SỐ 32 - THÁNG 11 NĂM 2006

 

Thư Tòa Soạn

Thơ

Chiều Hàng Châu
24 Vũ Hoàng Thư
Nửa
24
Trần Việt Bắc
Em là bóng đêm

23
Huỳnh Kim Khanh
Tôi biết anh mất Mẹ
21
Hoàng Du Thụy
Cao Tiệm Ly khóc Kinh Kha
21Trần Hoan Trinh
Chuyện tình mưa ngâu

18
Tôn Thất Phú Sĩ
Nghe đời buồn hiu
18
Kim Thành
Về thăm chốn cũ
17Ngọc Trân
Gió thu lạc đường
17Maihoado
Vườn xưa
17Phan Thế Phiệt

Truyện ngắn, Tâm bút

Mưa trên phố suối Snoqualmie
14
Phan Thái Yên

Đoạn đường tù binh
14
Phạm Hồng Ân
Quan tòa
13
Nguyên Nhi

Màu hoa biển
14
Cỏ Biển

Thân phận người đàn bà
15
Võ Thị Đồng Minh

Vương tơ
8Song Thao

Trung Quốc mùa thu, Mây nước tiêu tương
8Vũ Hoàng Thư

Văn học, biên khảo

Nhà Trần khởi nghiệp (6)
4Trần Việt Bắc
Sống thiện chết lành (6)
4Ngô Văn Xuân
Hoa tàn
4Xuân Phương
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 19

3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Vô tình cốc - Kỳ 26
1 Huỳnh Kim Khanh


 

Trung Quốc Mùa Thu
"Mây nước tiêu tương" [1]

 

Quan thư thư cưu
Tại hà chi châu
Yểu điệu thục nữ
Quân tử hảo cầu

Chim thư cưu hót họa
Tại cồn bên sông
Người thục nữ u nhàn
Đẹp đôi cùng quân tử    [2]

Kinh Thi mở đầu như thế. Thục nữ u nhàn cho động lòng quân tử. Quân tử ở đây là vua Văn Vương, vua ắt là quân tử vì người trị nước phải có tấm lòng hải hà, thần dân nhờ vậy ấm cúng trong sự rộng lượng. Ngày nay lắm người ngồi trên mà bản chất vốn là kẻ hẹp hòi tham đắm. Nước ông Khổng mấy ngàn năm trước đề cao quan niệm quân tử và thục nữ. Câu mở đầu Kinh Thi không là sơn hà xã tắc, kinh bang tế thế xa vời mà chỉ nói đến cái tư cách của con người. Trên dưới biết ứng xử nên thiên hạ an hòa. Ứng xử như đôi chim thư cưu, loài chim nước khắn vó mà vẫn giữ gìn phong cách riêng biệt. Tri kỷ biểu hiện qua một ánh mắt. Âu yếm đôi mắt thư cưu.

Và như thế, tôi cùng Phượng lấy Tour Trung Quốc Mùa Thu “Mây nước tiêu tương” của Voyages Saigon lên đường đi thăm đất nước của ông Khổng. Chuyến đi dẫn chúng tôi qua tám thành phố từ Bắc xuyên Tây rồi xuôi Nam, Thượng hải, Bắc kinh, Hàng châu, Nam kinh, Trường an, Quế Lâm, Quảng châu và Hương Cảng. Trung quốc bừng lên trong sức sống cuồn cuộn của hàng hàng lớp lớp người. Chưa nơi nào đông dân như thế ! Không nghi ngờ gì nữa, tiềm lực đó sẽ biến Trung quốc thành một đại cường trong thế kỷ này. Hôm đến Trường thành ở Bắc Kinh tình cờ gặp cuộc tập dượt cho Thế vận hội 2008, người đứng trùng trùng dọc theo Trường thành, cờ xí xanh đỏ ngập trời, từng hồi từng hồi, tiếng reo hò theo lệnh vang dội đến mấy dặm đường, khí thế thật dũng mãnh vô cùng, bất giác nhớ đến cha ông Lý, Trần, Nguyễn từng đánh đuổi mấy chục vạn quân thù reo hò xâm lược quê hương ngày trước mà kính phục cái đởm lược của tổ tiên.

