SỐ 22 - THÁNG 4 NĂM 2004

 

Thư tòa soạn

Thơ
Thuở nào
Trần Việt Bắc
Ra đi
Hà Phú Đức
Tháng 3 Paris
Tôn Thất Phú Sĩ
Thơ chữ Hán
Huỳnh Kim Khanh
Muộn màng
Hoàng Mai Phi
Những lá thư ngày cũ
Tóc Tím
Nhớ đêm 29
Đường Sơn
30-4
Ngọc Trân
Xin khất
Song Châu Diễm Ngọc Nhân
Freeway 101
Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn, Tâm bút
Người lính thủy năm nao
Trần Việt Bắc
Hồi ký 30-4
Nguyễn Hồng Quang
Nhiều khi muốn quay về
Phan Thái Yên
Bữa ăn tối
Nguyên Nhi
Nàng Xuân trên đảo Phú Quốc
Phạm Hồng Ân
Chân mang giầy số 6
Song Thao
Đứa con nuôi
Phong Nhĩ Dị Nhân
Ngoại ô đỏ lửa
Cỏ Biển
Hồi ký bạn tù
Hoàng Quốc Việt
Lá thư không gửi - kỳ 8
Trương Thanh Diễm Thùy-Bảo Lộc
Hoa mai
Xuân Phương & HMP
Tháng 4 dục lòng quật khởi
Phạm Văn Thanh
Giang Nam du ký
Trần Ngọc Giang
Một thoáng ngoài kia
Ảnh: Ngô Văn Sơn
Thơ: Vũ Hoàng Thư

Tiểu luận, Biên khảo
Lời với gió chiều
Vũ Hoàng Thư
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - kỳ 9
Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài
Thằng Nèm
Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - kỳ 16
Huỳnh Kim Khanh


 

Giang Nam du ký
Từ Thượng Hải đến Hàng Châu

Trần Ngọc Giang

Vào năm 2000, Hội Cao Niên Tỵ Nạn Đông Dương tại tiểu bang Victoria Úc Châu tổ chức chuyến du lịch thăm viếng các thành phố Thượng Hải, Hàng Châu, Vô Tích, Tô Châu, Nam Kinh và Bắc Kinh, từ ngày 31-10-2000 đến ngày 10-11-2000 qua một công ty du lịch tại Melbourne. Công ty này hứa với hội ấy rằng chuyến du lịch đó sẽ có hướng dẫn viên nói tiếng Việt, nhưng vào giờ chót khi sửa soạn làm thủ tục xuất cánh, họ cho hội biết không thể thu xếp như đã dụ trù. Ông hội trưởng hội này gọi điện thoại cho tôi, kêu gọi tôi tham dự với trách nhiệm của một trưởng đoàn kiêm thông ngôn viên.Tôi thầm nghĩ, đây là cơ hội hiếm có cho tôi nên tôi chấp nhận ngay. Tôi quyết định nhanh như vậy vì tôi có ý định tổ chức đoàn đi viếng thăm Trung Quốc trong những năm sắp tới, nếu có điều kiện thuận tiện. Tôi nghĩ qua chuyến đi này tôi sẽ rút được một số kinh nghiệm trong việc tổ chức những chuyến du lịch trung Quốc sau này.

Đoàn du lịch đó gồm có 21 người, kể cả tôi. Trong đoàn ngoài 16 vị cao niên, trong đó có bác hội trưởng và phu nhân. Ngoài ra, trong đoàn còn có 3 thanh nữ và một thanh nam. Thành viên trong đoàn đa số là vợ chồng cùng đi, mỗi cặp chiếm một phòng. Ba cô thanh nữ được thu xếp ngủ chung một phòng trong chuyến đi; tôi thì ở chung phòng với một anh thanh niên. Chuyến du lịch Trung Quốc này kể cả ngày đi và ngày về là 11 ngày. Dường như chi phí lúc đó khoảng gần 1600 đô Úc một người, dành cho hội viên; người ngoài hội thì chi phí cao hơn.

Ngoài đoạn đường bay nội địa trong nước Úc và tại trung Quốc, Melbourne đến Sydney và từ Sydney trở về Melbourne, Nam Kinh đi Bắc Kinh, Bắc Kinh trở lại Thượng Hải, chúng tôi đã trải qua hai chuyến bay quốc tế khá dài và khá xa đối với các bác cao niên. Đoạn đường bay từ Sydney sang Thượng Hải và từ Thượng Hải trở về Sydney, mỗi chuyến bay phải vượt qua 7.869 cây số, mất khoảng gần 11 giờ bay.

Chúng tôi trải qua 6 đêm và gần 7 ngày để viếng cảnh đẹp thơ mộng tại vùng Giang Nam mà vua Càn Long đời Thanh đã viếng qua như trong bộ truyện "Càn Long Hạ Giang Nam" ghi lại. Có thể nói rằng chúng tôi đã trải qua những ngày sống thần tiên trong chốn "thiên đường hạ giới" mà người Trung Quốc hằng ao ước. Người Trung Quốc xưa nay có câu vè truyền tụng trong dân gian rằng: "Thượng hữu thiên đàng, hạ hữu Tô Hàng." Tôi xin tạm diễn Nôm như vầy: "Thiên đàng cõi mộng trên trời, thiên đàng hạ giới ở nơi Tô Hàng." Tô Hàng trong câu vè này có nghĩa là Tô Châu và Hàng Châu.

Chúng tôi có mặt tại phi trường Melbourne vào khoảng 4.30 giờ sáng ngày 31-10-2000 để đi chuyến bay Melbourne - Sydney vào lúc 6.30 giờ sáng. Chúng tôi đến Sydney khoảng 50 phút sau đó. Chúng tôi phải chờ khoảng 3 tiếng đồng hồ ở phi trường Sydney. Mãi đến 10.20 giờ sáng hôm đó chuyến bay đi Thượng Hải mới cất cánh như chương trình đã dự trù. Máy bay đáp xuống phi trường Phố Đông, thuộc thành phố Thượng Hải vào khoảng 6.05 giờ chiều giờ địa phương, tức khoảng 8.05 giờ tối giờ Melbourne cùng ngày. Như vậy, giờ di chuyển bằng máy bay cộng với giờ chờ đợi chuyển bay mất khoảng 20 tiếng đồng hồ. Thêm vào đó, chúng tôi phải thức sớm nên thiếu ngủ; vì vậy các bác cao niên sức khỏe yếu kém cảm thấy mệt mỏi khi đến Thượng Hải.

Sau khi thông qua thủ tục nhập cảnh, chúng tôi được cô hướng dẫn viên tên Joy, tên họ tiếng Hoa là Lưu Tiêu Tiêu, đón rước trước cửa ra trạm hải quan, phi trường Thượng Hải. Sau đó, chúng tôi được đưa đến một nhà hàng ăn tối bằng xe buýt của công ty du lịch Trường Thanh (Evergreen). Lúc đó bụng chúng tôi hãy còn lưng lửng, vì chúng tôi đã được ăn buổi ăn chiều trên máy bay trước đó khoảng 2 tiếng đồng hồ. Đồ ăn tại đây lại có nhiều món chiên xào, nhiều dầu mỡ. Vì vậy chúng tôi ăn không mấy ngon miệng. Tôi thầm nghĩ rằng, nếu trong chuyến đi có nhiều bữa ăn như vậy có lẽ sẽ không tốt cho sức khỏe cả đoàn, nhất là đối với các bác cao niên. Sau khi hội ý với mọi người trong đoàn, tôi đề nghị với cô Joy trước khi chúng tôi rời nhà hàng rằng: Xin cô hãy cố làm sao loại bỏ những món ăn có thịt mỡ càng nhiều càng tốt, xin cô yêu cầu các nhà hàng thay những món ăn có nhiều thịt bằng những món cá, tôm, lương, đồ biển hoặc rau cải cho những bữa ăn sau này.

Trên đường đi đến nhà hàng và rời nhà hàng, chúng tôi được cô Joy giới thiệu về phi trường Phố Đông,Thượng Hải. Đây là một phi trường tân tiến vừa mới hoàn thành trước đó hơn một năm và được khánh thành vào ngày Quốc Khánh Trung Quốc, ngày 1-10-1999. Cô Joy cũng giới thiệu về thành phố Thượng Hải. Đây là một thành phố cảng lớn nhất, đông dân nhất ở Trung Quốc. Dân số ở Thượng Hải lúc bấy giờ có khoảng 15 triệu người, tròm trèm gần bằng dân số toàn cõi nước Úc trước đó vài năm. Nếu không có chính sách hạn chế sinh sản, dân số ở đãy có thế vượt xa dân số nước Úc lúc bấy giờ, khoảng 20 triệu người. Mật độ dân số ở Thượng Hải rất cao, đó là một trong năm thành phố có mật độ dân cư cao nhất thế giới. Thượng Hải có diện tích khoảng 6340,5 kí-lô-mét vuông. Đường phố ở đây có ba tầng, ngoài đường lộ thường còn có đường xa lộ vòng quanh vùng nội thành phía trên không, dài khoảng 45 cây số. Đường vòng này đi từ Trung Sơn Nam Lộ, xuyên qua cầu Nam Phố để vào Phố Đông, rồi lại vòng qua Dương Phố Đại Kiều đi vào Nam Ninh Quốc Lộ, Hàm Đan Lộ, Trung Sơn Bắc Lộ, Trung Sơn Tây Lộ. Nghe nói vẻ quy mô (mức đồ sộ) của Dương Phố Đại Kiều đứng vào hạng nhứt trên thế giới đấy quý vị. Dáng vẻ cũng như cách cấu trúc của cây cầu mới đó hao hao giống như Nam Phố Đại Kiều hoàn thành trước đó. Nhịp chính của cầu Nam Phố dài 846 mét. Xe cộ cũng có thể đi qua con đường hầm băng dưới đáy sông Hoàng Phố (Huángpu Jiang). Ở Thượng Hải cũng có đường xe điện ngầm chạy dưới lòng đất tại khu trung tâm thành phố có đông người di chuyển. Đường xe điện ngầm này nối từ ga Tân Long Hoa Xin Lónghuá) phía nam đến ga chính Thượng Hải ở phía bắc. Có tất cả 12 ga, dài 14,57 cây số.Xe chạy từ ga đầu tiên đến ga cuối chỉ mất 25 phút. Mỗi giờ, các chuyến xe lửa trên đường xe này có thể chuyên chở khách lên xuống xe 40 ngàn lượt người. Dường như đường xe này đã được khánh thành, cho xe chạy từ năm 1994. Lúc bấy giờ, đường phố tại thành phố này có trên 300 con đường. Nghe nói vào giờ cao điểm, ở đấy có nạn kẹt xe kinh khủng. Chính vì đường phố ở Thượng Hải rất phức tạp, trong khi đó lại có những con đường chỉ cho xe chạy một chiều, tài xế từ các nơi khác đi vào thành phố Thượng Hải dễ lạc vào mê hồn trận. Vì vậy, ở đây nảy sinh một nghề hiếm có; chắc chỉ có ở Thượng Hải mà thôi. Đó là nghề chuyên việc chỉ đường cho tài xế lạ nước lạ cái, bỡ ngỡ khi lái xe từ các nơi khác vào thành phố Thượng Hải.

