XUÂN KỶ SỬU SỐ 41 - THÁNG 1 NĂM 2009

 

Thơ

Mây
24Nguyên Anh
Quán không tên
24Vũ Hoàng Thư
Hạnh trắng
21Nguyễn Linh Khiếu
Đón xuân ở Chicago
18
Phạm Hồng Ân
Nhớ lại
18Trần Việt Bắc
Đóa hoa xưa
18Di Trương
Tình yêu đồng lõa
21
Huỳnh Kim Khanh
Về
21Ái Ưu Du
Nàng xuân trên đất Mỹ
21Hải Dương
Xuân trên đầu thác
24Đỗ Phong Châu
Cảm xuân xứ lạ
24Ngọc Trân
Rồi mùa xuân đến
21Tôn Thất Phú Sĩ
Trở trời
18
Kim Thành
Thương bác Trâu già
18Vinh Hồ
Mừng Sửu lên ngôi
21Tú Trinh


Truyện ngắn, Tâm bút, Tản mạn

Tản mạn Tết Kỷ Sửu
14
Trương Thanh Diễm Thùy
Cà kê dê ngỗng truyện con trâu
14Vinh Hồ
Trâu trắng trâu đen
14Nguyên Bông
Sớ Táo Quân
14Hải Dương
Mùa xuân và cỏ
13
Xuân Phương
Căn nhà sau cửa biển (2)
14
Phan Thái Yên
Ngựa biển
8Nguyễn Linh Khiếu
Chiếc lá trạng nguyên
8Cỏ Biển
Thoáng xuân
8Đỗ Trường
Tình nhẹ như mây
8Ái Ưu Du
Từ BĐII tới NAVOCS
8Nguyễn Chu Trương Dực
Truyện trong tiệm giặt
8Tầm Xuân
Đêm mơ
8Trần Hoài Thư
Eva
8Song Thao
Bóng nắng xuân
8Nguyên Bông
Con trâu cộ của cha tôi
8Vinh Hồ
Thang thuốc nam
8Trương Thanh Diễm Thùy
Về truyện ký của Phạm Tín An Ninh
8Đỗ Trường
CD Song Anh
8Vinh Hồ

Văn học, Biên khảo, Dịch thuật

Những biến cố liên quan đến sử Việt
1Trần Việt Bắc
Thể thơ Đường luật bát cú
4Vinh Hồ

Sống thiện chết lành - Kết
4Ngô Văn Xuân
Tình yêu trong ca dao về Trâu
4Vinh Hồ

Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 28
3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Giữa hai lằn đạn (22, 23, 24)
1Ái Ưu Du
Tân liêu trai - Người đàn bà Dốc Tuyết (3)
1
Hải Yên
Thằng Nèm
1Trần Phú Mỹ
Đàn kiếm giang hồ (1)

1Huỳnh Kim Khanh


 

Giữa hai lằn đạn

 

Phần Thứ Nhì

Chương   22

 NGHĨA TƯƠNG GIAO

Thời gian tiếp nối nhau ngày qua ngày, đêm qua đêm, trôi đi, trôi đi. Đan, Nữ, có dịp làm chung nhiều công tác. Nữ hỏi Đan về chuyện "Hoàng Tộc của anh".
Đôi khi cao hứng, chàng nói sơ qua về:

-* đời vua Gia Long, Vua Minh Mạng ra lệnh xiềng mã của ông Lê Văn Duyệt ở đường Hiền Vương, ông Duyệt rất linh thiêng. Cụ cố Hường Thuyền là bọ đỡ đầu của tổng thống Ngô Đình Diệm.

-* Vua Thiệu Trị. Ông Tôn Thất Thuyết làm Binh Bộ Thượng Thư dưới Triều Vua Tự Đức, năm 1883 Tự Đức băng hà. Khâm sứ Georges Mahé bị cách chức, vì cho đào mồ vua Tự Đức, ông ta lấy nhiều châu báu vàng bạc.-* Tiếp sau là Joan Charles cho đào Tử Cấm Thành, điện Minh Viên của vua Minh Mạng, vơ vét ngọc ngà.  Hai ông Thuyết và Tường, đổi di chiếu phế bỏ Dục Đức là con nuôi của Tự Đức, hai ông tự quyền đưa em của Tự Đức, là Lạc Quốc Công lên ngôi, lấy hiệu là Hiệp Hòa.
Họ đưa Dục Đức đi biệt giam, sau đó bắt Hiệp Hòa uống thuốc độc tự sát. Kiến Phúc lên ngôi 6 tháng thì chết không rỏ nguyên nhân.-* Hai ông lại đưa Ưng Lịch lên ngôi vua lúc 12 tuổi, niên hiệu là Hàm Nghi.  Ngày 22 tháng 5 năm 1885 bị thất trận đồn Măng Cá, ông Thuyết rước Vua Hàm Nghi và đoàn tùy tùng chạy đến Tân Sở. Băng rừng vượt suối ra Quảng Trị, đi Hà Tỉnh. Qua Trung Quốc. Ông Thuyết thất chí thành cuồng điên, lấy gươm chém vào đá. Người đương thời gọi ông là "Trảm thạch Tôn Tướng quân". Pháp đày ông Nguyễn văn Tường. Lập Chánh Mông lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Đồng Khánh.

-* Bây giờ Việt Nam có hai vua. Vua Đồng Khánh xe pháo ra Quảng Bình, dụ Vua Hàm Nghi về hàng Pháp. Năm 1888 vua Hàm Nghi bị bắt đày qua Algerie. Bửu Lân là con Dục Đức và mẹ bị biệt giam, được triều đình rước về, tôn lên vua lấy hiệu là Thành Thái. Khi 18 tuổi Pháp biết Thành Thái có chân đứng với Phong Trào Đông Du, đã truất ngôi lưu đày sang đảo Réunion.-* Lập Vĩnh San lên ngôi lúc 8 tuổi, lấy hiệu là Duy Tân.  Trần Cao Vân và Thái Phiên: Lập Việt Nam Quang Phục nước bại lộ. Vua Duy Tân bị bắt ngày 6.5.1916 ở Nam Giao. Pháp giam vua ở đồn Măng Cá, rồi đày vua qua Réunion. Hai ông Vân và Phiên bị chém ở pháp trường. Pháp lại chọn con trai của Đồng Khánh, là Bửu Đảo lên ngôi, lấy hiệu là Khải Định. Thượng thư Bộ Lại và Cơ Mật thời vua Khải Định, là Phước Môn Nguyễn Hữu Bài đảm nhận.