Chuyến đi đã mang đoàn du lịch tiếp cận rất nhiều khía cạnh về văn hóa, lịch sử và lối sống cũng như khuôn mặt da dạng của người Trung Quốc. Cám ơn kiến thức thật dồi dào về Trung quốc và thế giới của Trưởng đoàn du lịch Trần Chính, anh đã làm chuyến đi thêm phần hào hứng với những giai thoại rất duyên dáng về văn chương và lịch sử Trung Hoa. Bài viết này không nhắm đến việc tường thuật chuyến đi mà chỉ ghi lại một vài ý nghĩ thoáng qua đầu về những nơi đã đi qua, không theo một thứ tự nào, những cảm hứng đôi khi xuất phát từ những điều vụn vặt không đâu nhưng có hề chi, đôi khi lời nói không đâu / về khơi lại mộng ban đầu vu vơ / chim kia hót giọng bâng quơ / cũng vì bóng nắng lửng lơ gọi mời. Mặt khác, những nơi không nhắc đến trong bài không nhất thiết là kém phần thú vị, tất nhiên tùy theo cảm quan của người đối diện, cảm xúc về nơi chốn cũng có khác nhau ít nhiều.

Điểm ghi nhận đầu tiên, Ô Trấn, thị trấn nhỏ nằm ven kinh Đại Vận Hà thấp thoáng hình ảnh phố cổ Hội An, thuyền trôi Bến Ngự. Hồn quê trở về trong từng làn khói mỏng bay lên từ mái thấp âm dương đổ xuống tường loang rêu cũ. Ô hay, lòng mắt cay cay, nhớ nhà châm điếu thuốc [3], khói có buồn bay lên cao ? Quế Lâm non nước kỳ vĩ, “Quế Lâm sơn thủy giáp thiên hạ”,  tiếc thay kỹ nghệ du lịch làm giảm đi nhiều vẻ thơ mộng của thiên nhiên. Từng đoàn tàu chở du khách nối đuôi không dứt trên Li Giang giết chết hình ảnh một bức tranh thủy mạc nằm trong đầu tôi trước khi đến Quế Lâm. Đâu là lão ngư tộc Đan suốt đời trên sóng nước, cất giọng khàn, hát với con chim cồng cộc bắt cá đêm đêm ? Mênh mông sương khói, vỗ mạn mà ca, sánh gì đời thượng nguơn Nghiêu Thuấn ? Tôi gặp trên bến một ông lão với cây đòn gánh trên vai và con chim cồng cộc, ông đứng đợi khách du lịch xin chụp hình chung để lấy tiền. Tôi nao lòng, không gì buồn hơn hình ảnh đó. Có lẽ mình hoài cổ quá chăng ! Quế Lâm về đêm rực ánh đèn néon màu xanh lòe loẹt trên hàng liễu dọc ven hồ, trông xa như một bức tranh rẻ tiền trưng bày ở Chợ Lớn ngày nào. Bước đi trong phố đêm, khí trời hâm hấp quen thuộc, tôi chợt nhớ mình đang đứng trở lại cùng một kinh tuyến, một múi giờ đã xa cách trên hơn ba mươi năm nay. Quê nhà dưới đó cách vài trăm dặm mà sao vạn lý muôn trùng xa.

