SỐ 30 - THÁNG 4 NĂM 2006

 

Thư Tòa Soạn

Thơ

Vứt bỏ
24 Hà Phú Đức
Hương Ngọc Lan
24
Phạm Hồng Ân
Tháng tư tôi gửi

23
Hoàng Du Thụy
Em là bóng nguyệt
21
Huỳnh Kim Khanh
Mẹ ơi biển gọi
18
Tôn Thất Phú Sĩ
Buồn trốn trong thơ
18
Kim Thành
Nhớ bạn say
17Maihoado

Truyện ngắn, Tâm bút

Hồn tàu
13
Hoàng Du Thụy

Một chân trời mới
13
Nguyễn Hồng Quang
Kim Thành-Người sương phụ làm thơ
14
Phan Thái Yên

Em có nghe gió nói gì không
14
Võ thị Đồng Minh
Ngọn Thái Sơn
7Cỏ Biển

Gió sa mạc

15
Nguyên Nhi
Như giọt sương khuya
15Hoàng Mai Phi
Phiếm luận văn chương (2)
8Huỳnh Kim Khanh
Còn đó bóng hình
8Song Thao
Nhớ
8Vũ Hoàng Thư

Văn học, biên khảo

Nhà Trần khởi nghiệp (4)
4Trần Việt Bắc
Sống thiện chết lành
4Ngô Văn Xuân
Bông Dã Quỳ
4Xuân Phương
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 17

3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Thằng Nèm
2 Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 24
1 Huỳnh Kim Khanh


 

Nhà Trần khởi nghiệp

 

Trần Việt Bắc

Kỳ 4

Phần 3: Những cuộc binh biến giữa các “sứ quân”.

Đại Việt dưới các triều đại đầu thời nhà Lý đã trở nên khá cường thịnh, với những chiến công oanh liệt “phá Tống bình Chiêm”, tuy nhiên đến đời vua Lý Anh Tông (làm vua 37 năm, 1138 – 1175) thì chính sự ngày thêm đổ nát, “vua không phân biệt được kẻ gian tà, hình phạt không sáng suốt, … , giặc cướp nổi lên, giềng mối rối loạn, không thể nói xiết” (ĐVSKTT), như sự lộng quyền của Đỗ Anh Vũ và việc nổi loạn của đám giặc Thân Lợi. Tới thời vua Cao Tông (làm vua 35 năm, 1176-1210), thì “vua chơi bời vô độ, chính sự hình pháp không rõ ràng, giặc cướp nổi như ong, đói kém liền năm, cơ nghiệp nhà Lý từ đấy suy” (ĐVSKTT). Đến cuối đời ông vua này, nhà Lý coi như đã suy vong cực độ, công khố trống rỗng, binh lực bạc nhược, nhà Lý coi như sắp chấm dứt! Vua Cao Tông băng, con là Huệ Tông thừa hưởng một triều đại giống như một căn nhà đã mục chờ sụp đổ!

Đất nước lọan lạc, triều đình suy vong! Người giàu có thế lực, cũng như các đám cướp đã tổ chức thành những đội quân riêng, để phòng thủ cũng như để đánh lẫn nhau và coi triều đình quan lại nhà Lý  không ra gì! Cuối thời vua Cao Tông, những đám quân này sau khi đã tiêu diệt lẫn nhau, hay hợp lại với nhau, vùng trung du Bắc Việt còn lại những lực lượng chính như sau: ở Nam Định có họ Trần (Trần Lý và các con cùng em vợ là Tô Trung Từ), ở Bắc Giang có họ Nguyễn (Nguyễn Nậu, Nguyễn Nãi), ở vùng Hồng có họ Đoàn (Đoàn Thượng, Đoàn Chủ). Ngoài ra lại có những  đám vũ trang nhỏ hơn như:  Nam Sách, Sơn Lão (vùng núi phía tây kinh thành, phủ Quốc Oai tỉnh Sơn Tây) và Khoái Châu (phía bắc tỉnh Hưng Yên).

