SỐ 30 - THÁNG 4 NĂM 2006

 

Thư Tòa Soạn

Thơ

Vứt bỏ
24 Hà Phú Đức
Hương Ngọc Lan
24
Phạm Hồng Ân
Tháng tư tôi gửi

23
Hoàng Du Thụy
Em là bóng nguyệt
21
Huỳnh Kim Khanh
Mẹ ơi biển gọi
18
Tôn Thất Phú Sĩ
Buồn trốn trong thơ
18
Kim Thành
Nhớ bạn say
17Maihoado

Truyện ngắn, Tâm bút

Hồn tàu
13
Hoàng Du Thụy

Một chân trời mới
13
Nguyễn Hồng Quang
Kim Thành-Người sương phụ làm thơ
14
Phan Thái Yên

Em có nghe gió nói gì không
14
Võ thị Đồng Minh
Ngọn Thái Sơn
7Cỏ Biển

Gió sa mạc

15
Nguyên Nhi
Như giọt sương khuya
15Hoàng Mai Phi
Phiếm luận văn chương (2)
8Huỳnh Kim Khanh
Còn đó bóng hình
8Song Thao
Nhớ
8Vũ Hoàng Thư

Văn học, biên khảo

Nhà Trần khởi nghiệp (4)
4Trần Việt Bắc
Sống thiện chết lành
4Ngô Văn Xuân
Bông Dã Quỳ
4Xuân Phương
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 17

3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Thằng Nèm
2 Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 24
1 Huỳnh Kim Khanh


 

Hồn tàu

 

Hai anh em đi dọc theo bờ sông trong khu Vieux Montreal. Những con tàu nằm san sát nhau dưới mé sông gợi nhớ bến cảng Bạch Đằng của Saigon. Buổi chiều hè êm ả. Trên không, những con chim biển xao xác gọi nhau. Bầu trời trong xanh, không gợn chút mây mù. Thỉnh thoảng một vài cơn gió nhẹ tạt qua làm lung lay những sợi tóc mềm lòa xòa trên mặt khách nhàn du. Một buổi chiều thật thơ và thật tuyệt. Ném một mẩu bánh mì xuống cỏ gọi bầy chim trời đáp xuống tìm mồi, ông Thịnh nói với em:

- Chú về thăm anh lần này, bao giờ mới trở lại?

Tùng nhìn anh ngạc nhiên:

-Hè nào em chẳng về thăm anh, sao anh hỏi lẩn thẩn vậy?

Ông Thịnh cười hiền:

- Ừ nhỉ, anh lẩn thẩn thật. Cỡ tuổi này, lẩn thẩn là phải! Anh cứ sợ không có lần sau.

Tùng trấn an anh:

- Còn khỏe như anh lo gì không có lần sau. Nhiều khi lá xanh lại rụng trước lá vàng. Lá úa như em sợ có khi rụng trước anh.

Ông Thịnh ậm ừ rồi đổi đề tài đột ngột:

- Tháng rồi anh có gặp Quỳnh Giao.

Nghe đến tên Quỳnh Giao, Tùng sửng sốt:

- Anh gặp Quỳnh Giao? Tại đây?

Gắn một điếu thuốc lên môi, ông Thịnh khum tay mồi rồi nói:

- Tháng rồi Hội người Việt ở đây tổ chức lể ra mắt sách cho Quỳnh Giao. Anh có nói chuyện với cô ấy sau khi buổi lễ tan. Quyển Hồn Tàu để trên bàn viết của anh là do cô ấy tặng.

Rít một hơi thuốc dài, ông bình phẩm bâng quơ:

- Văn hay. Sống động. Mà chuyện tình nào cũng sướt mướt những chia ly.

Tùng nghe qua mà xốn xang trong lòng. Trong những chuyện tình đầy nước mắt của Quỳnh Giao, đa số là chuyện tình tan vỡ với chàng. Ngay chính Tùng, chàng cũng không hiểu tại sao lại tan vỡ. Có lẽ do tuổi trẻ háo thắng, ham thích những điều mới lạ nên Tùng ngoảnh mặt với Quỳnh Giao. Đến khi ngồi nghĩ lại thì mọi chuyện đã muộn màng. Tùng không hiểu sao anh lại biết được mối quan hệ giữa Tùng và Quỳnh Giao. Tùng chưa kịp hỏi thì ông Thịnh đã thăm dò:

- Chú biết tại sao anh muốn gặp Quỳnh Giao?