-* Vua sau cùng là Nguyễn Phước Vĩnh Thụy, niên hiệu Bảo Đại. Ông Lê Phát An, một cự phú ở Saigon là con trai trưởng ông Huyện Sĩ. Ông An được Vua Bảo Đại quý mến, phong cho chức An Định Vương. Ông gã cháu gái là Nguyễn Hữu thị Lan, (con ông Nguyễn Hữu Hào) cho Vua Bảo Đại, tức Nam Phương Hoàng hậu. Bảo Đại có chính thức ba quý phu nhân: Lý Lệ gốc Tàu. Mộng Điệp ở đường Graffeille, số 7, Dalat. Và Gernie bà Tàu lai Pháp. Ba Đan nhìn thấy "lịch sử kinh dị" từ trước đời vua Gia Long đến đây, không mong gì hơn, là cho Đan du học, tránh xa cảnh đau lòng.

Đan đưa Nữ xem những tấm ảnh, chụp thắng cảnh Kinh Thành ánh sáng Ba Lê. Xem bà con anh em trong Hoàng tộc. Tuy nhiên anh chỉ thích ngắm nhìn bức danh họa lừng danh Leonardo de Vinci vẽ Mona Lisa, người đàn bà anh thư tuyệt vời, bà kín đáo có nụ cười khó hiểu bên trời Tây.Tựu trung, Đan chỉ nói với Nữ những chuyện từ đời... ông cố lũy. Chuyện tào lao xịt bộp. Tuyệt đối chàng không hàn huyên tâm sự chuyện tình riêng, hay thân mật ngọt ngào hơn. Đan xem Nữ như nghĩa tương giao. Mặc dù vậy, Nữ yêu thầm trộm nhớ Đan, đến rã rời héo hon. Nữ thấy Đan thật dễ thương, lúc nào cũng trầm tư, ung dung, đứng đắn và nhã nhặn. Đan khác Thắng. Thắng nhanh nhẹn vui tươi, hồn nhiên và lém lỉnh. Nàng muốn chinh phục anh bằng mọi cách. Khổ một điều, hình như Đan không lưu tâm đến mình. Nữ không là đối tượng. Đồng thời Nữ cũng mến yêu Thắng, và Quân. Không biết như vậy nàng có đa tình, lãng mạn, bậy bạ lắm không? Chỉ có một trái tim, mà chứa hai ba bóng hình?

Không có cách gì quyến rũ thu hút họ, Nữ đâm ra tức giận, thù ghét Hoài:

- “Tên thật của mình thật xí. Còn tên thật con “quỷ sứ” đó, nghe chi mà ngứa tai. Cái gì mà Hương Hoài? Ủa, cả biển nước mắt khóc đầy vì nó, hay là nó khóc nhớ ai thành biển khói hương hoài? Cầu cho nó khóc ai, nước mắt thành sông thành biển đi. Hèn gì cả đại dương bao la, cũng rì rầm sóng vỗ đêm ngày vì... si nó. Con nhỏ nầy có cái gì hơn ta nào? Nó thật thà ngố ngáo, lù đù quê một cục, quê mùa cù lần hết chỗ nói”.

Nếu Nữ muốn xỉ vào mặt nó mà nói:

- “Mi cù lần số một. Trong khi tau đẹp thua kém chi mi, tau ăn nói có duyên, khôn khéo, từng trải, có kiến thức sâu rộng ngang ngửa mi. Mi tú tài đôi, thì tau cũng tú tài toàn chứ bộ”!

Nữ bực dọc:

- Hứ! Không hiểu mấy tên đàn ông, mê con nhỏ cái nỗi gì, mà ngẩn ngơ, bơ phờ, hốc hác hết trọi dzậy cà?

Trong giờ làm việc, bạn bè dốc toàn lực vào đó. Họ ít nói, lầm lì, mệt nhọc với giọt mồ hôi đọng bụi đường bẩn thỉu. Công việc giải quyết nhanh chóng. Toàn ban đứng phắt dậy. Đầu đội nón sắt, nai nịt gọn gàng. Chân mang giày saut, áo quần đồng mầu. Ba lô nặng trĩu mập ú sau lưng.
Họ chạy ra bãi đậu xe leo lên. Xe GMC từ từ rồ máy. Vài anh lè phè chậm chạp lon ton chạy theo. Miệng anh la ơi ới, tay ngoắt lia liạ, nói câu chọc ghẹo nhau. Mấy anh bông đùa:

- Chờ tui ga guộng dzới.

Tui lấy cái bâu, đựng xí gậu nấu en, ren?- Định bỏ rơi tôi lại với ai đây? Ở với bầy khỉ à?

- Cho tui ngó ông đi goa, boà đi lợi, chớ có mô mờ khét khe, dậy cà.

Vui thế đấy! Dù đi với đồng đội đến vùng trời xa xôi, hẻo lánh gần đầu đạn mũi tên. Chết chóc không biết sẽ đến lúc nào. Vậy mà họ tươi cười, cố bám riết theo đồng bạn. Mấy anh đang ngồi trên xe chồm xuống, giơ tay ra đón chụp, cũng nhau kéo bạn lên.
Anh lính cười thoải mái, thân hình đeo lủng lẳng trên thành cửa, lắc lư như chú khỉ chuyền cành. Cây súng va lách cách vào băng đạn. Cái bi đông nước lắc qua lắc lại, quai đeo ba lô sờn úa, rách lỗ chỗ.
Bên doanh trại lộng gió và đầy sa mù, là tiếng quát dõng dạc:

- Ai đó. Yêu cầu đứng lại. Vui lòng trình giấy tờ.