Tháng 7 năm 1209 xảy ra loạn Quách Bốc, vua Cao Tông phải bôn đào khỏi kinh thành (1). Loạn tướng Quách Bốc đã bắt theo thái tử Sảm, hoàng tử Thẩm, An Toàn hoàng hậu họ Đàm, hai công chúa cùng một số người hoàng tộc mang về Hải Ấp (góc tây bắc tỉnh Thái Bình). Tại Hải Ấp, “Bọn Quách Bốc tôn vương tử Thẩm lên làm vua” (ĐVSL).Thái tử lúc này đang ở Hải Ấp, nhờ người (Phạm Ngu và Lưu Thiện) liên lạc  được với họ Trần ở Thiên Trường (huyện Mỹ Lộc, gần Hải Ấp). Nhận được tin “mừng”này, Trần Lý và Tô Trung Từ là em vợ mang quân đánh Quách Bốc, bọn Quách Bốc thua, thế là thái tử Sảm thoát khỏi tay đám loạn quân.  Trần Lý “đón vương tử Sảm về Lỵ Nhơn lập làm vua, tôn xưng là Thắng Vương và giáng vương tử Thẩm làm tước vương. Sau đó vương tử Sảm lại trở về Hải Ấp” (ĐVSL). Thái tử lấy con gái ông Trần Lý và lập “triều đình lưu vong”.  Tại đây, thái tử phong tước cho Trần Lý (tước Minh Tự) và Tô Trung Từ (chức Điện Tiền Chỉ Huy sứ) cùng những người đi theo.
Sau khi đám loạn quân Quách Bốc bỏ đi, vua Cao Tông về lại kinh thành. Nhà vua biết được thái tử Sảm đã được Trần Lý và Tô Trung Từ lập lên làm vua, bèn “sai Phạm Du đến Hồng Lộ để huấn luyện quân sĩ sắp muốn đánh người ở Thuận Lưu” (ĐVSL) là đám họ Trần và Tô Trung Từ. Lúc này ông Trần Lý đã chết, binh quyền đã trao lại cho con là Trần Tự Khánh. Biết được vua Cao Tông muốn đánh dẹp cái “triều đình lưu vong” cùng đám loạn quân đã dựng nên “triều đình phản” này, Trần Tự Khánh ra tay trước. Khánh bèn “rầm rộ đốc xuất thuyền bè, quân lính tiến đánh kinh sư” (ĐVSL). Tuy nhiên Khánh đã bị quan quân và dân chúng kinh thánh đẩy lui.

Thấy Trần Tự Khánh đã bị thua (8/1209) cậu của Khánh là Tô Trung Từ đã  đi một nước cờ cao hơn. Ông này với sự trợ lực của người con rể là Nguyễn Đà La (2) lập mưu cướp thái tử cùng thân quyến của vua Cao Tông từ tay họ Trần ở Hải ấp, sau đó kéo quân thẳng về Thăng Long, uy hiếp triều đình vua Cao Tông. Nếu làm được như vậy là có thể xong được “việc lớn”. Để có lý do làm chuyện bất ngờ và qua mắt anh em họ Trần, Tô Trung Từ viện cớ  mang quân đi đánh Khoái Châu. Trên đường theo sông Hồng tới Khoái Châu  thì ngang qua Hải Ấp (xin coi bản đồ đính kèm).

Khoái Châu nằm trên đường từ Hải Ấp đến Thăng Long theo thủy đạo sông Hồng. Thế là Tô Trung Từ  “ép binh lính đánh Khoái châu. Nhân đó, tiến tới Hải Ấp bắt bọn vương tử Sảm đem về kinh sư” (ĐVSL). 

Tô Trung Từ đã thành công và đạt mục đích là bắt được thái tử Sảm, hoàng tử Thẩm, hai công chúa và An Toàn hoàng hậu họ Đàm làm “con tin”,  sau đó kéo quân về kinh sư uy hiếp vua Cao Tông và  triều đình nhà  Lý (1/1210). Anh em họ Trần là Trần Thừa và Trần Tự Khánh đã bị ông cậu lừa một vố rất đau.

Tháng 7, 1210 vua Cao Tông băng, thái tử Sảm lên ngôi là Huệ Tông. Trần Tự Khánh không muốn bỏ qua cơ hội, ông này kéo quân về kinh thành, lấy cớ là viếng tang vua Cao Tông và mời ông cậu cùng đi, tuy nhiên Tô Trung Từ nghi ngờ, vì vậy Trần Tự Khánh kéo quân về lại Thiên Trường. 