Ở Thượng Hải, ngoài số dân địa phương lâu đời, còn có một số lưu dân tứ xứ đến đây tìm kế sinh nhai. Đám lưu dân đó thường là dân từ miền Hoa Bắc. Họ đổ xô về miền đất hứa này nhằm mong cầu tìm cơ may cải thiện cuộc sống khốn khổ cho gia đình còn ở lại quê nhà. Phần đông họ là dân nghèo ít học, không có cơ hội làm ra tiền nơi xứ sở của họ. Đám người này thường chỉ tìm được công việc làm hạ bạc mà dân địa phương chê như lao công tại các công trường xây cất chẳng hạn. Ở đây cũng có một nghề khá đặc biệt, đó là nhân viên trực nơi cầu tiêu tại những nhà hàng hay khách sạn hạng sang. Các nhân viên làm nghề này mặc đồng phục chỉnh tề đứng trực chờ tại nhà cầu để phục vụ khách ra vào nhà cầu rất chu đáo. Có thể đấy cũng là nghề dành cho nhóm lưu dân chăng? Phần đông đám lưu dân tứ xứ tới Thượng Hải không có công ăn việc làm vững chắc; một số không kiếm đủ kế sinh nhai nên họ lâm vào thế buộc phải ngủ đầu đường xó chợ. Những người rơi vào cảnh túng ngặt quá cũng đành làm liều. Theo cô Joy bảo, đúng ra ở các thành phố miền Hoa Đông mà chúng ta thường gọi là miền Giang Nam này rất tốt về mặt an ninh, nhưng vì có đám lưu dân đông đảo này nên ngày nay ở các thành phố miền này cũng có tệ nạn xã hội. Theo một tài liệu tôi đọc qua thì vào dịp trước Tết, thiên hạ đổ xô về quê ăn Tết, ai cũng đua nhau mua sắm quà mang về cho gia đình; đây là dịp cho đám lưu dân le lói với bà con chòm xóm nơi quê nhà, hưởng cảm giác "áo gấm về làng". Trong khi đó những kẻ không làm ra tiền, lâm vào thế kẹt vì không có khả năng mua sắm mang quà về cho gia đình như người ta. Vì vậy tệ nạn ăn cắp và móc túi gia tăng vào dịp trước Tết. Sau Tết lại có thêm một số người cùng quê lại nối gót đi theo những người có vẻ ăn nên làm ra đó đổ xô đến thành phố Thượng Hải phồn vinh. Nghe đâu chính phủ Trung Quốc có kế hoạch giải tỏa đám lưu dân này bằng cách khai khẩn các vùng hẻo lánh, như miền Tây Trung Quốc chẳng hạn, để thu hút đám lưu dân bất khiển dụng này. Theo cô Joy thì thành phố Thượng Hải có rất ít cây cối; nếu chia đều số cây cối trồng ở đây cho số dân đông đảo ở đấy thì khoảng 50 người mới hưởng được một cây xanh. Trên Cô cũng cho biết thành phố quê hương của cô là Hàng Châu thì ngược lại, mỗi người dân ở đó lại được hưởng khoảng 50 cây xanh. Nghe xong, chúng tôi liền đáp lại rằng, thành phố của cô ta có thể còn thua xa nơi chúng tôi đang định cư là Melbourne thuộc tiểu bang Victoria. Tiểu bang Vitoria với thủ phủ là Melbourne có nhiều công viên rộng lớn và có nhiều con đường rợp bóng cây xanh tươi mát. Trước đây tiểu bang Victoria, qua Nha Lộ Vận Victoria, từng tôn vinh là "Tiểu Bang Hoa Viên" (Garden State) ghi trên bảng số xe hơi có đăng ký (đăng bạ).

Thành Phố Thượng Hải phát triển với một nhịp độ rất nhanh. Vì vậy một trung tâm thành phố mới, Phố Đông Tân Khu (Pudong Xinqu, Pudong New Area), được quy hoạch và thành hình cách đây vài năm. Trước năm 1990, năm chính phủ tuyên bố quy hoạch khai khẩn đặc khu kinh tế rộng khoảng 350 kílô mét vuông đó từng là thôn làng bùn lầy chuyên trồng rau cải cung cấp cho các chợ ở Thượng Hải. Xưa kia đa số người dân sống ở đấy là nông dân nghèo, ít học. Ngày nay thì ngược lại, tại đó có nhiều cao ốc tối tân được dùng làm văn phòng dành cho hàng ngàn công ty có vốn đầu tư lớn trên thế giới. Nhiều chung cư tân thời cũng đua nhau mọc lên như nấm. Hiện giờ người dân sống ở Phố Đông thường là dân làm việc văn phòng có bằng cấp đại học, là dân khá giả, có lợi tức cao. Sở dĩ đặc khu kinh tế này mang tên Phố Đông là vì nó nằm về phía đông của nhánh sông Dương Tử (Yangzi River) mang tên Hoàng Phố Giang (Huángpu Jiang) chảy dọc theo chiều bắc nam, nằm gần cửa sông Dương Tử. Trong khi đó khu trung tâm thành phố Thượng Hải mấy năm gần đây lại mang tên mới là Phố Tây, vì nơi đó nằm về hướng tây của con sông Hoàng Phố. Sông Hoàng Phố (Huángpu River) thực ra là con sông đào thì phải.

Sau buổi ăn tối cô hướng dẫn viên tên Joy kêu gọi chúng tôi tham gia chương trình phụ trội, trong đó có mục đầu tiên là đi viếng cảnh sinh hoạt đêm ngay sau đó ở khu Ngoại Than (Bãi Ngoài), ở cửa sông Hoàng Phố, mà người tây phương gọi là The Bund. Vì cô ra giá hơi mắc trong khi các bác cũng đã mệt mỏi, nên đa số không hưởng ứng. Sau đó chúng tôi được chở đi ngắm quang cảnh Phố Đông về đêm. Cô cũng định cho chúng tôi xuống chụp hình kỷ niệm ở một điểm trong khu trung tâm thuộc đặc khu kinh tế Phố Đông, tức khu tài chánh mậu dịch Lục Gia Chủy, nhưng chẳng có ai muốn xuống xe. Ở khu trung tâm tài chánh này có nhiều tòa cao ốc hiện đại và có ngọn tháp ti-vi cao 468 mét mang tên Đông Phương Minh Châu Tháp (The Oriental Pearl Tower). "Tháp Châu Sáng Phương Đông" này khánh thành vào ngày quốc khánh Trung Quốc, ngày 1-10-1994. Tháp này cao đứng hàng thứ ba trên thế giới, thấp hơn Tháp Tivi ở Toronto, nước Gia Nã Đại và Tháp Tivi ở Moscow, nước Nga. Tháp này giờ đây trở thành biểu tượng của Thượng Hải hiện đại hóa. Tháp nằm về phía đông con sông Hoàng Phố, đối diện với khúm hội tụ kiến trúc Ngoại Than (The Bund) nằm về phía tây con sông đó.