Nhiều tiếng nổ ầm ì pằng… pằng… pằng... Tạch... tạch... tạch... vang vọng từng hồi như dịp sấm. Lửa tóe ra trên đầu như vì sao băng đổi ngôi. Bìa rừng hiu quạnh, có tiếng vạc vỗ cánh lạnh lùng đi ăn đêm, vọng vào căn lều ẩm lạnh.

Hơn một tuần trôi qua tốt đẹp, cho đến một hôm Đoàn làm việc xa Tiểu Khu. Nữ băn khoăn thấp thỏm, lo lắng muộn phiền, nhớ nhung ngập lòng. Nàng gọi phone về Đà Nẵng kể Thắng nghe nỗi buồn thương ray rứt, và hỏi Thắng:

- ...Có phải em đã yêu người lính phong trần, nơi ngàn chốn sơn khê Minh Long rồi không?

Nữ dám hỏi Thắng câu đó. Kể cũng lạ!
Nhóm tiếp liệu trợ y của Nữ lên đường, khi sương ướt đẫm cỏ cây. Bầu trời chìm đắm trong khí lạnh mùa xuân ve vuốt ban mai, ẩm ướt giá lạnh và buồn bã vô vàn. Duy có hình ảnh đáng nhớ nhất, trong lần tiễn đưa giờ phút đầu tiên, trên lưng đồi ngập tràn gió lạnh sương mai: Khuôn mặt đẹp, dáng dấp oai hùng, phong sương, trầm tư và chững chạc. Gió sớm thổi phồng lưng áo trận bạc màu, đôi giày đinh lấm lem bụi đỏ, khi Đan đứng trên thềm doanh trại, đầu đội mũ sắt, một tay chàng cầm ca nước nóng đưa cho Hoài uống. Một tay Đan chống ngang hông. Nhìn Đan và Hoài đứng trên thềm doanh trại từ giã nhau. Bỗng dưng Nữ bừng nhớ quắt quay, vì... "người ấy" đã xa tôi rồi.

Phiá sau trại tù (nay có lẽ bỏ hoang) từ thời Pháp thuộc, là đỉnh Núi Thần Phong, và dòng suối bạc uốn khúc lấp lánh xa xa, ẩn hiện dưới tàng cây xơ xác, không um tùm lá đỏ như thuở nào. Hình ảnh đó, khiến Nữ gợi nhớ đến Thái Tử Đan nước Yến, (dùng Kinh Kha như con cờ) với chung rượu quan hà. Thái Tử Đan tiễn đưa Kinh Kha quê nước Vệ, sang bên bờ Dịch Thủy. Theo kế của lương sư Điền Quan tiên sinh, Kinh Kha mang sứ mạng giết bạo Chúa Tần Thủy Hoàng, cứu lục quốc. Bạo chúa Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn học trò, độc ác vô song. Ông mê tiếng đàn tuyệt vời của Cao Tiện Ly, mà vẫn ác tâm chọc mù đôi mắt người ca sĩ. Tráng sĩ Kinh Kha đệ nhất kiếm tuyệt luân, khí khái phi phàm, một lòng trung quân ái quốc. Kinh Kha có người yêu đúc Lũ Tuấn kiếm, cô hy sinh tình yêu, để Kinh Kha quyết tâm ra đi, mưu cầu việc lớn cho Quốc Gia đại cuộc. Còn Nữ? Chẳng có gì! Chẳng được gì tất cả, ngoài nỗi cô đơn kinh hoàng, giữa khói lửa chiến tranh tàn khốc, phủ chụp xuống góc trời, và riêng góc đời mình.

Trời hừng sáng, lớp mây mù trắng xóa dày đặc, càng lúc càng tỏa nhạt và bốc lên cao, lộ ra ngọn núi hiểm trở, chen cánh những ngọn đồi, vòng rào kẽm gai, giao thông hào giăng mắc chằng chịt, hốc đá cheo leo, vòm cây cổ thụ già nua sần sùi, lượn suối khe thung. Nhà sàn vách đất tan nát, loang lổ xơ xác đìu hiu, còn thao thức, băn khoăn trước bình minh thấp thoáng, uể oải dần dần vươn lên cao.

Chương  23 

 LÊ  LAN  HUYỀN   NỮ

Một định mệnh thật tình cờ, cha mẹ và mười anh chị em Nữ, từ Huế đi lập nghiệp ở Đà Lạt, theo phong trào khai hoang vùng đất Hoàng Triều Cương Thổ. Gia đình Nữ ở dưới khu Nha Địa Dư.

Ngày ấy khi còn học lớp ba, Nữ (tên cúng cơm là “thị Neo”, nhưng khi đi học, chúng bạn thường chọc quê là Xà Nẹo. Nữ bực mình, ghét cay ghét đắng cái tên chi kỳ cục. Cha mẹ có tên khá hay, đầy đủ ý nghĩa. Nay anh em bà con đã đặt cho con cháu họ nhiều tên đẹp, ý hay, hết ngôn từ rồi hay sao? Mà cha mẹ cứ tên cữ chữ đọc, đặt tên con chi kỳ quá.

Nẹo nằng nặc đòi cha phải đổi lại tên, chứ không thì... Nẹo nhất định nằm lăn ra nhà, mù chữ cho bõ ghét, con không chịu đi học. Cha chửi "cái đồ con nít ranh". Thế mà cha đành đi làm lại thế vì khai sinh, như xóa cả dĩ vãng đầy buồn thảm đau khổ cái rụp. Lần ni, cha hỏi ý kiến ý cò con bé hẳn hoi, tử tế.

- Con muốn đặt tên chi?