Tại kinh sư, thấy Huệ Tông mới lên ngôi lại còn trẻ, Tô Trung Từ lại càng lộng hành hơn nữa, nhưng bị quan lại triều đình nhà Lý chống cự, tuy nhiên họ đã bị ông này đàn áp thẳng tay, một số những người này đã bị bắt và bị giết một cách thảm khốc. Một bộ tướng của Từ là Nguyễn Tự vì có hiềm thù với con rể của Từ là Nguyễn Đà La, Nguyễn Tự muốn giết ông con rể này rồi làm phản, chuyện bại lộ, Từ bèn “tước đoạt binh quyền của Nguyễn Tự, Nguyễn Tự sợ chạy sang Quốc Oai” (ĐVSL).

Sau một năm rưỡi thao túng kinh thành, Tô Trung Từ cũng đã bị tiêu diệt bởi quan lại nhà Lý: “bị chồng của Công chúa làm Quan nội hầu là Vương Thượng giết chết” (ĐVSL) (đã được trình bày trong phần 2). Sau khi Tô  Trung Từ chết (năm Tân Tỵ, tháng 6, 1211) Nguyễn Tự -bộ tướng cũ  của T ừ, “ban đêm dẫn đồng đảng ra đánh cắp hoá vật  ở trong phủ của nhà vua. Vua giận hạ chiếu bắt Nguyễn Tự rất gắt gao. Nguyễn Tự chạy trốn sang vùng Sơn Lão thuộc Khô Sách” (ĐVSL). Tại đây, Nguyễn Tự đã giúp dân vùng Quốc Oai đánh dẹp làng Sơn Lão, đám này thường tấn công, và cướp bóc các vùng chung quanh phủ Quốc Oai. Nguyễn Tự đã dẹp được làng này,  sau đó trở thành một “sứ quân” và dựng nên vùng cát cứ riêng của mình ở phủ Quốc Oai, phía tây Thăng Long.

Vùng trung du Bắc Việt lúc này có những lực lượng chính như sau:

Họ Trần ở Thiên Trường, do hai anh em họ Trần là Trần Thừa và Trần Tự Khánh lãnh đạo (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, phía hữu ngạn sông Hồng).

Họ Đoàn ở Hồng lộ, do Đoàn Thượng và Đoàn Chủ cầm đầu (phía tả ngạn sông Hồng, gồm các quận Gia Lộc, Bình Giang, Thanh Miên và  Ninh Giang tỉnh Hải Dương ngày nay).

Họ Nguyễn ở Bắc Giang, do Nguyễn Nậu và Nguyễn Nãi lãnh đạo ( phía bắc sông Đuống – tên cổ thời là sông Thiên Đức, gồm các quận Tiên Du, Từ Sơn, Quế Võ tỉnh Bắc Ninh ngày nay).

Những nhóm võ trang nhỏ hơn như:

Nguyễn Tự (huyện Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, phía tây kinh đô Thăng Long, thuộc tỉnh Hà Tây ngày nay).

Khoái châu ( huyện Hậu Giang, Kim Đồng, An Thi tỉnh Hưng Yên ngày nay). Người viết không tìm thấy sử liệu nào nói về người lãnh đạo của lực lượng này).

Nam Sách (huyện Nam sách, tả ngạn sông Thái Bình, phía tây tỉnh Hải Dương, phía tây nam tỉnh Bắc Ninh ngày nay.  Phạm Võ là thủ lãnh của vùng này).

