XUÂN KỶ SỬU SỐ 41 - THÁNG 1 NĂM 2009

 

Thơ

Mây
24Nguyên Anh
Quán không tên
24Vũ Hoàng Thư
Hạnh trắng
21Nguyễn Linh Khiếu
Đón xuân ở Chicago
18
Phạm Hồng Ân
Nhớ lại
18Trần Việt Bắc
Đóa hoa xưa
18Di Trương
Tình yêu đồng lõa
21
Huỳnh Kim Khanh
Về
21Ái Ưu Du
Nàng xuân trên đất Mỹ
21Hải Dương
Xuân trên đầu thác
24Đỗ Phong Châu
Cảm xuân xứ lạ
24Ngọc Trân
Rồi mùa xuân đến
21Tôn Thất Phú Sĩ
Trở trời
18
Kim Thành
Thương bác Trâu già
18Vinh Hồ
Mừng Sửu lên ngôi
21Tú Trinh


Truyện ngắn, Tâm bút, Tản mạn

Tản mạn Tết Kỷ Sửu
14
Trương Thanh Diễm Thùy
Cà kê dê ngỗng truyện con trâu
14Vinh Hồ
Trâu trắng trâu đen
14Nguyên Bông
Sớ Táo Quân
14Hải Dương
Mùa xuân và cỏ
13
Xuân Phương
Căn nhà sau cửa biển (2)
14
Phan Thái Yên
Ngựa biển
8Nguyễn Linh Khiếu
Chiếc lá trạng nguyên
8Cỏ Biển
Thoáng xuân
8Đỗ Trường
Tình nhẹ như mây
8Ái Ưu Du
Từ BĐII tới NAVOCS
8Nguyễn Chu Trương Dực
Truyện trong tiệm giặt
8Tầm Xuân
Đêm mơ
8Trần Hoài Thư
Eva
8Song Thao
Bóng nắng xuân
8Nguyên Bông
Con trâu cộ của cha tôi
8Vinh Hồ
Thang thuốc nam
8Trương Thanh Diễm Thùy
Về truyện ký của Phạm Tín An Ninh
8Đỗ Trường
CD Song Anh
8Vinh Hồ

Văn học, Biên khảo, Dịch thuật

Những biến cố liên quan đến sử Việt
1Trần Việt Bắc
Thể thơ Đường luật bát cú
4Vinh Hồ

Sống thiện chết lành - Kết
4Ngô Văn Xuân
Tình yêu trong ca dao về Trâu
4Vinh Hồ

Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 28
3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Giữa hai lằn đạn (22, 23, 24)
1Ái Ưu Du
Tân liêu trai - Người đàn bà Dốc Tuyết (3)
1
Hải Yên
Thằng Nèm
1Trần Phú Mỹ
Đàn kiếm giang hồ (1)

1Huỳnh Kim Khanh


 

Tình yêu đôi lứa trong ca dao tục ngữ nói về trâu

 

1. Khái quát về kho tàng ca dao tục ngữ:
Ở trên đời này nói gì thì nói, nhưng nói cho cùng “tình yêu” vẫn là cái gì bất hủ, bất diệt, tồn tại với thời gian. Kể từ khi con người hiện hữu trên trái đất già nua đến nay đã hàng vạn năm nhưng tình yêu không già, tình yêu vẫn trẻ, mới lạ, hấp dẫn, mê hồn và người ta vẫn còn đang bâng khuâng tự hỏi:

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?” - Xuân Diệu

Chính vì thế mà văn hào Pháp Voltaire đã nói:

Chân lý cuối cùng trên cõi đời vẫn là tình yêu.”

Tôi vẫn nghĩ rằng nếu không có kho tàng văn chương bình dân thì thật khó để mà biết đích xác trái tim của người VN xưa ra sao? Bởi văn chương bác học cổ điển từ khi hình thành đến đầu TK 20 đã trải qua hơn một nghìn năm, nhưng trên thi đàn hầu hết các thi gia đều chăm chú làm thơ ngâm vịnh, xướng họa, bày tỏ ý chí, hướng về tình yêu thiên nhiên, cha me, vợ chồng, bằng hữu, đất nước, giống nòi, không đả động gì đến tình yêu đôi lứa - một đề tài có vẻ như bị cấm kỵ, kiêng dè, nhất là những chuyện “kín” trong phòng the. Nếu có nói đến - như trong Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc, Lục Vân Tiên chẳng hạn, thì những lứa đôi ấy đều xuất thân từ giới quyền quý và quê quán dường như không phải ở VN mà ở tận bên Tàu. Tìm đâu ra hình ảnh một cô gái VN đi trên con đường làng rợp bóng tre xanh hay đi lễ trong các lễ hội Mùa Xuân mặc y phục VN, như bốn câu sau đây của Nguyễn Nhược Pháp (thời tiền chiến) mô tả một cô gái cùng thầy mẹ đi Chùa Hương:

Khăn nhỏ đuôi gà cao
Lưng đeo dải yếm đào
Quần lĩnh, áo the mới
Tay cầm nón quai thao

Cũng như hai câu trong bài thơ Chân Quê của Nguyễn Bính (cũng thời tiền chiến):

Nào đâu cái áo tứ thân
Cái khăn mỏ quạ, cái quần vải đen?

Những hình ảnh “chân quê” ấy rất khó tìm thấy trong thi ca bác học cổ điển trừ Hồ Xuân Hương - là một trường hợp đặc biệt. Nữ sĩ đã phác họa chân dung, tình yêu và sức sống của người con gái VN như sau:

- Thân em vừa trắng lại vừa tròn

- Lược trúc chải cài trên mái tóc
Yếm đào trễ xuống dưới nương long
Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm
Một lạch đào nguyên suối chửa thông

- Chành ra ba góc da còn thiếu
Xếp lại đôi bên thịt vẫn thừa

- Mười bảy hay là mười tám đây
Cho ta yêu dấu chẳng rời ta

- Thân em như quả mít trên cây
Vỏ nó sù sì múi nó dầy
Quân tử có thương thì đóng cọc
Xin đừng mó máy nhựa ra tay

- Bốn mảnh quần hồng bay phất phới
Hai hàng châu ngọc duỗi song song

- Càng nóng bao nhiêu thì càng mát
Yêu đêm không phỉ lại yêu ngày

- Nâng niu ướm hỏi người trong trướng
Phì phạch trong lòng đã sướng chưa?