Nếu biết quan tòa dễ dãi rứa, thì ta tự đặt cho mình cái tên thật kêu, thật hách, thật mê ly như:  “Thu Trùng Dương”. Ô không được, tên có vẻ con trai và nghe sao dê dê quá! Hay là “Huyền Lan Trà Hoa Nữ”. Thật tuyệt diệu! A, mà cũng không được, Nữ nghe lỏm bỏm: Tên Trà Hoa Nữ, là câu chuyện một cô gái ăn sương bậy bạ gì đó. Thôi, hãy đặt họ và tên: “Lê Lan Huyền Nữ”, nghe êm ái và dễ chịu lắm! Cha phải lắc lắc cái đầu lơ thơ tóc, muốn gãy lìa cần cổ, cha chịu thua con còn nhỏ dại, mà ranh mương quá.

Thế là là... Nữ theo anh chị qua bên Trại Hầm. Ba chị em cơm đùm nước xách đi học rất sớm, đường vắng đèo heo hút gió, xa xôi diệu vợi, tối mịt họ mới về nhà. Vấn đề xa xôi không quản ngại, tuổi thơ được chạy rông ngoài đường, bất cứ dưới hình thức nào, cũng là điều thích thú.

Tuy nhiên chị em Nữ rất sợ đến trường trễ và không thuộc bài. Ngày nào đi học Nữ cũng khóc, có vài lần trên hai con mắt đỏ thì khóc, mà ở dưới thì nước đái chảy ròng ròng, vì Nữ quá sợ hãi mọi hình phạt: Quỳ gối trên xơ mít khô, hai tay học trò cầm hai cục đá lớn giăng ra giữa lớp. Nếu không, thầy xách hai lỗ tai trò, trò bị chợt da đau điếng. Vừa xách lỗ tai trò, thầy trò cùng chạy lui chạy tới giữa lớp. Hoặc trò nằm trên bục gỗ, thầy đánh ba bốn roi mây vào mông trò. Hay thầy lấy thước kẻ bắt học trò đưa tay ra, thầy giơ thẳng cánh, khẻ vào mười đầu ngón tay trò chụm lại, hoặc khẻ vào lòng bàn tay đau trò đau điếng.

Vì thế nếu học trò lỡ sai phạm điều gì, kể như học trò chịu một trong các cực hình kia. Chị em Nữ rất sợ bị đòn, khi đi trễ nên thỉnh thoảng cả ba chị em trốn học đem cơm vắt ra bìa rừng ngồi ăn. Ba chị em lấy đất sét nặn những hình thú, chén, dĩa, nồi, bình, đem phơi khô. Lâu lâu mấy chị em ghé lại, mang về nhà chơi.

Một hôm, chú Thiên qua nhà thăm, chú nói chuyện ba chị em bỏ học. Cha bật ngửa ra là con mình trốn học. Khi chú Thiên ra về cha tức giận, bắt ba chị em nằm trên ghế dài hỏi tội. Cha phết cho mỗi người mấy roi mây đau quắn đít. Đích thân mẹ đem chị Tám và Nữ qua gửi ở lại nhà chú thím Thiên.

Ngày hai buổi đi học về, hai chị em có bổn phận nấu ăn, giặt giũ, gánh nước, coi em. Nước máy vùng nầy rất khan hiếm, một máy nước công cộng xa khoảng bốn cây số là nơi cần dùng cho cả Ấp Trại Hầm. Lúc nào chỗ máy nước nầy cũng đông nghẹt người chen lấn, tranh giành, đưa đến tình trạng chửi bới, đánh nhau là thường. Thùng đôi xếp dài gần nửa cây số chờ phiên hứng nước, mới đến lượt mình.

Ban đầu hai chị em xách gàu, quảy đôi thùng đi một lần, nhưng sau đó thím Thiên thấy như vậy mất thì giờ. Nên thím sai Nữ chạy đi hứng nước xong, Nữ chạy về báo cho chị Tám đi gánh. Nhiều lần hứng được đôi thùng nước đầy, Nữ nhờ người lớn khiêng ra, đặt trên thềm nhà người bạn của thím Thiên. Nữ xách xô nước đầy cắm đầu cắm cổ chạy một mạch về nhà.

Mười lần chạy về nhà, khi hai chị em chạy ra thì thùng còn, nước mất hết sáu bảy lần. Hai chị em ôm nhau mà khóc. Chờ hứng được đôi nước khác, là mất khoảng hai ba giờ nữa. Ở nhà cơm nước không ai nấu, em không ai coi. Ai mà ác nhơn chi ăn cắp nước, để chị em Nữ bị mấy trận đòn. Tội quá!

Phải công nhận thím Thiên là người đàn bà lười biếng, keo kiệt, đanh đá và ác độc vô cùng. Dù là vợ của một ông giáo có tiếng tăm, được mọi người trong Ty Tiểu Học và Ấp Trại Hầm kính nể. Nghề chú là bán phổi bò, thím lại cho chú ăn uống kham khổ; nên càng ngày chú càng bệnh, thím cũng mặc; miễn sao tiền đầy tủ là thím vui rồi. Vì thế vợ chồng họ ưa cãi nhau, đánh lộn như cơm bữa, không hạnh phúc. Những lúc đó thì chị em Nữ khổ sở hết biết, chú thím giận cá chém thớt, họ mặc sức cho hai con cháu ăn đòn.

Nhà trồng một vườn mận sai trái, mọng chín no tròn, ngon số một. Thím say mê hái thành quả cây trái cất đầy tiền vào tủ. Thím cấm ngặt các cháu, không được hái mận trên cây ăn. Đôi khi vui vui, thím cho cháu vài trái mận non, héo, rụng. Cầu tiêu ở ngoài vườn mận, hễ khi đi hai chị em cầu vào, thì thím bắt chị em Nữ đến há to miệng ra, thím ngửi xem có mùi gì đã ăn vụng không? Chị Tám lớn hơn Nữ, ý thức nỗi nhục đó, chị khóc hoài.
Rình chờ thím bế con đi ngồi lê chơi rông nhà hàng xóm, Nữ hái trộm mận ăn vụng mệt nghỉ, ăn bằng thích. Khổ nỗi, bụng đói mà ăn mận, là chỉ thêm xót ruột, xanh xao, chứ chả no béo gì. Cơm canh thím bắt nấu vơi hụt, không có phép nấu thừa mứa thì uổng phí. Nữ đồng ý dư thừa là uổng phí hạt ngọc Trời ban. Nhưng có ai được bữa nào no? Mỗi người hơn chén cơm là hết sạch.

