SỐ 22 - THÁNG 4 NĂM 2004

 

Thư tòa soạn

Thơ
Thuở nào
Trần Việt Bắc
Ra đi
Hà Phú Đức
Tháng 3 Paris
Tôn Thất Phú Sĩ
Thơ chữ Hán
Huỳnh Kim Khanh
Muộn màng
Hoàng Mai Phi
Những lá thư ngày cũ
Tóc Tím
Nhớ đêm 29
Đường Sơn
30-4
Ngọc Trân
Xin khất
Song Châu Diễm Ngọc Nhân
Freeway 101
Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn, Tâm bút
Người lính thủy năm nao
Trần Việt Bắc
Hồi ký 30-4
Nguyễn Hồng Quang
Nhiều khi muốn quay về
Phan Thái Yên
Bữa ăn tối
Nguyên Nhi
Nàng Xuân trên đảo Phú Quốc
Phạm Hồng Ân
Chân mang giầy số 6
Song Thao
Đứa con nuôi
Phong Nhĩ Dị Nhân
Ngoại ô đỏ lửa
Cỏ Biển
Hồi ký bạn tù
Hoàng Quốc Việt
Lá thư không gửi - kỳ 8
Trương Thanh Diễm Thùy-Bảo Lộc
Hoa mai
Xuân Phương & HMP
Tháng 4 dục lòng quật khởi
Phạm Văn Thanh
Giang Nam du ký
Trần Ngọc Giang
Một thoáng ngoài kia
Ảnh: Ngô Văn Sơn
Thơ: Vũ Hoàng Thư

Tiểu luận, Biên khảo
Lời với gió chiều
Vũ Hoàng Thư
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - kỳ 9
Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài
Thằng Nèm
Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - kỳ 16
Huỳnh Kim Khanh


 

Nhiều khi muốn quay về

 

Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn
Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về

Tuệ Sỹ

Dùng dằng với múi giờ vừa quen đã vội rời xa, người đàn ông thức giấc vào lúc nửa khuya về sáng đêm đầu tiên trở lại nhà. Mắt biếng lười khép mở, nhấp nhem khung cửa nhờ nhờ màn tuyết lặng lẽ phủ trắng vùng thao thức sâu quá canh tàn. Bâng khuâng trong cảm giác hụt hẫng chơi vơi giữa ra-đi-trở-về, người đàn ông thấy mình như con thuyền say trong giấc mộng trùng khơi, rạt rào con sóng thời gian, lẩn khuất, hiện tiền, bạc đầu bờ lau quá khứ. Người đàn ông nằm nghe thân xác mình mềm theo trí tưởng, chừng muốn nhão ra cho thấm vấy đến tận cùng chốn nơi, đẫm bóng thời gian, lơ lửng trước sau. Đi qua những thành phố mà tự thuở thanh xuân vẫn ước mong được đến một lần, sao nghe lòng bồi hồi nghĩ về ngày tháng cũ học trò mộng ươm từ sách vở.

Chuyến tàu điện tốc hành London - Paris băng mình vội vã cuốn theo buổi chiều đầu mùa xuân vương bụi tuyết. Vợ chồng hân hoan nhìn người thanh niên chững chạc trước mặt. Anh ngồi im lặng phóng tầm mắt nhìn về phía chân trời xa. Họ vừa chợt nhận ra sự trưởng thành của đứa con đi học xa nhà từ gần một năm nay. Họ cười qua mắt nhìn nhau, có lẽ vì nỗi vui từ ý nghĩ vừa thoáng qua đầu. Thằng Bờm của họ. Đứa con của tháng ngày sau cải tạo long đong, bố mẹ sống lén lút giữa Sài Gòn với tuổi tên vay mượn. Đứa bé vừa hơn một tuổi trong trại tị nạn, trên hòn đảo hoang lạ xứ người, bây giờ là một thanh niên tài năng đầy triển vọng, đang tưng bừng sống giấc mộng thanh xuân đời mình. Người vợ, mắt còn cười, nói thầm vào tai chồng.

- Có con trai khôn lớn dẫn cha mẹ đi chơi, sướng chưa !?

Người chồng ôm choàng vai vợ, nhìn con mỉm cười. Con tàu trẻ trung lao mình về phía trước, quăng vụt về sau những ngôi nhà cổ kính rải rác trên cánh đồng vừa tỉnh giấc đông miên, im lìm cây cỏ. Từng mái ngói vướng bụi thời gian ngả màu nâu xám, loáng khuất trong màu xanh non vừa choàng áo mới lên dải bình nguyên đang vươn vai phủi từng mảng tuyết muộn e dè trốn ánh mặt trời.