Qua thơ Bà, họ là những cô gái VN trẻ đẹp, xao xuyến, rực lửa trước tình yêu say đắm, họ đã yêu tha thiết, táo bạo, không chút e dè, sợ sệt, giấu diếm. Họ sống hồn nhiên, thoải mái, không bị ràng buộc, câu thúc bởi một thế lực nào. Tác giả Nguyễn Lộc đã nhận xét về trường hợp đặc biệt của bà Hồ Xuân Hương như sau:

“Hồ Xuân Hương nghiêng về bình dân hơn là bác học. Nhà nữ thi sĩ này dường như  mượn của văn học bác học cái phần trang sức bên ngoài để trình làng, còn nén chặt bên trong đến tràn ứ lại là cái phần hồn dân gian đầy sức sống của mình.”

Chính vì thế mà nội dung thơ Bà, rất gần gũi với ca dao tục ngữ. Những hình ảnh chân thật, sống động, đầy say mê hấp dẫn của tình yêu đôi lứa qua thơ Bà khó tìm thấy trong thi ca bác học cổ điển nhưng lại đầy dẫy trong kho tàng ca dao tục ngữ.

Giới bình dân VN đã sáng tạo liên tục, bền bỉ, được truyền khẩu, sàng lọc qua hai nghìn năm lịch sử, nhờ thế mà ngày nay chúng ta có một kho tàng ca dao tục ngữ vô cùng phong phú về chất lượng và đồ sộ về số lượng. Họ là ai? Là tuyệt đại đa số dân VN, những người dân bình thường thấp cổ bé miệng, tầng lớp nghèo khổ thua thiệt trong xã hội, hầu hết sống trong các lũy tre làng, đa số không biết chữ nhưng trời thương đã ban cho họ một tâm hồn thi sĩ dễ dàng rung động trước ngoại cảnh, dễ dàng trắc ẩn, thương tâm trước những cảnh đời éo le ngang trái và cũng dễ dàng “xuất khẩu thành thơ”. Họ làm thơ lục bát dễ như đi cày, dệt cửi, chăn trâu, thổi sáo, thả diều, hò hát... Lục bát trở thành mạch sống tâm hồn của dân tộc. Ba câu lục bát biến thể sau đây phát ra từ cửa miệng tự nhiên như lời nói mà thành thơ - giữa cảnh  trời nước mênh mông đọc lên nghe sảng khoái vô cùng:

- Thuyền đi trước cho tôi lướt đến cùng
  Kẻo đến khúc quành bờ bụi mông lung
  Nếu phải duyên trời định thì chúng mình gặp nhau

Có hai ông già thuộc thế hệ cha tôi, sống tại làng Xuân Hòa quê ngoại tôi, một người chỉ biết đọc biết viết, còn người kia hoàn toàn không biết chữ, nhưng họ đã từng đọc cho tôi nghe những vần thơ lục bát của họ sáng tác, suốt hai tiếng đồng hồ vẫn chưa hết, thơ cất trong bụng chứ không chép ra giấy. Hôm nay họ đã ra người thiên cổ và thơ họ, tôi chỉ thuộc được dăm câu, có “truyền khẩu” cho một số bạn bè nghe. Từ đó tôi có suy nghĩ, kho tàng thi ca bình dân VN hôm nay đã sưu tầm được một số lượng lớn có thể dày bằng một cuốn tự điển nếu in ra, thật ra đó cũng chỉ là một hạt cát trong sa mạc, bởi qua thời gian dài cả nghìn năm, bộ óc con người không tài nào nhớ hết và đã  “thất truyền” rất là nhiều. Hiện tại trong dân gian việc hô bài chòi, hát đối, hát ru em, v.và không còn thịnh hành như xưa nhưng cũng may, từ khi có chữ quốc ngữ và việc in ấn được dễ dàng, người ta bắt đầu nghĩ tới việc sưu tầm ca dao tục ngữ để in thành sách truyền lại cho con cháu mà Cụ Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc là người tiên phong. Ngày nay trên Internet đã có nhiều trang Web tiếp tục làm công việc đó, trong số đó có Ông Hà Phương Hoài đã chắt chiu, gom góp, sàng lọc, hệ thống trên 25 ngàn câu ca dao tục ngữ suốt hơn ba năm để đem lên trang Web của ông năm 2004. Đến hôm nay thì chúng ta đã có được một số lượng ca dao tục ngữ càng đồ sộ hơn nữa. Xin trích vài câu về tình yêu đôi lứa:

- Trèo lên cây bưởi hái hoa
  Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân...

- Hỡi cô tác nước bên đàng
  Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi

- Sáng trăng giã gạo giữa trời
  Cám bay phất phưởng thương người xứ xa

- Sáng trăng sáng cả đêm rằm
  Anh đi qua ngõ em nằm không yên

Nghe thật là trữ tình, lãng mạn, ướt át, nhưng lại thiếu vắng trong thi ca bác học cổ điển.

2. Tình yêu đôi lứa trong ca dao tục ngữ nói về trâu cùng những câu ca dao tục ngữ chọn lọc khác:
Trong 12 con giáp có 2 con đầu là Tý, Sửu được ca dao tục ngữ nhắc đến khá nhiều, nhưng nhiều nhất là trâu. Vì VN là nước nông nghiệp lâu đời, “con trâu là đầu cơ nghiệp” nên con trâu đã được người bình dân yêu quý đến nỗi được cúng tế, như cúng Tết Trâu tại xứ Ninh quê tôi và tại một số địa phương khác. Năm nay là năm Kỷ Sửu, nên bài này được dành ưu tiên cho trâu trong việc tuyển chọn ca dao tục ngữ.
Ca dao tục ngữ dính dáng đến con trâu có rất nhiều nhưng ở đây chúng tôi chỉ chọn những câu đặc biệt nói về tình yêu đôi lứa. Tuy nhiên để thêm phần sáng tỏ, đầy đủ, chúng tôi có tuyển chọn thêm một số câu ca dao tục ngữ nổi tiếng dù không dính dáng đến con trâu, nhưng có cùng một ý nghĩa.