Trước khi đến khách sạn nghỉ qua đêm, chúng tôi còn được chở vòng qua Ngoại Than (The Bund). Chúng tôi được lướt nhìn các tòa nhà với nhiều kiểu kiến trúc nửa cổ nửa kim của các nước thực dân Tây Phương khác nhau để lại từ thời hậu bán thế kỷ 19 dọc theo đường phố dài khoảng 1.500 mét với nhiều đèn điện sáng choang, trông rất đẹp mắt. Quang cảnh các tòa nhà ở khu Ngoại Than (The Bund), là nét nổi bật của thành phố Thượng Hải nhìn từ ngoài biển khơi. Từ 100 năm trước đến mấy năm gần đây, hình ảnh Khu Ngoại Than được coi như là biểu tượng của thành phố Thượng Hải. Xưa nay ở đây được coi như là "Hội chợ kiến trúc thế giới". Đây là địa điểm hội tụ nhiều kiểu kiến trúc Âu Châu khác nhau. Nó có giá trị về mặt lích sử kiến trúc thế giới. Có đến 52 tòa kiến trúc có những nét độc đáo riêng. Tôi xin kể ra đây một vài tòa nhà điển hình chính. Tòa nhà của công ty Dầu Hỏa Asia xưa (nay là trụ sở của Viện Thiết Kế Kim Loại Thượng Hải) được xây theo lối Ý. Các tòa nhà của Hội Trung Phạn Điếm xưa (nay là Hòa Bình Phạn Điếm Nam Lâu). tòa nhà Anh Quốc Tổng Thương Hội xưa (nay là Đông Phong Phạn Điếm), Hoa Nga Đạo Thắng Ngân Hàng (nay là Cục Hàng Thiên hay nói theo lối Hán Việt là Cục Hàng-không Không-gian) và tòa nhà Di Hòa Dương Hàng xưa (nay là Công Ty Ngoại Mậu Thượng Hải) thì xây theo lối kiến trúc thời Văn Nghệ Phục Hưng.Tòa nhà Hội Phong Ngân Hàng xưa (nay là tòa Thị Chính Thượng Hải) xây theo lối phối hợp ba lối kiến trúc Hy Lạp, La Mã và thời Văn Nghệ Phục Hưng. Còn Hải Quan Đại Lâu thì phối hợp lối xưa và thời cận kim của Âu Châu. Tòa nhà Hòa Bình Phạn Điếm Bắc Lâu hiện nay lại xây theo lối thời cận kim Âu Châu.

Sau thủ tục nhập khách sạn Bảo Long thì đã đến giờ cần lên giường để ngủ lấy sức nên tôi không còn thấy hứng thú muốn đi dạo phố đêm ở đường Nam Kinh mà tôi dự định trước chuyến đi. Người ta bảo đến Thượng Hải không nên bỏ lỡ dịp đến viếng Nam Kinh Lộ. Nam Kinh Lộ dài đến 5,5 cây số, chia làm hai đoạn, đoạn phía đông và đoạn phía tây. Trên đoạn đường phố dài 1.600 mét là khu buôn bán nổi tiếng khắp thế giới, nhộn nhịp nhất Thượng Hải. Thiên hạ thường chen vai thích cánh đến đó dạo phố hay mua sắm.Trên đường phố này mấy năm gần đây chỉ dành riêng cho khách bộ hành mà thôi. Nam Kinh Lộ xưa kia từng là khu tô giới của thực dân Anh. Trên con đường này từng có các sòng bài, có nơi buôn bán nha phiến, có nơi tổ chức đám cưới, có nơi tống táng, có cả tiệm cầm đồ và có đủ mọi hạng người. Thuở xưa những tên ác bá trên chốn giang hồ đều tụ họp nơi đây.

Vào đêm hôm đầu tiên tại Thượng Hải, tôi chỉ ngủ được một giấc ngắn ngủi vài giờ vào đầu hôm. Tôi chợt thức giấc vào lúc gần hừng sáng, sau đó tôi không ngủ lại được; anh bạn cùng phòng thì bảo anh còn tệ hơn tôi, anh hầu như trằn trọc suốt đêm. Để trách bứt rứt vì không ngủ lại được nữa và cũng muốn tân dụng thời gian trống rỗng chờ sáng, tôi bèn xuống lầu tới quầy tiếp khách dọ hỏi anh trực đêm tại đó xin bản đồ thành phố dò tìm đường đi nước bước đi ra công viên thành phố. Khi xem bản đồ, tôi thấy nơi muốn đi cũng không xa lắm nhưng lội bộ thì e không kịp trở về trước giờ ăn sáng dành cho đoàn như đã hẹn trước. Lúc đó bên ngoài trời lại đang đổ mưa lất phất. Tôi thầm nghĩ một mình đi bộ ra đó thì không tiện nên vào khoảng 5.00 giờ sáng tôi trở lại phòng ngủ xem anh bạn trẻ cùng phòng đã thức giấc hay hãy còn ngon giấc. May thay anh đã thức, đúng ra, theo anh cho tôi biết, anh hầu như không ngủ được suốt đêm đó. Tôi bèn rủ anh cùng tôi đi tắc-xi ra viếng cảnh công viên thành phố và khu Ngoại Than. Chúng tôi mượn đỡ cây dù ở quầy tiếp khách của khách sạn, dĩ nhiên có đặt cọc. Chúng tôi cùng dạo quanh công viên thành phố sau khi xuống xe tắc-xi. Theo tài liệu du lịch, vào thời xa xưa bọn thực dân người Anh sở hữu công viên đó. Họ đã từng dựng bảng cấm không cho chó và người Hoa vào công viên. Dù trời hãy còn tờ mờ tối, nhưng trên đường phố đã có người xuất hiện. Tại công viên có một vài người tập thể dục.Dạo hết một vòng công viên, chúng tôi lên xe buýt để đến khu công viên Ngoại Than ngắm cảnh và chụp hình. Bên kia con đường nơi chúng tôi đến ngắm cảnh là dãy phố toàn là những tòa nhà có kiểu kiến trúc theo lối tây phương mà chúng tôi đã nhìn lướt qua đêm hôm trước. Ở đấy có nhiều cửa hàng hãy còn đóng cửa im lìm vào buổi sáng sớm, lúc chúng tôi đến đó.Tôi thầm nghĩ về đêm ở đây ắt hẳn rất nhộn nhịp nên cô Joy đề nghị chúng tôi nên đến viếng chợ đêm tại đó. Ở đấy có dựng tượng cố ngoại trưởng Trung Quốc, Trần Nghị. Chúng tôi chụp vài tấm hình lưu niệm tại đây và rảo bước khoảng 15 phút thì anh bạn trẻ đồng hành hối tôi trở về khách sạn. Khi đi qua đường hầm dành cho bộ hành băng qua đường, tôi thấy có một số người ngủ ven đường hầm đó vừa thức dậy.

Trên chuyến xe tắc-xi đi về khách sạn, tôi có hỏi thăm anh tài xế về đời sống của anh ta. Anh ta cho biết lợi tức hàng tháng của anh ta khoảng trên 3.000 đồng nhân dân tệ (khoảng gần 500 đô Úc, theo hối suất lúc bấy giờ); vợ anh cũng có đi làm nên gia đình anh đủ điều kiện cho con đi học ở trường tư. Anh cho biết vấn đề học vấn ở Trung Quốc rất quan trọng. Những ai xuất thân từ trường đại học có tiếng thì mới dễ có công ăn việc làm và tiền lương lại cao. Muốn giúp con cái được vào học đại học có tiếng qua kỳ thi tuyển, thường cha mẹ phải cố gắng cho con học trường tư có tiếng ngay từ bậc tiểu học hay ít nhất là ở bậc trung học. Chi phí cho việc học của con cái là một mối lo lớn của phần đông cha mẹ ở đấy. Người dân có đồng lương thấp kém khó bề giúp con cái hoàn tất chương trình đại học, vì chi tiêu khá lớn trong suốt thời gian theo học trường tư và đại học. Tôi hỏi anh tài xế rằng: Anh liệu có khả năng cho con anh hoàn tất chương trình đại học hay không? Anh bảo rằng vợ chồng anh hy vọng đủ sức lo cho con về mặt này, vì vợ anh cũng có lợi tức. Điều đó cho ta biết rằng lợi tức của người hành nghề tắc xi ở Thượng Hải vào hạng khá.

Tiện đây tôi cũng xin nói vắn tắt thêm về lịch sử thành phố Thượng Hải. Sau Chiến Tranh Nha Phiến lần đầu, Thanh Triều ký hòa ước bất bình đẳng, "Nam Kinh Điều Ước", Thượng Hải bị liệt vào một trong năm thành phố cửa biển thông thương với nước ngoài. Vào năm 1843 Thượng Hải chính thức mở ngỏ. Sau đó các nước Thực Dân Tây Phương đổ xô vào làm ăn buôn bán, thành phố Thượng Hải được mở mang. Sự phát triển về kinh tế và kiến thiết của Thương Hải thuở xưa không đồng bộ.

Chúng tôi về đến sạn khoảng trước 7 giờ sáng, giờ hẹn ăn sáng giành cho đoàn tại phòng ăn tại khách sạn. Bữa ăn sáng đầu tiên ở Trung Quốc, tại khách sạn Bảo Long, khá thịnh soạn với rất nhiều món ăn điểm tâm, trong đó có cả những món dành cho người Tây Phương. Riêng món ăn điểm tâm theo lối người Hoa thì thật là phong phú. Mọi người tự lấy thức ăn thức uống. Tôi không ăn những món ăn như mì xào và những món thường đã từng ăn qua. Tôi cứ nhẩn nha từ từ, thấy món nào lạ là thử một tí. Thấy món nào ngon miệng thì tôi tận tình chiếu cố, trong đó có món cháo hột vịt bắc thảo. Nhờ thử mỗi món một ít nên cuối cùng bao tử tôi còn trống đủ để ăn những cái bánh bao ngọt khá ngon miệng.