Tô Trung Từ chết, kinh thành lúc này không có một lực lượng nào đáng kể, ngoại trừ một đám quân dưới tay ông con rể của Tô Trung Từ là Nguyễn Đà La, nhưng ông này không đủ tài và lực, lo sợ những lực lượng bên ngoài sẽ kéo về kinh thành tiêu diệt mình. Nguyễn Đà La muốn liên kết với Trần Thừa “xin tiến binh dẹp yên đất Khoái” (ĐVSL). Vì nếu quân họ Trần chiếm được Khoái châu và án binh tại đây, thì Nguyễn Đà La sẽ không còn lo lắng về việc những lực lượng này có thể mang quân về kinh sư,  Khoái châu ở gần  kinh thành về hường đông nam. Hơn nữa, quân họ Trần sẽ làm một “nút chận” để cản quân vùng Hồng kéo về Thăng Long. Nguyễn Đà La “cùng với vợ của y là Tô thị lên thuyền sang đạo Thuận Lưu để gặp tướng của Tô Trung Tự là Nguyễn Trinh”. Tại đây, Nguyễn Đà La “bị Trinh giết chết rồi cướp lấy Tô thị” (ĐVSL). “Thù chồng phải trả”, bà họ Tô sai người tố cáo với Trần Thừa ( là ông anh họ của bà). Trần Thừa lúc này đang ở Hải Ấp biết chuyện, bèn âm mưu giết Trinh. Trần Thừa “sai người đi triệu Trinh đến Hải Ấp, Trinh không đến” (ĐVSL). Không muốn động binh, Trần Thừa khuyên cô em họ dụ Trinh để giết (3).

Biết được cậu mình đã chết, Trần Tự Khánh có lẽ đã kéo quân về kinh thành, tuy nhiên không thấy sử liệu nào nói về những họat động của Trần Tự Khánh tại kinh thành lúc này, ngoại trừ việc “Trần Tự Khánh an táng Tô Trung Từ ở làng Hoạch” (ĐVSL)

Nguyễn Đà La chết, đám quân của Tô Trung Tự như rắn mất đầu, tức khắc tan rã. Dù kinh thành lúc này, tạm thời không bị lực lượng nào thao túng, nhưng với một ông vua không có khả năng cùng với một đám quan lại “vô lực vô năng”, triều đình nhà Lý như đang đợi một lực lượng nào đó tới để “bảo hộ”.

Họ Đoàn ở vùng Hồng - tương đối ở gần kinh thành - đã không bỏ qua cơ hội. Để có đường mang quân về kinh thành, “ người ở trong vùng Hồng đánh ải Quảng Điểm” (4) (ĐVSL). Trần Tự Khánh cũng không muốn để mất dịp may, “ sai Lại Linh đốc xuất binh lính cùng với viên tướng ở Khoái châu là Nguyễn Đướng chống cự chúng. Nguyễn Đường bị người giữ ải bắt đem trao cho người ở vùng Hồng” (ĐVSL). Nguyễn Đường có lẽ chỉ là một tùy tướng  của họ Trần được sai đi trước để dò đường, làm nội ứng khi Lại Linh đánh Khoái châu. Mục đích của Linh đánh chiếm vùng này là chặn đường người vùng Hồng, đồng thời mở đường tiến quân về kinh đô của Khánh. Tuy nhiên, khi Lại Linh tấn công Khoái châu, thì Nguyễn Đường đã bị người giữ ải phát giác và bắt trao cho người ở Hồng lộ. Thấy âm mưu của mình bị bại lộ, “Trần Tự Khánh tức giận, mở lối cho nước sông chảy vào các ấp rồi trở về” (5) (ĐVSL). Đây là một hành động “giận cá chém thớt” tàn nhẫn của Trần Tự Khánh đối với người dân vùng này. Thế là “dân ở Khoái châu thất vọng bèn kéo về nương tựa ở vùng Hồng” (ĐVSL).

Quân của Trần Tự Khánh kéo về, người ở Khoái châu theo phe vùng Hồng. Tháng 7 năm 1211 -một tháng sau khi Tô Trung từ chết- hai thủ lãnh “người ở vùng Hồng  là Đoàn Thượng và Đoàn Văn Lôi đem binh về kinh sư” (ĐVSL). Tại kinh sư, Thượng và Lôi nói vu cho Khánh với vua là ông này muốn làm chuyện phế lập. Vua Huệ Tông nổi giận, cô em của Khánh đang là Nguyên phi, liền bị nhà vua thất sủng, giáng xuống làm ngự nữ, đồng thời “nhà vua hạ chiếu cho các đạo binh đánh Trần Tự Khánh” (ĐVSL) và phong tước hầu cho Đoàn Thượng. Vua Huệ Tông muốn dùng Đoàn Thượng để diệt Tự Khánh.