Chúng ta thấy hình ảnh con trâu tuy đen đúa, cục mịch, mình mẩy lấm lem bùn đất nhưng khi đưa vào thơ thì trở nên đẹp đẽ lạ thường như câu sau đây:

- Con gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu

Hình ảnh một cô thôn nữ trẻ đẹp có thân hình nảy nở, cân đối, tràn đầy sinh lực hiện ra trước mắt người đọc trông thật duyên dáng, quyến rũ, dễ thương làm sao!

Sừng trâu mà em còn bẻ gãy thì đối với một chàng trai mới lớn, em sợ chi mà chẳng tấn công? Vâng, đúng như thế! Không phải chàng trai mà chính cô gái đã táo bạo tỏ tình trước qua những câu duyên dáng ý nhị sau đây:

- Trâu kia kén cỏ bờ ao
Anh kia không vợ đời nào có con
Người ta con trước, con sau
Thân anh không vợ như cau không buồng
Cau không buồng như tuồng cau đực
Trai không vợ cực lắm anh ơi
Người ta đi kép về đôi

 Thân anh đi lẻ, về loi một mình

- Tiện đây xơi một miếng trầu
Gọi là nghĩa cũ về sau mà chào
Trầu này trầu quế, trầu hồi
Trầu loan, trầu phượng, trầu tôi, trầu mình
Trầu này trầu tính, trầu tình
Trầu nhân, trầu ngãi, trầu mình với ta
Trầu này têm tối hôm qua
Giấu cha giấu mẹ đem ra cho chàng
Trầu này không phải trầu hàng
Không bùa, không thuốc sao chàng không ăn ?
Hay chàng chê khó chê khăn
Xin chàng đứng lại mà ăn miếng trầu

- Thiên duyên kỳ ngộ gặp chàng
 Khác gì như thể phượng hoàng gặp nhau
 Tiện đây ăn một miếng trầu
 Hỏi thăm quê quán ở đâu chăng là
 Xin chàng quá bước vào nhà
 Trước là hỏi chuyện sau là nghĩ chân

- Thoạt tiên trải chiếu ra ngồi
Trầu cau ăn đoạn hỏi người thủy chung
 Em hỏi chàng có yêu cùng
Tiếng tăm em chịu, thẹn thùng em mang
Ví dù chàng có lòng thương
Thì em chẳng quản gì đường xa xôi
Chàng về chàng cứ cho tươi
Chàng đừng héo ủ người cười đến ta

 Anh chàng đâu chịu thua, cũng nhanh trí tung ra những lời tán tỉnh táo bạo không kém:

- Cô kia bỏ tóc đuôi gà
Nắm đuôi cô lại, hỏi nhà cô đâu?
 Nhà em ở dưới đám dâu
 Ở bên đám bắp đầu cầu ngó qua
 Ngó qua dám đậu trổ hoa
 Đám dưa trổ nụ đám cà trổ bông

-  Em thời vác cuốc thăm đồng
 Anh thì giả cách mang lồng chọi chim
  Vì em anh phải đi tìm
  Xưa nay anh biết chọi chim là gì

- Cô kia cắt cỏ một mình
Cho anh cắt với chung tình làm đôi
Cô còn cắt nữa hay thôi
Cho anh cắt với làm đôi vợ chồng!

- Một rằng mình quyết lấy ta
Ta về bán cửa bán nhà mà đi
Ta về bán núi Ba Vì
Bán chùa Hương Tích, Phật đi làu làu
Ta về bán hết ngựa trâu
Bán hột thầu dầu, bán trứng gà ung
Bán ba mươi sáu Thổ công
Bán ông Hành Khiển, vợ chồng Táo Quân
Bán từ giờ Ngọ giờ Dần
Giờ Tý giờ Sửu giờ Thân giờ Mùi
Ta về bán cả que cời
Bán tro đun bếp bán trăm khêu đèn

Ta về bán trống bán kèn
Có gì bán hết, lấy tiền cưới em.

Tại sao cô gái bình dân VN dám vượt qua hàng rào luân lý lễ giáo Nho giáo đã từng thống trị xã hội VN suốt 1.000 năm, điều ít xảy ra trong thi ca bác học cổ điển?  (ví dụ như trong cuốn Lục Vân Tiên, chàng Vân Tiên vừa gặp nàng Nguyệt Nga đã nói: “Thôi thôi ngồi đó chớ ra, Nàng là phận gái ta là phận trai”).

Bởi vì theo học giả Kim Định, VN tự nghìn xưa đã hình thành một nền văn minh “nhân chủ làng xã”. Ở làng xã người dân sống tương đối tự do, mọi việc trong làng do họ tự lo liệu gần như tự trị, không bị lệ thuộc chi phối nhiều bởi triều đình, nên mới có câu:

- Phép vua thua lệ làng

Dĩ nhiên họ cũng không bị chi phối, lệ thuộc nặng nề bởi quan niệm, kinh điển Nho giáo như giới quý tộc, Nho sĩ. Họ nhìn đời bằng con mắt bình dị, phóng khoáng, tự do, thoải mái hơn nhiều. Ngay đến các hàng Vua chúa, quan lại, Nho sĩ vẫn bị họ châm biếm:

- Con vua thì được làm vua

- Quan nhất thời dân vạn đại  

- Tôi là con gái đồng trinh
Tôi đi bán rượu qua dinh ông Nghè
Ông Nghè sai lính ra de
Bẩm lạy ông Nghè tôi đã có con
Có con thì mặc có con
Thắt lưng cho tròn mà lấy chồng quan

- Ai ơi đừng lấy hủ nho
Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm...

- Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ

- Quan trên ơi hỡi quan trên,
Hiếp dân, ăn chặn, chỉ biết tiền mà thôi

- Cậu cai buông áo em ra,
Đặng em đi bán kẻo hoa em tàn
Chợ trưa dưa sẽ héo đi
Lấy chi nuôi mẹ, lấy gì nuôi con

Qua ca dao tục ngữ, “chân dung” người con gái VN xưa được khắc họa rõ nét: đẹp cả về thể xác lẫn tâm hồn:

- Thấy em nhỏ thó lại có duyên ngầm,
  Anh phải lòng thầm hơn mấy năm nay.

