SỐ 22 - THÁNG 4 NĂM 2004

 

Thư tòa soạn

Thơ
Thuở nào
Trần Việt Bắc
Ra đi
Hà Phú Đức
Tháng 3 Paris
Tôn Thất Phú Sĩ
Thơ chữ Hán
Huỳnh Kim Khanh
Muộn màng
Hoàng Mai Phi
Những lá thư ngày cũ
Tóc Tím
Nhớ đêm 29
Đường Sơn
30-4
Ngọc Trân
Xin khất
Song Châu Diễm Ngọc Nhân
Freeway 101
Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn, Tâm bút
Người lính thủy năm nao
Trần Việt Bắc
Hồi ký 30-4
Nguyễn Hồng Quang
Nhiều khi muốn quay về
Phan Thái Yên
Bữa ăn tối
Nguyên Nhi
Nàng Xuân trên đảo Phú Quốc
Phạm Hồng Ân
Chân mang giầy số 6
Song Thao
Đứa con nuôi
Phong Nhĩ Dị Nhân
Ngoại ô đỏ lửa
Cỏ Biển
Hồi ký bạn tù
Hoàng Quốc Việt
Lá thư không gửi - kỳ 8
Trương Thanh Diễm Thùy-Bảo Lộc
Hoa mai
Xuân Phương & HMP
Tháng 4 dục lòng quật khởi
Phạm Văn Thanh
Giang Nam du ký
Trần Ngọc Giang
Một thoáng ngoài kia
Ảnh: Ngô Văn Sơn
Thơ: Vũ Hoàng Thư

Tiểu luận, Biên khảo
Lời với gió chiều
Vũ Hoàng Thư
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - kỳ 9
Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài
Thằng Nèm
Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - kỳ 16
Huỳnh Kim Khanh


 

Lời với gió chiều

 

Vũ Hoàng Thư

1.

Nắng trải vàng bên sườn núi, chiều đi về chầm chậm. Chỉ còn gió là lời nói qua lại bên hàng cây nghe xào xạc. Một nhánh vờn nhẹ theo gió rồi ngưng hẳn và những chiếc lá khác đang rung. Một cành cây vừa ngưng trong khi triệu lá hát. Mối giao tình riêng biệt tạm ngưng cho muôn ngàn niềm dâng nhẹ nhàng trở về với chiều ? Gió thênh thang không bận lòng với câu hỏi. Chiều nghe êm khi lòng trải dài theo cuối ngát biển xa. Mọi câu hỏi cũng như trả lời đều trở nên thừa trong chiều mênh mông. Ý bay trôi. Lời muốn mở. Một đôi thoáng ngập ngừng. Phải chăng cái đang giữ lại đẹp muôn vàn không vì những gì muốn nói nhưng vì nó vẫn còn đây chưa rời mất. Lời thơ Emily Dickinson bay về lãng đãng trong gió chiều như ngọn cô phong giữa những điệp trùng tuyệt đỉnh của thi ca. Từ căn phòng cô độc nhìn ra khu vườn ở Amherst trước đây gần hai thế kỷ, hơn một ngàn bảy trăm bài thơ gởi ra thế giới bên ngoài mà Dickinson gọi là “thư gửi cho đời” (letters to the world). Thế nhưng đời đã quên mất hồi âm cho cô. Đời quên mất như đời vẫn thường quên hay đời không biết đến cô vì chưa bao giờ nhận được thư, nhưng dầu thế nào đi nữa thì đời cũng đã vô tình với thi nhân. Những “bức thơ” được tiếp tục gửi đi cho đến sau khi Dickinson mất đi ở vào tuổi 55 thế giới mới biết đến những thông điệp của nàng xếp chồng trong ngăn kéo.

Chữ chết đi
Khi vừa thốt
Người bảo vậy.
(Emily Dickinson)

Nói hay không nói vẫn là một vấn đề được bàn cãi mãi không thôi. Nhưng khi bàn về vấn đề “không nói” thì người ta vẫn cứ phải nói đấy chứ. Tôi phải nói để khẳng định rằng “tôi không muốn nói”. Đó là một trùng phức của ngôn ngữ. Ông Khổng Khâu với bao nhiêu là kinh sách và đệ tử thế mà cuối cùng ông phải nói : “Dư dục vô ngôn.” Ta đâu có muốn nói. “Thiên hà ngôn tai?” Ông Trời nào có nói gì đâu? “Tứ thời hành yên, vạn vật sinh yên, thiên hà ngôn tai?” Bốn mùa qua lại, vạn vật sinh trưởng, trời có nói gì đâu? Thì ra ông Trời cũng đã bước qua cái ngõ bí khó xử như con người vậy.

Chữ chết đi
Khi vừa thốt
Người bảo vậy.
Tôi cho rằng
Lời sống dậy
Lúc rời môi

(A word is dead
When it is said,
Some say.
I say it just
Begins to live
That day.

Emily Dickinson)

Đó là lối nói của cốt cách thiên tài dẫn nhập vào một lối ngỏ kỳ bí của thi ca. Chữ chết đi cho Lời sống lại. Con chữ tái sinh sau khi bị tuyên án tử hình. Những gì đã bị giết chết là loại ngôn từ của phân chia biện biệt, của biên kiến nhị nguyên. Ngôn ngữ sống lại, bây giờ dưới một hình thức mới, nghĩa mới. Lời bây giờ không phải là lời của ước lệ thường tình, lời bây giờ trở thành những cung bậc, những nấc thang cho người bước vào chốn mà ở đó mọi sự, “tứ thời hành yên, vạn vật sinh yên...”