Chú thấy vậy cũng kỳ, miếng ăn không ra hồn, để tiền làm gì khi sức khỏe càng ngày càng vơi cạn, chú lại cằn nhằn vợ. Thế là to chuyện. Những lần sau biết khôn hơn, khi nghe chú thím to chuyện, là hai chị em Nữ lo thu dọn áo quần, bế cu Phộng chạy u xuống suối giặt, tránh tai họa vô cớ giáng xuống đầu. Mặc hai ông bà ở nhà “làm ra sấm sét hay mây làm mưa”.

Mỗi nhà ở vùng Trại Hầm nầy đều có xây một vài hồ lớn để chứa nước mưa, hầu ăn uống giặt giũ quanh năm. Thím là người keo kiệt đanh ác và tham lam, muốn tận dụng tất cả những gì ai có cho xài chùa; cũng như vắt kiệt sức người thọ ơn. Đi giặt là một cực hình cho chị em Nữ, vì suối ở dưới vực sâu, khi gánh hai thúng đồ giặt còn nhẹ để đi xuống, thì đỡ mệt hơn lúc giặt quần áo ướt đi lên nhà. Đường dốc đứng cao chót vót và trơn như thoa mỡ.

Có vài lần chị em Nữ gánh thúng quần áo nặng trĩu, đi lên được hai phần ba con dốc đứng, thì chị Tám bị trợt chân té ngã. Thế là quần áo đổ ra, lăn cù theo chị lấm lem đất đỏ hết. Trặc khớp chân chị không biết đau, mà chị chỉ lo sợ ở dưới hố giặt lại đồ đạc lâu, không kịp lên nấu cơm, thì chị em mặc sức ăn đòn. Trên sân sau, thím đứng chống hai tay lên ba sườn, nhìn xuống hai chị em cắm cúi làm việc dưới suối, cạnh thằng Phộng mập ú tha hồ láu cá và quậy phá.

Một hôm có phụ huynh học sinh đi Nha Trang về, mang biếu gia đình thầy chục con ghẹ, chục trái cây. Ngồi đong đưa trên võng, thím cho hai chị em Nữ mỗi người một trái thanh long và một con ghẹ. Còn bao nhiêu hai ông bà ăn tuốt hết, trừ cơm tối. Hôm đó gia đình chú thím con cháu tươi tỉnh hòa thuận cả làng. Vui vẻ hết biết.

Hai giờ khuya, chú thím cùng tháo dạ xổ lòng tưởng chết. Trên ói dưới tháo nút xổ té re đầy giường, đầy nhà, hôi tanh không thể tưởng. Nữ nghe lỏm bỏm là chú thím bị trúng “cô le ra, cô lê riết” gì gì đó. Chị Tám Hạnh vội vàng ba chân bốn cẳng chạy đi kêu taxi. Chị theo họ dong xe cấp cứu trên bệnh viện Đà Lạt.

Một mình ở lại trông coi thằng em mập ú, nó khóc la giãy giụa dữ dội đòi theo mẹ. Nữ không sao dỗ dành và bế nó nỗi. Thấm mệt, nó nằm vật ra giữa nền nhà thiêm thiếp ngủ, chốc chốc nó chồm dậy khóc la từng hồi. Nữ vừa tha vừa cõng nó trên lưng, như con nhái tha con cóc; ru hời ru hỡi em.

Quá mỏi mệt, Nữ nhè nhẹ ngồi xuống nền xi măng, thì nó nhảy nhóc nhảy quéo, vật vã khóc thét lên. Nữ khổ sở vô cùng với thằng em họ, chỉ thua mình bốn tuổi. Nữ muốn đánh nó hết sức, nhưng thằng bé ranh mãnh lắm, nó biết mẹ không ưa chị em Nữ, nếu đụng vào nó là chết, nó méc mẹ leo lẻo. Nó đánh Nữ, thì thím cười. Nữ chưa đụng đến nó khóc nhè cho mẹ hỏi:

- Con Nữ nhéo con ở mô, chỉ vu coi. 

Thím dạy con những pha "tinh ranh, quái ác" từ thuở mới lọt lòng, giống hệt bản chất người mẹ. Phộng hung dữ, chẳng biết sợ con ma con quỷ. Muốn em khỏi khóc, Nữ trùm mền, lấy lọ nghẹ vẽ mặt làm ông Kẹ, ông Thần, mong hù  dọa em nín. Chẳng những không sợ, nó xông lại thoi đấm, giựt tóc, vã vào mặt chị. Trong khi Nữ sợ ma, sợ trộm, sợ tiếng khóc hết biết. Nữ sợ muốn đứng tim, muốn ngất xỉu.

Ba ngày sau chú thím xuất viện, họ bơ phờ xanh xao ốm yếu vì cú béo bổ kia. Chú đào một cái hố, chôn hết quần áo và mùng mền chiếu gối tanh hôi. Chú lấy thuốc DDT rắc lên.

Sau kỳ hè, chị Tám về nhà đi học Trung Học. Một mình Nữ ở lại với muôn vàn cay cực. Em ruột thím là Hiên ở trên phố Phan Đình Phùng xuống phụ. “Dòng họ nhà tông, không giống lông cũng giống cánh”, thật đúng. Hiên tha hồ đánh đập Nữ. Nó cai quản công việc nhà còn ác hơn thím nữa. Nữ sợ nhất là nhen bếp lò. Củi tươi thơm mùi nhựa thông, cứ tắt ngúm dưới từng cuộn khói mù mịt, cay xè cả mắt. Người Kinh bán củi khô thì đắt tiền hơn, còn người Thiểu Số bán củi tươi thì rẻ. Thím hà tiện nên mua củi tươi, cứ củi tươi phơi rôm rốp vài nắng, rồi tọng vào bếp lò.