- Thấy cô yếm thắm, răng đen
  Nam mô Đà Phật lại quên mất chùa

- Áo gài năm nút hở bâu
  Em còn cha mẹ dám đâu tự tình

- Áo em, anh bận lấy hơi,
  Nón em, anh đội che trời nắng mưa.

- Áo đơm năm nút con rồng
 Ở xa con phụng, lại gần con quy

- Áo nâu ai mặc nên xinh
 Cho duyên em lịch, cho tình ai say

- Áo tứ thân em treo trên mắc
 Đêm anh nằm anh đắp lấy hơi

- Ai xui em có má hồng
 Để người quân tử đem lòng nhớ thương

- Thấy em gò má hồng hồng
 Phải chi em đừng mắc cỡ anh bồng anh hôn

- Mình nhớ ta như cà nhớ muối
Ta nhớ mình như cuội nhớ trăng
Mình về mình nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười

- Trầu say vương vất vân mòng
Nhìn môi em đỏ khiến lòng anh say

- Vì chưng ăn miếng trầu anh
Cho nên má đỏ tóc xanh đến giờ

- Dao cau rọc lá trầu vàng
  Mắt anh anh liếc, mắt nàng nàng đưa

-Trúc xinh trúc mọc đầu đình
Em xinh em đứng một mình cũng xinh
...

- Cô kia má đỏ hồng hồng
Cô chưa lấy chồng còn đợi chờ ai

- Một thương tóc bỏ đuôi  gà
  Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
  Ba thương má lúm đồng tiền...
  Năm thương cổ yếm đeo bùa
  Sáu thương nón thúng quai tua dịu dàng 

- Em là con gái nhà ai
  Thắt lưng nhiễu bạch, hai tai đeo trầm
  Lại đây cho anh hỏi thăm
  Nhung kia mà sánh với trầm nên chăng?

- Mày thì cong tợ trăng non
Mặt thuôn trứng ngỗng, ngó mòn lông nheo

- Ai làm cái nón quai thao
Để cho anh thấy cô nào cũng xinh

-Tóc em dài em cài hoa thiên lý,
Thấy em hiền anh để ý anh thương

- Em là con gái đồng chiêm
  Lấy dao cắt cỏ, lấy liềm bổ cau
  Quần màu nâu, áo màu nâu
  Cái thắt lưng láng đứng đâu cũng giòn

- Cổ tay em trắng lại tròn
 Để cho ai gối nó mòn một bên?

Qua đó, chúng ta thấy vóc dáng nàng không hẳn là “mình hạc xương mai, liễu yếu đào tơ, tuyết nhường màu da” như vẫn thường được nhắc đến trong thơ ca bác học, mà mặn mà, đằm thắm, giản dị, rắn chắc, cân đối, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, đầy sinh lực, bởi trên đồng ruộng hay bên khung cửi, nàng đã từng lao động nặng nhọc:

- Thân em vất vả trăm bề
Sớm đi ruộng lúa, tối về ruộng dâu
Có lược chẳng kịp chải đầu
Có cau chẳng kịp têm trầu mà ăn

- Trầu lên nửa nọc trầu vàng
Thương cô áo chẹt vá quàng nửa lưng
Năm canh thì ngủ lấy ba
Hai canh coi sóc cửa nhà làm ăn

Biết đâu nàng cũng luyện tập võ nghệ như “nam nhi chi chí”: 

- Ai về Bình Định mà coi
  Đàn bà con gái múa roi đi quyền

Giả sử nếu tất cả phụ nữ VN về thể xác đều gầy nhom như “cánh vạc bay” của Trịnh Công Sơn, về tinh thần thì bạc nhược suốt đời chỉ biết khép mình trong “kín cổng cao tường” để làm “tì thiếp” người như Bà Triệu đã cảnh giác xưa kia, thì thử hỏi suốt 4 nghìn năm lịch sử làm sao bảo tồn được nòi giống, bảo vệ được đất nước tồn tại đến ngày nay? Cho nên trở về với ca dao tục ngữ là trở về với cội nguồn dân tộc, trở về với tinh hoa, tình tự của giống nòi: tinh thần tự chủ, tự do, lạc quan, thực tế, bi trí dũng, mạnh khỏe, năng động... chống lại tinh thần bạc nhược, bệnh hoạn, “ăn no lại nằm”, nô lệ, vong bản, phù phiếm, vọng ngoại... vốn là liều thuốc độc vô hình đã và đang đầu độc làm suy yếu dân tộc giống nòi dẫn tới diệt chủng, mất nước, vô tình thực hành chính sách “di dân- đồng hóa” tầm ăn dâu, trường kỳ mai phục, năm mũi giáp công vô cùng độc hiểm của chủ nghĩa bành trướng bá quyền Trung cộng:

- Phấn son tô điểm sơn hà
Làm cho rỡ mặt đàn bà nước Nam

- Giặc đến nhà đàn bà phải đánh

- Anh ơi, hãy giữ việc công
  Để em cày cấy mặc lòng em lo!

Chính vì thế mà ngày xưa, trước khi dựng vợ gã chồng, cả chú rể lẫn cô dâu đều được hai bên “coi mắt” kỹ lưỡng:

- Mua trâu xem vó, lấy vợ xem nòi

- Trai thì cày ruộng khiển trâu
Gái thì phải biết bổ cau têm trầu

 
Vì tập tục cưới gả ngày xưa thường đặt nặng vấn đề “môn đăng hộ đối” và thói đời thường “tham phú phụ bần” nên đã làm tan rã nhiều tình duyên đôi lứa:

- Công anh chăn nghé đã lâu
Bây giờ nghé đã thành trâu ai cày?

- Trời mưa cho ướt lá khoai
 Công anh làm rễ đã hai năm tròn

- Công anh xúc tép nuôi cò
   Đến khi cò lớn cò dò cò bay

- Tiếc công vót nứa đan lờ,
 Để cho con cá vượt bờ nó đi

- Anh thương em từ thuở má hồng
   Bây giờ em lớn, lấy chồng bỏ anh.