Bắc Kinh, Thượng Hải, Trường An ngoài những di tích lịch sử đáng nhớ, thành phố mở mang rộng lớn không khác gì những thành phố lớn ở Hoa Kỳ. Đi dạo phố mua sắm ta có cảm tưởng như đang đi ở những thương xá bên Mỹ. Thượng Hải ngột ngạt trên đà xây cất, phố cũ bị kéo sập khắp nơi dành cho cao ốc mọc. Bắc kinh rầm rồ chuẩn bị cho Thế Vận Hội 2008. Hơn 43 tỷ Mỹ kim mà người hướng dẫn viên địa phương ở Bắc Kinh đã hãnh diện khoe với chúng tôi dùng để chỉnh trang và xây cất thành phố, mặc cho Bắc Kinh một bộ áo hào nhoáng mới trong khi nông dân ở Tây An (kinh đô cũ Trường An) vẫn còn vật lộn với cuộc sống của thế kỷ trước. Ngôi miếu địa của Tần Thủy Hoàng ở Trường An với hàng ngàn tượng binh mã được chôn dấu theo, nguyên lâu đài của Minh Thái Tổ ở Nam Kinh nằm ẩn sâu dưới lòng đất hơn 30 thước cũng như Tử Cấm Thành mênh mông ở Bắc Kinh, ngoài cách thế to lớn vĩ đại làm cho cả thế giới trầm trồ còn nhắc nhở ta đến sự xa xỉ đáng ghét của bọn vua chúa bạo quyền trên sự đau khổ của bàng dân vô tội. Cách mạng 1789 của Pháp và 1910 ở Trung Hoa của Tôn Văn là những điểm son trong lịch sử con người trong việc đánh đổ chế độ phong kiến cường quyền.

Ở Tây An khi đến thăm Hoa Thanh Cung của Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi nhìn tranh ảnh đời nhà Đường tôi ngạc nhiên khám phá thời trang phụ nữ thời ấy thật tiến bộ. Dương Quý Phi và các phu nhân đều mang y phục mỏng manh khêu gợi, ngực trắng gò bồng nhấp nhô mời gọi. Không trách Đường Minh Hoàng bị mê hoặc, bỏ phế việc triều đình cho đến loạn lạc suýt phải mất ngôi. Và cuối cùng cũng chẳng giữ được Quý Phi. Cho hay chẳng có gì trên đời là thường còn vĩnh viễn, xa hoa hỷ lạc rồi cũng qua đi như phù du. Kinh Thi nói đến trang sức xa hoa chẳng giữ được lâu dài như số phận con thiêu thân,

Phù du chi vũ
Y thường sở sở

Cánh phù du sớm sinh tối mất
Như áo quần màu sắc sáng tươi   [4]

Trước khi rời Trường An chúng tôi ghé Tháp Đại Nhạn, tàng kinh các nơi giữ kinh Phật do Đường Tam Tạng thỉnh về từ Ấn Độ. Cúi đầu bái ba lần kính phục đại nguyện của vị Đại Tăng đời Đường đã không sờn lòng trong chuyến hành trình thỉnh kinh gian nan khổ sở suốt 16 năm. Bên cạnh sự tinh tấn kiên trì, Huyền Trang còn là một học giả uyên bác trác tuyệt, ngài đã phiên dịch sang Hán văn hơn 600 bộ kinh Phật từ Ấn Độ. Không có ngài, Phật giáo Đại Thừa không có cơ phát triển cực thịnh ở Trung Hoa như chúng ta đã thấy.

Dạ yến ở khu Bắc Hải, Bắc Kinh là một đêm đáng ghi nhớ. Ngoài món ăn đặc sản bất hủ vịt Bắc Kinh, sơn hào hải vị dành cho vua chúa và tiếp viên ăn mặc lối cung tần nhà Mãn Thanh, còn có phần trình diễn âm nhạc điêu luyện của ba tiểu thư, Tống, Bành, Trịnh từ Nhạc Viện Bắc Kinh thật thú vị do anh Trần Chính mời đặc biệt cho buổi dạ yến. Ba cô trình bày tám tấu khúc tiêu biểu âm nhạc dân gian Trung Hoa của các miền Hoa Bắc, Giang Nam và Quảng Đông. Tống tiểu thư thả hết hồn mình vào nhị hồ, kéo hết tâm can cho Quỳnh Như trở về bên chén rượu Phạm Thái. Trịnh tiểu thư nét ngài thanh tú, âm nhặt, âm khoang xuất sắc trong khúc độc tấu tỳ bà "Thập diện mai phục" từ Hán Sở tranh hùng,

Đại huyền tào tào như cấp vũ
Tiểu huyền thiết thiết như tư ngữ

Dây to nhường đổ mưa rào
Nỉ non dây nhỏ như trò chuyện riêng   [5]