Sau khi ăn sáng chúng tôi được đưa đi viếng Dư Viên (Yuyuan Garden) và khu thượng mại Dự Viên (Yuyuan Bazarr Area). Khi viếng Dự Viên, du khách phải đi qua khu thương mại Dự Viên. Dự Viên là một khu vườn tược đẹp lạ mắt nhất ở miền Giang Nam (Hoa Đông) Trung Quốc. Khung viên cây cảnh này chẳng những đứng hàng đầu trong năm cảnh vườn tược cổ điển đẹp đẽ và rộng lớn nhất ở Thượng Hải. Khung viên đó hội đủ tiêu chuẩn để sánh vai với tứ đại danh viên của thành phố Tô Châu. Dự Viên khởi công từ năm 1559 và hoàn tất vào năm 1577. Sau đó khung viên cây cảnh (viên lâm, yuánlín) này được nới rộng thêm, chiếm khoảng đất hơn 70 mẫu. Khung viên cây cảnh này nguyên là một tư thất có vườn tược rộng lớn và đẹp đẽ của cụ Phan Doãn Đoan. Cụ Phan là người Thượng Hải, nguyên là một thương gia buôn muối. Sau khi ông ra làm quan, ông chọn khoảnh đất ở phía đông bắc thành Thượng Hải để xây dựng nên khung viên cây cảnh đó. Chẳng bao lâu sau đó cụ phải rời Thương Hải để đi nhậm chức Bố Chánh Sứ ở tỉnh Tứ Xuyên. Mãi đến 16 năm sau, cụ từ quan trở về Thượng Hải và cho tu bổ khu vườn tược ấy để báo hiếu cho cha me cụ, được vui hưởng cảnh đẹp lúc tuổi già. Cụ đặt tên cho dinh cơ này là Dự Viên hàm ý "dự hòa lão thân" (làm hài lòng cha mẹ già). Chữ "Dự" (yù) có nghĩa là vui vẻ, hoan hỉ, có âm từa tựa như chữ "du"(yú) trong từ "du khoái" (yúkuài) có nghĩa là vui vẻ, sung sướng. Tiếc rằng dinh cơ có vườn tược đẹp đẽ đó hoàn thành thì cha già của cụ Phan đã quy tiên. Theo lời dẫn giải của cô Joy, trên tường bao quanh khu dinh cơ này, cụ Phan cho đúc con rồng chỉ có bốn móng thay vì năm ngón như các con rồng thường được trang hoàng ở nơi cung điện lúc bấy giờ, nhằm mục đích biện minh rằng đó không phải là rồng. Vào thời phong kiến, rồng và áo màu vàng là tượng trưng cho nhà vua, ngoài vua ra không ai được phép dùng đến hai biểu tượng này. Sau cụ Phan, Dự Viên đã sang tay qua nhiều chủ khác. Sau Chiến tranh Nha Phiến, khu vườn tược này đã bị tàn phá nhiều lần. Điều đáng nhớ nhất là vào năm 1842 khi thực dân Tây Phương xâm chiếm Thượng Hải, khu vườn tược này đã bị tàn phá nặng nề nhất. Sau này nhờ chánh phủ xuất quỹ trùng tu nên nó được phục hoạt trọn vẹn nét đẹp sắc xảo của loại vườn tược cổ xưa của vùng Giang Nam. Cảnh trí hoa viên có nét đẹp hoàn chỉnh, có 6 tụ điểm vườn kiểng đáng ngắm, mỗi tụ điểm có lối kiến trúc và đường nét mỹ thuật có dáng vẻ đặc sắc riêng. Cách bố trí các khu vườn rất công phu, đường đi vào các tụ điểm đáng ngắm quanh co uốn khúc, có lâu đài đình tạ, có hòn giả sơn và có ao nước trồng bông sen. Điểm nổi bật, tinh hoa nghệ thuật của Dự Viên là hòn non bộ lớn, cao 12 thước, người ta sử dụng toàn loại đá màu vàng sắp thành hòn non bộ, đó là tác phẩm đặc sắc của nhà nghệ thuật tạo cảnh nổi tiếng người Thượng Hải vào thời nhà Minh, cụ Trương Nam Dương đấy quý vị. Đây là một hòn giả sơn đồ sộ nhất, kết cấu tân kỳ nhất so với các hòn giả sơn khác trong các vườn tược (viên lâm) nổi tiếng các nơi khác trên khắp nước Trung Quốc. Một tuyệt phẩm khác của Dự Viên là khối đá "ngọc lung linh". Theo người đời truyền miệng thì đấy là khối đá hoa cương, di vật có từ đời nhà Tống. Theo lời cô Joy bảo và tôi cũng đọc qua tài liệu thì đấy là khối đá lấy từ Thái Hồ, có rất nhiều lỗ hổng. Điều đáng nêu ra ở đây là, nếu đốt nhang từ bên dưới khối đá đó, thì người ta sẽ thấy nhiều làn khói nhẹ tỏa ra ở các lỗ hổng bên trên khối đá đó; còn nếu đổ nước từ phía bên trên khối đá này thì người ta lại thấy có nước rỉ ra ở tất cả các lỗ hổng ở bên dưới.Hồ Tâm Đình (đình giữa hồ) và Cửu Khúc Kiều (Cầu 9 khúc) có nét đẹp sắc xảo, là điểm nối liền giữa Dự Viên và khu Thương Mại Dự Viên. Muốn đi vào Dự Viên thì phải đi qua ngõ này, và khi ra cũng phải đi qua đây, không có lối đi nào khác. Theo lời dẫn giải (thuyết minh) của cô Joy, cửa vào Dự Viên rất nhỏ vì người chủ có ý tỏ ra khiêm tốn, không muốn phô trương. Đặc biệt đối diện với cửa chính của tòa nhà chính gần ngõ vào, chúng tôi thấy có đặt một khối đá trông rất mỹ thuật chắn ngang lôi đi. Theo cô Joy bảo người ta đặt như vậy có dụng ý theo luật phong thủy.

Rời Dự Viên, chúng tôi đi ra viếng khu thương mại Dự Viên. Khu thương mại Dự Viên xưa kia có tòa miễu mang tên là Kim Sơn Miếu. Theo lời người xưa kể lại thì ngôi miếu này do Ngô Vương, Tôn Hạo, dựng lên để thờ vị tướng quân đời Hán là tướng Hoặc Quang. Vào năm Vĩnh Lạc nguyên niên đời Minh, tri huyện Thượng Hải sửa sang lại và đổi tên là Thành Hoàng Miếu để thờ thần hoàng địa phương là cụ Tần Dủ Bá nhưng vẫn giữ đền thờ tướng Hoặc Quang tại đó. Cụ Tần Dủ Bá từng làm quan to dưới triều Nguyên. sau này khi tân hoàng đế lên ngôi, cụ Tần không muốn làm quan nữa. Triều đình mời cụ ra làm quan nhiều lần nhưng cụ cứ một mực từ chối. Sau đó, dưới triều Minh, sau khi Chu Nguyên Chương xưng đế, nhà vua lại mời cụ Tần ra làm quan, nhưng cụ cũng không tuân lịnh vua ban mà lại tìm nơi ẩn cư. Sau khi cụ Tần qua đời. Vua Minh Thế Tổ, Chu Nguyên chương, phán rằng: "Một người có tài cán như vậy khi còn sống không làm tôi thần của ta thì khi chết rồi ta phong cho người làm thần vệ sĩ của thành vậy." Thế rồi vua ra lệnh cho xây ngôi thành hoàng miếu ở Thượng Hải để ông phù hộ thành phố Thường Hải. Từ đó trở đi nơi đây trở thành nơi thiên hạ thờ cúng thần thánh, nhan đèn nghi ngút không ngớt. Tòa miếu này có tiền điện, trung điện và hậu điện. Vào thời kháng chiến (chống Nhật hay chống Anh gì đó), người ta lại dời tượng của vị danh tướng chống quân Anh vào đại điện của căn miếu này để thờ. Miếu được mở rộng, vào năm Gia Tĩnh thứ 14 đời Minh, năm 1535; lúc đó người ta lại dựng thêm cổng chào (nghi môn). Cổng mà ta thấy hiện giờ được trùng tu vào năm Vạn Lịch thứ 34 triều Minh, năm 1606. Sau thời Vạn Lịch triều Minh, miễu này nhiều lần bị tàn phá và được trùng tu nhiều lần. Tòa điện của ngôi miếu hiện tại được dựng lên từ năm 1927. Vào thời Cách Mạng Văn Hóa, cuối thập niên 1960 đầu thập niên 1970, tất cả các tượng thờ đều bị phá hủy. Hiện tại người ta biến tòa miếu đó thành cửa hiệu buôn bán đồ mỹ nghệ, đôi liễn khắc hai bên cửa chính trước điện thờ vẫn còn nguyên vẹn. Tôi xin diễn nôm đôi liễn đó như vầy: Làm người tốt thì thân tâm an lạc, hồn phách thoải mái; làm việc thiện thì trời đất chứng giám, quỷ thần nể phục. Sau này chung quanh thành hoàng miếu đó có nhiều nhà cửa và tiệm buôn được cất lên. Các nhà cửa xưa giờ đâu trở thành những cửa hàng bán chim muông, sách vở, hoặc mở tiệm bán trà nước, tiệm ăn, v.v... Người dân Thượng Hải rất thích đến đấy vui chơi. Dần dà, các món đồ tế nhuyễn, đủ thứ món đồ ăn chơi ngon miệng, đồ dùng tốt và các món đồ mỹ nghệ sắc xảo đều được bày bán ở đấy. Ngay cả những món đồ không tìm mua được ở các cửa hàng lớn lại có bày bán ở đấy, giá cả lại rẻ.

Chúng tôi được khoảng nửa tiếng đồng hồ tự do để dạo khu buôn bán đó. Vì có vài người đi theo tôi, nên tôi đành chịu hy sinh việc đi ngắm nghía đồ mỹ nghệ mà tôi thích, nhưng tôi có dịp ăn thử món đồ ngọt lạ miệng. Sau đó, trước khi tập trung lại, chúng tôi phải một phen tìm kiếm cặp vợ chồng của một bác cao niên nọ.