Đọc lên nghe não lòng! Bây giờ nàng đã sang ngang rồi thì có nước “đi kiện củ khoai” chứ kiện ai? Do đó chàng chỉ còn một cách để giải tỏa nỗi đau là cứ nói phét lên, cứ nói phóng đại lên cho bõ ghét:

- Con kiến mày kiện củ khoai,
Mày chê tao khó lấy ai cho giầu.

Nhà tao chín đụn mười trâu,
Lại thêm ao cá bắc cầu rửa chân

Cầu này là cầu ái ân
Một trăm con gái rửa chân cầu này
Có rửa thì rửa chân tay
Đừng rửa chân mày, chết cá ao anh

Trên đời không thiếu những anh sàm sỡ, suồng sã, có máu dê máu tham, hễ thấy gái là cứ tươm tướp xáp tới, hai con mắt đẫn đờ, miệng nói lảm nhảm, hai tay quờ quạng... trông nham nhở, mất lịch sự nên đã bị các nàng lên lớp phản đối triền miên khói lửa:

- Anh đánh thì tôi chịu đòn
   Tánh tôi hoa nguyệt mười con chẳng chừa
   Anh đánh thì tôi xin thưa
   Tánh tôi hoa nguyệt chẳng chừa được đâu
   Ăn quen chừa được chẳng lâu
   Lệ làng làng bắt, mất trâu mặc làng

- Bươm bướm mà đậu cành hồng
Đã thương cô chị, lại bồng cô em

- Con công tố hộ trên rừng
Đã yêu cô chị lại bồng cô em

- Em là con gái đêm hôm
 Anh đừng lui tới mà nam nồm tội em!

- Anh ở hà xứ đâu ta
Cớ sao anh biết vườn hoa chị tàn
Hoa tàn nhưng nhụy chưa tàn
Muốn xem chị sẽ vén màn cho xem

- Thôi thôi buông áo em ra,
 Đặng em đi bán kẻo hoa em tàn

- Anh về mắc võng nuôi con,
 Đừng nên tơ tưởng trái chanh non cuối mùa

- Anh có thương thì thương cho trót
  Có trục trặc thì trục trặc luôn
   Đừng làm theo thói ghe buôn
   Nay về, mai ở cho buồn dạ em

- Anh thương em thương quấn thương quít
  Bồng ra gốc mít, bồng khít gốc chanh
   Bồng quanh đám sậy,  bồng bậy vô mui
   Bồng lui sau lái, bồng ngoái trước mũi

- Anh thương nói thiệt em nhờ
  Xin  đừng nói gạt em chờ hết duyên

- Ai đem em đến chốn này?
   Bên kia là núi, bên này là sông

Đôi khi vì hoàn cảnh trái ngang khiến nàng phải buông xuôi theo định mệnh:

- Bước xuống ruộng sâu, em mảng sầu tấc dạ
Tay em ôm bó mạ, lụy ứa hai hàng
Ai làm lỡ chuyến đò ngang
Cho loan với phượng đôi hàng biệt ly

Hậu quả một phần cũng do anh chàng quá rụt rè, nhút nhát, chần chờ không quyết định:

- Em như ngọn cỏ phất phơ
   Anh như con nghé ngơ ngơ giữa đồng

- Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng, như cá mắc câu...

 Ngày xưa việc cưới gả do cha mẹ quyết định theo quan niệm tứ đức tam tòng: “tại gia tòng phụ”. Tuy nhiên không phải hoàn toàn do “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” có nhiều cô cũng có đầy đủ bản lĩnh, ý chí, nghị lực, không để bị câu thúc, ràng buộc đã dám sống trọn vẹn cho tình yêu:

- Chàng đi làm ruộng nơi đâu
  Để em dẫn nghé, dắt trâu theo chàng

- Yêu nhau ruột héo xương mòn
 Yêu nhau đến thác vẫn còn yêu nhau.
 Quê anh ở tận nơi đâu?
 Để em may áo viền bâu gởi về.

- Yêu nhau chẳng quản đường xa.
 Đá vàng cũng quyết phong ba cũng liều.

- Anh đấng làm trai nam nhi chi chí
 Em phận làm gái, nhi nữ quần thoa
 Thấy đàn cá nhảy khỏi sa
Ưng không tại bậu, cha mẹ già biết đâu?

- Anh đi làm thợ nơi nao?
Để em gánh đục gánh bào theo anh

- Anh ơi! chớ liệu, đừng lo
 Dù ai cấm chợ ngăn đò, có em.

- Anh ơi! đường chẳng bao xa
 Anh không bước tới, phòng hoa em chờ

- Anh về cho em về theo
Tiền cưới mặc họ, tiền cheo mặc làng

- Anh về sắm nón sắm quai
 Sắm giường sắm chiếu ngày mai em về

-Trời cao bể rộng mông mênh
 Ở sao cho trọn tấm tình phu thê.
Trót đà ngọc ước vàng thề
Dẫu rằng cách trở sơn khê cũng liều

-Thiếp trao chàng câu ân, câu ái
Chàng trao thiếp câu ngãi, câu nhân
 Cả bốn câu hợp lại Tấn với Tần nên duyên

- Yêu nhau con mắt liếc qua
 Kẻo chúng bạn biết, kẻo cha mẹ ngờ
Gần thời chẳng bán duyên cho
Xa xôi cách mấy lần đò cũng sang.

