SỐ 30 - THÁNG 4 NĂM 2006

 

Thư Tòa Soạn

Thơ

Vứt bỏ
24 Hà Phú Đức
Hương Ngọc Lan
24
Phạm Hồng Ân
Tháng tư tôi gửi

23
Hoàng Du Thụy
Em là bóng nguyệt
21
Huỳnh Kim Khanh
Mẹ ơi biển gọi
18
Tôn Thất Phú Sĩ
Buồn trốn trong thơ
18
Kim Thành
Nhớ bạn say
17Maihoado

Truyện ngắn, Tâm bút

Hồn tàu
13
Hoàng Du Thụy

Một chân trời mới
13
Nguyễn Hồng Quang
Kim Thành-Người sương phụ làm thơ
14
Phan Thái Yên

Em có nghe gió nói gì không
14
Võ thị Đồng Minh
Ngọn Thái Sơn
7Cỏ Biển

Gió sa mạc

15
Nguyên Nhi
Như giọt sương khuya
15Hoàng Mai Phi
Phiếm luận văn chương (2)
8Huỳnh Kim Khanh
Còn đó bóng hình
8Song Thao
Nhớ
8Vũ Hoàng Thư

Văn học, biên khảo

Nhà Trần khởi nghiệp (4)
4Trần Việt Bắc
Sống thiện chết lành
4Ngô Văn Xuân
Bông Dã Quỳ
4Xuân Phương
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 17

3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Thằng Nèm
2 Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 24
1 Huỳnh Kim Khanh


 

Nhớ...

 

Tôi thích lối  khởi đầu câu chuyện bằng một cái mốc thời gian lững lờ trong quá khứ, chẳng hạn “Buồn Ơi Chào Mi” của F.Sagan bắt đầu bằng “Mùa hè năm đó...” Hè gợi nhớ những ve sầu và phượng vĩ của xa xưa. Cơn nắng cháy người và ly nước đá chanh của bà bán nước ven lề dưới lùm cây trước sân trường Võ Tánh. Tôi yêu ly chè đậu đen đá điểm thêm tí dầu chuối của bà. Từng hạt đậu đã nấu nhừ tan trong miệng, nước chè ngọt mát lạnh làm đông lại những giọt mồ hôi. Thêm vào đó, ta nghe đâu đây mùi vị của vườn chuối chín sau nhà thoang thoảng trong cánh mũi. Tan đi hết cơn mệt nhọc trong người, ly chè thêm sức cho ta đạp xe đi hết quãng đường. Nắng từ mặt nhựa đường hắt lên tựa dầu sôi. Nhìn từ xa cảnh vật lung linh như muốn rời khỏi mặt đất để bay lên nhưng rồi như có một sức vô hình nào đó kéo lại, tất cả vật vờ trong một ảo giác của trưa hè. Nắng khắp nơi, tia vàng rực lúc ban đầu nay chuyển qua màu đỏ óng. Mồ hôi nhễ nhại chảy xuống trán và vào mắt làm thị giác không còn linh động để phân biệt màu sắc được nữa. Tất cả như ngưng đọng trong cái thinh không vô cùng, ta có nghe được gì chăng chính là hơi thở dồn dập của chính mình. Cái nóng hấp làm ta lười biếng và chỉ muốn thiếp đi. Trưa hè ở Việt nam là những cơn ngủ nồng đầy mộng mị. 