Tùng bối rối:

- Thưa không, anh.

Ông Thịnh chậm rãi giải thích:

- Có lẽ Quỳnh Giao không biết anh là anh của chú đâu nhưng anh thì biết người tình ngày xưa của Quỳnh Giao là chú. Mới đọc Quỳnh Giao mấy năm gần đây thôi nhưng anh nhận ra hình dáng chú qua những chi tiết trong truyện. Hầu như truyện nào cũng có chàng lính biển đa tình ngoảnh mặt, quay lưng với một cô nữ sinh mơ mộng. Loáng thoáng đó đây còn có hình ảnh bà giáo già nghiêm khắc dạy ở Trưng Vương, căn nhà ở phố Thị Nghè, hay ngôi nhà trắng nằm trên đỉnh núi ở bãi Au Vent ... là những nét đặc thù chỉ anh em mình nhận biết. Anh không phải là người đàn ông trong truyện thì chỉ còn có chú. Hình ảnh Quỳnh Giao thật tội nghiệp trong truyện ngắn Hồn Tàu. Một cuộc tình đẹp như vậy mà để cho tan vỡ, thật đáng tiếc. Đúng ra, đó là một cuộc tình đẹp, chắc chắn phải thành. Không hiểu sao anh có linh cảm như vậy. Sớm muộn gì cuộc tình đó cũng phải thành. Anh thấy rõ là cả hai người đều yêu nhau. Chỉ tại nhân vật nam không chịu mở lời.

Nhìn vào mắt em, ông Thịnh tra vấn:

- Tại sao chú lại bỏ Quỳnh Giao? Mối tình đẹp như vậy. Người thủy chung như vậy. Chú thật vô tâm và vô tình.

Tùng nhăn nhó:

- Anh nói như vậy oan cho em. Đâu phải lỗi tại em.

Ông Thịnh cười dễ dãi:

- Thị Kính hay Thị Mầu?

Tùng cũng cười:

- Chắc Thị ... Mầu!

Ông Thịnh mơ màng:

- Hồn Tàu. Cái truyện làm anh bâng khuâng hết mấy buổi. Khi già người ta thường tưởng tiếc những cuộc tình đẹp. Có mấy người không làm lỡ cuộc tình đẹp của đời mình! Tội nghiệp người ta!

Mấy chữ tội nghiệp người ta anh Thịnh vừa buông ra đầy xót xa dù Tùng không hiểu anh muốn nói tội nghiệp Quỳnh Giao hay anh cũng có riêng một người tình lỡ nào để tội nghiệp. Tùng thấy lòng mình nhói đau nhưng hai cuộc đời giờ đã an bài, chàng biết tính sao? Tùng nhắm mắt, thấy trước mặt mình bày ra những trang giấy Quỳnh Giao gửi cho mình. Những con chữ trong Hồn Tàu chuyên chở một tấm lòng hai mươi lăm năm không nhạt, một mối tình hai mươi lăm năm vẫn âm thầm trổ những nhánh bông nhớ thương, khắc khoải.

Em biết không, mỗi con tàu đều có một linh hồn. Vị thuyền trưởng của anh đã nói như thế trong ngày đầu tiên anh về nhận nhiệm sở. Em nhớ chiếc tàu mắc cạn nằm ở bãi Au Vent? Khi chiếc tàu không còn thì linh hồn của nó cũng không tồn tại. Vị thuyền trưởng của chiếc tàu đó đã gởi hồn theo cái xác tàu mà mình chịu trách nhiệm. Tàu cũng như con người, hồn và xác không thể lìa nhau. Anh cũng đang tìm kiếm cho mình một con tàu để gởi gắm linh hồn. Một con tàu. Mong manh. Dễ thương. Và chung thủy.
Quỳnh cười e thẹn:

- Anh cho Quỳnh làm con tàu đó có được không?