- Quạ kêu nam đáo nữ phòng
 Người dưng khác họ đem lòng nhớ thương
 Chỉ điều ai khéo vấn vương
 Mỗi người mỗi xứ mà thương nhau đời

- Anh với em như mía với gừng
Gừng cay mía ngọt ngát lừng mùi thơm
Anh với em như nước với non
Non xanh nước biếc duyên còn dài lâu

- Anh ơi! nôm cá xong chưa?
  Xuồng em neo đợi chờ trưa anh  về

- Anh ơi! đi lại cho dày
  Thầy mẹ không gả em bày mưu cho

- Anh về sương gió lạnh lùng
  Ở đây chung gối chung mùng với em

- Anh về em nắm cổ tay
Em dặn câu này anh chớ có quên
Đôi ta đã trót lời nguyền
Chớ xa xôi mặt mà quên mảng lòng

- Một yêu em gửi miếng trầu
Hai yêu em gửi áo nâu về nhà
Ba yêu em gởi áo hoa
Bốn yêu em gửi thư nhà cho anh
Năm yêu em gởi quạt xanh
Sáu yêu em gửi một cành kim thoa
Bảy yêu em gửi khăn là
Tám yêu em gửi cành hoa cho chàng
Chín yêu em gửi lạng vàng
Mười yêu em chỉ lấy chàng mà thôi

- Đói lòng ăn nửa quả sim,
Uống lưng bát nước đi tìm người thương
Người thương ơi hỡi người thương
Đi đâu mà để buồng hương lạnh lùng

- Chàng về sắm sửa loan phòng
 Thiếp xin điểm phấn tô hồng thiếp theo

- Ai về đằng ấy hôm mai
Gửi dăm cái nhớ, gửi vài cái thương
Gửi cho đến chiếu đến giường
Gửi cho đến tận buồng hương chàng nằm

- Trách gà vội gáy tàn canh
  Không lâu tí nữa cho tình thở than

- Vắng chàng em vẫn hỏi thăm
Nơi ăn đã vậy, nơi nằm làm sao?

- Láng giềng đã tỏ đèn đâu?
Chờ em ăn dập miếng trầu em sang
Đôi ta cùng ở một làng
Cùng chung một ngõ vội vàng chi anh?
Em nghe họ nói mong manh
Dường như họ biết chúng mình với nhau

- Trầu này trầu tính, trầu tình
Trầu nhân, trầu ngãi, trầu mình với ta
Trầu này têm tối hôm qua
Giấu cha giấu mẹ đem ra cho chàng

- Thương nhau cởi áo cho nhau
  Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay

- Chàng về để áo lại đây
  Để khuya em đắp gió tây lạnh lùng

- Chàng về cho chóng rồi ra
  Kẻo em chờ đợi sương sa lạnh lùng

- Chuột kêu chút chít trong rương
  Anh đi cho khéo kẻo đụng giường mẹ hay

- Chuột kêu chút chít trong vò
Lòng anh có muốn thì mò lại đây

- Anh ơi đã có vợ chưa?
 Mà anh ăn nói gió đưa ngọt ngào
Mẹ già anh ở nơi nao?
 Để em tìm vào hầu hạ thay anh

 Chàng thề non hẹn biển, dù hoàn cảnh có đưa đẩy thế nào cũng quyết một lòng sống chết với người yêu:

- Anh thương em trầu hết lá lươn
   Cau hết nửa vườn cha với mẹ nào hay
   Dầu mà cha mẹ có hay
   Nhứt đánh nhì đày, hai lẽ mà thôi
   Gươm vàng để đó em ôi!
   Chết thì chịu chết, lìa đôi anh không lìa

- Chân xiềng cổ lại đeo gông
Chết anh anh chịu chứ không bỏ nàng

- Cha mẹ anh có đánh quằn, đánh quại
Bắt anh ra treo tại nhành dương
Biểu từ ai, anh từ đặng
Chớ biểu từ người thương, anh không từ

- Nửa đời sương gió ngang tàng
Trái tim lụy chỉ vì nàng đấy thôi

Trước cảnh người yêu phụ bạc chạy theo giàu có “ruộng mẫu trâu đôi” lên xe hoa đi lấy chồng xa, chàng chỉ còn biết buông lời trách móc, oán than:

- Trâu đồng ta ăn cỏ đồng ta
Tuy rằng cỏ cụt nhưng mà cỏ thơm

- Thương nhau vì nợ vì duyên
Trâu đôi chi đó, thổ điền chi đây

- Mất trâu mất ruộng không màng
Mất cây cuốc mục ra làng kiện thưa

- Trâu kia chết để bộ da
  Người chết để tiếng xấu xa muôn đời

- Trâu ta ăn cỏ đồng ta
  Đừng ham cỏ tốt ăn qua đồng người
  Hàng ta, ta bận cũng tươi
  Ham chi hàng ngoại, kẻ cười người chê

- Bao giờ cho mạ lên non
  Một trăm mẫu đất có con trâu cày.

- Thật thà, cũng thể lái trâu,
   Yêu nhau, cũng thể nàng dâu mẹ chồng

Chàng cho rằng chuyện vợ chồng là do duyên nợ chứ đâu phải vì hai chữ giàu nghèo:

- Nghĩ xa rồi lại nghĩ gần
Làm thân con nhện mấy lần vương tơ
Về đâu trong đục mà chờ
Hoa thơm mất tiết, nương nhờ vào đâu?
Số em giàu, lấy khó cũng giàu
Số em nghèo chín đụn mười trâu cũng nghèo
Phải duyên phải kiếp thì theo
Giàu ăn khó chịu, lo gì mà lo

- Trăm năm cơ hội tình cờ,
Đàn cầm anh gãy, câu thơ anh đề.
Muốn cho thuận nẻo đi về,
Anh sang làm rể, em về làm dâu.
Số giàu lấy khổ cũng giàu,
Số nghèo chín đụn mười trâu cũng nghèo.
Phải duyên phải kiếp thì theo,
Khuyên em chớ nghĩ giàu nghèo làm chi.
Em ơi! chữ vị là vì,
Chữ dục là muốn, chữ tùy là theo,
Ta đã yêu nhau tam tứ núi cũng trèo,
Thất bát giang cũng lội, tam thập đèo cũng qua.

- Thương nhau vì nợ vì duyên
   Trâu đôi chi đó, thổ điền chi đây

Trước hoàn cảnh khó khăn chàng chỉ biết mượn lời thơ để tự an ủi:

- Chẳng qua số phận long đong
Cột trâu, trâu đứt, cột tròng, tròng trôi
.

Thời phong kiến cho phép trai năm thê bảy thiếp, nên phụ nữ đã phải gánh chịu nhiều thua thiệt cay đắng trong cảnh lấy chồng chung:

- Mật ngọt rớt xuống thau đồng
Những lời anh nói cho lòng em say
Một trâu anh sắm đôi cày
Một chàng đôi thiếp có ngày oan gia!
Chàng ơi! chàng cho em ra
Nhẽ đâu một ổ đôi gà ấp chung.