Ba tháng hè qua đi thật rất nhanh. Nét mực trên những cuốn lưu bút hồi đầu hè hình như chưa kịp khô là thu đã bắt đầu sang. Ngoài đường phượng vĩ vẫn còn xanh thắm nhưng không còn bông, đâu đó lác đác trên mặt đường rơi rụng một vài cánh hoa cuối mùa đỏ úa. Ve sầu cũng đã chết đi, vạn vật trở mình, thỉnh thoảng ta nghe vài cơn gió se lạnh. Đây cũng là lúc học trò bắt đầu cảm thấy bâng khuâng, cái cảm giác luyến tiếc một mùa hè êm ả đã qua và những âu lo vô cớ trước một năm học mới. Ngày tựu trường, bạn bè biến đi vài ba đứa, hỏi ra có đứa đã lớn tuổi cha mẹ bắt lập gia đình, đứa khác thì đã xông vào lính. Chiến tranh sát nách, tâm tư học trò không còn vô tư như một tờ giấy trắng, một chút gì bồn chồn canh cánh mãi trong lòng. “Anh sẽ ra đi nặng hành trang đó...” chiến tranh đã nằm trong những lời ca vang dội khắp đời sống hàng ngày. Ta thấy bị bủa vây trong một không khí ngột ngạt không lối thoát. Mọi người có vẻ sống rất vội vàng, vì ngày mai có thể là một dấu hỏi lớn? Gia đình nào cũng có con cái trong quân đội hoặc thân nhân chết ngoài chiến trường. Chết chóc trở thành câu chuyện hàng ngày, con người đâm ra chai đá. Mà không thể không chai đá sao được khi con người không còn quyền lựa chọn. Mọi sự là một cuộc an bài của mọi thế lực từ trong cũng như ngoài. Tiếng nói của tôi, của anh chỉ là tiếng nói của những người không tiếng nói.

Ở miền Trung, hầu hết mọi thành phố đều gần biển. Ta chỉ cần đạp xe vài vòng là thấy ngay biển. Tôi đi đã nhiều nơi nhưng chưa thấy bờ biển nào đẹp bằng bờ biển Việt Nam. Có thể gọi tôi là người khó tánh, tôi xin chịu nhưng tôi thấy mình gần gũi với cát trắng Nhatrang hơn. Đây không phải là tinh thần cố chấp ta về ta tắm ao ta nhưng tôi muốn nói đến kỷ niệm. Kỷ niệm làm ta gắn liền với người, với cảnh vật và ngay cả thức ăn. Tôi nhớ đến những món ăn thật đơn giản của người mình như đọt mít luộc chấm mắm nêm hay cà dĩa hấp trong nồi cơm. Nếu chúng ta không từng sống những giây phút gia đình quay quần bên mâm cơm với những món này tự nhỏ chắc bây giờ ta sẽ chẳng thấy gì là hấp dẫn. Tôi vẫn chưa quên những ngày mưa, nằm trùm mền nghe mưa rơi trên mái, chờ mẹ sửa soạn bữa ăn. Thường khi trời mưa, chợ búa hoặc đóng cửa sớm hoặc chỉ có một vài hàng mở vì sự chuyên chở hàng hóa rau cỏ từ dưới quê trở nên khó khăn. Mẹ tôi chỉ dọn lên dĩa rau luộc, chén mắm nêm và đôi ba quả trứng luộc nhưng đối với tôi bữa cơm thật đặc biệt làm sao. Các con của tôi lớn lên ở xứ Mỹ, chúng không chia xẻ cùng khẩu vị với tôi. Lúc các cháu còn nhỏ, tôi hay ép buộc chúng ăn thức ăn Việt Nam nhưng hình như chúng không thích mấy. Dần dà tôi mới thấy rằng mỗi khi ăn lại nhũng món ăn thuần túy của người mình chính là khi ta sống lại những ngỏ xưa lối cũ. Quá khứ không hẳn hiện về nhưng vị giác như đang vẫy vùng trong tiềm thức tìm kiếm những hương vị xa xưa? Có lẽ ta đang sống từng phút từng giây trong kỷ niệm mà không biết đấy thôi rồi bỗng nhiên cái biên giới giữa quá khứ và hiện tại nhòa mờ để ta tan biến trong cái khoảnh khắc hiếm hoi của một sự lẫn lộn kỳ thú.