Chưa kéo binh về được Thăng Long, “Trần Tự Khánh đem binh đánh người ở  vùng Ma La là Đinh Cảm, nhưng thua rồi rút quân về. Mùa đông Trần Tự Khánh lại đánh lấy ấp ấy. Đầu tiên đánh núi Đội (6), giết và bắt được rất nhiều người, Đinh Cảm phải chạy sang Sơn Lão” (ĐVSL). Vậy là tháng 7, Khánh thua trận ở Khoái châu, trên đường về lại Thiên Trường,Trần Tự Khánh nhân tiện mang quân đánh Đinh Cảm ở huyện Duy Tiên- phía hữu ngạn sông Hồng, nhưng lại bị bại trận. Ba tháng sau – tháng 10 năm 1211, Khánh đánh phục thù, thắng và chiếm được vùng đất phía tây bắc Thiên Trường (huyện Mỹ Lộc), vùng ảnh hưỡng của họ Trần được mở rộng thêm.
Thấy họ Trần mở rộng địa bàn hoạt động, Họ Đoàn cũng không chịu thua, bèn mang “người ở vùng Hồng đánh Nam Sách, Phạm Võ đầu hàng” (ĐVSL), sau đó Đoàn Thượng sai Đoàn Trì Lỗi (7) giữ Nam Sách. Ông này không được lòng dân Nam Sách, Phạm Võ thừa dịp nổi lên chống lại, và giết Đoàn Trì Lỗi. Để phục thù cho Lỗi, “người vùng Hồng lại đốc xuất binh lính qua sông (NV: Thái Bình) đánh Nam sách. Người Nam Sách chạy trốn ở núi Kỳ Đặc (8) , Phạm Võ mắc tai ách mà chết”(ĐVSL). Người Nam Sách thua, Phạm Võ chết. “Dân Nam Sách sai người đi cầu cứu Trần Tự Khánh” (ĐVSL). Làm sao Khánh có thể bỏ lỡ được dịp may này, “Trần Tự Khánh sai tướng là Đinh Khôi đánh vùng Hồng. Quân vùng Hồng thua chạy” (ĐVSL).

Lúc này quân vùng Hồng đã phải chia ra làm ba hướng khác nhau. Một toán đang ở kinh sư, một toán khách tấn công vùng Nam Sách, toán còn lại lo cố thủ căn cứ địa. Trần Tự Khánh đã nhận thấy sự phòng thủ yếu ớt của người vùng Hồng, thêm sự cầu cứu của dân Nam Sách. Khánh cho Đinh Lôi tấn công vùng Hồng. Đinh Lôi thắng trận, sau đó “Trần Tự Khánh lại đi kinh lược Lạng châu đến núi Tam Trĩ (9). Lúc bấy giờ hết cả đất đai ở đấy Trần Tự Khánh lấy được hết cả” (ĐVSL). Vậy là nguyên một vùng rộng lớn ở trung du Bắc Việt - gồm các tỉnh Nam Định, Hưng Yên và Hải Dương - đặt dưới ảnh hưởng của họ Trần.

Dù chiếm được đất, nhưng các tướng dưới quyền Đoàn Thượng và người ở vùng này vẫn không tuân phục Trần Tự Khánh, những cuộc chiến vẫn diễn ra liên tục ở đây . Rồi ở vùng Hồng họ Đoàn cũng sẽ  khôi phục lại lực lượng để chống họ Trần và tranh hùng cùng họ Nguyễn ở Bắc Giang.

Họ Trần lúc này đã tạo được binh lực mạnh nhất ở châu thổ sông Hồng. Về những vùng họ Trần đã chiếm,  không thấy sử liệu nào nói về việc cai trị, tuyển quân hay thu thuế để nuôi quân, nhưng để có được một đội quân hùng mạnh thì quân lương là một vấn đề ưu tiên hàng đầu. Họ Trần phải có một kế hoạch định sẵn, sự hoạch định việc cai trị tới lúc này, vẫn đang là một câu hỏi cho người viết.

