người mua cứ lầm tưởng là ốc xà cừ.

  Chiều thứ bảy tan xưởng Việt rủ tôi đi uống nước, lần đầu tiên được người khác phái mời mọc tôi bối rối không biết tính sao nhưng thấy vẽ thành thật của anh tôi ngoan ngoãn đạp xe theo, qua cây cầu đi sâu vào con đường đất đến đoạn cuối cùng bị chắn ngang là con sông đầy vì nước đang lớn. Cái quán lợp lá dừa nước với hàng ghế đặt dài theo mép sông dưới những vòm cây lao xao trước gió, sóng vỗ ì oạp mỗi khi có chiếc ghe chở hàng máy nổ lạch bạch, nặng nề trôi qua, nhìn Việt có vẻ quen thuộc nơi này chưa kịp hỏi anh đã giới thiệu :

- Quán này ngày trước là của gia đình người bạn học lớp vẽ với anh, anh ta đã vượt biên lâu rồi.

Không gian im ắng tĩnh mịch cả hai chúng tôi ngồi im lặng, tôi vốn có mặc cảm nên ít nói, cuối cùng tôi dè dặt mở lời :

- Nhìn mặt anh em thấy có vẻ buồn hơn mọi ngày, chuyện gì vậy ?

Rất lâu sau Việt mới trả lời :

- Anh thấy chán quá !!
- Tại sao ?
-  Công việc lập đi lập lại mỗi ngày rập theo khuôn khổ, từng ấy mẫu mã không có gì thay đổi. Càng ngày anh cảm thấy đầu óc cùn mằn.
- Em thấy anh vẽ nhiều mẫu mới lắm, nhưng ….

Tôi bỏ lửng câu không nói tiếp vì những mẫu vẽ của anh tuy đẹp có óc sáng tạo nhưng đều bị xếp xó, có lẽ vì vậy anh đâm ra buồn chán. Tôi an ủi Việt :

- Tại cơ chế xã hội như vậy mà, bên Liên xô, Đông Âu người ta chỉ cần tranh hàng loạt với từng ấy mẫu mã, xí nghiệp phải hoàn thành chỉ tiêu sản xuất thôi.

Tôi hiểu nỗi buồn của Việt, quanh đi quẫn lại với mấy đề tài cũ rích tranh cẩn trứng với lưng hai thiếu nữ mặc áo dài đội nón lá trắng xóa, tranh vẽ phủ với hình mái nhà tranh ửng vàng trên nền đen, tranh khắc với hình cây tùng và chim hạc. Những bức tranh tứ bình lớn nhỏ đều một đề tài Mai, Lan, Cúc, Trúc hay Ngư, Tiều, Canh, Mục không thay đổi, tôi biết với những người có nghệ sĩ tính làm mãi công việc không có đầu óc sáng tạo sẽ đâm ra nhàm chán, tôi đề nghị với Việt :

- Hay là anh xin mua nguyên liệu thừa phế phẩm và làm riêng những đề tài mình thích ở nhà, có thể người khác sẽ nhận thấy nó đặc biệt hơn những mẫu mã cũ. Đối với em bức tranh nào của anh làm cũng đẹp hơn của xí nghiệp là cái chắc.

Việt cười :

- Nhỏ biết nịnh từ hồi nào vậy ta ơi ?

oOo

  Ở trong môi trường mệnh danh tập thể quản lý, nếu có cơ hội dường như một chuyện nhỏ được thổi phồng thành chuyện to, người ta bàn tán chuyện Việt và tôi < cặp kè > nhau. Việt là một thanh niên giàu lòng vị tha, anh có thói quen giúp đỡ và cư xử hết sức tử tế với mọi người không chỉ riêng mình tôi. Nhưng với tôi Việt chăm chút nhiều hơn có lẽ thấy tôi mang nặng mặc cảm. Đầu dây mối nhợ bắt đầu từ những sáng tác Việt vẽ về tôi lúc trước, tôi hay có thói quen ngồi bó gối cúi mặt nhìn xuống chân trong những giờ nghĩ hay có chuyện buồn trong xưởng, có lẽ lúc ấy Việt nhìn thấy nên có cảm hứng và hình thành rất nhanh bức vẽ mẫu cẩn ốc với tựa đề “ Suy tư “, từ đó anh làm thêm nhiều bức vẽ với những đề tài khác lạ, trong đó có một bức Việt vẽ hình cô gái với mái tóc dài ngang lưng, khuôn mặt thanh tú với nét nhìn nghiêng nghiêng, hôm ấy anh mang bức tranh vào xưởng để hỏi chú Hai Ít cách thức cẩn ốc cho con mắt người trong tranh có hồn hơn. Cả tổ làm mẫu xúm vào xem, một người thợ trong đám thốt lên :

- Ê tụi bay coi, con nhỏ trong tranh giống hệt Kim Hài kìa.