Thoắt đâu Hạng Võ hung hãn vượt trùng vây, binh ngựa kinh qua, Trịnh tiểu thư vung tay gấp rút, 

Ngân bình sạ phá thủy tương bính
Thiết kỵ đột xuất đao thương minh   

Bình bạc vỡ tuôn đầy mạch nước
Ngựa sắt giong, thét ngược tiếng đao   [5]

Đoạn chót âm nghe lạc giọng thất thanh, khi như binh khí rớt, khi vi vu như ma kêu quỷ hờn than khóc và cuối cùng im lặng, khúc dứt. Không biết họ Hạng có thoát nguy được chăng nhưng đó là chuyện của lịch sử. Bành cô nương với ngón đàn tranh tuyệt diệu trong khúc Cao Sơn Lưu Thủy về tri kỷ Bá Nha – Tử Kỳ. Chí tại non cao nghe sao vòi vọi. Hồn mênh mông như thể nước trôi. Khúc Bình Hồ Thu Nguyệt ba cô hòa tấu mang người nghe về thảo am của Giác Duyên, một gian nước biếc mây vàng chia đôi. [6]

Khúc đâu đầm ấm dương hòa,
Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh     [6]

Không biết có phải là nhân duyên tình cờ, vài bữa sau chúng tôi thả thuyền trên Bình Hồ Thu Nguyệt ở Tây Hồ, Hàng Châu. Tấu khúc này êm ả ngân về trong đầu suốt buổi dạo thuyền.

Trung quốc bao la, sơn thanh thủy tú, đi qua nhiều nơi nhưng chỉ có Hàng Châu là để lại nhiều dấu ấn trong tôi. Bước đến Hàng Châu nhớ câu hát dễ thương của Phạm Mạnh Cương, “Trong mắt em mùa thu về đây...” Có thật đôi mắt em là mùa thu hay mùa thu đang rung từng hệ mạch trong giây phút thể nhập của thi nhân và thu qua đôi mắt ? Tây Hồ là đôi mắt của Hàng Châu. Đôi mắt ấy mang cả một trời thu, liễu giăng từng lớp kết. Liễu đan dày rèm mi hồ lặng. Liễu làm tóc chảy dài trên dung nhan thu Hàng Châu. Tô Đông Pha khi bị biếm đi Hàng Châu không ngờ tìm thấy ở đất này một quê hương thứ hai.

Ký thủ Tây Hồ tây bạn,
Chính mộ sơn hảo xứ,
Không thúy yên phi

Tây Hồ nhớ kỹ bờ tây,
Chính nơi đây núi chiều rất đẹp,
Trời trong xanh vướng vít khói sương    [7]

Dạo bên Tây Hồ, anh Trần Chính nhắc đến một câu thơ của Tô Đông Pha ví Tây Hồ đẹp như nàng Tây Thi, "Tây hồ đâu khác nàng Tây tử."Tây Thi là tiên nữ giáng trần xuống Hàng Châu và theo truyền thuyết Tây Hồ là mảnh gương soi mặt của tiên nữ thiên cung làm vỡ rơi xuống hạ giới. Tưởng là bị đi đày ngờ đâu ông Tô gặp Hàng Châu như tài tử gặp được giai nhân. Ông vẫn thường dạo thuyền uống rượu trên hồ, ca tụng Tây Hồ,

Thủy quang liễm diễm tình phương hảo
Sơn sắc không mông vũ diệc kì
Dục bả Tây hồ tỉ Tây tử
Đạm trang nùng mạt tổng tương nghi

Trời tạnh long lanh hồ đã đẹp
Mưa phùn mịt mịt núi càng xinh
Tây hồ đâu khác nàng Tây tử
Trang điểm cùng không nét vẫn tình.       [8]