Đạt được một vùng rộng lớn, đông dân cư và tương đối trù phú, họ Trần mưu tính kế hoạch lớn hơn nữa là mang quân về kinh đô Thăng Long để thao túng triều đình nhà Lý. Hai tháng sau  khi chiếm được vùng Hồng, “tháng chạp (NV: tháng 12, năm 1211) Trần Tự Khánh rầm rộ kéo binh đến đóng ở bết Tế Giang” (ĐVSL).

Lúc này đám quân của Đoàn Thượng và Đoàn Văn Lôi có lẽ đã rút khỏi kinh thành (10) vì muốn tránh phải đối đầu với Trần Tự Khánh,dù nhà vua cũng đã ra chiếu chỉ cho các đạo binh đánh Tự Khánh, nhưng không có lực lượng nào là địch thủ của ông này. Khánh kéo đại binh về Thăng Long, lực lượng vùng Hồng bắt buộc phải triệt thoái.

Tại kinh sư, lúc này đã xảy ra một biến cố rùng rợn là cảnh “mẹ “ghẻ” giết con chồng” một cách tàn bạo để bảo vệ chức Thái hậu cùng địa vị họ hàng của mình. Thái hậu họ Đàm, mẹ của vua Huệ Tông (An Toàn hoàng hậu), 6 tháng trước có nghe Đoàn Thượng và Đoàn Văn Lôi nói vu là Trần Tự Khánh có ý muốn làm chuyện phế lập. Trần Tự Khánh mang đại quân về kinh đô. “Thái hậu nghe quân đến, ngờ Trần Tự Khánh có ý mưu việc phế lập. Trần Tự Khánh bèn cắt tóc mà thề với trời đất rồi lại sai công chúa Thiên Trinh (11) tâu với bà Thái hậu rằng là mình không có ý chi khác. Thái hậu cũng không tin. Một đêm bà Thái hâu sai bắt Nhân Quốc vương (12) và hai Vương tử là người con trai thứ sáu, người con trai thứ bảy, cả ba đều bị đem dìm xuống cái giếng trong khu nhà của vua, để vùi lấp cái manh mối của việc cải lập. Xong rồi sai khiêng những cái thây ấy để ở ngoài cửa cung Lâm Quang” (ĐVSL). Thật là một việc hết sức kinh khủng, ba người em cùng cha khác mẹ của vua Huệ Tông bị mẹ đẻ của mình giết chết một cách thảm khốc mà nhà vua không làm gì được. Viên hoạn quan “sâu dân mọt nước”  Đàm Dĩ Mông là anh của thái hậu họ Đàm có lẽ đã tham dự vào biến cố này, vì trước khi xảy ra biến cố này, khoảng thời gian giữa tháng 7 và tháng 10 “nhà vua hạ chiếu cho Đàm Dĩ Mông được phục chức, được mời tham dự  việc triều chính” (ĐVSL). Đây là việc mà một ông vua nhu nhược có lẽ bị buộc phải làm, vì bị áp chế bởi một bà mẹ cùng với đám ngoại thích gian ác. Sự việc đưa đến một hậu quả khó lường cho nhà Lý (13). Các hoàng tử bị giết, xác vất một đống ngoài cửa hoàng cung. Nhà vua thì như vậy, quan lại nhà Lý cũng chả ra gì, “Các quan viên theo hầu vua đều sợ Thái hậu nên không dám nhìn. Chỉ có một viên quan nhỏ là Trịnh Đạo khóc than vô cùng thảm thiết rằng: “Tiên quân đi đâu mà khiến cho ba người con bị hại như thế này!”...Vua Cao Tông khi vừ mới mất có câu đồng dao rằng: “Cao Tông táng vị tất, tam thi tích vi nhất”. Dịch nghĩa: “Cao Tông mất chưa táng, ba thây một đống nằm” (ĐVSL).

Dòng tộc nhà Lý đã bị bà Thái hậu họ Đàm sát hại thảm khốc. Vua Huệ Tông không có con trai, các anh em của nhà vua bị giết, quan lại thì không ra gì, nhà Lý thật sự đã hết người!