Khi chúng tôi xuống xe đến viếng cảnh Dự Viên, trời còn đang mưa. Nhờ vậy những người bán dạo địa phương bán được khá nhiều dù. Họ bán một cây dù 10 đồng nhân dân tệ, sau khi trả giá. Tôi không mua ngay khi đó vì chưa thấy cần thiết vì mưa hãy còn lâm râm. Tuy nhiên, khi rời khu thương mại Dự Viên trời mưa có vẻ lớn hột, tôi buộc lòng phải mua dù nhưng với giá 8 đồng mà thôi.

Sau đó, chúng tôi lội bộ đến viếng cảnh Ngọc Phật Tự, cách khu thương mại khoảng 100 thước. Ở đây có hai pho tượng Phật bằng ngọc trắng nên được mang tên như vậy. Vào năm thứ 8 đời vua Quang Tự nhà Thanh, năm 1882, Hòa Thượng Tuệ Căn đi từ Phổ Đà Sơn thuộc tỉnh Triết Giang đến hành hương Ấn Độ qua ngả Tây Tạng. Trên đường về Trung Quốc, hòa thượng đi vòng qua ngả Miến Điện và thỉnh 5 tượng phật tạc bằng cẩm thạch ở đó rồi mang về Trung Quốc. Trên đường trở về Phổ Đà Sơn, ông ghé lại Thượng Hải và để lại đây hai pho tượng theo sự yêu cầu của bá tánh và vị sư này quyên góp tiền bá tánh để dựng chùa gần cửa sông. Vào năm 1918, ngôi chùa cũ được phá đi, rồi người ta xây ngôi chùa khác thay thế tại địa điểm hiện tại. Phải mất 10 năm chùa mới được hoàn thành và được đổi tên là Ngọc Phật Tự. Tại Ngọc Phật Lầu của ngôi chùa này có thờ bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ở thế ngồi, cao 1,95 thước, đó là một trong 5 bức tượng Phật vừa kể. Theo sách vở ghi, bức tượng Phật này nặng khoảng một tạ. Khối ngọc trong suốt, dáng vẻ (pháp tướng) trang nghiêm. Đây là một trong những của báu hiếm quý của Trung Quốc. Tại Ngọa Phật Đường của ngôi chùa này có thờ pho tượng Phật nằm cũng tạc bằng ngọc, dài 96 cm, cũng là một trong năm bức tượng Phật vừa nêu. Trong ngôi chùa cũng có phòng trưng bày các pho tượng Phật khắc bằng đá lưu lại từ đời Bắc Ngụy, đời Đường và đời Tống.

Trước khi rời Thượng Hải, chúng tôi đến ăn cơm tại một nhà hàng khá sang trọng tại thành phố này. Chúng tôi cũng như khách khứa khi vừa vào cửa được một số cô gái trẻ trung, mặc quần áo đẹp mắt, mặt mày duyên dáng dễ thương dàn chào với lời "hoan nghinh giá lâm". Tại đây đặc biệt có một nhân viên nam túc trực ngay chỗ rửa tay ở nhà cầu dành cho phái nam, sẵn sàng mở giùm vòi nước và đưa khăn lau cho khách sau khi rửa tay. Có lẽ bên nhà cầu phái nữ cũng có một nữ nhân viên túc trực phục vụ các vị khách phái nữ như vậy. Tại đây cũng có một số chiêu đãi viên mặc đồng phục tiếp đồ ăn cho khách, đi lại bằng ba-te. Có điều ở đây phạm phải một khuyết điểm, chúng tôi không được tiếp tế cơm đúng lúc. Có lẽ hai cô chiêu đãi viên phục vụ tại hai bàn ăn của chúng tôi là những cô gái mới vào nghề, còn khù khờ không được tháo vát. Tôi buộc lòng phải thân hành đến bàn ăn của cô Joy và anh tài xế xin phép mang dĩa cơm trên bàn họ chia cho hai bàn ăn của đoàn chúng tôi dùng tạm, vì tôi nghĩ họ ăn không hết. Cô Joy sau đó khiếu nại với cô quản lý. Khi cơm mới được mang tới thì phần lớn các bác cao niên coi như tạm no. Tuy nhiên, chẳng hiểu sao chúng tôi lại được chiêu đãi tiếp thêm vài món ăn nữa, trong đó có món sườn xào chua ngọt và hai món khác nữa trông khá ngon miệng. Có lẽ họ đền bù cho khuyết điểm vừa nêu. Cũng có thể vì họ thấy trên bàn chúng tôi không còn đủ đồ ăn với cơm chăng? Những người ăn khỏe bèn bới thêm cơm để ăn với các món ăn hấp dẫn này. Thật là một buổi cơm rất ư là ngon miệng, có thể nói là ngon nhất trong chuyến đi của chúng tôi. Dường như ai nấy đều no nê. Sau chuyến đi một khoảng thời gian, tôi có nghe cô Mai, nhân viên của hội cũng là một thành viên tham dự chuyến đi đó, kể với tôi rằng có bác nào đó nói với cô rằng, bác ấy về Melbourne ăn nhà hàng Hoa ở Melbourne không thấy ngon bằng ăn nhà hàng ở Trung Quốc trong chuyến đi đó. Điều đó chứng tỏ rằng nhà hàng Trung Quốc hiện nay tiến bộ nhiều so với những năm về trước. Cô Joy bảo rằng nhà hàng vừa ăn qua đó là nhà hàng chuyên về món ăn Quảng Châu. Người Hoa thường có câu vè rằng, "Ăn ở Quảng Châu, ở tại Tô Châu..." nhằm ngụ ý bảo rằng: Ăn thì không đâu ăn ngon bằng ăn ở Quảng Châu, ở thì không đâu bằng ở Tô Châu... Như vậy có thể nói rằng, quý bác trong đoàn đã hưởng được nhiều cái sướng nhất trên đời trong chuyến đi đó.

Trước khi đến Hàng Châu, vào buổi chiều chúng tôi được viếng cảnh một thị trấn xưa tên Chu Trang (Zhou Zhuang), một đặc trưng phố cổ vùng sông nước Giang Nam, thuộc tỉnh Giang Tô. Chu Trang có lịch sử khá lâu đời, khoảng trên 900 năm. Ban đầu thị trấn này mang tên Trinh Phong Lý (Zhen Feng Li). Vào thời Bắc Tống, có một vị Địch Công Lang (Dí Gong Láng), họ Chu (Zhou) theo đạo Phật, mang 200 mẫu trang viên (đất ruộng) hiến tặng cho chùa mang tên Toàn Phúc Tự. Vì vậy bá tánh cảm kích ân đức của cụ Chu đặt tên vùng đất này là Chu Trang. Chu Trang cách thành phố Tô Châu khoảng 30 cây số. Từ Thượng Hải đi xe đến đây mất khoảng một tiếng đồng hồ.Các con đường ở thị trấn cổ này thiết kế nương theo chiều các con kinh rạch chằng chịt theo chiều ngang cũng như theo chiều dọc. Cư dân ở đây xây nhà dọc theo bờ kinh rạch, sát với mé nước, giống như lối xây nhà của dân Ý ở thành phố Venice. Chính vì đặc điểm này, nên thị trấn này nói riêng và Tô Châu nói chung được mệnh danh là "Venice Phương Đông". Các căn nhà gạch này có tường xây bằng đá, sơn màu trắng, lưu lại từ thời triều Minh và triều Thanh, hãy còn kiên cố. Một đặc điểm nữa là ở đây có nhiều cây cầu xây bằng đá hình vòng cung rải rác bắt qua con kinh rạch; ở dưới sườn cầu có hình bán nguyệt, trông rất mỹ thuật, cách mặt nước khá xa, ghe thuyền qua lại dễ dàng. Dọc theo hai bên bờ rạch trồng khá nhiều cây dương liễu với cành lá là đà, phất phơ theo gió lay trên mặt nước, khiến cho ai đó giàu tưởng tượng lại chạnh nhớ đến mái tóc thề hay dáng ẻo lả của những người đẹp nào đó. Cảnh trí ở đây trông thật nên thơ. Chúng tôi chia nhau lên mấy con thuyền đi ngoạn cảnh dọc theo con kinh rạch chính. Chúng tôi cũng được dịp đi xe lôi hai bận từ chỗ xe đậu đến nơi đầu đường ven con kinh rạch chính đó trở lại chỗ xe đậu sau khi viếng cảnh. Hai bên đường dọc theo con rạch có bày bán nhiều đồ thủ công nghệ địa phương trông rất đẹp mắt. Khi xuống xe buýt, trước khi đi xe lôi đến địa điểm viếng cảnh, chúng tôi được dành thì giờ cho việc đi cầu tại một nhà cầu công cộng theo lối xưa, không được khang trang cho lắm, một di tích lạc hậu của Trung Quốc trước đây hãy còn sót lại, vì chưa được cải thiện như các nơi khác. Chúng tôi được đến viếng Chu Trang là vì chúng tôi có trả thêm tiền, chấp thuận lời đề nghị của cô hướng dẫn viên và anh tài xế. Chúng tôi đã trải qua một cuộc thảo luận khá gay go trước đó, tưởng rằng tình cảm giữa những người trong đoàn có thể bị sứt mẻ vì chuyện này. Cuối cùng chúng tôi đi đến một thỏa thuận dung hòa trước khi đến đấy, mỗi người bằng lòng trả thêm 60 đô Úc cho chương trình có 3 mục phụ trội, trong đó có mục viếng thắng cảnh này. Kể ra đoàn chúng tôi trả thêm mỗi người 60 đô Úc cho ba điểm phụ trội có hơi mắc so với số tiền bỏ ra cho chương trình du lịch 11 ngày. Sau chuyến đi, ngẫm nghĩ lại thì tôi thấy cũng đáng đồng tiền lắm, vì ngoài mục viếng cảnh trí đặc biệt nên thơ độc nhất vô nhị này, chúng tôi còn được viếng buổi chợ đêm ở bờ sông Tần Hoài cũng khá nên thơ ở Nam Kinh mà tôi sẽ đề cập trong một dịp khác.