Người đàn ông ngẩng nhìn khoang trời xanh không một vẩn mây. Con tàu như ngừng lại. Êm đềm. Ông không muốn nhìn xuống để khỏi lạc mất giây phút lắng đọng, mong manh nỗi hạnh phúc nhẹ ngát tơ trời. Những dòng sông, những tình thân, tiếng gió trời, lời ru bên vườn, chiến tranh, hòa bình, cải tạo, thuyền nhân, cuộc sống lưu dân, con tàu, sân ga, ở lại, chia lìa. Tất cả dìu níu vào nhau trong ngờ ngợ chiêm bao, không chiều, không nơi, chẳng trước chẳng sau. Thảng thốt. Chìm sâu.

Người bạn lính cũ, an nhiên sống qua nửa tuổi đời với vợ con trong khu phố ngoại ô London. Tình bằng hữu rộ dậy, vượt thoát vài ngày thăm ngắn ngủi, bởi tiếp dài theo bao năm rượu uống một mình. Câu chuyện thâu đêm nối lại mối lòng chợt rung động hoa niên. Gợi lại những mảnh đời long đong, riêng rẽ mà quen thuộc bởi cùng tang thương trên dòng định mệnh chung của đất nước bất hạnh. Địa danh những con sông dòng kinh họ đã đi qua, quanh co trói buộc một thời trai trẻ. Có gì khác nhau về những cơn say, giọt rượu uống vào, dòng máu đổ ra trên dòng kinh nước đục Tháp Mười hay con nước rã rời lục binh trôi Vàm Cỏ ? Hay những cơn sốt rét kinh niên cho vật vã thêm dòng tháng ngày tù đày khốn khó, chốn núi rừng xa, ngoài Bắc trong Nam. Và như thế, sau ba ngày, ba mươi năm sau, hai người bạn chia tay, thân tình nở hoa thắm trong lòng...

Nhìn khuôn mặt ngạc nhiên lẫn khó chịu của mẹ vì mùi nồng khai lúc họ vừa bước xuống đường hầm metro, người con cười lớn:

- Welcome to Paris !

Rồi đỡ lời. Thật ra thì tất cả những gì ba mẹ đọc từ sách truyện vẫn còn đó. Kinh Thành Ánh Sáng. Đền đài, cung điện, tháp cao... Ngoại trừ những sạp bán sách cũ ở khu Montmartre vẫn chưa mở cửa vì thời tiết còn quá lạnh. Nhưng Le Malentendu thì ba sẽ không cần tìm mua. Too many Marthas these days...Và những Bà-Mẹ-mỏi-mòn, những Người-bõ-già-câm-nín thì cũng đầy rẫy ra đó trong lòng quán-trọ-Châu-Âu sa mạc điêu linh này...

Họ về đến nhà người bạn ở ngoại ô Paris lúc trời đã sập tối. Bạn cũ gặp lại nhau sau hơn ba mươi năm xa cách, ngờ ngợ mái tóc phai bạc thời gian. Chỉ một thoáng thôi để mắt còn kịp rộn nỗi vui náo nức. Ký ức dồn về trong mắt nhìn nhau. Hình ảnh hai gã học trò nghèo trên chiếc xe cà tàng, cong lưng đạp từ cầu Trương Minh Giảng đến trường tận trường Khoa Học. Đêm đã khuya mà câu chuyện vẫn chưa tàn. Hai cảnh đời như hai chiếc thuyền nan trên dòng thác ghềnh khốn khó. Đứa đi cải tạo miệt núi rừng Phước Long. Thằng bị lùa đi học tập lao động ở miền Trung, tiếp theo là những năm tháng tù vì vượt biên thất bại. Hai người mẹ cùng khóc con mình vắn số trong khi chồng thì vẫn biệt tăm trong cảnh giam cầm. Hai ngôi mộ giờ đây nằm lại bên phố vịnh quê hương bơ vơ cát trắng. Từ bao năm rồi mà bố mẹ vẫn nào nguôi nhớ về đứa con yêu nằm gối đầu hướng núi Phước Tường, yên nghỉ ngàn thu... Đâu đây trong gió trời bùi ngùi kỷ niệm thoảng vọng chuỗi cười của bầy trai gái đạp xe về phố. Những chùm chà là xanh chát ngắt vội từ ngọn núi nhỏ rung rinh theo từng vòng bánh quay. Có đôi trò nhỏ vô tư sánh nhịp đạp vòng xe, cùng lăn đời nhau vào cuộc trăm năm. Họ có ngờ đâu khu nghĩa trang đìu hiu hoang cát trắng bên đường sẽ là nơi chôn cất một phần đời của họ.
Người bạn châm thêm rượu vào hai chiếc ly vơi.