Tùng lơ lửng con cá vàng:

- Chưa biết, để anh thử xem. Mọi thứ đều cần được thử thách. Như anh, trước khi trở thành người lính biển, anh cũng phải trải qua thời gian huấn nhục, khổ hình.
- Em cũng đang trải qua thời gian huấn nhục, khổ hình đây. Em khổ vì yêu. Em đau vì nhớ. Em tan nát vì ghen. Còn khổ hình nào hơn, anh nói em nghe đi. Anh muốn thử thách em bao lâu nữa?
- Làm sao anh biết được bao lâu. Đôi ba năm. Mười lăm, hai mươi năm. Có khi hết cả đời!
- Vậy thì hết cả đời em vậy nhé. Đời em ngắn ngủi lắm. Quỳnh hoa sớm nở, tối tàn.

Rồi Quỳnh duyên dáng đưa cao cánh tay phải lên:

- Em chấp nhận thử thách hết cả đời em.

Tùng nắm tay bạn, giữ lại trong tay mình thật lâu:

- Anh sợ làm em thất vọng.

Quỳnh liến thoắng:

- Yêu là không bao giờ sợ thất vọng.

Tùng cười:

- Em có tài đạo văn. Lớn lên sẽ thành văn sĩ.

Quỳnh cãi:

- Vậy là anh cho rằng em chưa lớn? Bao nhiêu tuổi mới được xem là lớn?

Tùng chưa kịp trả lời thì Quỳnh rưng rưng nước mắt:

- Bằng chị Phượng được không?

Quỳnh chấm dứt câu hỏi bằng những giọt ngắn, giọt dài thi nhau lăn tròn xuống đôi má bầu bầu nũng nịu. Tùng quay mặt đi tránh câu trả lời. Sao Quỳnh lại nhắc đến Phượng trong lúc này? Phượng là gì của mình đây? Chàng có thể gọi Phượng là mối tình đầu của mình hay không? Với Phượng, chàng có nhớ, có thương, có những buổi hẹn hò khi tàu cập bến nhưng sự già dặn của Phượng chỉ đem lại cho chàng niềm thoải mái chứ không đem lại cho chàng những phút giây lãng mạn như khi chàng ngồi cạnh Quỳnh. Phượng biết tất cả những điều chàng muốn. Phượng rành mọi ngõ ngách trong tâm hồn chàng. Người đàn bà lớn hơn chàng 5 tuổi, đôi khi Tùng nghĩ, là người chị dịu hiền của mình thì hay hơn. Phượng chăm sóc chàng tỉ mỉ. Phượng canh giữ chàng khắt khe vì sợ mất chàng. Gần Phượng, chàng thấy mình là đứa bé con được quyền vòi vĩnh, khóc nhè. Gần Quỳnh, chàng thấy mình là cánh tay vững mạnh cho Quỳnh bấu víu, là bóng mát cho Quỳnh nghĩ chân. Quỳnh trẻ thơ, khóc cười dễ dàng như trở bàn tay. Quỳnh yêu chàng bằng mối tình đầu thơ dại nhưng sao chàng vẫn đắn đo. Mấy thằng bạn thân cứ đùa, con gái Văn Khoa, hiền  ngoan như vậy mà chê. Mầy cứ tuyên bố  em là vùng oanh kích tự do đi, tụi này sẽ nhào dzô cho xem. Tùng ậm ừ:

- Thì thằng nào thấy mình tán được cứ nhào dzô, tao đâu có cấm.

Nói thì nói vậy nhưng đám bạn vẫn ngấm ngầm xem Quỳnh là của Tùng, là bất khả xâm phạm dù Tùng dư biết có đứa cũng thương thầm Quỳnh. Mỗi lần Quỳnh đến thăm Tùng là tụi nó tìm đủ cách để chường mặt ra cho Quỳnh thấy. Có đứa còn làm cả thơ tình đăng trên Lướt Sóng để tặng Quỳnh. Quỳnh như con cá đang tung tăng mà Tùng thích nhìn ngắm hơn là bắt giữ bởi Tùng còn quyến luyến đời tự do, chưa  muốn buộc ràng với một người con gái nào dù chỉ với danh nghĩa người tình. Vì Tùng không muốn bắt giữ nên chàng cũng không muốn ai bỏ vào chậu riêng con cá dễ thương kia. Phượng dễ dãi, không bao giờ bắt Tùng phải xác nhận mối liên hệ giữa hai người nhưng thực ra Phượng đã khéo léo làm chủ Tùng mà chàng không hay biết. Có khi con tim Tùng ngã về phía Phượng. Có lúc nó chao về phía Quỳnh. Tùng thấy khó xử. Hai người con gái đặt Tùng đứng trước một ngã ba! Không có sự chọn lựa nào là toàn vẹn cả. Tùng vẫn phân vân chưa dứt khoát được lòng mình như hồn tàu vẫn kiếm tìm một xác tàu mong manh, dễ thương mà trú ngụ.