Bất ngờ mẹ qua thăm cùng nhiều quà bánh hậu hĩ. Nữ nhớ cha mẹ và anh chị hơn bất cứ vật gì quý giá. Hôm đó Nữ hoàn toàn được nghỉ ngơi. Mẹ cắt tóc, tắm giặt kỳ cọ cho con bằng nước chứa trong hồ, mà không biết Nữ lo sợ thắt họng. Nước mưa đó, nhà thím chỉ để uống và nấu ăn. Từng bợn đất đen thui trong người con, mẹ luôn tay tuốt trứng, bắt mấy chục con chí lúc nhúc, bò đầy trên đầu. Khiến mẹ kinh ngạc hỏi:

- Sao con ở dơ quá sức vậy?

Nữ cúi đầu im lặng chỉ muốn khóc. Ôi! Chuyện ở dơ nầy dài dòng, con không làm sao kể ra. Mẹ không biết và không thể tin. Mẹ soạn ra bảy bộ đồ mới tự tay mẹ may. Bảy áo len đủ màu. Bít tất dày tất mỏng. Giày, guốc đầy đủ. Khăn lau mặt, lau mũi rất nhiều. Bảy mũ len và mũ vải.
Nữ cất mấy thứ đó vào va ly, lòng không vui khi có quà riêng. Điệu nầy thì Nữ còn ở đây dài dài. Cha mẹ Nữ không phải là nghèo, trái lại khá giàu có,  cho con đi ăn học với chú là muốn con nên người. Cha thường nói:

- “Không Thầy đố mầy làm nên” hoặc “Muốn sang thì bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ phải yêu mến thầy".

Huống hồ chi, thầy đây là bà con ruột thịt. Cha uyên nho trọng giáo điều, có biết con bé vì “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín” mà khổ sở xiết bao. Nữ không hề dám cãi lệnh cha mẹ. Trước khi về, mẹ dẫn con lên quán cho ăn phở lòng gà trứng non, mẹ cho Nữ bốn đồng bạc có hình người gánh dừa. Có lẽ thấy con gầy ốm, xanh xao quá, mẹ thương chăng? Mẹ dặn Nữ:

- Để dành, khi nào thấy đói bụng, con mua xôi ăn. Rồi mẹ sẽ qua thăm con thường xuyên hơn trước.

Thui thủi một mình trở lại trên con đường vẫn đi về lẻ loi mỗi ngày, Nữ khóc nhiều, hai ống tay áo ướt đẫm nước mắt, nước mũi. Gần đến nhà, Nữ phải đứng lại hồi lâu ngoài bờ rào, quệt hết nước mắt mấy lần, mới dám lẻn vào sau bếp, và rón rén đi rữa chồng chén bát đầy ứ trong hai thau nhôm to.

Bốn đồng bạc cất giấu trong bìa tập, được non tháng, thì bị Hiến lục lọi và phát giác ra. Thế là nó tri hô lên Nữ ăn cắp tiền của thím, Nữ đã dấu đi. Thím không tin đứa con nít nào có tiền mà không ăn quà. Thím ngồi trên võng ngắt, nhéo vào nách, vào háng Nữ, rồi đánh mạnh thước kẻ trên năm đầu ngón tay Nữ chụm lại, cho chừa cái tay ăn cắp vặt.

Nữ muốn ăn quà lắm chứ, nhưng ngặt nỗi là Nữ không có điều kiện đi một mình. Hiên cho mấy con nhỏ gần nhà theo canh chừng, hễ thấy Nữ có “động tĩnh gì”, là chúng nó chạy về thèo lẻo rồi. Làm sao Nữ ăn!? Không hiểu Nữ làm gì nên tội ngoài việc ăn ở như một đầy tớ không lương. Mà còn bị hành hạ đến thế cho hả giận, thỏa mãn sự độc ác bẩm sinh sao!?

Con Hiên giống chị như đúc, nó thay phiên chị giựt tóc mai, tát ngược lên đầu lên cổ, lên mặt, nó thẳng tay đấm đá vào ngực Nữ nhiều cú mạnh, đau kinh khủng. Nữ không dám khóc than, chỉ rụt đầu và hai vai nhô lên sát cổ. Nữ xuýt xoa rên rỉ trong họng, lùi dần vào một góc nhà, tay chắp trước ngực, miệng không ngớt van xin thím và chị tha tội.

Buổi trưa bụng đói cồn cào chú vừa về đến nhà, thấy Nữ quỳ gối trên xơ mít khô, hai tay cầm hai cục đá giăng ra chắn ngang giữa cửa. Chú chưa kịp hỏi nguyên cớ, thì con Hiên đã leo lẻo vu oan gián họa kể tội Nữ ăn cắp, nó thêm thắt là Nữ đánh cháu, xô em Phộng bị té. Gì chứ về mục tổn hại đến con cưng ngọc ngà của họ là chết. Họ đã mất bốn đứa con, nay còn mỗi mụn con quý tử, họ yêu chiều con hơn cục vàng cục ngọc mà.
Con Hiên đánh trúng yếu điểm anh rể. Không cần biết ất giáp gì hơn, chú tức giận lôi Nữ ngã lăn kềnh ra đất, tiện tay chú rút cái roi mây treo trên tường, chú quất túi bụi vào lưng, vào mông con bé.

Nữ đau đớn nhức nhối khắp thân mình không tả nỗi, máu đít tươm ra. Hôm sau, bị sốt Nữ không thấy đau bằng các vết bầm tím thoi đấm ngắt nhéo và roi vọt. Nữ không thể cử động, đứng ngồi, hoặc nằm ngửa, nằm nghiêng mà ngủ, Nữ phải tức ngực mà nằm sấp.