Sau khi rời Chu Trang, trước khi tới thành phố Hàng Châu, cô Joy hết lời ca tụng về quê hương của cô ta, nào là thành phố thơ mông, yên tĩnh, nào là thành phố có nhiều cây cối, không như Thượng Hải ồn ào, quá đông người lại thiếu cây xanh, thiếu bóng mát, v v.... Cô bảo khi sống ở Thượng Hải, cô cảm thấy bứt rứt, còn khi về sống tại Hàng Châu thì cô cảm thấy thoải mái.hơn nhiều. Tôi cũng có cùng tâm trạng như cô khi tôi trở lại thành phố Melbourne hiền hòa có nhiều cây cao rợp bóng mát nhất nước Úc sau chuyến viếng thăm nước Mỹ trong đó có Nữu Ước (New York) vài ngày vào mùa xuân năm 1992.

Chúng tôi đến Hàng Châu vào lúc xế chiều, vào giờ bao tử của chúng tôi vừa chớm đói. Chúng tôi được đưa đi ăn buổi cơm chiều ở một nhà hàng tại khu phố Hàng Châu. Món ăn cũng khá ngon, nhưng thua xa buổi ăn trưa ở Thượng Hải. Sau bữa ăn, chúng tôi được đưa đến khách sạn Trung Sơn Đại Tửu Lầu. Sau khi làm thủ tục nhập khách sạn, một số vị còn trẻ trung, sức khỏe dồi dào lại lên xe buýt đi viếng khu thương xá tại Vũ Lâm Quảng Trường, trung tâm thành phố Hàng Châu. Đây là một trong 3 mục hướng dẫn phụ trội có trả thêm tiền tôi vừa đề cập. Sau khi đến khu thương xá, sắp xếp hẹn giờ trở lại điểm hẹn trở về khách sạn, tôi được tự do, có một bác cao niên còn khỏe mạnh theo tôi, để tìm đến một tiệm sách mua sắm những thứ cần thiết cho tôi bằng phương tiện xe buýt thành phố, giá vé khá rẻ, nhưng tôi không nhớ là bao nhiêu. Trên đường trở về khách sạn, chúng tôi lại dạo khu buôn bán ngoài trời về đến gần khách sạn. Các thành phố lớn ở Trung Quốc đa số đều có khu buôn bán ngoài trời về đêm, giá cả khá rẻ nếu mình biết gia món hàng để trả giá, nhưng dễ bị hố về giá tiền lầm về phẩm chất. Tại các địa điểm du lịch cũng vậy. Tốt nhất là ta nên mua sắm ở các cửa hàng bách hóa lớn, không do hướng dẫn viên đưa đến.

Tiện đây tôi cũng xin dành đôi dòng để giới thiệu về thành phố Hàng Châu. Hàng Châu nằm ở hạ lưu sông Tiền Đường (Tiền Đường Giang, Qiántáng Jiang),nơi con sông này đổ ra biển, nằm ở đoạn chót phía nam của con kinh đào thông thương giữa Bắc Kinh và các thành phố thuộc miền Giang Nam, người trung Quốc gọi là Kinh Hàng Đại Vận Hà. Tên của con kinh này mang tên Kinh Hàng là do hai chữ Kinh của thành phố Bắc Kinh và chữ Hàng của thành phố Hàng Châu ghép lại. Hàng Châu là thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh Chiết Giang. Hàng Châu là một trong bảy cố đô của Trung Quốc. Xưa kia Hàng Châu từng là kinh thành của Ngô Việt Vương Triều (Nước Ngô của vua Phù Sai và Việt Vương Câu Tiễn, từ năm 893 đến năm 978 sau công nguyên), và cũng là kinh đô của triều Nam Tống (từ năm 1127 đến năm 1279 sau công nguyên). Như vậy Hàng hâu từng là kinh đô tổng cộng là 237 năm. Hàng Châu được liệt vào hàng thứ ba trong số 10 điểm thắng cảnh lớn đáng viếng của Trung Quốc. Hàng Châu có cảnh trí thiên nhiên đẹp mắt lại có nhiều di tích văn hóa lâu đời. Nói đến Hàng Châu, người ta thường nghĩ ngay đến Tây Hồ (Xi Hú). Thật ra tại Trung Quốc có 36 cái hồ đều mang tên Tây Hồ. Nhưng tây Hồ Hàng Châu là có tiếng hơn cả. Tây Hồ nằm ở vị trí phía tây trưng tâm thành phố Hàng Châu, nên có tên như vậy. Tây Hồ có chiều dài 3,3 cây số theo hướng bắc nam và chiều rộng 2,8 cây số theo hướng đông tây. Diện tích Tây Hồ khoảng 5,6 kí-lô-mét vuông; chu vi hồ khoảng 15 cây số.Thường người ta hay nêu 10 cảnh đẹp của Tây Hồ với cái tên bốn chữ, đó cũng là tựa đề cho 10 bài thơ bất hủ do các tao nhân mặc khách từ xưa đến nay miêu tả nét đẹp điển hình của các cảnh trí Tây Hồ Hàng Châu. Chẳng hạn như: "Liễu Lãng Văn Oanh", "Đoạn Kiều Tàn Nguyệt", "Bình Hồ Thu Nguyệt", "Tam Đàm Ấn nguyệt", "Tô Đề Xuân Hiểu", "Hoa Cảng Quan Ngư", "Song Phong Tháp Vân", "Lôi Phong Tích Chiếu", "Nam Bình Vãn Chung", "Khúc Viện Phong Hà" hoặc thay một vài cảnh sau bằng những cảnh khác mà họ cho là đẹp tùy theo nhãn quan của các thi nhân.Trong truyện thần thoại "Bạch Xà Truyện", Bạch Nương Nương hôi ngộ Hứa Tiên tại Đoạn Kiều, hay trong truyện "Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài", Lương Sơn Bá chia tay Chúc Anh Đài tại Trường Kiều đều lấy bối cảnh tại các địa điểm trong số những cảnh đẹp của Tây Hồ đấy quý vị. Tôi nhớ mang máng dường như cố học giả Nguyễn Hiến Lê hay cụ Đông Hô Lâm Tấn Phác có đề cập tập thơ "Hà Tiên Thập Cảnh" tả cảnh Hà Tiên của cụ Mạc Thiên Tứ có tựa đề na ná như các tựa đề bài thơ tả cảnh Tây Hồ vừa nêu. Có lẽ cụ Mạc mượn ý các bài thơ bất hủ vừa nêu để tả cảnh trí nên thơ ở Hà Tiên đấy quý vị ạ.

Tiên đây tôi cũng xin ghi ra cảm tưởng của tôi về cảnh đẹp Tây Hồ, Hàng Châu. Vào mùa xuân năm 1988 tôi đã đền viếng cảnh Tây Hồ Hàng Châu vào ban ngày cũng như ban đêm do người chú của một anh bạn hướng dẫn. Sau hai lần đến viếng cảnh này tôi vẫn thấy chưa thỏa mãn. Tôi vẫn còn ao ước có dịp trở lại sống trong cảnh đó một lần nữa trong nhiều ngày với tâm trạng của một kẻ nhàn du bên cạnh một bạn đồng hành có cùng một tâm trạng yêu mến cạnh đẹp của núi non vây quanh ba mặt hồ thơ mộng đó và viếng thêm nhiều thắng cảnh đáng viếng khác ở Hàng Châu mà tôi chưa có dịp đến. Nếu niềm ước mong đó thực hiện được thì thật là thú vị vì đó là niềm hạnh phúc lớn lao đối với tôi. Tôi thầm tiếc là đoàn du lịch của chúng tôi đã loại bỏ buổi viếng cảnh Tây Hồ vào buổi hoàng hôn như cô Joy đề nghị từ đầu, mà lại chọn mục đi viếng trung tâm thương mại tại Vũ Lâm Quảng Trường vừa nêu, vì chi phí nhẹ hơn hay vì việc đi mua sắm quan trong hơn việc đi viếng cảnh đẹp. Tôi cũng cảm thấy không được như ý vì trách nhiệm của một trưởng đoàn buộc tôi phải chấp nhận làm theo ý muốn của cả đoàn.nên tôi không thể dành một buổi chiều tà tự do đi dạo cảnh Tây Hồ nên thơ đó như mình mong muốn, vì trước khi đi tôi tưởng rằng tôi sẽ được tự do vào buổi chiều tối khi chúng tôi lưu lại Hàng Châu. Tiếc lắm thay! Thôi đành hẹn lại dịp sau này vậy. Cảnh trí Tây Hồ vào buổi hoàng hôn khi mặt trời sắp lặn đẹp lắm quý vị ạ. Khi màn đêm vừa buông xuống, thiên hạ đổ xô ra đây, thật nhộn nhịp. Dập dìu tài tử giai nhân tay trong tay đi dạo bờ hồ hay ngồi cận kề bên nhau trên ghế đá công viên bên lề đường chung quanh bờ hồ. Ven bờ hồ có những cành dương liễu xanh tươi ẻo lã phất phơ trước gió xuân mát rượi. Đi dọc theo Tô Đề, cũng như những công viên gần hồ vào đầu xuân, chúng ta sẽ được ngắm hoa đào đỏ thắm và những khúm hoa đỗ quyên nở rộ muôn màu muôn sắc. Thêm vào đó còn có những đình tạ với mái ngói và lan can đỏ tươi xây ven hồ dưới ánh đèn lấp lánh, phản chiếu dưới mặt nước hồ. Cảnh trí rất trông đẹp mắt nên thơm lắm. Có lẽ cảnh càng nên thơ hơn đối với những tình nhân chìm đắm trong cõi hạnh phúc yêu nhau thắm thiết vào đêm trung thu trời trong mây tạnh, trăng sáng vằng vặc. Tôi nghĩ, có lẽ đó là nơi hẹn hò lý tưởng cho các cặp tình nhân vào những đêm trăng thanh gió mát. Quý cụ còn đang nồng ấm hạnh phúc khi đến viếng Hàng Châu nên dành những buổi tối nhàn nhã ra đây dạo mát, ôn lại kỷ niệm xưa thuở mới yêu nhau bên bờ hồ về đêm. Xin quý vị chớ bỏ lỡ cơ hội ngàn năm một thuở, uổng lắm đó. Tôi thầm tiếc cho những cặp cao niên đã từng đến đây mà không được dịp hưởng cái thú nên thơ tuyệt vời đó. Riêng tôi, trong chuyến viếng Hàng Châu lần thứ hai này, tôi cũng còn chút an ủi vì tôi đã tận dụng khoảng thời gian tự do hiếm quý đến ngắm cảnh Tây Hồ vào một buổi sáng tinh sương, lúc ngoài trời sương mù chưa tan hẳn. Dù cảnh trí không nên thơ lắm nhưng tôi có dịp ghé mắt nhìn lâu những gì mình muốn ngắm cũng như chứng kiến cảnh sống động của người dân sống trong thành phố nhàn nhã yêu đời này. Dân địa phương đến đó tập thể dục khá đông vào lúc trời vừa hừng sáng, hưởng không khí trong lành mát mẻ vào buổi ban mai khi mặt trời chưa ló dạng.