Ai là người quyết định xa nhau trong buổi chiều mưa ấy? Không phải Tùng, cũng không phải Quỳnh hay Phượng. Chiến cuộc đẩy họ rời nhau! Buổi chiều cuối cùng còn ở thành phố, Tùng đang tiếp Phượng trên boong tàu thì người bạn đến nói nhỏ vào tai chàng có Quỳnh đến tìm. Tùng lúng túng chưa biết xử trí ra sao thì thằng bạn nhanh nhẩu:

- Tao tiếp Quỳnh giùm mầy mười phút, thu xếp chiến trường rồi ra ngay nhé.

Nhìn theo thằng bạn hối hả bước đi, Tùng loáng thoáng thấy vạt áo trắng của Quỳnh bay. Trời sắp mưa, mây đen kéo về từng cụm. Kéo Phượng vào trong khoang tàu để tránh tầm nhìn của Quỳnh và tránh cả cơn mưa đang kéo tới, Tùng vội vàng dặn Phượng:

- Phượng ở đây chờ Tùng chút xíu nghe.

Tuôn chạy xuống những bực thang, Tùng chỉ kịp thấy cái bóng trắng biến đi trong màn mưa vừa chụp xuống. Cái bóng trắng nhỏ, ướt đầm đìa với những sợi tóc dính lại với nhau trong như một đóa quỳnh ủ rũ đang bước vi về phía Bộ Tư Lệnh. Tùng đứng trong mưa nhìn theo cho đến khi thằng bạn kéo chàng vào trong và chìa cho chàng mảnh giấy:

- Quỳnh gửi lại cho mầy. Vào trong lau khô người và tiếp Phượng đi. Tao tạm giữ mảnh giấy này cho. Đem vào đó lạng quạng bom nổ trên tàu!

Tùng thẫn thờ cám ơn bạn, thằng bạn đã âm thầm nuôi dưỡng mối tình si với Quỳnh và chua xót chứng kiến mối tình si của Quỳnh giành cho chàng. Đêm nay hắn sẽ viết thêm một bài thơ tình gửi cho Lướt Sóng. Đêm nay hắn sẽ mơ thấy một đóa quỳnh ướt đẫm trong mưa.