Ước vọng cho thời gian ngưng đọng lại thường đến khi ta đã mất mát đi một quá khứ êm đẹp,  cố níu kéo  cái ngày hôm qua dù ngày hôm qua của bao chục năm về trước. Tôi sợ phải đóng vai trò của ông lão trong một chuyện xưa khi trở về ngôi làng cũ của mình sau bao lâu xa cách, đối diện với bầy trẻ nít hỏi líu lo “Này lão, ông là ai?” Thời gian tàn nhẫn đã làm lão lạc lõng ngay chính giữa lòng quê hương! Câu chuyện ta ngâm nga thời còn xách cặp đến trường biết đâu sẽ chẳng xảy đến cho mình một ngày nào đó? “Ong là ai?” câu hỏi như là một định mệnh khắt khe mà người lưu vong phải đối diện thường trực ở xứ người và ngay cả khi trở về trên xứ sở.  Người Việt ở ngoại quốc về nay được gọi là Việt kiều. Cái tên nghe thật xa lạ làm tôi liên tưởng đến lối trước ta vẫn thường gọi người Trung hoa là Hoa kiều. Việt kiều ở Mỹ, Việt kiều ở Pháp chỉ định cộng đồng người Việt cư ngụ tại Mỹ, tại Pháp nhưng Việt kiều trên nước Việt? Đau lắm, nay ta trở thành một lớp người ngoại quốc mới ngay trên đất của ông cha. Lối đặt tên có tính toán, đầy hậu ý để phân biệt. 

Ngoài kia trời bắt đầu mưa lớn. El Nino đã ghé qua nam Cali nhiều bận từ mấy tháng nay đem theo những cơn mưa dầm khiến đôi lúc ta có cảm tưởng như đang ở Việt nam. Ở xứ Cali bị hạn hán trong nhiều năm, tôi đâm thèm mưa dữ dội như kẻ lạc loài trong sa mạc mơ đến một ốc đảo xanh. Có lẽ chúng ta đã khôn lớn lên trong những mùa mưa. Từ những trận giông  đầu mùa cho đến những cơn trút nước, mưa trở thành như hơi thở của ta và của đất trời. Mưa rửa sạch hết bụi trần và xoa dịu những bỏng cháy của hạ hồng. Từ những luống đất nứt nẻ cuối hè nay bắt đầu đâm mầm cho mạch sống mới, lẽ tuần hoàn thấy rõ trong hai mùa. Hình như cái môi sinh ấy đã huôn đúc trong người Việt mình một bầu nhiệt huyết đôi khi thật bốc lửa nhưng cùng lúc ấy luôn luôn có một chút gì ướt át ở phía sau. Đúng vậy, cái ướt át của mưa ta thấy khắp nơi trong thơ văn Việt nam và ngay cả bây giờ tôi đang nói về mưa. Mưa là một hiện tượng trong dòng luân lưu dạt dào của vạn vật, dòng nổi trôi bất tận không hề có ngọn cũng như ngành. Hạt mưa là kết quả của một hành trình miên viễn từ nguồn hay đây chính là khởi đầu cho một cuộc trở về cội? Cái lung linh ánh bạc của màn mưa trắng xóa không màu sắc trước mắt ta bất chợt lóe hiện lên một cầu vồng đầy màu sắc. Trắng của mưa là không màu hay đây chính là diệu nhập của ngũ sắc trong quang phổ? Mưa đặt ta đối diện với những câu hỏi không lời giải hay lời đáp đã tự nằm sẵn trong sự tra vấn. Thật ra mọi câu hỏi đều trở nên không cần thiết nữa khi ta bỏ hết, chạy ào vào mưa, trần truồng như thuở ban sơ, dầm mình dưới mưa cho từng phân tử nước tuôn chảy qua từng sớ thịt cộng lông, cái vuốt ve của suối khe mạch nguồn qua triền núi đá, cái sự va chạm của vạn tia nước đâm xỉa trên mặt đại dương. Ở đấy bất chợt ta thoắt thấy sự thuần nhất giữa nước và mình, niềm hỉ lạc vô biên của sức sống.
Tôi miên man nhớ tưởng từ hạ, qua thu rồi đến đông. Thế còn mùa xuân? Xuân khởi đầu bằng một nhịp đập mới, một hơi thở mới, một chu kỳ mới cho vạn vật và con người. Kể từ xuân 75 đến nay, Việt nam chưa có mùa xuân mới. Trăm triệu người đang chờ đợi một nhịp đập mới, một hơi thở mới, một chu kỳ mới, một mùa xuân thật sự, Xuân Hy Vọng, trở về lại trên quê hương.

Vũ Hoàng Thư
Tháng 3, 1998