“Tôi cho rằng / Lời sống dậy / Lúc rời môi”, viết xong đến đó, Dickinson liền im lặng. Bài thơ thật ngắn và chấm dứt ngay tại đây, không thêm một chữ nào. Thế mà dường như một âm ba trầm động ở phía sau bài thơ nổ bùng như giờ khai điểm của vũ trụ, tự nó bừng sống trong cuộc tái tạo của riêng mình vào giây phút thinh lặng nhất trong mọi thinh lặng, vì mọi ồn ào, chao động của ngôn từ phân biệt đã chết. Tự nó đã đủ và trọn vẹn từ đây, không dư và không thiếu một cái gì khác, tự nó đã viên dung và viên mãn nếu dùng theo thuật ngữ của Phật học. Mọi lời thưa thốt khác sẽ thừa thãi, sẽ vô nghĩa, vì mọi lời, Chữ chết đi / Khi vừa thốt...” Chỉ còn lại lời-của-không-lời tản mạn với gió trong chiều nay.

Có một lần Nham Đầu, Tuyết Phong và Khâm Sơn đang nói chuyện, Tuyết Phong chỉ vào bồn nước trong.
Khâm Sơn nói, “Nước trong, trăng tự hiện.”
Tuyết Phong nói, “Nước trong, trăng chẳng hiện!”
Nham Đầu không nói, đạp đổ bồn nước đi.

(Ngũ Đăng Hội Nguyên)


2.

Gió chiều muôn đời là những bài ca bất tận, những réo gọi kể từ khi Apollo bắt đầu dạo đàn. Cây đàn lyre của Thần Nhạc rung lên từng chặng theo điệu múa của Phong Thần. Và như thế gió vẫn hát ngay cả khi thần Apollo ngưng đàn. Âm nhạc không chỉ gồm có âm thanh của những nốt được đánh lên, nhưng đó đây nó còn mang những dấu lặng, những khoảng không im. Nhạc cụ nào có thể đánh lên những dấu lặng ngoài việc ngưng lại mọi động tác của tất cả nhạc sĩ trong dàn nhạc ở giây phút đó. Giây phút hồi lưu về nguồn thinh lặng giữa hai lần rung động của nốt nhạc, của âm ba, của sáng tạo. Thế nhưng hình như con người chỉ biết nghe và đợi chờ những nốt nhạc. Sự chăm chú của họ bây giờ tiếc thay chỉ còn là sự lắng nghe một nửa phần của âm nhạc, còn một nửa kia, số phận của những dấu ngừng, bị lãng quên và lang thang với gió đợi chờ một đồng vọng. Đâu đó niềm giao hưởng tìm về một tương ưng đáp đôi cánh đậu trên đôi vần lục bát hắt hiu,

Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không

(Bùi Giáng – Mưa Nguồn)

Đã bao giờ ta tìm thấy một màu trăng uyên nguyên ? Đã bao giờ có bao giờ ? Những sau trước vẫn đợi chờ trước sau ? Hỏi là để mở ra cái thinh lặng nhiệm mầu đàng sau dấu hỏi. Ở bên này hay ở bên kia, thế kỷ trước hay thế kỷ sau, hay dù cho cả triệu năm nữa, tất cả đều dội về một màu trăng ban sơ, I say it just / Begins to live. Trăng bao giờ cũng nguyên lấy một màu trắng. Trắng là hợp quang của tất cả mọi màu sắc nên trắng vô sắc, nó bao hàm mọi tinh thể của tất cả màu.

Trên những lối ngõ thời gian tạm gọi là trước sau, khoảng một thế kỷ sau Dickinson, Octavio Paz, nhà thơ Mễ Tây Cơ, giải văn chương Nobel năm 1990, bước những bước chênh vênh dội vang từng góc phố, từng nẻo nghách đời. Những bước chân vang rền trong khoảng phi thời gian, phi không gian như tựa đề của bài thơ : Ở Đây – Hiện Tiền – Here – Aquí.

bước chân tôi dọc phố này
nghe đồng vọng
gõ ngân dài phố bên
vẫn âm tiếng điệu nghe rền
nhịp lân la lại
điềm nhiên dội về
mà bên này hết bốn bề

chỉ còn sương, thật, sương che thật là

(My steps along this street
resound
in another street
in which
I hear my steps
passing along this street
in which

Only the mist is real

Octavio Paz)

Chân đi. Nhịp thời gian trôi. Chân bước. Vùng không gian xoay chiều. Ở bên này tôi nghe tiếng chân bước bên kia. Ở phía bên kia tiếng chân của chính tôi dội lại bên này. Bên kia trở thành bên này. Ta nghe đủ cả những âm vọng của quá khứ, tương lai, hiện tại nhập lại làm một, tất cả hiển hiện Ở Đây, Hiện Tiền, Here, Aquí. Biên giới của không gian, mốc điểm của thời gian đã xóa mờ. Ta là trung tâm, ta là biên cảnh, ta bao la cùng khắp mọi nơi.Tất cả quyện tròn trong một màn kịch câm, mơ hồ như bóng nắng, huyễn hoặc ở phía bên kia. Còn phía bên này ? Điều có thể thấy được, tưởng chắc là thật hóa ra là sương mong manh. Chỉ còn sương, chút sương che là thật phía bên này,

Only the mist is real

Và khi màn sương tan, cái gì sẽ còn lại ? Lời Nagārjuna như sấm động dội về giữa vùng sương khói mờ ảo :

Như huyễn hóa, như mộng mị, như lâu đài giữa hư không, tất cả sự hiện khởi, tồn tục và tan biến đều như vậy.

(Như huyễn diệc như mộng
Như Càn thát bà thành
Sở thuyết sanh trụ diệt
Kỳ tướng diệt như thị

Madhyamika – VII, 35)


Vũ Hoàng Thư
S.B., Tháng Tư, 2004