Dạo xong một đỗi ở Tây Hồ tôi phải trở về khách sáng khi sắp đến giờ hẹn ăn sáng dành cho đoàn theo chương trình đã đề ra. Trên đường trở về khách sạn, tôi thấy có nhiều quán bán thức ăn sáng dọc đường làm tôi chạnh nhớ đến cảnh ăn sáng ở Chợ lớn vào thuở học trò xa xưa. Buổi sáng đó chúng tôi cũng được ăn sáng tự chọn lấy món ăn tại phòng ăn của khách sạn. Cũng có nhiều món ăn khác nhau nhưng so với những món ăn sáng ở Thượng Hải thì có phần thua sút hơn.

Sau buổi ăn sáng ngày đầu tiên tại Hàng Châu, đoàn du lịch chúng tôi được đưa đến Tây Hồ. Chúng tôi được đi du thuyền băng qua từ bờ bên nầy hồ sang bờ hồ bên kia. Rất tiếc trong suốt buổi đi du thuyền cô Joy không làm tròn bổn phận vì cô không có thuyết minh và chỉ cho chúng tôi thấy từng cảnh đẹp của Tây Hồ. Tôi phải lắng tai nghe lóm một đoạn thuyết minh của một anh hướng dẫn viên của đoàn khác, vì nghe từ đàng xa nên tôi không nghe rõ trọn vẹn những điều anh ta nói. Chỗ chúng tôi lên bờ là bến Tô Đề. Chúng tôi được dành thời gian tự do sinh họa tại đó. Cảnh trí Tô Đề đẹp như tranh vẽ, là một kiệt tác lưu lại hậu thế của nhà thơ triều Bắc Tống. cụ Tô Thức hiệu Đông Pha. Con đê có nhiều cây xanh này chạy theo hướng bắc nam, dài 2,8 cây số, trên đó có sáu cây cầu nho nhỏ bằng đá xây theo hình vòng cung rất đẹp mắt. Cảnh Tô Đề có nét đẹp khác nhau tùy theo mùa. Cảnh sắc tại đấy vào lúc rạng đông và lúc chiều tà đều có nét đẹp riêng, nhưng đẹp hơn cả là vào mùa xuân, lúc rạng đông. Nhà thơ Doãn Đình Cao đời nhà Nguyên đã sáng tác bài thơ bất hủ, có tựa đề là "Tô Đề Xuân Điểu", lột tả nét đẹp đặc sắc ở đó. Tiện đây tôi xin kể đôi dòng về cụ Tô Đông Pha. Cụ Tô là người từng bị đày đi làm quan với chức thái thú ở Hàng Châu, dường như vì bất đồng chính kiến với vị tể tướng thời đó là cụ Vương An Thạch dưới triều Bắc Tống thì phải. Cụ là nhà thơ, biết chuộng cảnh đẹp, cụ đã có công huy động dân chúng vét đất bùn dưới đáy hồ làm thành con đê xuyên qua hồ. Sở dĩ con đê vừa nêu được đặt tên như vậy là vì người ta muốn ghi nhớ công lao của cụ Tô đấy. Nhờ con đê này, việc vận chuyển và việc đi lại ven hồ thuận tiện hơn xưa. Chính nhờ công huy động của cụ Tô, Tây Hồ ở Hàng Châu lại trông thơ mộng hơn, vì nước trong hơn, mặt hồ trông tợ như gương sáng lấp lánh dưới ánh sáng mặt trời ban ngày hay dưới ánh trăng vằng vặc vào ban đêm. Cảnh đẹp của Tây Hồ đã gợi hứng cho biết bao tao nhân mặc khách làm ra những bài thơ bất hủ để lại hậu thế, trong đó có 10 bài thơ vịnh cảnh Tây Hồ có tựa đề tôi vừa đề cập ở đoạn trước.

Ở Hàng Châu có một món ăn thị heo ba rọi xắt hình vuông từa tựa món thịt heo ba rọi kho mà người dân miền Nam chúng ta thường kho để ăn vào dịp Tết với dưa giá, nhưng không có nhiều nước, khô hơn, màu sắc trông đậm đà hơn, thịt săn hơn. Tôi tạm gọi món đó là món thịt heo ba rọi ram mặn theo kiểu Tô Đông Pha để quý vị chưa từng ăn qua dễ mường tượng mùi vị của nó hơn. Người Trung Quốc thì đặt tên món thịt đó là "thịt Đông Pha" (Đông Pha Nhục, Dongpo Ròu) để tưởng nhớ cụ Tô, vì cụ thích ăn món này.Tôi xin ghi ra cách nấu món ăn này như vầy. Người ta dùng loại thịt heo, loại ba rọi tươi xắt thành miếng to bản, hình chữ nhật, rồi để vào nồi đất cùng với rượu vàng Thiệu Hưng để làm chất nước để ninh; đậy nắp cho kín hơi, ninh cho đến khi ráo nước, có màu sắc đỏ ao là được. Đó là món ăn có tiếng, không thể thiếu ở các nhà hàng ơ hàng Châu. Đoàn chúng tôi được ăn món ăn này trong một bữa ăn tối thứ hai ở Hàng Châu. Món thịt heo ba rọi này ăn thấy cưng cứng, giòn giòn, beo béo, khá ngon miệng. Theo thiên hạ đồn rằng, khi xưa lúc cụ Tô giữ chức vụ Thái thú Hàng Châu, cụ đã lập nhiều thành tích ích nước lợi dân. Vào ngày hoàn thành công cuộc vét sạch đáy Tây Hồ, dân chúng đua nhau dâng hiến nhiều thịt heo và rượu Thiệu Hưng (loại rượu màu vàng) để tỏ lòng kính mến, biết ơn công lao của cụ. Cụ Tô không thể từ chối tấm thạnh tình đó. Cụ bảo gia nhân làm theo lời hướng dẫn của cụ mà nấu món thịt đó, rồi chia cho dân công giúp việc vét sạch hồ ăn. Từ đó món thịt đó trở thành món ăn danh tiếng của Hàng Châu đấy quí vị. Tại Hàng Châu chúng tôi còn được ăn món "gà ăn mày" (Jìàohuaji, khiếu hoa kê). Theo cô Joy, món ăn này có tên như vậy vì thuở xưa do người ăn mày (Jìaohuazi, khiếu hoa tử) chế ra. Dường như món này xưa kia nấu nướng bằng cách bọc nguyên con gà trong lá sen, bên ngoài lại bọc thêm một lớp đất sét rồi nướng trui. Có lẽ cách nướng gà này giống như cách nướng cá lóc nướng trui của người dân quê miền nam Việt Nam chăng?