Người khác cãi :

- Giống đâu mà giống, con nhỏ có con mắt to như mắt ốc bưu, con Hài mắt lé làm sao giống được.
-  Vậy là mày không biết gì về tình yêu rồi, khi yêu thì < một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng >

Lúc ấy tôi đang ngồi dựa lưng dưới thành cửa sổ ngoài hành lang không ai trông thấy nên tôi vô tình nghe được những lời bông đùa ấy, dẫu rằng họ không có ác ý nhưng cõi lòng tôi vẫn không nén được buồn bã. Hồi nhỏ có lần nghe người ta kể chuyện : “ nếu một người con gái nào xòe bàn tay hứng được mười giọt nước mưa từ trên trời rơi xuống sẽ lấy được người mình thương, sẽ hạnh phúc và giàu sang.” Lớn lên, những lúc trời mưa tôi hay giơ tay ra ngoài thầm cầu nguyện nhưng chẳng lần nào hứng được đúng mười giọt, có phải đối với tôi niềm ao ước ấy quá xa vời ? sẽ chẳng bao giờ xảy ra và chỉ là chuyện trong cổ tích ! Dù trong sâu thẳm tâm hồn tôi biết mình có nhiều cảm tình với Việt nhưng mặc cảm khiếm khuyết khiến tôi có thói quen thu mình vào vỏ ốc bởi sợ sẽ phải đón nhận sự thương hại thay cho tình yêu. Người đời thường nói “ đôi mắt là cửa sổ linh hồn “ là nơi thể hiện những buồn thương giận ghét, có những đôi mắt thu hút người đối diện ngay từ lần đầu gặp gỡ, những đôi mắt dịu dàng, chan chứa tình yêu, còn riêng tôi đau đớn thay tôi không thể nào diễn tả được tâm hồn mình bằng ánh mắt mà chỉ độc nhất một nét nhìn vô cảm !

  Một hôm Việt rủ tôi đạp xe ghé qua phòng trưng bày tranh của cơ sở sơn mài tư nhân Sơn Lam, bây giờ là thời buổi của cơ chế được cởi trói, được bung ra làm ăn với tư cách cá thể. Một người bạn cũ đến nhà chơi thấy những bức tranh của anh nên giới thiệu anh đem vào ký gởi để bán cho khách tư bản nước ngoài. Đề tài của Việt khác hẳn nên bán rất được giá, quy thành tiền Việt nam là một số tiền lớn đến độ không ngờ. Bức tranh cô gái nhìn nghiêng Việt không bán mặc dù có nhiều người hỏi mua với giá cao, tôi hỏi :

- Sao anh không bán nó ?

Việt lắc đầu :

- Bí mật, anh để dành cho một người anh rất mến.
- Là con gái hả ?
- Ừ,

Tôi im lặng cúi mặt với cái tật cố hữu đầy mặc cảm của mình, để giấu nỗi buồn tôi đánh trống lảng :

- Thành công rồi anh phải khao em một chầu mới được.
- Dĩ nhiên rồi, đi ăn trứng vịt lộn đi.
- Trời, em sợ nó lắm ăn thì phải có rau răm, em có nhỏ bạn học đang học lớp Y tế nó nói ông thầy dạy bữa kia nói những người mới phát bệnh cùi bị ngứa ngáy hay đến những vạt đất trồng rau răm lăn lộn trên đó để đỡ ngứa.
Việt cười lớn :
- Chuyện tề thiên này anh mới nghe lần đầu.
-  Em nhớ hồi còn nhỏ, má nói những năm đầu giải phóng mọi người đều bị ghẻ ngứa, lúc ấy không có thuốc trị nên mọi người bày nhau mua rau răm nấu nước tắm còn rau thì đem chà xát như xát xà phòng vậy mà trị hết ghẻ đó. Anh thích ăn trứng thì ăn một mình đi, em sẽ chỉ ăn trái cây ướp lạnh của gian hàng bên cạnh thôi.

Trong khi ngồi ăn tự nhiên Việt nói với tôi :

- Số tiền này anh đưa ba má làm lệ phí nộp đơn xin xuất cảnh.
- Anh đi diện bảo lãnh hả ? Sao nghe anh nói không có thân nhân nước ngoài ?
-  Ba anh là tù nhân cải tạo được Mỹ cho đi.

Việt bỗng nói :

- Anh tính mai mốt qua Mỹ rồi sẽ về cưới Hài, em chịu chờ anh không ?

Trước đây, tôi sống trong thế giới đầy mặc cảm như trong màn sương mù dầy đặc. Tôi quen Việt, sự giúp đỡ của anh giống như tia sáng mỏng manh yếu ớt chiếu qua, bây giờ nghe anh kể chuyện tương lai, tất cả bỗng chốc vụt tắt, màn sương mù lại xuất hiện lôi tôi trôi tuột xuống vực sâu hụt hẫng, ai cũng biết hễ “ xa mặt cách lòng “ huống chi tôi lại là một cô gái tật nguyền, bất hạnh. Với suy nghĩ ấy tôi cố nén tiếng thở dài trong dạ và thản nhiên mỉm cười trả lời :

- Anh nói đùa cứ y như thật.!