- Ai bầy cái cảnh đa thê
  Để cho em phải nhiều bề khổ đau

Ngày xưa đối với những chàng trai vào đời chỉ có hai bàn tay trắng không công danh sự nghiệp thì ba việc sau đây thật là khó “dàng trời”:

- Mua trâu, cưới vợ, làm nhà
Cả ba việc ấy đều là khó thay!

Nhưng thời xưa cũngđâu có khác bây giờ, nhiều người làm nên sự nghiệp là nhờ của cải nhà vợ “chuột sa hũ nếp” hay là gặp vợ  giỏi “sau lưng người đàn ông thành công luôn luôn có người đàn bà”:

- Làm ruộng có trâu làm giầu có vợ

Trước hoàn cảnh đẩy đưa, phải biết chấp nhận thực tế, và thỏa vui với hạnh phúc trong tầm tay:

- Cành đào lá liễu phất phơ
  Đường đi khuất nẻo ai ngờ gặp nhau
  Gặp nhau ăn một miếng trầu,
  Còn hơn đám cưới mổ trâu ăn mừng.

Bài thơ sau đây mới lạ về hình thức, có nhiều sáng tạo trong cách gieo vần, đặt câu, tương tự như thơ mới bây giờ, nội dung cũng mới lạ:

- Hòn đá cheo leo,
 Con trâu trèo, con trâu trợn
 Con ngựa trèo, con ngựa đổ.
  Anh thương em lao khổ
 Tận cổ chí kim,
 Anh thương em khó kiếm khôn tìm.
 Cây kim luồn qua sợi chỉ,
  Sự bất đắc dĩ phu mới lìa thê,
  Nên hay không nên, anh ở em về,
  Đừng giao, đừng kết, đừng thề mà vương

Hẹn lần hẹn lửa để rồi cũng chỉ là nước chảy mây bay:

- Tháng tư ngày chẵn tháng dư
Ta lại chần chừ cho đến tháng năm
Tháng năm là tháng trâu đầm
Ta hẹn mình rằng tháng sáu mình lên
Tháng sáu lo chửa kịp tiền
Bước sang tháng bảy lại liền mưa ngâu 
Tháng bảy là tháng mưa ngâu
Bước sang tháng tám lại đầu trăng thu
Tháng tám là tháng trăng thu
Bước sang tháng chín mù mù mưa rươi
Tháng chín là tháng mưa rươi
Bước sang tháng mười đã đãi mưa đông
Quanh đi quẩn lại em đã có chồng
Như chim trong lồng, như cá cắn câu

 Thách cưới là tục lệ lâu đời, nếu không ưng thì cứ thách cho thật cao, thách trên trời dưới biển, thách cho “thỏa tấm lòng”:

- Cưới em tám vạn trâu
  Chín vạn dê lợn, mười vò rượu tăm.
  Lá đa mặt nguyệt hôm rằm
  Răng nanh thằng Cuội, râu cằm Thiên Lôi
  Gan ruồi mỡ muỗi cho tươi
 Xin chàng chín chục con dơi góa chồng
 Thách thế mới thỏa tấm lòng
  Chàng mà lo được, thiếp cùng theo chân

Để trả đũa lại, anh chàng cũng giở giọng ba trời ba đất:

- Cưới nàng anh toan dẫn voi
Anh sợ quốc cấm nên voi không bàn
Dẫn trâu sợ họ máu hàn
Dẫn bò sợ họ nhà nàng co gân
Miễn là có thú bốn chân
Dẫn con chuột béo mời dân mời làng.

Cho mượn chồng hay không cho mượn là một chuyện mới lạ từ trước đến nay trên thế giới chưa thấy xảy ra. Thật ra đó cũng chỉ là một cách nói cho vui vậy thôi, mang tính cách trào phúng dí dỏm:

- Của chua ai nấy cũng thèm
Em cho chị mượn chồng em vài ngày
Chồng em đâu phải trâu cày
Mà cho chị mượn cả ngày lẫn đêm

- Sông dài cá lội biệt tăm,
Phải duyên chồng vợ ngàn năm cũng chờ.
Ruộng ai thì nấy đắp bờ,
Duyên ai nấy gặp đừng chờ uổng công.

Nếu duyên không thành thì chỉ còn đó những nuối tiếc, yêu thương và mơ mộng xa xôi:

- Thấy anh hay chữ em hỏi thử đôi lời
  Ngày xưa ông vua Thuấn cày trâu hay bò?

- Trăm năm còn có gì đâu?
Miếng trầu liền với con trâu một vần

- Em ôm bó mạ xuống đồng
   Miệng hò tay cấy mà lòng nhớ ai?

- Một thương hai nhớ ba sầu
  Cơm ăn chẳng đặng, ăn trầu cầm hơi
  Thương chàng lắm lắm chàng ơi
   Biết đâu thanh vắng mà ngồi thở than?

-Tay cầm cọng lạt bẻ cò
   Lòng thương da diết, giả đò làm lơ
   Thương sao thương dại thương khờ
   Trong nhà không dám khóc, ra bụi bờ khóc than

- Nhớ ai con mắt lim dim
Chân đi thất thểu như chim tha mồi
Nhớ ai hết đứng lại ngồi
Ngày đêm tơ tưởng một người ở xa

- Nói lời thì giữ lấy lời
  Đừng như con bướm đậu rồi lại bay

- Một duyên, hai nợ, ba tình
  Chiêm bao lẩn quất bên mình năm canh
  Đêm nằm lại nghĩ một mình
  Ngọn đèn khêu tỏ bóng quỳnh bay cao
  Trông ra nào thấy đâu nào
  Đám mây vơ vẩn ngôi sao mập mờ
  Mong người, lòng những ngẩn ngơ

- Nhớ ai nhớ mãi thế này
Nhớ đêm quên ngủ, nhớ ngày quên ăn

- Một thương, hai nhớ, ba trông
  Bốn chờ, năm đợi, sáu mong duyên nàng

- Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa, như ngồi đống than

Tình yêu đôi lứa thật là tình tứ lãng mạn: 

- Anh về bán cặp trâu già
   Anh qua anh cưới biết mà đặng không?