Sau khi rời Tây Hồ, chúng tôi đi ăn trưa tại một nhà hàng, rồi đi viếng cảnh Phi lai Phong và Linh Ẩn Tự (Líng Yin Sì) và ngọn núi Phi Lai Phong (Fei Lái Feng). Linh Ẩn Tự còn có tên là Vân Lâm Tự do vị tăng người Ấn Độ tên Tuệ Lý sáng lập vào năm Hàm Hòa nguyên niên dưới triều Đông Tấn, tức năm 326 sau công nguyên. Vị tăng này khi đến Hàng Châu thấy cảnh trí nơi lập chùa đó đẹp lạ và thanh tịnh có vẻ như nơi ẩn cư của tiên thánh (tiên linh sở ẩn), do đó ngôi chùa đó được đặt tên như vậy. Vua Khang Hy triều Thanh khi tuần du phương nam có lên tới đỉnh ngọn núi cao phía bắc. đằng sau ngôi chùa này ngắm cảnh. Khi nhìn xuống núi, ngài thấy mây mù mờ mờ, toàn thể cảnh chùa như có một màng sương mù mỏng manh bao phủ, cảnh chùa trông thật là u nhã tĩnh mịch, do đó nhà vua ban đặt tên ngôi chùa này là "Vân Lâm Thiền Tự". Hiện giờ Tâm bảng thiếp vàng có khắc bốn chữ to đen "Vân Lâm Thiền Tự" treo trước cửa chính điện (thiên vương điện) của ngôi chùa này là ngự bút của vua Khang Hy viết vào lúc viếng chùa. Vào thời cực thịnh của chùa Linh Ẩn, ngôi chùa này có đến 9 dãy lầu, 18 gác (các) và 72 điện, có trên 3 ngàn tăng chúng. Trước mặt chùa có các thắng cảnh suối mát mang tên Lãnh Tuyền và ngọn núi Phi Lai Phong. Lúc Cụ Tô Đông Pha cai quản Hàng Châu thường cùng bạn đồng liêu đến đây ngoạn cảnh. Bức tượng phật Thích ca Mâu Ni tại đại hùng bảo điện của ngôi chùa này cao 19,2 mét gồm có gần một trăm miếng gỗ long não điêu khắc xong ghép lại. Bức tượng này do các chuyên gia thuộc Học Viên Mỹ Thuật Chiết Giang phối hợp với các nghệ nhân, tham khảo mẫu tượng Phật thuộc phái Thiền Tông đời Đường thiết kế ra vào năm 1953 khi ngôi chùa được trùng tu, vì đại hùng bảo điện bị sụp đổ vào năm 1949 do kiến ăn làm rỗng cây đòn dong ở đó. Chúng tôi dược khoảng mốt tiếng tự do đi dao quanh chùa. Trước khi đến viếng chùa Linh Ẩn, chúng tôi đến viếng thắng cảnh Phi Lai Phong gần đó. Tai đây chúng tôi được cô Joy kể sự tích của ngọn núi này theo truyền thuyết như sau. Tế Công là một nhà tu nhưng không ăn chay mà lai ngã mặn, có hành vi khác thường, nhưng ông có biệt tài tiên tri. Người tin ông thì cho ông là Phật sống; người không tin ông thì lại cho ông có tính khật khùng, không phải là người tu hành chân chính. Ông đoán biết trước sẽ có một ngọn núi bay từ xa đến cạnh chùa Linh Ẩn, ông bảo dân làng tại đó di tản hết đi chỗ khác để tránh tai họa, nhưng chẳng ai tin ông. Đến ngày giờ ngọn núi này sắp sửa rơi xuống nơi ông dự đoán, ông không biết phải làm sao cứu giúp dân làng trong khi họ đang tụ tập dự lễ đám cưới. Ông bèn nảy ý liều lĩnh. Thừa lúc cô dâu và chú rể đang hành lẽ lên đèn bái gia tiên, ông xông vào cõng cô dâu chạy nhanh ra khỏi nơi ấy. Thấy vậy dân làng bèn hè nhau rượt đuổi theo ông; nhờ vậy tất cả dân làng tránh được cảnh chết chóc. Từ đó dân làng thành kính mang ơn ông, và tin tưởng ông, coi ông như là vị Phật sống.Vị trụ trì chùa Linh Ẩn lại đâm ra không ưa ông, đuổi ông ra khỏi chùa. Ông sống lang thang và thường ngủ trên một phiến đá trong hang động dưới núi. Chúng tôi có vào viếng hang động đó. Phiến đá trông bóng lưởng. Người ta thường hay vào động tránh nắng hè gay gắt vì ở đấy có gió lùa mát mẻ thổi vào hang trống. Lúc chúng tôi đến là vào cuối mùa thu, nên có cảm giác lành lạnh khi đi vào hang động đó. Trên vách đá quanh triền núi này có trên 360 bức tượng Phật khắc bằng đá, có nét điêu khắc rất tinh vi, dáng vẻ trông thật sống động. Cũng do lời truyền miệng trong dân gian, những bức tượng Phật này do Tế Công dùng móng tay của mình điêu khắc ra những tượng Phật đó nhằm mục đích trấn giữ ngọn núi này lại, không cho nó bay đi nơi khác, tránh gây ra cảnh chết chóc cho con người.

Buổi sáng ngày thứ hai tại Hàng Châu chúng tôi đến viếng miếu thờ tượng Nhạc Phi và Mộ Nhạc Phi, sau khi ăn sáng. Tại đây có đặt một bức tượng Nhạc Phi ở thế ngồi trong bộ nhung phục màu tím, tay phải nắm lại đặt trên đùi phải, tay trái thì đè lên thanh kiếm. Phía trên bức tượng có có treo tấm biển ghi bốn chữ lớn "Hoàn ngã hà sơn" (Lấy lại phần đất nước bị mất đi), đó là nét chữ viết của Nhạc Phi đước phóng lớn ra. Bức tượng này hoàn thành vào năm 1979, bức tượng Nhạc Phi cũ thì bị hủy trong thời kỳ "Cách Mạng Văn Hóa"trước đó khoảng 10 năm (cuối thập niên 60 thế kỷ 20). Trên tường trong ngôi miếu đó có vẽ những bức họa kể tiểu sử Nhạc từ thuở bé thơ đến lúc làm tướng. Nhạc Phi là vị tướng đời Tống có công dẹp giặc Kim, nhưng bị xử tử oan vì sự kém sáng suốt của vua, nghe lời gièm pha của đám quan chủ hòa trong đó có Tần Cối. Vị võ tướng Nhạc Phi bị chết oan vào lúc 39 tuổi. Tội người ta gán cho ông đáng lẽ phải bị phanh thây nhưng vì lúc đó ông đang ở chức quan bậc cửu phẩm nên được miễn hình sự đó. Con ông cũng bị vạ lây và bi xử tử phanh thây vào tuổi 21 thì phải, nếu tôi nhớ không lầm. Sở dĩ cha con chênh lệch tuổi không bao nhiêu là vì Nhạc Phi lập gia đình rất sớm. Rời ngôi miếu Nhạc Phi, chúng tôi đi bộ đến viếng mộ Nhạc Phi, nằm về mép phải của ngôi miếu. Theo người ta kể lại , sau khi Nhạc Phi bị xử tử ở đình Phong Ba, một tên ngục tốt (người coi tù) cõng đi, chôn lén xác ông ở Cửu Khúc Tùng Từ, rồi trồng trên mộ đó hai cây quít để làm dấu. khi Tống Hiếu Tông lên ngôi, nhà vua giải oan tội mà người ta đã ghép cho ông, đồng thời cho cải táng hài cốt của ông tại ngôi mộ hiện giờ. Cạnh mộ nhạc Phi là mộ của con ông tên Nhạc Vân. Hai bên hành lang ở hai phía nam và bắc khung viên mộ cha con ho Nhạc có dựng các bia đá lưu lại từ đời Nam Tống, trong đó có bia đá khắc bài từ "Mãn Giang Hồng" của Nhạc Phi và bia khắc nét chữ do nhạc Phi chép các bài hịch "Tiền Xuất Sư Biểu""Hậu Xuất Sư Biểu" của Khổng minh Gia Các Lượng. Hai bên con đường dẫn vào mộ có các tượng người bằng đá và các con ngựa bằng đá, nét điêu khắc thật sắc xảo. Sau khi viếng mô Nhạc Phi, chúng tôi lui ra hướng ngược lại thì chúng tôi thấy bốn bức tượng các gian thần hãm hại Nhạc Phi gồm có: Tần Cối và vợ tên Vương Thị, Mặc-kì Tiết (Mòqí Xié), Trương Tuấn ở thế quỳ gối, tay như bị trói thúc ké phía sau lưng. Người đời thường rất ghét vợ chồng Tần Cối, bánh củ cải chiên mà thường ta hay gọi nháy theo tiếng Quảng Đông là bánh chéo quẩy; đúng ra phải đọc là "dầu cha quẩy" (quỷ chiên dầu) là có ý nói sự tích tượng trưng, đem chiên dầu đôi vợ chồng Tần Cối.

Sau khi viếng mộ Nhạc Phi, chúng tôi được hướng dẫn đi viếng đồn điền trà Long Tỉnh. Vì có nhiếu đoàn du lịch được đưa đến viếng tại đây nên chúng tôi phải chờ hơi lâu. Tại đây chúng tôi được thuyết trình cách sấy trà, chỉ cách phân biệt trà ngon và biết được phương thuốc dùng trà phối hợp với một vài vị thuốc khác để trị bịnh thiên đầu thống (nhức nửa bên đầu) và một vài chúng bịnh khác như bịnh tiểu đường chẳng hạn.

Sau khi viếng cảnh Hàng Châu vào buổi sáng ngày thứ hai và ăn trưa xong thì chúng tôi đi Tô Châu. Đến đây bài viết khá dài, tôi xin tam dừng bài Du Ký Giang Nam ở đây. Xin hẹn quý vị vào một dịp khác để kể tiếp chuyến viếng cảnh Giang Nam còn lại gồm có Tô Châu, Vô Tích và Nam Kinh. Tôi cũng sẽ có thêm bài viết riêng về chuyến viếng thăm Bắc Kinh nếu có dịp sau này.


Trần Ngọc Giang

Ghi chú: Bài viết này khởi sự vào đầu năm 2001, hiệu đính lần sau cùng ngày 05-04-2004. Khi viết bài này tôi có tham khảo nhiều nguồn tài liệu khác nhau nhưng không tiện liệt kê ở đây.