- Uống đi mày... Năm bảy ba, ở Võ Bị ra, tao về TQLC đánh nhau ở Hải Lăng được mấy tháng thì nghe tin bạn bè nói mầy đi Giang Đoàn bị tử trận đâu đó dưới vùng Bốn. Năm ngoái, nhận được tin mầy liên lạc tao mới hay chứ mấy chục năm nay cứ đinh ninh mầy đã xanh cỏ rồi.
- Chỉ xém chết thôi. Cũng may. Viên đạn vào sâu thêm tí nữa thì đã phủi chân leo bàn thờ ngồi rồi. Sau mấy lần hai-mươi-chín-ngày tái khám, tao xin đổi về Giang Đoàn ở Hội An. Cưới vợ. Bốn tháng sau thì tan hàng...

Hai người bạn mở cửa bước ra ngoài. Họ đứng trong bóng tối dưới hiên nhà.

- Chuyện đời chẳng biết đâu mà lường. Những năm trong cải tạo, có lúc quá buồn chán, tao đã nghĩ thà ngày trước bị chết ở mặt trận còn hơn phải lây lất sống trong cảnh chết của đói mòn đày ải... Bây giờ thì nhìn con cái khôn lớn, thành tài, làm cha mẹ lòng cũng an ủi phần nào. Chỉ còn nỗi buồn nhớ quê hương, gia đình, đứa con bỏ lại...

Hai người lính già vẫn đứng lặng yên trong nửa khuya về sáng. Khu xóm say ngủ im lìm. Ngọn đèn chong cuối đường cúi đầu, hiu hắt bóng hàng cây đổ dài theo lối gạch nằm trải mình chờ sáng.

Buổi chiều không nắng, gió lồng lộng lạnh căm. Từ ngọn tháp cao nhìn xuống, dòng sông Seine lặng lờ nước nhuốm màu mây tím thẩm. Dòng sông hình như bất động rồi chợt nhỏ nhoi theo nỗi thất vọng xa dài. Có lẽ chuỗi xám trắng dằng dặc của lâu đài, thành quách, đền thờ, đã làm dòng sông nhỏ lại, khúc khuỷu bến bờ. May mà còn có những chiếc cầu nối nhịp qua sông. Nhìn chiếc sà-lan chậm chạp níu dần khoảng cách rồi trong phút chốc mất hút dưới bóng cầu, ông cảm thấy nhẹ lòng và thầm tự trách mình vô lý. Mỗi con tàu đều cần thiết một dòng sông để được lênh đênh và bến hẹn trở về. Lòng ông chùng theo nỗi nhớ về những dòng sông lưu lạc quê nhà. Dòng sông trôi, đẩy nhịp hư vô cuốn trả cơn mơ bất tận kiếp người về lại với cảnh đời dâu biển. Dòng sông trở mình thấm đẫm phù sa, ôm đồm từng nỗi niềm riêng của đá sỏi nghìn xưa mơ hoài một buổi hóa thân. Giấc mơ của đá. Nỗi buồn của từng giọt lệ, từng giọt mồ hôi, rã đọng muối khô vì ngọn gió lịch sử lắm khi tai chướng lọc lừa.

Từ một chiều hương thị còn vàng thơm bọc áo, đứng trên cầu Bến Ngự tần ngần hỏi Mẹ ngả sông mô thì ra tới biển. Ông đã nổi trôi chìm đắm trên dòng sông đời mình, trôi xa khỏi vịnh biển êm đềm, lênh đênh trên khắp cùng sông biển quê hương mà lòng thì mãi nhớ về dòng sông nhỏ bình yên dáng Mẹ. Quê hương đau nắng hạ cũng buồn... Xốn xang lòng ông hình ảnh con tàu chập chùng đêm trên vùng biển phía ngoài phá Tam Giang loáng ánh trăng khuya. Con tàu đi dọc hết biển quê hương để rồi phân vân bước chân gã lính giang hồ qua đôi lần sông sau trước. Những chiều rượu uống ngà ngà say trên bến Ninh Kiều, nhìn bầy lục bình trôi trên dòng sông bát ngát, lòng chợt thấm thía hai tiếng Trường Giang. Đêm Đồng Tháp mù tăm, con kinh dài hơn đêm, hiu hắt ngọn đèn trên bến An Long làm bồn chồn chuyến đò qua Chợ Mới, qua bến Long Xuyên, qua bắc Năng Gù cho lòng lính thú cũng nôn nao ngày phố lớn Sài Gòn.