- Thò tay mà ngắt ngọn ngò
   Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ

- Anh kia cắp sách đi đâu
   Lại đây em hỏi vài câu huê tình!

- Anh kia gánh lúa một mình
  Cho em gánh với hai mình cho vui
   Anh còn gánh nữa hay thôi
  Cho em gánh với làm đôi nhân tình

- Anh thương em chỉ nói bên ngoài
   Sao mà không nói tận tai mẹ thầy?

- Anh như nút, em như khuy
  Như mây với núi, biệt ly không đành

- Thương nhau từ áo mới may
   Bây giờ áo đã thay tay vá quàng

- Ai về đằng ấy đằng này
  Để đêm em nhớ để ngày em thương
  Yêu nhau đi nhớ về thương
  Em về cái chốn buồng hương em nằm
  Thấy chiếu mà chẳng thấy chăn
 Thấy chỗ mình nằm chả thấy mình đâu

- Áo xông hương của chàng vắt mắc
  Đêm em nằm em đắp lấy hơi
  Gửi khăn, gửi túi, gửi lời
  Gửi cho chàng mạng cho người đàng xa
  Vì mây cho núi nên xa
  Mây cao mù tịt, núi nhòa xanh xanh

- Ai làm cho cực tấm lòng
Càng nhắc càng nhớ, càng trông càng sầu
Hễ về nhớ đến lời nhau
Bắc cầu mà chả được cầu ái ân
Dầu xa nhích lại cho gần
Làm thân con nhện mấy lần vương tơ

- Em ơi! chua ngọt đã từng
 Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau

- Ai đi đường ấy hỡi ai?
 Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm?
 Tìm em như thể tìm chim
 Chim ăn biển Bắc anh tìm biển Đông

Tình yêu đôi lứa như chiếc thuyền tình lênh đênh trên biển mộng. Sau khi lên tới tột đỉnh yêu thương đã hướng về tổ ấm, xây dựng hạnh phúc trăm năm:

- Lênh đênh một chiếc thuyền tình
 Mười hai bến nước biết gửi mình nơi mô?

Anh về đường ấy mấy cung
 Cho em về cùng thăm mẹ thăm cha

- Anh có thương em thì trầu rượu đến nhà
Trước cha mẹ biết, sau bà con hay

-Thương nhau chỉ những khóc thầm
 Đôi dòng nước mắt đầm đầm như mưa
Anh về đón khách đò đưa
 Đây chưa có vợ, đấy chưa có chồng
 Anh về nhắn nhủ tơ hồng            
 Xe dây cho kịp kẻo lòng nhớ thương.

- Miếng trầu thật tay em têm
 Trầu phú, trầu quý, trầu nên vợ chồng
 Trầu nầy khấn nguyện tơ hồng
 Trầu nầy kết nghĩa loan phòng từ đây!        

- Em đà thuận lấy anh chưa?
 Để anh đốn gỗ rừng Nưa đóng thuyền?
 Thuyền mang đôi chữ nhân duyên
 Chồng chèo vợ chống thuyền quyên chẳng vời

- Em thì canh cửi việc nhà
 Nuôi anh ăn học đăng khoa bảng vàng
 Trước là vinh hiển tổ đường
 Bỏ công đèn sách lưu hương con nhà
 Rước vinh quy về nhà bái tổ
 Ngả trâu bò làm lễ tế vua
 Họ hàng ăn uống say sưa
 Hàng tổng hàng huyện mừng cho ông nghè

- Em là gái Út trong nhà
 Lời ăn tiếng nói thật thà khoan thai
 Miệng cười như búp hoa lài
 Như nụ hoa quế, như tai hoa hồng
 Ước gì anh được làm chồng
 Để em làm vợ, tơ hồng trời xe

-Ước gì bướm được gần hoa
Ước gì mình sánh với ta hỡi mình
Ước gì tình sánh với tình
Ước gì nhành bích cành quỳnh thành đôi
Ước gì lan huệ đâm chồi

Ước gì quân tử sánh người thuyền quyên
Ước gì nguyện được như nguyền
Ước gì chỉ thắm xe duyên tơ đào.

 3. Kết luận:
Trong chúng ta ai cũng có một quê hương để nhớ. Đó là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi nuôi dưỡng chúng ta thành người, là cánh đồng xanh có lũy tre bao bọc, có con trâu chăm chỉ kéo cày, có đàn cò bay qua ruộng lúa. Và qua câu hò điệu hát, hai tiếng quê hương càng thêm thân thiết đậm đà. Mỗi miền quê đều có những câu hò, điệu hát mang âm hưởng riêng. Tất cả cộng hưởng tạo thành nền dân ca Việt Nam phong phú đa dạng. Nhờ dân ca, tục ngữ ca dao được chuyên chở, phổ biến, lưu giữ, tồn tại đến ngày nay, đã nuôi nấng tâm hồn chúng ta, kêu gọi chúng ta hãy trở về nguồn cội thiêng liêng ấm áp của mình: quê hương tổ quốc VN thân yêu, nơi tình yêu bàng bạc khắp đất trời. Cho nên là người VN, chúng ta ai chẳng tự hào về kho tàng ca dao tục ngữ của mình, đó chính là tâm hồn của người VN đã được gạn lọc qua hai nghìn năm để trở thành tuyệt bút.

Xin trích bốn câu ca dao dưới đây mà nghệ thuật dùng từ phải nói là thượng thừa, mô tả tình yêu đôi lứa tuy xa nhau nhưng hai con tim vẫn cùng chung một nhịp đập yêu thương:

-Thương nhau trường đoạn, đoạn trường
  Lụy lưu, lưu lụy, dạ dường kim châm

- Một chờ, hai đợi, ba trông
Bốn thương, năm nhớ
Tám chín mong, mười tìm.

- Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ,
Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai?

- Ai đi đường ấy xa xa,
  Để em ôm bóng trăng tà năm canh.

Vinh Hồ
17/1/2009
 Tài liệu sưu tầm:
- Thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Lộc tuyển chọn và giới thiệu, NXBVH, 1987
- http://e-cadao.com/cadaomain.asp của Hà Phương Hoài
- http://vnthuquan.net/diendan/tm.aspx?m=180717