Qua ngày thứ năm sau buổi chiều tan trường, Nữ bơ phờ hốc hác trốn theo đám học trò ở bên Ga là: Khang, Hồng, Hoàng, Bê, Mai, Oanh. Nữ tìm về ngôi nhà đồ sộ xưa. Nữ bỏ lại tất cả: mùng mền, gối chiếu, áo quần giày mũ mới, và bỏ bốn đồng bạc “dấu tích đòn vọt”, cả dĩ vãng đầy cùng cực, đắng cay, đau khổ của đứa bé chín tuổi đầu.


Chương   24

 CHUYỆN ÁO  QUẦN

Mẹ của Hoài từ Huế vào Đà Nẵng thăm các con. Mẹ lấy hột sen, khoai lang, sắn mì, chuối già hương, tiêu, ớt bột, bánh bột lọc nhưn tôm thịt, vân vân... Kết quả tốt đẹp do sức cần lao nhẫn nhục của cha mẹ, sớm chiều vất vả ngược xuôi bên vồng sắn nương khoai, mà có. Ngay lúc nầy, Hoài gặp lại bầy chim nhỏ ở chốn cũ, tiếng đàn chim hót líu lo vang vọng lại, từ tận quê nhà tít tắp xa mù xa, nghe sao mà thương lạ thương lùng!

Thắng đến nhà. Ô! Bất ngờ ghê. Thắng vào chào mẹ nàng, rồi chàng lên phòng khách. Mẹ mỉm cười đôn hậu, nhìn chàng chăm chú, như thể... cân nhắc. Hoài đôi má hây hây, chột dạ quýnh quáng nói rù rì bên tai mẹ:

- Mạ đừng ngó rứa, anh bạn con mắc cỡ. Không có chi.
- Chi lạ rứa. Ai nói chi, mà lo xa, rào đón rứa con.

Mẹ cười, nguýt yêu con gái. Mẹ lúc nào cũng vui, khuôn mặt mẹ thật thà, hiền lành đôn hậu. Tấm lòng mẹ rộng mở, chất phác giản dị, đầy khoan thứ. Nhất là tính mẹ nhân hậu, thương người, không riêng gì mẹ thương gia đình, mà thương hầu hết bà con, xóm làng cơ cực. Hễ ai kêu than, xin xỏ cái gì, nếu có khả năng là cha mẹ cho đi không ngần ngại, chả hối tiếc. Mà mẹ cho hậu hĩ, xứng đáng, tốt lành. Chứ không bao giờ mẹ cho của thừa mứa. Ui chao! Cha mẹ sao mà xứng đôi về lòng nhân ái đến vậy không biết! Nay, có bao nhiêu quà bánh nhặt nhạnh tom góp ở trong vườn, chắc chắn là cha mẹ không dám ăn, mà bòn mót tha đi hết làm quà cho con cháu, cho lối xóm rồi đa.
Thắng đá lông nheo với Hoài, chớp chớp mắt, cười cười:

- Các anh kia ở nhà, tính rủ mấy em đi loanh quanh.
- Loanh quanh? Anh không muốn em bị đòn chứ.
- Ơ. Anh em đi phố, mà bị đòn gì! Em đi với anh Đan mới sợ ăn đòn, à em.
- Ấy. Anh Đan thì thật là đồng hương, đồng hội, đồng thuyền à nha.
- Coi chừng đấy. Có ngày nổi máu xung thiên lên, anh canh cả giàn trọng pháo, bắn vào nhà Tổ, thì tan nát hết họ hàng nhà mình bây giờ.
- Trời ơi! Anh học đâu cái cảnh... nồi da xáo thịt vậy không biết. Anh em chúng ta, bồ tèo nhau cả. Khó dễ nhau gì vậy? Điên rồi. Em ớn quá.
Hai xe jeep đang chờ ngoài cổng, Trúc chạy vào năn nỉ mẹ cho phép Hoài đi chơi tí. Hoài dúi mái tóc thơm mùi bồ kết vào lòng mẹ, một tay nàng mò vú mẹ. Mẹ cảm thấy nhột khi con xin phép mẹ cái kiểu ấy. Mẹ hất tay con ra nguýt yêu con gái, liếc nhìn Thắng, mẹ nhỏ nhẹ nói:
- Ừ. Cho đi xí thôi.
- Dạ, con cám ơn mẹ.

Hoài cùng bạn ra cửa. Xe chạy mấy vòng quanh đường Độc Lập, quẹo qua Phan Chu Trinh. Các anh đổi ý muốn đi câu trên song Hàn. Mười người thuê hai chiếc thuyền nhỏ nhẹ khua mái chèo, neo cặp sát thuyền bên nhau, thả lỏng tay câu. Thuyền lững lờ trôi trên sóng lăn tăn. Chiến ngồi chung với Thu, anh nói:

- Đi câu, Hoài và em mặc áo dài lướt thướt, bất tiện làm sao à!
- Anh nói đi phố, đi xem ca nhạc. Bây giờ anh còn kêu la nỗi gì hử?!

Hoài giận hờn, cầm hai tà áo dài cột vào giữa háng coi y như đóng khố. Nàng tinh nghịch ghê, Thế là, các anh chị nhao nhao lên về chuyện áo mí quần:

- Ối giời. Áo mí khố. Xem thằng Quang ấy. Ngồi trong lu nước quen rồi, cứ đánh bố nó cái quần sọt, có chết con cá nào đâu.

Hồng lên tiếng:

- Giá biết trước là đi câu, em sẽ mặc áo thung, quần tây là xong. Húi luôn đầu trọc với cái váy cụt, cho anh Chiến vui lòng.