Ba mươi năm. Dòng nước sông Thu Bồn một cuối tháng Ba đã đẩy đời người vào cuộc truân chuyên, trôi tuốt khơi xa qua bên kia biển. Thôi rồi đêm trăng Thuận Tình mờ mờ cát vàng Xuyên Thọ. Vùng đầm sông nối biển, trộn nước nguồn Ô Lâu-Thu Bồn-Đế Võng với nước biển Đông là dấu mốc oan khiên mặn xát hồn lưu xứ. Người lính trẻ đứng trên chiến thuyền ngoái nhìn doanh trại bốc cháy mà lòng tơi bời mối chung cuộc nhục vinh. Anh lo lắng nghĩ đến người vợ thai nghén đang trông chờ tin chồng từng giây từng phút ở Đà Nẳng. Đôi vợ chồng người bạn sĩ quan vừa cưới nhau xong hai ngày trước ở ngoài Hội An. Cô giáo trẻ trường trung học Nguyễn Duy Hiệu lạy tạ cha mẹ trong ngày cưới để kịp theo chồng. Cuộc tùng phu định mệnh dài suốt kiếp lưu vong. Ba chị em nhà họ Sử, quán Phương, thường ngày xinh như mộng, quên cả làm duyên, ngơ ngác tội nghiệp ngồi quấn vào nhau trên bong tàu gươm súng rộn ràng. Phận người mở ra, khác biệt mà tương quan trong cấp bách sững sờ, khóc khô nước mắt và tương lai vô định mịt mờ.
Ba mươi năm. Bước chân lưu vong đã đi hết biển năm châu nhưng đại dương xô sóng trong hồn vẫn mịt mờ bất tận lối về. Người vẫn mãi trên đường đi, canh cánh bên lòng một quê xưa vàng son và đôi tay không mỏi bồng bế cháu con cho tương lai, cho tự hào, dù sống kiếp lưu dân. Có người từ trong nước, muốn tin mình là "người tử tế", đã lên tiếng rủ rê về một làng xưa, có chùm "khế ngọt" đong đưa đêm "trăng tỏ" để lem thèm đoàn lưu dân họ những tưởng đã đi hết biển. Tội nghiệp con thú hang sâu xiềng xích chưa lìa, chân quen bước quẩn quanh, mắt còn nhấp nhem vì chút ánh sáng từ cửa động đã lên tiếng thương hại bước chân đồng loại ra đi, hú gọi quay về. Tội nghiệp giấc mơ nhỏ nhoi, ngắn ngủn, héo rũ khi ánh dương lên. Tội nghiệp người đánh cá, im lìm mệt mỏi, phải về lại bến sông cho kịp mỗi ngày lên, trên chiếc thuyền buồm vá nát rách bươm, bỏ lại đêm rộng trời cao và gió trăng phía ngoài cửa biển. Tội nghiệp người đàn bà đôi vú héo hon, vội vã cho kịp thêm một ngày đi gánh nước sông. Vợ chồng gặp nhau trên quãng đường đê. Cả hai đều thiếu ngủ, chào nhau bằng tiếng ho khan. Những giấc mơ đã không còn...

Người đàn ông ngồi dậy, định bụng làm vài động tác vươn vai cho tỉnh người nhưng rồi chỉ lặng lẽ bước ra khỏi phòng ngủ. Ý nghĩ về buổi chiều trên tháp Eiffel gió lộng và một dòng sông đã trôi đi khiến ông bồi hồi đứng lại, nhắm mắt hồi lâu.

Sương mù theo buổi chiều sa xuống mặt nước sông Seine khuất lấp mù tăm. Ngọn tháp như bị bứng gốc, lơ lửng trong gió xám lồng lộng thổi quanh. Thành phố bên dưới vừa lên đèn, qua màn sương, mơ hồ như một cõi khác xa vời...
Mùi café thơm lừng làm ông tỉnh táo. Vợ chồng vừa trở về cõi riêng thân thuộc của mình. Khu vườn sau nhà tuyết đọng tinh khôi. Người đàn ông âu yếm quàng vai vợ, ly café bốc khói trên tay. Buổi sáng ở Bruxelles, tuyết cũng rơi nhiều như sáng nay.

Phan Thái Yên
4/2004