  Tôi đi làm với đôi kính đeo trên mắt đã mấy tháng nay, thoạt đầu những người trong xưởng hỏi có phải tôi cận thị, tôi gật đầu bừa. Tôi giấu hết mọi người kể cả với Việt, ba tôi có người bạn cũ ngày xưa cùng học một trường Hải Quân bên Mỹ, sau về cùng phục vụ chung một căn cứ, ngày di tản ba tôi không đi vì còn vợ con nheo nhóc ở nhà. Người bạn về thăm và họp mặt với bạn bè còn kẹt lại, tình cờ trông thấy tôi ông bèn giới thiệu tôi đến gặp một người bà con trước phục vụ trong Tổng Y Viện Cộng Hòa ngành nhãn khoa, vị này mới mở tiệm khám đo mắt, sau khi khám ông nói tật mắt của tôi chữa dễ như trở bàn tay, chỉ cần cho tôi đeo loại kính đặc biệt và khám theo định kỳ một thời gian tròng mắt tôi sẽ trở lại bình thường. Những ngày gần lành bệnh tôi mua đôi kính râm đeo lên giấu niềm vui trong đó mỗi khi đến phân xưởng. Dạo sau này Việt hay vắng mặt để chở ông bố đi làm giấy tờ, anh nói khi nào phỏng vấn xong mới chính thức nộp đơn xin nghỉ việc. Một hôm đi làm về cả nhà tôi kéo nhau đi chụp ảnh, ba tôi nói để làm hồ sơ xin đi Mỹ diện tù nhân cải tạo, tôi mừng hơn bắt dược vàng, má tôi bắt mấy chị em tôi giấu kín không được nói cho người ngoài biết chuyện này nên tôi vẫn điềm tĩnh đi làm như không có gì xảy ra. Gần Tết theo lệ những người bạn học cũ của ba tôi bên Mỹ đã cùng nhau đóng góp một số tiền gởi về giúp đỡ bạn bè còn ở lại. Một buổi tiệc nho nhỏ họp mặt để nhận quà được tổ chức tại nhà tôi. Đang lúi húi sắp xếp lại bàn ghế bỗng nhiên tôi thấy Việt chở một người đàn ông dừng lại trước nhà, còn đang ngẩn ngơ ngạc nhiên thì ba tôi đã bước ra bắt tay người đàn ông và mời vào, hóa ra cả hai người đều là bạn học cùng trường bên ấy. Việt ngoài cửa cũng ngẩn người nhìn tôi chăm chăm rồi đưa tay giả vờ dụi mắt :

- Có phải đây là Kim Hài hay chị em sinh đôi với Hài ?

Tôi bật cười :

-  Vậy anh thấy đây là em hay là chị ?.
- Chị em gì cũng là một đôi hài vàng.

Hôm sau vào xưởng tôi không cần đeo kính mát nữa, tôi định dành ngạc nhiên cho riêng một mình Việt, bây giờ đã thừa. Mọi người chạy ùa ra la lên :

- Trời ơi, ra xem con Hài nè, phép lạ của bà tiên.

Giọng Hòa xù hít hà tấm tắc :

- Hồi đó tui nói Kim Hài đẹp mà ai cũng không tin nói tui tán tỉnh nó. Bây giờ thấy cặp mắt nhà nghề của tui chưa ?

 Việt đưa cho tôi một gói quà và bảo tôi mở ra xem, đó là bức tranh sơn mài cẩn ốc hình cô gái nhìn nghiêng mà dạo trước anh nói để dành cho người bạn gái anh rất mến. Tôi hỏi :

- Sao hồi ấy anh không đưa cho em ?
- Anh sợ em nhìn tranh rồi buồn.
- Em quen rồi, sao bây giờ lại đưa cho em ?
- Bây giờ em rất giống người trong trong tranh, đôi mắt bồ câu long lanh chứ không phải < đôi mắt bồ câu con bay con đậu “ như xưa.

Tôi đỏ mặt đấm vai Việt mấy cái.

- Ba em nói gia đình em đứng sau nhà anh bốn danh sách, theo dự đoán của mấy ông bố thì gia đình em sẽ đi sau gia đình anh khoảng sáu, bảy tháng.
- Vậy là năm nay mình ăn cái Tết lớn vì là cái Tết cuối cùng sống ở Việt Nam.

Tôi nở một nụ cười có lẽ khuôn mặt tôi biến đổi nên Việt nhìn tôi đăm đắm, ngượng ngập tôi nghiêng đầu lắc lư sang bên này rồi bên kia khẽ hát, đôi mắt tôi lóng lánh hát theo “ Ngày tháng tươi như mùa xuân mới ààà. ” Tôi cảm thấy rất rõ một bàn tay khẽ khàng vuốt má tôi, để yên khuôn mặt mình trong hai bàn tay ấy tôi nhắm mắt lại nghe thoảng bên tai giọng nói nhẹ nhàng quen thuộc : “ Em bây giờ tươi tắn giống như mùa xuân mới “./.

Cỏ Biển
Mùa xuân 2008

-----------------------------------------------------------------------

(1) “ R “ Trung ương cục miền Nam
“ A “ Cán bộ từ miền Bắc điều vào Nam.

(2)  “ X 2 “ tên gọi tắt các đoàn kiểm kê cải tạo tư bản.