(còn tiếp)


1. Sự việc xảy ra đã được viết  trong phần 2 “Loạn sứ quân”

2. Nguyễn  Đà La sau này  làm “thuyết khách” để khuyên  Trần Thừa đánh người vùng Hồng  khi Tô Trung Từ bị giết chết.

3. Nguyễn Trinh cũng đâu có quá dại. Đến thì chết ngay lập tức! Không đến thì chư a chắc đã  chết, mà nếu có chết sẽ chết sau ! Hơn nữa đang có quân trong tay, đánh thì đánh. Vậy thì việc gì phải đến. Tuy nhiên, Trinh không chết vì bị Trần Thừa giết màTrinh đã phải chết vì tay bà họ Tô.

4. Người viết chưa tra cứu được “ải”  Quảng Điểm ở vị trí nào, chỉ biết “ải” này nằm ở Khoái châu và đoán là tọa lạc phía tả ngạn sông Hồng.

5. Ghi chú trong bản dịch :“Trần Tự Khánh tức giận, mở lối cho nước sông chảy vào các ấp (của người Hồng ND)”.  Người viết nghĩ  là Trần Tự Khánh phá đê để làm lụt vùng Khoái châu , vì vùng Hồng ở tại Hưng Yên, khá xa nởi xảy ra biến cố. Hơn nữa,  câu tiếp theo trong ĐVSL là vì biến cố này, dân Khoái châu bèn nương tựa người ở vùng Hồng.

6. ĐVSKTT, quyển 1, trang 224  : “ Đinh Hợi, [Thiên Phúc] năm thứ 8 [987] , (Tống Ung Hy năm thứ 4). Mùa xuân, vua lần đầu cày ruộng tịch điền ở núi Đọi được một hũ nhỏ vàng
Ghi chú cuối trang “ Núi Đọi, tên chữ Hán là Đội sơn hoặc Long Đội, ở xã Đọi Sơn, Huyện Duy Tiên, nay thuộc tỉnh Nam Hà.
ĐNNTC, tập 3, trang 182: “Núi Long Đôi: ở xã Đọi Sơn phía đông nam huyện Duy Tiên”.
NV: ngày nay nơi này có thắng tích là chùa Long Đội.

7. Đoàn Trì Lỗi: người viết không truy cứu được ông này là ai, chỉ phỏng đoán ông này là em hay con của Đoàn Thượng hoặc Đoàn Văn Lôi.

8. “Người Nam Sách chạy trốn ở núi Kỳ Đặc” (ĐVSL). Người viết không tra cứu được tên núi Kỳ Đặc ở đâu. Tuy nhiên, tìm thấy tên núi khá gần Nam Sách là núi Phượng Hoàng, có tên khác là Kiệt Đặc, người viết đoán núi Kỳ Đặc là núi này. ĐNNTC, tập 3, trang 397 có viết về tên nuí Kiệt Đặc như sau: “Núi Phượng Hoàng: ở cách huyện Chí Linh 12 dặm về phía bắc, có tên nữa là núi Kiệt Đặc, ngọn giữa cao vót, hai cánh hai bên như hình chim phượng, nên gọi tên thế”.

9. Người viết chưa tra cứu được vị trí của núi Tam Trĩ.

10. Không thấy sử liệu nào diễn tả việc rút quân của Đoàn Thượng và Đoàn Văn Lôi ra khỏi kinh sư.

11. Không truy cứu được công chúa Thiên Trinh là ai mà Trần Tự Khánh lại có thể sai đi để gặp thái hậu .

12. Người viết chưa truy cứu được tên của vị này cùng hoàng tử thứ sáu và thứ bảy của vua Cao Tông.

13. Về sau, vua Huệ Tông phát điên loạn có lẽ cũng vì một phần bị ảnh hưởng bởi biến cố này: “Đinh Sửu, [Kiến Gia] năm thứ 7 [1217] , (Tống Gia Định năm thứ 10). Mùa xuân, tháng 3, vua dần dần phát điên, có khi tự xưng là Thiên tướng giáng, tay cầm giáo và mộc, cắm cờ nhỏ vào búi tóc, đùa múa từ sớm đến chiều không nghỉ, khi thôi đùa nghịch thì đổ mồ hôi, nóng bức khát nước, uống rượu ngủ li bì đến hôm sau mới tỉnh” (ĐVSKTT).