Chúng tôi dạo thuyền trên Bình Hồ Thu Nguyệt, cảnh trí thù dị, thơ mộng, đúng là đất của văn thi nhân, không trách Tô Đông Pha làm thơ hay. Người Trung Quốc vẫn thường tự hào về Hàng Châu bằng câu nói "Trên trời có thiên đường, dưới đất có Tô, Hàng". Dạt dào sóng nước, Hữu tình phong vạn lý quyển triều lai / Vô tình tống triều quy. Gió hữu tình vạn dặm cuốn triều về / Vô tình đẩy triều lui [7]. Tâm cảnh đối chiếu bằng một chữ tình, thi sĩ là nòi tình cho nên dù cảnh vật vận theo duyên khởi, thủy triều kia há không vì một chữ tình mà lên xuống hay sao. Thúy Kiều một kiếp gian nan cũng vì "Lại mang lấy một chữ tình" [5]. Sông Tiền Đường nơi nàng gieo mình những toan đóng sổ đoạn trường cũng nằm sát bên Tây Hồ. Vấn Tiền Đường giang thượng / Tây Hưng phố khẩu / Kỷ độ tà huy ? Hỏi bến Tây Hưng / Bên sông Tiền Đường / Đã bao lần nắng nghiêng chiều xuống ? [7] Thơ Tô Đông Pha gắn bó với Hàng Châu là như thế. Quanh Tây Hồ, con đê mang tên Tô Đông Pha, Tô Đê, núp bóng theo hàng liễu chạy dài làm con đường hò hẹn của Hàng Châu. Đê được nối bằng sáu cầu vòng đá cổ, trong khoảng cách như trăng lặn xuống cầu thành nguyệt kiều nâng bước tình nhân. Xa xa tháp Lôi Phong mờ trong màn sương bạc. Tương truyền Lôi Phong Tháp là nơi sư Giác Hải đã nhốt Bạch Xà Nương, không cho nàng chung sống với Hứa Tiên, bắt nguồn từ câu chuyện nổi tiếng Thanh Xà-Bạch Xà. Hóa ra Đông hay Tây, đàn ông đều là nạn nhân của rắn hiện thân làm đàn bà xúi ăn trái cấm. Trái cấm hẳn là ngon, nếu không đàn ông sao dại mãi suốt đời !

Đến Hàng Châu không thể không ghé làng trà để xem cách ướp và làm trà. Buổi sáng đồi trà sương phủ, không khí lành lạnh làm ta thèm một chén trà xanh Long Tỉnh lóng lánh xanh ngọc. Ghé đến làng, chiêu vài ngụm, hương thơm lùa vào khứu giác, nhớ bài Thất Oản Trà của Lô Đồng,

Nhất oản hầu vẫn nhuận /  Chén thứ nhất làm trơn cổ họng
Nhị oản phá cô muộn /
Chén thứ hai tan nỗi buồn phiền
Tam oản sưu khô trường /
Chén thứ ba thấm vào ruột đang khô héo
Duy hữu văn tự ngũ thiên quyển /
Chỉ còn lại năm nghìn cuốn sách
Tứ oản phát khinh hãn /
Chén thứ tư mồ hôi rướm ra
Bình sinh bất bình sự /
Những chuyện thế sự bất bình
Tận hướng mao khổng tán... /
Theo lỗ chân lông mà bay đi...

Giọng hát Tony Bennett đã làm lời nhạc I left my heart in San Francisco trở thành bài hát bất hủ về một nơi đến. Hàng Châu đối với tôi tuy mới sơ giao mà xem chừng như tình đã nặng lắm. Hẹn với Hàng Châu, sẽ có một ngày trở lại...

Vũ Hoàng Thư
Trung Quốc, Mùa Thu 2006


[1] Chủ đề của Voyages Saigon cho chuyến du lịch Trung Quốc Mùa Thu 2006
[2] Kinh Thi, Chu Nam, Quan Thư
[3] Thơ Hồ Dzếnh, Chiều
[4] Kinh Thi, Tào Phong, Phù Du
[5] Bạch Cư Dị, Tỳ Bà Hành, Phan Huy Vịnh dịch
[6] Nguyễn Du, Đoạn Trường Tân Thanh
[7] Tô Đông Pha, Bát thanh Cam Châu, Phan Lang dịch
[8] Tô Đông Pha,  Ẩm hồ thượng sơ tình phục vũ, Nguyễn Hiến Lê dịch