Chiến cười khoái chí:

- Các cô nào có biết, việc cắt tóc ngắn, mặc quần áo ngắn được đồng bào ta hưởng ứng nhiệt liệt ấy nhe. Vào thời kỳ l906, bọn thực dân Pháp đối đãi ác nghiệt với dân tộc mình, họ hà khắc ghê gớm. Các cô biết không? Ngày 19 tháng 9 năm 1903. Lính chiến đấu của ta, mà Pháp gọi là Khố Xanh, Khố Đỏ ấy. (Tức là quần xanh quần đỏ, mà họ kêu là "Khố"), tỏ vẻ khinh bỉ miệt thị dân mình. Khiến sự bất mãn về cuộc sống gian khổ, và mối thù giai cấp càng tăng của dân ta càng tăng, làm thức tỉnh người dân hồi ấy đã vùng lên mạnh mẽ. Pháp dùng chính sách trực trị kềm chế, khủng bố, đàn áp gắt gao, bắt dân mình ở trần, mặc xà lỏn, đóng “khố” hầu chạy cho nhanh. Vì sợ mặc quần dài có ống nó vướng víu. Tuy vậy đàn bà thời ấy ăn mặc rất kín đáo, tính tình đoan trang lắm.

Tùng móc mồi xong thả xuống nước, anh nói:

- Để tôi nói cho các bạn nghe: Chuyện ăn mặc ở Việt Nam ta hồi đó thế nào nhé. Tự ngày xưa, dân An Nam ta có truyền thống ăn mặc gọn gàng, thùy mị, kín đáo, và đẹp mắt. Đàn bà con gái mặc chiếc áo cánh bên trong, đeo yếm thắm cột bốn dải thắt ra sau gáy và lưng. - Đi đâu xa, họ mặc thêm cái áo dài the tứ thân ra ngoài. Váy đen dài khiêm tốn chấm tới mắt cá. Họ mang guốc mộc. Phụ nữ Việt Nam hay lam hay làm, vì mặc "khố" dài lướt thướt, rộng thùng thình, đi đứng vướng vít, trở ngại, khó khăn. Nên họ cắt bớt "khố" ngắn lại, ngắn cao trên mắt cá chừng hai gang tay. Phụ nữ mặc chiếc váy mới, thấy dài không ra dài, ngắn không ra ngắn, cảm thấy dị kỳ, khó coi, khó chịu. Các bà các cô tân thời bèn làm một cuộc cách mạng nữa: Mặc "khố" ngắn qua đầu gối cho nó... gọn.

Các bạn nhìn nhau cười cười. Tay nầy trầm ngâm, ngầm ngầm mà đấm chết voi, chắc là có "vấn đề" đây. Tùng nói tiếp:

- Tưởng như vậy là yên thân chiếc "khố đầm". Nào ngờ, đời Vua Lê, Càn Vương hay Chiêu Thống gì đó. Tôi quên mất. Đại khái là đời vua Lê. Mỗi lần Ngài ngự giá, thấy “liền bà con cấy” ở ngoài đường ngoài chợ không mấy kín đáo, người nào cũng đưa hai ống quyển ít gợi cảm “lem dem”, đen không ra đen, trắng không ra trắng. Cứ mông mốc màu tro, và nhất là họ không giữ ấm thân thể. Đôi khi họ ngồi chò hõ, bỏ đoạn bỏ quên “cái sự đời em ra” phơi nắng phơi mưa mát mẻ; mà thật tình họ không hay biết.Tiến tiếp lời:
- Tùng nói đúng. Hồi đó có ai biết mặc xì níp đâu. Hê hê!
- Tôi nói đến đâu rồi nhỉ? À, à... Phụ nữ ta xưa nay vốn nổi tiếng là đoan trang nết na thùy mị, ăn mặc kín đáo. Bỗng dưng cái “khố" bị "hớt" lên quá đầu gối, thì họ ngượng ngùng khó chịu ha. Nhất là khi Vua ngự giá đó đậy, thì họ càng lo sợ, bẽn lẽn, run lập cập; Vì sợ, vì đói, vì rét, hay vì e thẹn? Tôi chả biết. Họ cứ té lăn chiêng đổ đèn, giơ hai cẳng chân khẳng khiu quơ quơ lên trời. Ngọn gió vô tình lại tốc ngược "khố đụp" lên quá... bẹn. Tô hô tơ hơ “cái sự đời em” ra.

Mặc các bạn cười chảy nước mắt ra, nghiêng ngã người trên thuyền. Vương Gia Tùng bác sĩ đẹp trai nhà ta tỉnh queo, ảnh không cười. Nhìn ảnh, họ càng mắc cười kinh khủng. Tùng ung dung và duyên dáng kể tiếp:

- Vua Lê là người khá hào hoa, thanh lịch, văn nhã, ông nhìn cảnh trái tai gai mắt đó nhiều lần coi chướng quá, nên vua đã xuống chiếu nghiêm cấm “liền bà con cấy” không được mặc “khố“Không mặc váy! Á à quên. Ngài không dùng tiếng "khố" miệt thị, càng không nói tiếng "váy" văn chương tân thời, mà Ngài nói:
- "Mặc Quần Không Có Hai Ống" nghe văn nhã hơn.
- Thế là phụ nữ bắt đầu mặc lại quần không có hai ống, dài xuống mắc cá chân. Có yên đâu. Phải rồi! Chưa yên. Tôi nhớ có lẽ không nhầm, đúng một trăm sáu mươi ba năm sau. Vua Minh Mạng thứ 9 đã ban chiếu dụ khác, cấm chỉ “liền bà con cấy” không được mặc “váy đụp” tổn hổn tển hển như thế. Mà phải mặc quần. Quần có hai ống hẳn hoi. Thế là "quần có hai ống" ra đời từ đó. Nào, bi chừ các cô thích mặc thứ gì? Mặc "khố", "Quần có hai ống", hay là mặc "Váy đụp"?

Các cô quê xệ che mặt cười khúc khích. Các cậu thì khoái chí lêu lêu các cô và cười ha ha ha. Thả thuyền câu theo dòng nước, các bạn vừa chuyện trò vui vẻ. Nào là Đại Đế Napoléon Bonaparte. Chuyện Ludwigvan Beethoven, nhà soạn nhạc lừng danh; chuyển qua Michael Faraday, nhà bác học lỗi lạc. Cả chuyện tiếu lâm khôi hài.