Không ai nói với chàng đó là buổi chiều cuối cùng Tùng vẫy tay chào thành phố. Không ai nói với Tùng đó là lần cuối cùng chàng được nhìn thấy đóa hoa quỳnh mong manh như sương khói. Đóa hoa mong manh và tội nghiệp giữa chiều mưa là hình ảnh đọng lại giữa tim chàng trên đường lưu đày biệt xứ. Tùng không có cơ hội nào tìm lại Quỳnh. Quê hương thấy đó mà phải đành đoạn vẩy chào không hẹn ngày trở lại. Con tàu chàng bỗng dưng phải chuyển hướng để đi về một vùng đất lạ không có trong hải trình. Mảnh giấy học trò gấp tư được mở ra đọc đi, đọc lại trên boong tàu giữa mênh mông trời nước làm hồn chàng chùng, tim chàng xót. Những câu than trách tủi buồn như những mũi nhọn xoáy tim. Anh đã chọn rồi chùm phượng đỏ. Mà quên đi một đóa quỳnh thơm. Khi hè qua, phượng buồn không nở. Quỳnh vẫn thơm suốt cuộc đời dài. Có lẽ buổi chiều đó Quỳnh đã nhìn thấy Phượng nên lặng lẽ rút lui. Cuộc đời không cho Tùng cơ hội để giãi bày rồi Tùng lạc vào đất Mỹ một mình, không chùm phượng đỏ trên tay, không cả đóa quỳnh héo hắt ngày xưa. Phượng khô và quỳnh héo. Mang nỗi hoang mang của một hồn tàu biệt xứ, Tùng dạt vào một bến lạ để trở thành người cha của một đứa con gái xinh đẹp nhờ hai dòng máu Việt-Mỹ. Mười lăm năm sau, tình cờ đọc thấy trong bản tin Trần Hưng Đạo bài thơ Quỳnh Xưa, lòng Tùng vui như vừa gặp lại cố nhân. Bài thơ là đoạn tiếp của bốn câu chàng đã thuộc lòng trong những ngày lưu lạc. Mười lăm năm cơn mưa vẫn bay. Mười lăm năm thương nhớ vẫn đầy. Vẫn theo em những ngày phiêu bạt. Một mối tình chưa kịp nồng say. Mươi năm sau có bao giờ trở lại. Chốn quê nhà, anh hãy chỉ cho con. Đây ụ E, ngày xưa bố lỡ. Để một đóa quỳnh tàn tạ, héo hon. Cuộc tình lỡ là cuộc tình mãi đẹp . Dù muôn đời trầy trụa vết đau. Biết thương yêu là tim rướm máu. Một kiếp người đâu dễ quên nhau! Câu nói đùa năm nao giờ đã thành sự thật. Quỳnh đã là một cây bút có tên tuổi trong làng văn học hải ngoại. Nhưng trong những điều Tùng đọc được, nổi bật nhất vẫn là một mối tình đằm thắm mà ngoài Tùng ra không ai nhận biết. Quỳnh trở thành một người viết văn có lẽ do mối tình tuyệt vọng với Tùng nhiều hơn là do “tài đạo văn” như lời Tùng trêu ghẹo Quỳnh thuở đó.

Dù đóa quỳnh xưa đã nở lại trên đất lạ, Quỳnh lại thơm trên cuộc đời chàng nhưng họ vẫn hai phương trời biền biệt. Và Tùng vẫn chưa hề có cơ hội để nói lời cần được nói hai mươi mấy năm xưa. Linh hồn tàu vẫn lang thang bên cạnh xác tàu dễ thương, lãng mạn, như hai con đường sắt song hành, ở cạnh nhau mà không thể có nhau. Cuộc đời sẽ không cho họ cơ hội gửi gấm lòng nhau dù quỳnh vẫn thơm suốt cuộc đời chàng.

Ông Thịnh đã mồi không biết bao nhiêu lần thuốc chờ cho cậu em qua phút suy tư. Sợ Tùng hiểu lầm ông ca tụng mối tình của Quỳnh Giao là khuyến khích Tùng nối lại một giấc mơ không thành, ông thận trọng nói:

- Lúc trước đã không mở lời thì thôi, giờ cứ giữ cuộc tình đẹp như thế. Nếu chú mở lời bây giờ là đại họa. Mọi chuyện đã an bài rồi. Có phơi lòng mình ra thì cũng chỉ làm khổ bao nhiêu cuộc đời vây quanh!
- Em tưởng mình nợ một điều gì thì khi có cơ hội mình nên trả mới phải chứ. Em nợ Quỳnh Giao lời tỏ tình hai mươi mấy năm xưa, giờ nếu em thố lộ thì cũng phải thôi.

Ông Thịnh nghiêm khắc:

- Lầm! Chú lầm to. Dĩ vãng là thứ không bao giờ nên đào xới lại. Anh khuyên chú đừng bao giờ tìm gặp Quỳnh Giao.

Tùng miễn cưỡng gật đầu:

- Vâng, em xin nghe lời anh.

Rồi chàng uể oải nói, mình về đi anh. Hai anh em thong thả bước đi. Ông Thịnh hài lòng vì đã giúp em dập tắt đi một ngọn lửa tình sắp sửa bùng lên. Ngọn lửa này sẽ đốt cháy nhiều cuộc đời, trong đó có cả một đóa quỳnh mà ông hằng ngưỡng mộ. Sánh bước cạnh em, ông nghe hồn mình nhẹ tênh. Cũng trong bối cảnh trời nước mênh mông này, ông chợt thấy rõ ba cạnh của mối tình tam giác Phượng-Tùng-Quỳnh đang bày ra trong buổi chiều định mệnh. Chỉ khác một điều chiều hôm nay không có giọt mưa nào.

Tháng Ba - 2001
Hoàng Du Thụy